Trung cộng đang chuẩn bị cho chiến tranh; còn Hoa Kỳ đã sẵn sàng chưa?
còn Hoa Kỳ đã sẵn sàng chưa?
Một chiến đấu cơ tàng hình Lockheed Martin F-22 Raptor của Không quân Hoa Kỳ |
Andrew Thornebrooke
Đạn dược sắp cạn kiệt, thương vong vô cùng lớn, không có thuốc men và các nguồn cung cấp quan trọng khác trong nhiều tuần, và một cuộc tấn công hạt nhân vào quê hương Hoa Kỳ sắp xảy ra.
Đó là một cảnh thảm khốc, gần giống với một bộ phim truyền hình Hollywood hơn bất kỳ cuộc chiến nào mà Hoa Kỳ đã thực sự tham gia trong nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, đó là điều mà nhiều người dự đoán về một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung cộng cộng sản có thể diễn ra trong thập niên này.
Cả Hoa Kỳ và Trung cộng đều đang đầu tư những khoản tiền kỷ lục vào việc xây dựng năng lực quân sự của mình. Dường như, giới lãnh đạo của cả hai bên ngày càng xem một cuộc xung đột như vậy là không thể tránh khỏi, bất kể những luận điệu về điều trái ngược.
Nguyên nhân của sự thù địch lẫn nhau đó là do Đảng Cộng sản Trung cộng (ĐCS_TC) tuyên bố rằng Đài Loan dân chủ thuộc về đại lục, và mong muốn của nhà lãnh đạo ĐCS_TC Tập Cận Bình là buộc phải thống nhất trong vòng vài năm tới.
Ông Tập đã ra lệnh cho cánh quân sự của chính quyền này chuẩn bị cho chiến tranh, và sẵn sàng tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan vào năm 2027.
Việc chuẩn bị cho cuộc tấn công đổ bộ tham vọng nhất trong lịch sử không giống như khi khai triển trong thực tế. Tuy nhiên, nếu điều xấu nhất xảy ra, thì chính phủ Tổng thống Biden hoặc chính phủ kế nhiệm sẽ phải quyết định hoặc tham chiến, hoặc là để cho Đài Loan tự lực và chiến đấu vì sự tự do của họ.
Tuy nhiên, trước khi lãnh đạo Hoa Kỳ quyết định về câu hỏi đó, họ phải trả lời một câu hỏi khác, căn bản hơn: Hoa Kỳ có thể chiến thắng trong cuộc chiến với Trung cộng không?
‘Thời kỳ nguy hiểm cực độ’
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) dành nhiều nỗ lực vào cuộc chiến tranh lạnh mới này giữa Hoa Kỳ và Trung cộng hơn hầu hết mọi người.
Được giao nhiệm vụ lãnh đạo Ủy ban Đặc biệt Hạ viện mới của Quốc hội về Cạnh tranh Chiến lược với ĐCS_TC, ông là một trong số ít những người có quyền lực và ảnh hưởng trong nhánh lập pháp trực tiếp tham gia xây dựng một kế hoạch hành động để bảo vệ người dân Mỹ, nền kinh tế, và các giá trị của quốc gia này khỏi sự xâm lược của ĐCS_TC.
Đối với ông, cuộc chinh phục Ukraine đang diễn ra của Nga, và sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược này, chứa đựng tất cả các bài học cần thiết để chuẩn bị cho những gì xảy ra tiếp theo ở Đài Loan.
“Nếu chúng ta không học được những bài học đúng đắn từ sự thất bại trong việc ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine, thì sự gây hấn độc đoán và ảnh hưởng xấu của ĐCS_TC sẽ lan sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và cuộc Chiến tranh Lạnh mới của chúng ta với Đảng Cộng sản Trung cộng có thể nhanh chóng trở nên nảy lửa,” ông Gallagher nói.
“Để ngăn chặn điều này, chúng ta phải hành động với một tinh thần khẩn cấp và làm mọi thứ có thể để ngăn chặn ĐCS_TC xâm lược Đài Loan”.
Kế hoạch đó cũng tương tự kế hoạch đã được thực hiện kể từ năm 1979, khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan và đồng ý cung cấp cho hòn đảo này những khí tài quân sự cần thiết để duy trì khả năng tự vệ của mình.
Tuy nhiên, bối cảnh chiến lược 44 năm trước là một điều gì đó hoàn toàn khác, và số lượng khí tài quân sự và hệ thống mà hiện Đài Loan cần để ngăn chặn ĐCS_TC trước mối đe dọa là vô cùng lớn.
Theo sự nhìn nhận của ông Gallagher, cả Đài Loan và Hoa Kỳ đều chưa chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh với Trung cộng.
Tháng 11/2021, ông Gallagher nhắc lại cảnh báo rằng, “nếu chúng ta tham chiến ở Eo biển Đài Loan vào ngày mai, chúng ta có thể sẽ thua trận”.
Hiện ông Gallagher đang rất cẩn trọng để tránh những phát ngôn đen tối tương tự, nhưng khi được hỏi liệu ông vẫn đồng tình với nhận định đó hay không, thì sự lạc quan của ông trước hiệu suất (chiến đấu) của Hoa Kỳ trong cuộc chiến với Trung cộng xem ra rõ ràng là có chừng mực.
Ông Gallagher nói: “Nếu Đảng Cộng sản Trung cộng xâm lược Đài Loan ngay hôm nay, chúng ta lại không ở trong vị thế đủ tốt để bảo vệ bằng hữu, để bảo vệ lợi ích của chúng ta hay các giá trị của Mỹ quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Ông tin rằng Hoa Kỳ phải trang bị đầy đủ vũ khí cho Đài Loan ngay từ bây giờ, bằng không sau này sẽ phải viện trợ cho Đài Loan với cái chi phí đắt hơn nhiều.
Ông nói, dù bằng cách nào đi chăng nữa, những lựa chọn mà Hoa Kỳ đưa ra ở hiện tại sẽ quyết định phần lớn các điều kiện chiến thắng và thất bại sau này. Do đó, Quốc hội phải đồng thuận về vũ trang cho Đài Loan cũng như chống lại ảnh hưởng xấu của ĐCS_TC một cách có hệ thống trong từng cơ hội.
Ông Gallagher cho biết: “Chúng ta đang trong thời kỳ nguy hiểm cực độ và nếu chúng ta muốn bảo đảm rằng chính Hoa Kỳ chứ không phải ĐCS_TC viết ra các quy tắc của thế kỷ 21, thì chúng ta cần hợp nhất theo hướng lưỡng đảng một cách mạnh mẽ để chống lại ĐCS_TC hiếu chiến.”
Ngăn chặn hạt nhân ‘Armageddon’ (ngày tận thế)
Mặc dù cụm từ “nguy hiểm cực độ” là ở mức tuyệt đối, nhưng cụm từ này vẫn có thể không gây được ấn tượng về mức độ nghiêm trọng của kho vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng của ĐCS_TC và vai trò mà họ sẽ đảm nhận trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
Cánh quân sự của ĐCS_TC, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), đã làm việc không mệt mỏi để mở rộng và tăng cường kho vũ khí hạt nhân của chế độ này và khiến cho quê hương Hoa Kỳ đối mặt với sự đe dọa.
Chế độ này dự kiến sẽ trang bị 1,000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030, rất nhiều trong số đó có khả năng mang nhiều đầu đạn. Và họ đang làm việc để khai triển các hệ thống bắn phá siêu thanh dường như được thiết kế để sử dụng làm vũ khí tấn công phủ đầu.
Những khả năng như vậy sẽ đặt Hoa Kỳ vào nguy cơ nghiêm trọng trong một cuộc chiến tranh và sẽ tạo ra động lực ra quyết định chưa từng có giữa quân đội cả hai nước kể từ Chiến tranh Lạnh.
Sự nghiệp của ông đã nhiều lần đưa ông đến Trung cộng, trong đó có một thời gian làm tùy viên quốc phòng ở Bắc Kinh, nơi mà ông đã đàm phán với các sĩ quan PLA về các sự kiện quan trọng và thiết lập những đường hướng giải quyết cạnh tranh chiến lược.
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Trung cộng vì tương lai của Đài Loan hay không, ông Spalding trả lời một cách rõ ràng và dứt khoát.
“Không,” ông Spalding nói. “Phía Trung cộng có quá nhiều vũ khí và họ ở quá gần nhà”.
“Hoa Kỳ không thể tập hợp đủ sức mạnh chiến đấu để ngăn chặn Trung cộng”.
Ông cho rằng khả năng điều động và duy trì sức mạnh của Hoa Kỳ qua 3.000 dặm ở Thái Bình Dương là vô cùng yếu.
Việc duy trì một lực lượng chiến đấu toàn diện trong khu vực này trong khi bị các lực lượng phi đạn và hỏa tiễn của PLA đe dọa, chưa nói gì đến hải quân của họ, sẽ có nguy cơ leo thang hạt nhân mọi lúc.
Nói một cách đơn giản, Hoa Kỳ sẽ bị Trung cộng áp đảo trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vũ khí hạt nhân chiến lược trong một tình huống như vậy trở thành lợi thế rõ ràng nhất của Hoa Kỳ, và là mối đe dọa rõ ràng nhất của thế giới.
Có thể hiểu được rằng ông Spalding xem việc sử dụng vũ khí hạt nhân là một tình huống thất bại. Tuy nhiên, ông vẫn xem việc Hoa Kỳ tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân là một yếu tố thiết yếu để ngăn chặn Trung cộng bành trướng hành vi gây hấn ra tới Đài Loan.
“Loại vũ khí duy nhất có thể giúp chúng ta cân bằng với sức mạnh quân sự thông thường của Trung cộng là vũ khí hạt nhân,” ông Spalding nhận định. “Loại vũ khí này sẽ mang lại cho Hoa Kỳ cơ hội chiến đấu, nhưng sẽ hủy diệt Hoa Kỳ, Trung cộng, và thế giới”.
“Tuy nhiên, con đường chắc chắn nhất đi đến chiến tranh là thể hiện sự yếu đuối. Đây là lý do tại sao Hoa Kỳ bắt buộc phải điều động và duy trì sức mạnh. Ngày nay, cách duy nhất là bằng vũ khí hạt nhân. Chúng ta không có thời gian cho bất cứ điều gì khác nữa”.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Spalding cho rằng Hoa Kỳ sẽ cần ngay lập tức bắt đầu chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng, trong đó có ngành dược phẩm và tài nguyên công nghệ, ra khỏi Trung cộng. Việc để cho Trung cộng cung ứng những mặt hàng như vậy là một cách chắc chắn đi đến chiến bại.
Ông Spalding nói: “Tuy không có thời gian nữa, nhưng Hoa Kỳ cần xây dựng lại cơ sở công nghiệp của mình ngay bây giờ trong khi chúng ta vẫn còn nắm giữ sự kiểm soát ở một mức độ nào đó”.
Ông nhấn mạnh rằng, bởi vì Hoa Kỳ sẽ gặp bế tắc trong việc cố gắng tạo ra các chuỗi cung ứng mới cho các nguồn tài nguyên quan trọng trong khi các chuỗi cung ứng hiện tại thông qua Trung cộng bị phá hủy, nên thương vong trong nước và ngoài tiền tuyến đều có thể xảy ra.
Quan điểm của ông Spalding mang tính hai mặt mà nhiều người ngày nay chia sẻ. Một mặt, ông tin rằng một cuộc xâm lược của ĐCS_TC là không thể tránh khỏi. Mặt khác, ông tin rằng viện trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan trong một cuộc chiến như vậy không nên là một sự can thiệp quân sự, điều mà ông tin rằng sẽ có nguy cơ gây ra một thảm họa hạt nhân.
“Họ (ĐCS_TC) sẽ xâm lược vào một thời điểm họ chọn,” ông Spalding nói. “Chúng ta phải chuẩn bị cho sự trợ giúp không thể tránh khỏi mà người dân Đài Loan sẽ cần.”
“Nếu bị tấn công, nước Mỹ sẽ chiến đấu. Điều đó nói rằng, tôi tin rằng Trung cộng sẽ không tấn công trực tiếp vào Hoa Kỳ vì e sợ một cuộc chiến rộng lớn hơn sẽ tiêu diệt ĐCS_TC. Lý do này cùng với vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ ngăn chặn trận chiến hủy diệt Armageddon nếu chúng ta thể hiện sức mạnh.”
Cơ sở công nghiệp quốc phòng ‘chưa được chuẩn bị đầy đủ’ cho cuộc chiến với Trung cộng.
Tuy nhiên, với điều kiện Hoa Kỳ bước ra bảo vệ Đài Loan, và với điều kiện nước này có thể ngăn chặn hoàn toàn PLA phóng phi đạn hạt nhân, thì một chiến thắng vẫn còn là xa vời.
Ngoài vấn đề tiếp vận cung cấp cho tiền tuyến đó là vấn đề thực sự cung cấp đạn cho súng trường và đạn dược cho các khẩu súng trên khắp Thái Bình Dương. Hoa Kỳ hoàn toàn không có kho dự trữ cần thiết để tiến hành bất cứ điều gì khác ngoài một chiến dịch ngắn, có lẽ sẽ kéo dài nhiều tuần ở Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth đã nói như vậy trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 30/03, trong đó bà giải thích rằng sự ủng hộ của quốc gia này dành cho Ukraine đang nhanh chóng làm cạn kiệt kho dự trữ đạn dược của mình và phải mất nhiều năm nữa mới có thể thay thế.
Bà Wormuth nói, “Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta học được từ Ukraine là cần có một cơ sở công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn”.
Hiện tại, chúng ta đang mua năng lực công nghiệp quốc phòng ở mức tuyệt đối”.
Vì thế, bà Wormuth nói rằng Lục quân đang chi 1.5 tỷ USD để tăng cường sản xuất các loại vũ khí và các kho chứa mới nhằm tạo ra một “cơ sở cung cấp căn bản”.
Tuy nhiên, do sự phức tạp của các chuỗi cung ứng liên quan và đặc trưng của thiết bị này, nên việc duy trì các nỗ lực sản xuất và mua sắm như vậy sẽ mất nhiều năm. Ít ra thì từ năm 2025 đến năm 2027 sẽ bắt đầu thời kỳ mà nhiều quan chức quân sự tin rằng một tình huống xâm lược Đài Loan có thể trở thành hiện thực.
Bà Wormuth cho biết: “Một số công cụ gia công cần thiết để mở các dây chuyền sản xuất mới chính là những cỗ máy rất lớn, phức tạp, cần có thời gian để chế tạo và lắp đặt”.
Chắc chắn rằng, không phải tất cả các loại vũ khí mà Hoa Kỳ hiện đang sử dụng ở Ukraine đều tất yếu sẽ hữu ích trong cuộc chiến bảo vệ Đài Loan.
Chẳng hạn, đạn 155mm được nhiều hệ thống pháo binh ở Ukraine sử dụng sẽ mất ưu thế trước hỏa tiễn chống hạm tầm xa, hay còn được gọi là LRASM.
Thế nhưng, cần nhắc lại rằng Hoa Kỳ hoàn toàn chưa sẵn sàng cho chiến tranh.
Bà Wargames chứng minh rằng Hoa Kỳ có thể cạn kiệt toàn bộ kho vũ khí LRASM của mình trong vòng một tuần chiến đấu với Trung cộng, theo một báo cáo hồi tháng Một của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
“Trong một cuộc xung đột lớn trong khu vực — chẳng hạn như một cuộc chiến với Trung cộng ở Eo biển Đài Loan — thì Hoa Kỳ có thể sẽ sử dụng đạn dược vượt quá kho dự trữ hiện tại của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD), dẫn đến vấn đề ‘kho trống rỗng”.
“Vấn đề là Hoa Kỳ có các kho dự trữ hỏa tiễn chống hạm tầm xa ít đến mức trong các cuộc tập trận của chúng ta, trong nhiều lần lặp lại của cuộc tập trận, hầu như lần nào chúng ta cũng hết [LRASM] trong vòng chưa đầy một tuần”, ông Seth Jones, tác giả báo cáo nói trên cho biết trong một video liên quan.
“Trong trường hợp đó, chúng ta không thể chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài vì chúng ta không có đủ nguồn cung cấp đạn dược”.
Về vấn đề này, các chương trình mua sắm quân sự cho đến nay vẫn tỏ ra ít giá trị. Mặc dù các nhà lãnh đạo Lục quân như bà Wormuth có thể cho thấy các khoản đầu tư mới vào pháo binh, và nói về việc tăng kho dự trữ quốc gia, nhưng vẫn còn một sự thật quan trọng và bất tiện.
Hầu như toàn bộ vũ khí chính xác của quân đội Hoa Kỳ là do khu vực tư nhân chế tạo.
Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Douglas Bush đã trình bày về vấn đề này trong buổi nói chuyện hôm 03/03 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Ông Bush cho hay: “Tất nhiên, rất nhiều người có cùng quan điểm là một cuộc chiến với Trung cộng sẽ rất giống một cuộc chiến bằng vũ khí chính xác”.
Ông cho biết thêm, để khắc phục khoảng cách về khả năng sản xuất đó, Quân đội Hoa Kỳ đang chuyển tiền cho các tập đoàn tư nhân để trợ cấp hiệu quả cho việc sản xuất vũ khí chính xác. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng là không kém phần phức tạp đối với các tổ chức đó, và dự kiến cũng sẽ mất nhiều năm để đi vào hoạt động.
Một thế giới trong chiến tranh
Các nguy cơ của một cuộc chiến tranh giành Đài Loan biến thành một cuộc xung đột hạt nhân thảm khốc hoặc nói cách khác là làm cạn kiệt kho vũ khí quan trọng của Hoa Kỳ và khiến nước này bị suy yếu ở phía tây Thái Bình Dương dường như rất cao.
Tuy vậy, nếu những nguy cơ này có thể tránh được thì sao?
Ông Sam Kessler là một nhà phân tích rủi ro địa chính trị và an ninh quốc gia của North Star Support Group, một công ty tư vấn rủi ro quốc tế. Ông tin rằng chiến thắng là khả dĩ trong một tình huống như vậy, nhưng đó là một chiến thắng khó khăn.
Theo ông Kessler, Hoa Kỳ sẽ cần phải tham gia cuộc chiến tranh này và giành chiến thắng nhanh chóng để ngăn chặn sự leo thang hạt nhân, duy trì kho dự trữ của quốc gia, và bảo đảm nền kinh tế toàn cầu không rơi vào vòng xoáy vô nghĩa khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giao chiến.
Ông nói, để làm được điều đó, Hoa Kỳ cần sự ủng hộ của các đồng minh để ngăn chặn dòng chảy nhân lực và khí tài ra bên ngoài.
Ông Kessler cho hay: “Mặc dù Hoa Kỳ có những năng lực đáng kể và hùng mạnh trong tầm tay, nhưng sẽ cần tham gia một cuộc chiến tranh tiềm tàng để bảo vệ Đài Loan và giành chiến thắng sau một khoảng thời gian ngắn.”
“Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung cộng, thì Hoa Kỳ cần đưa các đồng minh lâu đời của mình tham gia và cam kết dưới một quan điểm đồng nhất”.
Để đạt được điều đó, ông Kessler cho biết các đồng minh sẽ được cần đến nhất trong việc bảo đảm các chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố nền kinh tế Hoa Kỳ, và cung cấp sự trợ giúp về an ninh và quốc phòng phi quân sự thiết yếu trong các lĩnh vực như không gian và mạng.
“Nguy cơ này là một cuộc xung đột kéo dài làm cạn kiệt cả nhân lực và tài nguyên trong một giai đoạn vốn sẽ không dễ dàng thay thế trong một thế giới mà các chuỗi cung ứng, quản trị vận hành hàng hóa, và các cơ sở sản xuất đang được tái đánh giá và tái cấu trúc để đáp ứng những thực tế đang thay đổi,” ông Kessler cho hay.
“Xét cho cùng, một cuộc chiến tranh tiềm tàng sẽ không chỉ là giao tranh trực tiếp trên biển Đài Loan mà còn trong các lĩnh vực chiến tranh khác vốn có tác động lớn đến vị thế và sự điều động và duy trì sức mạnh của Hoa Kỳ ở nội địa và hải ngoại, vốn cũng có thể tác động đến các đối tác và đồng minh toàn cầu của Hoa Kỳ”.
Ông cho rằng do sự kết nối kinh tế và công nghệ của thế giới, hầu hết các quốc gia sẽ tham gia vào một cuộc chiến như vậy bằng cách này hay cách khác, bất kể họ có tìm cách giữ trung lập hay không.
Do đó, ông Kessler đề nghị thành lập một liên minh đa phương của những bên thiện chí, không giống như liên minh được khai triển trong Chiến tranh vùng Vịnh.
Về điểm này, có một vấn đề quan trọng. Bởi vì Hoa Kỳ sẽ tự ý tham gia vào một cuộc chiến, nên sẽ không được hưởng các lợi ích từ điều khoản phòng thủ tập thể của NATO.
Do đó, trong khi các đồng minh khu vực như Nhật Bản và Úc có thể tham gia cuộc chiến này, thì các đối tác Âu Châu của Hoa Kỳ có thể sẽ vắng mặt trong cuộc chiến thật sự đó.
Thật vậy, hồi đầu tháng Tư Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gợi ý như vậy, đồng thời tuyên bố rằng châu Âu phải chống lại việc trở thành “những người theo sau Mỹ” trong vấn đề Đài Loan.
Để củng cố vị thế của Hoa Kỳ khi đó, ông Kessler nói rằng quốc gia này cần bắt đầu tăng cường các nỗ lực ngoại giao của mình ngay lúc này, để bảo đảm rằng họ nhận được viện trợ an ninh và các lợi ích khác từ các đối tác trong cuộc chiến này.
“Sớm hay muộn, họ có thể sẽ rơi vào những tình huống buộc phải đưa ra một lập trường về vấn đề này,” ông Kessler nói. “Cho dù chiến tranh có xảy ra hay không, thì Hoa Kỳ vẫn cần sự bảo đảm hoàn toàn từ các đối tác và đồng minh lâu năm của mình rằng họ có sự trợ giúp của những đồng minh đó và ngược lại”.
“Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao tích cực và chủ động cũng như đưa ra một tình thế mạnh mẽ và hợp lý để tạo ra một liên minh của những bên thiện chí”.
Tuy nhiên, một lần nữa, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có những đồng minh.
Mặc dù chế độ ĐCS_TC không chính thức tham gia vào các liên minh kiểu NATO, nhưng họ có một loạt các đối tác trên toàn cầu, những nước sẵn sàng tham gia viện trợ trực tiếp cho nỗ lực chiến tranh của họ hoặc theo đuổi các lợi ích gây bất ổn của riêng họ trong khi Hoa Kỳ xao nhãng.
Ông Kessler nói: “Các liên minh và liên kết đối tác rất quan trọng đối với cả Trung cộng lẫn Hoa Kỳ nhưng mỗi bên thực hiện theo cách khác nhau”.
“ĐCS_TC công nhận các đối tác dưới hình thức các quốc gia phụ thuộc có thể đóng một vai trò giúp làm mất ổn định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống quốc tế, đồng thời dẫn đầu một hệ thống đa cực mà họ có thể tự lãnh đạo và gây ảnh hưởng”.
Kết quả của việc ĐCS_TC thúc đẩy tính đa cực là các đối tác của riêng họ có thể phát động các cuộc xung đột gây mất ổn định của riêng họ.
Chẳng hạn như một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng Bắc Hàn có thể lợi dụng cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCS_TC để tiến hành cuộc tấn công của riêng họ vào Nam Hàn.
Vấn đề này không chỉ hạn cuộc ở Đông Á
Iran có thể bắt đầu các hành động thù địch hơn nữa nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ ở Syria hoặc thậm chí xâm chiếm nước láng giềng Iraq. Trong khi đó, Nga có thể khuếch trương hành động thù địch từ Ukraine đến Moldova, hoặc cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Trung cộng. Brazil, Nicaragua, và Nam Phi đều có thể tận dụng sự kiện này để tăng cường bang giao với Trung cộng và Nga trong khi tránh tham gia vào các hành động thù địch.
Kết quả sẽ là một thế giới có chiến tranh, nếu không muốn nói là một cuộc chiến tranh thế giới toàn diện.
Ông Kessler nói: “Mỗi quốc gia này đều điêu luyện trong trò chơi đánh lạc hướng, và nỗ lực chiến tranh bảo vệ Đài Loan sẽ mang đến cho họ một cơ hội có một không hai nhằm cố gắng khiến Hoa Kỳ mất cảnh giác để giành chiến thắng hoặc phần thưởng từ đó”.
“Khả năng các xung đột khu vực như vậy nổ ra ở những khu vực này là rất cao”.
Ông tin rằng mức độ lợi dụng của mỗi quốc gia trong cuộc chiến Hoa Kỳ-Trung cộng sẽ không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ của họ với Trung cộng, mà còn vào khả năng, mục tiêu, và thực tế kinh tế-chính trị của chính họ.
Ví dụ, mặc dù chiến tranh có thể phù hợp với mong muốn của Nga, nhưng các đối tác kinh tế nhỏ hơn như Nam Phi và Brazil sẽ có nhiều khả năng tham gia vào hoạt động thương mại gia tăng hoặc phá bỏ các biện pháp trừng phạt.
Hậu quả sẽ là sự hỗn loạn chính trị, và một thế giới mà trong đó sự bất ổn và tình trạng chia rẽ là điều bình thường.
Hoa Kỳ nên ‘ngăn chặn trước’ những tổn thất
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta hiểu sai tất cả: nếu Đài Loan không phải là thảm họa toàn cầu tiếp theo sắp xảy ra, và nếu Hoa Kỳ có thể chiến đấu và giành chiến thắng nhưng thậm chí không cần phải làm vậy.
Đó là quan điểm của cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller.
Đối với ông Miller, bộ máy ra quyết định quân sự có xu hướng chỉ nhìn thấy những gì họ muốn thấy. Người xưa vẫn nói, nếu búa là công cụ duy nhất mà ta có, ta sẽ nhìn nhận mọi vấn đề đều là cái đinh. Câu này có nghĩa là đa phần vấn đề trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải tận dụng nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết.
“Tôi biết một điều chúng ta sẽ mắc sai lầm là chúng ta sẽ dự đoán sai về cuộc xung đột lớn tiếp theo,” ông Miller nói trong cuộc hội đàm hôm 04/04 với Viện CATO, một tổ chức tư vấn thiên tả.
“Đó là điều duy nhất tôi biết”.
Về lưu ý đó, ông Miller nói rằng ông lo lắng Hoa Kỳ đang đánh giá quá cao khả năng và chuyên môn của ĐCS_TC tương tự như họ đã làm với Nga trước cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Hoàn toàn không phải là một đối thủ quân sự ngang hàng, ông Miller cho rằng ĐCS_TC có thể đang khai triển một chiến lược tương tự như chiến lược mà Hoa Kỳ đã sử dụng để đánh bại Liên Xô mà không cần xung đột công khai trong Chiến tranh Lạnh.
Ông Miller nói: “Bằng cách đánh lừa Hoa Kỳ tin rằng lúc nào chiến tranh cũng sắp xảy ra đến nơi, ĐCS_TC thực sự có thể đang thúc đẩy Hoa Kỳ phá hủy nền kinh tế của chính họ thông qua các khoản đầu tư quá mức vào các nền tảng quân sự lớn.”
Ông Miller cho biết: “Tôi nghĩ họ đang dắt mũi chúng ta và chúng ta đang cứ thế mà chấp nhận điều đó mà không hề suy xét”.
Do đó, ông Miller nói rằng mối đe dọa đối với nền độc lập trên thực tế từ trước tới nay của Đài Loan là có thật, nhưng Hoa Kỳ có thể đang tiếp tay cho các kế hoạch của ĐCS_TC bằng cách đầu tư mạnh vào các hệ thống vô cùng đắt đỏ, và dễ bị nhắm mục tiêu như các chiến đấu cơ và hãng không mẫu hạm.
Thay vào đó, ông Miller chỉ ra bốn yếu tố của sức mạnh quốc gia: ngoại giao, thông tin, quân sự, và kinh tế.
Ông nói, để giành chiến thắng trước Trung cộng và bảo vệ nền tự do lớn hơn trên toàn thế giới, con đường tốt nhất phía trước cho Hoa Kỳ là tận dụng tốt hơn các yếu tố phi quân sự của sức mạnh quốc gia.
“Tôi tin rằng với mối đe dọa từ Trung cộng, cách để tiếp cận điều đó là một cuộc chiến bất quy ước … gián tiếp và rất tinh vi,” ông Miller cho hay.
“Hãy tiếp tục và sử dụng nhiều hơn một chút ... hoạt động ngoại giao, thông tin, và kinh tế, và hãy tiếp tục và giảm bớt phát triển quân sự trong một thời gian ngắn, bởi vì chúng ta có thời gian. Nếu chúng ta sai, chúng ta có thể xoay chuyển mọi thứ”.
Khi được hỏi rằng ông có lời khuyên nào để định hướng cho sự phát triển quân sự của quốc gia trong bối cảnh một cuộc chiến trong tương lai với Trung cộng còn chưa đến, Miller nói rằng cách hành động tốt nhất là đi trước đón đầu để ngăn chặn những tổn thất của quốc gia.
“Nếu quý vị là một doanh nhân và quý vị đang ở trong một môi trường kinh doanh không thể đoán trước, quý vị sẽ làm gì? Quý vị sẽ tìm cách ngăn chặn trước các vấn đề”.
“Chúng ta không thể dồn hết nguồn lực vào một điều duy nhất nào đó. Chúng ta cần phải có nhiều khả năng”.
Ông nói, để đồng thời tránh thảm họa chiến tranh ở châu Á và đánh bại chính quyền này, thì vũ khí tốt nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ là sự thật về ĐCS_TC.
Bằng cách không nao núng trong việc phơi bày những tội ác mà chính quyền này gây ra hàng ngày, và bằng cách bảo đảm rằng những tội ác đó được người dân Trung cộng nhìn thấy và hiểu rõ, nhà cầm quyền này sẽ sụp đổ trước những áp lực nội bộ.
“Tôi tin rằng các chính quyền độc tài, toàn trị sợ một điều: Sự bất mãn của người dân và cuộc nổi dậy của người dân … Điều họ sợ nhất không phải là các hạm đội hàng không mẫu hạm, xe tăng, hay tiếp vận viễn chinh. Họ sợ thông tin. Và đó là một trong những thành phần chính của chiến tranh bất quy ước”.
“Hãy nói sự thật. Việc đó sẽ có hiệu quả”.
Andrew Thornebrooke
Nhận xét
Đăng nhận xét