Nha Trang khánh thành nhà hát 400 tỷ theo mô hình ‘cái lờ bắt cá’

Nha Trang khánh thành nhà hát 400 tỷ
theo mô hình ‘cái lờ bắt cá’

Nhà hát Đó ở khu vực Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Ảnh: Bùi Toàn/VNExpress

Ông Tư Sài Gòn

Ngay trong ngày Cá Tháng Tư (1 Tháng Tư) ông Thủ tướng (cs) Phạm Minh Chính đã đến TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để cùng với dàn lãnh đạo tỉnh khánh thành Nhà hát Đó, ở Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa.

Theo ông Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, “đây là công trình văn hóa, du lịch tiêu biểu, là mô hình phát triển kinh tế – du lịch dựa trên các giá trị văn hóa mang lại những khác biệt và độc đáo cho điểm đến du lịch Nha Trang, Khánh Hòa”.

Thế mà điểm đầu tiên khiến dân tình thất vọng, là ông thủ tướng lại mặc một bộ đồ sơ mi quần tây bình thường như đang đi thăm nhà máy, chứ không diện một bộ đồ com-lê cho xứng tầm một công trình văn hóa.

Ông Thủ tướng ăn mặc xuề xòa trong một sự kiện mang tính văn hóa cao, khi phát biểu tại lễ khánh thành Nhà hát Đó – Ảnh: Bùi Toàn/VNExpress

“Ổng Chính ăn mặc xuề xòa quá, khiến các ông lãnh đạo tỉnh cũng phải cởi áo vest ra cho ‘xuống tầm’ với ông ấy”, một người tham dự lễ khánh thành nói như thế với cái lắc đầu chán nản.

Đó là chuyện “nhỏ như con thỏ”. Cái chính là ông Jean Michel Puiff, Giám đốc Nhà hát Quốc gia Senart (Pháp) khen ngợi Nhà hát Đó lắm. Báo VNExpress trích lời ông Puiff nói rằng đây là nhà hát hiện đại đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với các tiêu chuẩn tương tự các nhà hát châu Âu. “Khó có thể hình dung những thách thức khi xây công trình này ở Việt Nam. Tôi mừng về sự liều lĩnh của nhà đầu tư và các đối tác”.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn KDI Holdings (chủ đầu tư) có lẽ “sướng rên mé đìu hiu” khi được một người có uy tín về văn hóa Pháp Quốc khen ngợi. Nhưng có người nghe xong lại cười nói: “Ông ta đang chê mà họ không biết cứ ngỡ là khen. Trên thế giới chẳng có công trình văn hóa nào được xây bằng ‘sự liều lĩnh’ cả!”

Cái đó, một dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá của nông dân – Ảnh: cadao.me

Chẳng biết chủ đầu tư có “liều lĩnh” hay không, nhưng theo ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KDI Holdings, Nhà hát Đó được thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc “đó” – một dụng cụ đánh bắt thủy sản theo phương thức truyền thống của cư dân nông nghiệp lúa nước.

“Đó” là một ngư cụ độc đáo của nông dân miền Bắc, dùng để bắt các loại tôm, cá nhỏ ở nơi có độ sâu và dòng chảy nhỏ, như sông nhỏ, rạch, mương, suối. Nông dân miền Nam, nhất là miền Tây, nơi có nhiều sông rạch, bà con nông dân dùng một dụng cụ tương tự, nhưng gọi là cái “lờ”.

Một nông dân đang chuẩn bị đặt cái đó bắt tôm cá ngay cái rạch sau nhà – Ảnh cắt từ clip VTC News

Như thế, “đó” và “lờ” gắn liền với đời sống người nông dân, chứ chẳng dính líu gì đến ngư dân miền biển cả. Gắn công trình mang hình “cái đó” hay “cái lờ” cho nó mang tính “tiêu biểu, tạo khác biệt và độc đáo” cho một vùng biển quả là “sự liều lĩnh” của chủ đầu tư.

Chẳng biết người dân Khánh Hòa có “cảm” được ý của lãnh đạo và chủ đầu tư xây “cái đó, cái lờ” này không, chứ theo người nông thì “cái lờ”, hay “cái đó” luôn được đặt dọc theo bờ nước có những chỗ cỏ xanh rậm có thể che giấu được để đánh lừa cá tôm. Chúng nó tưởng tìm được chỗ mát mẻ, kín đáo có thể ẩn nấp nên tranh nhau chui vào, đâu ngờ chui vào lờ.

Cái lờ bắt cá sặc truyền thống tại miền Tây – Ảnh cắt từ clip “Em Gái Miền Tây NKT

Thế là hết một đời tôm, cá.

Không biết Nhà hát Đó này có được xây dựng với mục đích bắt mấy con “cá gô” (cá rô) chui vào “lờ”, kêu “gột gột” (rột rột) không, nhưng chắc chắn một điều, nhà hát mang hình “cái đó” sẽ được người dân nhắc tới trong nhiều năm nữa. Cứ tưởng tượng tối tối, già trẻ bé lớn gì cũng rủ nhau chui vào “cái lờ” to tổ bố như thế cũng… vui! Có người chế câu chuyện vui như thế này:

Hai người bạn rủ nhau đi xem ca nhạc.
– Ghé Nhà hát Đó xem ca nhạc nghe?
– Nhà hát đó là nhà hát nào?
– Thì Nhà hát Đó!
– Ừ! Nhưng nhà hát đó là nhà hát nào?
– Trời ơi! Nhà hát hình “cái lờ” đó!
– À! Ừ… Đi thôi!

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209