Sự ra đi đột ngột của TT Iran ảnh hưởng như thế nào đến nội tình đất nước và thế giới?

Sự ra đi đột ngột của TT Iran ảnh hưởng
như thế nào đến nội tình đất nước và thế giới?
Trần Đình _ Toàn Phong
Việc Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đột ngột qua đời trong một tai nạn trực thăng đã gây thêm nhiều bất ổn cho một quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh, suy thoái kinh tế nghiêm trọng, và sự bất mãn ngày càng gia tăng của công chúng. Tất cả các nước đều đang chú ý tới Iran.
Theo truyền thông nhà nước Iran, khi từ Azerbaijan trở về hôm Chủ Nhật (19/05), trực thăng của ông Raisi đã hạ cánh khó khăn trong điều kiện thời tiết xấu. Ông cùng ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian và các quan chức khác đều thiệt mạng.
Iran, với dân số gần 90 triệu người, là quốc gia ủng hộ nhiều tổ chức vũ trang ở Trung Đông, bao gồm Hamas ở Gaza, lực lượng dân quân Hezbollah của người Shia ở Lebanon, và các nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, v.v.
Việc ông Raisi đột ngột qua đời đặt ra câu hỏi về người kế nhiệm


Ông Ayatollah Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao đương nhiệm của Iran, năm nay đã 85 tuổi và tình trạng sức khỏe không tốt. Người ta thường cho rằng ông Raisi sẽ là người kế vị của ông Khamenei.
Sự ra đi đột ngột của ông Raisi đã đặt ra câu hỏi về quyền kế vị ở Iran. Không chỉ là việc ai sẽ giữ chức Tổng thống mà còn cả việc ai sẽ kế nhiệm vị trí lãnh đạo tối cao. Hai điều này đều có thể châm ngòi cho sự cạnh tranh, và gây bất ổn cho chính quyền Iran.
Ông Jamal Abdi, chủ tịch Hội đồng Quốc gia người Mỹ gốc Iran, cho biết trong một tuyên bố rằng sự ra đi của ông Raisi đã tạo ra “khoảng trống trong ban lãnh đạo Cộng hòa Hồi Giáo Iran, và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của Cộng hòa Hồi Giáo Iran.”
Ông Sina Toossi, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Chính sách Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, viết trên mạng xã hội X rằng sự qua đời đột ngột của ông Raisi “đã mang đến một thời kỳ bất ổn cho bối cảnh chính trị của Iran.”
Ông Toossi tin rằng với chính thể được kiểm soát chặt chẽ của Iran và quyền lực tối cao của nhà lãnh đạo đối với chính sách đối ngoại, thì sự ra đi của ông Raisi và các quan chức khác có thể tác động không lớn đến địa chính trị, nhưng cuộc chiến giành quyền kế nhiệm nhà lãnh đạo tối cao sẽ là một vấn đề cấp bách hơn.
“Mặc dù sự ra đi của ông Raisi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa những người theo đường hướng cứng rắn. Nhưng điều này khó có thể làm thay đổi đáng kể định hướng chiến lược của Cộng hòa Hồi Giáo Iran trong đối nội hoặc đối ngoại,” ông Toossi viết. “Tuy nhiên, ai sẽ kế nhiệm ông Khamenei với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao vẫn là một vấn đề cấp bách.”
Phó Tổng thống thứ nhất Mohamm Mokhber, người được ông Khamenei chính thức bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời, đã tuyên bố sẽ tổ chức năm ngày quốc tang, và tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 50 ngày. Ông Ali Bagheri, thứ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao, cũng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời.
Ông Toossi tin rằng Chủ tịch Nghị viện đầy tham vọng hiện tại, ông Mohamm Bagher Ghalibaf, có thể sẽ rút khỏi cuộc đua làm nghị trưởng và chuẩn bị ra tranh cử tổng thống.
Mùa hè năm 2021, ông Raisi đã đắc cử trong cuộc bầu cử quốc gia có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử Iran. Tháng 09/2022, cô Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ người Kurd tại Iran, đã tử vong trong khi bị chính quyền Iran giam giữ. Việc này đã dẫn đến sự bùng phát các phong trào biểu tình lan rộng khắp cả nước. Các nhóm nhân quyền cho biết, trong cuộc đàn áp bạo lực sau đó, chính quyền Iran đã sát hại hơn 500 người và giam giữ hơn 22,000 người.
Ông Raisi cũng tham gia vào hành động hành quyết hơn 5,000 tù nhân chính trị trong những năm 1980.
Sức ảnh hưởng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran có thể gia tăng
Một số nhà phân tích dự đoán khoảng trống quyền lực cấp cao này có thể tạo cơ hội cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran (IRGC) kiểm soát nhiều hơn nữa đường hướng chính trị của Iran.
Ông Ner Itayim, biên tập viên vùng Vịnh Trung Đông của Argus Media, nói với CNBC hôm thứ Hai (20/05) rằng: “Những gì chúng ta thấy trong vài năm qua thực sự là một cuộc tranh giành quyền lực giữa IRGC và các phái bảo tồn truyền thống khác.”
Ông Itayim nói: “Nhiệm kỳ của tổng thống lâm thời… có thể mở đường cho sự can thiệp lớn hơn của IRGC vào chính sách.”
Ông Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cũng cho biết các thành viên của IRGC, phía quân đội và nhân viên tình báo có thể nhân cơ hội này để tranh giành lợi thế khi quyết định người kế nhiệm ông Raisi.
Ông Alterman tin rằng “về lâu dài, ban lãnh đạo của giáo sĩ có thể bị gạt ra ngoài lề.”
Mối bang giao của Iran với Israel và Hoa Kỳ
Cho đến nay, để tránh gây căng thẳng ngoại giao leo thang, chính quyền Iran vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ phần tử bên trong hay bên ngoài nào về vụ tai nạn trực thăng nói trên. Điều đó khiến rất nhiều quan chức Hoa Kỳ cảm thấy nhẹ nhõm. Các nguồn tin cho biết ban đầu có rất nhiều quan chức Hoa Kỳ lo ngại Iran có thể sẽ cáo buộc Hoa Kỳ hoặc Israel gây ra vụ tai nạn này.
Các quan chức nói với hãng truyền thông Politico rằng, chỉ cần Iran không đổ lỗi trách nhiệm, thì rất ít nguy cơ xảy ra xung đột khu vực ở mức độ rộng hơn.
Trong nhiều thập niên qua, Iran luôn từ chối thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức với Hoa Kỳ, từ chối công nhận Israel, và phải chịu các lệnh chế tài nghiêm khắc từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Joe Biden đã nhiều lần tiến hành đàm phán nhằm nỗ lực khởi động lại thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng đều thất bại.
Trong cuộc chiến Israel-Hamas, Israel và Iran đã phóng hỏa tiễn và thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến vào nhau, gây hoảng loạn trong khu vực và làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở Trung Đông.
Bà Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House, cho rằng sự ra đi đột ngột của ông Raisi “sẽ là một khoảng thời gian khó khăn đối với Iran.” Tuy nhiên, thế giới không nên mong đợi bất kỳ thay đổi lớn nào, bởi vì tổng thống Iran không nắm giữ quyền lực thực sự ở nước này.
“Xét về lý, tổng thống là người đứng thứ hai của nhà nước Iran, nhưng không có tính độc lập và chủ động như tổng thống của các nền dân chủ phương Tây. Ông ấy tuân theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo tối cao Iran,” bà Vakil cho hay.
Bà nói thêm rằng tổng thống cũng không có thẩm quyền hoạch định chính sách đối ngoại độc lập. Vì vậy, sự qua đời của ông Raisi thực tế đã đặt ra câu hỏi phải tìm ai đó thay thế vị trí của ông ấy để giữ cho chính quyền Iran được gắn kết.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025