Những vị tướng QLVNCH bị “tù cải tạo” trên 17 năm sau ngày 30/4/1975

Những vị tướng QLVNCH bị “tù cải tạo”
trên 17 năm sau ngày 30/4/1975

HD Lê Duy Đài

Đừng bao giờ quên ngày 30/4 là ngày Quốc Hận. Sự thật lịch sử vẫn còn đây: 
Những vị tướng QLVNCH bị “tù cải tạo” trên 17 năm (1975 -1992) sau ngày 30/4/1975.


1- Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung

Thiếu Tướng Trần Bá Di là một trong 4 vị Tướng sau cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà Cộng Sản Việt Nam đã thả sau 17 năm giam cầm trong lao tù. Nói đến Thiếu Tướng Trần Bá Di, những người đã từng biết ông, ai cũng thương mến và ca ngợi đức tánh xuề xòa, chân thật, bình dị, hết lòng với anh em nhưng rất kiên cường, bất khuất trước địch quân của ông.

Xuất thân trường Võ Bị Đà Lạt khoá 5, ông làm Tỉnh Trưởng Cần Thơ từ năm 1962 đến 1964.

Sau đó, ông đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ và trở về làm Phó Tư Lệnh Sư Đoàn 9.

Sau Tết Mậu Thân, ông được vinh thăng làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV. Năm1970, ông lại trở về Sư Đoàn 9 với chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn.

Cho đến năm 1974, trước khi đổi về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và làm Chỉ Huy Trưởng đến ngày mất nước, ông phụ trách Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4/ Quân khu 4.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Trần Bá Di trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ông ở lại tử thủ đơn vị, chống lại xâm nhập của Cộng Quân từ Hậu Nghĩa cho đến giây phút cuối cùng.

Trong lao tù Cộng Sản, Thiếu Tướng Trần Bá Di nổi tiếng là một tù nhân không khuất phục Cộng Sản, xứng danh là Tư lệnh của Sư Đoàn 9 Mũi Tên Thép.

Ông chống đối lao động cải tạo, không nói chuyện với quản giáo, quản chế.

Nếu muốn nói chuyện với ông phải từ cấp Trưởng Trại trở lên. Ông tuyệt đối không ca hát nhạc Việt Cộng dù bị bắt buộc.

Ông đã giữ đúng tư cách một vị tướng anh hùng của Quân Lực VNCH.

Nhắc đến Thiếu Tướng Trần Bá Di, không ai không cảm mến con người rất mộc mạc, bình dị, hòa đồng với thuộc cấp, chân thật với đồng đội như ông.

Thiếu Tướng Trần Bá Di là một trong các vị Tướng trong sạch, đáng kính mến của miền Nam Việt Nam, là niềm hãnh diện cao quý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thiếu Tướng Trần Bá Di từ trần ngày 23 tháng 3 năm 2018 tại TP Orlando, Tiểu bang FLORIDA. Hưởng thọ 88 tuổi.

2- Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB

Người hùng chiến trường Xuân Lộc: “I will hold Long Khánh. I will knock them down here even if they bring two divisions or 3 divisions”. (Tôi sẽ giữ Long Khánh. Tôi sẽ đánh tan họ dù thậm chí họ có 2 hoặc 3 Sư đoàn).

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, tốt nghiệp Khóa 10 Trường Võ Vị Quốc Gia Đà Lạt khi ông vừa đúng hai mươi tuổi. Là một chiến sĩ rất dũng cảm, chẳng mấy chốc mà số lượng huy chương tưởng thưởng cho ông đã đầy hết ngực áo. Nhưng với bản tính khiêm tốn, hiếm khi người ta thấy ông đeo những chiếc huy chương đó. Thiếu Tướng Đảo là một trong những vị tướng đi lên chức vụ của mình bằng những chiến công ngoài chiến trường. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, từng làm Tỉnh Trưởng Chương Thiện và Định Tường. Đỉnh cao nhất trong đời quân ngũ của ông khi ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh từ tháng 4.1972, vinh thăng Chuẩn Tướng tháng 11 năm 1972.

Ngày 23.4.1975, Tổng Thống Trần Văn Hương gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và vinh thăng ông lên Thiếu Tướng. Thiếu Tướng Đảo nổi tiếng là một vị Tướng thanh liêm, cần mẫn, năng động, kiên quyết và trí dũng song toàn. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền rất thương mến vị Tư Lệnh của họ, vì Thiếu Tướng Đảo luôn quan tâm chăm sóc đời sống thuộc cấp và gia đình họ. Ông luôn có mặt ở những vị trí tiền tuyến của sư đoàn để nâng cao tinh thần chiến binh. Nguyên tắc làm việc của ông mà ông đòi hỏi các cộng sự viên phải tuân thủ là liên lạc xuống dưới ít nhất hai cấp. Thí dụ, một Trung Đoàn Trưởng phải nắm được tình hình tận cấp Đại Đội, hay thấp hơn nữa. Với hệ thống làm việc sát cánh này, tinh thần binh sĩ lên rất cao, vì lúc nào họ cũng nghe thấy cấp trên đang có mặt bên cạnh. Họ đền đáp sự quan tâm ấy bằng những chiến thắng vang dội và lòng trung thành tuyệt đối.

Biến cố trưa ngày 30-04-75 ... Sau khi nhận được lệnh đầu hàng, ông ra lệnh giải tán đơn vị và tìm cách về Cần Thơ rồi lại quay về Sài Gòn. Đến ngày 9 tháng 5 năm 1975, ông ra trình diện Chính quyền mới và phải đi học tập cải tạo, do tỏ thái độ bất hợp tác nên ông bị giam tới 17 năm, lâu nhất trong các tướng VNCH. Mãi đến ngày 5 tháng 5 năm 1992, ông mới được trả tự do.

Tháng 4 năm 1993, ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo diện H.O và định cư cùng gia đình tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Sau khi ổn định cuộc sống tại Hoa Kỳ, ông tham gia và tích cực tổ chức các hoạt động trong giới cựu sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa. Tháng 9 năm 2003, ông là một trong những đồng sáng lập tổ chức "Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa" và giữ chức Chủ tịch Trung tâm Điều hợp Trung ương.

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH đã mệnh chung vào lúc 1:45 pm Ngày 19 tháng 3 năm 2020 tại tiểu bang Connecticut Hoa Kỳ hưởng thọ 87 tuổi.

3- Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Chỉ Huy Trưởng Binh chủng Biệt Động Quân

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai nguyên là một tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên ở trường Võ bị Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn Quân đội Liên hiệp Pháp. Sau này, ông được chuyển sang lĩnh vực Tham mưu và Chỉ huy các đơn vị Bộ binh. Sau cùng, ông đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Binh chủng Biệt động quân.

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai sinh năm 1929 tại Bến Tre, trong một gia đình điền chủ. Ông theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, ra trường vào tháng 4, 1952. Đơn vị đầu tiên của ông là Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù.

Lần lượt ông đã giữ các chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, Chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù (1962), Tham mưu trưởng Sư Đoàn 25 Bộ Binh, Tư lệnh Sư Đoàn 10 Bộ Binh (Tiền thân của Sư đoàn 18 Bộ Binh).

Năm 1967 ông mang cấp bậc Chuẩn tướng. Năm 1972, ông là Chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Động Quân và được vinh thăng Thiếu tướng vào tháng 4/1974.

Ngày 28 tháng 4/1975, tướng Times bên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ngỏ lời sẵn sàng giúp đưa cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng ông quyết định ở lại vì trách nhiệm của một tướng lãnh.

Ngày 15 tháng 5/1975, Cộng sản đến nhà mời ông đi họp và đưa thẳng vào khám Chí Hòa, sau đó đưa ông cùng với các vị tướng lãnh khác ra Bắc Việt.

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai bị Việt Cộng giam tù lâu hơn cả các Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn, tổng cộng 17 năm. Nghe nói rằng Việt Cộng trả thù ông vì khi Dương Văn Minh mời ông cộng tác, ông nói rằng tôi cầm quân không phải để đầu hàng.

Đến ngày 5 tháng 5/1992, sau 17 năm lao tù, ông mới được trả tự do. Ông là một trong 4 vị cấp tướng cuối cùng ra trại đó là Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Minh Đảo và Chuẩn tướng Lê Văn Thân.

Ông và gia đình được xếp vào danh sách H.O. cuối cùng đến Mỹ vào tháng 11 năm 1994 và định cư tại thành phố Garland, tiểu bang Texas.

Cựu Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai qua đời ngày 21.2.2016 tại Bệnh viện Baylor Dallas, Texas, sau 4 năm sống tại viện dưỡng lão Pleasant Valley Health Care Center.

4- Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi là vị tướng thiết giáp tài giỏi nhất trong Quân Lực VNCH.

Ông là một vị tướng oai hùng, chính trực, tài giỏi, chỉ huy tận tụy và cũng là vị chỉ huy Lữ đoàn duy nhất trong 4 Lữ đoàn của Binh Chủng Thiết Giáp và trong tất cả các Lữ đoàn của QLVNCH được thăng cấp chuẩn tướng. Ông còn chỉ huy Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III.

Cựu Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi sinh ngày 24 tháng 1 năm 1930 tại quê ngoại Mỏ Cầy, Bến Tre. Năm 1951, Ông gia nhập Quân Đội Quốc Gia, ra trường với cấp bậc thiếu úy hiện dịch và ông chọn Binh Chủng Thiết Giáp. Kể từ đó ông gắn bó với binh chủng này cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ông từng theo học các trường thiết giáp danh tiếng thế giới là Trường Thiết Giáp Saumur năm 1955 tại Pháp. Trường Thiết Giáp Fort Knox năm 1959 và Trường Đại học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Fort Leavenworth 1973 tại Hoa Kỳ.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông được thăng cấp khá chậm, nhưng qua đó cho thấy ông trưởng thành trong khói lửa chiến tranh thật sự và hoàn toàn xứng đáng chứ không phải là may mắn... 1954 - Trung úy, 1955 - Đại úy, 1960 - Thiếu tá, 1965 - Trung tá, 1969 - Đại tá và 1974 - Chuẩn tướng.

Các cấp chỉ huy của ông đều đánh giá cao thực tài của ông và danh tiếng cũng như những chiến công của họ cũng được chính ông góp phần. Ngay các cố vấn và giới quân sự Hoa Kỳ cũng hết sức khâm phục và không tiếc lời khen ngợi ông.

Thời đánh qua Chiến trường Cao Miên 1970-1971 để tìm và diệt quân cộng sản Bắc Việt CSBV, ông chỉ huy Chiến Đoàn 318 là một Chiến đoàn trưởng xuất sắc.

Có thể nói Ông là vị tướng thiết giáp xông xáo, táo bạo nhưng có tính toán. Ông phát huy tối đa tính cơ động và tận dụng hỏa lực để tạo những cú sốc chấn động, bất ngờ cho cộng quân. Ông tổ chức Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III (LLXKQĐ3) theo mô hình khá sáng tạo và linh động cho phù hợp với chiến trường và khả năng của QLVNCH. Ông cũng là người kết hợp nhuần nhuyễn nhị thức thiết giáp - bộ binh một các tài tình.

Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III do ông chỉ huy đã giải vây Căn Cứ biên phòng Đức Huệ của TĐ83 BĐQ và đánh bại Công Trường 5 (SĐ 5) CSBV chỉ trong vòng 5 ngày. Ông cũng góp phần cho chiến thắng Xuân Lộc năm 1975. Sau khi rút về phòng thủ Biên Hòa, LLXKQĐ3 đã đánh bại SĐ341 CSBV.

Ông cùng một số ít tướng lãnh VNCH bị đòn thù CSBV đến 17 năm giam cầm. Ông qua định cư tại Virginia - Hoa Kỳ diện HO. Ông đã tốt nghiệp văn bằng thạc sĩ văn chương Pháp tại đại học George Mason năm 1998.

Chuẩn tướng Trần Quang Khôi tạ thế ngày 1 tháng 4 năm 2023 tại tiểu bang Virginia, hưởng thọ 93 tuổi .

5- Chuẩn Tướng Phạm Ngoc Sang, Tư Lệnh Sư đoàn 6 Không Quân

Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang nguyên là một tướng lĩnh Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông xuất thân từ một trường chuyên đào tạo sĩ quan trừ bị cho ngành Bộ binh do Quân đội Quốc gia thành lập dưới sự hỗ trợ của Quân đội Pháp. Tuy nhiên, sau đó trúng tuyển chuyến sang Không quân. Ông đã phục vụ ở Quân chủng này cho đến ngày cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ngày 15 tháng 3, được lệnh di tản chiến thuật Sư đoàn 6 Không quân từ Pleiku xuống Phan Rang.

Trưa ngày 16 tháng 4, ông bị quân Cộng sản Bắc việt bắt cùng với Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị tạm giam tại Cam Lâm, Khánh Hòa rồi Đà Nẵng, cuối cùng bị đưa ra Bắc qua các trại giam: Sơn Tây, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Nam Hà. Sau đó, ngày 30 tháng 11 năm 1988 được đưa về miền Nam giam giữ ở trại Z.30D Hàm Tân, Bình Thuận. Cho đến ngày 11 tháng 2 năm 1992 ông mới được trả tự do.

Ngày 22 tháng 2 năm 1992, ông cùng với gia đình xuất cảnh theo chương trình diện H.O. Sau đó định cư tại Garden Grove, Tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Trước khi mất ông dồn sức cố viết một hồi ức về trận đánh Phan Rang và làm một điều chẳng ai bắt ông phải làm là tỏ lời cáo lỗi cùng đồng bào qua mấy dòng bi tráng, “Tôi cảm nhận rất có tội với đồng bào, vì làm tướng mà không giữ được thành”.

Ngày 30 tháng 11 năm 2002, ông từ trần tại nơi định cư. Hương thọ 71 tuổi.

6- Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu II

Chuẩn tướng Phạm Duy Tất sinh 1933, nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh, sau chuyển sang Binh chủng Lực lượng Đặc biệt của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ những khóa học ở giai đoạn đầu tiên ở trường Sĩ quan Trừ bị do Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra tại miền Nam Việt Nam. Năm 1970, khi Binh chủng Lực lượng Đặc biệt giải tán, ông chuyển sang Binh chủng Biệt động quân.

Đầu năm 1975, kiêm chức vụ Tư lệnh Chiến trường Kontum. Ngày 14 tháng 3 1975, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm. Hai ngày sau (16 tháng 3), ông nhận chức vụ Tư lệnh cuộc hành quân triệt thoái Quân đoàn II khỏi Cao nguyên trên tỉnh lộ 7, được đặt dưới quyền giám sát của Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm (đương nhiệm chức vụ Phụ tá hành quân Quân đoàn II).

Sau ngày 30 tháng 4 1975, ông ra trình diện và bị chính quyền mới đưa đi tù cải tạo từ Nam ra Bắc cho tới ngày 11 tháng 2 năm 1992 mới được trả tự do. Cũng trong năm 1992, sau 17 năm trong lao tù cộng sản ông cùng với phu nhân và 2 người con xuất cảnh theo diện H.O được cứu xét trường hợp đặc biệt do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh đi định cư tại Amadale, Tiểu bang Virginia, Hoa kỳ.

Cựu Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, qua đời 11/12/2019 tại bệnh viện Inova Fairfax Hospital, Falls Church, Virginia, hưởng thọ 85 tuổi.

7- Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tư Lệnh phó Quân khu II

Chuẩn tướng Lê Văn Thân (1932-2005), nguyên là một tướng lĩnh gốc Pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại trường Võ bị Quốc gia sau khi chuyển từ Huế về Nam Cao nguyên Trung phần. Ông đã phục vụ ở ngành chuyên môn của mình một thời gian dài, sau ông được chuyển sang lĩnh vực Chỉ huy và Tham mưu và đã từng giữ chức vụ Chỉ huy một đơn vị Bộ binh cấp Sư đoàn. Sau cùng là Tư lệnh phó của một Quân đoàn.

Đầu năm 1960, ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử làm Chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 1 Bộ binh. Đầu tháng 2 năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý nội bộ ngày 30 tháng 1 của tướng Nguyễn Khánh, ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại trường Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ. Tháng 8 cùng năm mãn khóa học về nước, ông được thăng cấp Trung tá. Sau đó ông được chuyển về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Hành quân. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1967, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm.

Tháng 3 năm 1968, ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng và Tiểu khu trưởng tỉnh Thừa Thiên kiêm Thị trưởng thị xã Huế thay thế Đại tá Phan Văn Khoa.

Cuối tháng 1 năm 1972, ông nhận lệnh bàn giao tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế lại cho Đại tá Nguyễn Hữu Duệ. Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó Sư đoàn 7 Bộ binh do Chuẩn tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư lệnh. Đầu tháng 5, trở lại Quân khu 1 ông được cử làm Phụ tá cho Tư lệnh Quân đoàn I, Đặc trách hành quân kiêm Trưởng ban kế hoạch tái chiếm Quảng Trị. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 cùng năm, ông được thăng cấp Chuẩn tướng và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, thay thế Thiếu tướng Phạm Văn Phú.

Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1973, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 1 Bộ binh lại cho Đại tá Nguyễn Văn Điềm (nguyên Tư lệnh phó Sư đoàn). Cùng ngày ông được chuyển về Quân khu 2 giữ chức vụ Chỉ huy phó trường Võ bị Quốc gia Việt Nam, thay thế Đại tá Phạm Tất Thông đi làm Tham mưu trưởng Tổng cục Quân huấn. Cuối năm 1974, ông được chuyển về Bộ tư lệnh Quân đoàn II giữ chức vụ Tư lệnh phó lãnh thổ Quân khu 2 do Thiếu tướng Phạm Văn Phú làm Tư lệnh.

Sau ngày 30 tháng 4, ông ra trình diện Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn, bị bắt đi tù lưu đày cho tới ngày 5 tháng 5 năm 1992 mới được trả tự do.

Năm 1993, ông cùng gia đình xuất cảnh theo chương trình diện H.O, do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh, sau đó định cư tại Westminster, Tiểu bang California, Hoa kỳ.
Ngày 26 tháng 9 năm 2005, ông từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 73 tuổi.

8- Chuẩn Tướng Mạch văn Trường, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB

Chuẩn tướng Mạch Văn Trường (sinh 1936), xuất thân Khoá 12 VBQGVN, nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ trường Võ bị Liên quân vào thời kỳ Quân đội Việt Nam Cộng hòa hình thành (1955). Trong thời gian tại ngũ, ngoài chuyên môn là một sĩ quan chỉ huy đơn vị Bộ binh, ông cũng được giao phó chức vụ chỉ huy về lãnh vực Hành chính Quân sự.

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1965, ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử giữ chức vụ Trưởng phòng 2 tại Bộ tư lệnh Sư đoàn 21 bộ binh do Chuẩn tướng Phạm Quốc Thuần làm Tư lệnh. Qua đầu năm 1967, ông chuyển đi làm Phó Tỉnh trưởng Nội an kiêm Tiểu khu phó Bạc Liêu.

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm, sau đó chuyển về Thủ đô giữ chức Tham mưu trưởng Tòa Tổng trấn Sài Gòn-Gia Định.
Giữa năm 1969, ông được chỉ định vào chức vụ Đặc khu trưởng Đặc khu Thủ Đức. Giữa năm 1970, được cử đi học và tốt nghiệp khóa Chỉ huy Tham mưu cao cấp ở trường Chỉ huy và Tham mưu tại Đà Lạt.

Đầu năm 1971 mãn khóa học, ông được cử làm Trung đoàn phó Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 Bộ binh do Đại tá Bùi Trạch Dần làm Trung đoàn trưởng. Tháng 7 cùng năm ông được lên giữ chức vụ Trung đoàn trưởng thay thế Đại tá Dần dưới quyền Đại tá Lê Văn Hưng Tư lệnh Sư đoàn.

Tháng 3 năm 1972, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Tháng 7 cùng năm, ông được chỉ định vào chức vụ Tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh vẫn do Chuẩn tướng Lê Văn Hưng làm Tư lệnh, sau đó Đại tá Trần Quốc Lịch thay thế làm tư lệnh Sư đoàn. Tháng 11 cuối năm, Bộ Tổng tham mưu biệt phái ông sang lĩnh vực Hành chính Quân sự và ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Long Khánh.

Đầu năm 1974, rời chức vụ Tỉnh trưởng, ông được cử theo học và tốt nghiệp Thủ khoa khóa Tổng thanh tra Quân lực. Tháng 4 cùng năm, ông được chuyển trở về Quân khu 4, phục vụ tại Sư đoàn 21 Bộ binh giữ chức vụ Chánh tranh tra Sư đoàn. Tháng 11 cuối năm, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh thay thế Chuẩn tướng Lê Văn Hưng được cử đi làm Tư lệnh phó Quân đoàn IV và Quân khu 4.

Ngày 17 tháng 5/75, ông bị bắt tại Cần Thơ và đưa đi học tập và cải tạo từ Nam ra Bắc suốt 17 năm. Ngày 11 tháng 2 năm 1992 mới được trả tự do.

Cùng năm 1992, ông được Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh theo diện H.O sang Mỹ tỵ nạn và định cư tại Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ & Đã từ trần ngày 30/6/2021 tại Houston Texas USA.

HD Lê Duy Đài
Montreal, Canada 04-2023



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025