Những vụ án “triệu đô”

Những vụ án “triệu đô”

Nguyễn Sinh

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (năm 2023), gần 17 triệu lao động Việt Nam có thu nhập dưới chuẩn nghèo 2 USD/ngày và khoảng 14 triệu người khác sống mấp mé ở ngưỡng này. Nghĩa là đang có hơn 30 triệu lao động VN thuộc dạng nghèo, thu nhập trên dưới chỉ 2 USD một ngày.

Một bộ phận dân chúng Việt Nam sống ở mức thu nhập nghèo khổ

Trong khi một bộ phận người dân VN sống với mức thu nhập như vậy thì nạn tham nhũng đang diễn ra như là một sự trêu ngươi. Những vụ án bị xét xử gần đây liên quan nhiều nhân vật cộm cán với lời khai cho thấy họ đã thâu tóm tiền bạc bằng vô số thủ đoạn. Hành vi tham ô của những kẻ này gây thiệt hại cho đất nước (thực chất là tiền thuế đóng góp của nhân dân) hàng trăm tỷ, ngàn tỷ, chục ngàn tỷ VNĐ. Ai thử hỏi số tiền ấy có thể nuôi được bao nhiêu con người với mức sống 2 USD/ngày?

Các nhân vật chính trong đại án Việt Á

Những vụ án triệu đô

Tháng 3/2024, VN đưa ra xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát là vụ việc có số tiền bị chiếm đoạt lớn nhất từ trước tới giờ. Theo đó, thông qua Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan huy động tiền gửi tiết kiệm người dân và rút ruột 1.066 nghìn tỷ VNĐ. Để hợp thức hóa, bà này tiến hành thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ gồm các công ty con, công ty thành viên trong lẫn ngoài nước. Nhóm công ty này chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật, nhằm trợ giúp lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền từ Ngân hàng SCB hơn 304 nghìn tỷ VNĐ (cùng số tiền lãi phát sinh 129 nghìn tỷ VNĐ) là tổng cộng hơn 433 nghìn tỷ VNĐ. Tiếp tay, góp sức cho Trương Mỹ Lan trong “thương vụ” này có 41 cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cán bộ Ngân hàng Nhà nước VN; 3 cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Trong đó có Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Thanh tra giám sát ngân hàng đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che cho những sai phạm của Vạn Thịnh Phát. Số tiền này lớn hơn nhiều so với tổng số tiền Công ty Việt Á đã hối lộ cho toàn bộ các quan chức trong “đại án” nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 với khoảng 106 tỷ VNĐ, trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD.

Thật ra đây không phải lần đầu xảy ra các vụ án triệu đô làm rúng động dư luận VN mà những câu chuyện tương tự vẫn xảy ra từ nhiều năm qua. Chẳng hạn vụ tham nhũng hơn 2 triệu USD trong “chuyến bay giải cứu” của Bộ Ngoại giao hoặc “đại án” MobiFone, khi Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD; Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà nhận hối lộ 2,5 triệu USD. “Đại án” đường dây đánh bạc nghìn tỷ VNĐ và rửa tiền liên quan các ông tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cùng một số “đại án” khác…

“Đại gia tỷ đô” Trương Mỹ Lan trước Tòa

Không dễ “cắt cành” tham nhũng

Có một thống kê cho thấy văn hóa Á Đông nói chung và VN nói riêng thường dựa vào các mối quan hệ cá nhân. Có tới 70% doanh nghiệp cho biết họ buộc phải đưa “quà lót tay”, tiền hối lộ để công việc được giải quyết nhanh chóng, suôn sẻ. Luật pháp VN tuy có những quy định về số tiền tham ô sẽ bị truy tố hình sự và các mức hình phạt kèm theo. Tuy nhiên, vẫn chưa có các quy định chi tiết về giá trị, hình thức “quà cáp cảm ơn” thế nào để các ông/bà cán bộ được phép nhận từ các cá nhân, doanh nghiệp. Ở vị trí, vai trò của mình cùng cơ chế “xin – cho” hiện hữu ở khắp các sở, bộ, ban ngành, từ địa phương tới trung ương, các ông/bà quan chức thường lạm dụng quyền lực để nhận hối lộ, tham ô và một khi “nhúng chàm” sẽ tìm cách bao che từ trên xuống cho những vi phạm của mình, kể cả từ thuộc cấp.

Quay lại chuyện thu nhập của các lao động nghèo với 2 USD/ ngày. Chắc chắn những người này sẽ “mồm chữ O mắt chữ A” khi nghe ông Bí thư thành ủy Hà Nội Chu Ngọc Anh nói “tôi đã bỏ số tiền 200.000 USD (do Phan Quốc Việt hối lộ) vào một chiếc vali rồi nhờ người chở về gara nhà riêng của mình nhưng do đi công tác lâu ngày nên sau đó không nhớ được khoản tiền trong vali kia đang để ở đâu” (?) hoặc từ miệng ông Tướng Công an Đỗ Hữu Ca sau 4 lần nhận hối lộ số tiền 35 tỷ VNĐ nhằm “chạy án” cho vợ chồng “trùm buôn lậu hóa đơn” nhưng tỉnh bơ khai báo trước Tòa “Mục đích của tôi là… giữ giùm cho họ chứ không vì tư lợi” (?)

Tướng công an Đỗ Hữu Ca

…Để xã hội ổn định và tạo tiền đề cho phát triển, VN cũng như nhiều quốc gia khác luôn phải dựa trên 3 yếu tố: phát triển kinh tế; quan hệ quốc tế hài hòa và chống tham nhũng. Thời gian qua, VN đã đưa ra ánh sáng một số “đại án”. Có điều, dư luận không khỏi băn khoăn trước những dấu hiệu đáng lo ngại nơi đội ngũ các ông/bà “công bộc của dân” qua những hành vi thiếu trung thực, sẵn sàng mờ mắt vì đồng tiền với túi tham không đáy.

Đã có một số kẻ tham nhũng bị phát hiện, xét xử, nhưng còn nhiều kẻ vẫn sống và hưởng thụ ngang nhiên. Đó là tầng lớp quan chức đại gia giàu có nứt đố đổ vách đang hiện diện trên khắp đất nước VN. Khi tham nhũng còn tồn tại dĩ nhiên sẽ còn nhiều trường học tranh tre nứa lá, học sinh phải bơi qua sông, lội qua suối đến trường, nhiều bệnh nhân buộc phải nằm chen chúc nhau trong các bệnh viện quá tải. Và khi một cái cây dung chứa quá nhiều sâu bọ, chắc chắn một ngày không xa nó sẽ dần kiệt quệ và chết!

Hai “quan tham” Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long

Nhận xét

Bài được quan tâm