ĐẠO ĐỨC ĐẢNG VÀ 

TRÍ THỨC HƯƠNG NGUYỆN

 

 
Vũ Thế Phan
 
 
“Tuyên thệ gia nhập đảng đồng nghĩa với sự chấp nhận giao phó đặc biệt cái vốn liếng đạo đức cá nhân cho đảng, nói cách khác là dẹp nguồn đạo đức cá nhân bé nhỏ để chỉ biết phục tùng cái đạo đức vĩ đại của đảng, bán thể xác lẫn linh hồn cho đảng…”.
 
*
Một nhà bác học chưa chắc đã là người có văn hoá. Một người tậu được cái bằng khủng chắc chi đã là trí thức. Tôi hằng nghĩ vậy. Ấy vì nếu chỉ dựa vào bằng cấp để được / bị ‘phong hàm trí thức’ thì té ra tử lâu đại gia đình chúng tôi đã có cả một băng ‘trí thức’ khá đông mà chính lớp phụ huynh chúng tôi lại không biết. Nói cái băng ‘trí thức’ này khá đông vì nội trên đất Pháp, trong gia tộc tôi đã có hơn một tá con cháu haut diplômés (bằng cấp cao): từ thạc sĩ, kỹ sư đến bác sĩ, tiến sĩ Made in Phú lăng sa chính gốc 100%, mòn đít ở giảng đường đại học mới có. 
 
Đó là tôi ‘khiêm nhượng’ chưa cọng một bầy dâu rể ‘con rồng cháu tiên lẫn hầm bà lằng Tàu, Tây, Ả rập...’, chứ nếu không vướng hai chữ ‘tự sỉ’ tôi cọng luôn chúng nó vào thì cái băng haut diplômés trong gia tộc tôi dư xăng chia ra thành hai đội bóng đá!

Trước khi gõ bài này tôi quan niệm rằng cái băng con cháu tôi là băng khoa bảng, mỗi đứa mỗi kiến thức chuyên môn, thế thôi. Dạo này, hai chữ ‘Trí thức’ và hai chữ ’Đạo đức’ nổi sóng trên mạng, buộc tôi tự đặt câu hỏi: Vậy trí thức là gì? Jean Paul Sartre có câu nói mà tôi rất thích "trí thức là kẻ hay xí xọn vào những điều chẳng mắc mớ gì đến nó / L'intellectuel est quelqu'un qui se mêle de ce qui ne le regarde pas". Nếu câu này không sai thì khổ nỗi, cái băng khoa bảng trong gia tộc tôi chưa bao giờ xí xọn vào những điều chẳng mắc mớ gì đến chúng nó. 
Trong mắt tôi chúng chỉ là những ‘trái chuối chín, ngoài vàng trong trắng’ của cái băng khoa bảng.
Tôi chẳng bao giờ có ý định ‘ôm’ cái băng chuối-haut-diplômés này về phiá quê cha đất tổ có hình cong chữ S như ai kia đã ‘can đảm nhận vơ bằng được’ cách nay không lâu, vì tôi đã khắc cốt ghi tâm câu thành ngữ ‘nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống’!

Tôi cũng nhất quyết không phong hàm trí ngủ cho cái băng khoa bảng này. Vì một cu trí ngủ chịu khó thức để lần bước, theo tôi, chắc chắn tiến xa và có ích cho tha nhân hơn hẳn mấy trự ‘trí thức’ mải mê ngủ trên câu hỏi: Thế nào là trí thức? 

Trong xã hội tự do Âu-Mỹ, trí thức thứ thiệt là quyền lực; còn trong xã hội xã hội chủ nghĩa, cụ thể ở Việt Nam, quyền lực là trí thức (mặc dù thiếu tri thức = bằng thật học giả). 

Trước khi qua Pháp tìm đường cứu đói, Nguyễn Tất Thành chưa học xong năm thứ nhất Trung học ở Huế, nhưng nhờ quyền lực chính trị tuyệt đối sau khi trở về nước cướp chính quyền hợp hiến của cụ Trần Trọng Kim (1945), biến thành Hồ Chí Minh “thành thạo 29 ngoại ngữ” rồi được tung hê thành trí thức, thành nhà tư tưởng, thành kim chỉ nam (1992), kể từ sau khi Liên Xô và khối cs Đông Âu sụp đổ (1991). 

Nguồn cơn cái gọi là Chuyên tu tại chức có thể cũng từ đó mà ra. Chuyên tu tại chức hay Đào tạo tại chức tức là đảng viên (đa phần gốc bần cố nông) được “quy hoạch” làm “đầy tớ nhân dân” (có quyền lực chính trị) rồi lại được “quy hoạch ghi danh” học bổ túc, thậm chí học bổ túc từ xa (Formation à distance) đặng có cái bằng tại chức. Đã có nhiều trường hợp quan chức cs VN có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ made in USA mặc dù vốn liếng tiếng Anh – khi bị bại lộ – không quá 2 chữ Yes-No! 

Theo lý lịch trích ngang trên Internet thì đương kim Thủ tướng CH xhcn VN Nguyễn Xuân Phúc có bằng Anh văn hạng B, lại nghe nói từng du học về Quản lý Kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore, có thật  đúng vậy không? Đã có ai từng được nghe đồng chí Thủ Phúc sử dụng tiếng Anh trong đối thoại / đối ngoại chưa?

Hai chữ Trí thức trong tiếng nước ta xem ra cũng tù mù tương tự mấy chữ Nhân dân, Con người mới xhcn, Phản động, Thế lực thù địch, v.v. 
Do cố gắng định nghĩa “trí thức là gì?” nên trên Internet đã vô hình chung nẻ ra vô số định nghĩa, tựu trung lại thành ra vô nghĩa. Nói cách đơn giản ngoài tự điển, tôi ví người ‘trí thức’ như hoa: Hoa đẹp, hoa thơm tự hoa hoa không biết, hãy để người ngắm hoa phẩm bình. Xã hội hoa có hoa Lan, hoa Cúc, hoa Quỳnh..., hoa Cứt lợn và cả hoa Chó đẻ thì xã hội loài người cũng có ngần ấy loại trí thức, tuy nhiên theo xu hướng toàn cầu hoá để tiến tới thế giới đại đồng rồi cuối cùng là thiên đàng xã nghĩa – mà nghe nói theo khẩu hiệu định hướng muôn năm gì đó sẽ có nguy cơ biến thành hiện thực trong kỳ đại lễ… 3 000 năm Thăng Long-Hà Nội, và đến cuối năm 2020 này, tuy xu thế tất yếu mới vừa nêu chưa sáng tạo được loại hoa mới nào, song đã đẻ ra một loại trí thức mới mà có người mệnh danh là trí-thức-còn-đảng-còn-mình!

Đành rằng cái tên ‘trí-thức-còn-đảng-còn-mình’ nghe cũng hay hay, cực kỳ giàu đảng tính nhưng theo chỗ tôi biết, 6 chữ ‘chỉ biết còn đảng còn mình’ là thương hiệu đã được cầu chứng độc quyền của trí-thức-công-an tại CH xhcn VN! 

Do đó, tôi đã ứng tấu ứng tác ra bốn chữ TRÍ THỨC HƯƠNG NGUYỆN. Phải nói liền đây: TRÍ THỨC HƯƠNG NGUYỆN vốn có gốc từ nhóm chữ ‘ĐẠO ĐỨC HƯƠNG NGUYỆN’ mà mấy cụ văn gia cổ thụ như Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh... thường linh động để ‘phản biện’ nhau trên báo giấy cách nay tròm trèm 100 năm.
HƯƠNG NGUYỆN là chữ trong Luận ngữ: HƯƠNG NGUYỆN, đức chi tặc dã (HƯƠNG NGUYỆN, là giặc của đạo đức). Xin trích lục lời các cụ:

1. “Đạo đức HƯƠNG NGUYỆN” là đạo đức thế nào? Cứ như lời ông Mạnh Tử đã giải thích thì HƯƠNG NGUYỆN là chiều đời dua tục, không nói trái với ai, chính là chỉ bọn nhu mỵ (1). 

2. “HƯƠNG NGUYỆN là kẻ giả đạo đức, ngoài mặt làm ra cái cung kính cẩn nghiêm, mà kỳ thực sẵn sàng hoà đồng văn lưu tục, a dua về kẻ hương nhân bỉ tiện. HƯƠNG NGUYỆN chính là thầy đồ quê biển hiệp, không có nghị lực khí khái gì, học đạo thánh hiền mà hình như học đến đâu chỉ làm hại đạo thánh đến đó, uốn nghĩa lý thánh hiền cho vừa bằng tầm nhân cách nhỏ nhen của mình.

Cái tâm lý HƯƠNG NGUYỆN đó, gặp lúc quốc vận suy vi thì nó bành trướng mãi ra mà hầu như tràn ngập cả. Không những thầy đồ quê mắc phải cái tâm lý ác liệt đó mà đến ông nghè ông cống, đến Tể tướng Thượng thư cũng không khỏi. Cả bọn thượng lưu trong nước đều đeo một cái tâm lý HƯƠNG NGUYỆN đó, trách nào dân không tan, nước không mất?” (2). 

3. “Cái lẽ trung dung của Khổng Tử, nó ra làm sao, không có thể đem mà bàn luận ở đây. Duy nói tóm một điều, tôi cho nó là lẽ cao siêu quá, người ta khó làm theo được. Nếu đem cái lẽ trung dung mà truyền bá cho cái xã hội nầy thì hầu hết tín đồ của nó sẽ thành ra ‘HƯƠNG NGUYỆN’ là một hạng người mà Khổng Tử đã ghét cay ghét đắng. 

Cho nên trong bài Ảnh hưởng Khổng giáo của tôi, tôi bảo bỏ cái thuyết trung dung đi, đừng nói đến là hơn, vì theo nó thì chưa chắc làm được ‘thánh hiền’, mà thiệt dễ làm ra ‘HƯƠNG NGUYỆN’ quá” (3).

4. "HƯƠNG NGUYỆN là bọn giả dối không có liêm sỉ, mượn tiếng đạo đức mà che đậy bề ngoài. Bọn ấy ở với quân tử có thể làm quân tử được, mà ở với tiểu nhân thì làm tiểu nhân” (4).

5. Trong bài diễn văn bế mạc buổi thảo luận với tiêu đề “Tiểu thuyết Kim Dung với văn học Trung Quốc thế kỷ XX”, tháng 5 năm 1998 tại Colorado - Mỹ, tác giả Kim Dung đã nói về nhân vật Nhạc Bất Quần trong bộ Tiếu ngạo giang hồ như sau: 

“Nhạc Bất Quần là ngụy quân tử, ‘nguyên mẫu’ của y chắc chắn là loại ‘HƯƠNG NGUYỆN, đức chi tặc dã’ mà Mạnh Tử hình dung loại người này lấy lòng thế tục, cùng một giuộc với bọn tầm thường, ngụp lặn trong ô trọc nhưng ăn ở lại có vẻ trung tín, sống có vẻ như liêm khiết, mọi người đều thích, cho rằng tốt; nhưng loại người này lại không thể theo đạo của Nghiêu Thuấn” (5).




Tóm lại, đạo đức HƯƠNG NGUYỆN là đạo đức giả. Nhưng với tôi, trí thức HƯƠNG NGUYỆN  không hề là trí thức giả hay ngụy trí thức, cũng không phải là loại trí thức giấu trong thâm tâm mớ đạo đức giả cầy Nhạc Bất Quần ‘nói một đàng làm một nẻo’ đầy rẫy trên đất nước Việt Nam xhcn: Trí thức HƯƠNG NGUYỆN là những người có học vị - tôi nói học vị, không nói học thức vì học vị mua xổi được, học thức thì không thể - đồng thời là thành viên của một đảng cầm quyền độc tài chuyên chế. 

Mà chế độ độc tài đảng trị nào, điển hình là chế độ cộng sản, đều “đòi hỏi sự nhất trí và đồng nhất về quan điểm chính trị và đạo đức cách mạng tức đạo đức đảng. Tuyên thệ gia nhập đảng đồng nghĩa với sự chấp nhận giao phó đặc biệt cái vốn liếng đạo đức cá nhân cho đảng, nói cách khác là dẹp nguồn đạo đức cá nhân bé nhỏ để chỉ biết phục tùng cái đạo đức vĩ đại của đảng, bán thể xác lẫn linh hồn cho đảng:

 Chủ trương then chốt của đảng cộng sản là ‘cứu cánh biện minh cho phương tiện’ do đó khi đảng viên bất chấp luân lý đạo đức phổ cập, chẳng hạn đứng ra đấu tố cả cha mẹ ruột, cướp đất, giết người, phân thây cả đồng chí lão thành của mình chỉ vì một miếng đất (như ở Đồng Tâm, 09/01/2020); láo khoét, lường gạt, lật lọng; có nói không, không nói có; bạo động vô lý, cầm tù vô lý, nhẫn tâm đàn áp dã man đồng bào biểu lộ lòng yêu nước và No-U... thì chúng ta phải hiểu những xuẫn động này không phải vì cho cá nhân đảng viên mà vì cho đạo đức đảng, cho cái gọi là ‘chính nghĩa và lý tưởng’ của đảng. 

Thậm chí để phục vụ nhu cầu cứu cánh cho ‘chính nghĩa và lý tưởng’ của đảng, đảng viên càng cao cấp càng phải tuyệt đối biết nhìn, biết chọn lựa... sự thật nữa!” (6). Trong chế độ độc tài như chế độ cộng sản, đảng viên không HƯƠNG NGUYỆN thì không thể leo cao, không thể thành lãnh đạo; do đó theo chuẩn đạo đức vĩ đại của đảng: nhẫn tâm với đồng bào là phẩm chất cao quí!
*
Vài năm trở lại đây, xuất hiện một vài trí thức HƯƠNG NGUYỆN ‘lừng lẫy một thời’ thỏ thẻ phản biện nọ kia thì trí lùn chúng ta phải cám ơn thật nhiều hai chữ ‘về hưu’ và hai chữ ‘hết quyền’, vả lại sự thỏ thẻ này chỉ có giá trị rằng Retraités mais nous sommes encore là / đã hưu trí nhưng chúng tôi vẫn còn đây! Về hưu và hết quyền nhưng vẫn là HƯƠNG NGUYỆN bởi vẫn là đảng viên, bộ óc vẫn bo bo cái kim cô tên “Đảng” và thấp thỏm Sợ mất cái Sổ hưu. 

Đây là thành quả nhồi sọ vĩ đại của văn hoá và đạo đức đảng! Không đáng để lưu tâm thắc mắc nên tôi không nêu tên làm bằng, tôi nghĩ cư dân mạng chịu khó quan sát, sâu chuỗi đều dễ dàng nhận ra bản lai diện mục của lớp ‘trí thức’ HƯƠNG NGUYỆN cổ lai hy này. Mai kia đảng qua đời, không phải chỉ trong một hai thế hệ mà có thể tẩy sạch chất HƯƠNG NGUYỆN trên đất nước ta!




Cái nực cười đáng thương của người sắm được cái bằng đại học hay sau đại học là đương sự tự cho mình là trí thức. Cái ngu đáng tội nghiệp của nhà trí thức tự phong, nhất là trong chế độ độc tài đảng trị, là đương sự không tự biết mình ngu nên thường vin vào cái bằng chuyên môn, cái huân chương chuyên môn, cái giải chuyên môn để tuyên bố vung vít. 

Bị bão đá đích thị là oan Thị Mầu. “Người ngu thông thái ngu hơn người ngu dốt nát” (Molière). Tuyên bố vung vít ra tuồng thông thái là tự do ngôn luận của mỗi người trên các xứ sở phi xhcn, cũng như kéo kiệu vàng cho chúa Trịnh là niềm kiêu hãnh của con Kim Bông Thiên lý mã của lão Nông làng Phương Lộ. 
*

Vũ Thế Phan
2020


Tham khảo:


(1) Ngô Đức Kế: Luận về chánh học cùng tà thuyết, báo Hữu Thanh số 21 - 01/O9/1924. Bài này chủ yếu mượn cớ chê ‘con đĩ’ Thúy Kiều để ‘chích’ Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong.

(2) Huỳnh Thúc Kháng: Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không?, báo Tiếng Dân, số 317 - 17/09/1930. Bài này bênh vực Ngô Đức Kế (sau khi cụ Kế đã qua đời) và tiếp tục ‘chích’ Phạm Quỳnh.

(3) Phạm Quỳnh: Lan tràn thói đạo đức giả (Nam Phong, 1932)
- Phan Khôi: Đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim, báo Phụ nữ Tân văn số 54 – 29/05/1930.

(4) Trần Trọng Kim trả lời Phan Khôi trong vụ phê bình sách Nho giáo. Nho giáo, tập hạ, trang 401, Nxb BGD Trung Tâm Học Liệu - SG 1971.

(5) Bành Hoa - Triệu Kính Lập: Kim Dung, cuộc đời & tác phẩm, bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải, Nxb Trẻ SG 2002, tr 383.

(6) Hayek: The road to serfdom, lược dẫn từ Dân chủ pháp trị của Nguyễn Hữu Liêm - USA 1991, mục Về đạo đức của con người cai trị cộng sản, tr 210-212.

**

 


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209