Báo cáo 2024 của RSF: Việt Nam trong nhóm bảy nước "đội sổ" về tự do báo chí
Báo cáo 2024 của RSF:
Việt Nam trong nhóm bảy nước "đội sổ" về tự do báo chí
Việt Nam trong nhóm bảy nước "đội sổ" về tự do báo chí
Việt Nam đứng thứ bảy trong nhóm các nước có ít tự do báo chí nhất trong năm 2024, cải thiện bốn bậc so với năm ngoái nhưng Chính phủ do Đảng cộng sản lãnh đạo vẫn tiếp tục kiểm soát báo chí một cách nghiêm ngặt và cầm tù các nhà báo một cách có hệ thống.
Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới (03/5), tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đưa ra báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2024 với tiêu đề "báo chí dưới áp lực chính trị," xếp Việt Nam thứ 174 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
Tuy cải thiện thứ hạng so với năm 2023 (178/180 nước), điểm tổng thể từ 24,58 của năm ngoái giảm xuống còn 22,31 trong năm 2024, cho thấy tình trạng ở Việt Nam không khá khẩm hơn mà vì tự do báo chí ở các nước khác ngày càng suy giảm.
Điển hình là Eritrea, một nước ở Đông Phi tụt xuống hạng 180 trong năm nay với 16,64 điểm, thấp hơn nhiều so với Bắc Hàn, quốc gia đội sổ hồi năm ngoái với 21,72 điểm.
Cụ thể, trong năm tiêu chí đánh giá của RSF, Việt Nam có ba tiêu chí đi xuống so với năm trước. Chỉ số chính trị giảm từ 23,75 xuống 13,22, chỉ số xã hội giảm từ 32,95 xuống 23,51, và chỉ số an ninh giảm từ 30,66 xuống 25,86.
Trong khi đó, Việt Nam có hai tiêu chí tăng là chỉ số kinh tế (từ 17,16 lên 20,57) và chỉ số lập pháp (18,40 lên 28,37).
Một nhà báo độc lập ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quốc gia này đang trong quá trình công báo hóa tuyệt đối ngành truyền thông quốc gia, tức chỉ đưa tin, tấn công hay khen ngợi dựa theo chủ kiến của nhà nước. Ông nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Điểm số tự do báo chí cũng không nói hết được sự trầm trọng của việc xuống cấp giá trị tự do tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và một thảm trạng của việc hủy hoại tư duy độc lập của xã hội, khi luôn hùa vào cùng nhau để tấn công một nạn nhân nào đó, theo định hướng của những người cầm quyền.”
Theo một báo cáo gần đây của Chính phủ Việt Nam gửi Liên Hiệp quốc, quốc gia này có 6 cơ quan đa truyền thông, 127 cơ quan báo, 670 tạp chí, 72 đài truyền hình và truyền thanh, 72 kênh truyền thanh.
Tuy nhiên, RSF cho rằng báo chí bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ và hiện có 35 nhà báo bị cầm tù "biến Việt Nam thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với nhà báo." Hai quốc gia còn lại là Myanmar - 69 nhà báo và Trung Quốc với 109 nhà báo bị bỏ tù.
Trong tháng 02/2024, công an Hà Nội bắt tạm giam đối với nhà báo Nguyễn Vũ Bình với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước," ông là một trong bốn blogger của RFA đang bị giam cầm, ba người khác là các ông Trương Duy Nhất, Nguyễn Tường Thụy và Nguyễn Lân Thắng.
“Ở Việt Nam, những nhà báo cất tiếng trên mạng xã hội theo suy nghĩ của mình gần như bị bỏ tù một cách có hệ thống,” RSF cho biết trong thông cáo báo chí.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang tị nạn chính trị tại Đức, nhận định:
“Chế độ cộng sản Việt Nam luôn luôn cài bẫy người dân, quy định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Điều 25 của Hiến pháp trong khi đó thì họ lại sử dụng Điều 117 và Điều 331 khi người dân thực hiện quyền được hiến định thì họ sẽ rơi vào một trong hai cái bẫy đấy.”
Một nhà báo độc lập ở Hà Nội muốn ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho RFA biết vài năm trước đây, ông thường làm quay video, phóng sự điều tra với góc nhìn đa chiều về nhiều vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế và phát trên kênh Youtube.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh sau đó tịch thu các thiết bị khiến ông phải dừng hoạt động và không dám đầu tư mua sắm trở lại vì có nguy cơ bị trấn áp bất cứ khi nào.
Ông nói do đàn áp và kiểm duyệt báo chí, việc tìm kiếm thông tin ở Việt Nam bị hạn chế rất nhiều.
RSF nói Việt Nam kiểm duyệt nghiêm ngặt nhiều chủ đề bị coi là “nhạy cảm” như quan hệ với Trung Quốc, nhân quyền, dân chủ, tính hợp pháp của đảng cầm quyền, tham nhũng của quan chức cao cấp.
Các chủ đề khác như vấn đề môi trường hoặc quyền của cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) thì được đề cập thoải mái hơn.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về đánh giá và xếp hạng tự do báo chí của RSF nhưng chưa nhận được câu trả lời. Cơ quan này thường không trả lời câu hỏi báo chí của RFA.
Hồi năm 2023, sau khi RSF công bố về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, báo mạng Công an Nhân dân có bài chỉ trích gọi báo cáo này "thiếu khách quan, sai thực tế và quy chụp của RSF về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam."
Nhận xét
Đăng nhận xét