Tìm gặp tác giả "Thề Không Phản Bội Quê Hương" đang ở Sài Gòn !

Tìm gặp tác giả "Thề Không Phản Bội Quê Hương"
đang ở Sài Gòn !

Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Trong lịch sử của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, chuyện ông bị nghỉ dạy sau 18 năm theo nghề chưa từng được kể là vì sao. Trong những ghi chú ngắn ngủi về cuộc đời của ông, trang Wikipedia tiếng Việt, chỉ ghi một dòng ngắn gọn là “Năm 1978, Sở giáo dục chính quyền mới cho thôi việc, ông xin qua ngành bưu điện làm công tác văn nghệ quần chúng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000”. Thế nhưng chuyện có đầy những chi tiết đáng nói của nó.

Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, Tháng Tư 2022 (Ảnh:SGN)

Tác giả những bài hát nổi tiếng như Bạc Trắng Lửa hồng, Hái Hoa Rừng Cho Em, Thề Không Phản Bội Quê Hương, Xé Thư Tình… có một giai đoạn sau 1975 mà ông ít khi chia sẻ với ai. Thậm chí cuộc đời âm nhạc của ông cũng không được mô tả đầy đủ, do chính ông cũng không kể. Thập niên cuối 60 là giai đoạn bùng phát những bài hát được chú ý của ông nhưng vì muốn giữ một phong cách nghiêm trang khi đi dạy học mà nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân lấy một bút danh khác, không cho nhiều người biết về mình.
Ông kể là mình thời trẻ, có tên là Nalis Trương, và thường được bạn bè gọi trại đi là Linh. Khi bắt đầu sáng tác ca khúc, thì ông thường để bút danh là Thy Linh, mà theo ông kể ngày xưa, thời trai trẻ yêu đương, ông có yêu say đắm một thiếu nữ tên Thy học ở trường Gia Long, và thường trò chuyện với nhau, đùa là “Thy yêu Linh” tức gọi tắt là Thy Linh. Nên sau này ông in trên các ấn phẩm nhạc bản bút danh đó, vì để cho cô gái ấy đang ở đâu cũng có thể nhìn thấy cái tên bí mật giao ước giữa hai người.
Bài hát đầu tay mà nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sáng tác với cái tên Thy Linh, cho ra mắt là ca khúc Trai Thời Loạn. Văn bản này đến tay khán giả âm nhạc vào Tháng Mười Hai 1965.
Tương tự như nhạc sĩ Đài Phương Trang, do là thầy giáo, nên dù sáng tác âm nhạc, các ông đều thường giữ kín hoạt động văn nghệ của mình. “Thời đó, người ta cũng xét nét dữ lắm. Thầy giáo mà vô nghề đờn ca nhiều khi bị hiệu trưởng hay phụ huynh dòm ngó bằng con mắt khó khăn lắm”, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân kể.
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, sinh năm 1939, đến năm 2022 thì ông đã 83 tuổi. Cuộc đời ông trải qua buồn nhiều hơn vui nên ông ít giao tiếp, ít bạn bè và cũng không thường ra ngoài căn nhà nhỏ trên đường Trương Tấn Bửu, Quận 3 (nay là đường Trần Huy Liệu).
Vì sinh ra trong gia đình ở Sài Gòn, nhưng không mấy khá giả nên từ nhỏ, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân đã phải xin đi đánh đàn ở các nhà hàng, phụ vào việc sinh sống của gia đình. Do học nhạc ở nhà thờ và tính tò mò muốn biết mọi thứ nên nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân biết chơi rất nhiều nhạc cụ, mà theo ông nhẩm đếm thì cũng phải là 15 loại.
Năm 1960, Trương Hoàng Xuân tốt nghiệp sư phạm và về dạy tại một trường ở Long Khánh, tỉnh Bình Tuy cũ. Đến năm 1968 thì ông đi lính và được điều về Đài phát thanh Quân đội làm việc chung với những nhạc sĩ ăn khách thời đó như Tô Kiều Ngân, Đỗ Kim Bảng, Trầm Tử Thiêng.
Năm 1972, ông được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa bổ nhiệm về dạy nhạc tại trường Trung học tổng hợp Nguyễn An Ninh, Quận 10.
Theo lời nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân kể lại, khi ra trường và bắt đầu đi lập gia đình từ năm 1961, tiền lương người thầy (lúc đó chỉ mới 22 tuổi) đi dạy lúc đó đã đủ nuôi gia đình của ông nên chuyện sáng tác chỉ là phần kiếm thêm cho vui. “Nhiều khi ghé ra quán Kim Sơn, Khánh Băng thấy tôi, ngoắc lại và móc túi đưa mấy ngàn, nói là phần của tôi trong bài gì đó. Tôi nghe rồi nhét túi chứ cũng không để ý”, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân kể.
Năm 1971, bài hát Thề Không Phản Bội Quê Hương của ông trở thành một trong những bài hát được nhiều nơi trình bày. Sau năm 1975, bài hát này được các trung tâm và hội đoàn người Việt hải ngoại hát lại với một tâm tình hết sức xúc động. Nhiều người nhận định rằng loạt các bài hát hào hùng và đầy tính dân tộc, tự do như Việt Nam Việt Nam (Phạm Duy), Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ (Nguyễn Đức Quang), Mẹ Việt Nam ơi, Chúng Con Vẫn Còn Đây (Nguyễn Ánh 9)… thì bài Thề Không Phản Bội Quê Hương của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân cũng là một phần đóng góp không nhỏ.
        Một cánh tay đưa lên
        Hàng ngàn cánh tay đưa lên
        Hàng vạn cánh tay đưa lên
        Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính
        Đập phá tan mưu toan, đầu hàng cái quân xâm lăng
        Hoà bình phải trong vinh quang
        Đền công lao bao máu xương hùng anh…


Ngày ra mắt bài hát này, được nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân nhớ lại, ông được mời ra tham dự ở Đại học Thành Nhân, sát vùng Chợ Lớn. Bài hát nằm trong băng cassette với tiêu đề Thề Không Phản Bội Quê Hương, cùng nhiều bài hát khác, được hòa âm bởi nhạc trưởng Viết Chung thuộc đoàn Văn Công Chí Linh trong Trung Tâm Huấn Luyện Xây Dựng Nông Thôn Chí Linh. Ngày 19 Tháng Mười Hai 1971, khắp nơi ở miền Nam vang lên bài hát này. Bài hát này được biết thêm là do Cục Chỉnh Huấn của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đặt riêng nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sáng tác.
Cũng do ít ra ngoài và ít người biết mặt, nên nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân may mắn không bị “điểm danh” sau năm 1975. Tuy nhiên dần dần, ông cũng bị phát hiện là tác giả của bài hát Thề không phản bội quê hương cùng nhiều ca khúc thành danh khác.
Năm 1978, cuối cùng thì trong một đợt “học tập tinh thần cách mạng” dành cho tất cả các học sinh được tổ chức ở trường Nguyễn An Ninh, Quận 10, nơi ông đang dạy. Một cán bộ lên bục, cầm micro và nhấn mạnh về sự len lỏi của giới trí thức phản động, vẫn còn im lặng cất giữ những tư duy tàn dư chế độ cũ. Tên của ông thầy Trương Hoàng Xuân được kể ra, mà một học sinh đi “học” về kể cho ông nghe rằng cán bộ đay nghiến “Chẳng hạn như cái tên Trương Hoàng Xuân vẫn im lặng luồn sâu đứng cầm phấn dạy học là điều không thế chấp nhận được”.
Để minh chứng cho những tư tưởng tội lỗi của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, ngoài bài Thề Không Phản Bội Quê Hương, cán bộ đọc tên từng bài hát “văn hóa đồi trụy”của ông như Bạc Trắng Lửa Hồng, Trao Người Ở Lại, Dư Âm Một Chuyến Đi, Những Ngày Hoa Mộng, Xé Thư Tình… Nhưng khổ thân ông thầy, cứ mỗi tên bài hát mà giới học trò biết, chúng lại vỗ tay một tràng, khiến cán bộ tức giận thêm và ra lệnh cho bà Hiệu trưởng là phải đuổi ra khỏi trường ngay.
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân kể, ông buồn rười rượi khi cầm cái giấy cho thôi việc. Đạp xe đạp lang thang Sài Gòn cho đỡ buồn, bất ngờ ông lại gặp một người bạn đang làm trong bưu điện. Trò chuyện đôi chút và biết ông đang khốn đốn vì không có việc làm, phải nuôi một gia đình có sáu đứa con, nên người bạn này mới dẫn ông về chỗ làm – vốn đang cần người huấn luyện cho đội văn nghệ – giới thiệu cho ông làm ở đây. Chấp nhận làm người dạy hát, dạy đàn và ẩn danh, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân làm việc cho đến năm 2000 thì về hưu.
Từ đó, đời sống khó khăn và bản thân ông cũng trở nên cáu gắt do mang nhiều bệnh tật khiến gia đình không hòa thuận. Sau đó, ông và vợ ly hôn. Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân chọn về sống cô đơn ở căn nhà nhỏ chỉ 20 m2 trong hẻm. Chỉ trong một đoạn ngắn hơn 100 m, có hai nhạc sĩ ở cùng một chỗ: Đầu đường là nhạc sĩ Y Vân, còn cuối đường là nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân.
“Người ta hay nói đùa là hai ông nhạc sĩ này bị nghiệp vận vào đời. Y Vân thì viết 60 Năm Cuộc Đời nên ra đi đúng vào tuổi 60. Còn Trương Hoàng Xuân thì viết Xé Thư Tình nên không có ai thương, phải sống cô đơn đến chết”, ông nói và gật gù cười.
Nhận xét về mình, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân thở dài “ông chia sẻ: “Tôi nghiêm khắc trong việc giáo dục con bao nhiêu thì vợ dễ dãi bấy nhiêu. Các con không ưa tôi, nói tôi quá khắt khe.” Ông nói dù phải ly hôn nhưng lúc nào ông cũng nhớ về con và vợ của mình. Với ông đó là thời gian hạnh phúc nhất.
Trước khi chia tay, khi hỏi ông về chuyện bài hát Bạc Trắng Lửa Hồng nay đang bị phía thừa kế của nhạc sĩ Khánh Băng tranh chấp, ông lắc đầu, buồn. Bài hát đó thuở đầu ông sáng tác giai điệu, đặt là Tơ Hồng rồi đưa cho nhạc sĩ Khánh Băng xem. Vì thích quá nên nhạc sĩ Khánh Băng đề nghị là người viết lời cho toàn bộ giai điệu của ông viết ra. Trên các văn bản in trước năm 1975 cũng có ghi rõ tên hai người. Thế nhưng sau 1975, nhiều thứ được tìm lại, lấy lại, và có khi tác giả cũng đã qua đời, không có ai giải thích nên thường xảy ra tranh chấp. Đặc biệt lúc nhạc trước 1975 lại lấy được tiền bản quyền.
“Tôi có viết giấy không tranh chấp bản quyền nữa. Vì thấy phiền quá. Hơn nữa Khánh Băng cũng là bạn, mà nó thì cũng mất rồi”, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân nói, mắt nhìn xa xăm.
Khi được hỏi về những bài hát, hay kỷ niệm sinh hoạt âm nhạc thời tuổi trẻ, bao giờ câu nói đầu tiên của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân cũng là “quên rồi, không nhớ”. Nhưng khi trò chuyện thêm và được tin tưởng, ông lại kể rất nhiều chi tiết thú vị. Phải chăng thói quen ẩn danh và chỉ mong sống cho yên kể từ khi bị đuổi khỏi nơi dạy học của ông, đã tạo cho ông một tập tính mới, không còn dễ mở lòng mình?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025