LẠI NÓI VỀ THUẾ
Vũ Linh
Thuế là vấn đề có thể nói quan trọng nhất đối với dân Mỹ, hiển nhiên vì nó đụng thẳng đến túi tiền của mỗi người, mỗi gia đình. Cũng chính vì lý do đó mà câu chuyện thuế luôn luôn được các chính khách của cả hai đảng khai thác để chiêu dụ hay hù dọa cử tri tùy nhu cầu.
Đáng tiếc, đó cũng là vấn đề phức tạp nhất, ít người hiểu rõ, nên chuyện khai thác và xuyên tạc rất dễ làm và rất hữu hiệu trong mục tiêu tung hỏa mù, lừa thiên hạ thiếu hiểu biết mà lại dễ hoảng hốt vì sợ mất tiền, hay vui mừng vì tưởng sắp được tiền.
Bây giờ, ta xem kỹ lại câu chuyện thuế này.
Phải nói ngay, bài này được viết với hy vọng giúp cộng đồng tỵ nạn hiểu vấn đề thuế chính xác hơn, chứ không nhắm mục đích tranh cãi với các cụ DƯT vì hầu hết các cụ này nếu không sống bằng trợ cấp thì cũng bằng tiền già SSA, chẳng đóng thuế nên không hiểu và không muốn hiểu chuyện thuế khoá gì hết.
Nước Mỹ, từ cấp liên bang đến tiểu bang đến địa phương, có cả vạn thứ thuế với mục đích và hình thức khác nhau. Ở đây, ta sẽ chỉ bàn về món thuế chính là thuế trên lợi tức cá nhân -personal income tax- và lợi nhuận công ty, corporate income tax. Mà cũng chỉ bàn dưới khiá cạnh thuế liên bang thôi, không bàn về thuế lợi tức tiểu bang tuy nguyên tắc căn bản giống nhau.
Ai cũng biết thành quả rõ rệt và lớn nhất của TT Trump trong nhiệm kỳ vừa qua của ông là luật giảm những thuế lợi tức đó. Luật này bị phe cấp tiến công kích mạnh, bôi bác một cách rẻ tiền đó là giảm thuế cho ‘nhà giàu’, và cụ Biden đã hứa sẽ thu hồi luật này ngay nếu cụ đắc cử. Sự thật như thế nào, xin được bàn cho rõ.
Như đã bàn trong bài bình luận đầu tiên ra mắt DĐTC này, tháng Chạp 2017, Nhà Nước thu thuế lợi tức có ba mục tiêu chính:
1. Mục đích tài chánh: chi trả kinh phí quốc gia
Đầu tiên và rõ nhất: thuế là nguồn tiền để Nhà Nước chi cho những mục tiêu có lợi chung như quốc phòng, an ninh trật tự, an sinh xã hội, giáo dục, giao thông, tiện nghi công cộng, trả lương công chức,…
Cả hai đảng đều khai thác nguồn tiền này. Không có cách nào khác.
2. Mục đích kinh tế: điều hành kinh tế
Trong chế độ kinh tế thị trường, Nhà Nước không thể can thiệp trực tiếp vào guồng máy kinh tế, mà chỉ có thể can thiệp gián tiếp, đặc biệt là bằng chính sách thuế, bên cạnh các biện pháp khác chẳng hạn về lãi suất tín dụng, số lượng tiền mặt lưu thông ngoài thị trường, luật lệ và thủ tục kinh doanh,…
Khi kinh tế trì trệ hay khi Nhà Nước muốn kinh tế tăng trưởng mạnh hơn thì giảm thuế để dân có thêm tiền xài, mua hàng nhiều hơn, các công ty có thêm tiền đầu tư vào hãng xưởng, thuê nhân công, tăng gia sản xuất. Ngược lại khi kinh tế sôi sục quá, để tránh lạm phát thì Nhà Nước tăng thuế, thu bớt tiền để dân xài bớt lại. Hay khi Nhà Nước muốn thực hiện một dự án lớn, tăng thuế để có tiền làm. Thuế không khác gì cái vòi nước mà Nhà Nước dùng để mở hay khoá nguồn tiền, số lượng tiền lưu thông.
Đảng CH ưu tiên sử dụng thuế như công cụ kinh tế này. Nhưng cũng có những tổng thống DC dùng phương pháp giảm thuế để kích động kinh tế như TT Kennedy năm 1962, hay TT Obama năm 2009-2012 khi ông duy trì chính sách giảm payroll tax của TT Bush con.
3. Mục đích xã hội: tái phân phối lợi tức.
Hầu như tất cả chế độ thuế trên thế giới đều mang tính lũy tiến. Nghĩa là những người có lợi tức cao phải đóng thuế theo tỷ lệ cao hơn để bù đắp cho những người lợi tức thấp đóng thuế ít hay không đóng thuế gì hết. Coi như Nhà Nước lấy tiền của những người giàu để lo cho người nghèo, như trả bảo hiểm y tế, tiền thất nghiệp, tiền trợ cấp đông con,… Đây là hình thức tái phân phối lợi tức.
Đảng DC coi trọng khiá cạnh công cụ xã hội này hơn.
Đây là nói về nguyên tắc tổng quát. Trên thực tế, đảng CH chủ trương một Nhà Nước càng nhỏ càng tốt, tránh can thiệp vào cuộc sống của thiên hạ càng nhiều càng tốt, do đó cần ít tiền thuế hơn, trong khi đảng DC lo bành trướng tối đa vai trò vú em, với hàng hà sa số luật lệ, và đủ kiểu trợ cấp, do đó cần rất nhiều tiền thuế.
Thuế là một vấn đề cực kỳ phức tạp, viết cả trăm cả ngàn cuốn sách vẫn chưa đủ.
Ở đây, tôi sẽ tự giới hạn vào hai chuyện then chốt đã được bàn tán ồn ào cả mấy năm qua, đặc biệt là trong mùa bầu cử này. Đó là:
- TT Trump giảm thuế nhà giàu,
- TT Biden sẽ tăng thuế nhà giàu.
TT TRUMP GIẢM THUẾ NHÀ GIÀU
Năm 2018, TT Trump tung ra luật thuế mới, theo đó tất cả những người đang đóng thuế và tất cả các cơ sở kinh doanh lớn nhỏ đều được giảm thuế.
Đảng DC, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của TTDC, tung tin Trump lo cắt thuế nhà giàu, rồi sẽ bù đắp thiếu hụt bằng cách cắt giảm trợ cấp cho dân nghèo.
Tố cáo này chỉ là fake news do phe cấp tiến tung ra với mục đích mỵ dân, lừa dân chống Trump thôi. Kẻ này xin dẫn chứng một thí dụ cụ thể nhất.
Chủ tịch Tổng Giám Đốc (Chairman & CEO) ngân hàng Bank of America (BoA), ông Brian Moynihan năm 2019 có lợi tức hơn 26 triệu, mức lương phải chịu thuế lợi tức cá nhân -personal income tax- chỉ có 1,5 triệu, còn lại phần lớn là trị giá cổ phiếu ông nhận được như tiền thưởng hay theo thành quả ghi sẵn trong hợp đồng làm việc, chịu thuế đánh trên lãi tài sản -capital gain tax- ở mức 20% từ thời Obama, không thay đổi. Dưới luật thuế cũ, ông phải đóng thuế lợi tức ở mức 39,6% trên số lương 1,5 triệu hay là 594.000 đô thuế; dưới luật mới của Trump, ông phải đóng 37% hay 555.000 đô thuế, tiết kiệm cho ông được 39.000 đô thuế. Đó là cái mà những người cuồng chống Trump la hét vỡ nhà vỡ cửa: Trump ra luật thuế giúp nhà giàu giàu thêm. Xin lỗi, gia tài ông xếp BoA cả mấy trăm triệu, có thêm mấy chục ngàn một năm có gì đáng la ó?
Chưa hết, trụ sở chính của BoA ở Charlotte, tiểu bang North Carolina. Ở đó, tất cả mọi người phải đóng thuế lợi tức cho tiểu bang là 5,25%. Ông CEO của BoA phải đóng 78.750 đô thuế lợi tức cho tiểu bang. Vẫn chưa hết đâu, quý vị ơi. Ông Moynihan có căn nhà trị giá đâu 10 triệu đô; thuế nhà ở North Carolina là 0,8%, tức là ông phải đóng thuế nhà cỡ 80.000 đô một năm. Tổng cộng, ông phải đóng 78.750 + 80.000 = 158.750 đô thuế cho tiểu bang North Carolina (chưa kể các thứ thuế linh tinh lặt vặt khác).
Theo luật thuế cũ, ông được trừ hết số tiền này vào thuế liên bang. Theo luật thuế của TT Trump, ông chỉ được trừ tối đa 10.000 đô thôi, tức là phải đóng thêm 148.750 đô thuế cho liên bang.
So sánh 39.000 bớt thuế và 148.750 thêm thuế, thì ông này đã phải đóng thêm 109.750 đô tiền thuế lợi tức cho liên bang dưới luật thuế mới của TT Trump. Như vậy luật thuế mới của TT Trump giúp ông đại gia này giàu thêm chỗ nào?
Thí dụ này chứng minh rõ ràng những tố giác Trump cắt thuế nhà giàu chỉ là xuyên tạc láo để lừa ‘dân nghèo’ không hơn không kém. Đây là cách hiểu của tôi. Vị cao minh nào thấy tôi sai chỗ nào, kính xin chỉ giáo để tôi học hỏi thêm.
Thật ra luật thuế mới chỉ giảm thuế lợi tức cá nhân cho các đại gia có 2,6%, không có gì ghê gớm hết. Các ông triệu phú hay tỷ phú có phải đóng thêm hay đóng bớt vài chục ngàn hay vài trăm ngàn thuế cũng chỉ là … muỗi đốt gỗ đối với họ.
Cái đáng nói trong luật thuế mới của TT Trump là giảm thuế trên lợi nhuận công ty từ 35% xuống 21%, một cắt giảm rất lớn.
Tại sao lại cắt nhiều như vậy? Xin thưa ngay, để giúp các công ty có dịp giữ lại nhiều tiền lời hơn. Nhưng không phải để họ bỏ túi chơi đâu, mà chỉ vì lý do rất đơn giản là họ được giữ lại nhiều tiền lời hơn, khuyến khích họ đầu tư thêm, mở mang công ty, mở thêm hãng xưởng để sản xuất nhiều hơn, mở thêm tiệm bán -outlets-, thuê thêm nhân công, mua thêm máy móc, … Nhân tiện, cũng khuyến khích các công ty không chạy ra nước ngoài đầu tư nữa, mà lo tái đầu tư tiền lời lại tại xứ Mỹ này. Tất cả giúp phát triển kinh tế Mỹ.
Hậu quả cụ thể nhất là trong năm 2019, hơn 1.000 tỷ đô đã được các đại tập đoàn Mỹ mang từ ngoài nước về Mỹ, giúp mở thêm không biết bao nhiêu công ty, hãng xưởng, tạo cả triệu việc làm mới cho dân lao động Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất từ nửa thế kỷ nay, cho dân lao động da trắng, da nâu và da đen.
Nghe quá có lý, phải không? Thế thì tại sao đảng DC cũng không làm như vậy?
Tại vì ý thức hệ thiên tả của đảng DC không chủ trương phát triển kinh tế, mà lo tái phân phối tài sản và lợi tức quốc gia cho đồng đều hơn. Trong mô thức phát triển của CH, tất nhiên sẽ có cuộc chạy đua làm giàu, và sẽ có người giàu nhanh, người giàu chậm, không đồng đều, có thể đưa đến tình trạng hố phân cách giàu nghèo lớn ra thêm. Ý thức hệ tả phái theo xã hội chủ nghĩa, lo làm sao cho tất cả được đồng đều cho dù đồng đều trước chén bo bo.
Một hình ảnh kẻ này đã dùng nhiều lần: có một cái bánh pizza cho cả nước Mỹ cùng ăn. Đảng CH muốn làm cho cái bánh lớn ra, phần của mỗi người lớn ra, ai cũng được nhiều hơn, tuy không đồng đều. Đảng DC chủ trương cứ để cái bánh như vậy nhưng lo chia phần mỗi người cho đều hơn. Nghe cũng tạm được, nhưng vấn đề là số người ăn bánh không khựng lại, mà gia tăng nhanh, từ đó đi đến hậu quả cái bánh không lớn ra thêm thì phần mỗi người ngày mỗi ít đi. Đã vậy, đảng DC còn đòi cho di dân lậu cùng được ăn cái bánh đó, được hưởng mọi trợ cấp, kể cả giáo dục miễn phí, y tế miễn phí,… Chưa nói tới chuyện hô hào mở toang cửa biên giới đón thêm không bao nhiêu triệu người nữa vào cùng ăn cái bánh đó.
Nhân đây cũng phải nói cho rõ: có người đã biện minh di dân lậu cũng đã đóng thuế chứ không phải không đóng xu thuế nào, cụ thể là khi họ mua hàng, đã phải chịu thuế doanh thương -sales tax. Không sai, nhưng sales tax là thuế của tiểu bang, liên bang không hưởng được xu nào trong khi các chi tiêu công cộng lớn như quốc phòng, an ninh quốc gia, an sinh, Medicare, phần lớn Medicaid là chi tiêu của liên bang.
Riêng tại Mỹ, đảng DC còn có một lý do để không quan tâm nhiều đến phát triển. Nghe thì có vẻ khá tàn ác, nhưng thực tế không chối cãi được là họ muốn cho càng nhiều người lệ thuộc vào các trợ cấp mà họ ban phát càng tốt, vì càng lệ thuộc vào đảng DC sẽ càng cần phải bỏ phiếu cho đảng này. Thực tế chính trị phũ phàng!
Đảng DC tố cáo TT Trump cắt thuế nhà giàu để rồi bù đắp thiếu hụt ngân sách bằng cách cắt trợ cấp người nghèo.
Trước tiên, cắt thuế dĩ nhiên là giảm thu nhập ngân sách, nhưng chỉ trong thời gian đầu hai ba năm là nhiều, sau đó nhờ kinh tế phát triển, số thuế thu vào sẽ tăng mạnh lại. Thực tế, trong xứ Mỹ hiện nay, kịch bản này đã bị COVID xáo trộn hẳn, chưa ai biết kinh tế khi nào mới phục hồi trọn vẹn và thu nhập thuế sẽ tăng mạnh lại. Phe DC đang tận tình khai thác thảm họa này để công kích giảm thuế của TT Trump đã tăng thâm thủng ngân sách và công nợ lên đến tám từng mây.
Về chuyện cắt trợ cấp, kẻ này sống ở Mỹ từ 1975, qua 4 đời tổng thống CH và 3 đời tổng thống DC, mỗi lần có bầu cử là lại nghe bài ca con cá vàng CH cắt trợ cấp, DC tăng trợ cấp. Thật ra, chưa có ông tổng thống CH nào cắt trợ cấp mà cũng chẳng có ông tổng thống DC nào tăng trợ cấp hết. Chính xác, đã có một ông CH, Bush con, đã khai sanh ra một trợ cấp mới là chương trình Part D trong Medicare, trả tiền thuốc cho những người cao niên.
Một câu hỏi cho dân tỵ nạn nghèo: từ ngày luật thuế mới của TT Trump được ban hành đầu năm 2018, đã có một người nào bị cắt một xu trợ cấp, tiền già hay tiền Medicaid chưa? Ai đã bị, xin chia sẻ kinh nghiệm cho tất cả mọi người biết.
Dù sự thật lịch sử là vậy, cái chiêu bài CH nói chung và Trump nói riêng lo giảm thuế nhà giàu, cắt trợ cấp nhà nghèo vẫn được lải nhải không ngừng, chỉ vì đó là một chiêu bài mỵ dân rất ăn khách vì rất dễ hiểu và rất nhạy cảm, đánh thẳng vào tâm lý bực bội, dồn nén của ‘người nghèo’.
TT BIDEN SẼ TĂNG THUẾ NHÀ GIÀU
Phe DC và cụ Biden cho rằng TT Trump cắt thuế là sai lầm vì đó là cắt thuế nhà giàu, và cụ Biden long trọng hứa sẽ thu hồi luật giảm thuế của TT Trump. Vẫn chỉ là loay hoay tìm cách để thu thêm thuế theo đúng mô thức DC thôi. Nhưng không thu hồi hết đâu vì dĩ nhiên có mọc tám cái sừng, cụ cũng không dám thẳng thừng tăng thuế dân trung lưu hay dân nghèo đâu, mà chỉ chỉ dám tăng thuế đánh trên đầu ‘bọn tư bản bóc lột’ thôi.
Lập luận của đảng DC, từ TT Obama cho đến cụ Biden và cả TTDC rất giản dị: nhà giàu cần phải chịu gánh nặng thuế ‘công bằng’ hơn -fairer share-, nghĩa là họ phải bị đánh thuế nặng hơn nữa.
Nghe thì cũng tạm được, nhất là kẻ này trong túi chỉ có một mớ bạc cắc, may ra thì được xếp vào loại ‘trung lưu xoàng’, bảo đảm không ai cả gan dám tăng thuế kẻ này hết. Nhưng nếu ta chịu khó bỏ ra 3 phút để suy nghĩ cho kỹ thì thấy các ông bà cấp tiến đang cho ta ăn bánh vẽ không hơn không kém.
Trước hết, ta nhìn qua tình hình đóng thuế ở Mỹ nói chung. Đại khái:
- Xấp xỉ 45% dân Mỹ ‘nghèo’ chẳng đóng một xu thuế nào hết ráo, tuy họ lại là những người lãnh tới 2/3 các loại trợ cấp.
- Khối 45% trung lưu đóng chưa tới 1/3 thuế của liên bang thu được.
- Khối 10% dân giàu nhất đóng hơn 2/3 tổng cộng số tiền thuế IRS thu được.
Quý vị lưu ý:
- Mảnh xanh (giàu) khá nhỏ trong dân số, nhưng chiếm gần ba phần tư tỷ lệ thuế.
- Mảnh xám (nghèo) chiếm gần một nửa dân số, nhưng không có trong tỷ lệ thuế.
Cái tính lệch lạc rõ hơn ban ngày, hậu quả của chính sách thuế lũy tiến, nhưng vẫn không cản được các chính khách DC mỵ dân tố nhà giàu cần phải đóng thuế thêm nữa cho ‘công bằng’. Vấn đề hiển nhiên là phải định nghĩa lại cho rõ thế nào là ‘công bằng’.
Thật sự mà nói, đánh thuế thêm trên những nhà giàu, ngoài vấn đề không công bằng như nêu trên, còn có nhiều hậu quả cực tai hại mà phe cấp tiến không dám đả động tới, nhưng kẻ này ‘gan cùng mình’ sẽ vạch ra cho rõ.
1. Cách đây ít năm, chính quyền của TT thiên tả Francois Hollande của Pháp ra luật thuế mới, tăng thuế các đại gia từ đâu 55%-60% vọt lên tới đâu 70%-75%. Kết quả, cả trăm, cả ngàn đại gia triệu phú Pháp bỏ nước Pháp qua sống tại các nước khác với thuế xuất ít khùng điên hơn. Đại tài tử Gerard Depardieu bỏ Pháp xin gia nhập quốc tịch Nga! Cả nước bị khủng hoảng tài chánh ngay vì mất tiền thuế thu vào, và khủng hoảng kinh tế vì quá nhiều hãng xưởng đóng cửa đi ra ngoài nước. Chỉ hai năm sau, TT Hollande đành phải thu hồi luật thuế điên của ông ta.
Mỹ chưa đi đến tình trạng đó, nhưng dưới thời TT Obama, ông này suốt ngày đe dọa sẽ tăng thuế công ty, khiến các đại công ty Mỹ không dám lấy rủi ro phát triển công ty sợ bị bóp cổ chết. Hàng loạt đại công ty rủ nhau qua Tầu, Ấn, Việt Nam,... mở hãng, giết lao động Mỹ. Apple tích lũy 250 tỷ đô tiền mặt ngoài nước, không dám mang về Mỹ sợ bị IRS trấn lột hết.
Nói cách khác, người ta chỉ có thể tăng thuế đến một mức nào thôi.
Nhìn vào các chương trình của đảng DC và của cụ Biden hiện nay, cho dù bây giờ Mỹ có tăng thuế tất cả mọi người lên tới mức mát giây 100% hết thì cũng vẫn chẳng đủ để mua những bánh vẽ khổng lồ của cụ Biden, chưa nói đến những bánh vẽ còn khổng lồ hơn nữa mà phe cực đoan trong đảng DC thuộc cánh Sanders-Warren-Ocasio Cortez đang ép cụ Biden phải nhận.
2. Các đại gia triệu phú đều không ai ngu hết, ngu thì họ đã không là triệu phú. Họ sẽ tìm đủ cách lách để đóng thuế rất ít, và họ dư tiền thuê những chuyên gia tài chánh và luật thuế cao siêu nhất để giúp họ. Vâng, đây là chuyện ông doanh gia Trump đã làm. Chẳng có gì phạm pháp cả. Chỉ là tim cách đóng thuế càng ít càng tốt, là chuyện 100% tất cả những người đóng thuế đều làm. Đừng ai giả dối sỉ vả ông Trump. Đạo công giáo khuyên mọi người trước khi ném đá, nên tự soi gương nhìn mặt mình trước
3. Cụ Biden long trọng hứa chỉ tăng thuế những người có lợi tức trên 400.000 đô một năm thôi. Nghe quá vui phải không, thưa quý vị? Dân tỵ nạn chẳng có bao nhiêu người có lợi tức cao như vậy, we dont care, đúng không?
4. Trên thực tế, đúng như nghị sĩ Ted Cruz, CH của Texas đã từng nói “Nước Mỹ không có đủ triệu phú để chi trả cho các chương trình khổng lồ của cụ Biden và phe cấp tiến DC đâu”. Để rồi cuối cùng, sẽ như cụ xã nghĩa Sanders đã ‘thành thật khai báo’, dân trung lưu cũng sẽ phải bị tăng thuế thôi.
Quan trọng hơn xa, rất xa việc tăng thuế lợi tức cá nhân trên những ông triệu phú, là việc cụ Biden sẽ tăng thuế lợi nhuận công ty từ mức 21% lên mức 28%, bất kể công ty lớn nhỏ. Tức là kể cả các tiểu thương như tiệm bán vải hay tiệm phở ở khu Bolsa. Đó mới chính là nguồn thu thuế lớn nhất.
Câu hỏi của quý vị: rồi sao? Chuyện ông chủ tiệm phở bị đóng thuế thêm chút đỉnh ăn nhậu gì đến tôi? Tôi là dân thất nghiệp hay đã về hưu sống bằng oeo-phe chẳng đóng xu thuế nào, hay tôi là công chức cạo giấy quèn, làm lương năm bẩy chục ngàn dĩ nhiên sẽ không bị tăng thuế, còn ông chủ tiệm phở? Hắn giàu có, mở tiệm phở rồi còn mua hai ba cái nhà cho thuê nữa, bị đóng thêm chút thuế cho đáng đời.
Thưa quý cụ, trên cõi đời ô trọc này, mọi chuyện không giản dị vậy đâu.
Nếu ông chủ tiệm phở ngoan ngoãn đóng thêm chút thuế, chấp nhận bớt ít tiền vào túi, thì ông là một doanh gia hạng bét, không biết mô tê gì về kinh doanh, sẽ sớm xập tiệm, đi tìm job làm gác dan nhà kho là vừa.
Trên thực tế, ông ta không ngu dại như vậy đâu. Thua me gỡ bài cào, ông ta sẽ tìm cách bù đắp lại. Có nhiều cách lắm.
- Nhìn chung quanh, không thấy có tiệm nào cạnh tranh với mình được, hay tiệm mình quá ngon, có quá nhiều khách mê phở của mình còn hơn là mê ... 'phở chân dài', không thể bỏ qua được. Thế là ông ta mau mắn tăng giá tô phở ngay, chẳng hạn từ 10 đô lên tới 11-12 đô.
- Nhưng nếu gần đó, có quá nhiều tiệm phở cạnh tranh với nhau, ông tăng giá thì sẽ mất khách, là tự vận, nên sẽ tìm cách khác. Ông vẫn giữ giá cũ, vẫn 10 đô một tô phở, nhưng dặn anh nhà bếp nhớ bớt đi 2 lát thịt nhé, hay nhớ đợi cục thịt đông lạnh, cố thái miếng thịt cho mỏng hơn. Hay bớt đi một nhúm bánh phở. Mấy cái đĩa rau sống, bớt một phần ba đi. Hay nhìn thằng khách hàng xem nếu nó người Mễ hay Mỹ gì đó thì đổ thêm chút nước lạnh rồi bù thêm nửa muỗng bọt ngọt vào thay thế. Ít thôi đấy, nhiều bột ngọt quá nó sẽ biết ngay.
- Hay nếu bà chủ không cho phép thêm bớt gì vào nồi phở vì sợ mất tiếng ‘phở gia truyền chợ Cầu Ông Lãnh’ gì đó thì ta xoay sở với ly cà phê: cho ít sữa hay ít đường vào, hay những cụ nào muốn ca-phê sữa đá thì còn khỏe hơn nữa, cho cụ ấy uống ca-phê sái nhì, sái ba cũng được, rồi bỏ thêm vài cục đá nữa.
- Hay giản dị hơn nữa, cho vài anh chị phục dịch nghỉ việc, mất job. Theo một chuyên gia kinh tế, kế hoạch thuế của cụ Biden sẽ khiến ba triệu người mất job.
Ở đây cũng phải ghi nhận, có nhiều tiệm phở sẽ không được tổ chức dưới hình thức công ty -not incorporated-, thu nhập và lợi tức của tiệm được xếp vào thu nhập và lợi tức cá nhân của ông chủ, không chịu thuế công ty -corporate tax-. Trong trường hợp đó, số thu nhập của tiệm coi như thu nhập cá nhân của ông bà chủ tiệm, chắc chắn sẽ cao hơn 400.000 đô một năm, và sẽ vẫn bị cụ Biden vồ ngay. Đóng thuế lợi tức 39,6%! Chắc ăn nhất, chuyển qua bán... phở chay không thịt!
Nhìn vào tình trạng đó, xin hỏi quý vị, cuối cùng thì ai là nạn nhân của nạn tăng thuế nếu không phải chính là quý vị, kể cả những người chẳng phải đóng một xu thuế nào nhưng bị ông chủ tiệm phở chuyển tiền thuế của ông ta lên đầu, có phải vậy không, thưa quý vị?
Theo một nghiên cứu của Đại Học Pennsylvania, việc tăng thuế của cụ Biden sẽ đưa đến tình trạng từ 90% đến 95% dân Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả, tất cả đều bị tăng thuế, không nhiều thì ít. Ngoại trừ vài anh chị homeless!
Nói trắng ra, thưa quý độc giả, trên nguyên tắc nói đánh thuế ‘nhà giàu’ chỉ là vọng ngữ vì trên thực tế, không có ông nhà giàu nào ngớ ngẩn chịu đóng thuế một mình hết, buồn chết! Họ sẽ tìm mọi cách chuyển cái nợ thuế đó qua người khác, qua đám khách hàng của họ, là quý vị và tôi, là những người thích ăn phở. Cái nguyên tắc chuyển thuế qua đầu người khác là chuyện bình thường, mấy tay lái buôn Ba Tầu thời Hoàng Đế Lưu Bị cũng biết rồi. Giản dị như vậy thôi, các cụ ạ.
Dù vậy, thưa quý vị, cũng vẫn là chuyện nhỏ. Kinh tế vĩ mô hay kinh tế cả nước, như phần trên đã nói, khi trì trệ, gặp khó khăn, thì giải pháp bình thường là giảm thuế để giúp các công ty vượt qua khó khăn, không bán được hàng, thu nhập thấp không đủ sở hụi. Vậy mà bây giờ khi kinh tế đang bị khủng hoảng nặng vì COVID tấn công, cụ Biden lại cam kết một cách rất ‘hoành tráng’ sẽ tăng thuế ngay ngày đầu sau khi tuyên thệ nhậm chức, thì câu hỏi cho những vị nào có một ít khái niệm kinh doanh là chuyện gì sẽ xẩy ra?
Bác chủ tiệm phở ơi, cho tôi hỏi: bác đang gặp khó khăn, ế ẩm, bác bầu cho cụ Biden, đến tháng 2 năm 2021, tân TT Biden sẽ tăng thuế tiệm phở của bác lên ngay tới 28%, hay lợi tức cá nhân của bác lên 39,6%, bác nghĩ sao?
Ngày 3/11, khi bác vào phòng phiếu, xin nhớ trả lời câu hỏi này trước khi bỏ phiếu nhé bác!
*
Vũ Linh (Diễn đàn trái chiều)
2020.10.10
**
Nhận xét
Đăng nhận xét