Tiếng Việt Trong Sáng : Nên Dùng Từ Tiếng Việt Nào Cho Khái Niệm "Quai" Hoặc "Platform"
Tiếng Việt Trong Sáng
Nên Dùng Từ Tiếng Việt Nào Cho
Khái Niệm "Quai" Hoặc "Platform"
Nên Dùng Từ Tiếng Việt Nào Cho
Khái Niệm "Quai" Hoặc "Platform"
Vừa qua, trong ga (ngầm) xe lửa metro số 1 ở Sài Gòn đi từ Bến Thành đến Suối Tiên có các bảng chỉ dẫn đến “platform”, nhưng người ta đã dùng từ KE GA để chỉ khái niệm này. Truy tìm nguồn gốc từ KE, thì ra có từ thời Pháp để đọc từ “quai” (ke) là bến, bờ, nền đường bằng phẳng trong một nhà ga. Nhưng từ tiếng Pháp đã được Việt hóa (?) này lại không thông dụng như một số từ khác: nhà ga, đường rầy, xà bông (phòng), la ve,… nên dân chúng ngỡ ngàng, không hiểu. Báo Tuổi Trẻ online phải lên tiếng. (Mời các bạn xem chi tiết nơi Cụm từ ‘ke ga’ trong ga tàu metro số 1: Chuẩn nhưng cần chỉnh ).
Từ tiếng Anh “platform” (viết tắt “Plat”) cũng khó dịch cho gọn (trong một số ga xe lửa ở Melbourne có đến hàng chục plat(s)). Google dịch: Platform: nền tảng, bục giảng, nền đất, sân bằng mặt, sân ở trên cao, sân ga xe lửa. Các từ điển có trước năm 1975 cũng không dùng từ KE để chỉ khái niệm này, duy chỉ có “Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn Đức chủ biên, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, có mục từ “KE (dt): Thềm trước sân ga hay dựa bến tàu dành cho người đến đợi rước bà con; đường dọc theo sông (quai)”(hết). Giải thích như vậy cũng chưa sát ý nghĩa khái niệm của từ platform, vì nơi đây là bờ kè dọc theo (nhưng cao hơn) đường rầy xe lửa tại mỗi ga để hành khách lên xuống xe lửa, chứ không chỉ “dành cho người đến đợi rước bà con”. Khái niệm “quai” trong tiếng Pháp được dịch là “đường bằng phẳng trong một nhà ga” cũng dường như còn thiếu.
Bây giờ dịch từ “quai” và “platform” (viết tắt “plat”), ở các ga xe lửa, xe điện để giải thích khái niệm này: “Đường bờ kè cao hai bên đường rầy xe lửa tại các nhà ga, để hành khách lên xuống xe lửa, để người đến đưa đón khách đi xe lửa”, chúng ta không thể dùng từ vay mượn KE nữa (vì nó không phổ biến), vậy nên dùng từ nào hiện tại cho mọi người dân VN dễ hiểu? Từ cần ngắn gọn vừa đủ, gần gũi với các khái niệm giống như vậy, dân chúng ở VN đã khá quen dùng. Theo ý kiến của tôi có hai từ có thể đưa vào tự điển bổ sung: BỜ THỀM (số 1, số 2,…) hoặc BỜ KÈ (số 1, số 2,…). Nếu dùng BẾN thì có vẻ ở ven sông, ven biển. Giải thích từ “bờ thềm” hoặc “bờ kè” trong nhà ga xe lửa hoặc xe điện ngầm, trong đó có yếu tố “bờ” để chỉ nó ở song song bên cạnh đường rầy xe lửa (xe điện), yếu tố “thềm” để chỉ nền tảng cao hoặc yếu tố “kè” để chỉ phần giữ nền đất cao vững chắc (Như các bờ kè ven các sông rạch, kinh mương ngày nay). Tóm lại:
BỜ THỀM (BỜ KÈ): Đường bờ kè cao hai bên đường rầy xe lửa, xe điện tại các nhà ga, để hành khách lên xuống xe lửa, xe điện, hoặc để người đến đưa đón khách đi xe lửa, xe điện.
Hớn Chiêu Tuyết Mai
Nhận xét
Đăng nhận xét