Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân?
Chuyện gì sẽ xảy ra
nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân?
nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân?
Các học giả và nhà hoạch định chính sách vẫn đang cố gắng tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra sau khi Tehran có được vũ khí hạt nhân. |
Tác giả: Stephen M. Walt
Liệu Iran có chế tạo được vũ khí hạt nhân? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ thực sự làm được điều đó? Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên đang dần trở thành “có,” nhưng câu trả lời cho câu hỏi thứ hai vẫn tiếp tục mù mờ.
Cộng hòa Hồi giáo Iran đã xung đột với Mỹ và nhiều nước láng giềng suốt 45 năm qua, kể từ cuộc cách mạng lật đổ quốc vương Shah vào năm 1979. Người Mỹ đã ủng hộ Saddam Hussein trong Chiến tranh Iran-Iraq (dù Baghdad mới là bên khơi mào xung đột), và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush đã đưa Tehran vào “trục ma quỷ” khét tiếng của mình.
Chính quyền Obama tuy đã ký một thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng cũng hợp tác với Israel để tiến hành một cuộc tấn công mạng lớn nhắm vào cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của Iran. Không chịu thua kém, Tổng thống Donald Trump đã cho phép tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết Tướng Qassem Suleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, và cố gắng làm suy yếu chế độ này thông qua một chương trình “gây áp lực tối đa.”
Iran đã đáp trả những hoạt động này và cả những hoạt động khác bằng cách hỗ trợ chế độ Assad ở Syria, xây dựng quan hệ gần gũi với Nga và Trung Quốc, đồng thời trang bị vũ khí và huấn luyện cho lực lượng dân quân ở Lebanon, Iraq, Yemen, và Gaza. Và như Raphael S. Cohen đã trình bày gần đây trên Foreign Policy, cuộc chiến bí mật giữa Israel và Iran có lẽ sẽ tiếp tục kéo dài và thậm chí trở nên tồi tệ hơn.
Rủi ro đang rất cao, nhưng một nhà lý thuyết quan hệ quốc tế nổi tiếng cho rằng vẫn có cách để xoa dịu tình hình. Theo bài viết được xuất bản cuối cùng của Kenneth Waltz, cách đơn giản nhất để ổn định khu vực là Iran phải có được khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình. Ông lập luận rằng việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân sẽ làm giảm những lo ngại về an ninh của Iran, khiến nước này không còn lý do để gây rắc rối cho nước khác, và buộc các đối thủ trong khu vực kiềm chế sử dụng vũ lực chống lại nước này theo những cách có thể vô tình dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân. Như Winston Churchill đã nói trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, sự ổn định sẽ trở thành “đứa con cứng đầu của nỗi kinh hoàng.”
Waltz đã trình bày logic trung tâm của lập luận này trong một chuyên khảo gây tranh cãi vào năm 1981, dựa trên lý thuyết răn đe hạt nhân cơ bản. Ông bắt đầu với giả định quen thuộc của chủ nghĩa hiện thực, rằng các quốc gia trong tình trạng vô chính phủ chủ yếu quan tâm đến vấn đề an ninh. Trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân, những nỗi sợ hãi như vậy thường dẫn đến những tính toán sai lầm, hành động nguy hiểm, và chiến tranh. Vũ khí hạt nhân đã thay đổi tình hình này bằng sức mạnh hủy diệt ở một mức độ mà ngay cả những nhà lãnh đạo tham vọng hay hung hăng nhất cũng phải tôn trọng. Waltz xem răn đe hạt nhân là sự đảm bảo an ninh tối thượng: Không một nhà lãnh đạo có lý trí nào lại cố gắng chinh phục hoặc lật đổ một đối thủ có vũ khí hạt nhân, vì làm vậy chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân. Không có lợi ích chính trị nào là đáng để chúng ta đánh mất các thành phố của mình, và chỉ cần khả năng xảy ra phản ứng hạt nhân ở mức thấp thôi cũng đủ để ngăn một cuộc tấn công trực tiếp vào nền độc lập của một quốc gia khác. Tính toán sai lầm sẽ ít xảy ra hơn vì bất kỳ kẻ nào có trí khôn cũng có thể dễ dàng hiểu được tác động của một cuộc xung đột hạt nhân. Do đó, các quốc gia có khả năng đáp trả hạt nhân sẽ không phải lo lắng về sự sống còn của mình và sự cạnh tranh giữa nhóm nước này sẽ bị hạn chế (dù không bị loại bỏ hoàn toàn) bởi sự sợ hãi lẫn nhau.
Waltz không cho rằng răn đe hạt nhân sẽ loại bỏ mọi nguồn cạnh tranh an ninh. Ông cũng không lập luận rằng mọi quốc gia sẽ được lợi hơn nếu họ sở hữu vũ khí hạt nhân, hay việc phổ biến nhanh vũ khí hạt nhân sẽ là điều tốt cho hệ thống quốc tế. Đúng hơn, ông cho rằng việc phổ biến chậm vũ khí hạt nhân có thể có lợi trong một số trường hợp, và thậm chí có thể tốt hơn những nỗ lực tổng lực để ngăn chặn vũ khí. Ông tin rằng nỗi sợ leo thang hạt nhân lẫn nhau – vốn đã giúp Mỹ và Liên Xô tránh được xung đột vũ trang trực tiếp trong Chiến tranh Lạnh, và đã làm giảm quy mô và phạm vi của các cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan – sẽ có tác động xoa dịu tương tự ở những nơi khác, bao gồm cả ở khu vực Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá.
Quan điểm khác lạ của Waltz đã vấp phải rất nhiều lời chỉ trích, và chuyên khảo của ông sau cùng đã dẫn đến một cuộc trao đổi sâu rộng và hữu ích với giáo sư Scott Sagan của Đại học Stanford. Những người hoài nghi cảnh báo rằng các cường quốc hạt nhân mới có thể được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo phi lý trí hoặc cuồng tín, những người không thể bị răn đe, dù không rõ liệu họ có kém lý trí hoặc kém thận trọng hơn các nhà lãnh đạo của các quốc gia hiện đang có vũ khí hạt nhân hay không. Những người khác lo ngại rằng các cường quốc hạt nhân mới có thể thiếu các biện pháp an ninh cũng như các quy trình chỉ huy và kiểm soát cần thiết, từ đó khiến kho vũ khí của họ dễ bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép hơn. Phe diều hâu tuyên bố rằng các cường quốc hạt nhân mới có thể đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để tống tiền nước khác, hoặc làm lá chắn cho một cuộc xâm lược, dù chưa có cường quốc hạt nhân hiện tại nào từng làm điều này thành công. Các nhà phê bình khác dự đoán rằng việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ khiến một số nước láng giềng của họ bắt chước theo, dù bằng chứng về “phổ biến vũ khí hạt nhân dây chuyền” vẫn chưa rõ ràng.
Chính phủ Mỹ dĩ nhiên chưa bao giờ cân nhắc việc ủng hộ quan điểm của Waltz, và chắc chắn sẽ không áp dụng quan điểm này với các quốc gia như Iran. Ngược lại, người Mỹ đã cố gắng ngăn cản các nước khác phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng họ, và đã nỗ lực hết sức để ngăn Iran làm điều đó. Các tổng thống của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã nhiều lần nói rằng tất cả các lựa chọn đều sẽ được cân nhắc nếu Iran cố gắng chế tạo một quả bom hạt nhân, và họ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế ngày càng hà khắc trong một nỗ lực thất bại nhằm thuyết phục Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium của mình. Chính quyền Obama cuối cùng đã đàm phán một thỏa thuận (Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015, hay JCPOA), để hạn chế đáng kể khả năng làm giàu uranium của Iran, giảm kho dự trữ vật liệu hạt nhân, và mở rộng giám sát các hoạt động hạt nhân còn lại của Iran. Thế nhưng, trong một sai lầm chiến lược gây sốc, Trump đã từ bỏ thỏa thuận này vào năm 2018. Kết quả là gì? Iran bắt đầu làm giàu uranium ở mức cao hơn và đang tiến gần đến việc chế tạo bom hạt nhân hơn bao giờ hết.
Nhưng bên ngoài JCPOA, Mỹ (và Israel) lại làm mọi thứ có thể để khiến Tehran tin rằng nước này không thể an toàn nếu không có biện pháp răn đe của riêng mình. Quốc hội Mỹ đã tài trợ cho các nỗ lực “thúc đẩy dân chủ” nhắm vào Iran, bao gồm cả việc tài trợ cho các nhóm lưu vong ở Iran. Washington đã từ chối một số nỗ lực của Iran nhằm cải thiện quan hệ, đụng độ với lực lượng hải quân Iran ở Vịnh Ba Tư, cố tình ám sát một quan chức hàng đầu của Iran, và tiến hành một loạt chiến dịch bí mật bên trong Iran. Washington đã công khai ủng hộ việc thành lập liên minh chống Iran trong khu vực, và không thiết lập quan hệ ngoại giao với Tehran (khác với Nga, Trung Quốc, và hầu hết các đồng minh của Mỹ). Bất kể người ta nghĩ gì về Iran – và đúng là có nhiều điều không hay về chế độ này – thì những biện pháp kể trên, và nhiều biện pháp khác, chắc chắn đã làm Iran ngày càng quan tâm đến việc sở hữu khả năng bảo vệ từ răn đe hạt nhân mà chín quốc gia khác – gồm cả Israel, Pakistan và Triều Tiên – hiện đang được hưởng.
Vậy tại sao Iran vẫn chưa vượt qua ngưỡng hạt nhân? Không ai biết lý do. Một khả năng là Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei thực sự tin rằng vũ khí hạt nhân đi ngược lại các nguyên tắc của Đạo Hồi, và việc vượt qua ranh giới sẽ là sai trái về mặt đạo đức. Bản thân tôi không quá tin vào lời giải thích đó, nhưng cũng không thể loại trừ nó hoàn toàn. Khả năng thứ hai là các nhà lãnh đạo Iran không quá lo lắng về một cuộc tấn công hoặc xâm lược trực tiếp của Mỹ (bất kể họ nói gì trước công chúng), nhất là sau những nỗ lực thay đổi chế độ thất bại của Mỹ ở Iraq, Afghanistan, Libya, và một vài nơi khác. Họ có thể nhận ra rằng không có tổng thống Mỹ nào muốn sống lại những trải nghiệm đó, và đặc biệt là không muốn chống lại một quốc gia có diện tích gần gấp bốn và dân số gấp đôi Iraq. Mỹ là một đối thủ nguy hiểm, nhưng không phải là một mối đe dọa sống còn, vì vậy không cần phải vội vã chế tạo bom. Tehran cũng có thể bị ngăn cản bởi mối đe dọa chiến tranh phòng ngừa, bởi mọi nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân đều có thể bị phát hiện và có thể dễ dàng khiến Mỹ hoặc Israel (hoặc cả hai) tấn công cơ sở hạ tầng hạt nhân mà Iran đã hy sinh rất nhiều để xây dựng nên. Nếu không có nhu cầu cấp thiết và hoàn cảnh không thuận lợi, thì việc Iran không vượt qua ngưỡng phổ biến vũ khí hạt nhân là điều hợp lý.
Nếu Mỹ và những nước khác muốn duy trì tình trạng hiện tại, thì họ nên kết hợp những cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra nếu Iran nỗ lực chế tạo vũ khí với những đảm bảo rằng Iran sẽ không bị tấn công nếu nước này tiếp tục từ bỏ khả năng sở hữu vũ khí. Việc giảm bớt cuộc chiến bí mật giữa Israel và Iran cũng sẽ có ích, dù rất khó để tưởng tượng việc chính phủ Netanyahu chọn con đường này, hoặc phải đối mặt với áp lực đáng kể để làm vậy từ chính quyền Biden.
Điều khiến tôi bận tâm là đây. Nếu mức độ thù địch hiện tại vẫn tồn tại, thì khó có thể tin Iran lại cho rằng họ không cần có lực lượng răn đe hạt nhân của riêng mình, và điều gì sẽ xảy ra sau đó thì chẳng ai đoán được. Nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh Trung Đông khác, vốn là điều không ai muốn. Hơn nữa, nếu Iran thành công trong việc chế tạo bom hạt nhân, nước này cũng có thể khiến các quốc gia như Ả Rập Saudi hay Thổ Nhĩ Kỳ làm theo.
Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng Waltz đã đúng ngay từ đầu, và rằng một sự cân bằng hạt nhân cơ bản ở Trung Đông cuối cùng sẽ khiến các quốc gia thường xuyên đụng độ này giảm bớt thái độ thù địch và chọn cách chung sống hòa bình. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì đây là một trong những thí nghiệm khoa học xã hội mà tôi không muốn thực hiện.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
----
Ý kiến độc giả :
Những kẻ duy vật ham sống sợ chết thì họ chỉ muốn dùng bom hạt nhân để hù dọa răn đe đối thủ đừng xâm phạm đến họ thôi, nhưng những kẻ cuồng tín chỉ mơ được lên thiên giới hưởng phước vĩnh cửu với đấng thần linh của họ trên đó thì họ chẳng thèm bám víu vào cuộc sống trần gian này, nên họ chẳng quan tâm đến sự hủy hoại thể xác của chính họ, họ chỉ cần thắng được kẻ thù, đặc biệt là những kẻ thù mà họ cho là MA QUỶ không chịu thờ lạy đấng thần linh của họ. Khi thế giới này bị tận diệt thì những kẻ cuồng tín này tin chắc rằng họ sẽ được đưa đến thiên giới để được sống hạnh phúc với đấng thần linh của họ, còn bọn ma quỷ thì sẽ bị trừng phạt muôn đời ở Hỏa Ngục.
Đứng trước viễn tượng được hưởng hạnh phúc muôn đời với đấng Allah trên thiên giới thì IRAN DẠI GÌ KHÔNG CHO NỔ BOM GIẾT SẠCH BỌN MA QUỶ KẺ THÙ CỦA ALLAH ??
Kim Khánh
Nhận xét
Đăng nhận xét