Nhân đọc cuốn sách về cuộc chiến 1946-1954, tài liệu của Trung Quốc

Nhân đọc cuốn sách về cuộc chiến 1946-1954,
tài liệu của Trung Quốc


Nguyễn Văn Lục

Il n’y a ni guerre ni paix en Asie sans que la Chine soit impliquée.

(Không có chiến tranh và hòa bình nào ở Á Châu mà không có sự dính líu của nước Tàu.)

Charles de Gaulle

Đây là một tài liệu rất quan trọng do những cố vấn Trung Quốc viết ra như một thứ Hồi Ký của những người trong cuộc. Một tài liệu chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, xuất bản vào năm 2002.

Nhưng phải đợi đến năm 2009 mới được các ông Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy dịch và hiệu đính và phát tán trên mạng Internet. Mặc dầu đề bên ngoài là “Tài liệu nội bộ.” Đã hẳn, phải có lệnh trên nên tài liệu mới được tung ra ngoài như vậy?. Ông Dương Danh Di là một viên chức ngoại giao kỳ cựu làm ở tòa đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong vai trò bí thư thứ nhất. Ông có đủ thế giá khi dịch bản tài liệu này ở mức độ khách quan và trung thực.

Tập Hồi Ký này đã được cơ sở Truyền Thông in và xuất bản, tại Montreal, Canada (1). Công việc làm của cơ sở Truyền Thông từ trước đến nay với rất nhiều chủ đề như “Toàn Cầu Hóa”, “Hà Nội dâng đất, dâng biển”, “Thảm sát Mậu Thân”, “Hồi ức và suy nghĩ của cán bộ xây dựng Xã Hội chủ nghĩa” và tập sách tài liệu quý giá này thật đáng trân trọng. Ai đã có dịp đọc tờ Truyền Thông đều biết chủ trương cơ sở này là người có bản tính khiêm tốn nên tôi không tiện nêu tên ra đây.

Và ông đã đưa ra một lời kết luận gợi những điểm nhìn khác từ nhiều phía trong một thái độ chuẩn mực và thận trọng trí thức. Ông viết:

Chắc chắn, không ai hiểu người anh-em-đồng-chí cộng sản Trung Quốc hơn người cộng sản Việt Nam. Cuốn bạch thư Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành tháng 10, năm 1979 tại Hà Nội là bằng cớ không thể tranh cãi.

Đã thế, tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam để mãi đến 2009 mới cho phép dịch Hồi ký sang tiếng Việt để “lưu hành nội bộ”?

Đọc ký sự do cả hai bên ghi lại chuyện xảy ra 55 năm trước giữa những người anh-em-đồng-chí có “mẫu mực sáng ngời của Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản” không dễ. Người đọc cần phải có thái độ thận trọng dè dặt như, hay hơn cả khi đọc sách An Nam chí lược của Lê Tắc.

Âu đây cũng là một bài học lịch sử quý giá cho tất cả mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh dân tộc.

Đây là một công trình làm việc rất có ý nghĩa, nhằm đưa ra những tài liệu chính thức về phía Trung Quốc cho thấy vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng Điện Biên Phủ không thể bị gạt ra một bên.

Ý nghĩa việc Trung Quốc công khai hóa tài liệu của tập “Ghi chép thực về việc đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”

Xu hướng giải mật tài liệu càng có tính cách toàn cầu. Vấn đề là lúc nào thì giải mật. Đó là sự chọn lựa khôn ngoan thực tiễn của mỗi nước theo tính toán của họ. Việc giải mật tài liệu của Trung Quốc mà thật chỉ là những ghi chép của người trong cuộc cũng là điều có ý nghĩa lắm. Phải chăng cũng là một tính toán thời điểm thuận lợi?

Nhưng nói chung, chuyện giải mật ngày nay là một chuyện bình thường. Có khi còn là một trách nhiệm tinh thần đối với lịch sử. C.I.A Mỹ đã công khai hóa nhiều tài liệu trong những ngày gần đây. Thật ra, ngay từ năm 1971, dịch giả Diễm Châu, một thành viên chính của tờ báo Trình Bày đã dịch và phổ biển đều đều tập “Hồ sơ mật của lầu năm góc về chiến tranh Việt Nam” [The Pentagon Papers (2)] kể từ số báo Trình Bày 26 trở đi. (Hồ sơ mật đã được công bố nguyên văn trên Nữu Ước thời báo).

Vì vậy, việc công khai hóa tài liệu chính thức của Trung Quốc đã đến lúc cần được đánh giá và nhìn nhận đúng mức. Thật ra thì còn vô số tài liệu khác liên quan đến hơn một ngàn năm lệ thuộc Tàu cũng cần được giải mật. Chẳng hạn gần đây nhất là hồ sơ thời kỳ Lê Chiêu Thống, Quang Trung, hay nói chung thời nhà Nguyễn. Mặc dầu về hồ sơ thời 1945-1954 họ viết ra đấy, nhưng vẫn dấu kín, đã im lặng không lên tiếng gì trong suốt mấy chục năm qua.

Trong khi đó, phía Việt Nam Cộng sản, hồ sơ lưu trữ vẫn dấu kín, nhưng mặt khác lại tuyên truyền một cách quá lộ liễu về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một thứ chiến thắng được gọi là không có mặt người Tàu.

Phía người Pháp, kẻ bại trận trong thời kỳ ấy cũng nhẫn nhục công khai hóa các hồ sơ lưu trữ cho công chúng biết suốt thời kỳ thuộc địa 100 năm và giai đoạn1945-1954.

Nhiều nhà viết sử cho rằng Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ là do Pháp đánh giá thấp về khả năng tiếp liệu cũng như khả năng kéo pháo vào sườn núi. Chẳng hạn một xe thồ có thể chở được 200 kg lương thực. Đại bác 105 gồm 24 khẩu được tháo gỡ ra từng mảnh và kéo dọc lên sườn núi. Phải nhìn nhận rằng tình báo của Pháp là dở hoặc coi thường địch. Như Napoléon đã từng nói trước đây: Đối với một nhà chiến lược và có lẽ với một nhà chính trị đi nữa thì sai lầm lớn nhất không thể tha thứ được là đánh giá thấp đối thủ.”

Trong cuộc Hội Thảo ở Paris, 2004, bác sỹ J.J. Arzalier đã đưa ra một bản thống kê đầy đủ về số binh lính Pháp chết và bị thương đồng thời chỉ rõ số binh lính bị bắt làm tù binh mà số phận họ không biết ra sao? Con số tù binh Pháp ấy lên đến gần 10 ngàn người. Người Pháp muốn Việt Nam bạch hóa số phận những tù binh này. Tác giả Jean Pierre Bernier còn quyết liệt hơn lên tiếng tố giác về số phận tù binh Pháp đã bị bắt, bị bỏ đói, uống nước ao, bệnh tật, không thuốc men, bị cầm tù, bị tra tấn mà chết dần mòn.

Sự tố cáo này là có thật khi một số tù binh Pháp được thả ra đã là những nhân chứng kể lại.

Hà Nội đã không chính thức lên tiếng về số phận những tù binh Pháp chết trong chiến tranh. Họ im lặng.

Vì vậy, cuộc chiến tranh này còn rất nhiều ẩn số mà chúng tôi mong đợi Hà Nội tháo khoán công khai.

Hàng ngàn tài liệu cần được giải mật.

Nhưng khó mà hy vọng Hà Nội giải mật vì làm như thế là tự tố cáo chính mình. Ý nghĩa cuộc chiến tranh được tuyên truyền đánh bóng trong bấy lâu nay sẽ mất hết. Việc giải mật của tập Hồ sơ của cố vấn Trung Quốc rất có thể làm mất ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến 1945-1954 đi một nửa.

Im lặng và bảo mật là điều mà Hà Nội phải làm trong lúc này. Nhưng họ sẽ bảo mật được bao lâu? Khi đến lượt Liên Xô tung ra những tài liệu về những viện trợ quân sự cho Việt Nam? Phía Mỹ nữa?

Ở đây chỉ xin nêu ra một bằng chứng tiêu biểu cần được giải mật. Đó là những lá thư của ông Hồ Chí Minh viết cho Tổng Thống Mỹ Truman trước đây. Chúng ta đều biết, cơ quan OSS, cơ quan phản gián của Mỹ, tiền thân của C.I.A có liên lạc với nhóm Việt Minh và họ đã thả dù võ khí cũng như huấn luyện các bộ đội Cộng Sản. Chuyện đó ai ai cũng biết. Nhưng nội dung những lá thư gửi cho TT Truman đã hẳn không có gì phải dấu thì dấu làm gì? Xin ghi lại tài liệu CIA nói về vấn đề này như sau:

Thế nhưng, chính quyền Truman lại cũng hất hủi những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Vào tháng tám và tháng chín 1945, bản thuật ký kể lại, trong lúc các lực lượng của Hồ Chí Minh kiểm soát Hà Nội, ông đã gửi tới tổng thống Truman một lời thỉnh nguyện qua Văn phòng Dịch vụ chiến thuật OSS, cơ quan đi trước C.I.A, yêu cầu chấp thuận cho Việt Nam một quy chế như Phi Luật Tân trong một giai đoạn giám hộ trong khi chờ đợi độc lập. Từ tháng 10-1945 cho tới tháng hai năm sau, bản thuật ký tiếp, Hồ Chí Minh đã viết ít nhất là 8 lá thư cho TT Truman hoặc cho Bộ Trưởng ngoại giao, chính thức kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc can thiệp chống lại thực dân Pháp.”

(Trích Hồ sơ mật của lầu năm góc, tập san Trình Bày, trang 52)

Giả dụ TT Truman chấp thuận cho Việt Nam một quy chế bảo hộ như đã từng làm ở Phi Luật Tân thì tương lai chế độ thuộc địa của người Pháp sẽ ra sao? Và rồi tương lai chính trị của đảng cộng sản Việt Nam sẽ như thế nào?

Về điểm này, chuyên viên về Hồ Chí Minh, ông Duiker đã phê phán TT Truman là đã từ chối những lá thư cầu khẩn của Hồ Chí Minh xin Mỹ yểm trở Việt Nam.

Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh là một người buôn chính trị khéo léo. Ngả theo Pháp nếu cần, theo Mỹ, theo Nga, theo Tàu. Vì thế yếu, hoàn cảnh chưa cho phép hoặc chưa chín mùi, lựa thời nào thì buôn thứ đó, miễn sao đạt được mục đích cuối cùng là thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Phải nhìn nhận cái khôn ngoan của Hồ Chí Minh.

Đã đến lúc còn hàng ngàn, hàng vạn tài liệu khác cần được giải mật giữa Việt Nam và Pháp, Trung Hoa và Liên Xô. Chính quyền Hà Nội không thể dấu kín mãi được.

Stanley Karnow, một tác giả thường ngả về phía cộng sản đã phải thú nhận rằng khi làm film tài liệu Viet Nam, A Television History, ông có yêu cầu được phỏng vấn ba người, nhưng bị từ chối. Đó là các ông Robert Mac Namara, Lê Đức Thọ và Nguyễn Văn Thiệu.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là các tài liệu phía cộng sản miền Bắc đã không cách nào có thể tiếp cận, tra cứu, ông viết:

  “But above, the military, political, social, economic, and human dimensions of the conflict were too big for any single individual to encompass as the struggle unfolded. In particular, it was extremely difficult to report on the communist side during the war, since captured documents, propaganda, and interrogations of prisoners or defectors furnished only part of the story. I believe that North Vietnamese and Viet Cong leaders made a serious error in denying access to the Western news media.”

(Trích Viet Nam, A historỵ. The first Complete Account of Viet Nam at war, Stanley Karnow, trang 706)

Vì các tài liệu miền Bắc còn dấu kín nên tôi thiết nghĩ rằng phần lớn các tác giả người Pháp viết về Điện Biên Phủ đều thiếu sót, vì không được cung cấp đầy đủ tài liệu từ nhiều phía như Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Những tác giả như Paul Mus, Jean Chesneaux, Jean Lacouture, Claude de Groulat, Joseph Buttinger, Philippe Devillers, Jean Sainteny, đại tướng Paul Ely, Joseph Laniel, đại tướng Henri Navarre, Bảo Đại ngay cả Bernard Fall nữa. Nhất là trường họp Jean Lacouture, sách của ông nay phải nói là không có chút giá trị lịch sử gì để đọc nữa.

Ấy là chưa kể trong số ấy không thiếu những người cầm bút trên trở thành đạo quân đánh mướn không công cho cộng sản. (Chữ dùng của tác giả Minh Võ trong Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, trang 279)

Phần lớn sách họ viết đều nghèo nàn về tài liệu chưa được giải mật. Bao lâu Hà Nội không tháo khoán ra những tài liệu mật, việc viết về cuộc chiến tranh Việt Pháp không thể hoàn hảo được.

Cùng lắm, họ chỉ biết và viết được nửa sự thật.

Vì thế, không mấy thích thú phải đọc lại những gì Paul Mus, Jean Lacouturẹ Jean Chesneaux, Claude de Groulat hay Jean Sainteny viết. Họ viết thiếu tư liệu, viết vì cảm tình riêng với Hồ Chí Minh. Họ bị lừa do cái khéo léo đóng kịch của Hồ Chí Minh. Họ đánh lừa chúng ta một lần nữa một cách dại khờ.

Chuyên gia về Hồ Chí Minh, William J. Duiker gọi Hồ Chí Minh là: He had become a master of the art flattering… quả không sai.

Họ không nhận thức được bản chất của cuộc chiến tranh ấy. Nhiều người vẫn tin tưởng rằng đây là một cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, dành Độc Lập. Có thể điều đó đúng ở giai đoạn đầu mà chính giới tình báo Mỹ, chính quyền Mỹ cũng do dự như tài liệu giải mật của CIA cho thấy.

Vì thế Mỹ đã không tận tình giúp Pháp. Tôi dám chắc rằng vào lúc ấy, Mỹ dang tay đón Hồ Chí Minh thì chưa biết số phận Việt Nam bây giờ ra sao.

Nhưng kể từ mùa đông 1949, khi Hồ Chí Minh bí mật đến Bắc Kinh, yêu cầu đảng Cộng Sản Trung Quốc ủng hộ đảng Cộng Sản Việt Nam như có ghi trong tập tài liệu của các cố vấn Trung Quốc trong bài viết của La Quý Ba nhan đề: Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa Quốc tế vô sản.

Cuộc chiến ấy đã đậm mầu sắc. Nói cho đúng, nay thì mầu sắc cộng sản mới lộ ra, không còn ở giai đoạn che dấu như những năm 1945 nữa. Nó appears in true color. Nó trở thành cuộc tranh chấp mang tầm vóc quốc tế, giữa hai ý thức hệ, internationalization of the war.

Trong tất cả các bài viết của La Quý Ba, Trương Quảng Hoa, Vu Hóa Thảm, Vương Nghiên Tuyên, Độc Kim Ba trong tập tài liệu thì đều bàng bạc cho thấy sự viện trợ quân sự cho Việt Nam là do tinh thần chủ nghĩa Quốc Tế vô sản. Xin trích dẫn lời nói của Mao Chủ tịch:

“Không phải tôi muốn cử các đồng chí đi Việt Nam mà là chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu. Ai bảo Cách mạng chúng ta thắng lợi trước thì phải giúp đỡ người ta, đó gọi là chủ nghĩa Quốc tế. Các đồng chí đến Việt Nam, trước hết phải giúp Việt Nam thắng trận.”

(Trích tập tài liệu: Ghi chép thực về việc đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, trang 60, cơ sở Truyền thông xuất bản 2009)

Cho nên, theo nhận xét của tôi, tập tài liệu này có tầm quan trọng không hẳn ở chỗ Trung Quốc đã viện trợ gì cho Việt Nam về quân sự hay cố vấn chỉ đạo về chiến lược, chiến thuật.

Tập tài liệu cho thấy, bất cứ sự giúp đỡ nào cho Việt Nam, Mao Trạch Đông đều nhấn mạnh đến tinh thần Quốc tế vô sản anh em mà giúp đỡ. Ngôn ngữ của Mao Trạch Đông ở đây lại phải được hiểu theo thứ ngôn ngữ chính trị giữa các đảng anh em với nhau. Anh anh, em em nhưng bên trong có những thỏa thuận ngầm, những trao đổi có điều kiện thì chỉ họ biết với nhau.

Đó là điểm cần được nhấn mạnh nhất trong toàn bộ tập tài liệu này.

Cho nên phần lớn sách của các tác giả Tây Phương viết đều nghèo nàn về tài liệu chưa được giải mật. Bao lâu Hà Nội không tháo khoán ra những tài liệu mật, việc viết về cuộc chiến tranh Việt Pháp không thể hoàn hảo được.

Lịch sử cuộc chiến tranh ấy vẫn có phần khuyết sử.

Cho nên, tài liệu ghi chép về viện trợ quân sự của Trung Quốc do Cơ sở Truyền Thông in và xuất bản vẫn là những dữ kiện lịch sử góp phần làm rõ nét bộ mặt thật của cuộc chiến tranh 1946-1954.

Những chiêu bài giải phóng dân tộc tự nó không còn ý nghĩa gì nữa.

Đọc tài liệu về phía Trung Quốc, chúng ta cảm thấy chúng ta bị chính quyền Cộng sản Việt Nam lừa.

Đó là cảm giác trung thực nhất sau khi đọc tài liệu này.

Cảm tưởng của một số người sau khi đọc tài liệu của Trung Quốc

Tôi được đọc tài liệu này cũng đã lâu do một sử gia “nghiệp dư” gửi cho. Nghiệp dư mà xem ra còn hơn nhiều tiến sĩ nghiệp thật.

Cảm tưởng đến với tôi một cách thuyết phục đây là tài liệu thật.

Cảm tưởng thứ hai là những cố vấn Trung Quốc viết với một thái độ khách quan, chân thành, không có giọng điệu thù oán Việt Nam, không có vẻ tuyên truyền… Người nào đã đọc đều cảm nhận được một phần sự trung thực ấy. Tôi đã bị cuốn hút vào trong những ghi chép ấy mà không lúc nào trong đầu gợi lên ý tưởng thực hay giả. Nhiều sự kiện được nhắc lại nhiều lần vì do nhiều tác giả viết ra, nhưng vẫn có tính nhất quán trong nội dung. Không có cảnh ông nói gà bà nói vịt. Nhưng tôi cũng thừa hiểu rằng có một “thứ ngôn ngữ cộng sản” họ nói với nhau, người ngoài không hiểu được. Tôi là một người ngoài, tôi hiểu theo cách người ngoài trong sự dè chừng và cảnh báo. Bởi vì sau này, họ đấm đá nhau như kẻ thù.

Sự thực được viết ra một cách tự nhiên mà không cần biện giải. Đấy là cái hay, cái khéo, cái che đậy của tập tài liệu này, một thứ ngôn ngữ hai mặt rất khó cho những người thường hiểu được lá trái, lá phải.

Cho nên, sách vở tài liệu phía cộng sản thường cố tình giấu giếm truyện này, đặc biệt là các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phải chăng đã đến lúc điều này cần được viết lại, viết đầy đủ, viết trung thực.

Tôi cũng đã hỏi một số người đã đọc qua tập tài liệu này thì không một người nào nghi ngờ về tính xác thực của nội dung các bản ghi chép này. Nhiều người đọc xong cảm thấy bị sốc, vì từ trước tới nay bị tuyên truyền, che đậy. Nhiều người cảm thấy nhục và cho thấy cấp lãnh đạo cộng sản còn thua cả một Lê Chiêu Thống. Có người đi xa hơn, hiểu ra tại sao có chuyện “Dạy cho Việt Nam một bài học.”

Riêng nhà báo Trần Giao Thủy, người biên tập và chú giải tập sách này thì trả lời dứt khoát: Tài liệu là thật. Và ông cũng đã khẳng định điều này trong phần chú giải cuốn sách.

Nói chung, mọi người đã có dịp đọc tập tài liệu này đều thấy được một phần tính xác thực của tập tài liệu. Mặc dầu cũng thừa biết rằng, Trung Quốc cũng dùng những phần sử liệu này trong việc tuyên truyền nhằm hạ uy tín của Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ. Như nhà báo Trần Giao Thủy cho biết, đây chỉ là một phần tài liệu mà thôi. Trong đó, phần tài liệu của tướng Trần Canh nay cũng được “tháo khoán” cho ra luôn. Trong đó Trần Canh đánh giá con người tướng Võ Nguyên Giáp chẳng ra gì.

Võ Nguyên Giáp là người “quay quắt, không chính trực và không lương thiện lắm” (Slippery and not very upright and honest). Theo Trần Canh, có lần tướng Giáp phàn nàn với Trần Canh về những phê bình của La Quý Ba về Giáp, nhưng khi La Quý Ba có mặt thì tướng Giáp lại luôn luôn tỏ vẻ chân tình và nồng nhiệt. Trần Canh viết: “Khuyết điểm lớn nhất của người cộng sản Việt Nam là lo ngại người khác biết được chỗ yếu của mình. Họ không có tinh thần tự phê của người Bôn Sơ Vích.”

(Trích Truyền Thông, Trần Giao Thủy trang 15)

Đừng quên, giữa đám đông, có lần Lê Duẩn gọi tướng Võ Nguyên Giáp là tướng hèn. Nói đến hèn, tôi chợt nghĩ cho đến bây giờ tôi vẫn tự đặt cho mình câu hỏi, không biết tướng Giáp đã tự mình cầm quân ở các trận cấp tiểu đội, trung đội, đại đội bao giờ chưa? Và ở trận nào? Và tại sao Hồ Chí Minh lại cứ phải năn nỉ mời cho bằng được tướng Trần Canh sang chỉ huy các trận đánh? Không tin vài khả năng chỉ huy cấp sư đoàn của tướng Giáp chăng?

Tôi chỉ có thể nói rằng họ biết nhau quá mà. Khi mà Hồ Chí Minh khẩn khoản cho bằng được phải có Trần Canh bên cạnh ông thì chắc có hậu ý? Hậu ý đó tôi không tự mình cắt nghĩa được.

Phần tôi khi đọc xong tập tài liệu, ý kiến và cảm tưởng của tôi không khác chi lắm với ý kiến của các vị nêu trên. Nhưng tôi nghĩ rằng:

– Tập tài liêu đã có thể có trước khi những xung đột giữa hai nước.

– Ngay cả sau chiến tranh 1979, phía Việt Nam đã đưa ra cuốn Bạch Thư mà lời lẽ tố cáo, chửi bới như kẻ thù đối với kẻ thù.Tập sách này của Hà Nội đưa ra trong sự vô tình của người Việt.

– Trong suốt những năm từ 1954 cho đến 1975, ta say men chiến thắng, ta tự đề cao, ta tự công kênh nhau biến hai cuộc chiến thành những huyền thoại anh hùng cách mạng, không một chữ nhắc đến họ, không một lời mời ngoại giao trong những ngày lễ lớn ấy. Vậy mà tập tài liệu này vẫn được giữ kín cho đến gần đây.

– Lời lẽ văn từ trong tập tài liệu rất là ôn nhu, tình nghĩa. Không một lời chê trách phê phán trực tiếp ông Hồ hay Võ Nguyên Giáp vô ơn bạc nghĩa.

– Những dữ kiện, những con số được đưa ra đều chừng mực, chính xác, khách quan, không có tác dụng tuyên truyền một phía. Những kế sách đều có họp bàn, có dân chủ, có tôn trọng chủ nhà trước khi quyết định đánh hay tấn công địch.

– Tập tài liệu cũng chỉ cho thấy mối giao hảo giữa các lãnh đạo như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp thật là đầm ấm trong cái tình huynh đệ Quốc tế vô sản, giúp nhau vô điều kiện. Chỉ trừ trường hợp Võ Nguyên Giáp có những mối bất đồng về chiến lược hay chiến thuật với các cố vấn như Trần Canh, La Quý Ba, v.v…

– Tinh thần trách nhiệm của các cố vấn rất là cao, sự hiểu biết kinh nghiệm chiến đấu, kỹ thuật hay tổ chức quân đội so ra vượt các cấp chỉ huy Việt Nam khá nhiều.

– Nhưng điều tôi cho là quan trọng nhất là khi đọc xong tập tài liệu, tôi cảm thức và chia sẻ được những điều họ viết và độ xác thực là rõ ràng, không ác ý, không bôi bác khinh chê.

– Tôi và một số bạn đọc không phải là những người dễ tính, ngây thơ đến độ không phân biệt được chân giả. Họ không thể qua mặt chúng ta dễ dàng nếu thực sự họ không viết chân thực.

– Cuối cùng thì tôi đã bị tập tài liệu thuyết phục để viết ra những dòng này.

Phải chăng đó chính là sự thành công của tập tài liệu này do cơ sở Truyền Thông xuất bản và nhà báo Trần Giao Thủy biên tập, chú giải một cách trách nhiệm, công bằng mà không thiếu nghiêm nghị.

Xin nhận cho một lời khen này.

Việc Mao Trạch Đông lên nắm quyền ở Trung Hoa làm thế giới lo ngại

Cái biến cố làm thay đổi cục diện thế giới lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông loại được Tưởng Giới Thạch và thống nhất nước Tàu. Nam Kinh bị mất. Wouhan mất ngày 16/05, một tháng sau đến lượt Shanghai vào ngày 27/05/1949. Tưởng Giới Thạch chạy xuống Trùng Khánh rồi Chengtou, rồi cứ thế đến Kouanchou, đảo Hải Nam rồi cuối cùng chạy sang Đài Loan ngày 9-12-1949.

Nhưng ngay từ đầu tháng 10/1949, tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh trước hàng triệu người, Mao Trạch Đông tuyên bố: Dân tộc Trung Hoa đã đứng dậy… Từ nay, sẽ không còn ai sẽ có thể khinh miệt chúng ta nữa.

Bắc Kinh được chọn làm thủ đô của nước Trung Hoa vào tháng 09/1949.

Khi tuyên bố như trên, lúc này Mao Trạch Đông mới 54 tuổi và sự nghiệp của ông mới thực sự bắt đầu. (Xem thêm Le déluge du matin, Han suyn, từ trang 533-535). Nó quá khủng khiếp đối với con người. Tôi tự hỏi, có bao giờ tướng Võ Nguyên Giáp nghĩ đến số phận những người lính dưới quyền ông?

Không, sách nào của ông viết cũng bàng bạc ám ảnh chiến thắng. Phải thắng, thắng bằng bất cứ giá nào, bất kể sự hy sinh vô bờ bến của binh đội cộng sản.

Ông càng được vinh danh với đủ thứ tên gọi có thể, tôi càng thấm thía được giá phải trả của những người lính. Chẳng hạn: Ông ấy là người đã làm nên lịch sử Việt Nam. Đại tướng Giáp, tiêu biểu lớn cho quân sử thế giới. Tướng Giáp là thiên tài quân sự. Người ta nghĩ có thể so sánh ông với Saladin hay một Đại đế Alexandre hay một Genghis Khan, Thành Cát Tư Hãn. Hay một Napoléon? Hay đúng hơn một David của thế kỷ.

Đấy là những kiểu nói tra tấn người đọc không ít. Họ và chính tướng Giáp chỉ có dấu một điều. Năm 1940, khi gặp Hồ Chí Minh ở bên Tàu, Hồ Chí Minh đã gửi tướng Giáp đi học quân sự. Phần Hoàng Văn Hoan, nguyên Đại sứ Tàu lúc sau này vừa làm Đại sứ, vừa đi học ngoại giao. Hoan đã phải đổi tên làm người Tàu để đi học. Nhà ở, tiền bạc, người làm tất tất đều do Tàu cung cấp. (Xem thêm Giọt Nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan)

Cũng nhục đấy chứ.

Một điều mà tôi cảm thức sâu xa được khi đọc những cuốn sách do tướng Võ Nguyên Giáp viết là ông có thể là một vị tướng tài. Nhưng là một tướng sát thủ lạnh tanh mà mỗi chiến thắng làm bằng xương máu người khác.

Chỉ cần nhắc lại trong chiến dịch đồng bằng sông Hồng tháng 01/1951, đặc biệt trận đánh Vĩnh Phúc Yên ở cách Hà Nội 30 dặm. Và những trận khác ở Mao Khê rồi Phủ Lý, Ninh Bình. Trận đánh ở Vĩnh Phúc Yên tưởng kết thúc trong chiến thắng sau những hy sinh lớn lao về tổn thất sinh mạng, không ngờ tướng De Lattre de Tassigny đã cho dội bom Napalm làm cho hàng ngàn cán binh cộng sản đang tập trung ở đấy bị thảm sát trở thành những cây đuốc sống tìm chỗ ẩn náu. (Bom Napalm đã được Mỹ xử dụng trong trận đổ bộ Normandy, đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp bom Napalm cho Pháp)

Xin ghi lại nhận xét của William J Duiker về trận đánh này:

“De Lattre proved himself to be a worthy adversary for Vo Nguyen Giap. A war hero and a man of supreme self-confidence and military bearing, de Lattre immediately took action to shore up the French position.

The results were stunning. Vietminh troops who had never before encountered the effects of the burning gas, fled in disorder, and the town of Vinh Yen remained under French authority.

(Trich Ho Chi Minh, A Life, William J Duiker, trang 434-435)

Dưới đây là nhật ký của một cán binh chỉ huy cộng sản ghi lại cảnh bom Napalm hãi hùng như thế nào.

“Our division had attacked since the morning. From a distance three hirondelles (swallows) grow larger. They are airplanes. They dive, and hell opens before my eyes. Hell in the form of a larger egg container falling from the first plane, then a second, which lands to my right… An intense flame which seems to spread for hundreds of meters sows terror in the ranks of the fighters. It is Napalm, the fire which falls from the sky.

Another plane approaches and spews more fire. The bomb falls behind us and I feel its fiery breath which passes over my entire body. Men flee, and I can no longer restraint them. There is no way to live under that torrent of fire which runs and burns all in its route” (Trich Ngo Van Chieu, journal d’un combattant Viet-Minh, Paris, Ed Du Seuil, trang 154, 1957,

(Trích lại trong Ho Chi Minh, A Life)

Cảnh trận đánh này phải quay thành film mới thấy hết được sự bạo tàn của chiến tranh. Đó là bữa Barbecue cuối cùng của vị tướng tài danh nước Pháp trước khi chết vào năm 1952.

Chiến dịch sông Hồng là một thất bại nặng nề riêng của tướng Giáp về chiến lược. Vậy mà trong Hồi ký: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, xuất bản năm 2000 ông đã viết gì? William J Duiker viết: “After the failure of Giap’s Red River delta offensive, the conflict gradually settled into a war of equilibrium.” (Trích sách như trên, trang 441)

Kế hoạch tấn công đồng bằng của tướng Giáp sau đó bị bác. Họ đề nghị đánh biên giới trước và cuối cùng Hồ Chí Minh ngả theo đề nghị của Bắc Kinh.

“Với nhiều lần kiến nghị của Mao chủ tịch, Quân Ủy Trung Ương và đoàn cố vấn Trung Quốc, sau khi trải ba chiến dịch của quân đội Việt Nam vào tháng 6 đầu năm 1951… Đảng lao động Việt Nam đã xác định rõ ràng chấp nhận kiến nghị của các đồng chí Trung Quốc, quyết định từ nay chuyển hướng tấn công chính của bộ đội chủ lực lên vùng núi Tây Bắc, do đó bắt đầu chuyển hướng chiến lược.”

(Trích Tài liệu Trung Quốc, bài viết của Vương Nghiêu Tuyền, trang 191)

Đây là lần đầu tiên cho thấy sự can thiệp về các phương hướng chiến lược trong chiến tranh Việt Pháp bắt buộc Cộng sản Việt Nam phải nghe theo.

Theo tôi, cái chết trong chiến trận đối với tướng Giáp là điều không đáng kể. Chiến thắng mới là điều quan trọng. Thua được không tính trên số thiệt hại về nhân mạng. Một đổi mười cũng được miễn là cuối cùng kẻ còn lại là kẻ chiến thắng.

Theo tài liệu của Ngũ Giác Đài có ghi lại như sau về số phận những người bộ đội đã chết trong hai cuộc chiến tranh vừa qua là:

“Trong phần lớn 20 năm qua, một cách trực tiếp hay do ủy quyền. Hoa Kỳ đã lao vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Bốn mươi lăm ngàn người Mỹ đã chết trong cuộc giao tranh, 95.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau trong đạo quân thuộc địa Pháp cũ. Và không ai rõ là có bao nhiêu người Đông Dương thiệt mạng nữa. Số phỏng đoán là từ một tới hai triệu người.

(Trích Hồ sơ mật của lầu năm góc, tạp chí Trình Bày, trang 35)

Đã chết rồi mà cũng chưa xong, xác chết còn bị xử dụng như võ khí tuyên truyền cho chiến thắng ấy.

Nhiều lúc tôi tự hỏi chết thêm một người hay bớt đi một người thì có thay đổi gì về ý nghĩa cuộc chiến? Vậy mà họ vẫn phải nói dối.

Nhưng còn có những điều dối trá, lừa bịp người chết lẫn người sống một cách trắng trợn hơn nữa. Sau chiến trận Điện Biên Phủ, nhiều xác chết đã rữa mục không được thu dọn, chôn cất hẳn hoi như trường hợp người ta đào được mấy chục xác chết bộ đội chết trong vị trí chiến đấu. Nhưng sau này để vinh danh họ – những bộ đội đã chết thảm khốc – họ thiết lập nghĩa trang quân đội với những ngôi mộ với bia mộ, ghi tên tuổi đàng hoàng.

Chỉ có điều đó là những ngôi mộ không có xác chết.

Có nhiều chỗ, họ dựng cả một khu mộ liệt sĩ, xây cất lăng tẩm, có nến hương, có khấn vái… Nhưng bên trong lòng mộ rỗng tuếch. Tại sao không đơn giản dựng một tấm bia kỷ niệm? Tại sao phải đánh lừa như thế?

Tất cả những con số trên đây chỉ là những con số “làm phiền,” con số ảo, số âm, số trừ, số cộng tùy trường hợp.

Họ sợ những con số như những bóng ma.

Chẳng khác gì những bóng ma của:

“Mẹ liệt sĩ đội mồ lên đi kiện.” (Thơ Nguyễn Duy)

Cuộc chiến kéo dài 7 năm, 7 tháng, một ngày. Một cuộc chiến đã để lại những vết thương khó mà hàn gắn được.

Sự thực về viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam chống Pháp trong tài liệu của tướng Giáp và tài liệu của đoàn cố vấn Trung Quốc.

Trước khi tập tài liệu Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc được phổ biến rộng rãi. Hai tác giả Stephen Pan, Ph.D và Daniel Lyons, S.J. đã cho xuất bản cuốn sách mỏng Viet Nam Crisis vào năm 1966 rồi. Họ đã thu thập từ nhiều nguồn các tin tức trong nội địa Trung Hoa kể từ khi Trung Hoa rơi vào tay cộng sản. Nhiều cá nhân hay tổ chức đã trốn chạy ra khỏi Trung Hoa, nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền chống lại cộng sản Tàu tại Hồng Kông và Đài Loan. Chẳng hạn các cá nhân như Pauline Clauston, Kenneth Rhodes thuộc thư viện của Anh. Hsia-Chen, Li-Huan trong tổ chức Chinese Mission của cơ quan Liên Hiệp Quốc. Gene I-Cheng Loh, Ting-Yung Hang, S.K. Li và Yu-Liang Wu trong tổ chức Chinese News services. Đại tướng Duk Shin Choi, Đại Sứ Hàn Quốc tại Bonn. Choi Woon-sang, cố vấn cho Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Linh Mục Raymond de Jaegher, từng sống nhiều năm ở Trung Hoa, bị trục xuất và sang Việt Nam, người thân cận của ông Diệm.

Có thể đây là những tài liệu xuất hiện sớm nhất về việc Trung Quốc viện trợ quân sự cho Việt Nam. Tài liệu của của Stephen Pan cho hay như sau:

– Bắt đầu từ 20-08-1950, có 150.000 lính Trung Hoa được điều động đến Côn Minh và Hồ Nam để hỗ trợ cuộc chiến tranh của Việt Nam. Nguồn tin do cơ quan Chinese United News Agency ở Hồng Kông. Nguồn tin này cũng được nhiều cơ quan truyền thông khác ở Hồng Kông xác nhận.

– Ngày 28-06-1950, tờ China Tribune of New-York City cho hay có hai tàu thủy mang tên S.S Kwo Tai và S.S Kuo Young từ một cảng gần Quảng Đông đã di chuyển về phía Bắc Việt Nam với những trang bị không được rõ số lượng.

– Cơ quan Kwong Wah News Agency ở Hồng Kông cũng thuật lại cho biết có hai tàu thủy rời Quảng Châu đi Hải Phòng, phía Bắc Việt Nam với các trang bị quân sự. Họ chỉ quan sát thấy như thế và không thể cho biết lượng là bao nhiêu.

– Vào ngày 13-08-1951, theo một tờ báo thiên cộng sản ở New York, tờ China Daily News có đưa tin hơn 50 người đại diện cho chính quyền Việt Minh đã tham dự ”The Chinese Political Consultation Conference. Trong hội nghị này đã đề ra đề cương một chính sách giúp đỡ chính quyền Việt Nam để cho cuộc cách mạng đi đến thành công.

– Cũng theo tờ Chinese United News Agency ở Hồng Kông có tường thuật tướng Lâm Bưu đã gửi một vị tư lệnh của ông, tướng Shao Keh thiết lập một bộ tham mưu hỗn hợp “Sino-Viet Minh joint staff group.” Nhiệm vụ của đoàn cố vấn này là điều hợp những công tác tham mưu giữa Trung Quốc và Việt Minh.

– Vào tháng 9-1951, nhiều báo chí của chính quyền cộng sản Trung Quốc lọt ra ngoài cho thấy họ kêu gọi quân tình nguyện Trung Quốc để gửi sang giúp các đồng chí Việt Minh để tiêu diệt bọn tư bản đế quốc cùng một lúc trên hai mặt trận Hàn Quốc và Việt Nam.

Ngày 29-5-1963, tờ China Daily News thuật lại Hồ Chí Minh trước đây đã gặp Lưu Thiếu Kỳ và ra một thông cáo, trong đó Hồ Chí Minh nhìn nhận có sự giúp đỡ về quân sự của Trung Quốc cho bộ đội Việt Minh.

(Trích dịch và tóm lược sách Viet Nam Crisis của Stephen Pan, từ trang 24 đến 28).

Tài liệu trên đây giúp củng cố thêm cho thấy ngoài sự viện trợ quân sự bằng đường bộ thông qua ngả biên giới, còn có con đường vận chuyển vũ khí cho Việt Nam bằng đường thủy khi mà chiến dịch đánh biên giới chưa hoàn tất.

Ngoài tài liệu trong Crisis của Stepen Pan, chúng ta tìm hiểu xem tướng Giáp đã tiết lộ gì về vấn đề viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam. Đọc và so sánh với tài liệu của Trung Quốc. Chúng ta sẽ biết sự thực như thế nào?

Sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi xin được nêu hai cuốn tiêu biểu: Điện Biên Phủ, nxb Chính Trị Quốc Gia,, năm 1994 và cuốn Đường tới Điện Biên Phủ, nxb Quân Đội Nhân Dân, 2000.

Trong cuốn đầu, ông Võ Nguyên Giáp có vẻ tránh né tất cả những gì liên quan xa gần đến viện trợ quân sự Trung Quốc cho Việt Nam.

Đó là một sự cố ý rõ ràng, không che dấu được. Vấn đề ở đây là tại sao tướng Giáp phải che dấu như thế?

Vì thế không lạ gì nhà viết sử Qiang Zhai khi trả lời phỏng vấn của đài BBC đã nhận xét rằng: “Việt Nam miễn cưỡng nhắc đến vai trò của Trung Quốc trong chiến thắng đối với người Pháp, bởi vì tình cảm dân tộc mạnh mẽ của họ.”

Chỉ trừ có một đoạn, ông trình bày cho biết có thương thảo với đồng chí cố vấn bạn là thay đổi phương án đánh nhanh thành chậm, đánh chắc.

Một đoạn khác, ông Giáp nhắc tới sự trợ giúp quân sự về súng đạn đại bác, nhắc khéo mà cũng chê khéo:

“Trong thực tế, về đạn 105 ly, ta chỉ có tổng số khoảng 20.000 viên, gồm 11 ngàn viên chiến lợi phẩm của các chiến dịch, 3600 viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm của mặt trận Trung Lào và khoảng 5000 viên do địch thả dù mà ta bắt được. Sau chiến tranh Triều Tiên, đạn pháo 105 ở Trung Quốc cũng rất khan hiếm. Trước nhu cầu của chiến dịch, bạn đã vét đạn 105 từ các kho chuyển ra cho chúng ta, nhưng 7400 viên tháng 5 năm 1954 mới tới khi mặt trận đã kết thúc.”

(Trích Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Võ Nguyên Giáp, trang 348)

Có lẽ đây là đoạn trích dẫn duy nhất mà Tướng Giáp xử dụng những con số tỉ mỉ đến chi tiết như thế. Con số 3600 viên đạn của Trung Quốc là con số ý nghĩa nhất trong toàn thể cuốn sách của tướng Giáp. Nó nói thay cho nhiều điều mà tướng Giáp không nói được?

Nhưng có lẽ vấn đề cách đánh là vấn đề gây tranh cãi, ai là người đưa ra quyết định thay đổi lối đánh nhanh thành đánh chậm, đánh vững chắc? Phần tướng Giáp, trong bất cứ ở đâu, hễ có dịp là ông đều cho rằng quyết định sinh tử ấy xuất phát từ ông.

Nhà báo Trần Giao Thủy trong phần diễn giải cũng đưa ra vấn đề tranh cãi này, đưa ra những lập luận khác nhau của hai bên. (Xem Tranh cãi, từ trang 9, sách tài liệu của Trung Quốc)

Và ở đây, xin đưa ra trích đoạn trong sách của tướng Giáp:

“Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao? Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn.

Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn nhất của bộ đội rồi kết luận:

Nếu đánh là thất bại.

Vậy nên xử trí thế nào?

Quyết định của tôi là hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc, tiến chắc. Sau này trong các cuộc phỏng vấn hay trong các buổi nói truyện, tướng Giáp cũng một mực cho rằng việc quyết định thay đổi phương cách đánh là quyết định do ông đề xướng ra.

Sau đó, vào ngày 31/01/1954 tướng Giáp chuyển sở chỉ huy của ông từ Nà Tấu vào Mường Phăng. Ông cho làm những con đường mới để đưa các khẩu pháo lên các núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ…

Xin đưa ra nhận xét của William J Duiker:

“Chinese advisers were intimately involved in the planning and execution of the border offensive, a role that would become subject to controversy between the two allies following the end of the Viet Nam war. Viet Nam sources credit Vo Nguyen Giap and other Viet Minh military strategist with coordinating the campaign…

Whatever the truth of the debate, after the campaign was over, Chen Geng returned to China and was assigned to command PLA units operating in Korea before his departure from the Viet Bac, he sent detailed criticisms of Vietminh battlefield performance to his superiors in China. As Chen reported to his Chinese superiors, Vietminh troops lacked discipline and battlefield experience and were not ready to engage in major operations, while their commmanders did not have sufficient concern for the welfare of their troops and were reluctant to report bad news to theirs superiors.”

(Trích Ho Chi Minh, A Life, William J Duiker, trang 432)

Một điều rõ ràng là có những xích mích không hàn gắn được giữa tướng Trần Canh và tướng Giáp. Tướng Trần Canh đã không ngại ngùng dùng những lời lẽ nặng nề đối với tướng Giáp. Phần tướng Giáp, ông giữ im lặng.

Trong cuốn thứ hai, Đường tới Điện Biên Phủ, tướng Giáp đã có một số thay đổi trong chiều hướng viết. Cách viết thông thoáng hơn, bớt gò bó, bớt lý luận, bớt tính cách giáo điều, bớt mô tả các trận đánh, bớt bài bản cứng nhắc như thầy giáo trên bục giảng. Đã có thêm nhiều dữ kiện, phần tài liệu được bổ xung, nhất là tài liệu liên quan đến sự viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam.

Nhưng rất khéo léo, ông không bao giờ phê phán các sĩ quan chỉ huy dưới quyền, luôn luôn đề cao họ, hoặc đề cao tài trí của bộ đội Việt Nam.

Mặc dầu đã có thay đổi tiến bộ. Nhưng vẫn chưa đủ. Sách của tướng Giáp nói cho cùng chỉ là những bài học về chiến tranh, trình bày các chiến thuật, chiến lược, lẽ thua được. Nhưng thiếu những con số dận chứng và thiếu sử tính.

Về mặt sử học, người đọc đòi hỏi tướng Giáp phải làm hơn thế nữa. Thiếu sót còn rất nhiều về sự kiện, về người, về góc cạnh nhân bản, về sử tính như ngày tháng năm, con số, sự chính xác, sự khách quan, sự việc, con người, nhân chứng, tính thông tin thay vì tuyên truyền, khai trừ tính đảng, tính giai cấp, v.v…

Nhận xét chung về Hồ sơ Tài liệu “Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự…”

– Tập tài liệu do phía Trung Quốc phổ biến trên mạng tạo ra một phản ứng bất lợi cho phía chính quyền cộng sản bây giờ. Từ khi tài liệu được phát tán trên mạng đến nay, chưa có một tiếng nói chính thức nào lên tiếng phản biện.

– Cho dù có lên tiếng cải chính hay biện minh thì xem ra không phải là chuyện dễ dàng gì. Sự lên tiếng biện minh đôi khi chỉ như đổ dầu thêm vào lửa.

– Mặc dù tài liệu của đoàn cố vấn Trung Quốc nhấn mạnh tới việc viện trợ quân sự, nhưng những chứng liệu đưa ra không nhiều. Những con số không nói đến từng năm, không nói tới giá trị tương đương với tiền trị giá là bao nhiêu. Xin ghi lại: “Tính tới tháng 9, 1950, Trung Quốc đã đưa sang Việt Nam hơn 14.000 khẩu súng, 1700 liên thanh, 150 khẩu đại pháo, 2800 tấn gạo… Ở chỗ khác: “Theo tài liệu hữu quan, Trung Quốc viện trợ cho quân đội nhân dân Việt Nam hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ , quần áo, lương thực, thực phẩm phụ và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men… (Trích Tài liệu, Ghi chép thực… Chương Quyết sách thực của Trương Quảng Hoa, trang 53)

Chưa kể những đại đoàn chủ lực của QDNDVN gồm hơn 10 ngàn người đi bộ sang biên giới Trung Việt, rồi được chở bằng xe hơi đi huấn luyện trong 3 tháng tại Nghiên Sơn, Vân Nam nhận vũ khí, trang bị, khí tài, trang phục, v.v… của Trung Quốc viện trợ.

Con số của William J Duike đưa ra có sai biệt khá lớn:

“By september 1950, about twenty thousands Viet Minh soldiers had been armed and trained in South China, on return; many of them were integrated into newly formed Vietminh 308 Division. Two schools for political cadres were opened at Nanning and at Kaiyuan in Yunnam province for a six months training course.”

(Trích như trên, trang 427)

Arthur J. Dommen đưa ra một con số gần sát với con số của William J Duike như sau:

“The troops, without arms, crossed the border on foot and once in Chiana were trasported by truck. Clothed in new uniform, they followed an intensive training course for three months under Chinese instructors… Some 20.000 men were rotated through this training in 1950 alone.”

(Trích The Indochinese experiencee… Arthur, J Dommen, trang 200)

Có thể nói rằng các vị cố vấn Trung Quốc sang Việt Nam không phải có mục đích đếm xem đã đưa cho Việt Nam bao nhiêu khẩu súng, bao nhiêu viên đạn, bao nhiêu bộ quần áo.

– Mục đích của họ sang là để chỉ đạo, huấn luyện, truyền kinh nghiệm chiến đấu từ các bài học chống Nhật, bài học xua Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan và cuối cùng là các bài học có được trên chiến trường Cao ly, trực diện với Mỹ.

– Đọc suốt dọc dài tập tài liệu cho thấy rằng các vị cố vấn này rất am tường địa hình, địa vật ở Việt Nam, nắm rõ điểm mạnh điểm yếu của Pháp, cũng nắm rõ từ tinh thần đến kinh nghiệm chỉ huy của các sĩ quan quân đội nhân dân. Mỗi chiến dịch là mỗi khinh nghiệm và học tập.

– Trong thực tế, với hơn 300 cố vấn, ngoài những bất đồng về phương hướng chiến đấu, về đường lối chỉ đạo chiến tranh. Cũng rất bình thường còn phải cung phụng cơm gà cá gỏi, ngựa xe, người hầu người hạ, đấm lưng xoa bóp, ăn uống tẩm bổ cho các cố vấn. Đôi lúc phía người Việt cũng không khỏi đắng cay, tủi nhục. Nhân dịp Hồ Chủ tịch cùng với Vị Quốc Thanh đi ngựa thì nhìn thấy đàn bò to béo khỏe mạnh. Vị Quốc Thanh có ngỏ lời khen. Hồ chủ tịch nói: “Đúng vậy, nhưng rất đáng tiếc chẳng bao lâu sẽ bị đoàn cố vấn ăn sạch.” Và đây là lời phân trần của cố vấn: “Cán bộ Việt Nam hầu hết trong túi áo đều có một ống chì con, như cái nắp bút, trong đó đựng mấy chục cái tăm rất nhỏ, khi ăn thịt gà thì dùng cái đó xỉa răng, chứng tỏ họ cũng thường xuyên ăn thịt gà. Chúng tôi ăn thịt gà không thể nhiều hơn họ. Còn thịt lợn khoảng một tuần một hai lần. Việt Nam nuôi lợn đều lớn đến 30, 40 kí lô thì giết, không có lợn to đến 50 kí lô, 100 ki lô. Còn thịt bò ăn rất ít, tổng cộng chỉ có vài lần.
Có lẽ đoạn trần tình này là lý thú nhất về hoàn cảnh lúc bấy giờ. (Trích Ghi chép… trang 275-276)

Nhưng khi đọc xong tập tài liệu này, tôi rút ra được một bài học từ nội dung các điều trần tình của các cố vấn Trung Quốc. Không phải việc viện trợ quân sự là quan trọng hàng đầu, mặc dầu là việc quan trọng trước mắt. Các cố vấn Trung Quốc còn muốn can thiệp vào nội tình của Việt Nam (domestic policy). Thật vậy chẳng bao lâu sau khi sang làm cố vấn ở Việt Bắc, vào tháng giêng-1951, La Quý Ba, trưởng đoàn cố vấn chính trị cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tham dự các buổi họp chính trị của Việt Nam. Họ muốn uốn nắn, khuôn đúc (Remodeline) đảng cộng sản Việt Nam đi theo đường lối của đảng cộng sản Trung Quốc.

Nguyên tắc là làm theo Trung Quốc dựa trên một thứ Chinese model. Việt Nam có thể nợ Trung Quốc về sự giúp đỡ quân sự. Nợ cùng lắm trả dần, không trả được thì quịt. Nhưng trở thành một mẫu hình của Trung Quốc thì lại là chuyện khác – Chuyện lệ thuộc, chuyện bắt chước. Đó là cung cách của Hồ Chí Minh và của Trường Chinh.

“Ho was fulsome in his praise of the new government in Beijing and its wise leadership, suggesting strongly that his government and party would follow the Chinese model. By now, he had become a master at the art of flattering his benefactors by implying that their advice and experience would be taken to heart in the new Viet Nam.”

(Trích Ho Chi Minh, A Life, William J Duike, trang 430)

Đọc cả bài viết này, có lẽ người đọc chỉ cần đọc đoạn kết trên là đầy đủ ý nghĩa. Sau bài học 1979 bằng sự xâm lăng 6 tỉnh phía Bắc để dạy cho một bài học. Tập sách này là một bài học vỡ lòng về bài học cách cư xử ở đời.

Bao giờ đến bài học thứ ba về món nợ 1954-1975 chưa trả?

Nguyễn Văn Lục

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025