Chẳng hiểu sao họ bị lừa dễ dàng như thế?

Chẳng hiểu sao họ bị lừa dễ dàng như thế?



Ông Tư Sài Gòn
Ngày 10 Tháng Tư, báo Công Lý (Cơ quan của Tòa án NDTC) đăng một tin gây xôn xao của phóng viên (chắc thế) Thành Phan mang tựa đề: Mất hơn 1 tỷ sau khi tin tưởng “nghe nhạc được trả tiền”.

Ông Thành (họ) Phan ghi lại rằng Công an tỉnh Thanh Hóa đang điều tra các vụ “lừa đảo trên mạng với hình thức nghe nhạc được trả tiền”.

Một trong nhiều nạn nhân là chị Nguyễn Thị T. (34 tuổi, nhà ở huyện Hoằng Hóa). Chị này trình báo bị lừa tới 1,1 tỷ đồng sau khi tham gia hình thức “nghe nhạc được trả tiền”.


Theo tường thuật của ông Thành thì hình thức lừa đảo của bọn lừa đảo này là tạo niềm tin cho người chơi bằng cách trả 50.000 đồng tiền thưởng khi “thả tim” trên ứng dụng nghe nhạc.

Khi người chơi đã tin tưởng, chúng tiếp tục yêu cầu người chơi làm theo yêu cầu mới để nâng mức trả thưởng.

Cụ thể, bọn lừa đảo gởi cho chị T. trang web, hướng dẫn chị T. chuyển tiền để tham gia các bước xác nhận để hưởng tiền thưởng, tiền chênh lệch cao hơn.

Tổng số tiền chị T. đã chuyển cho các nghi phạm với mục đích hưởng tiền chênh lệch cao là 1,1 tỷ đồng.

Sau thời gian tham gia trò chơi, không còn khả năng vay mượn tiền, chuyển tiền cho các nghi phạm để hưởng chênh lệch, hoa hồng ở mức cao, thì chị T. mới tố giác ra cơ quan công an.


Thú thật là đọc đến đây, tôi không hiểu tại sao chị T. cứ chuyển tiền cho bọn lừa đảo cho đến lúc hết tiền, rồi tiếp tục mượn tiền tiếp tục chuyển cho bọn chúng.

Không thấy ông Thành nói vì về việc chị T. được bọn lừa đảo trả thưởng, như bỏ ra một miếng mồi dụ chị T. bỏ tiền vào nhiều hơn cho đến khi sập bẫy.

Tôi có cảm tưởng như bọn này chỉ dùng nước bọt để dụ người nhẹ dạ. Chẳng lẽ trên đời này còn có người như chị T., chỉ cần nghe là tin sao?

Ông Thành kể tiếp chuyện một nạn nhân khác cũng mắc bẫy chiêu trò này, là chị L.T.H. ở phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa).

Ngày 20 Tháng Ba, chị H. có nhận được điện thoại mời tham gia làm cộng tác viên nghe nhạc tăng lượt view, lượt like cho ca sĩ với thù lao 100.000-200.000 đồng, qua ứng dụng Telegram.

Chị H. tin tưởng làm theo yêu cầu, nhưng sau đó phát hiện ra chiêu trò lừa đảo. Tổng số tiền chị đã chuyển khoản theo yêu cầu của đối tượng là hơn 100 triệu đồng.

Hình thức tiếp cận của nhóm lừa đảo rất đơn giản. Chủ nhân của số điện thoại sẽ nhận được một cuộc gọi của một người xưng là nhân viên của một sàn thương mại điện tử, có nhiệm vụ tăng tương tác cho các bài hát bằng cách trả tiền tương tác, hoa hồng cho người nghe nhạc.

Đối tượng giải thích chỉ cần bật bài hát được yêu cầu, thì sẽ được 10.000 đồng/bài, kể cả không nghe mà chỉ bật lên để đó cũng vẫn nhận được tiền, sau đó sẽ được mời đề nghị kết bạn.

Mọi thông tin cá nhân, tài khoản của người chơi sẽ được nhóm lừa đảo khai thác, dụ dỗ tham gia hình thức chuyển tiền để hưởng chênh lệch mức cao.

Nói là “dụ dỗ tham gia hình thức chuyển tiền để hưởng chênh lệch mức cao”, nhưng lại không thấy nhắc tới đã được chuyển tiền thưởng là bao nhiêu để ham hố bỏ tiền vào thêm, thì quả thật không hiểu nổi lý do gì nạn nhân cứ tiếp tục chuyển cho đến khi hết sạch tiền mới phát hiện bị lừa?

Theo bản tin trên thì hiện Công an Thanh Hóa đang điều tra, chưa biết đến bao giờ mới xong.

Chuyện này rất khó tin, không phải vì nó không xảy ra, mà vì cách kể chuyện của ông “nhà báo” Thành Phan. Thôi thì dù sao thì đây cũng là “câu chuyện cảnh giác” dành cho quý bà, cứ ham miếng pho mát thơm tho mà quên mất nó đang nằm trong bẫy chuột.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180