Trương Thị Mai - con sâu chúa cuối cùng ?
Trương Thị Mai - con sâu chúa cuối cùng ?
Bà Trương Thị Mai và Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 26 Tháng Tư 2023. (Hình: Xie Huanchi/Xinhua via Getty Images) |
Ông Trương Tấn Sang, cựu chủ tịch nước, khi còn là thường trực Ban Bí Thư trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1, Sài Gòn, ngày 7 Tháng Năm, 2011, từng phát biểu một câu để đời: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này.”
Một bầy sâu thì chắc chắn phải có một con sâu chúa, hay một bầy sâu chúa nếu định nghĩa sâu chúa là con sâu có quyền lực nhất, cấp cao nhất trong chính phủ thì vai trò từ phó thủ tướng cho tới thủ tướng, chủ tịch nước hay chủ tịch Quốc Hội, kể cả tổng bí thư đều là những con sâu chúa, ngoại trừ những người này chưa bao giờ tham nhũng tiền bạc, đất đai hay quyền lực.
Người dân Việt trong thời gian qua chứng kiến một bầy sâu chúa lần lượt bị chính các đồng chí sâu của họ vạch mặt, hay nói chính xác hơn các con sâu chúa khác trong bộ máy cầm quyền. Những ai nhẹ dạ đều nghĩ rằng những con sâu đó đều do chiếc lò của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, khiến bộ vó của chúng cháy rụi lộ ra khuôn mặt sâu bọ của chúng. Thật ra cái lò của ông Trọng không đủ năng lực để đốt sâu mà ngọn lửa này đến từ ông Tô Lâm, một bộ trưởng Công An đầy quyền lực trong tay hiện nay sau 30 năm trong ngành “theo dõi, ghi nhận, để đó khi có dịp” đối với bầy sâu lớn nhỏ khắp nước.
Nếu nói về sâu chúa thì bọn này đều như nhau, bề ngoài rất yêu nước, yêu đảng và nhất là thích phát biểu những câu nói đầy đạo đức cách mạng nhưng khi lộ ra chúng đều có một bộ dạng giống nhau: “Ăn không chừa thứ gì” như bà Nguyễn Thị Doan, phó chủ tịch nước, từng nói.
Chúng ăn từ chiếc vé máy bay trốn dịch COVID-19 đến từng mũi tiêm tìm kiếm con vi rút nguy hiểm này qua hai vụ án chuyến bay giải cứu và kit test. Ba con sâu chúa là hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, hai phó thủ tướng, và ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước, đã rơi chiếc mặt nạ xuống và âm thầm về vườn.
Tiếp theo là ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước, vướng vụ tập đoàn Phúc Sơn; cùng ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, vướng vụ tập đoàn Thuận An, cũng cùng chung số phận.
Cuối cùng là bà Trương Thị Mai, người vừa giữ chức thường trực Ban Bí Thư vừa là trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, người có khả năng thay ông Thưởng vào chức chủ tịch nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, trong thời gian ở cương vị trưởng Ban Dân Vận Trung Ương, bà đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Bà Mai không ngoại lệ khi “được cho thôi giữ chức vụ,” và cái câu cuối cùng trong quyết định này là “vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm” chỉ có thể lý giải là “tham nhũng.”
Dư luận rất bất ngờ khi bà Mai bị đá ra khỏi chiếc ghế quyền lực nhưng người trong cuộc là những đảng viên cao cấp đều biết rõ tại sao bà Mai bị tra tay vào chiếc còng chính trị khi những vụ án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng xảy ra.
Câu hỏi mà người theo dõi thời cuộc đưa ra bà Trương Thị Mai có phải là con sâu chúa cuối cùng trong hàng loạt con sâu vừa bị hất văng ra khỏi nồi canh tả pí lù của guồng máy cai trị Việt Nam?
Có người gật đầu và cũng không ít người lắc đầu. Gật đầu vì nhiêu đó đã thỏa mãn lòng bất mãn nhưng lắc đầu vì không thể tin bà Mai là con sâu chúa cuối cùng.
Vì rõ ràng trên ván cờ tranh ngôi đoạt vị vẫn còn ba con sâu đang bò trên miệng chiếc nồi: Phạm Minh Chính, thủ tướng; Tô Lâm và Nguyễn Phú Trọng.
Hãy xét về ông Phạm Minh Chính trước. Theo lý lịch trích ngang ông này nổi tiếng vì phát biểu “mẹ nó, sợ gì” trong một lần Bộ Ngoại Giao Mỹ mời tham dự một cuộc họp giữa hai đối tác. Câu chửi thề của một thủ tướng được đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) lan rộng khiến ông này lên thớt trong một thời gian nhưng không vì thế mà mất chức, việc dẫn đến mất chức của ông ta sẽ tới nếu cuộc đấu tranh giữa những con sâu chúa đến hồi kết thúc lúc ấy nhiều vụ án tham nhũng, quan chức tay chân em út của ông Phạm Minh Chính từ chủ tịch Hạ Long, phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh bị khởi tố, bắt giam sẽ được lật lại và hồ sơ của vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ nằm ở bàn làm việc của bộ trưởng Công An mới sau khi ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, hiện đang bỏ trốn trong vụ vi phạm chế độ đấu thầu bệnh viện Đồng Nai và bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Trong vụ án này, ông Nguyễn Anh Dũng – giám đốc công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng – là anh trai của bà Nhàn cũng bị khởi tố. Bà Nhàn và AIC đã phát triển mạnh và trúng thầu nhiều công trình quan trọng trong thời gian ông Chính là bí thư Quảng Ninh.
Nếu vì lý do nào đó ông Chính bay chức thì con sâu chúa này có phải là cuối cùng chưa? Vẫn chưa, vì ông Tô Lâm đang ngồi đó với vai trò chủ tịch nước, vậy ai sẽ là người hạ bệ ông ta?
Đối với Cộng Sản, chuyện lật mặt nhau là cơm bữa, ông Tô Lâm lật người khác được thì ván cờ chính trị cũng sẽ đổi thay, quyền lực sẽ luân chuyển và kẻ lật ông Tô Lâm sẽ không ai khác là những tay chân thân cận của ông ta, vốn biết rất rõ hành vi nào đáng bị đem ra làm món quà đổi chác.
Vừa được cơ cấu vai trò chủ tịch nước dư luận đã đem câu chuyện của hai đứa em ông Tô Lâm lên mạng làm quà. Ông Tô Dũng và bà Tô Thị Xuân Hiền đang sở hữu công ty Xuân Cần Holdings, với hàng trăm dự án bị bóc mẽ là ưu tiên cho gia tộc của Tô đại tướng và từ đó những câu chuyện xa lắc xa lơ bị mang ra đàm tiếu trở lại, như bò dát vàng bên Anh hay MobiFone xứ Việt khi Tô đại tướng là thứ trưởng Bộ Công An lúc đó nhưng lại ký những văn bản “hợp pháp hóa” ngoài chức năng của mình khiến bị đề nghị “Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công An tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công An trong việc tham mưu ban hành ba văn bản này.”
Mọi sự đều có thể xảy ra, kể cả tham nhũng quyền lực.
Mấy con sâu chúa đã hay sắp bị luộc đều xứng đáng với những việc làm của chúng khiến đất nước bị rút ruột từ thượng tầng, tuy nhiên một con sâu chúa khác tuy chưa bị bóc mẽ về hành vi tiền bạc nhưng cả nước đều thấy rất rõ hành vi tham nhũng khác của ông ta không thua kém việc tham nhũng tiền bạc, đó là tham nhũng quyền lực, một loại tham nhũng làm đất nước kiệt quệ hơn tham nhũng tiền bạc rất nhiều.
Nắm trong tay quyền lực sinh sát tối thượng, ông Nguyễn Phú Trọng là trưởng tiểu ban nhân sự Đại Hội 12, 13 và cả khóa 14. Tiểu ban nhân sự có nhiệm vụ giới thiệu, kiểm tra, thống nhất trước khi trình ra tập thể đại hội, kể cả nhân sự cấp chiến lược gồm “Tứ Trụ,” Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư…
Thế nhưng khóa 12 và 13 có tổng cộng tám ủy viên Bộ Chính Trị bị kỷ luật, cho thôi chức và hàng loạt ủy viên Trung Ương Đảng bị xử lý hình sự, trong vai trò chủ chốt ông Trọng chưa bao giờ lên tiếng nhận khuyết điểm của chính mình.
Vì tham nhũng quyền lực ông Trọng đã bao che cho ông Võ Văn Thưởng, ông Lê Thanh Hải (bí thư ở Sài Gòn), bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ một thời gian dài trong những vị trí cao nhất nước. Đã vậy khi vụ Thủ Thiêm nổ ra chính ông Trọng làm ngơ khi Thanh Tra Chính Phủ đưa ra những bằng chứng cho thấy ông Lê Thanh Hải lạm dụng quyền lực thì ông Trọng lại chưa bao giờ lên tiếng về vụ việc này. Những thái độ bao che thuộc cấp, gây tranh bè kết phái của ông tổng bí thư kéo dài trong suốt 13 năm ông ngồi ghế gây tai hại cho đất nước như thế nào chắc không cần chứng minh nữa.
Con sâu chúa cuối cùng nếu có, chính là Nguyễn Phú Trọng.
Nhận xét
Đăng nhận xét