Du học rồi ở lại bất hợp pháp 

 Sinh viên VN bị Mỹ cho vào “sổ đen”

 

 Lan Anh

 Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) mới đây đề nghị hạn chế thời gian lưu trú của sinh viên quốc tế du học tại Mỹ đặc biệt là sinh viên đến từ các quốc gia như Việt Nam. Thông tin được công bố trên trang Công báo Chính phủ để lấy ý kiến công chúng.

 Theo đề nghị của Bộ An ninh nội địa Mỹ, hầu hết sinh viên quốc tế du học tại Mỹ theo visa F sẽ chỉ được cấp visa tối đa 4 năm dù thời gian của chương trình học, trao đổi dài hơn. Nếu muốn tiếp tục ở lại, các sinh viên phải xin gia hạn visa.

 Từ trước tới nay, sinh viên quốc tế có thể ở lại Mỹ hợp pháp đến khi kết thúc chương trình học, thời gian có thể là 5 năm hoặc lâu hơn.

 Điểm đáng lưu ý là Bộ An ninh nội địa Mỹ đề nghị chỉ cấp visa tối đa 2 năm cho những sinh viên có quốc tịch hoặc được sinh ra ở 59 quốc gia, trong đó phần lớn là các nước châu Phi cùng một số nước Trung Đông và châu Á – bao gồm Việt Nam.

 Các nước trong danh sách này, theo DHS, hoặc là “tài trợ khủng bố” hoặc có tỷ lệ công dân ở lại Mỹ quá thời gian thị thực từ 10% trở lên. Việt Nam nằm trong số các quốc gia, cùng với Philippines ở khu vực Đông Nam Á, có lượng người ở quá hạn visa đủ để DHS đưa vào đề nghị giới hạn thị thực 2 năm. Theo đó, các sinh viên sinh ra ở các quốc gia bị nêu tên dù đang sống ở các nước không nằm trong danh sách này vẫn bị áp dụng luật mới đề nghị khi xin học ở Mỹ.

 Theo những thay đổi mới được DHS đề nghị, bất cứ ai thuộc diện trên muốn ở lại lâu hơn phải xin gia hạn hoặc xin cấp thị thực mới.

 Cựu Luật sư Di trú Aeron Reichlin-Melnick nhận định trên trang Twitter cá nhân rằng việc xin gia hạn hoặc xin cấp thị thực mới sẽ không bảo đảm yêu cầu gia hạn hoặc cấp thị thực mới của họ sẽ được chấp thuận.

 Luật sư Khanh Phạm, hiện đang hành nghề ở Houston, Texas, giải thích thêm Sở Di trú sẽ xem xét liệu trong thời gian học sinh viên “có tiến triển trong ngành học của họ hay không hay họ đang kéo dài thời gian” và nếu Sở Di trú “thấy họ kéo dài thời gian” thì có thể “bác đơn xin gia hạn đó”.

 Thông báo của DHS cho biết bộ này cũng đề nghị yêu cầu ấn định thời gian thị thực cho cả những người đến Mỹ theo chương trình khách trao đổi và đại diện truyền thông thông tin nước ngoài để “khuyến khích việc tuân thủ chương trình” bên cạnh việc “giảm thiểu gian lận và tăng cường an ninh quốc gia”.

 DHS cho biết họ đã tiếp nhận hơn 2 triệu người nước ngoài vào Mỹ bằng thị thực sinh viên (F visa), khách trao đổi (J visa) và đại diện truyền thông thông tin nước ngoài (I visa) theo diện không định cư trong tài khoá 2018.

 Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, đề nghị mới được đưa ra nhằm ngăn chặn những vi phạm về nhập cư; khuyến khích sinh viên quốc tế về nước đúng thời hạn.

 DHS giải thích chính sách này “cần thiết” vì theo quy định hiện hành, sinh viên có thể lưu trú ở miễn sao có giấy tờ cho thấy họ đang tiếp tục học để lấy bằng, theo bộ này, thời gian lưu trú không xác định có thể “gây ra những rủi ro cho an ninh quốc gia.”

 Viên chức cao cấp cao thứ hai của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Ken Cuccinelli, nói trong thông báo của DHS về những đề nghị mới đăng trên trang web của bộ hôm 24/09: “Việc sửa đổi các quy định liên quan rất quan trọng để cải thiện các cơ chế giám sát chương trình; ngăn chặn đối thủ nước ngoài khai thác môi trường giáo dục ; và thực thi đúng cũng như củng cố luật nhập cư của Hoa Kỳ.”

 Đề nghị của DHS đưa ra ví dụ về một sinh viên, không được xác định từ nước nào, đã lưu trú ở Mỹ bằng thị thực sinh viên từ năm 1991 để tham gia học ở trường dạy nhảy múa. Tuy nhiên Bộ này không cho biết có bao nhiêu sinh viên đã sử dụng cách tương tự như vậy.

 

Giáo sư Charles Cường Nguyễn, Khoa trưởng Trường Kỹ sư thuộc Đại học Catholic University of America, nói với VOA ông không ngạc nhiên khi Việt Nam nằm trong danh sách các nước có số lượng người ở quá hạn thị thực trên 10%, vì ông thấy nhiều sinh viên qua Mỹ học và muốn ở lại mặc dù trường CUA của ông chưa có sinh viên Việt Nam vi phạm quy định này.

 Giáo sư Cường cho biết: “visa F1 (cho sinh viên du học) rất lỏng lẻo – dựa vào điều kiện khi (sinh viên) còn ở Mỹ hợp pháp theo đơn I-20 (chứng minh vẫn đang học trong trường)  visa vẫn có giá trị. Nhiều sinh viên lợi dụng ở lại rất lâu, có lúc gia hạn bằng cử nhân đến 6-7 năm nên (DHS) đặt câu hỏi…

 Những đề nghị này (DHS) đưa ra để tăng cường an ninh cho nước Mỹ. Từ trước đến giờ chính phủ Mỹ không đặt ra những câu hỏi tại sao (sinh viên) trễ trong ngày ra trường và bây giờ theo chúng tôi biết những đề nghị của DHS để củng cố thêm an ninh quốc gia.”

 Theo Giáo sư Cường đề nghị này có thể làm một số sinh viên Việt Nam khó khăn và không muốn du học ở Mỹ nữa (vì Việt Nam trong danh sách bị hạn chế visa 2 năm ở Mỹ). Nhưng theo ông, điều này không đáng lo ngại nếu sinh viên “đi học đàng hoàng và có lý do hợp lý.”

Giáo sư Cường giải thích: “Tôi nghĩ chính phủ Mỹ luôn giang tay đón nhận các bạn từ Việt Nam qua. (DHS) làm việc này để tăng cường an ninh quốc gia  hơn trước và kiểm soát chặt chẽ hơn chứ không cố ý  không khuyến khích sinh viên qua (Mỹ) học.”

Việt Nam nằm trong các nước có số lớn sinh viên học ở Mỹ, với mức tăng 17 năm liên tiếp. Theo Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ IIE, có 24.392 sinh viên Việt Nam ở Mỹ trong niên học 2018-2019. Theo tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội, sinh viên quốc tế chiếm 5,5% tổng số sinh viên tại Hoa Kỳ và sinh viên Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho kinh tế Mỹ, đề nghị mới của Bộ An ninh nội địa đang lấy ý kiến trong vòng 1 tháng, đến hết ngày 25/10.

Khó biết đề nghị này có thành luật hay không và nếu trở thành luật, khi nào sẽ có hiệu lực nhất là trong bối cảnh nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.


Luật sư Khanh nhận định rằng nếu những điều luật mới qua thời điểm đóng góp ý kiến và trở thành luật, chắc chắc sẽ “bị kiện và có lệnh tạm ngừng” vì hiện tại đã có nhiều luật sư và trường học lo ngại về những thay đổi đối với thời gian thị thực cho sinh viên do sinh viên du học là “nguồn lợi tức cao” ,sẽ dẫn đến việc Bộ Giáo dục có thể can thiệp.

 Nếu được phê duyệt, quy định này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và việc học tập của khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ.

 Trở lại với con số thống kê từ Bộ An ninh Nội địa cho rằng Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ công dân ở lại Mỹ quá thời gian thị thực từ 10% trở lên. Điều này có vẻ như mâu thuẫn với niềm tự hào của chính quyền cộng sản Việt Nam khi những người đứng đầu Đảng và Nhà nước thường ngạo nghễ  “chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này” hay “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”…

 Nhất là mới đây, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 08/06, tại Quốc hội, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam.”

 Ngay sau phát biểu của ngài thủ tướng, cộng đồng mạng đã đưa hình ảnh con trai chính thức duy nhất của ông Phúc là Nguyễn Xuân Hiếu đang định cư và có thẻ xanh ở Hoa Kỳ lên mạng và kêu gọi ông Phúc nên đưa con mình về Việt Nam sinh sống.

 Không chỉ đương kim thủ tướng có con  định cư ở Mỹ,  trong chính quyền cộng sản rất nhiều lãnh đạo cấp cao có con cháu đang sống ở siêu cường thế giới đại diện cho xã hội thù địch: tư bản chủ nghĩa.

 Con gái của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; con trai và con gái của Tổng biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Công Khế; con trai của Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến; cháu nội của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh; con trai của nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung…

 Facebooker Thạch Thảo từ năm 2019 gọi đây là hiện tượng “Cha ông đánh Mỹ nhưng con cháu lại có quốc tịch Mỹ”.

Bà viết: “Làm quan Việt Nam, so sánh giữa lương bổng và tài sản là một khoảng cách  khủng khiếp. Tìm hiểu sẽ giật mình vì ai cũng giàu có, biệt phủ, hotel, bất động sản trong và ngoài nước. Nhiều nhân vật cao cấp có phần đằng sau những dự án kinh tế, tập đoàn lớn, con số đếm không xuể nếu kê khai ra. Cứ làm quan một người là kéo theo dòng họ 3 đời vào vị trí nắm chức quyền. Người ta ưu tiên lý lịch nhất thân – nhì thế hơn là năng lực. 


Đây là một trong những yếu tố tạo nên dị biệt, đưa đất nước thụt lùi không như các quốc gia tiến bộ.

Đúng là thiên đường, vậy mà người ta không biết hưởng, lo xa tìm đường an phận và lui cuối đời quá sớm. Đại bản doanh sân sau lại là đế quốc Mỹ mới oái ăm.

 Wall Street Journal công bố theo  U.S Immigration Fund dòng thác tiền dưới danh nghĩa đầu tư theo chương trình EB- 5 của viên chức và người giàu Việt Nam chiếm chỉ số cao. Số tiền đầu tư bất động sản chỉ sau Trung cộng.

Nếu có biến xã hội chính trị, trong tay họ đã có thẻ xanh hay bằng quốc tịch Hoa Kỳ.

Thời đại quang vinh sống hai mặt giả dối, viên chức cấp thấp chạy, viên chức cấp cao cũng chạy. Hiện tại phải gọi là vô số kể con cháu, gia đình viên chức đang sống an toàn mọi nơi trên nước Mỹ.

 Các quan Việt Nam nói một đường làm một nẻo, không biết đâu mà mò.

Lẽ nào qua Mỹ tìm đường cứu nước ?!”

 

 *

Lan Anh (Thoibao.de) 

2020.10.13 


**


 

 

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025