‘Cách mạng do nhân dân’ nhưng vẫn phải ‘giữ vững
ổn định chính trị’?
Trân Văn
Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vừa chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp phải phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau, xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích dân tộc (*)...
Diễn văn của ông Trọng ở Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930) – sau này trở thành Ngày Truyền thống của MTTQ Việt Nam rồi được khoác thêm tấm áo Ngày hội Đoàn kết toàn dân – giống như bản tóm tắt các mâu thuẫn căn bản nhất tại Việt Nam và ông Trọng nói riêng, đảng CSVN nói chung, không những không chấp nhận mà luôn sẵn sàng nghiền nát tất cả khác biệt.
Làm sao có thể phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau, xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau khi ông Trọng tiếp tục thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam khăng khăng đồng hóa lợi ích dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN?
Thậm chí trong diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm vừa kể, ông Trọng không quên lặp lại điều mà ông thường xuyên nhấn mạnh là… nguy cơ gây mất ổn định do tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Khi ông Trọng và đảng của ông vẫn xem những đảng viên đề nghị xem lại vai trò, vị trí của đảng cả trong sinh hoạt chính trị lẫn quản trị – điều hành xã hội là các phần tử nguy hiểm phải trừng phạt thích đáng để làm gương thì yêu cầu hệ thống MTTQ Việt Nam phải trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng trong xã hội rõ ràng là… nói lấy được! MTTQ chỉ có thể thực hiện được yêu cầu đó, theo hướng đó khi 100 triệu người Việt trở thành… cừu!
Chỉ đạo phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau, xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau nhưng vẫn khẳng định những cá nhân nghĩ khác, muốn khác là các thế lực thù định và thường xuyên nhấn nhá các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá đảng, Nhà nước và đất nước ta là những thách thức rất lớn trong thời gian tới thì đó là loại dân chủ gì, thân ái ra sao?
Chẳng lẽ ông Trọng không ngượng khi dùng những mỹ từ bàn bạc, bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau, xoá bỏ định kiến, chấp nhận những điểm khác nhau?
Đã tổ chức săn đuổi, loại trừ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khẳng định lợi ích dân tộc là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN mà còn dám tuyên bố cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, rõ ràng ông Trọng có chỗ… hơn người!
Chỉ không biết thẹn mới có thể vừa bảo cách mạng do nhân dân, vì nhân dân, vừa chỉ đạo MTTQ các cấp phải giúp đảng bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững ổn định chính trị!
*
Trân Văn 19/11/20 (Voa Viet)
Chú thích
**
Nhận xét
Đăng nhận xét