Chế độ công an trị, môi trường thiên nhiên và sức khỏe của người dân

Chế độ công an trị, môi trường thiên nhiên
và sức khỏe của người dân

Tầng 2, khoa nhi của bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM (Q.Bình Thạnh) lúc nào cũng trở nên quá tải vì quá nhiều trẻ đến điều trị các bệnh về khố u, ung thư... Và hầu như bé nào cũng phải nằm lại viện để vô thuốc. Giường bệnh luôn thiếu, cả mẹ và con nằm chen chúc trên giường. (Nguồn hình afamily.vn)

LS Đào Tăng Dực

Những năm gần đây, chúng ta thường thấy trên mạng xã hội, nhiều trường hợp rơi nước mắt trong giới lao động tại Việt Nam, khi những người dân nghèo vướng phải căn bệnh ung thư hiểm nghèo, không có bảo hiểm y tế hay tiền bạc để chữa trị, chiến đấu chiếu lệ với tử thần, qua đời trong cảnh thương tâm.

Hầu như căn bệnh ung thư lan tỏa khắp nơi, nhất là vây hãm giới lao động trong các xóm nghèo. 

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại có một tương quan nhân quả giữa chế độ công an trị và tệ nạn ung thư tại Việt Nam? 

Thông thường, khi nghĩ đến chức năng trị an trong các chế độ dân chủ chân chánh, chúng ta thường nghĩa đến trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ luật pháp, bảo vệ cho các công dân cá thể v..v..

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về guồng máy công an CSVN, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên khi được biết quyền lực bao trùm của định chế này. Thật vậy, quyền lực của bộ công an, do Tô Lâm lãnh đạo, bao gồm không những các lãnh vực thuần túy trị an, mà còn bao gồm luôn cả lãnh vực môi trường thiên nhiên. 

Thật vậy, ngày 29 tháng 11 năm 2006, Bộ Công an thành lập Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường:

Theo Wikipedia, “Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) trực thuộc Bộ Công an Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam…phối hợp thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác kiểm định tiêu chuẩn môi trường”. 

Tuy bộ Công An giữ trách nhiệm điều tra chống tham nhũng, như đây chính là cơ quan tham nhũng thượng thừa, nhất là khi Đảng minh thị trao cho họ quyền đánh giá tác động môi trường liên hệ đến các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh. 

Hậu quả đương nhiên là, khác với các quốc gia dân chủ, thay vì hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, trong xã hội dân sự, hầu ngăn chận các tội ác di hại cho môi trường sống của nhân dân, thì công an môi trường CSVN lại truy tố các hiệp hội bảo vệ môi trường và lãnh đạo của họ về tội trốn thuế. Công an cũng thừa gió bẻ măng nhận hối lộ, dung túng cho tư bản quốc tế tàn sát môi trường. 

Tháng 11 năm 2023, Ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, đã lên án sự kiện công an VN truy tố và kết án nhiều năm tù các lãnh đạo môi trường như Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Hoàng Thị Minh Hồng. 

Tệ hại nhất là vào đầu năm 2017, giới chức CSVN, chính là công an môi trường, đã nhận hằng chục triệu Mỹ Kim hối lộ, liên hệ đến sự hủy diệt môi sinh tại Vũng Áng do Formosa gây ra, như là một đại họa không tiền khoáng hậu trong lịch sử. Mức độ thiệt hại còn cao hơn nhiều nếu so sánh với những thảm họa môi sinh khác trên thế giới, như vụ loan dầu Deepwater Horizon tại Vịnh Mexico do hãng BP gây ra, năm 2010, khi họ phải bồi thường thiệt hại cho chính phủ và tư nhân Hoa Kỳ lên đến hằng trăm tỷ Mỹ Kim. 

Tuy nhiên, bộ chính trị, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng đã coi thường môi trường sống của nhân dân Việt như sau:

1. Không truy tố Formosa và lãnh đạo của tập đoàn này chính thức trước tòa án

2. Đi đêm với tập đoàn Formosa, nhân một gói bồi thường trị giá rẻ bèo đến mức độ buồn cười là $500 triệu Mỹ Kim

3. Ngăn chận các ngư dân và đồng bào nộp đơn kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại cho cá nhân và tự động quyết định bồi thường cho mỗi gia đình là $500 Mỹ Kim.

Trong khi Công an đang bận rộn nhận phong bì và  đàn áp giới bảo vệ môi trường thì Website Greenwater.com.vn báo động về tình trạng tệ hại của môi trường tại Việt Nam và sự tắc trách nghiêm trọng của Bộ Công An như sau:

“Việt Nam tổng số có hơn 183 khu công nghiệp trong cả nước. Thì có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ở các đô thị, chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom. Cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết nước thải đều bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm... chưa được xử lý và đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Các loại khí chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường.”

Hậu quả là chính cổng thông tin điện tử của Bộ Y Tế, trong một bản tin ngày 19/1/21 đã loan tin như sau:

“Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất… Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan… Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.”

Theo Bộ Y Tế, một trong những nguyên nhân quan trọng của căn bệnh này là môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm của nhân dân.

Bản tin này cũng khẳng định, tỷ lệ người dân bị ung thư ngày càng gia tăng và tỷ lệ tử vong vượt trội các quốc gia khác trên thế giới vì tình trạng y tế thấp kém, nhất là trong giới lao động tại Việt Nam.

Công an môi trường CSVN càng đàn áp các nhà tranh đấu môi trường, càng giàu sụ vì nhận nhiều hối lộ từ tư bản đỏ và tư bản quốc tế, thì tình trạng ô nhiễm sinh thái của nhân dân càng thê thảm và chứng bệnh ung thư càng lan rộng trong nhân dân, di căn lâu dài cho các thế hệ dòng giống Việt Tộc mai sau.

LS Đào Tăng Dực



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209