"Cộng đồng chia sẻ tương lai" với Trung Quốc chỉ là cái vỏ rỗng?
"Cộng đồng chia sẻ tương lai" với Trung Quốc
chỉ là cái vỏ rỗng?
chỉ là cái vỏ rỗng?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 12/12 năm 2023. Hai nhà lãnh đạo đồng ý xây dựng 'Cộng đồng chia sẻ tương lai" |
Việt Nam tham gia 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' với Trung Quốc chỉ là 'nỗ lực làm yên lòng Bắc Kinh' sau khi Hà Nội xích gần về phương Tây, các nhà quan sát nhận định với VOA, và việc này 'về cơ bản không thay đổi gì quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hay với Mỹ'.
Hôm 12/12, Việt Nam nhất trí xây dựng 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' với Trung Quốc theo lời đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp giữa ông Tập với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tuyên bố chung của hai nước ghi rằng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc 'có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại'.
Theo giải thích của ông Tập trong bài viết trên báo Nhân dân của Việt Nam thì 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' có nghĩa là Trung Quốc 'gắn kết sự phát triển của mình với sự phát triển của các nước láng giềng để mỗi nước đều có cuộc sống tươi đẹp'.
Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tương lai châu Á 'nằm trong tay người dân châu Á' trong ngụ ý nhằm loại vai trò của Mỹ ra khỏi khu vực.
Để lôi kéo Việt Nam tham gia ý tưởng này, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mở cửa hơn nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là nông sản, và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt Nam để tăng cường kết nối hai nước.
'Giữ thể diện cho ông Tập'
Việt Nam chấp nhận đề xuất này của Trung Quốc là để 'giúp ông Tập giữ thể diện' và 'giữ ổn định' sau khi họ đã nâng cấp quan hệ với Mỹ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi đầu tháng 9, ông Greg Poling, giám đốc Chương trình đông nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., nói với VOA.
“Tất cả thông tin đều cho thấy Hà Nội không muốn gia nhập ý tưởng của Trung Quốc về cộng đồng chung vận mệnh nhưng cuối cùng họ cảm thấy cần phải nhượng bộ trên vấn đề này,” ông Poling nói thêm
Ông lưu ý khái niệm này lúc đầu có tên là 'Cộng đồng chung vận mệnh' nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' để có sự bao trùm hẹp hơn. Theo lời ông thì khái niệm này chỉ là 'ngôn từ rất kêu nhưng nội dung không có gì nhiều'.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu đông nam Á ở Singapore nhắc lại ý tưởng về Cộng đồng chung vận mệnh của ông Tập Cận Bình không phải là điều gì mới mẻ và trước Việt Nam đã có 6 nước đông nam Á ký kết tham gia cộng đồng này.
“Khái niệm rộng và bao trùm nhiều vấn đề nhưng mà trên thực tế thực hiện như thế nào thì không được cụ thể lắm. Cho nên tôi nghĩ việc ký kết này nhìn chung mang ý nghĩa nhiều hơn về hình thức bên ngoài,” ông Giang nói với VOA.
Ông lưu ý cách nói 'chung vận mệnh' 'hơi nhạy cảm với Việt Nam', khó được Việt Nam chấp nhận, nên phải đổi thành 'chia sẻ tương lai'.
Khi được hỏi việc Việt Nam đồng ý với ý tưởng này có phải thành công của ông Tập trong chuyến công du Việt Nam hay không, ông Giang nói: “Phần nào đây là động thái tái cân bằng của Việt Nam khi mà trong năm qua Việt Nam đã có rất nhiều những cải thiện đáng kể về quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây.”
Theo lời ông giải thích thì khi chấp nhận ý tưởng này, Hà Nội muốn trấn an Bắc Kinh rằng họ 'sẽ không bỏ rơi Trung quốc để chạy sang phía bên kia cũng như sẽ không tham gia vào nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc'.
Cho nên chuyên gia cho rằng đây là động thái ngoại giao 'khá bình thường' của Việt Nam để đảm bảo an ninh của Việt Nam với Trung Quốc trong khi tạo điều kiện choViệt Nam có bước phát triển mới.
'Không có gì thay đổi'
“Cho dù là gì đi nữa, cộng đồng này không có ý nghĩa ngoại giao gì đối với Việt Nam – Trung Quốc vẫn chỉ là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam giống như Mỹ, Hàn, Nhật,” ông Greg Poling nói và lưu ý rằng các văn kiện được hai nước ký kết 'đều rất mơ hồ'.
“Việt Nam sẽ tiếp tục vận dụng tối đa đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ trong khi đi cùng phe với Mỹ và những nước đồng chí hướng khác trên các vấn đề quan tâm chung, trong đó an ninh trên biển.”
Ông Poling nhấn mạnh Hà Nội đã từ chối ký kết hợp tác với Trung Quốc về khoáng sản trọng yếu, bao gồm đất hiếm, mặc dù chính bản thân ông Tập vận động.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang chỉ ra trong hệ thống phân cấp về quan hệ ngoại giao của Việt Nam, cao hơn Đối tác chiến lược Toàn diện là 'Quan hệ đặc biệt' mà Việt Nam có với Cuba hay Lào chứ không phải với Trung Quốc, và 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' không tồn tại trong các khái niệm ngoại giao của Việt Nam.
Dẫn Tuyên bố chung giữa hai nước, ông Giang cho rằng Việt Nam 'đã cố gắng chèn vào những khái niệm mà Trung Quốc không thích' như 'tuân thủ luật pháp quốc tế' hay Công ước Quốc tế về Luật biển, tức UNCLOS'.
“Khi mà có thêm một cái gọi là 'Cộng đồng chia sẻ tương lai' giữa Việt Nam và Trung Quốc thì tôi nghĩ không thay đổi nhiều về bản chất mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước,” ông Giang nói.
Khi được hỏi liệu Việt Nam có bị Bắc Kinh lôi kéo khỏi các nước phương Tây, ông Giang nói: “Việc Việt Nam đồng ý tham gia Cộng đồng chia sẻ tương lai này không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn đi vào quỹ đạo của Trung Quốc hay chấp nhận khái niệm của Trung Quốc về trật tự thế giới.”
Lợi ích kinh tế
Ông Giang chỉ ra trong 36 văn bản ký kết thì đa số 'tập trung chủ yếu vào thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ'.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho nông sản của Việt Nam. Điển hình là trái sầu riêng, sau khi được Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhập khẩu chính ngạch hồi năm 2022, thì chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất gần 2 tỉ đô la Mỹ sầu riêng sang Trung Quốc, theo số liệu của giới chức thương mại Việt Nam.
Trong 36 văn kiện hợp tác được ký kết nhân chuyến thăm của ông Tập, có hiệp định xây cầu đường bộ qua biên giới và bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới.
Trước đó, trả lời báo chí trong nước, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, nói rằng nước ông sẽ tiến tới cho phép nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt từ Nam Ninh (Quảng Tây) đến Hà Nội và từ Hà Khẩu (Vân Nam) qua Lào Cai đến Hà Nội và Hải Phòng.
Ông Nguyễn Khắc Giang nhận định rằng Hà Nội 'rõ ràng cố gắng giữ ổn định quan hệ kinh tế-thương mại' với Trung Quốc và 'đang có nhu cầu rất lớn về vốn' để chuyển đổi sang năng lượng xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng' nên cũng muốn thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ Trung Quốc ở những dự án không quá nhạy cảm.
Do đó, ông cho rằng ít nhất cộng đồng này 'có lợi cho Việt Nam về giao thương và đầu tư với Trung Quốc'.
“Phải đảm bảo làm sao có những chính sách liên quan đến việc thông thương hàng hóa Việt Nam được minh bạch rõ ràng thay vì trở thành công cụ để Trung Quốc gây sức ép khi xảy ra những vấn đề phi kinh tế,” ông lưu ý.
Khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ hồi tháng 9, hợp tác kinh tế là nội dụng chủ đạo được đề cập giữa hai nước. Ông Giang cho rằng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong nước là động lực thúc đẩy Việt Nam có các động thái ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc.
“Với Việt Nam thì trong tất cả các cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn thì Việt Nam ở trong thế rất thuận lợi để thu hút đầu tư và hỗ trợ từ hai bên, và Việt Nam rõ ràng đã rất khôn ngoan trong việc cố gắng đi ở giữa để tận dụng tối đa lợi thế ấy.”
Biển Đông
Cả hai nhà nghiên cứu Greg Poling và Nguyễn Khắc Giang đều cho rằng 'Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc' sẽ 'không thay đổi gì tình hình trên Biển Đông'.
Ông Poling cho rằng không ai ở Việt Nam mong chờ sẽ sử dụng được đường dây nóng về đánh bắt cá giữa hai nước trên Biển Đông vừa được thiết lập còn ông Giang nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh và Hà Nội về Biển Đông vẫn không đổi.
Việt Nam là nước châu Á duy nhất mà ông Tập đến thăm trong cả năm qua, và là nước thứ hai sau Nga ông Tập đến thăm mà không kết hợp các hoạt động đa phương.
“Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của tôi trong năm nay,” ông Tập được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV dẫn lời nói với Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. “Điều này hoàn toàn cho thấy vị trí đặc biệt của mối quan hệ Trung-Việt trong tổng thể ngoại giao Trung Quốc.”
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét