Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam: Căn Nguyên Đổ Vỡ - Bài 4


Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam:
Căn Nguyên Đổ Vỡ - Bài 4
 

(Đọc chương 10 tập 2 tác phẩm “The Viet-Nam Upheaval” của GS Vũ Quý Kỳ) 

Bài 4: Những nhân vật Mỹ tán thành chính sách của TT Diệm 

Trần Phong Vũ 

Trong hai bài đầu, dựa vào luận cứ và nhiều nguồn tài liệu khả tín nơi Chương 10 tập 2, tác phẩm “Vietnam Upheaval” của tác giả Vũ Quý Kỳ, người viết đã nêu lên hai căn nguyên cơ bản dẫn tới sự đổ vỡ đáng tiếc của Đệ Nhật CHVN cuối năm 1963. 

Trước hết là sự hiểu sai về bản chất cuộc chiến. 
Từ một cuộc chiến tự vệ mà chính quyền của TT Diệm miễn cưỡng phải đương đầu trước mưu toan xâm lược của CS Bắc Việt, vì vô tình hay cố ý (?!), một bộ phận trong chính giới Hoa Kỳ lại hiểu sai là cuộc chiến do nông dân miền nam phát khởi vì bất mãn với chế độ Sài Gòn! 

Sự hiểu sai chết người này vô hình chung đã biến cuộc chiến thần thánh đầy chính nghĩa ấy trở thành một cuộc nội chiến! 

Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trong. 

Từ cái thế bị xâm lăng, bắt buộc phải chống lại, bỗng dưng bị hiểu là cuộc chiến tranh nội bộ do nông dân vùng lên chống chính quyền đương nhiệm thì còn chi là chính nghĩa?! Mà một khi chính nghĩa không còn thì sự mất lòng tin của nhân dân dẫn tới sự sụp đổ chế độ chỉ còn là vấn đề thời gian! 

Tiếp đến là sự toa rập với kẻ thù phương Bắc của những kẻ được gọi là cố vấn, là đồng minh bên cạnh guồng máy cầm quyền Đệ Nhất CHVN khi ấy. Chính một số thành phần cốt cán trong đó, vì hãnh tiến và vì mặc cảm “tự tôn nước lớn”, từ xem thường, coi rẻ đối tác, đến xuyên tạc sự thành công vượt bực của Quốc sách Ấp Chiến Lược trong việc bẻ gẫy chủ trương của Hà Nội dùng du kích chiến tàn sát nông dân, bao vây thành thị. 

Hỗ trợ cho kế hoạch thâm độc này là Averell Harriman đã chủ động lèo lái hòa hội Genève trung lập Lào năm 1962 mà không trù liệu biện pháp đề phòng Hà Nội xâm nhập bộ đội và vũ khí vào mở rộng chiến cuộc ở miền nam. 

Qua bài thứ ba, gói ghém tất cả những gì tác giả họ Vũ đã công khai điểm mặt chỉ tên các hung thần vây quạnh TT Kennedy. Nhờ thế, người viết thấy rõ được nhân thân, quan điểm, lập trường của nhóm người do Harriman chỉ đạo, tuy nhân danh cường quốc Hoa Kỳ qua nam Việt Nam hợp tác với chính quyền của TT Diệm, nhưng kỳ thực lại đang mưu toan hạ bệ ông! 


Tổng Thống Kennedy (Hình trên mạng)

Điều trớ trêu là xoay quanh TT Kennedy không phải chỉ toàn những kẻ xun xoe tìm cách rót vào tai ông ta những lời đường mật để mặc tình vo tròn bóp méo chính tình và hiện trạng chiến cuộc tại miền nam. Trên thực tế, ngoài nhóm nịnh thần vẫn không thiếu những khuôn mặt lãnh đạo uy tín ở Hoa Thịnh Đốn, thời TT Kennedy cũng như nhiều năm trước đó. 

Những nhân vật uy tín này đã công khai bày tỏ lòng kính trọng đối với TT Diệm. Sự kính trọng không giới hạn ở nhân cách, thái độ cương trực, liêm chính của người có công khai sáng nền CHVN, mà còn bằng vào những thành quả thần kỳ của quân dân miền nam do ông lãnh đạo trong 5 năm đầu, khiến họ thấy cần tích cực ủng hộ đường lối chính sách của ông. 

Trong bài 3, khi nói tới khuôn mặt chính trị nhà nghề, biết chụp bắt thời cơ như Averell Harriman, chúng tôi viết: 

“Chính tác giả “Vietnam Upheaval” đã có lần nhắc tới thái độ hãnh tiến, xấc xược của ông ta đối với TT Diệm. Điều này cho hiểu sau khi đã mua được cảm tình của TT Kennedy, Harriman không những qua mặt ngoại trưởng Dean Rusk, xếp trực tiếp của ông ta mà còn xem thường cả Phó TT Lyndon Johnson. Bởi lẽ lúc bấy giờ ai cũng biết ông Johnson kính trọng người cầm đầu chính quyền VNCH ra sao. 

Ở cương vị Phó TT cường quốc HK, không những ông đã từng ca ngợi ông Diệm là “Churchill của Việt Nam”, mà còn so sánh ông với George Washington, Andrew Jackson, Woodrow Wilson và Franklin Roosevelt.” 


Phó TT Johnson (H. trên mạng) 

Vẫn theo tác giả họ Vũ, ngoài Phó TT Johnson, trong “Triumph Forsaken”, Mark Moyar lưu ý rằng, danh sách các quan chức Washington phản đối việc thay thế TT Diệm có rất nhiều khuôn mặt ảnh hưởng vượt xa đối phương xoay quanh hung thần Harriman. 

Sau đây là những diện mạo điển hình trong danh sách này: 

Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara; Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Maxwell Taylor; Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy. Kế tiếp là Giám đốc CIA John McCone; chưa kể tới những nhân vật có tầm quan trọng trong quá khứ và tương lai như Đại sứ Mỹ tại Sàigòn Frederic Nolting; Giám đốc Bộ phận Viễn Đông của CIA William Colby. Xa hơn nữa cũng phải kể tới những diện mạo lớn như TT Dwight David Eisenhower*, TT Richard Nixon**. 

Riêng ông Dean Rusk, người giữ vai trò ngoại trưởng trong nội các Kennedy, tuy không có lời nào công khai trực tiếp đề cao TT Diệm, nhưng theo những chứng từ đáng tin cậy được tác giả “The Vietnam Upheaval” nêu ra cho thấy, chưa bao giờ ông tán thành những đề nghị hay gợi ý thay thế nhà lãnh đạo Đệ Nhất CHVN. 

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Phó Tổng thống Lyndon Johnson sau khi chính quyền Kennedy nhậm chức, -như được mô tả trong “Thất bại cuối cùng của Diệm”-, sứ mệnh hiển nhiên của ông là củng cố sự tin tưởng của TT Diệm . Dịp này, ông Johnson đã không tiếc lời lên tiếng ca ngợi Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngay cả khi ở nơi công cộng cũng như lúc phát biểu trong chốn riêng tư. 

Trong tác phẩm “Năm Của Hare”*** Francis Winter đã báo cáo về một cuộc họp do ngoại trưởng Dean Rusk chủ trì, không có Tổng thống Kennedy và Harriman, trong khi Phó TT Lyndon Johnson được mời. Theo lời tường thuật của Winter, trong cuộc họp, người cầm đầu Bộ Ngoại Giao HK đã quả quyết rằng “Chúng ta sẽ không tiến hành một cuộc đảo chính ở Sài Gòn và chúng ta sẽ không bỏ rơi Miền Nam Việt Nam”. 

McNamara, McCone, và Phó Tổng thống Johnson đều tỏ ra tán thành quan điểm này của ngoại trưởng Rusk. 

Đồng tình với Winters, Học giả Geoffrey Shaw nhận xét: “Phó Tổng thống Johnson đã đưa ra những lập luận vững chắc để chống lại âm mưu đảo chính. Dưới mắt ông Johnson, ông Diệm là một nhà lãnh đạo tốt của miền nam Việt Nam. Ông không ngần ngại công khai bộc lộ tâm tình ái mộ ông Diệm về quan điểm và cung cách điều hành đất nước của ông ta.” 

Vẫn theo những chứng từ được tác giả “The Vietnam Upheaval” trưng dẫn, trong cuộc họp tương tự như Winters đề cập, Hilsman đã căn cứ vào những đề xuất gần đây của Pháp cho rằng Sàigòn tìm kiếm sự thống nhất với miền Bắc để lên án ông Cố vấn Ngô Đình Nhu là “kẻ phản quốc”. Rusk đã phản bác một cách hài hước rằng Washington cần phải thận trọng với cáo buộc hàm hồ như thế. Tiếp đó, ông thẳng thắn chỉ ra rằng chính những nỗ lực kéo dài hàng tuần để khua chuông đánh trống cổ võ cho một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Đệ Nhất CHVN cũng không khác gì một “hành vi phản bội” theo cách nhìn của người Việt Nam! 


Ngoại trưởng Dean Rusk (Hình trên mạng) 

Một điều khá tế nhị và nhạy cảm dễ gây tranh cãi khiến ít ai dám thẳng thắn đề cập. Đó là sự cần thiết phải có của một chính quyền mạnh trong hoàn cảnh phải đương đầu với một cuộc chiến khốc liệt trong đó thủ phạm gây chiến là những kẻ máu lạnh. Cùng lúc người lãnh đạo chính quyền phải đương đầu với chết chóc, tàn phá không chỉ chịu áp lực từ kẻ gây chiến mà còn cả những thế lực chính trị nội bộ và đồng minh của mình là Hoa Kỳ. 

Chính quyền ấy không đâu khác hơn là chính quyền VNCH phía nam vĩ tuyến 17 của TT Ngô Đình Diệm kể từ năm 1960 khi CS miền Bắc trắng trợn xé toạc Hiệp Định Genève năm 1954, do chính họ ký kết để công khai mở cuộc xâm lăng miền Nam. 

Theo Mark Moyar, chính tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã công khai nói lên sự cần thiết này. Trong một cuộc tranh luận, Taylor nói: Chúng ta cần một người đàn ông mạnh mẽ để điều hành đất nước này. Quả thật chúng ta cần một nhà độc tài trong thời gian chiến tranh

Để biện hộ cho luận cứ của mình, tướng Taylor nói, tôi còn nhớ, trong cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, chính chúng ta, cũng đã từng có một chính phủ độc tài

Người viết những dòng này biết rất rõ, trong số những nhân vật thân cận TT Diệm không thiếu người chia sẻ quan niệm thực tiễn trên đây. 

Được biết, trong những năm ấy, không ít lần trong riêng tư cũng như trong những buổi họp công cộng tai dinh TT, có người đã xa gần bày tỏ suy nghĩ này với ông Diệm, nhưng đều bị ông gạt qua một bên. Không phải vì ông sợ dư luận đàm tiếu mà chính là bản tính cương trực, ngay chính của ông. Nó lưu truyền trong ông từ dòng máu của cụ Ngô Đình Khả, thân phụ ông. Nó không cho phép ông nghe lời xúi bẩy của thuộc hạ mà xử tệ với thân nhân gia đình ông Hà Thúc Ký, lãnh tụ đảng Đại Việt khi ông này kéo quân ra Ba Lòng chống lại ông. Trái lại, ông còn chỉ thị cho thuộc hạ kín đáo giúp đỡ vợ con ông Hà. Nó khiến ông thất sắc đứng lặng hồi lâu hôm 8-5-1955 khi bất ngờ được tin Hội Đồng Cách Mạng đưa ra quyết định truất phế QT Bảo Đại và chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý. Nó cũng là căn nguyên khiến TT Diệm trong những giờ khắc bị vây khốn ở Dinh Gia Long trong biến cố 1-11-63 vẫn một mực từ chối lời Thiếu tá Duệ yêu cầu được phép nổ súng chống lại lực lượng của bọn phản tướng. Lý do vì ông không muốn các chiến sĩ quốc gia bị đổ máu***. 


Tổng Thống Richard Nixon (Hình trên mạng) 

Công tâm mà xét, sau khi đệ nhất CHVN bị sụp đổ, hai anh em TT Diệm bị thảm sát mở vào mấy năm đám phản tướng thay nhau tranh giành quyền lực trước khi tái sinh đệ nhị cộng hòa, chiến cuộc ngày một leo thang, từ Kennedy cho đến mấy đời TT kế tiếp thường bị cột cho trách nhiệm phản bội Việt Nam, nhưng sự thật không hẳn như thế. Riêng dưới thời TT Kennedy, căn nguyên trực tiếp đưa tới sự sụp đổ đau thương của chế độ miền nam cuối năm 1963 là do sự thao túng quyền lực, che mắt chủ nhân tòa Bạch Ốc của Harriman và những thành phần thân tín vậy quanh đương sự. Nếu nói ông Kennedy là nạn nhân của nhóm này cũng không quá đáng. 

Hẳn có người sẽ nêu câu hỏi: thế thì những chính khách được coi là ủng hộ cá nhân ông Diệm và chính quyền miền nam khi ấy ở đâu mà để cho bọn Harriman mặc tình múa gậy vườn hoang? (Trong một bài khác, chúng tôi sẽ có dịp trở lại để trả lời câu hỏi chính đáng này). 

Phải nhìn nhận một sự thật như trong chương 10. tập 2 tác phẩm “The Vietnam Upheaval” đã chỉ ra, những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền đã khiến TT Kennedy đau đầu nghiêm trọng. Là một anh hùng trong thế chiến thứ hai, ông là một người còn quá mới mẻ nếu không muốn nói là không biết gì về chính trị châu Á, cách riêng đối với chính tình và cuộc chiến Việt Nam. Sai lầm lớn nhất của chủ nhân tòa Bạch Ốc khi ấy là đã vì cảm tình cá nhân để cho Harriman mặc tình thao túng, cuối cùng gánh lấy tiếng xấu là phản bội Nam Việt Nam, thông qua việc “trung lập hóa” Lào vì nhược điểm của ông là không biết gì về tầm quan trọng của Lào về phương diện địa chính trị đối với Việt Nam và các quốc gia trong vùng. 

Giờ đây, khi cần những lời khuyên khôn ngoan để giúp đối phó với chiến tranh Việt Nam, ông thấy mình đang ở giữa một cuộc giằng co giữa hai trường phái tư tưởng trái ngược. không phải đâu xa mà ngay trong giới thân cận của mình. 


TT Diệm và TT Eisenhower (Hình trên mạng) 

Chính điều này là mầm mống cơ bản để khi có cơ hội thuận tiện đã biến thành ngọn sóng cuối cùng cuốn trôi tất cả kỳ vọng của mấy đời TT Mỹ là miền nam Việt Nam sẽ là tiền đồn ngăn chặn làn sóng đỏ tại Á Châu. 

Cơ hội thuận tiện đó chính là phong trào chống đối do một thiểu số ngụy danh Phật Giáo chủ trương đưa tới biến cố đau thương đầu tháng 11 năm 1963. 

Miền nam California, Thứ Ba ngày 31 tháng 8 năm 2021

Trần Phong Vũ
 <0><0><0>

*Dwight D. Eisenhower (1890-1969) là TT thứ 34 của Hiệp Chúng Quốc HK trong hai nhiệm kỳ (từ 1953 đến 1961). Trong đệ nhị thế chiến ông là tư lệnh tối cao đoàn quân viễn chinh Mỹ chỉ huy cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandie, Pháp quốc để giải phóng Âu Châu khỏi ách thống trị Đức Quốc Xã do nhà độc tài Hitler cầm đầu. 

Khi rời chức vị TT, một ngày trước khi tân TT Kennedy tuyên thệ nhậm chức, ông Eisenhower với kinh nghiệm của một Thống Soái, một chiến lược gia quân sự và với tư cách người tiền nhiệm cao niên, đã ân cần khuyến cáo và căn dặn Kennedy là bằng mọi giá phải kiên định duy trì nền độc lập của Ai Lao vốn là cửa ngõ cho phe cộng sản nhóm ngó Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. 

Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, người kế vị ông đã quá tin dùng những nhân vật kiêu căng, hãnh tiến đấy tham vọng như Harriman, Hilsman đã đưa tới kết quả trung lập hóa Lào Quốc, mở đường cho Hà Nội đưa bộ đội và vũ khí, tiếp liệu chiến tranh xâm nhập miền nam làm sụp đổ đệ nhất CHVN và kéo dài cuộc chiến. 

Trong tác phẩm “TT Kennedy và Việt Nam”, sử gia John M. Newman đã ghi lại chi tiết sau đây: 
“Khoảng đầu năm 1957, ông Diệm lúc ấy với tư cách Quốc Trưởng đã dùng quyền hành của mình để chế ngự các Giáo phái bất phục tùng và nghiền nát các chi bộ Việt Minh ở đồng bằng sông Cửu Long. Những thành tích này đã khiến TT Eisenhower ca tụng ông là Con Người Thần Kỳ ở Á Châu.” (Nguyên văn: By 1957 Diem, now the chief of state, has used his power to subdue the dissenting religious sects and smash the Viet minh cells in the Mekong Delta, accomplishments which let Eisenhower to hail Diem as the “Miracle Man” of Asia” 

**Trong tác phẩm “No more Vietnam” TT Richard Nixon viết: 
“TT Diệm ổn định miền nam VN ví như Tảng Đá Đỉnh Vòm giữ vòm nhà đứng vững. Các thế lực chính trị từ mọi phía qui vào ông mà chống, nhưng với phương sách quân bằng các thế lực, cho cái nọ chống cái kia, ông đã đóng chốt tất cả lại. Chỉ khi nào tảng đá đỉnh vòm bị lấy đi, người ta mới thấy là nó quan trọng. Y hệt như thế, chỉ khi nào ông Diệm chết rồi, toàn thể hệ thống chính trị miền nam Việt Nam sụp đổ, người ta mới nhận ra vai trò sinh tử của ông ta. 

Điều những kẻ chủ trương ủng hộ cuộc đảo chính thuộc chính quyền Kennedy lúc đó đáng lẽ phải biết thì nay đã hiện rõ một cách đau đớn! 

Sự lựa chọn ở nam VN khi ấy không phải là sự lựa chọn giữa ông Diệm và một kẻ nào đó tốt hơn, mà là giữa ông và những kẻ tồi tệ hơn! 

Dù ông Diệm có lỗi gì chăng nữa thì ông ấy cũng có một căn bản pháp lý đáng kể. Ông Diệm là một lãnh tụ kiên cường, quyết đoán mà một dân tộc như Việt Nam đang rất cần. 

Sau khi ông mất, chính quyền ở nam VN trở thành một cái mà ai cũng có thể tranh cướp, giành giật!.... 
(Nguyên văn: President Diem stabilized South VN as a keystone holds up a dome. Political force converge on him from all directions, but by balance one against another, he locked all of them in place. And just as a keystone’s importance is not apparent unless it is removed, Diem vital role became clear only after his demise, when the entire South Vietnamese political system came crashing down. 

What the coup supporters in the Kennedy administration should have known all along now became painfully clear. The choice in South Vietnam had been not between Diem and somebody better but between Diem and somebody worse! 

Whatever his faults, Diem possessed a significant measure of legitimacy. He was a strong leader of a nation that desperately needed strong leader. With him gone, power in South Vietnam was up for grabs… 

*** “Năm của Hare” tức năm con Thỏ, trong khoa tử vi, người Tàu gọi con Thỏ thay cho con Mèo. Như thế, "Year of the Hare" chính là năm Quý Mão" (1963). 

****Trong cuốn “Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm” Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ (khi ấy còn mang lon Thiếu tá, Tư Lệnh Phó kiêm Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ TT) đã ghi lại chi tiết sau đây: 
“…tôi xin phép TT cho bỏ thành Cộng Hòa, dồn lực lượng chính là thiết giáp và ba đại đội của lữ đoàn, kéo lên tấn công thẳng vào Bộ Tổng Tham Mưu nhưng TT không đồng ý, và ra lệnh rõ ràng như sau qua sĩ quan tùy viên: “Bảo Duệ đừng nóng, TT đang liên lạc với các tướng để tránh đổ máu” (trang 162)

“….Lúc gần sáng (2-11), khi TT ra lệnh buông súng, không muốn binh sĩ đổ màu vì ông, tôi thấy rã rời, tuyệt vọng. Nhưng vẫn còn hy vọng mong manh là ông sẽ được đối xử tử tế bởi các tướng lãnh làm đảo chánh, vì hầu hết những vị này đều do ông gắn lon cho họ. Chẳng bao lâu sau được tin ông chết,. Nghĩ mà thương cho ông, vì sợ anh em bảo vệ cho ông bị đổ máu, sợ quân đội anh em giao tranh với nhau mất tiềm lực chống cộng, mà ông bị làm nhục, phải chết trong tay những kẻ vũ phu trong một xe thiết giáp!” (trang 170)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025