Truyện ngắn

TỰ TRUYỆN CỦA TÍM



 

ĐIỆP MỸ LINH

Một buổi chiều im vắng bên dòng sông Cái Lớn. Theo hướng gió mơn man trên rừng dừa nước, Tím đẩy mái chèo một cách khoan thai, nhẹ nhàng. Chiếc xuồng nhỏ rẻ nước, lặng lờ trôi ngang đồn Nghĩa Quân. Tiếng đàn và tiếng hát nghe văng vẳng xa xa. Khi xuồng đến gần, Tím thấy một người lính đang ôm “cây đàn số 8” – do trẻ em trong làng đặt tên; vì không đứa nào biết cây đàn này tên là Guitar mà chỉ thấy thùng đàn giống như số 8 – ngồi trên hầm chống pháo kích. Người lính cứ say sưa hát:

“… Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói: ‘Thương anh!” (1)

Không thể nào Tím hiểu được ý nghĩa của lời ca. Nhưng giai điệu thiết tha, êm đềm của dòng nhạc cùng với âm thanh trầm trầm của “cây đàn số 8” và mấy tiếng “anh nhớ” và “thương anh” gieo vào lòng nàng thôn nữ – vừa qua tuổi dậy thì – nhiều ước mơ và mộng tưởng. Tím muốn “ủi” xuồng vào bờ để nghe “cho đả”; nhưng chợt nhớ, quanh đồn là khu vực quân sự, cấm lai vãng, Tím đành phải vừa chèo chầm chậm vừa lắng nghe. Bất ngờ người lính trên vọng gác chỉa súng xuống, nói lớn:

-Tránh xa! Đừng tới gần! 

Tím giật mình, hơi hoảng sợ. Chợt nhớ, mỗi lần Việt cộng về làng thu thuế hoặc dọa nạt/dụ dỗ trẻ em và người làng đi theo quân “giải phóng”, Mẹ thường đem gạo/đường/cá khô, v.v… “ủng hộ” thì Việt cộng để gia đình Tím yên. Tím bắt chước Mẹ, cố nói lớn cho người lính gác nghe:

-Dạ, tui muốn biếu các anh mấy trái khóm ăn lấy thảo.

-Không được đâu. Tránh xa đi!

-“Xời”! Khóm ngọt như đường phèn …

Tím nói chưa dứt câu, chợt thấy người lính ngồi đàn trên hầm chống pháo kích ngưng đàn, ngẫng mặt, hỏi người lính trên vọng gác:

 -Cái gì vậy, Lộc?

-Dạ, không có gì đâu, thiếu úy. Cô ấy muốn biếu mấy trái khóm mà em không nhận.

Quay sang, thấy khuôn mặt ngây thơ của Tím, thiếu úy nói:

 -Cảm ơn em. Nếu em bán thì chúng tôi mua, trả tiền sòng phẳng; còn cho thì chúng tôi không nhận.

 -Mỗi ngày xuồng của tui chở khóm ra Tắc Cậu bán sĩ; tui đâu biết mỗi trái giá bao nhiêu mà bây giờ thiếu úy biểu tui bán lẻ lại? 

-Nếu em không bán thì chúng tôi không thể nhận khóm.
Tím chỉ tay về khóm cây ngoài vòng kẽm gai:

-Cho tui “tấp” xuồng vô chỗ bụi cây kia, tui đưa mấy trái khóm rồi thiếu úy cho tui “nhiu” thì cho.

 -Vâng. Em tấp xuồng vô chỗ đó đi.

Thiếu úy dựa Guitar vào ụ đất rồi mở cổng đồn, đi về phía khóm cây. Tím ngẫng nhìn thiếu úy và thấy bảng tên Nguyễn Dân. Nhiều quân nhân tò mò đến gần Dân. Sau khi Tím lấy 5 trái khóm để lên bờ, Dân lục tất cả túi áo, túi quần lấy tiền ra rồi xòe tay lượng định xem số tiền đó có thể đủ trả cho 5 trái khóm hay không. Thái độ của Dân làm cho mấy anh lính cười rộ lên; rồi mọi người đều lục túi lấy tiền, trao cho Dân. Dân đến bên xuồng, căn dặn Tím:

-Đây là số tiền tượng trưng của chúng tôi để cảm ơn lòng tốt của em. Em cẩn thận. Lần sau, nếu chèo thuyền qua đây, em nhớ chèo xa xa một chút để tránh rủi ro.

Tím thiệt thà quá đổi:

-Dạ, tui biết mà. Nhưng lâu quá “hỏng” được nghe tân nhạc, chiều nay nghe thiếu úy hát bài gì hay “wá”, tui muốn nghe “cho đả” nên “tấp đại” gần bờ chút mà!

 Nhóm lính trẻ lại cười rộ lên. Dân vừa trao tiền cho Tím vừa cười:

 -Cảm ơn em. Em cầm tiền đi!

 -Tui “hỏng” dám lấy tiền đâu, thiếu úy!

-Lúc nãy em đồng ý rồi. Nhớ không?

 Tím thở dài, miễn cưỡng nhận tiền. 

Về đến làng, chưa kịp “tấp” xuồng vào bờ, Tím đã thấy thằng Búng đang ngồi “chàng hãng”  trên đất, vót cây. Thấy Tím đang cột xuồng vào cây cọc, Búng vội để rựa và cây nhọn xuống, vừa chạy đến bên Tím vừa bảo:

Mày để tao cột cho. Tay mày yếu xìu, cột không chặt, rủi trời mưa, nước “dưng” cao, xuồng sút giây, trôi mất đó, mày!
Tím chưa kịp đáp, Cha của Tím từ trong nhà bước ra, bảo:

-Búng! Tao nói với mày mấy lần rồi; đừng chơi với con Tím nữa!

Búng hơi sừng sộ:
-Tui giúp nó chớ bộ tui … ăn thịt nó sao mà làm dữ vậy?

Cha của Tím bước đến, vừa giật sợi giây dừa từ tay Búng vừa nói:
-Tao cấm mày chơi với con Tím. Mày nghe chưa, Búng? 

Búng quay đi với thái độ giận dữ. Tím im lặng theo Cha vô nhà, lòng thắc mắc, không hiểu tại sao Búng là bạn của Lắm – anh của Tím – mà Cha lại không thích Búng. Vừa vào nhà, Cha đóng nhanh cửa lại, hỏi:

-Tím! Có khi nào thằng Búng hỏi mày về thằng Lắm không?

-Dạ, hồi anh Lắm mới đi, nó hỏi một hai lần gì đó; rồi thôi.

-Mày trả lời sao?

-Thì con nói như Cha Mẹ dặn là ở đây khổ quá, anh Lắm trốn nhà đi bụi đời.

-Nó có hỏi gì nữa không?

Tím lắc đầu. Cha thở dài nhè nhẹ. Sự thật thì – dù có đồn Nghĩa Quân nơi ngã ba và Nghĩa Quân trong đồn thường đi phục kính ban đêm và đi tuần ban ngày – tình trạng an ninh trong làng cũng vẫn bất ổn. Vì, ban ngày Việt cộng trốn trong hầm, dưới mấy vườn khóm, các đơn vị Nghĩa Quân đi tuần, đi kích không thấy hoặc không biết được. Ban đêm Việt cộng chia ra từng nhóm nhỏ: Nhóm này ra tỉnh lộ đặt mìn để sáng xe đò chạy ngang, bị nổ, chết người, giao thông bị gián đoạn; nhóm kia vào làng bắt dân đóng thuế hoặc buộc dân làng “ủng hộ” bất cứ thứ gì; nhóm khác chiêu dụ hoặc cưỡng bức trẻ em đi theo “giải phóng” để làm “anh hùng”; nhóm khác nữa lo đặt mìn trong lòng sông để tàu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị nổ, chìm, v.v… Vì muốn Lắm có tương lai và cũng vì lo ngại Lắm sẽ bị Búng dụ dỗ theo Việt cộng, Cha Mẹ của Lắm lén cho Lắm qua Rạch Giá, ở nhờ nhà người Chú để đi học. Khi rảnh và cuối tuần Lắm đi chài lưới với Chú. Nhưng nếu ai hỏi về sự vắng mặt của Lắm, gia đình đều bảo là Lắm trốn đâu “mất biệt”, có lẽ theo du đảng.

Dân làng vừa hết thắc mắc về Lắm thì bắt đầu chú ý đến lời nói và hành động hơi là lạ của Búng; vì thấy Búng thường chặt cây, vót nhọn như là làm bàn chông để bẩy thú vật và đôi khi Búng vắng nhà cả tuần; nhưng vì sợ Việt cộng và Búng trả thù, không ai dám nói ra. Đó là lý do Cha Mẹ của Tím rất lo lắng khi thấy Búng cứ “rà rà” muốn kết thân với Tím.

Sáng sớm hôm sau, đang sắp khóm vào xuồng, Tím thấy toán lính Cộng Hòa đi kích về, bước hàng một dọc theo “lộ đất” cạnh bờ sông, hướng về đồn Nghĩa Quân. Bất ngờ một giọng reo vui:

-Cô ơi! Có phải cô là người hôm qua “ủi” xuồng vô đồn, cho tụi tôi khóm hay không?

Dừng tay, nhìn toán lính, nhận ra anh Nghĩa Quân gác trên vọng gác chiều hôm qua, Tím cười:

-Dạ, em đó, anh Lộc! Thấy mấy anh, em nhớ anh Lắm của em “wá” hà!

-Anh Lắm cũng đi lính Cộng Hòa, phải không?

-Ảnh chưa tới 18 tuổi, là “con trai một” mà đi lính “cái nỗi gì”, anh!

Một anh lính vừa chuyền khóm hộ cho Tím vừa nói:

-Mấy “cha” sao không phụ chất khóm lên xuồng giúp người ta mà đứng đó?

Thế là nhóm lính chuyền khóm lên xuồng cho Tím. Vừa khi đó, Dân cùng với nhóm lính khác đến, hỏi:

-Tụi mày làm gì đây?

-Công tác dân vận, thiếu úy!

Hai tiếng thiếu úy làm Tím quay vội về phía nhóm lính mới đến. Nhận ra Dân, Tím chào:

-Dạ, chào thiếu úy.

-Gọi tôi bằng anh thôi. Em cỡ tuổi với nhỏ em của tôi mà. Em tên gì?

-Dạ, tui tên Tím. Em của thiếu…ý “wên”, của anh, chắc còn đi học, phải không?

-Vâng. Còn Tím, sau giờ buôn bán có đi học hay không?

-Mèng ơi! Trường cứ bị “tụi ôn dịch” – tiếng lóng dân làng dùng để chỉ Việt cộng – về phá sập và hăm dọa thầy cô giáo hoài; không ai dám dạy. Mấy năm nay, con nít trong làng cũng như tui, đâu có trường, đâu có ai dạy mà học!

Lời nói thật thà, mộc mạc và khuôn mặt xinh xinh của Tím làm Dân nhớ cô em lâu ngày chàng chưa về thăm. Chút tình cảm này khiến Dân nói không kịp suy nghĩ:

-Nếu có người dạy, em có muốn học hay không?

-Dạ, học chớ – mà ai thèm bỏ thì giờ dạy tui, Trời!

 -Hồi đó em học lớp mấy?

-Dạ, lớp bốn.

 -Tôi nghĩ nhiều anh em trong đồn có thể dạy kèm cho em.

 -Dạ, dạy kèm là dạy cái gì?

Nhóm lính chưa kịp cười, chợt nhận ra ánh mắt nghiêm khắc của Dân, đành im. Dân đáp:

-Là dạy thêm, dạy ngoài giờ học sinh đến trường.

-Dạ, Mẹ tui nói ai cũng “lấy dạ đong lúa chớ ai lấy dạ đong chữ”; vì vậy tui chỉ ước sao được học tiếng Anh để làm sở Mỹ, lấy tiền giúp Cha Mẹ thôi.

 Thấy toán lính dừng chân hơi lâu, trẻ em trong làng tò mò, kéo nhau đến, đứng quanh. Trong khi Dân hơi khó nghĩ vì Tím chỉ muốn đi làm sở Mỹ thì Lộc nói:

-Nếu cô Tím muốn học tiếng Anh thì chỉ có “ông thầy tui” mới dạy được chứ tụi tôi “bù trớt”!

Tím cảm thấy lòng rộn ràng vui, nhìn Dân, cười. Thấy nụ cười rạng rỡ của Tím, Dân không nỡ cắt đứt niềm hy vọng của cô gái quê xinh đẹp:

-Vâng, tôi có thể giúp em học tiếng Anh. Nhưng ngày nào em cũng đi bán khóm, làm thế nào em có thì giờ để học?

-Dạ, sáng tui phụ với Mẹ bán nước mía ngoài chợ. Trưa tui chở khóm ra Tắc Cậu bán sĩ; mà khóm gần hết mùa rồi anh ơi!

Hai tiếng “anh ơi” “ngọt lịm” của Tím làm cho nhóm lính nhìn Dân, cười. Dân nghiêm giọng:

-Nếu vậy thì tôi sẽ soạn bài bằng tiếng Việt, chỉ dẫn cho em cách phát âm. Soạn xong, khi mấy anh lính đi chợ tôi nhờ mấy ảnh ghé xe nước mía trao bài cho em. Thỉnh thoảng, nếu có dịp, tôi sẽ dò bài cho em nơi xe nước mía. Em nghĩ sao?

-Dạ, mỗi tháng anh tính “nhiu”?

-Cái cô này! Không ai bắt em trả tiền đâu!

Tím chưa kịp mừng thì nhiều tiếng “ồ” vang lên nho nhỏ trong nhóm trẻ em. Một em bé chạy vào nhà Tím, reo vui:
-Câu Mợ ơi! Ra coi nè! Chị Tím được mấy “ông” lính Cộng Hòa dạy học “hỏng” lấy tiền nè!

******
 Trong ánh đèn dầu leo lét, thấy Tím bậm bàn tay lại rồi vừa đọc vừa đưa từng ngón tay lên, đếm: One, two, three, four, v.v… Cha cười, hỏi:
-Tím! Mày học cái gì mà giống tụi con nít thường giấu tay sau lưng, nói “woảnh, tù, tỳ ra cái gì, ra cái này” vậy?
Tím chưa biết đáp lời Cha như thế nào, Mẹ lên tiếng: 

-Ông này! Để con nó học; “chọc quê” nó chi vậy?

Cha chưa kịp đáp thì nghe tiếng súng rền vang, hướng đồn Nghĩa Quân. Bước vội ra cửa, nhìn về hướng đồn, thấy đạn hai bên đan chéo nhau, sáng rực cả một vùng, Cha quay vội vào, thét lên:


-Xuống hầm, lẹ lên! Mẹ! “Tụi ôn dịch” lại pháo kích vô đồn nữa rồi! Xuống hầm không thôi đạn lạc!
Cha giở nắp hầm. Mẹ khom người chui xuống. Vừa dợm chui theo Mẹ, Tím thấy ngọn đèn dầu chưa kịp tắt, vội quay lui để thổi cho đèn tắt cho khỏi hao dầu. Bất ngờ, Búng cùng hai người đàn ông lạ xông vào, chụp tay Tím, lôi đi, trước đôi mắt thất thần của Cha! Cha buông rơi nắp hầm, chạy theo kêu cứu. Nhưng nhà ai cũng đóng cửa “tối thui” trong khi Búng và hai “thằng ôn dịch” lôi Tím lên chiếc tắc ráng, “dông mất tiêu”! Bất chợt, Cha nghe tiếng máy tàu xa xa rồi đoàn giang đỉnh của Hải Quân VNCH đang hướng về phía đồn Nghĩa Quân. Cha “khóc ròng”: “Trời! Phải chi mấy ổng đến sớm hơn một chút thì cứu được con tui rồi!”
Riêng Mẹ, nghe miệng hầm sập “cái ầm” mà không thấy Cha và Tím chun xuống. Chờ một lúc cũng vẫn không thấy Cha và Tím, Mẹ mở nắp hầm, leo lên. Thấy Cha trong tư thế như người mất hồn, Mẹ nhìn quanh, không thấy Tím đâu cả. Mẹ gào lên:

-Con Tím đâu?

Lúc này Cha mới “hoàn hồn”, đáp:

 -Thằng Búng dẫn hai thằng “ôn dịch” tới bắt nó đi rồi!

 Mẹ quỵ xuống như trái mít ướt chín cây bị sút cùi!

******

Tiếng trực thăng từ xa vọng lại. Chỉ một chốc sau, ba chiếc đáp xuống nơi bãi đáp dã chiến, bên ngoài hàng rào kẽm gai của đồn Nghĩa Quân. Thiếu tá Quận trưởng, thiếu tá chỉ huy trưởng đoàn giang đỉnh, Dân và vài sĩ quan đến bãi đáp đón ông Tướng Vùng cùng phái đoàn đến thị sát chiến trường.

Người bị thương – không phân biệt Nghĩa Quân, vợ con của Nghĩa Quân hay là “tụi ôn dịch” – đều được đưa sang hai chiếc trực thăng. Đầy người, hai chiếc trực thăng rời vùng lửa đạn trong khi Dân hướng dẫn vị Tướng Vùng thị sát quanh đồn.

Theo sự hướng dẫn của Dân, vị Tướng Vùng và phái đoàn đi trên sự đổ nát toàn diện do nhiều đợt tấn công bằng chiến thuật “tiền pháo, hậu xung” và “xa luân chiến” của Việt cộng để lại. Vị Tướng thở dài khi thấy người lính Nghĩa Quân tiếp tục âm thầm đào xới, tìm kiếm hình hài không toàn vẹn của bạn hữu, của vợ con và của… kẻ thù!
Xác người và mảnh rời của thân người được để gần bờ sông, chờ người nhà xác nhận hoặc chờ phương tiện đưa về nguyên quán. Xác của “tụi ôn dịch” được khiêng để ngoài vòng kẽm gai, phía sau đồn, sẽ được chôn nơi vùng đất mà các “đồng chí” của họ đã nằm đó từ những trận công đồn trước đây.
Trong cảnh tận cùng của thê lương, không ai – ngay cả vợ con của các anh Nghĩa Quân – còn giọt nước mắt nào để biểu lộ niềm đau khổ của mình! Ngoài tiếng xào xạc của khóm tre, không ai có thể nghe được bất cứ tiếng động nào nơi bờ sông nhuộm máu này!

Sau khi tiễn vị Tướng Vùng cùng phái đoàn trở lại bãi đáp dã chiến, thiếu tá Quận trưởng, chỉ huy trưởng đoàn giang đỉnh và Dân đứng chờ trong khi vị Tướng Vùng và phái đoàn bước lên trực thăng. Trực thăng quay cánh quạt, vừa nâng thân tàu lên, thiếu tá Quận trưởng, chỉ huy trưởng đoàn giang đỉnh và Dân đưa tay phải lên, chào. 

Trở lại đồn, sau một lúc bàn thảo, Dân cùng mọi người đi thẳng đến đoàn chiến đỉnh để về Quận họp hành quân, hoạch định kế sách thích ứng và biện pháp hữu hiệu hơn để tránh bớt tổn thất.
Chiều, từ Quận trở về, vừa từ chiếc Fom nhảy lên bờ, Dân thấy một người Nghĩa Quân bước vội đến, nói:

-Trình thiếu úy, cô Tím bị Việt cộng bắt đi tối hôm qua!
Dân trợn mắt: 

-Thiệt không, mày?

-Cả làng đều biết! Bộ tui dám “giỡn mặt” với “ông thầy” sao?

Dân mím môi thật chặt. Sau khi người Nghĩa Quân quay đi, Dân nghẹn ngào nhìn ra dòng sông Cái Lớn, lòng xót xa tự hỏi, không biết giờ này Tím bị địch hành xử như thế nào? Tại sao một cô bé quê hiền lành, chất phát, thiệt thà như Tím mà cũng bị chúng nó “lôi” vào cuộc chiến một cách tàn bạo như thế?

Bất ngờ, từ radio trên một trong các chiến đỉnh, dòng nhạc quen thuộc văng vẳng trong ánh nắng chiều. Với cõi lòng tan tác như vết tích của chiến trận đêm qua còn vương vãi trong sân đồn, Dân chậm bước, lắng nghe. Đến đoạn cuối, Dân tưởng như ca sĩ đang tỏ bày nỗi niềm thiết tha của Dân âm thầm dành cho Tím:

 “… Nhiều năm trời chẳng thương mình
Để anh thành kẻ bạc tình
Cầu xin cho mây về vui với gió
Dù có qua bao đắng cay
Muôn đời anh vẫn chờ em.” (2)

Đọc đến đây, Danny không thể đọc tiếp, vì quá xúc động! Cả một dĩ vãng hào hùng, khốn khó lẫn đau thương trong cuộc chiến bừng sống trong hồn chàng. Nhìn tên tác giả bài tự truyện, thấy chữ Tiffany Trần, Dân cố vận dụng trí nhớ xem trong số sinh viên ban Anh văn – do Dân giảng dạy tại Community College – cô nào tên là Tiffany Trần; nhưng không thể nhớ được.

Từ khi Hoa Kỳ có lệnh “cách ly” vì Covid-19, theo lệnh của tiểu bang, trường học đóng cửa. Học sinh, sinh viên học online. Giáo sư cũng dạy online. Để tạo nguồn cảm hứng cho sinh viên trong thời “Tàu dịch”, Dân đưa đề tài: “Hãy viết tự truyện về một phần đời của bạn”. Vì đa số sinh viên lớp Anh văn đều là người Á Đông và người Mễ, Dân đặc biệt cho phép sinh viên có thể chọn tiếng Việt hoặc tiếng Anh để diễn đạt ý tưởng của họ.

Trong những bài tự truyện của sinh viên Việt Nam, Dân nhận thấy, đa số sinh viên không thể phân biệt được trạng thái “cụ thể” và “trừu tượng”; do đó, họ dùng những từ ngữ rất khó chấp nhận và đặt không đúng vi thế, như: Tan chảy, cận nghèo, lâm sàn, trọn gói, thể hiện, điều khiển, v.v… Chỉ có Tự Truyện Của Tím là viết theo văn phong trong sáng – đượm chút mộc mạc, bình dị, rất dễ thương – của thời VNCH. Và cũng chỉ có Tự Truyện Của Tím mới đem đến cho chàng sự xúc động vô bờ như chính chàng đang bước từng bước trên vùng đất xưa.

Sự xúc động vừa lắng dịu, Danny “rà rà” “con chuột” vào hồ sơ, danh sách sinh viên để tìm điện thoại, địa chỉ của Tiffany Trần. Sau khi bấm số, nghe tiếng “allo” từ đầu giây bên kia, Danny nói tiếng Việt:

-Cho tôi được tiếp chuyện với Tiffany.

-Xin lỗi, ai đây?

-Tôi là thầy giáo Danny Nguyễn.

Nhận ra vị giáo sư Anh văn của trường Community College mà – sau khi vợ chồng thầy ly dị – nhiều nữ sinh viên Việt Nam sang đây du học đều cố “bẹo hình bẹo dạng” để chinh phục, chỉ với mục đích được ở lại Mỹ một cách hợp pháp, Tiffany hơi lúng túng:

-Dạ… dạ, thưa thầy, em là Tiffany.

Sau vài câu chào hỏi thông thường, Danny hỏi:

-Tiffany đang làm gì đó?

-Dạ, em đang theo dõi vụ chàng da đen George Floyd và các cuộc bạo loạn ở Mỹ.

-Tiffany nghĩ như thế nào về sự việc đó?

-Dạ, em nhớ người Anh có câu: “Two wrongs don’t make a right”.

-Tiffany chịu khó đọc sách và theo dõi thời sự. Tốt! Bây giờ tôi muốn hỏi Tiffany vài câu về bài Tự Truyện Của Tím, Tiffany có thể giúp tôi hay không?

-Trời! Thầy biểu cả lớp viết thì em viết chứ “sức mấy” mà em dám giúp thầy.
 
-Tôi chỉ muốn biết, làm thế nào Tiffany có thể biết được những chi tiết xảy ra trong đồn Nghĩa Quân sau đêm cô Tím bị Việt cộng bắt?

-Dạ, sau này gặp lại anh Lộc ở trại tỵ nạn bên Thái Lan, ảnh kể cho em nghe.

-Thì ra Tiffany là cô Tím. Đúng không?

-Dạ. Dạ, em.

-Làm thế nào Tím biết bài hát “Chờ Người” mà Tím đưa vào bài tự truyện?

-Dạ, anh Lộc kể rằng sau đêm đồn bị tấn công, thiếu úy Dân thường hát bài gì mà… “Chờ em chờ đến bao giờ…”. Em “để bụng” mấy chữ đó. Khi biết dùng iPhone em vô Google tìm thì thấy lời ca nguyên bài.

-Làm thế nào Tím biết được tâm trạng của thiếu úy Dân mà Tím viết?

-Dạ, em cứ “suy bụng ta ra bụng người”. Em nghĩ về ổng sao thì em cứ cho là ổng cũng nghĩ về em y vậy – như là niềm ước mơ vậy mà!

-Làm thế nào Tím thoát được bàn tay Việt cộng?

-Dạ, dễ “ẹc” hà, thầy! Sau thời gian ngắn, tạo được sự tin tưởng của “tụi ôn dịch”, “tụi nó” cho em đi theo mấy chiếc tác ráng để học cách làm giao liên. Một buổi chiều, chiếc tắc ráng chở em bất ngờ gặp đoàn tàu của Hải Quân VNCH từ sông Trèm Trẹm chạy ra. Em “nhảy đại” xuống sông, lặn thiệt sâu, thiệt lâu. Khi “hụt hơi” em trồi lên, bơi theo hai chiếc tàu nhỏ chạy sau cùng và được mấy ông Hải Quân vớt.

-Còn chiếc tắc ráng?

-Dạ, thấy tàu Hải Quân “tụi ôn dịch” “dông mất tiêu” chứ “sức mấy” mà dám “lạng wạng”!

-Ngã ba sông Cái Lớn và kinh Trèm Trẹm sâu lắm mà sao Tím dám nhảy xuống?

-Dạ, con nít miệt vườn như tụi em bơi như cá chứ “nhầm nhò” gì đâu!

-Làm thế nào Tím có thể trốn khỏi Việt Nam?

-Dạ, sau khi cứu được em, mấy ông Hải Quân đưa em qua Rạch Sỏi, nhắn anh Lắm vô Rạch Sỏi “nhận” em. Anh Lắm nhắn tin cho Cha Mẹ em biết chứ ảnh “hỏng” cho em trở lại làng xưa. Sau đó, ban ngày em phụ với Thiếm bán cá ở chợ Rạch Giá; ban đêm anh Lắm và em đi học Anh văn. Sau khi “tụi ôn dịch” cưỡng chiếm miền Nam, Chú Thiếm dùng “ghe nhà” đưa gia đình của Chú Thiếm, anh Lắm và em ra biển rồi qua Thái Lan.

-Tím đã tự cứu mình, tìm được cuộc sống mới mà còn đi học thêm. Giỏi lắm!

-Dạ, em đi học cho vui, vì em về hưu “non”, ở nhà một mình “buồn muốn chết”!

-Nếu vậy thì về hưu “non” để làm gì?

-Dạ, cuộc đời của em đã “bầm dập/nát nước”, không còn gì nữa! Sống được tới giờ là may rồi, bon chen cho lắm cũng “bù trất” thôi!

-Sao bi quan quá vậy? Hãy tìm vui bên con cháu. Đừng nghĩ bậy!

-“Mèng ơi!” Em có lấy chồng đâu mà có con, có cháu, thầy!

-Tại sao Tím không lập gia đình?

-Dạ, cuộc đời em “te tua” quá đổi! Hết bị Việt cộng “dần” thì tới hải tặc “dần”! Em chỉ là “cái xác không hồn” chứ còn gì đâu! Em đã tự phá thai hai lần; tưởng chết rồi! Từ đó, em triền miên sống trong sự dày vò và ân hận! Lấy ông nào mà em cứ bị những hình ảnh hãi hùng của “tụi ôn dịch”, tụi hải tặc và hai thai nhi vô tội dằn vặt thì chỉ tội nghiệp cho ông đó chứ ích lợi gì đâu, thầy!

Không thể đè nén tình cảm lâu hơn nữa, Danny nói:

-Tôi sẽ gặp Tím trong vòng một tiếng đồng hồ.

Với bản tính chất phát, thật thà, chưa bao giờ Tím nghi ngờ Danny Nguyễn chính là thiếu úy Nguyễn Dân; vì vậy, Tím rất bối rối:

-Dạ…dạ…chi vậy, thầy? Em có nói gì tầm bậy không? Thầy làm em lo “wá” hà!

Dân cười, lập lại câu nói của chàng rồi tắt điện thoại.

Cho xe chạy với tốc độ vừa phải, Dân vừa nghe GPS – Global Positioning System – chỉ đường vừa mở radio. Giọng nam đang trình bày tình khúc Just the Way You Are của Billy Joel. Dân vừa gật đầu nhè nhẹ vừa hát theo nho nhỏ:

 “…I wouldn't leave you in times of trouble
We never could have come this far
I took the good times; I'll take the bad times
I'll take you just the way you are...”

Dân mỉm cười, vuốt mái tóc “muối” nhiều hơn “tiêu”, lòng lâng lâng trong niềm vui dịu dàng…

1.- Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn.
2.- Chờ Người của Lam Phương

*
ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/

**

Email của t/g Điệp Mỹ Linh gởi cho TỰ DO và bài viết bên trên.

 

 


 

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025