12 TỔNG BÍ THƯ CỦA ĐCSVN

 VÌ SAO ĐỘC TÀI THẤT BẠI

 

 Ku Búa @ Cafe Ku Búa

 

Hơn chín mươi năm kể từ khi tổ chức độc tôn đang cai trị đất nước được thành lập do một cá nhân mang biệt danh khác với tên cha mẹ đặt, Việt Nam đã chứng kiến sự thăng trầm và muôn vàn đau khổ.

Sau đây là mười hai tổng bí thư của ĐCS Việt Nam trong chín mươi năm lịch sử. 

1/  Trần Phú – Nhiệm kỳ 10/1930 đến 09/1931.
2/   Lê Hồng Phong – Nhiệm kỳ 03/1935 đến 07/1936.
3/   Hà Huy Tập – Nhiệm kỳ 07/1936 đến 03/1938.
4/   Nguyễn Văn Cừ – Nhiệm kỳ 03/1938 đến 11/1940.
5/   Trường Chinh – Nhiệm kỳ 11/1940 đến 10/1956.
6/    Hồ Chí Minh – Nhiệm kỳ 10/1956 đến 09/1960.
7/    Lê Duẩn – Nhiệm kỳ 09/1960 đến 07/1986.
8/    Nguyễn Văn Linh – Nhiệm kỳ 12/1986 đến 06/1991.
9/    Đỗ Mười – Nhiệm kỳ 06/1991 đến 12/1997.
10/  Lê Khả Phiêu – Nhiệm kỳ 12/1997 đến 04/2001.
11/  Nông Đức Mạnh – Nhiệm kỳ 04/2001 đến 01/2011.
12/  Nguyễn Phú Trọng – Nhiệm kỳ 01/2011 đến hiện tại

 

 Từ những năm tháng du kích, trận Điện Biên Phủ, hiệp định Geneve chia đôi đất nước thành hai, thống nhất, kinh tế mới, đổi mới cho đến kinh tế thị trường nửa mùa – những con người điều hành chính quyền đã coi dân tộc này như một dụng cụ cho một cuộc thí nghiệm chính trị xã hội.

Họ có thể là những con người với tinh thần yêu nước. Nhưng dưới chế độ độc tài thì một thiên thần khi cầm quyền cũng thành một ác quỷ. Vấn đề với chuyên chế không phải là tìm đúng hay chọn sai người, mà chính là sự tha hoá của quyền lực.

  Độc tài chưa bao giờ thành công, chỉ đi từ thất bại này đến thảm hoạ khác. Vì những nguyên nhân sau:

 TẦM NHÌN GIỚI HẠN – Một cá nhân có thể tài giỏi, học cao và hiểu rộng nhưng vẫn chỉ là một con người. Khi áp đặt tư tưởng của một cá thể lên hàng triệu người thì cũng như bắt tất cả đều trở thành một.

Trong khi ai cũng có suy nghĩ, quan điểm, lựa chọn và quyết định khác nhau. Khi một lãnh đạo phạm sai lầm thì cả dân tộc phải gánh chịu. Một người không thể nào thấy mọi vấn đề mà phải phân quyền cho nhiều thành phần và chia ra nhiều mảnh nhỏ. Độc tài thì lại muốn tổng hợp tất cả lại thành một và đi ngược với nguyên lý tự nhiên của nhân loại.

 


 LẠM QUYỀN VÀ THA HOÁ – Vì không có sự cạnh tranh chính trị cho nên không có gì ngăn chặn một cá nhân lợi dụng quyền lực cho mục đích riêng. Thực chất của tổ chức cầm quyền hiện tại là một cơ sở để bảo vệ lợi ích.

Khi chiếm vị trí độc tôn trong bộ máy nhà nước, phạm tội cũng không ai bắt và tham nhũng cũng không ai làm gì được. Khi giao cho một con người quyền lực, họ sẽ lạm dụng vì đó là bản chất tham vọng. Đó là tại sao không phải nước nghèo đói nào cũng độc tài nhưng tất cả nước độc tài đều lạc hậu. Có phải ngẫu nhiên không?

PHẢN BIỆN VÀ CẢI TIẾN – Khi không để người khác góp ý với tinh thần xây dựng, nhà độc tài hoặc tổ chức chuyên chế bác bỏ tất cả những người có thể giúp họ cải thiện sự điều hành của đất nước.

Thay vì lắng nghe, họ triệt hạ. Thay vì đón nhận, họ bắt bớ. Thay vì sửa sai, họ tiếp tục thực hiện những chính sách vô hiệu quả vì không có gì để ngăn chặn và cũng không  chịu trách nhiệm với hành động của mình.

CẤM TỰ DO TƯ TƯỞNG VÀ THEO ĐUỔI KINH TẾ CHỈ HUY – Một đất nước nếu muốn phát triển thì phải xây dựng trên nền tảng tự do, vốn là then chốt của một nền kinh tế. Hàng triệu người theo đuổi mục tiêu và lợi ích riêng của mình chứ không ai muốn dậm chân tại chỗ. Khi tổ chức độc tài cấm con người suy nghĩ, bưng bít thông tin, kiểm duyệt ngôn luận, siết chặt sáng tạo và không tôn trọng quyền tư hữu –  con người mất đi động lực để phấn đấu. Tại sao phải nỗ lực khi công lao của mình sẽ thuộc về người khác?

Tổ chức này đã trải qua hơn chín mươi năm dưới mười hai tổng bí thư khác nhau, nhưng kết quả đều như một. Nếu không phải là nghèo đói thì là đau khổ. Nếu không phải là nội chiến, thì là chia rẽ. Nếu không phải là nô lệ, thì là tù tội. Chẳng có gì mới và cũng không có gì được cải thiện.

Trong guồng máy độc quyền thì tất cả đều như một. Đừng trông chờ vào một thánh thần nào đó sẽ xuất hiện để cứu vớt tổ chức hay đất nước này làm gì. Họ sẽ không tồn tại. Nếu có thì cũng sẽ trở nên tha hoá với quyền lực.

Dưới chế độ này, người tốt cũng thành kẻ ác, thiên thần cũng hoá quỷ và nhân đạo cũng biến thành lòng tham.

Chỉ khi nào sự độc tài này được dẹp bỏ, đất nước mới có sự cải tiến. Còn không thì sẽ mãi đắm chìm trong ngàn năm tăm tối dù người đứng đầu là ai đi nữa. Đó là vì sao độc tài thất bại.

*

 Ku Búa @ Cafe Ku Búa

2020

**

 

 

 

 

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025