TRÊN NHỮNG DÒNG SÔNG NHUỘM MÁU


 

Tùy bút ĐIỆP-MỸ-LINH

Để tưởng nhớ quân nhân thuộc Giang-Đoàn 26 Xung-Phong đã hy sinh tại U-Minh

 

 

Đoàn chiến đỉnh thuộc Giang-Đoàn 26 Xung-Phong rời sông Hậu-Giang, rẽ vào kinh Cái Sắn, đi về hướng Rạch-Giá. Từ Rạch-Giá, đoàn chiến đỉnh lầm lủi tiến trên sông Cái Lớn, mở đầu cuộc hành quân dài hạn tại U-Minh.

 Sau khi rẽ từ sông Cái Lớn vào Kinh Ngang, đoàn chiến đỉnh phát hiện chướng ngại vật chận ngang sông, phía trên gắn hình đầu lâu và hai xương chéo nhau. Hai chiếc LCVP (Tiểu-Vận-Đỉnh) vượt lên, thực hiện công tác gỡ mìn.

 Trong khi đoàn chiến đỉnh thả trôi, chờ LCVP gỡ mìn, tôi thấy một chiếc tắc ráng từ trong khóm dừa nước chui ra, chạy thẳng đến chiếc Command. Trên chiếc ghe bé xíu ấy, một cô gái cầm chèo. Trong lòng ghe một người đàn bà nằm im, bên trên phủ vài nhánh dừa nước. Nơi mũi ghe, một người con trai ngồi xếp bằng, trên đầu mang nhiều lớp băng máu đã đặc quánh, trở nên nâu sậm. Chiếc đầu khổ nạn của người con trai gục lên vai người đàn ông đứng tuổi. Hai tay ôm lấy vai nạn nhân, đôi mắt của người đàn ông hun hút nhìn về rặng dừa nước phía xa như thầm hỏi: Tại sao gia đình tao hết lòng ủng hộ “tụi mày” những khi “tụi mày” về làng thu thuế, xin gạo, xin cá khô, xin nước mắm, v.v… mà “tụi mày” lại pháo kích vào làng để gia đình tao phải ra nông nổi này!

Nhìn đôi mắt của người đàn ông tôi thấy được những đớn đau òa vỡ, cuồn cuộn theo từng đường gân máu nhỏ li ti.

 Nét đớn đau trong đôi mắt lạc thần của người đàn ông trên chiếc tắc ráng gợi nơi lòng tôi ánh mắt u uất của Ba tôi vào thời kỳ gia đình tôi theo Ba tôi đi kháng chiến chống Tây, nương náu dưới mái tranh, bên bờ sông Triêm-Đức.

Mỗi sáng, Má tôi quảy gánh bún vào công xưởng, bán cho cán bộ và nhân viên. Ba tôi đi làm trong bộ đồ kaki xám, nón cối, dép râu. Em tôi – Bảo-Ngọc – và tôi chơi cạnh hầm tròn, dưới gốc cây khế, với bốn đứa con gái của bác Ca.

Bác Ca và Ba tôi thân nhau lắm, thường gọi nhau là “đồng chí”. Bốn đứa con gái của bác Ca tên – theo thứ tự từ lớn xuống – là Khó, Khăn, Khắc, Phục. Mỗi khi nhà bác Ca có khách, Bác thường nhờ Má tôi làm bánh flan. Vì là trong thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến” cho nên nhà nào cũng nghèo, không đủ chén dĩa, Má tôi phải làm nguyên cái flan trong một dĩa lớn rồi dùng dao xẻ ra từng phần, tùy theo số lượng khách. Đến khi ăn, mỗi người dùng một muỗng cà-phê, ăn phần của mình nhưng chung trong cái dĩa lớn. Lần nào cũng vậy, khi mỗi người vừa đưa muỗng xúc phần flan của người đó thì bác Ca lẹ miệng, phun một bãi nước bọt trên cái flan, ai nấy đều gớm, không ăn. Bác Ca cười ha hả, ăn một mình. Ba tôi nói ai cũng giận lắm, nhưng không dám nói gì, vì bác Ca làm đến chức Liên-Khu-Phó Liên-Khu V lận!

Mỗi chiều, Ba tôi thường ngồi nơi võng, thổi Harmonica. Tối đến, Ba tôi bảo tôi đóng cửa trước lại để không ai có thể biết được bác Ca và mấy cán bộ cao cấp qua nhà tôi để Ba tôi dạy Pháp văn. Khi mấy Bác đến, Má tôi, tôi và Bảo-Ngọc phải ra ngoài sân chơi.

 Bảo-Ngọc gần hai tuổi mà chưa thể “đứng chựng”; vì Má tôi ăn uống quá kham khổ, không có sữa nuôi em. Sáng nào, trước khi đi làm, Ba tôi cũng dặn tôi:

 - Con phải luôn luôn ngồi cạnh em, hễ nghe tiếng kẻng báo động là ôm em nhảy ngay xuống hầm trốn.

-Dạ.

 Một buổi trưa, trong khi Bảo Ngọc ngủ trên võng và tôi đang hăng say “ăn thua đủ” với Khó, Khăn, Khắc, Phục về mấy hột mãng cầu đen bóng thì kẻng báo động vang lên.  Khó, Khăn, Khắc, Phục và tôi đều nhảy ngay xuống hầm, quên bẳng Bảo Ngọc! Chỉ độ vài tích tắc sau, hai chiếc máy bay sơn cờ Pháp ào tới, chúc mũi xuống, nghiêng cánh, thả từng loạt bom xuống công xưởng. Một trái bom rơi gần xóm nhà của chúng tôi, tạo sức ép khiến tôi và đám bạn đều khó thở và bùng tai.

Sau khi hai chiếc máy bay khuất xa, tôi và đám bạn leo lên và thấy, phía công xưởng, lửa cháy ngất trời! Tôi không biết số phận của Ba tôi như thế nào! Nhưng quanh tôi nhiều người đang khóc than vì nhiều người bị thương hoặc chết. Bất ngờ tôi nghe nhỏ Khó hét lên:

 - Con Bảo-Ngọc! Trời ơi!

Lúc này tôi mới nhớ đến em tôi! Tôi chạy đến chiếc võng trước hiên nhà và thấy vài người đang xúm vào Bảo-Ngọc. Chưa kịp phản ứng gì cả, tôi thấy Má tôi vất đôi gióng và đòn gánh xuống, chạy đến Bảo-Ngọc. Thấy Má tôi, mấy người đang xúm quanh Bảo-Ngọc từ từ đứng lên, tỏ ý muốn “nhường chỗ” cho Má tôi.

Má tôi đứng bất động, nhìn Bảo-Ngọc nằm nghiêng đầu trên võng, bên dưới, một vũng máu còn tươi! Trong thế đứng câm lặng như loài cây khô hết sức sống đó, môi của Má tôi mếu xệ, run run. Tôi nghĩ Má tôi muốn gọi tên Bảo-Ngọc – đứa con ra đời trong khổ nạn; đứa con èo uột vì vú Mẹ khô sữa; đứa con lìa đời trong giấc ngủ trẻ thơ – nhưng Má tôi không thể phát âm thành lời!

 Tôi không hiểu tại sao Má tôi không kêu gào, khóc than hoặc quằn quại đớn đau như mấy người hàng xóm; cũng như tôi không hiểu tại sao Bảo-Ngọc không được chôn gần nhà mà phải theo chiếc ghe nhỏ, qua bên kia sông Triêm-Đức.

Trên chiếc ghe nhỏ, Ba tôi ngồi nơi mũi ghe, lưng xoay về phía bên kia sông. Trên hai bắp vế của Ba tôi là xác của Bảo-Ngọc. Cái xác nhỏ xíu tội nghiệp đó được cuộn vào manh chiếu rách – mà thường ngày tôi trải dưới gốc khế cho em bò quanh – rồi cột lại bằng ba đoạn giây dừa. Hai tay Ba tôi mân mê mối giây dừa và mắt Ba tôi chăm chăm nhìn lên gốc cây khế, nơi Ba tôi đã cẩn thận đào cho chị em tôi một hầm tròn để trốn máy bay! Đôi mắt của Ba tôi lặng lờ như hai khối thủy tinh. Nhưng tôi như thấy được những vụn vỡ trong hồn Ba tôi đang theo những mạch máu căng lên, đỏ rực đôi mắt!

Đôi mắt của Ba tôi như soi vào hồn tôi để tôi thấy rõ hậu quả về sự ham chơi của tôi. Nhưng với thời gian, ánh mắt của Ba tôi dịu bớt niềm đau – nhất là sau khi Má tôi sinh cu Chinh.

Nhờ sự ra đời của cu Chinh và cũng nhờ những đổi thay của không gian, thời gian cùng những biến chuyển của cuộc sống, sự dằn vặt trong lòng tôi tạm nguôi ngoai. Giữa lúc tôi tưởng như tôi đã quên được ánh mắt đớn đau của Ba tôi vào buổi chiều xưa, trên sông Triêm-Đức, thì tôi lại bắt gặp ánh mắt đầy uất hờn như muốn làm vỡ tung đôi võng mô khô lệ của bác nông phu nơi vùng Chương-Thiện!

 Ánh mắt uất hờn của bác nông phu trở nên van nài, khẩn thiết khi anh thủy thủ chỉa súng, không cho chiếc tắc ráng đến gần chiếc Command. Vài phút sau, một chiếc fom được phái đến, cặp sát vào chiếc tắc ráng. Một anh thủy thủ bước qua chiếc tắc ráng xem xét tình hình. Nhận thấy không có dấu hiệu khả nghi, chiếc tắc ráng được phép cặp sát chiếc Command và anh y tá đã tận tình cứu giúp nạn nhân.

Sau nhiều ngày hành quân ở Kinh Ngang, đoàn chiến đỉnh trở lại kinh Trèm-Trẹm, còn gọi là kinh Thứ, thuộc quận Kiên-An.

Rải rác dọc theo kinh Trèm Trẹm là mấy đồn Nghĩa-Quân. Đoàn chiến đỉnh thường ủi bãi trước đồn thứ 9. Trưởng đồn là thiếu-úy Sao, tốt nghiệp trường Sĩ-Quan Thủ-Đức.

Khi cặp fom ra Tắc-Cậu công tác, thiếu-úy Sao xin quá giang để ghé đồn thứ 6 thăm người bạn thân – thiếu-úy Y – cùng khóa Thủ-Đức. Thiếu-úy Y xin đổi về đồn thứ 6 chỉ vì muốn được làm việc gần thiếu úy Sao.

Sau vài ngày bình yên, đoàn chiến đỉnh được lệnh trở ra sông Cái Lớn, ủi bãi ngay trước một đồn Nghĩa-Quân. Mỗi khi thấy tàu Hải-Quân ủi bãi trước đồn, lòng người Nghĩa-Quân dấy lên chút tình cảm hân hoan, yên dạ: Sẽ được giấc ngủ yên lành trong đêm; vì không sợ Việt cộng tấn công. Để tỏ bày niềm hân hoan đối với đơn vị bạn, mấy anh Nghĩa-Quân đem ra vài xị đế. Vài chú chuột đồng được nướng vàng trên khóm than hồng, làm mồi cho những tràng cười vui.

Blust – cố vấn “chịu chơi” của Giang-Đoàn 26 – vừa cười vừa nhăn mũi hít mùi thơm của chuột nướng. Sau khi ăn thử, Blust thích quá, không tiếc lời khen món ăn đồng quê này. Với món ăn lạ và vài ly rượu cay, Blust không còn tự chủ được, bắt đầu hát Hallelujah. Tiếng hát nhừa nhựa, nghèn nghẹn, vang xa từ mũi chiếc Command tan loãng trong không gian mênh mông của dòng sông và rừng dừa nước. Hát mãi, hát hoài cũng không ai hưởng ứng hay khích lệ, Blust cảm thấy cô đơn vô cùng rồi nỗi nhớ nhà dâng cao, dâng cao mãi khiến Blust khóc vùi như trẻ thơ!

Khóc thỏa thuê một lúc, Blust trở vào lòng chiếc Command vừa khi thiếu tá Quang – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 26 – đang giận dữ, gào lên trong ống liên hợp:

-  Mày nói với Đại Bàng của mày, không cho tao vào bây giờ thì ai cứu tụi nó? Chờ đến sáng thì không còn ‘mống’ nào sống sót đâu. Mời Đại Bàng của mày lên máy, nhanh đi! 

Không hiểu tiếng Việt, nhưng thấy thái độ của thiếu tá Quang, Blust hiểu phần nào những gì đang xảy ra. Trong khi Blust ngượng ngùng, cứ loay hoay cạnh thiếu tá Quang và lập đi lập lại: “I’m sosrry, sir!” thì thiếu tá Quang ra lệnh cho đoàn giang đỉnh sẵn sàng tiến vào tiếp cứu đồn Thứ 6.

Chỉ vài phút sau thiếu tá Quang ra “phản lệnh”. Quay nhìn Blust, thiếu tá Quang giải thích: Đồn thứ 6 bị vây, bị tấn công nặng nề, kêu cứu; nhưng đại-tá Tỉnh Trưởng sợ trách nhiệm, không cho đoàn chiến đỉnh vào cứu!

 Sáng hôm sau, đoàn chiến đỉnh nhận được lệnh hải hành đến quận Gò Quau, thuộc tỉnh Kiên-Hưng. Quận trưởng là Trung tá Phép.

 Sau khi thi hành nhiều chuyến hải hành trên Kinh Ngang để chuyển quân, quân trang và quân cụ, đoàn chiến đỉnh được lệnh trở lại kinh Trèm Trẹm.

Ngang đồn thứ 6, vết tích lửa đạn vẫn còn đó nhưng lá cờ vàng vẫn ngạo nghễ tung bay; người Nghĩa-Quân vẫn nghêu ngao câu vọng cổ trên tháp canh. Tất cả dường như không mang nét thê lương, đau đớn nào cả! Tất cả chấp nhận sự điêu linh một cách bình thản đến tội nghiệp!

 Đến đồn thứ 9, tôi gặp lại thiếu-úy Sao. Sao chào tôi với nụ cười buồn. Tôi ngạc nhiên khi thấy hai chữ “Y-Sao” màu đen được viết đậm trên túi áo của Sao. Thấy ánh mắt khó hiểu của tôi, Sao nhìn vội xuống hai chữ Y-Sao rồi nhìn ra xa. Trong mắt Sao tôi tưởng như thấy được những hận thù vỡ ra tung tóe như những vệt máu hồng của Y kéo dài từ khẩu đại liên đến cửa hầm chống pháo kích! Nhìn Sao và nghe câu chuyện thương tâm của Y, tôi chợt nghĩ đến Chinh. Không biết giờ này Chinh đang phiêu bạt ở chiến trường nào!

 Đêm đến, tiếng ca vọng cổ trên tháp canh kèm theo tiếng gõ nhịp nhặt khoan của hai thanh tre nghe não nề, nhức buốt! Bỗng…Ầm! Ấm! Tiếng nổ làm rung chuyển vùng không gian nho nhỏ quanh tôi, trên chiếc Combat. Từng khối nước tung cao ngất trời trong khi chiếc Command từ từ chìm xuống. Hai chiếc fom và hai chiếc LCVP được phái đến, vất phao xuống nước để cứu vớt đồng đội. Trong tiếng đại pháo rền trời – từ chiến đỉnh phản pháo – và dưới ánh hỏa châu do các chiến đỉnh bắn lên, tôi không thấy được dấu hiệu của bất cứ một quân nhân nào trên mặt nước cả! Dòng phù sa thêm màu mỡ nhờ máu, thịt và xương của những thủy thủ vừa xong lóp đệ Nhị!

 Sau những tan thương rách nát trong hồn, tôi theo đoàn chiến đỉnh trở lại Kinh Ngang. Trong khi mọi người, mọi nòng súng đều chỉa về khúc quanh như đợi chờ, như thách thức thì…đoàn chiến đỉnh đi qua êm xuôi. Tôi chưa kịp mừng thì nghe một tiếng nổ kinh hồn rồi từng khối nước khổng lồ tung lên. Chiếc LCM8 bị mìn! Sau khi cứu vớt và nhặt xác của đoàn viên, mọi người đều lúng túng; vì không biết những bộ phận cơ thể “rời” này thuộc về nạn nhân nào để “ráp” vào cho đúng! Thôi, chia đều trong mỗi bao ny-lông để người thân bớt đau lòng!

Trong mấy bao ny-lông đựng xác người có phần cơ thể không toàn vẹn của chuẩn-úy Mẫn. Mẫn mới biết miền Tây Nam Việt sau chuyến xe đò từ Saigon qua Bắc Vàm-Cống về Long-Xuyên để trình diện Giang-Đoàn 26, sau khi Mẫn mãn khóa Sĩ Quan Trừ-Bị Thủ-Đức!

Mẹ của Mẫn đứng chết lặng nơi cửa, sau khi một sĩ quan đến báo tin. Ánh mắt của Bà cũng thất thần, mất hết sức sống, như ánh mắt của Má tôi dạo nào bên bờ sông Triêm Đức!

Chuyến hải hành từ Kinh Ngang về Chương-Thiện chiếc Combat lại bị mìn. Nhìn hai chiếc LCM “kè” hai bên để đưa chiếc Combat về hậu cứ, tôi gục đầu vào lòng bàn tay, khóc!

 Sau khi chỉnh trang, đoàn chiến đỉnh theo sông Hậu, rẽ vào Long-Phú, xuôi theo Bãi Sầu, xuống Bạc-Liêu, về quận Gia-Rai. Nhìn những con kinh đào nhỏ hẹp, chỉ đủ rộng cho chiến đỉnh hải hành hàng một – chứ không đủ rộng để chiến đỉnh có thể xoay ngang, trở đầu – lòng tôi cứ ái ngại thầm!

 Sáng hôm sau, đoàn chiến đỉnh chuyển quân từ Gia-Rai đi Cà-Mau. Thiếu tá Quang cẩn thận dặn tất cả Bộ-Binh ngồi trong lòng tàu, không để lộ dấu hiệu là mình đang chuyển quân. Thế mà khi đoàn chiến đỉnh vừa qua khỏi xã Hộ-Phòng thì từng loạt, từng loạt B40 nã xối xả vào những mục tiêu không có đường xoay trở!

Trong khi chờ trực thăng tản thương, thủy thủ Hiển ra  dấu cho tôi cúi xuống gần anh. Hiển thều thào: 

 -  Đừng cho “dợ” em biết em bị thương, nó lo, tội nghiệp. Để ít bữa, em dìa!

 Nhìn máu và nước sóng sánh trên chiếc băng-ca và người Hiển run rẩy, tôi chỉ biết khóc, gật đầu, trong khi tay tôi cứ đẩy cái kéo, cố cắt bộ quân phục đẫm máu của Hiển. Cắt xong, tôi hỏi mấy anh lính Bộ Binh đang đứng gần tôi:

 - Anh nào có thừa chiếc áo nhà binh, cho tôi xin để đắp cho anh Hải Quân nảy.

Một anh cởi áo của anh, trao cho tôi, còn anh mặc áo thun. Tôi lấy tất cả giấy tờ và cái ví của Hiễn, cho vào túi áo của anh lính Bộ Binh rồi phủ chiếc áo lên người Hiển. Tôi nhờ một người đứng gần phụ tôi, nghiêng băng-ca cho máu và nước thoát ra rồi tôi từ từ rút từng mảnh vải đã bị cắt để Hiển đỡ bị lạnh. Trước khi tôi quay sang giúp một thương binh khác, Hiển lại ra dấu cho tôi cúi xuống gần Hiển một lần nữa. Nước mắt ràng rụa, tôi xúc động quá cho nên chỉ nghe tiếng được tiếng mất:

 - Trong bóp em còn mấy ngàn, …chị đưa giùm cho… “dợ” em để nó mua sữa cho con. “Dợ” em đẻ con trai, hôm qua… Chỉ-Huy-Trưởng nói mai cho em đi phép đặc ân…

Nói ngang đó, gương mặt của Hiển trông tươi tỉnh; nhưng rồi Hiển cong người sang một bên như muốn ho. Một dòng máu đỏ chảy mềm mại từ môi Hiển, rồi mắt Hiển khép lại –  vĩnh viễn!

 Sau những cảnh đau lòng, đoàn chiến đỉnh hải hành về Kiên-Lương. Trong khi đám trẻ con đứng cạnh bờ sông, nhìn mấy anh thủy thủ như nhìn những dị nhân vừa từ một hành tinh khác đến thì nhiều cụ già tươi cười nhận dầu ăn, cơm sấy, cá hộp từ mấy anh thủy thủ. Một cụ ông vỗ vỗ lên tay Triều, hỏi:

- Làm sao được đi lính như mấy chú, hả chú?

- Dạ, dễ mà. Lên Saigon ghi tên là đi liền.

- Saigon ở đâu dậy?

- Nói giởn thôi chớ bộ Cụ tính đăng lính Hải-Quân thiệt sao?

- Hỏng phải! Thằng cháu ngoại của ‘wa’, nó đóng ở đồn kia cà. Nó muốn đi.

- Thôi, đi Nghĩa-Quân gần nhà sướng hơn; Hải-Quân xa nhà hoài, buồn lắm!

- Bị nó ở trong đồn mà thằng em của nó cứ bắt loa kêu nó bỏ súng “dìa dới nhơn dân” hoài hà!

- Sao kỳ vậy, Cụ?”

- Thì thằng em của nó theo ‘bộ đội giải phóng’. Dậy mới có “chiện” chứ.

 Chẳng biết nói gì, Triều đưa mắt nhìn tôi. Tôi cúi mặt, cảm thấy buồn tái tê, đi dần về cặp FOM.

Giã từ đoàn chiến đỉnh của Giang-Đoàn 26 Xung-Phong, tôi trở lại U-Minh với một Giang-Đoàn Tuần-Thám.

Đến sông Cái Lớn, đoàn PBR (Giang Tốc Đỉnh) vẫn phăng phăng lướt trên nước, bỏ lại phía sau từng chuỗi bọt tắng xóa, hình chữ V.  Đến gần Chương-Thiện, trời tối hẳn, đoàn PBR neo giữa sông. Nhìn ánh trăng long lanh trên mặt sông và nghe văng vẳng từ radio một tình khúc tiền chiến, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Ba tôi, bút hiệu Điệp-Linh:

 Mắt trinh nữ lệ mờ bên sông cũ.

Đợi cung đàn nghệ sĩ vắng bao Thu!

 Hôm sau, tôi theo một giang đoàn Tuần-Thám khác, đi sâu vào U-Minh. Vì chưa bao giờ đến đoạn sông này, tôi tò mò, vui thích nhìn quanh những vườn khóm thênh thang.

Đoàn PBR đang lướt qua một khúc quanh rất ngặt. Tôi nghe tiếng B40 nổ liên tục phía trước. Chiếc PBR chỉ huy trúng B40. Trung Tá Minh – Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn 5 Tuần-Thám – bị thương. Đoàn PBR bắn trả dữ dội. Nhiều người chạy lom khom trong vườn khóm. Đoàn PBR ủi thẳng vào bờ để Bộ-Binh đổ bộ. Khi Bộ-Binh trở lại chiến đỉnh, tôi thấy họ mang theo nhiều chiến lợi phẩm như súng trường Nga và B40, B41…

 Phiêu lãng trên những dòng sông nhuộm máu suốt thời gian dài, lòng tôi mang nặng niềm đau của những thanh niên cùng thời đại với tôi; và, dường như tôi quên đi nỗi đau xưa, bên dòng sông Triêm-Đức.

Tôi trở lại dòng sông Triêm-Đức vào những ngày sôi sục nhất của cuộc chiến để thuyết phục Ba tôi dời vào Saigon. Ba tôi bảo đất đai, nhà cửa và mộ của Bảo-Ngọc còn đó, đi sao đành! Tôi đề nghị Chinh và hai em trai sinh đôi cùng vào Saigon với tôi. Chinh dứt khóat:

 - Ba Má già rồi, tụi em không thể bỏ Ba Má được.

Ba tôi tiếp lời Chinh:

- Tại sao con có vẻ sợ? Họ cũng là người Việt-Nam như mình mà. Còn Chinh chỉ là đại-úy, có gì đâu mà lo. Hơn nữa, họ về họ cũng phải dùng sĩ quan của mình chứ sĩ quan của họ đốt đặc, “xài” gì được!

Nói ngang đó, Ba tôi chợt vỗ hai tay vào nhau kêu “bốp” rồi tíếp, giọng rất vui:

- Nè, con nhớ bác Ca không? Nghe nói bác làm lớn lắm.  Bác Ca với Ba bề gì cũng còn cái tình cách mạng  chốngTây. Và hồi đó, tuy nghèo, nhưng Ba dạy Pháp văn cho bác Ca Ba không nhận thù lao.

   Giọng tôi nghẹn lại như muốn khóc:

- Chức Phó Quận Hành Chánh rồi Trưởng Ty Nội-An của Ba, Ba giấu được bác Ca hay không?

- Bác biết thì biết. Mình “ăn cây nào, rào cây đó”, ai nỡ trách mình. Con đừng lo. Có bác Ca là mọi việc đều xong.

 Tôi đành quay về Saigon với chút tin tưởng vào bác Ca và hy vọng bác Ca vẫn còn sống

Khi những sôi động trong cuộc chiến và trong lòng tôi lên đến vào đỉnh cao nhất, tôi được tin bác Ca giữ một chức vụ rất quan trọng trong đảng cộng sản Việt Nam .

 Một người bạn của tôi có ông Bố theo “Giải Phóng” từ khi ông ấy còn du học bên Pháp. Sau tháng Tư năm 1975, người bạn này tổ chức tiệc để ông Bố mời những người bạn của ông. Bạn tôi nhờ tôi giúp trang hoàng để bữa tiệc thêm phần trang trọng.

Chính trong bữa tiệc trang trọng này, tôi được gặp một cụ già tên Ca. Sau vài câu làm quen, cụ Ca hỏi tôi người miền nào mà nói tiếng lơ lớ nửa Nam nửa Huế. Tôi đáp:

- Dạ, quê cháu là Dalat, nhưng Má cháu gốc Huế, Ba cháu người Nha-Trang.

Dường như “lý lịch” của tôi gợi trong ký ức của Cụ điều gì đó, cụ Ca hỏi:

- Ngày xưa Bố của cô làm gì?

Tính tôi “thẳng như ruột ngựa”, có sao nói vậy:

- Thưa Cụ, Ba cháu ngày xưa đi kháng chiến chống Tây. Ba cháu giỏi nhạc và Pháp văn lắm!

- Ba cô tên gì? Hồi kháng chiến sống ở đâu?

- Dạ, Ba cháu tên Kinh. Hồi kháng chiến gia đình cháu sống cạnh sông Triêm-Đức.

- Thế cô là con bé Linh, phải không?

- Dạ, vâng. Sao Cụ biết?

- Biết chứ. Ba cô còn ở bên sông Triêm-Đức không?

- Dạ, còn. Xin lỗi Cụ, cháu nhớ hồi xưa Ba cháu có người bạn rất thân, tên Ca. Thưa, có phải Cụ là bác Ca không ạ?

- Ừ, tôi là bác Ca đây!

Tự dưng tôi cảm thấy mất bình tĩnh! Thật lòng, tôi muốn nhân cơ hội này, xin bác Ca giúp đỡ hoặc che chở cho Ba tôi và các em trai của tôi; vì lệnh kêu gọi sĩ quan và công chức “Ngụy” đi “đăng ký” cứ “ra rả” trên đài phát thanh. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy khó chịu khi trực diện với một nhân vật quan trọng trong guồng máy đầy ác tính mà tôi rất căm hận.

 Bác Ca nhíu mày như vận dụng trí nhớ rồi hỏi:

- Thằng gì em của bé Ngọc đó, nó làm gì?

- Dạ, em cháu tên Chinh, đại-úy.

Một cách từ tốn bác Ca lấy thức ăn cho vào chén của tôi, mời:

- Cô dùng chút tiết canh đi, bổ lắm đấy!

Tôi lí nhí cảm ơn, nhìn bác Ca, thầm nghĩ: Thức ăn miền Nam đầy đủ, ê hề, Bác đâu cần phun nước bọt vào dĩa để dành ăn, như ngày Bác còn là Liên Khu Phó Liên Khu V! Bác Ca lại hỏi:

 -Thế hiện tại Ba Má cô có mấy người con?

-Dạ, bốn. Cháu, Chinh, Nam và Trực.

-Nam và Trực làm gì?

-Dạ, sinh viên sĩ quan.

Bác Ca không hỏi tiếp mà lại nhỏ nhẹ mời tôi lần nữa. Tôi nâng đũa, trộn phần tiết canh trong chén. Nhìn phần tiết canh tươm ra nơi lòng chén và phần tiết canh sánh lại quanh mấy miếng lòng vịt, tôi chợt liên tưởng đến những phần máu thịt của những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa mà tôi đã thấy tận mắt trên những dòng sông nhuộm máu thuộc Vùng IV Sông Ngòi! Tự dưng tôi nhận ra sự căm phẫn đang dâng cao trong lòng. Tôi tự biết, tôi không thể làm thân với bác Ca để nhờ Bác giúp cho Ba và các em tôi.

 

 ******

 

 Sau khi nghe tôi trình bày sự việc, Ba tôi đích thân vào Saigon tìm gặp bác Ca. Không hiểu kết quả của lần gặp gỡ giữa hai người bạn già như thế nào, nhưng Chinh, Nam và Trực bị cộng sản Việt Nam bắt – vì cả ba người đều tham gia tổ chức Phục Quốc do cựu Hải Quân thiếu tá Đặng Hữu Thân thành lập – trước khi Ba tôi từ Saigon trở về. Và, sau đó, Ba tôi cũng phải trình diện để đi cải tạo.

 Trong căn nhà thăm nuôi, Ba tôi ngồi im, mắt đỏ rực nhìn xuống dòng sông Triêm Đức khi tôi nhắc đến các em tôi. Ba tôi hỏi:

 -Con đã đi thăm các em chưa?

-Dạ, chưa.

Ba tôi dúi vào tay tôi ba mảnh giấy vo tròn, nói rất nhỏ:

- Khi nào con đi thăm, nhớ đưa cho các em.

Tôi chưa kịp “dạ” thì tên quảng giáo nhảy tới, hùng hổ như con thú vồ được mồi:

- Chuyển tài “niệu” gì đấy? Đưa xem.

 Tôi xám mặt, run tay. Ba tôi rất trầm tĩnh:

- Đưa cho anh quản giáo xem đi, con!

 Tôi mở bàn tay. Ba cuộn giấy nhỏ xíu lăn trên bàn, tên quảng giáo chụp lấy. Trong khi tên quảng giáo vuốt cho thẳng để đọc, tôi liết nhanh vào mảnh giấy và thấy: “Con! Ba tủi hổ và hối hận về cái bác ‘Caca’ (1) đó lắm!”

 

 *Ảnh của Thềm Sơn Hà trên Internet.

1.- Nghĩa của danh từ này không được đẹp.

 

*

ĐIỆP-MỸ-LINH

http://www.diepmylinh.com

 **

 

 

 

 

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209