Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 3

 


 Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 3

 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài 3 - TRẦN BẠCH ĐẰNG: NGƯỜI LÃNH ĐẠO MẶT TRẬN ĐÔ THỊ 

Trần Bạch Đằng

Trần Bạch Đằng là một đảng viên Cộng sản cao cấp, giữ vai trò lãnh đạo mặt trận đô thị thời chiến tranh Việt Nam. Quyền hạn và trách nhiệm của ông ta bao trùm nhiều lãnh vực: Tuyên huấn, Mặt trận, Hoa vận, Trí vận, Thanh vận tức là Thanh niên Sinh viên - Học sinh vận và Ban Cán sự nội thành. Trong đó, Trí vận và Thanh vận là những trọng điểm, mà mũi xung kích là phong trào sinh viên học sinh với những cuộc tranh đấu sôi nổi nổ ra thường xuyên ngay tại Thủ đô Sài Gòn vào khoảng từ 1966 tới 1972. Do đó, Trần Bạch Đằng là cấp lãnh đạo trực tiếp cao nhất của Thành Đoàn Cộng sản trong Mặt trận Đại học. 

Cũng chính nhân vật Trần Bạch Đằng này là một trong những cấp chỉ huy cao cấp trong trận “Tổng Tấn công và Nổi dậy” Tết Mậu Thân năm 1968 đánh vào Thủ đô Sài Gòn. Ông ta đã cùng với Võ Văn Kiệt phụ trách Bộ Tư lệnh tiền phương Nam (Trần Văn Trà và Mai Chí Thọ phụ trách Bộ Tư lệnh tiền phương Bắc). Vào thời điểm đó, Trần Bạch Đằng đang là thường vụ Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định. Vì vị thế đặc biệt này, ông ta được giao nhiệm vụ soạn thảo phương án tấn công Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Sau trận Tết Mậu Thân, Trần Bạch Đằng nắm chức vụ bí thư Thành uỷ, rồi bí thư Đặc khu Sài Gòn – Gia Định. 

Đó là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chính trị của ông ta. Vị trí của Trần Bạch Đằng quan trọng như thế, nhưng rất ít người nghe biết danh tính ông ta. Sau ngày 30-4-1975, không riêng gì dân Sài Gòn mà cả dân chúng Miền Nam và Miền Bắc mới biết nhiều tới tên tuổi Trần Bạch Đằng. Nhưng có lẽ quần chúng vẫn không biết nhiều đến vai trò quan trọng trong thời chiến của ông ta cho bằng biết tới ông ta qua những bài báo và bộ phim 8 tập Ván Bài Lật Ngửa mà ông là tác giả chuyện phim, bút hiệu Nguyễn Trương Thiên Lý. 

Dân chúng ít biết đến Trần Bạch Đằng, nhưng người Mĩ biết rõ về ông ta và họ đã từng tìm cách giao tiếp với ông ta trước thời gian xẩy ra trận đánh Tết Mậu Thân 1968. 

Kể từ 1972, Trần Bạch Đằng bị hất ra khỏi những vị trí quyền lực. Và sau 30-4-1975, có thể nói, ông không còn hiện diện trên chính trường. Những người am hiểu đều cho rằng Trần Bạch Đằng là “một người Cộng sản đa tài nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời”! 

I. VÀI HÀNG VỀ THÂN THẾ 

Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều, sinh năm 1926 tại Rạch Giá (Kiên Giang). Trần Bạch Đằng kể lại, ông ta vốn dòng Nho gia, nhưng đến đời cha mẹ thì sa sút, khiến cho gia đình phải trôi dạt khắp Miền Nam. 

1938-39: Học lớp Nhất Tiểu học (lớp 5 ngày nay) tại Bến Cá, Biên Hoà. 

Lớn lên, khi tham gia hoạt động, đổi tên là Trần Bạch Đằng và lấy bí danh là Tư Ánh. Ngoài Trần Bạch Đằng ra, ông ta có nhiều bút hiệu: Viết văn: Nguyễn Trương Thiên Lý, Nguyễn Hiểu Trường; làm thơ: Hưởng Triều; viết chính luận: Trần Quang, Đại Nghĩa; viết báo: Trương Chí Công, Lê Văn Ba và Văn Lê. 

Năm 1951, Trần Bạch Đằng cưới vợ tại Rạch Giá. Vợ ông ta tên thật là Tôn Thị Hưởng, tên công tác là Nguyễn Thị Chơn (Bút hiệu Hưởng Triều là ghép tên vợ Tôn Thị Hưởng với tên chồng Trương Gia Triều). Về dung mạo, hình chụp Trần Bạch Đằng thời thanh niên có khuôn mặt dưới trung bình, một con mắt hí, miệng méo (cho nên có hỗn danh là Tư Méo)... Chính vợ ông ta là Nguyễn Thị Chơn (1) đã xác nhận với bạn là nhà văn người Pháp Madeleine Riffaud rằng: “Tao có một ông chồng cực kỳ xấu trai”. (2) 

Ngoài bề dầy thành tích hoạt động đáng kể, Trần Bạch Đằng còn có khả năng viết nhiều thể loại: Văn, thơ, kịch, xã luận, nghiên cứu. Nổi bật là cuốn tiểu thuyết Giữa Biển Giáo Rừng Gươm được đạo diễn Khôi Nguyên (tức Lê Hoàng Hoa) sửa chữa và đóng thành bộ phim Ván Bài Lật Ngửa (8 tập). Trần Bạch Đằng cũng cùng Trần Văn Giàu chỉ đạo biên tập bộ Địa Chí Văn Hoá Thành Phố HCM (Nhiều tác giả. 4 tập) và là tổng biên tập bộ Lịch Sử Nam Bộ Kháng Chiến (4 tập). 

II. THỜI CHỐNG PHÁP 

Năm 16 tuổi, 1942, Trần Bạch Đằng bỏ nhà đi theo “Cách Mạng”, từng làm phu cạo mủ cao su, dạy học, rải truyền đơn. 

Năm 1943, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và lấy tên là Trần Bạch Đằng. 

Thời gian sắp xẩy ra cuộc cướp chính quyền tại Sài Gòn ngày 23-8-1945, Trần Bạch Đằng tham gia Thanh niên Tiền phong và Đoàn Thanh niên Cứu quốc. 

Khi quân Pháp trở lại Sài Gòn, Trần Bạch Đằng theo Xứ uỷ Cộng sản Nam Bộ bỏ Sài Gòn và rút vào bưng biền. 

Cuối tháng 12-1945, đang là bộ đội thì Xứ uỷ Nam Bộ ra lệnh cho ông ta về Sài Gòn lo xây dựng cơ sở Đảng, đoàn thể và tham gia vào công tác thành lập Thành uỷ lâm thời, lấy tên công khai là Uỷ ban Cán bộ Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Trần Bạch Đằng tập tễnh cầm bút vào khoảng đầu năm 1946. Vài tháng sau, được giao nhiệm vụ “vận động” báo chí công khai, cho nên ông ta có dịp tiếp xúc và hợp tác với Trần Tấn Quốc (bí danh Nguyễn Trần) và Nguyễn Văn Sinh. Nguyễn Văn Sinh và Trần Bạch Đằng từng sinh hoạt chung một chi bộ Đảng với nhau. Nguyễn Văn Sinh viết mục Trớ Trêu cho báo Điện Tín, kí tên Nam Quốc Cang. 

Cuối năm 1946, Trần Bạch Đằng trở thành uỷ viên thường vụ Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách tuyên huấn, bao gồm các công tác mặt trận, viên chức, thanh niên, báo chí công khai. 

Tháng 4 năm 1947, Trần Bạch Đằng được điều ra Đồng Tháp Mười. Lúc đó Lê Duẩn đã từ Côn Đảo về và đang nắm chức bí thư Xứ uỷ, ông ta giao cho Trần Bạch Đằng phụ trách Ban Thanh vận Xứ uỷ, bí thư Xứ đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ, kiêm phó Ban Tuyên huấn Xứ uỷ, kiêm công tác ở văn phòng Xứ uỷ và Kỳ bộ Việt Minh, lại còn được nâng lên là uỷ viên dự khuyết của Xứ uỷ Cộng sản Nam Bộ. Thời gian này, Trần Bạch Đằng còn phụ trách các tờ báo của Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ, Liên Đoàn Thanh Niên Nam Bộ. (3) 

Đầu năm 1949, Trần Bạch Đằng được chọn tham gia đoàn đại biểu Nam bộ ra Bắc dự Đại hội Đảng toàn quốc II tại Việt Bắc. Khi ra tới Đại Lãnh thì ông ta bị Pháp bắt giao vào Sài Gòn, rồi bị dẫn giải xuống đồn Chợ Giồng (Vĩnh Lợi, Gò Công). Tại đây, Trần Bạch Đằng tổ chức vượt ngục tập thể thành công. 

Cuối năm 1951, mới 25 tuổi, Trần Bạch Đằng đã trở thành cán bộ cấp cao, phụ trách nhiều công tác: Xứ đoàn trưởng Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ, phó Ban Dân vận, phó Đoàn Kiểm tra Trung ương Cục, phó Ban Tuyên huấn Trung ương Cục (Hà Huy Giáp làm trưởng ban), thay Lưu Quý Kỳ làm chủ bút tờ Nhân Dân Miền Nam. Lại nhận lệnh ra tờ Tiểu Thuyết Nhân Dân và chịu trách nhiệm tờ Việt Xô! Trần Bạch Đằng điều khiển thành công tờ Nhân Dân Miền Nam, báo bán, in tại nhà in Trần Phú đặt trong chiến khu. Tờ báo này đóng vai trò quan trọng trong mặt trận tư tưởng và chính trị khắp Tây Nam Bộ. 

Đến khoảng năm 1952 -1953, Cộng sản chuyển hoạt động sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Trần Bạch Đằng chỉ đạo Xứ Đoàn và các Tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc gia nhập các Đội Tuyên truyền Xung phong tại các tỉnh. Tại đô thị, các Đội Tuyên truyền Xung phong kêu gọi giáo chức, sinh viên, học sinh bãi khoá; công nhân, viên chức bãi công; thương gia, tiểu thương bãi thị để yểm trợ cho chiến dịch tổng phản công được mau thắng lợi. 

Ngày 5-3-1953, Stalin chết. Không phải chỉ có Tố Hữu khóc Stalin, Trần Bạch Đằng cũng khóc thương Stalin, ông ta viết: “Lễ truy điệu Stalin đã tổ chức trang trọng tại toà soạn báo Nhân Dân Miền Nam. Tôi đã phát biểu ứng khẩu những cảm xúc của mình trước tin này. Tôi nói trong nước mắt những điều tôi thấy đúng là mất mát. Anh Việt Hùng đã ghi lại bài nói đó và báo Nhân Dân Miền Nam đã đăng. Tôi không có gì phải “ân hận” về điều mình nói”. (4) 

III. SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE 1954 

Sau Hiệp định Genève 1954, Trần Bạch Đằng nằm trong danh sách được lệnh lén ở lại Miền Nam và được Lê Duẩn giao cho nắm Ban Tuyên huấn, nhiệm vụ bố trí các cán bộ hoạt động công khai, hoặc nửa công khai trong lãnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí, giáo dục, nhà in; đồng thời kết nạp vào “tổ chức” những thành phần mới. 

Đây là vị trí và nhiệm vụ rất quan trọng của Trần Bạch Đằng. Để tiện chỉ đạo công tác, khoảng cuối tháng 11-1954, Trần Bạch Đằng giả làm phóng viên Báo Đuốc Nhà Nam của Trần Tấn Quốc để về Sài Gòn. Tại Sài Gòn, ông ta liên tục thay đổi chỗ ở, có lúc đã ở tại nhà của Gs. Dương Văn Thới, cha của Bs. Dương Quỳnh Hoa. 

Văn phòng Ban Tuyên huấn của Trần Bạch Đằng đặt trên trần nhà của một “cơ sở” trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). 

Trần Bạch Đằng cho chuyển một phần máy móc của nhà in Trần Phú từ chiến khu vào Sài Gòn để thành lập cơ sở in ngay trong thành phố và cài đặt các tay biên tập từ chiến khu về để viết cho các tờ báo công khai: Sơn Nam, Đặng Triều Dương (báo Nhân Loại); Nguyễn Văn Hiếu (báo Tiếng Chuông); Thiếu Sơn, Triệu Công Minh, Ái Lan, Dương Tử Giang xâm nhập vào các tờ báo khác; Trương Bỉnh Tòng dạy ca vũ; Mộng Quyền (Phúc Vân) bán sách. Một số cán bộ từ nơi khác vào Sài Gòn làm báo, như Vũ Hạnh, Thu An, Thái Bạch... Các cán bộ Cộng sản nắm trọn các tờ Nhân Loại, Phòng Thương Mại, Ban Mai hoặc viết xã luận cho các tờ Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới. Họ cũng gây nhiều ảnh hưởng trong các tờ Dân Chủ, Thần Chung. Tích cực trong làng báo nhất là Dương Tử Giang, Triệu Công Minh, Ái Lan, Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Văn Tài, Thành Hương. 

Thời gian này, Tư Ánh (bí danh của Trần Bạch Đằng) chỉ đạo lập ra Phong trào Đấu tranh Bảo vệ Hoà bình (Phong trào ĐTBVHB), mục tiêu là đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Ls. Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo mặt nổi cho tổ chức này. 

Mặc dù phía Việt Cộng đã cài đặt lực lượng như thế, nhưng gặp đúng vào thời cực thịnh của nền Đệ Nhất Cộng Hoà, các nỗ lực “tố Cộng”, “diệt Cộng” rất thành công. Sau đợt tập kết ra Bắc, Cộng sản còn cài lại ở Miền Nam khoảng 60 ngàn cán binh, nay bị tiễu trừ chỉ còn lại 5 ngàn. Báo chí công khai, nửa công khai của Cộng sản dần dần bị tiêu tùng hết. Ls. Nguyễn Hữu Thọ và các trí thức tham gia Phong trào ĐTBVHB bị bắt (1956). Sở Nghiên cứu Chính trị của Bs. Trần Kim Tuyến đã biết Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) là tay chủ chốt các hoạt động nội thành và ráo riết truy lùng nhân vật này. 

Đầu 1957, để bảo tồn lực lượng, Xứ uỷ Cộng sản phải chạy lên Nam Vang ẩn náu.

Tháng 4-1957, Trần Bạch Đằng lên tới Nam Vang cùng với vợ con. Ban Tuyên huấn của ông ta đóng ở vùng Takhmau, Psar Xiláp. Từ Nam Vang, thỉnh thoảng ông ta lén về nước để làm công tác tại mấy tỉnh miền Đông. 

Đại hội Xứ uỷ II do Lê Duẩn chủ toạ bàn đến “khả năng dùng bạo lực quần chúng chống lại bạo lực phản cách mạng”, rồi ông ta ra Bắc vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tới Tháng 9 năm 1960, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong Đại hội Toàn quốc III. 

Năm 1958, Đại hội Xứ uỷ III vẫn chưa tìm ra đường lối chiến lược; đang khi đó, Thành uỷ Sài Gòn bị tổn thất nặng. Bí thư Thành uỷ Trần Quốc Thảo bị bắt và chết. Võ Văn Kiệt lúc đó đang là phó bí thư liên tỉnh miền Tây phải kiêm thêm tỉnh Gia Định vì bí thư tỉnh Gia Định Nguyễn Trọng Tuyển bị tử thương. 

Đầu năm 1959, Đại hội Xứ uỷ IV chủ trương phải dùng bạo lực chống lại bạo lực, đưa tới cuộc “Đồng Khởi” nổ ra tại Bến Tre năm 1959. 

Đầu năm 1960, cơ quan Xứ uỷ Nam Bộ trở lại đất Việt Nam, đóng ở miền Đông. Ban Tuyên huấn Xứ uỷ của Trần Bạch Đằng chọn địa điểm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông làm căn cứ. Công tác báo chí bắt đầu sống lại. 

Ban Tuyên huấn Xứ uỷ, gồm có các tiểu ban tuyên truyền, thông tấn xã, đài phát thanh (chưa phát được tiếng nói), huấn học, trường Đảng, giáo dục, văn nghệ, các tờ báo và tạp chí của Đảng. 

Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20-12-1960. Trần Bạch Đằng là uỷ viên chủ tịch đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, phụ trách thông tin, văn hoá, kiêm chủ tịch Hội đồng Văn học Nghệ thuật Giải phóng. 

Mùa mưa 1961, Đài Giải phóng ra đời tại Mã Đà, Chiến khu Đ. Sau lại chuyển về Chiến khu Dương Minh Châu. Đài phát tiếng vào dịp Tết 1962. Trần Bạch Đằng phụ trách viết xã luận. 

Cũng từ 1961, Xứ uỷ Cộng sản Nam Bộ lấy lại tên cũ là Trung ương Cục. 

Tháng 4-1965, Trần Bạch Đằng được lệnh rời Ban Tuyên huấn về làm uỷ viên thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Ông ta thuật lại như sau: “Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định (T4) họp Hội nghị tháng 4.1965, bổ sung nhân sự theo quyết định của Trung Ương Cục và bầu ban lãnh đạo. Bí thư là đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Võ Văn Kiệt, Thường vụ gồm tôi, anh Nguyễn Thái Sơn, Trần Đình Xu và một số đồng chí nữa. Một thời gian sau, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở về Trung Ương Cục, đồng chí Võ Văn Kiệt là Bí thư, Thường vụ Khu uỷ thêm đồng chí Mai Chí Thọ. Tôi được phân công phụ trách Tuyên huấn, Mặt trận, Trí vận, Hoa vận và Thanh niên, đồng thời phụ trách Ban Cán Sự Nội Thành (gồm các đồng chí Thường vụ và Khu uỷ viên chuyên trách nội thành). Nội thành, ngoài mười quận, thêm Thị xã Gia Định, Quận Phú Nhuận, Tân Bình và Gò Vấp. Ban Cán Sự Nội Thành phát triển lên thành Thành Uỷ từ sau Mậu Thân”. (5) 

Do vị trí này, Trần Bạch Đằng chỉ đạo các hoạt động tuyển mộ, móc nối các trí thức Sài Gòn vào mật khu tham gia Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, như Ls. Trịnh Đình Thảo, Gs. Nguyễn Văn Kiết, Bs. Dương Quỳnh Hoa, Ks. Trương Như Tảng, Gs. Bùi Thị Mè, nhà văn Thanh Nghị... 

Trần Bạch Đằng tích cực vận động các chính khách, các tu sĩ thiên tả, giới sinh viên học sinh, giới tiểu thương, tín đồ các tôn giáo, nhất là nhóm Phật giáo Ấn Quang…, mục đích là dùng họ để làm rối loạn hậu phương, gây bất ổn chính trị, gây dư luận ác cảm của quốc tế đối với người Mĩ và chính quyền VNCH. Riêng phong trào sinh viên học sinh tranh đấu tại Thủ đô Sài Gòn (Thành Đoàn Cộng sản lãnh đạo) là mũi nhọn xung kích trong mặt trận đô thị do Trần Bạch Đằng chỉ đạo trực tiếp ở cấp cao, thường phối hợp với các cuộc đình công bãi thị của thợ thuyền và tiểu thương... 

Văn học nghệ thuật và nhất là báo chí cũng là một mặt trận có tầm ảnh hưởng lớn lao. Từ 1965 trở đi, Trần Bạch Đằng ráo riết vận động báo chí để thổi bùng lên cao trào quần chúng tranh đấu chống chiến tranh xâm lược, đòi Mĩ chấm dứt phá hoại Miền Bắc, đòi tự do, dân chủ, bảo vệ văn hoá dân tộc. Việt Cộng dùng cả 3 loại báo: Báo công khai hợp pháp, báo bán công khai và báo bí mật. Báo công khai hợp pháp: Cài đặt cán bộ cộng tác với các báo Tin Sáng, Đại Dân Tộc, Thần Chung, Tiếng Dội... Báo bán công khai được lưu hành hợp pháp: Các báo của Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn, báo của các Phân khoa Đại học và Trung học, dùng cán bộ chưa bị lộ để ra báo Hồn Trẻ (của Thành Đoàn), Tin Văn (của Đảng uỷ Văn hoá - Văn nghệ). Báo bí mật: Tri Thức Mới, Ngọn Cờ Gia Định (cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định). 

Trần Bạch Đằng còn chỉ đạo các nghiệp đoàn, các tổ chức phụ nữ, các tổ chức văn hoá ra báo; chỉ đạo các tổ chức chính trị như Mặt trận Quốc gia Tiến bộ, Lực lượng bảo vệ Văn hoá Dân tộc ra tuyên cáo hoặc thông cáo đòi hỏi, phản đối, tố cáo Hoa Kì và Chính quyền VNCH và dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp để phổ biến rộng rãi. 

Về quân sự, trong trận “Tổng công kích và nổi dậy” đánh vào Sài Gòn hồi Tết Mậu Thân 1968, Trần Bạch Đằng đã cùng với Võ Văn Kiệt phụ trách Bộ Tư lệnh tiền phương Nam. Trận tổng tấn công này nhằm 2 mục tiêu: Chiến thắng quân sự kết hợp với tổng nổi dậy để cướp chính quyền. Thế nhưng, cả hai mục tiêu ấy đều thất bại. 

Đầu Tháng 11-1969, khi vừa được giao phụ trách Đặc Khu Sài Gòn thay cho Võ Văn Kiệt để Ông Kiệt đi nhận chức bí thư Khu 9 thì Lê Duẩn gọi Trần Bạch Đằng ra Hà Nội để báo cáo tình hình Miền Nam và Sài Gòn. Ông ta đã cùng đi với Phạm Hùng, uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Cục, qua ngả Nam Vang - Thượng Hải - Hà Nội. Tại Hà Nội, Trần Bạch Đằng “làm việc” nhiều với Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. 

Nhân chuyến đi “làm việc” này, Trần Bạch Đằng có dịp khóc “Bác” (Hồ Chí Minh chết ngày 02- 9-1969). Ông ta viết: “Đến Hà Nội, chúng tôi được đưa vào Bệnh viện 108 để nhìn Bác, các nhà khoa học Liên Xô đang thực hiện công đoạn chót bảo trì di hài của Bác. Chúng tôi anh Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Văn Thái và tôi - không thể cầm được nước mắt. Bác thanh thản nằm đó. Tôi chỉ có thể nắm bàn tay và bàn chân giá lạnh của Bác”. (6) 

Tại Hà Nội Trần Bạch Đằng gặp lại vợ sau 2 năm xa cách, gặp lại 2 con sau 9 năm xa cách. Sau đó lại theo đường bay Hà Nội Thượng Hải - Nam Vang để trở lại chiến khu. 

Sau chuyến đi Hà Nội về, trong Hội nghị Bình Giả 5 (tên là Bình Giả nhưng họp tại một mật khu trên đất Campuchia) do Nguyễn Văn Linh là phó bí thư Trung ương Cục chủ toạ, Trần Bạch Đằng đã xung khắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược với Nguyễn Văn Linh. Trần Bạch Đằng nêu 2 điểm: Một là trong mặt trận đô thị, lực lượng trí thức, tôn giáo, sinh viên, học sinh mới là chính yếu chứ không phải là giai cấp công nhân, vì giai cấp này đã bị chế độ tư bản làm cho biến chất. Hai là tư tưởng “Lấy nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Đông không còn đúng cho chiến trường Miền Nam vì vào thời điểm 1969-1970, VNCH đã làm chủ hầu hết nông thôn, các căn cứ Cộng sản phải chuyển sang đất Campuchia. Ông ta chủ trương hai mặt trận đô thị và mặt trận nông thôn phải kết hợp với nhau. Đang khi đó, Nguyễn Văn Linh bác bỏ cả hai quan điểm của Trần Bạch Đằng và quy chụp cho Trần Bạch Đằng là hữu khuynh và sai lầm nghiêm trọng vì 3 điểm: Đề cao trí thức, tôn giáo, sinh viên, học sinh là thành phần không có lập trường kiên định; coi thường giai cấp công nhân; coi thường tư tưởng chỉ đạo chiến lược kinh điển là “Lấy nông thôn bao vây thành thị”. 

Hậu quả cuộc tranh cãi là Trần Bạch Đằng bị Trung ương Cục cách chức bí thư Đặc Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định, xuống làm phó bí thư thứ hai. Rồi đầu năm 1972, ông ta mất luôn chức phó bí thư thứ hai và bị gọi về Trung ương Cục để viết bản kiểm điểm do tư tưởng hữu khuynh thời làm bí thư Khu Uỷ Sài Gòn – Gia Định.

Đầu 1974, Trần Bạch Đằng được lệnh trở lại công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. 

IV. SAU 30-4-1975 

Ngày 30-4-1975, Cộng sản chiếm trọn Miền Nam, với tư cách uỷ viên thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Trần Bạch Đằng nắm ngay ngành báo chí, cho ra tờ Giải Phóng, rồi Sài Gòn Giải Phóng; thay Đài Phát thanh Sài Gòn bằng Đài Phát thanh Giải phóng, thay Việt tấn xã bằng Thông tấn xã Giải phóng, cho đài truyền hình tiếp tục hoạt động. Ông ta viết khá nhiều cho các báo Sài Gòn Giải Phóng, Đại Đoàn Kết, Văn Nghệ, Tin Sáng, Công Giáo và Dân Tộc, Tuổi Trẻ, Công An. Trần Bạch Đằng còn thường xuyên chủ toạ và phát biểu trong các đại hội văn học nghệ thuật, nhà giáo, nhà báo; nói chuyện với các tu sĩ Phật giáo, Công giáo, các chủng viện và tiếp xúc với các phóng viên ngoại quốc. Khi xẩy ra vụ nhà thờ Vinh Sơn, lãnh đạo Cộng sản giao cho Trần Bạch Đằng lấy tư cách là uỷ viên đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng để mở cuộc họp báo. 

Đầu năm 1977, khi Hà Nội đã nắm mọi vị trí quyền hành khá vững chắc ở Miền Nam thì cũng là lúc Trần Bạch Đằng được gọi ra Hà Nội học Trường Nguyễn Ái Quốc trong 9 tháng, rồi lại đi nghỉ chữa bệnh ở Liên Xô, Hung và Đông Đức. 

Hai năm sau, vào cuối năm 1978, Trần Bạch Đằng được trở lại Sài Gòn làm phụ tá cho Nguyễn Văn Linh và viết cho các báo Sài Gòn Giải Phóng, Tin Sáng. Rồi lại được giao nhiệm vụ uỷ viên thường trực Ban Dân vận Trung ương; vẫn tiếp tục viết báo, biên khảo, viết kịch và viết tiểu thuyết. 

Năm 1985, Nguyễn Văn Linh nắm Tổng Bí thư Trung ương Đảng, Trần Bạch Đằng chuyển sang nghiên cứu và đi thăm nhiều nước, trong đó có Hoa Kì. 

Trần Bạch Đằng qua đời lúc 10 giờ 50 ngày 16 tháng 4 năm 2007 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thọ 81 tuổi, an táng tại nghĩa trang Thành phố. 

V. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ NHÂN VẬT TRẦN BẠCH ĐẰNG 

1. “Thằng Trời Đánh” 

Trần Bạch Đằng được học ít tại trường lớp, nhưng học nhiều trong thực tiễn những năm dài kháng chiến, cho nên đã tích luỹ được kiến thức khá rộng rãi về nhiều phương diện. Thêm vào đó, ông ta được đề bạt những chức vụ quan trọng khi còn rất trẻ, lại có khả năng viết lách. Tất cả đã ảnh hưởng một phần tới cá tính cao ngạo và tác phong “ba gai” của ông ta. Trần Bạch Đằng đã tự nhận: “Bấy giờ, tôi khá ‘nổi tiếng’ trong hàng ngũ cán bộ bởi tính hơi ngang, hay nói thẳng…”. Vì thế, Lê Đức Thọ gọi Trần Bạch Đằng là “Thằng Trời Đánh”. (7) 

2. Cấp tiến 

Trần Bạch Đằng thường xuyên công tác trực tiếp với các trí thức, giới báo chí, giới tôn giáo, sinh viên, học sinh thiên tả, thiên Cộng nhưng được đào tạo ở Miền Nam tự do và các nước Âu Mĩ cho nên tư tưởng ông ta có phần “cấp tiến” hơn và đã bị phe giáo điều cực đoan trong Đảng lên án là sai lầm và hữu khuynh. 

3. Bị trù ếm và thất sủng 

Đọc bài trên đây, độc giả thấy Trần Bạch Đằng là một cán bộ đầy công nghiệp với Đảng Cộng sản, và trong thời chiến tranh ác liệt, ông ta là một ngôi sao sáng, đã leo lên tới chức bí thư Đặc Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định, thế mà tại sao ngôi sao ấy vụt tắt sau 1972. Trong số những cán bộ Cộng sản lãnh đạo từng hoạt động ở Miền Nam, Trần Bạch Đằng chỉ đứng sau Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt. Những tay này, trước và sau 30-4-1975, đều lần lượt nắm giữ những vị trí chóp bu, đầy quyền lực, đang khi Trần Bạch Đằng chưa bao giờ bắt nổi cái chân uỷ viên Trung ương Đảng, lại còn bị hất khỏi những vị trí có thực quyền. Đọc cuốn hồi kí Cuộc Đời và Ký Ức (NXB Trẻ, 2006) của Trần Bạch Đằng và Tuyển Tập Trần Bạch Đằng (NXB Quân Đội Nhân Dân, 2007, dầy 982 trang, gồm 439 bài báo) không thấy Trần Bạch Đằng đả động gì tới việc ông ta bị thất sủng và bị tước mất quyền lực. 

Trần Bạch Đằng không nói tới, nhưng tác giả Lê Tùng Minh đã kể rất rõ chuyện Trần Bạch Đằng bị trù ếm trong bài Trần Bạch Đằng người Cộng sản đa tài, nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời (Cánh Én Online). (8) 

Bài viết của Lê Tùng Minh công bố nhiều điều xưa nay ít ai biết. Tác giả sưu tầm các tài liệu lưu trữ của Đảng CSVN và thuật lại lời của các nhân chứng sống đã từng hoạt động với Trần Bạch Đằng, để phanh phui chuyện Trần Bạch Đằng liên tục bị “Sáu Búa” Lê Đức Thọ đì sát ván, không ngóc đầu lên được. (9) 

Đại để là Lê Đức Thọ, phó bí thư Xứ uỷ Cộng sản ở Nam Bộ, tuy biết Trần Bạch Đằng có tài và làm công tác có hiệu quả, nhưng một phần vì tính khí “ba gai” của Trần Bạch Đằng, phần khác là vì quan điểm tư tưởng và lập trường hai người xung khắc nhau, cho nên Lê Đức Thọ luôn luôn đố kị Trần Bạch Đằng. Ít nhất đã 4 lần Lê Đức Thọ ngăn cản con đường tiến thân của Trần Bạch Đằng. Hai lần với tư cách phó bí thư Xứ uỷ Cộng sản Nam Bộ, Lê Đức Thọ không đồng ý cho Trần Bạch Đằng làm xứ uỷ viên chính thức (Hội nghị Xứ uỷ tháng 12-1950 và Hội nghị Xứ uỷ Tháng 12-1952). Rồi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ, với sự cộng tác của Nguyễn Văn Linh và Mai Chí Thọ, cũng đã hai lần ngăn cản không cho Trần Bạch Đằng được đề cử làm uỷ viên Trung ương Đảng (Đại hội Đảng Toàn quốc III vào tháng 9-1960 và Đại hội Đảng Toàn quốc IV giữa tháng 12-1976), mặc dù Lê Duẩn vẫn luôn quý mến Trần Bạch Đằng. 

4. Lề trái 

Sau 30-4-1975 và nhất là khoảng 20 năm cuối đời, tức là vào lúc bắt đầu thời kì “cởi trói”, “đổi mới” (1985), Trần Bạch Đằng viết nhiều bài báo phê bình những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, và đưa các ý kiến về đổi mới, góp lại thành tuyển tập Đổi Mới Đi Lên Từ Thực Tế, 1100 trang, in năm 2000. 

Năm 2007, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân lại phát hành một Tuyển Tập Trần Bạch Đằng khác, dầy 982 trang, gồm 439 bài báo. 

Nhận xét chung các bài báo của Trần Bạch Đằng thấy có 2 loại: Loại bài “lề trái” và loại bài “lề phải”. 

Trong các bài viết theo “lề trái”, Trần Bạch Đằng đã nói rất thật, nói rất chính xác về đủ mọi thứ tệ trạng đang xẩy ra trong cái xã hội “Xã hội Chủ nghĩa”. Dưới gọng kìm Cộng sản, hiếm có người nào dám viết như vậy. Nói đúng hơn, chỉ có ông ta viết như vậy mà vẫn có báo dám đăng, và cả ông lẫn báo đăng bài của ông đều không bị ghép tội “âm mưu lật đổ chính quyền!”. 

Riêng vấn đề tham ô nhũng lạm, Trần Bạch Đằng tỏ ra đặc biệt cay cú và đã viết nhiều bài tố cáo. Ông ta gọi những tên tham nhũng là những “con hạm... bạ gì táp nấy”, chúng “chẳng từ thứ gì: gạch lót vỉa hè, bột dinh dưỡng cho trẻ em thiếu dinh dưỡng, tiền cho ‘xoá đói giảm nghèo’...” (Tuyển Tập. Bài 132, trang 435). Về nạn giải toả, ăn cướp đất đai của dân, ông ta cho đó là tội “trời không dung, đất không tha”. Theo ông, lấy cớ giải toả các khu ổ chuột để chỉnh trang mà làm tắc trách thì sẽ “…đẻ ra nhiều khu ổ chuột mới, thậm chí tăng dân số lang thang, vỉa hè” (Tuyển Tập. Bài 94, trang 384). 

Vì quá bực tức, Trần Bạch Đằng lên án tội “Ăn xén quỹ cứu trợ một trọng tội đáng tử hình” (Tuyển Tập. Bài 187, trang 502). Thậm chí ông ta còn dám đề nghị:“Hãy ‘học’ chế độ cũ: Pháp trường cát!” (Tuyển Tập. Bài 160, trang 474). (10) 

Cứ theo những dẫn chứng trên, xem ra Trần Bạch Đằng cũng phải có lúc nói thật! Tự sâu thẳm trong tâm trí, ông ta cũng phân biệt thiện ác, cũng thương dân nghèo, cũng muốn trừ gian diệt bạo, cũng muốn sự công bằng, cũng muốn an bình thịnh trị. 

Thế nhưng khi đề nghị phương pháp diệt tham những thì ông ta lại trở thành một kẻ mộng du. 

Trần Bạch Đằng nhận xét thấy những chuyện tích cực thì rất ít, những chuyện tiêu cực thì quá nhiều và những lời hô hào chống tham nhũng, nghị quyết, chỉ thị đã bị “lạm phát” còn tham nhũng thì không giảm mà cứ gia tăng. Ông ta lo ngại “Những tệ nạn đã biến thành tai hoạ cho Đảng, cho dân tộc” (Tuyển Tập. Bài 122, trang 423). 

Vẫn là nghĩ tới Đảng trước tiên. Lo cho Đảng trước dân tộc. Đảng hơn dân! 

Trần Bạch Đằng yêu cầu Quốc hội phải làm ra luật chống tham nhũng: “Đạo luật chống tham nhũng - tại sao không?” (Tuyển Tập. Bài 195, trang 510). Và ông ta tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng thực hiện phong trào “bàn tay sạch”, “toàn dân ủng hộ Đảng với tất cả tấm lòng” (Tuyển Tập. Bài 122, trang 423). 

Thật là lẩn quẩn. Quốc hội là Đảng. Tất cả đều là đồng chí. Hầu hết các uỷ viên Bộ Chính trị, các uỷ viên Trung ương Đảng, các quan chức chính phủ, quân đội và công an, các viên chức lớn các ban ngành, đều là đại biểu quốc hội. Nguyên tắc phân quyền ở Việt Nam hiện nay chỉ là đóng kịch. Một quốc hội như thế, làm sao có thể đại diện dân một cách trung thực để làm ra luật có khả năng chế tài bọn tham ô nhũng lạm. Ai cũng biết rõ tất cả các cán bộ Đảng viên có chức có quyền, từ chóp bu xuống tới địa phương hiện nay đều là những tên ăn cướp có vũ khí, có nhà tù. “Cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan”. Mà dù có luật chống tham nhũng đi chăng nữa, người dân nào dám tố cáo băng đảng trộm cướp này? Mà có tố cáo thì công an, cảnh sát, giám sát viên (công tố) và chánh án đều là Đảng viên với nhau cả. Con kiến mà kiện củ khoai! Với tình trạng này, làm sao có công lí cho người dân thấp cổ bé họng? Tất cả hệ thống pháp luật trong tay người Cộng sản thì nạn nhân sẽ biến thành tội phạm. Chuyện này xẩy ra nhan nhản ở trong nước.

Trần Bạch Đằng còn đề nghị một cách chống dở hơi khác, ông ta viết: “Tại sao Quốc hội không ban hành một sắc lệnh (đạo luật?) chống tham nhũng, với phương pháp và lực lượng hành động cụ thể, đưa tận cơ sở và bắt đấu từ cơ sở?” (Tuyển Tập. Bài 150, trang 460). 

Ông bà mình có câu “Thượng bất chánh, hạ tắc loạn” và “Đánh rắn phải đánh ngay đầu”. Cách chống tham nhũng của Trần Bạch Đằng chỉ như cắt tỉa hoa lá cành, không dám động chạm tới cái gốc rễ thì làm sao diệt trừ được tham nhũng. Dù biết tham nhũng là tai hoạ cho dân cho nước, nhưng Trần Bạch Đằng không hề dám động chạm tới nguyên nhân là sự cai trị độc đoán của Đảng Cộng sản, không dám động chạm tới các cấp lãnh đạo vô tài bất đức của Đảng. 

Một nhận xét nữa là Trần Bạch Đằng mới chỉ bực tức về những cái xấu, cái tiêu cực trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chứ ông ta không bao giờ dám nhắc tới những tội lỗi “Trời không dung đất không tha” của Đảng Cộng sản, như tội “buôn dân, bán nước” (bán nước cho Tầu Cộng và bao che, tiếp tay cho “kĩ nghệ” xuất khẩu lao động và buôn bán phụ nữ, trẻ em). Thực ra đâu phải ông ta không biết. Ông biết, nhưng không dám nói tới chỉ vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của loại tội ác này có ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng Cộng sản. Ông ta sợ mất Đảng cho nên chỉ phê phán những tiêu cực thuộc loại “đời thường” để cứu Đảng, để chấn chỉnh Đàng mà thôi. 

Nói cho bằng cùng, tất cả những phê phán xã hội của Trần Bạch Đằng chỉ như nước đổ lá khoai, bởi vì chỉ có tự do dân chủ mới có thể chống tham nhũng hữu hiệu. Chưa nói tới các quyền tự do căn bản khác, chỉ cần cho dân được một chút tự do báo chí thôi, cũng đã có thể làm giảm bớt các tệ nạn trong nước. Nhưng Trần Bạch Đằng dư hiểu là nếu cho dân hưởng tự do báo chí thì sẽ gây ra xáo trộn chính trị. Ông ta sợ Đảng lung lay cho dù đã bị Đảng “vắt chanh bỏ vỏ” và phe lãnh đạo cực đoan, giáo điều trong Đảng đã trù dập và hãm hại ông ta nhiều lần. 

5. Lề phải 

Trái với loại bài viết theo “lề trái”, những bài viết theo “lề phải” của Trần Bạch Đằng trong Tuyển Tập hết sức giáo điều, tự cao tự đại và quá khích đến độ mù quáng.

Giáo điều 

Có thể lấy vài bài làm thí dụ: Trong bài Nhân ngày Cách mạng Tháng Tám, Trần Bạch Đằng viết: “... thế hệ bây giờ và sắp tới không thể làm được bất cứ điều gì có ý nghĩa nếu không có Cách Mạng Tháng Tám - niềm tự hào của Việt Nam, sản phẩm của lịch sử Việt Nam, của giá trị Việt Nam” (Bài 100, trang 391). Nhân kỉ niệm lần thứ 104 ngày sinh của Hồ Chí Minh, Trần Bạch Đằng viết bài Tư Tưởng Hồ Chí Minh - Niềm Hạnh Phúc Của Dân Tộc (Bài 87, trang 373)... Viết lách một cách bài bản, giáo điều như thế khiến người ta không lấy làm ngạc nhiên vì sao Trần Bạch Đằng đã khóc thương Stalin và Hồ Chí Minh. 

Tự cao và quá khích Trên BBCvietnamese.com/16-4-2007, một độc giả kí tên là Lunettes 75, Sài Gòn, kể lại rằng, khi vụ án trùm du đãng Năm Cam xẩy ra, Đài BBC có phỏng vấn Trần Bạch Đằng và nêu ra sự dính líu của một số cán bộ cấp cao thì Trần Bạch Đằng đùng đùng nổi giận thành ra mất khôn, ông ta nói: “Bộ mấy ông (BBC) còn muốn lôi thêm một vài ông ở Trung ương Đảng ra xử mới hả dạ sao?”. Cuối cùng, “vua” (ám chỉ Trần Bạch Đằng là “vua” báo chí) hằn học kết luận: “Mấy ông (BBC) ở bên Anh biết gì về Việt Nam mà bình luận?”. Và vị độc giả Lunettes 75 đã phê bình cung cách trả lời phỏng vấn của Trần Bạch Đằng là “xấc xược”, là “mục hạ vô nhân”. Thiển nghĩ, chẳng lẽ mấy ông lớn trên Trung ương là bất khả xâm phạm sao, có thể ngồi xổm trên pháp luật sao. Chẳng lẽ mấy ông bà kí giả BBC chỉ có khả năng biết chuyện ở nước Anh thôi sao. Người cầm bút mà để cho lương tâm đi vắng thì mọi tội ác đều được cho phép. Giọng điệu tự cao tự đại ấy cũng đã biểu hiện trong một bài viết khác của Trần Bạch Đằng, nhan đề là Ra Khỏi Ngõ Gặp Anh Hùng! (Bài 4, trang 28). 

Mù quáng 

Một độc giả khác kí tên Huỳnh nhận xét thêm như sau: “... Ông (tức Trần Bạch Đằng) công tác Tuyên huấn, nhiều khi trong thực tế ông thấy con mèo, nhưng Đảng Cộng sản của ông nói là con chó ông cũng phải nói theo. Sau nầy ông không làm Tuyên huấn nữa, nhưng những bài viết của ông nhiều khi... trật lất (đáng buồn thay!). Chẳng hạn, vài tháng trước khi Liên Xô sụp đổ mà ông vẫn còn viết trên báo Tuổi Trẻ rằng ông vẫn tin tưởng vào sự bền vững của chế độ Xô Viết. Tin hay không là quyền của ông, nhưng là một nhà nghiên cứu, hiểu theo đúng nghĩa của từ nầy, lẽ ra ông phải thấy trước thiên hạ mới đúng chứ. Đằng nầy...” (Doi-Thoai.com 16.4.2007). 

Với những nhận xét trên đây, đúng là Trần Bạch Đằng viết nhiều, viết đủ mọi thể loại, nhưng luận điệu một chiều, tự cao, quá khích, không cần biết đến thiên hạ thì cũng như con ngựa chạy khoẻ nhưng bị che chắn hai bên mắt, chỉ biết chạy thẳng một mạch, không còn có khả năng dòm chừng hai bên đường. Có thể là Trần Bạch Đằng “cấp tiến” hơn thành phần cực đoan và giáo điều trong Đảng. Song trên thực tế, ông ta chỉ biết có Đảng giống như các Nho sĩ Văn Thân hồi thế kỉ 19 đã độc tôn Nho học và coi cái gì của Tầu cũng là mẫu mực, không chịu học hỏi tư tưởng và khoa học tiến bộ của Tây Phương. Hậu quả là giới sĩ không đóng nổi vai trò dẫn lối, chỉ đường một cách sáng suốt và đúng đắn của mình. 

6. Nỗi sợ hãi của “Thằng Trời Đánh” Trần Bạch Đằng đối với “Sáu Búa” Lê Đức Thọ 

Trần Bạch Đằng bị Lê Đức Thọ đì sát ván, đì suốt cả cuộc đời. Mỗi lần bị Lê Đức Thọ trù ếm, Trần Bạch Đằng cảm thấy vô cùng uất ức, nhưng vẫn phải nén giận để được yên thân. 

Lấy thí dụ như trường hợp lần thứ hai Lê Đức Thọ ngăn cản Trần Bạch Đằng trở thành uỷ viên Xứ uỷ. Đó là thời gian chống Pháp 1952 – 1953, Xứ uỷ chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tổng tấn công. Trần Bạch Đằng vận động Thanh niên Cứu quốc gia nhập các Đội Tuyên truyền Xung phong. Các đội này hoạt động trong thành phố nhằm kêu gọi giáo chức, học sinh, sinh viên bãi khoá; công nhân, viên chức bãi công; thương gia, tiểu thương bãi thị để yểm trợ cho Chiến dịch tổng phản công mau thắng lợi. 

Những sáng kiến của Trần Bạch Đằng có chút hiệu quả, cho nên Hội nghị Xứ uỷ Cộng sản Nam Bộ, mở vào tháng 12-1952, lại đề bạt Trần Bạch Đằng lên làm xứ uỷ viên chính thức, nhưng vẫn bị Lê Đức Thọ cản trở. Lê Đức Thọ phê bình Trần Bạch Đằng là: “Có thái độ coi thường công tác Thanh vận, có tư tưởng đứng núi này trông núi nọ, chứng tỏ còn mang nặng tính chất tiểu tư sản, nên cần phải tự tu và rèn luyện nhiều hơn nữa”. (Theo hồ sơ biên bản các cuộc họp của Xứ uỷ Nam Bộ. Trích dẫn của Lê Tùng Minh. Bđd). 

Bị Lê Đức Thọ “chơi” vố đau, Trần Bạch Đằng đã thổ lộ tâm sự với người đồng chí tín cẩn tên là Mai Thế Đồng như sau: “Lúc ông Sáu Thọ chụp mũ tôi, nói thật là tôi tức muốn ói máu, định cự thẳng với ông ta một mạch, rồi ra sao thì ra, nhưng nhớ lại lời anh khuyên ‘chớ nên đụng thẳng với thằng cha Sáu Búa, chỉ có hại chớ không được cái giải gì hết!’, nên tôi đành nuốt sự tức giận vào trong bụng… Vì vậy mà cả ngày hôm sau, tôi không cần ăn cơm cũng thấy no.” (Theo cuốn Hồi Ký “Vui Buồn Kháng Chiến” của Mai Thế Đồng, chưa xuất bản, hiện lưu trữ tại tủ sách gia đình. Trích dẫn của Lê Tùng Minh. Bđd.). 

Thời quyền uy của Lê Đức Thọ, Trần Bạch Đằng đành “nín thở qua sông”. Đến khi Lê Đức Thọ hết quyền, Trần Bạch Đằng vẫn phải cẩn trọng, bởi vì phe cánh của Lê Đức Thọ còn đó. Nhất là Lê Đức Thọ còn người em ruột tiếp nối. Đó là Mai Chí Thọ, Bộ trưởng và Đại tướng Công An, cũng là một nhân vật “chuyên chính” khét tiếng và đầy quyền lực một thời. (11) 

Trong bài Đừng để khi quá muộn, trường hợp Ông Lê Đức Thọ (google.com), tác giả Minh Diện thuật lại như sau: “Ông Trần Bạch Đằng có lần kể lại câu chuyện sau đây với tôi và nhà thơ Văn Lê: Một buổi sáng tao đang ngồi viết trên lầu thì con cháu vào nói: ‘Chú Tư có bác Sáu Thọ tới thăm!’. Tao nghĩ chắc con nhỏ nhầm. Xưa nay người ta tìm tới Sáu Thọ quỵ luỵ chớ cha ấy thèm tới ai? 

Nhưng khi xuống thì thấy đúng là Sáu Thọ. Cha đứng ngoài cửa, không vô nhà. Tao giựt mình vì mặt Sáu Thọ nhợt nhạt không còn thần sắc. Kiểu này chắc không được bao lâu nữa!? 

Sáu Thọ nhích mép cười, nói: 

Tôi biết cậu là người có tài. Ngày đó nếu cậu đến tôi, nói với anh Sáu vài lời, thì cậu chắc chắn là Uỷ viên Trung ương khoá IV, là Uỷ viên Bộ Chính trị. Nhưng cậu là con ngựa bất kham, không điều khiển được. 

Dừng một khá lâu, ông Lê Đức Thọ mới nói tiếp, không suồng sã thân mật như trước mà giọng trầm xuống, khách sáo và như nhắc nhở: 

Tôi được biết anh đang viết một quyển sách nói nhiều chuyện về tôi. Hôm nay tôi tới xin anh một điều, khi tôi còn sống anh đừng xuất bản quyển sách đó. Sau khi tôi chết, con người tôi lịch sử sẽ phán xét. 

Nghe Sáu Thọ nói vậy, tao trả lời ông: Quyển sách đã in rồi, nhưng anh nói vậy, tôi sẽ huỷ!” 

Nếu không phải vì sợ hãi thì làm sao Trần Bạch Đằng đành phải hi sinh đứa con tinh thần của mình dễ dàng và mau lẹ đến thế. 

Sở dĩ Trần Bạch Đằng sợ hãi Lê Đức Thọ bởi vì, hơn ai hết, ông ta biết rõ “Sáu Búa” Lê Đức Thọ có thể “làm phiền” bất cứ ai trong Đảng. 

Trong bài Những Sự Thật Cần Phải Biết (Phần 22). Tội đồ Lê Đức Thọ (Danlambaovn.blogspot.com), tác giả Đặng Chí Hùng viết: “Lê Đức Thọ nắm toàn quyền thực sự trong Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội 3 năm 1960 với sự đồng tình của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Không ai có thể ngờ vực uy quyền tuyệt đối của Thọ, được gọi một cách kinh sợ là Sáu Búa. Cũng theo hồi ký ‘Viết cho Mẹ và Quốc Hội’ của ông Nguyễn Văn Trấn (xuất bản năm 1993), uy quyền của Thọ lớn đến nỗi ông ta có thể cấm cả Hồ Chí Minh phát biểu trong một hội nghị mà ông Hồ Chí Minh cũng đành chịu. Được ông Trấn hỏi về Lê Đức Thọ, thì Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước, thú nhận một cách mộc mạc: ‘Đ.M., tao cũng sợ nó!’. Theo nhiều nhân chứng, Thọ từng xác quyết nhiều lần: ‘Đảng là tao!’. Lê Đức Thọ không chính thức là nhân vật số 1 trong đảng, trong danh sách Bộ Chính trị chỉ đứng hàng thứ năm, sau Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng. Nhưng Thọ lại nắm bộ máy đảng và là nhân vật quyền lực nhất. Thọ có thể bắt giam những cộng sự viên của các nhân vật này mà không ai dám chống lại”

Quyền uy tột đỉnh như Lê Duẩn, thế mà về cuối đời cũng bị Lê Đức Thọ dằn vặt, uy hiếp (chuyện vợ bé của Lê Duẩn) đòi Lê Duẩn trối trăng cho Thọ làm tổng bí thư. Có nghi án Thọ mật chỉ đàn em xô Trường Chinh té cầu thang đến toi mạng (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. Trang 293, 294). Sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức kể chuyện Gs. Hồ Ngọc Đại là rể của Lê Duẩn nói: “Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là may lắm”. Nhiều phần chắc Thọ cho người giết chết 2 viên Đại tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn. Thọ thanh trừng thẳng tay trong vụ án “chống xét lại”, khiến nhiều Đảng viên cỡ bự bị điêu đứng. Những tay Cộng sản gộc Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, cha con Vũ Đình Huỳnh... đều là nạn nhân của Lê Đức Thọ. Tóm lại, nhiều Đảng viên đồng ý cho rằng Lê Đức Thọ là “Đệ nhất hung thần trong lịch sử nước nhà!”. Khi Lê Đức Thọ chết, chôn tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), sáng nào cũng có người liệng phân lên mộ hắn. Sau, gia đình phải cải táng về quê ở Nam Định. 

Tuy nhiên, xưa nay từng xẩy ra cảnh chó bị dồn tới đường cùng tất cắn lại. Từ khi bị thất sủng vào khoảng thời gian 1971-1972, đã ghi nhận Trần Bạch Đằng “cắn lại” Lê Đức Thọ được một lần. Đó là lần Trần Bạch Đằng dám cãi tay đôi với “Sáu Búa” Lê Đức Thọ về chủ trương thống nhất. 

Sau ngày 30-4-1975, các lãnh tụ Cộng sản chóp bu Miền Bắc muốn thống nhất về mọi mặt ngay, tức là về chính trị, hành chánh và kinh tế. 

Đang khi đó, một số tay lãnh đạo Cộng sản Miền Nam cũng muốn thống nhất chính trị ngay, nhưng về kinh tế thì còn cần có thời gian để gạn lọc để giữ lấy cái hay và loại bỏ dần cái dở. Thậm chí, có một số muốn tạm thời duy trì một chính phủ “ba thành phần” để thể hiện “hoà hợp hoà giải” như tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng với dân Miền Nam hồi còn chiến tranh. 

Điển hình là phát biểu của Phó Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, tác giả Huy Đức thuật lại như sau: “Trước đó, theo ông Nguyễn Thành Thơ (Lúc ấy là Phó Bí thư Sài Gòn – Gia Định): Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc do ông Lê Duẩn chủ trì, tổ chức sau Hội nghị Trung ương 24 tại trường Công an Thành phố ở Thủ Đức, Phó Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh nói: ‘Nên tiến hành ngay thống nhất lãnh thổ, thống nhất đảng, đoàn thể, mặt trận, nhà nước, quân đội. Nhưng về kinh tế, đề nghị để nó phát triển như nó có, ta xem ưu khuyết, cái gì phát huy, cái gì bỏ' ". 

Chủ trương kiểu này đã bị Trường Chinh, chủ tịch Quốc hội Cộng sản, quy chụp: “Có một số cán bộ đảng viên không muốn thống nhất để hưởng thụ”! 

Không có dịp ăn nói chính thức như Nguyễn văn Linh, tay “ba gai” Trần Bạch Đằng đã dám chơi nước liều tới tận nhà “Sáu Búa” Lê Đức Thọ để cãi tay đôi. Huy Đức cho biết: “Sau hội nghị đó, ông Nguyễn Thành Thơ cùng ông Trần Bạch Đằng tới nhà ông Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Theo ông Thơ, ông Đằng và ông Thọ cãi nhau đến mức, phải ‘đứng lên, ngồi xuống, quơ tay nhiều lần’. Ông Lê Đức Thọ nói: ‘Kinh tế là nền tảng, không thống nhất kinh tế, tất cả vấn đề khác thống nhất không có ý nghĩa’” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc. Quyển I. Giải phóng. Chương VIII Thống nhất. chauxuannguyen.org). 

Trần Bạch Đằng dám “mó dái ngựa” hung thần Lê Đức Thọ, nếu số phận không “đìu hiu” mới là chuyện lạ! 

Vào thời điểm sau 30-4-1975, không có một lực nào cản nổi ý chí của các “đỉnh cao trí tuệ” trong Bộ Chính trị ở Hà Nội. 

Hậu quả tới riêng cho Trần Bạch Đằng về tội dám cự cãi với Lê Đức Thọ là, khi Đại hội Đại biểu toàn quốc họp từ ngày 14 tới 2012-1976, Lê Đức Thọ gạc tên Trần Bạch Đằng ra khỏi danh sách tham dự Đại hội, bắt phải đi “thăm” nước anh em Cuba. Đường vào Trung ương Đảng của Trần Bạch Đằng vô cùng mờ mịt, xa xăm!

Chuyện dài giữa “Thằng Trời Đánh” Trần Bạch Đằng và “Sáu Búa” Lê Đức Thọ chấm dứt vào ngày 13-10-1990 khi Lê Đức Thọ xuôi tay nhắm mắt. Trần Bạch Đằng đã chọn phản ứng về nhân vật suốt đời trù ếm mình bằng cách yên lặng trước cái chết của Lê Đức Thọ. Trần Bạch Đằng đã không viết một bài nào để tiễn đưa “Sáu Búa” Lê Đức Thọ như ông ta thường làm mỗi khi có một nhân vật tiếng tăm qua đời (Xin coi Tuyển Tập Trần Bạch Đằng. Sđd.). Thiển nghĩ, sự chọn lựa yên lặng của Trần Bạch Đằng có thể hiểu được, bởi vì chẳng lẽ lại viết ca tụng “Sáu Búa” Lê Đức Thọ, mà chê thì không dám! 

7. Đối với Nguyễn Văn Linh 

Riêng đối với Nguyễn Văn Linh, người đã từng phê phán Trần Bạch Đằng nặng nề khiến cho ông ta bay mất chức bí thư Đặc Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định (T 4). Nguyễn Văn Linh cũng cùng với Lê Đức Thọ đã chặn đứng con đường vào Trung ương Đảng của Trần Bạch Đằng. Vậy mà khi Nguyễn Văn Linh chết, Trần Bạch Đằng viết tiễn đưa tới 3 bài, lời lẽ đầy kính trọng, đầy tình cảm, và chỉ nhắc tới vụ án Hội nghị Bình Giả 5 một cách sơ sài, Trần Bạch Đằng viết: “Với anh Linh, ba người trong chúng tôi (tức Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và Trần Bạch Đằng) đều xem như người anh, người thầy, tín nhiệm và tôn trọng, dầu mỗi người có cá tính riêng, và dầu từng xẩy ra những tranh luận “nảy lửa” về nhiều vấn đề chưa nhất trí” (Tuyển Tập Trần Bạch Đằng. Anh Nguyễn Văn Linh Và Chúng Tôi. NXB Quân Đội Nhân Dân. Trang 299). 

Có thật là Trần Bạch Đằng đã dễ dàng quên đi những ân oán với Nguyễn Văn Linh hay lại là “lựa lời mà nói” để còn có thể duy trì con đường sống cho mình và cho gia đình? Hoặc giả có “tròn trịa” như vậy, bài vở mới được phép in ra? 

8. Trần Bạch Đằng trung với Đảng hay là một thằng hèn, bỏ rơi các đồng chí kháng chiến Nam Bộ cũ? 

Năm 1983, Nguyễn Hộ đứng ra lập Hội Truyền thống Kháng chiến Thành phố HCM. Chủ tịch: Nguyễn Hộ. Phó Chủ tịch: Tạ Bá Tòng, Phạm Chánh Trực, Huỳnh Văn Tiểng. Ban cố vấn: Thượng tướng Trần Văn Trà và Trần Bạch Đằng. Các uỷ viên như: Lm. Chân Tín, Hoà thượng Thích Thiện Hào, Ni sư Huỳnh Liên, bà Ngô Bá Thành, Bs. Võ Cương, Ls. Trần Ngọc Liễng... Mới đầu, Hội được các lãnh đạo kháng chiến cũ ủng hộ; trong đó có Nguyễn Văn Linh (Bí thư Thành uỷ), Võ Văn Kiệt (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Quốc hội), Huỳnh Tấn Phát (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). 

Vào năm 1988, Hội có tới 10 ngàn hội viên. Mục đích của Hội là: Đổi mới, chống tệ nạn quan liêu và tham nhũng…Rồi hội họp. Rồi ra kiến nghị đòi “Kiểm điểm Bộ Chính trị và Ban Bí thư!”; đòi hỏi những quyền căn bản theo Hiến pháp. 

Thủ tục xin phép chính thức lập Hội đẩy đưa lên tới Lê Đức Thọ. 

Mãi 3 năm sau, Lê Đức Thọ mới cho phép, nhưng bắt đổi tên từ Hội thành Câu lạc bộ, tức Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến cũ Thành phố HCM với mục đích, nhiệm vụ thu hẹp là “…thực hiện mọi nhiệm vụ, mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và Thành phố nói riêng”. Cặp mắt cú vọ của Lê Đức Thọ mà chiếu cố tới Câu lạc bộ này thì ắt nó sẽ gặp rắc rối. 

Thật vậy, Câu Lạc Bộ sinh hoạt được một thời gian ngắn thì bị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành uỷ Võ Trần Chí cùng nhiều cán bộ cao cấp như Mai Chí Thọ, Trần Trọng Tân, có cả Trần Văn Trà và Trần Bạch Đằng, đã họp bàn kế hoạch đàn áp Câu lạc bộ. Đặc biệt là “Ý kiến phát biểu, lên án, buộc tội câu lạc bộ kháng chiến thành phố của Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng trong cuộc họp nói trên được in ra và phát hành khắp cả nước” (Hồi Ký Nguyễn Hộ. wordpress.com). 

Thế là ban chủ nhiệm bị thay thế. Cá nhân Nguyễn Hộ bị quy chụp tội “phản động, gián điệp, lật đổ Đảng CSVN và nhà nước”. Rồi những thành viên ban chủ nhiệm lần lượt bị bắt và bị khai trừ khỏi Đảng. Nguyễn Hộ bị bắt và bị khai trừ năm 1990. Đỗ Trung Hiếu (Mười Anh) bị bắt 1990 và bị khai trừ 1992. Tạ Bá Tòng (Năm Cần) bị bắt 1990, khai trừ 1992. 

Qua vụ này, các cựu cán bộ kháng chiến Nam Bộ chê Trần Bạch Đằng là “cầu an, hưởng lạc”. Khách bàng quan thì nhận thấy rõ Trần Bạch Đằng, trước sau, vẫn một lòng trung thành với Đảng Cộng sản và hèn hạ, sẵn sàng bỏ rơi các đồng chí cũ để bảo vệ quyền lợi bản thân và gia đình. 

Bản lãnh Trần Bạch Đằng như thế đó, không thể là “một lãnh tụ Cộng sản cấp tiến” được. 

9. Ngày 16-4-2007, Trần Bạch Đằng qua đời, nhà phê bình Đặng Tiến phát biểu trên Đài BBC như sau: 

“Trần Bạch Đằng là người thiện chí có tâm huyết, tài năng và uy tín. Tiếc rằng người đọc chưa thấy ông sử dụng uy tín và tài năng ấy để vận động tích cực cho một đất nước tự do, một chế độ dân chủ”

Chúng tôi nghĩ khác với nhà phê bình Đặng Tiến. Thiện chí, tâm huyết, tài năng, uy tín mà làm gì, khi Trần Bạch Đằng bị lột sạch sẽ chức tước, địa vị, bị đì sói trán; đến nỗi, ông ta đã phải nhũn như con chi chi để bảo toàn được sinh mạng, vợ con và cái biệt thự đường Mạc Đĩnh Chi để ở. Trong hoàn cảnh ấy còn làm được gì? Đấy là chưa nói tới, dù bị “đánh” cho bầm dập, Trần Bạch Đằng vẫn một lòng trung với Đảng, vẫn muốn cứu Đảng, muốn củng cố Đảng. Ông ta chưa bao giờ có ý tưởng tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ đích thực. 

Tháng 12-2009 

BẠCH DIỆN THƯ SINH

Chú thích: 

1. Vợ Trần Bạch Đằng là Nguyễn Thị Chơn, tên thật Tôn Thị Hưởng, còn có tên công tác là Mai Thị Vàng, cưới năm 1951 tại Rạch Giá. Bà này từng hoạt động trong Ban Phụ vận nội thành. Bị bắt, nhưng người Mĩ tìm cách thả bà ta ra mật khu. Năm 1969, được Hà Nội cho tham gia phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đi dự Hoà đàm Ba Lê. Năm 1977, làm chánh án toà phúc thẩm ở Sài Gòn rồi thăng lên Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Chết năm 2000. 

2. Trần Bạch Đằng. Cuộc Đời Và Ký Ức. NXB Trẻ, 2006. Trang 266. 

3. Xứ uỷ Cộng sản Nam Bộ hay Trung ương Cục Miền Nam (Cục R) là cơ quan cao nhất, đại diện cho Trung ương Đảng Cộng sản VN, có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo cuộc xâm chiếm Miền Nam. Lê Duẩn làm Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ từ 1946. Năm 1951, Đại hội Đảng kỳ II ở Việt Bắc đổi tên Xứ uỷ Nam Bộ thành Trung ương Cục Miền Nam. Thành phần đầu não gồm có Bí thư Lê Duẩn, Phó Bí thư Lê Đức Thọ, các uỷ viên: Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh. Tháng 9-1954, đổi tên Trung ương Cục thành Xứ uỷ Nam Bộ. Hội Nghị Trung ương Đảng họp ngày 23-01-1961, lại đổi tên Xứ uỷ Nam Bộ thành Trung ương Cục Miền Nam.

4. Trần Bạch Đằng. Sđd. Trang 231. 

5. Trần Bạch Đằng. Sđd. Trang 247, 246. 

6. Trần Bạch Đằng. Sđd. Trang 199. 

7. Trần Bạch Đằng. Sđd. Trang 261. 

8. Lê Tùng Minh là tác giả bài “Trần Bạch Đằng Người Cộng sản Đa Tài Nhưng Bất Đắc Chí Cho Đến Khi Nhắm Mắt Lìa Đời”. Viết tại Đông Bắc Mỹ, ngày 15-6-2007. Phổ biến rộng rãi trên Cánh Én Online. 

Về bài viết của Lê Tùng Minh có 2 điểm đáng chú ý: 

Một là tác giả có điều kiện truy cập nguồn sử liệu của Đảng Cộng sản và các tổ chức do Đảng lãnh đạo, đồng thời tác giả còn quen biết cả với những nhân vật kháng chiến đồng thời với Trần Bạch Đằng. 

Hai là tác giả đề cao Trần Bạch Đằng quá đáng, chẳng hạn như Lê Tùng Minh cho là vì Trần Bạch Đằng đã góp ý kiến kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị mà những đơn vị vũ trang đầu tiên của Quân Giải phóng Miền Nam ra đời và nhất là ý kiến ấy trở thành tư tưởng chiến lược làm xoay chuyển cuộc “Cách mạng giải phóng Miền Nam”. Ý kiến kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang đã được Lê Duẩn triển khai trong bản Báo cáo Chính trị đem ra đọc trước hội nghị tại Hà Nội. Bản Báo cáo Chính trị của Lê Duẩn đã đưa ông ta lên vị trí lãnh đạo tối cao của Đảng trong suốt thời kì chiến tranh ác liệt nhằm nhuộm đỏ Miền Nam. 

Lê Tùng Minh còn cho rằng Trần Bạch Đằng là người “Nuôi chí lớn để trở thành lãnh tụ Cộng sản cấp tiến”. Lê Tùng Minh viết: “Thế là... Trần Bạch Đằng lại quay trở về Sàigòn, sống một cuộc đời của một cán bộ Cộng sản, đang bị Đảng CSVN vùi dập theo chính sách “vắt chanh bỏ vỏ”, mà những kẻ có quyền thực hiện thủ đoạn này là Lê Đức Thọ (trưởng Ban Tổ chức Trung ương) và Nguyễn Văn Linh (Bí thư Thành uỷ TP HCM) cấu kết với nhau, vứt bỏ một tài năng lãnh đạo, có khả năng vượt qua đầu của họ, nếu Trần Bạch Đằng được vào Trung ương Đảng khoá V”. 

Cũng vì 2 điểm trên khiến chúng tôi nghi tác giả Lê Tùng Minh chính là Tô Minh Trung, Phó Tiến sĩ Sử, từng là bí thư của Trần Bạch Đằng khi ông ta nắm chức Bí thư Đặc Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định. Có lẽ vì Trần Bạch Đằng bắt đầu bị thất sủng sau Hội nghị “Bình Giả 5” vào năm 1970 và bị hạ bệ vào năm 1972, cho nên Tô Minh Trung đã ra hồi chánh và được VNCH đối xử tử tế. Tô Minh Trung đã từng được Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia đặt tại số 3, Bạch Đằng (cạnh Toà án Quân sự Mặt trận Vùng 3, bến Bạch Đằng) mượn về để khai thác tin tức. 

9. Thời hoạt động kháng Pháp ở Nam Bộ, có lúc Lê Đức Thọ được xếp hàng thứ 6 trong Bộ Chính trị, tính tình ông ta thủ đoạn, tàn ác, cho nên dân vùng kháng chiến cũng như các thuộc cấp đặt cho hỗn danh là “Sáu Búa”. 

10. Nội các Chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ thành lập ngày 19-6-1965. Đó là thời kì tình hình Miền Nam Việt Nam hết sức rối ren, các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra thường xuyên; đồng thời giới gian thương đục nước béo cò đã lũng đoạn thị trường bằng các thủ đoạn đầu cơ, tích trữ. Để đối phó tình hình này, chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đã dùng biện pháp mạnh, cụ thể là cho dựng một “pháp trường cát” (xếp các bao cát lên để làm pháp trường xử bắn tội phạm) ngay phía trước chợ Bến Thành để hành quyết công khai các phạm nhân nhằm mục đích răn đe. Người Miền Nam lúc đó còn nhớ những vụ hành hình tội phạm tại pháp trường này, như vụ xử bắn 3 phạm nhân ngày 06-10-1965, vụ xử gian thương Tạ Vinh ngày 14-3-1966 và vụ hành quyết Lê Văn Khuyên ngày 29-1-1965. 

Pháp trường cát bị truyền thông quốc tế lên án mạnh mẽ, cho nên chính phủ Nguyễn Cao Kỳ phải dẹp bỏ sau một thời gian ngắn. 

11. Mai Chí Thọ (1922-2007), bí danh Năm Xuân, tên thật là Phan Đình Đống. Khoảng 1972- 75: Khi Trần Bạch Đằng mất chức bí thư Thành uỷ xuống phó bí thư thứ hai thì Mai Chí Thọ lên phó bí thư thứ nhất rồi lên bí thư Thành uỷ. Thời gian 1975-76: Giám đốc Sở Công An Thành phố HCM. Thời gian 1979-85: Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố HCM. Năm 1986: Bí thư Thành uỷ Tp. HCM, uỷ viên Bộ Chính trị. Năm 1987: Bộ trưởng Bộ Công an. Năm 1989: Thăng đại tướng đầu tiên trong ngành. Năm 1991: Về hưu. Năm 2007: Mai Chí Thọ chết, cùng năm với Trần Bạch Đằng.



Bài liên quan:

- Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Lời Giới Thiệu


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025