Chuyển đến nội dung chính

Vùng Kinh Tế Mới

Vùng Kinh Tế Mới

Minh Đạo - Nguyễn Thạch Hãn

Khác xa với Mẹ tôi, Dì Bảy nhanh nhẹn và rất tháo vát trong công việc làm ăn buôn bán Dì là người ngoài xã hội còn Mẹ chỉ quanh quẩn trong nhà săn sóc chồng con. Thực sự Mẹ và Dì Bảy chẳng phải chị em ruột thịt. Dì là người giúp việc cho Ngoại. Ngoại thương Dì Bảy vì mồ côi không nơi nương tựa, mặt mày xinh đẹp, trắng trẻo, giỏi giắn. Dì giúp Ngoại trông coi sạp vải ngoài chợ, buôn bán rất đắt hàng, nhờ cái miệng có duyên mời mọc khách, khó ai mà từ chối được.

Lớn lên Ngoại gả chồng và giúp cho Dì chút vốn làm ăn. Chồng Dì là bạn rất thân của Ba tôi. Dì học hành không qua bậc tiểu học nhưng có tài tính toán giỏi, đầu óc rất “nhạy”, đánh hơi thấy chỗ nào làm ăn được là nhào vô ngay. Lúc quân đội Mỹ còn hoạt động mạnh mẽ ở VN, Dì thầu rác Mỹ và câu lạc bộ trong căn cứ Long Bình, ngay ngã ba Tam Hiệp cạnh xa lộ Sàigòn Biên Hòa. Rác từ căn cứ mỗi sáng được chở về nhà kho rất lớn, một toán nhân viên lựa chọn ra những thứ còn dùng được để bán lại, những đồ phế thải thì đưa ra bãi rác bên xa lộ Sàigòn-Biên Hòa. Đôi khi quân đội Mỹ di chuyển hay dọn dẹp nhà kho, họ vứt cả những hàng hóa hay thực phẩm còn nguyên xi trong thùng. Tất cả lương thực và đồ dùng đều chở từ Mỹ qua, kể cả nước uống đóng chai, xà bông tắm, dầu thơm, kem đánh răng, đồ hộp … cho nên gọi là rác nhưng lẫn trong đó có biết bao thứ quý giá có thể bán được.

Chồng Dì, Dượng Bảy là thầy giáo quân nhân biệt phái, khỏi phải hành quân tác chiến. Nhờ dạy học Dượng được quanh quẩn ở nhà nên ngoài giờ làm việc trong trường, Dượng giúp Dì trong việc làm ăn buôn bán. Hai vợ chồng bận bịu suốt ngày lo ngoại giao, sổ sách, thầy thợ, bạn hàng… nên Thúy Yên (con gái Dì, Dượng) hầu như ở với gia đình tôi nhiều hơn với cha mẹ em. Mẹ rất thương yêu em, như Ngoại thương Dì Bảy vậy, ngược lại em cũng thương và quý mến tôi như người anh cả. Lúc thịnh thời, Dì giúp Mẹ rất nhiều, đôi khi thầu được một món hàng béo bở Dì lại nhờ Mẹ bỏ mối cho bạn hàng ngoài chợ Biên Hòa. Mẹ chỉ việc giao cho cô Năm, em Ba tôi, rồi tùy Cô muốn bán cho ai thì bán. Mẹ đứng trung gian kiếm lời. Thực sự, Dì có thể chẳng cần Mẹ, nhưng muốn giúp Mẹ có chút tiền còm để bù vào đồng lương quân đội rất hạn hẹp của Ba. Đôi khi đến nhà chơi, thế nào Dì cũng dúi cho tôi ít tiền may quần áo, mua sách vở hay tiêu vặt. Dì luôn nhắc nhở tôi coi chừng em cho Dì, mà dù Dì không nhắc tôi cũng cảm thấy có trách nhiệm với em.

Tôi và Thúy Yên chơi với nhau từ nhỏ, tôi muốn có một đứa em gái để chiều chuộng, còn em, muốn có anh trai để vòi vĩnh. Lớn lên một chút em theo tôi đi học, lúc nào cũng quấn quýt bên tôi để mè nheo đủ chuyện. Có khi em làm biếng đi học, kêu đau chân, bắt tôi phải cõng đến trường. Có khi, đi đến cổng trường rồi khóc đòi về, tôi phải ghé hàng bán kẹo kéo, em thích lắm, bao giờ cũng giành quay số, luôn vỗ tay hăng hái để được trúng hai cây kẹo, quên đòi về. Có lần Mẹ may cho bộ đồ mới, em nghịch đất mặt mày lấm lem, chân tay dơ dáy, quần áo bẩn thỉu về bị Mẹ khẻ tay, thế là em khóc dỗi nức nở, tôi phải dẫn ra đầu xóm kiếm hàng cà rem em mới thôi khóc. Từ đó mỗi khi tay dơ em lại chìa tay ra cho tôi rửa, cầm bàn tay em nhỏ xíu, trắng trẻo, tôi hun mãi làm em cười như nắc nẻ. Một hôm Ba về phép dẫn tôi và em đi tắm hồ, Ba về nhà trước, tôi và em về sau, không biết sao, tôi dẫn em đi lạc rất xa. Lúc đó tôi độ 9 tuổi còn em chừng 3 tuổi. Em lẽo đẽo theo sau tôi, vừa đi vừa khóc. Tôi cũng sợ lắm, chẳng biết lối nào đi về nhà, càng đi càng chẳng thấy chỗ nào là quen thuộc cả, nhưng vẫn trấn an em: “Nín đi cưng, gần về đến nhà rồi!”, em nghe dỗ lại càng khóc to thêm. May quá, có một bà lớn tuổi, thấy hai đứa bé vừa đi vừa khóc, mới dẫn vô nhà cho ăn uống rồi hỏi thăm, dẫn hai anh em về nhà. Mẹ thấy hai anh em trở về bình an, vội ôm chầm lấy em, khóc hết nước mắt. Mẹ thương em lắm, chỉ sợ tôi bắt nạt em. Nếu không có cuộc đổi đời 30 tháng Tư năm 75, chắc anh em tôi cũng êm đềm sống bên cha mẹ, học hành, vui vẻ như bao nhiêu trẻ em khác chẳng có gì đáng nói.

Tranh Bảo Huân

Sau ngày mất Sàigòn, Ba và Dượng Bảy bị đi tù cải tạo.  Dượng là sĩ quan biệt phái lại giao dịch với quân đội Mỹ nên tội nặng lắm, đi tù mãi chẳng có ngày về. Nhằm lúc chánh quyền đánh tư sản, nửa đêm công an đến bao vây nhà, lục soát, đào xới cả vườn sau để tìm vàng bạc chôn giấu, rồi đuổi hai Mẹ con Dì đi kinh tế mới. Căn nhà lầu 4 tầng mặt tiền, đầy nhóc hàng hóa và đồ đạc, bị tịch thu cho cán bộ ngoài Bắc vô ở. Chẳng biết làm cách nào, Dì chạy chọt nhập hộ khẩu với Mẹ. Dì dẫn Mẹ ra buôn bán chui ngoài chợ, Dì  có thể mua đi bán lại bất cứ thứ gì , từ những mớ rau muống, đến thuốc Tây, vải vóc, quần áo, sách báo chế độ cũ. Dì Bảy là kẻ sống ngoài chợ từ nhỏ mà! Thường thì Dì đi lùng mua hàng, Mẹ bày một ít hàng mẫu trong giỏ xách, nếu công an đuổi bắt chỉ mất bao nhiêu đó hàng thôi.

Nhà tôi có một tủ lớn đủ các loại sách mà Ba rất quý, tôi nghĩ chắc đọc suốt đời cũng không hết, nhưng tôi mê nhất vẫn là bộ Tam Quốc Chí và mấy cuốn kiếm hiệp của Kim Dung, tôi đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, thế mà mỗi lần cầm cuốn sách lên lại đọc quên ăn. Mẹ vẫn gọi tôi âu yếm là con mọt sách. Lúc túng quá, khi đã bán gần hết đồ đạc trong nhà, tủ sách của Ba cũng phải chung số phận. Mẹ biết tôi mê Tam Quốc Chí nên có người trả giá rất cao nhưng Mẹ thà nhịn đói nhất định giữ lại.

Mẹ và Dì thay phiên nhau đi thăm nuôi Ba và Dượng, tôi bao giờ cũng được đi theo. Mỗi lần nhìn thấy Ba gầy ốm mặt mày hốc hác xanh xao, quần áo tả tơi, tôi và Mẹ không cầm được nước mắt, trước mặt cán bộ trại giam Ba lại khuyên tôi: “con trai lớn phải cứng rắn chứ, hay khóc nhè thế làm sao lớn lên được!”. Tôi giống Mẹ ở điểm mít ướt đó, chẳng giống Ba chút nào. Ba hứa với hai Mẹ con, sẽ cố gắng học tập “tốt” để nhà nước khoan hồng về với gia đình. Tôi chẳng hiểu học tập “tốt” nghĩa là gì nhưng cũng vâng dạ cho Ba yên lòng. Ba nhắc Mẹ chịu khó thay mặt Ba dắt tôi sang thăm hỏi và săn sóc cô Năm, cô già yếu bệnh tật không có ai bên cạnh thật đáng thương. Thật sự Ba đã biết vợ chồng Cô đã qua Mỹ từ những ngày đầu với ông bà Nội tôi, ý Ba muốn chúng tôi tìm đường vượt biên thôi. Mẹ chỉ hứa sẽ cố gắng, hoàn cảnh nhà mình cũng nghèo chưa chắc gì giúp được Cô, Ba thở dài không nói.

Dịp gần Tết, Dì Bảy dẫn tôi đi thăm Dượng, tôi chẳng biết ở tận đâu, xa lắm, phải đi 2, 3 ngày mới tới, lúc thì đi xe đò, lúc đi xe trâu, có khi thì đi bộ băng qua rừng cùng với đám người thăm nom khác. Cuối cùng thì cũng đến được trại tù. Đợi 2 ngày ngoài cổng trại mới được sắp xếp cho gặp Dượng, Dượng ốm yếu đến nỗi chỉ còn hai con mắt là linh hoạt. Dì và tôi giả làm hai Mẹ con, khi nghe tôi chào Dượng bằng cha, hai mắt Dượng mờ đục hẳn đi. Dượng dặn tôi cố gắng học hành và săn sóc cho Thúy-Yên. Dượng nói: “Sau này, mọi sự đều nhờ ở con!” tôi lí nhí mấy câu hứa với Dượng , đó là lời nói  sau  cùng của Dượng tôi còn nhớ được. Tôi chỉ là thằng nhóc con vẫn còn phải bám gấu quần Mẹ thế mà từ nay phải thay thế Dượng săn sóc cho em. Tôi đã hứa và quyết tâm giữ lời hứa đó dù chẳng biết bằng cách nào. Trên đường trở về tôi cứ nghĩ mãi đến bài học lịch sử “Nguyễn Trãi từ giã Phi Khanh nơi biên giới Hoa Việt”. Tôi chẳng có chí lớn như Nguyễn Trãi, nhưng điều nhỏ nhặt hứa với Dượng tôi quyết thực hiện được.

Một hôm công an giả làm người mua hàng, ập vào nhà tịch thu tất cả hàng hóa, thế là Mẹ và Dì lại trắng tay. Cuối cùng thì họ cũng đuổi gia đình tôi đi kinh tế mới để chiếm căn nhà gạch 2 tầng của Mẹ. Chính quyền “Cách Mạng” muốn chiếm nhà của ai, chỉ việc tìm cách đuổi đi kinh tế mới, thế là xong. Chúng tôi đi theo mấy người bà con xa bên Ba về Long Thành, rồi từ đó lội bộ khoảng 14, 15 cây số nữa gần mấy đồn điền cao su của người Pháp để lại. Dân đi kinh tế mới gọi vùng hoang vu này là Xóm Lá, nơi đây vẫn còn in dấu vết thời chiến tranh, những hàng cây bị bom đạn đốn gãy ngang, cháy chỉ còn trơ thân đen thui. Những hố bom B52 to như những cái ao. Mùa mưa nước từ trên nguồn chảy về, các con suối trở thành những con sông nhỏ, hố bom ngập đầy nước. Người ta cắt cỏ tranh về làm những túp lều nho nhỏ để chui ra chui vào, nước mưa dột tứ tung nhưng ai cũng mừng vì sẽ có rất nhiều ếch nhái, cua đồng, sò, hến ngoài suối.

Tôi theo Mẹ và Dì làm việc đồng áng, khuân những tảng đá chất lên bờ làm ranh giới, đốt cỏ tranh để lấy đất làm rẫy, chúng tôi trồng rau muống, rau đay, rau lang quanh mấy hố bom. Trồng cà, mướp, bí, khoai lang, khoai mì chung quanh túp lều lý tưởng, trồng bắp, đậu phụng ngoài rẫy, đến mùa mưa trồng lúa. Nhìn bàn tay của Mẹ và Dì chai như bàn tay đàn ông, hai bà đã già hẳn đi, tôi đau đớn trong lòng khôn tả. Tôi đã được 15 tuổi, làm người “Đàn Ông” cột trụ của gia đình.

Từ ngày đến Xóm Lá, tôi đã không còn cắp sách đến trường mà chỉ chuyên tâm vào việc đồng áng và lo tìm kiếm bất cứ cái gì có thể nhét vào mấy cái bao tử xẹp lép của gia đình, vả lại nơi xa xôi này làm gì có trường học. Tôi đã bắt đầu hiểu được thời thế và cuộc sống chung quanh mình. Hiểu được thân phận của những kẻ lưu đày, nỗi nhọc nhằn của những người như tôi chỉ là thứ công dân hạng bét trên chính quê hương mình.

Xóm Lá nơi tôi ở, ban đầu chỉ có một số người đã sinh sống ở đây từ lâu, họ làm công trong mấy đồn điền cao su. Đời sống tuy lam lũ nhưng nhà cửa cũng tươm tất, mặc dầu chỉ là nhà tranh vách đất, chung quanh cũng có cây ăn trái, giàn bầu giàn bí xum xuê, có vài thửa ruộng cày cấy đủ ăn. Từ ngày chiến tranh lan tràn, mấy đồn điền đều bỏ hoang, cây cối um tùm chẳng ai săn sóc. Dân mới nhập cư tha hồ chặt cây về làm nhà, làm củi. Vào sâu hơn một chút là dân Sài Thành mới đến “cắm dùi” vì bị đẩy ra khỏi thành phố. “Dân cũ” cũng rộng lượng chia sẻ cho chút khoai hay bắp để sống qua ngày. Họ cũng giúp một tay xây dựng nhà cửa và chỉ cách trồng trọt, thứ nào trồng mau có ăn, thứ nào trồng sinh nhiều hoa trái … Xa hơn nữa sát bìa rừng là những nông dân từ ngoài Bắc theo chân quân đội “giải phóng” vô lập nghiệp. Họ chịu cực khổ quen rồi nên rất siêng năng, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mù. Có những đêm sáng trăng họ làm luôn ban đêm, đúng như câu “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” được học tập ở miền Bắc, họ là một thứ “Nô Lệ” cho chủ nghĩa đã quen rồi.

Dì Bảy lúc này rất yếu, hay bị xỉu khi làm việc ngoài đồng. Mỗi lần xảy ra như vậy, tôi dìu Dì về nhà để em săn sóc. Em vẫn còn ngây thơ, thấy Dì bị xỉu thì sợ hãi lắm. Tôi bảo em, Dì bị say nắng, chỉ nằm một chút là tỉnh thôi, em đi lấy nước cho Dì uống, giặt khăn lau mặt và quạt cho Dì mát. Nơi chốn quê mùa, chẳng có thuốc thang gì, bệnh tật chỉ đành phó mặc cho Trời Phật. Nghỉ một lúc Dì tỉnh táo và khỏe mạnh lại, Dì cầm tay tôi thì thầm “Dì chắc không còn bao lâu nữa, không biết chờ được Dượng đến ngày nào, Nếu Dì có mệnh hệ nào con cố gắng lo cho em, nó còn bé bỏng lắm, bản tính nó ương ngạnh, cứng cỏi, con thương Dì thì nhớ nhường nhịn em nghe con.” Tôi chỉ biết khóc và hứa với Dì sẽ săn sóc em suốt đời. Dì mỉm cười héo hắt rồi ôm lấy tôi và em, nước mắt Dì ướt trên mặt tôi.

Về vùng đất hứa độ hơn một năm, Dì và tôi lại đi thăm Dượng, Dì làm nhiều thức ăn đồng quê, cơm nắm để mang theo ăn dọc đường và tiếp tế cho Dượng. Chúng tôi vất vả mấy ngày mới đến nơi, lần này chẳng phải chờ đợi, người cán bộ trại tù cho biết Dượng đã qua đời, họ trao trả những gì còn lại của người tù quá cố, chẳng có gì đáng giá, nhưng Dì mang tất cả về. Dì xin cho ra mộ để cúng tế nhưng họ nhất quyết từ chối mặc cho Dì khóc lóc van xin.

Sau lần đi thăm nuôi đó Dì không còn gượng dậy nổi nữa, nỗi buồn rầu và thất vọng đã đánh Dì gục ngã và cướp đi mạng sống của Dì. Em vẫn nghĩ rằng Dì chỉ bị “xỉu” thôi, tay vẫn quạt trên mặt Dì, miệng mếu  máo gọi: “Má ơi tỉnh dậy đi, anh Hai sao Má xỉu lâu thế không tỉnh dậy?” Em vẫn chưa hiểu được chết là thế nào? Làm sao tôi giải thích cho em! Tôi chỉ biết ôm em khóc, em cũng khóc theo. Dân trong Xóm Lá phụ giúp Mẹ và tôi đưa Dì ra nghĩa trang bên bìa rừng. Khi mới đến lập cư, tôi chỉ thấy một vài nấm mộ, bây giờ sau hơn một năm, mộ đã đầy một khoảng đất lớn. Những người thành thị về đây đã đua nhau bỏ ra đi qua bên kia thế giới với tốc độ chóng mặt, phần vì thiếu thuốc men, thiếu ăn, phần vì lao động quá sức mà không đủ sống. Chung quanh chúng tôi, nhà nào cũng có người thân đã từ giã ra đi không hẹn ngày trở lại.

Dì bỏ đi, Mẹ càng cô đơn hơn. Trước kia, có chuyện gì, Mẹ và Dì còn nương tựa, an ủi lẫn nhau, nay chỉ còn tôi và em, Mẹ không còn gượng nổi nữa. Mẹ nằm liệt giường mấy ngày, tôi sợ lắm, quỳ bên Mẹ khóc nỉ non xin Mẹ cố gắng sống đừng bỏ hai anh em tôi. Nếu Mẹ cũng bỏ chúng tôi ra đi, biết sẽ phải trông cậy vào ai.Tôi đun nước và hái lá về xông  cho Mẹ, còn em nấu cháo cho Mẹ. Tôi nâng đầu Mẹ lên cao cho em múc cháo đút cho Mẹ. Nhờ Trời, dần dần Mẹ khỏe lại, nỗi thương nhớ Dì rồi cũng nguôi ngoai, Mẹ ôm chúng tôi hứa sẽ cố gắng sống để chờ Ba trở về. Chúng tôi lại lăn vào việc đồng áng, nuôi được một con bê con, em thích dắt con bê đi ăn cỏ trong khi Mẹ và tôi làm rẫy. Khi bê con thành con bò, Mẹ sai tôi dắt ra Long Thành giao cho người bà con quen, cho nó nhảy đực. Giao bò xong tôi đi chơi quanh quẩn ngoài chợ kiếm mua quà cho em và Mẹ rồi chiều dắt về.

Người ngoài Bắc cũng bắt đầu vô lập nghiệp khá đông, nhà nào có nhân lực phá rừng tới đâu thì chiếm đất tới đó, cứ khuân đá đặt chung quanh làm ranh giới. Mỗi đêm lại xảy ra nạn chiếm đất giành dân như thời chiến tranh! Bởi vì người nào tham lam, chỉ việc xê dịch mấy tảng đá là ruộng họ sẽ lớn ra thêm trong một đêm.

Một thời gian sau, Xóm Lá họp nhau cất lên ngôi trường Tiểu Học đầu tiên. Trường chỉ là căn nhà lá hai gian. Dân Xóm Lá mời hai cô con một người tù cải tạo, đã từng là sinh viên thời trước, làm cô giáo, một cô tên Ngọc, cô kia tên Lan. Hai cô thay phiên nhau dạy từ lớp Một đến lớp Năm. Mỗi lớp chỉ học mấy tiếng, thời giờ còn lại học trò theo cha mẹ ra làm việc ngoài đồng. Tôi không biết nhà nước có trả lương cho 2 cô không, nhưng dân Xóm Lá vẫn biếu tặng 2 cô nông phẩm của họ. Mẹ xin với cô Ngọc cho tôi được học riêng với cô. Từ đó tôi theo em cắp sách đến trường học nửa buổi. Hai cô thay phiên nhau dạy riêng cho tôi toán, vật lý và hóa học. Tôi học rất mau như người ăn trả bữa sau một cơn bệnh ngặt nghèo. Tôi thật sự ngưỡng mộ 2 cô, tận tâm và thương yêu học trò nhất là học trò chăm học như tôi. Cô luôn khuyến khích và chỉ bảo tôi tận tình. Cô cho tôi mượn sách về đọc thêm, nhờ sự say mê đọc sách tôi đã học được rất nhiều chỉ trong thời gian ngắn.

Mẹ cũng kêu gọi dân trong xóm cất được ngôi nhà nguyện nhỏ, chỉ lớn hơn ngôi nhà chúng tôi đang ở một chút xíu, có bàn thờ và cây Thánh Giá bằng gỗ, không có ghế ngồi. Chiều nào Mẹ cũng dẫn em và tôi lên đó đọc kinh cầu nguyện cho Dì được an nghỉ trên nước Thiên Đàng và cho Ba chóng được về sum họp với gia đình. Những lời cầu kinh của Mẹ gõ đều trên trái tim nặng trĩu của tôi khiến tôi nghẹt thở và sụt sùi.Trên đường về mắt Mẹ vẫn còn đỏ hoe, tôi cũng vậy, còn em lẽo đẽo theo tôi vô tư như con chó nhỏ.

Mùa mưa, em theo tôi đi soi ếch ban đêm ngoài bờ ruộng hay bên bờ mấy hố bom ngập đầy nước, có khi chúng tôi bắt cua đồng về cho Mẹ nấu canh rau đay. Ôi cua đồng nấu rau đay là món ăn ngon nhất trên đời, mà có thêm mấy quả cà muối nữa thì sơn hào hải vị cũng chịu thua!  Chắc tôi sẽ không tìm được trên thế giới món nào ngon hơn thế.  Đêm sáng trăng tôi dắt em ra ngồi trước hiên nhà, nhìn mông lung ra đám ruộng lúa xa xa, ánh trăng lướt nhẹ trên mấy đám cỏ tranh trên gò đất, ễnh ương kêu vang khắp mọi nơi, tôi tủi thân khóc thầm, có cha cũng như không, thương Ba tù đày, thương Mẹ vất vả lao đao, thương em côi cút, thương tôi chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, nước mắt chảy ra lúc nào không biết. Em lắc tay tôi hỏi tại sao tôi khóc, em còn ngây thơ bé bỏng quá, tôi biết trả lời sao, chỉ biết ôm em vào lòng mà sụt sùi . Em bé tí teo nhưng đã phải xách nước tưới rau, phụ Mẹ nấu ăn, giặt quần áo cho cả nhà. Nhiều khi đi làm rẫy về mệt nhọc nhưng thấy em tưới rau tôi lại giành làm thay em.

Em thích nghe tôi kể chuyện Thằng Người Gỗ có cái lỗ mũi dài, mỗi lần nói dối mũi lại dài ra thêm, có ngày nó nói dối nhiều quá, mũi dài tới chấm đất không quay đầu được nữa, em cười ngặt nghẽo nói “eo ơi, nếu vậy em không dám nói dối đâu”. Mấy đứa trẻ con hàng xóm cũng bu lại đòi tôi kể chuyện. Tôi kể những truyện con nít trong sách của Hà Mai Anh như Tâm Hồn Cao Thượng, Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến, Con Sáo Của Em Tôi và Dzũng ĐaKao của Duyên Anh … những loại sách đó chẳng còn in lại trong thời “Cách Mạng” này nữa. Tôi kể chuyện nổi tiếng đến nỗi cả người lớn cũng đòi nghe, tôi kể cho họ nghe Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Anh Hùng Xạ Điêu, Thiên Long Bát Bộ, Cô Gái Đồ Long và nhiều bộ truyện tôi từng say mê của Kim Dung. Nhà tôi buổi tối trở thành nơi giải trí, họ đến tán gẫu và nghe tôi kể chuyện. Nhờ vậy anh em tôi có thêm của ăn do họ mang đến làm quà. Ở nơi rừng hoang, ánh sáng văn minh còn quá lu mờ làm sao rọi tới, chẳng có gì khác hơn là ngồi nói dóc trong bóng tối. Mỗi lần kể chuyện, em bao giờ cũng đòi ngồi sát cạnh tôi, nhiều khi nằm ngủ ngay trên đùi tôi. Nơi Xóm Lá, dường như người ta đang sống bên lề Xã Hội Chủ Nghĩa, chẳng ai quan tâm đến Bác và Đảng. Công an, du kích cũng có một hai chú nhưng đám dân lam lũ vất vả này chẳng còn gì để tước đoạt nữa nên mấy chú ấy cũng làm ngơ, thỉnh thoảng ghé lại xin củ khoai lang hay ăn ké một bữa cơm, chắc để kiểm soát từng hộ khẩu, xem có gì khác lạ không?. Mấy chú cũng rất mê nghe tôi kể những  truyện của Kim Dung, ở ngoài Bắc chắc ngoài sách về chủ nghĩa Cộng Sản không còn thứ gì khác.

Một hôm, đang đốt cỏ tranh để làm rẫy, gió nổi lên thổi tàn bay tứ tung lên nóc nhà thế là chỉ trong vài phút, nhà cửa đều ra tro, một ít sách vở của Ba còn lại cũng bị Thần Lửa lấy mất. May là chẳng có ai trong nhà. Mọi người chạy đến hỏi thăm, hôm sau cả xóm giúp dựng lại nhà mới mỗi người một tay không phân biệt Bắc hay Nam, mới hay cũ. Thế mới biết con người vẫn là con người, chỉ có chủ nghĩa làm cho phân biệt người với ngợm!

Đời sống ở vùng kinh tế mới là như thế, làm lụng vất vả cực nhọc nhưng vẫn không đủ ăn. Thêm vào đó là bệnh tật chẳng có thuốc chữa. Thôi, hãy phó mặc cho số mệnh và ông Trời. Ông trời thì ở xa lắm chẳng bao giờ với tới, số mệnh của những người sống trong vùng kinh tế mới thì thật là đen đủi. Biết làm sao? Tôi thương Mẹ, thương em và thương tất cả những cư dân trong vùng kinh tế mới, vì họ cũng như tôi, đang phải chiến đấu với đủ thứ khó khăn bệnh tật, đói khát. Tôi và Mẹ vẫn chờ trông Ba được trở về từ trại tù. Những tháng ngày qua đi chậm chạp, mòn mỏi và nước mắt Mẹ rơi trên ruộng đất khô cằn vẫn không đủ cho hạt nảy mầm đơm hoa kết trái.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025