Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar-Hamas dự định đưa người Palestine vào Bắc Cyprus và các khu vực của người Kurd

Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar-Hamas dự định đưa người Palestine
vào Bắc Cyprus và các khu vực của người Kurd
Khu lều trại dành cho người Palestine tìm nơi ẩn náu được dựng trên khuôn viên của trung tâm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) ở Khan Yunis, phía nam Dải Gaza hôm 19/10/2023.
(Ảnh: Mahmud Hams/AFP qua Getty Images)

Tác giảGregory Copley
Biên dịchThanh Nguyên
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang dự định đưa tới 1/4 triệu người Palestine từ Dải Gaza vào các khu vực của người Kurd ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng ở phía bắc Cyprus.
Điều này sẽ gây ra những hậu quả chiến lược sâu sắc và lâu dài đối với phía đông Địa Trung Hải.
Các nguồn tin cao cấp và đáng tin cậy về mặt lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã tiết lộ kế hoạch quan trọng đang được thực hiện giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Qatar, và tổ chức khủng bố Hamas hoạt động chủ yếu ở bên ngoài Gaza. Thông tin tình báo bao gồm những điều sau đây:
1. Các cuộc thảo luận trên diện rộng và sâu rộng đã và đang diễn ra (tính đến cuối tháng Mười Một) giữa Cơ quan Mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar (MİT hay Milli İstih-barat Teşkilatı/Tổ chức Tình báo Quốc gia và Cơ quan An ninh Nhà nước Qatar), với sự tham gia của các quan chức hàng đầu của Hamas, liên quan đến các sự kiện kéo dài ở Gaza, và triển vọng có thể thực hiện một gói hành động chính trị mang tính chất và sáng kiến quốc tế.
Bên cạnh nhiều vấn đề khác, việc đưa một số lượng đông đảo và đầy đủ người tị nạn Palestine từ Dải Gaza, không chỉ từ các khu vực bị tàn phá nói riêng, mà còn từ toàn bộ lãnh thổ của Dải Gaza nói chung, sang các nước thứ ba, nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang phát sinh, được nêu lên một cách cấp bách dưới hình thức một sáng kiến hoàn bị và kiên quyết với những hệ lụy không thể tránh khỏi.
Đây là một viễn cảnh mà Israel hoàn toàn chấp nhận, vì các quan chức và thành viên Hamas cũng như một số lượng đáng kể những người ủng hộ Palestine cũng sẽ phải rời khỏi Gaza theo kế hoạch này.
2. Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ, theo những gì Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ (MİT) dự trù, là “di dời và tái định cư nhân đạo” đối với từ 200,000 đến 250,000 người Palestine từ Dải Gaza đến các khu vực ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần các trung tâm đô thị lớn nơi phần lớn người Kurd sinh sống.
3. Theo thỏa thuận, phần lớn người tị nạn Palestine dự kiến sẽ tái định cư tại các khu vực bị chiếm đóng ở Bắc Cyprus. Khu vực được chọn để tái định cư là khu Famagusta rộng hơn từ Marathovouno đến thị trấn Famagusta, và có thể sẽ tái định cư trong thị trấn Famagusta.
4. Cần lưu ý rằng một số lượng không xác định người Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng bởi trận động đất hồi tháng 02/2023 đã được định cư lâu dài tại các khu vực thuộc phần lãnh thổ bị chiếm đóng của Cyprus.
5. Thổ Nhĩ Kỳ, với dự định cho những người tị nạn Palestine tái định cư tại các khu vực bị chiếm đóng của Cyprus, đang tìm cách quảng bá bản thân với thế giới Hồi Giáo và, rộng hơn là trợ giúp tài chính cho họ thông qua “Quỹ Đặc biệt” dành cho người Palestine. Đồng thời, vấn đề tái định cư cho người Palestine, theo kế hoạch, sẽ bao hàm sự công nhận trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nhà nước giả hiệu Bắc Cyprus, mà nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Cyprus” (TRNC). TRNC hiện chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.
6. Trong kế hoạch nhiều mặt của mình xung quanh vấn đề Gaza/Hamas, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tin rằng nước này có thể đạt được trạng thái bình thường hóa quan hệ với Israel, vì việc chuyển một số lượng lớn người tị nạn Palestine sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm bớt áp lực nặng nề mà Israel đang chịu đựng trong những năm qua do dân số người Palestine ở Dải Gaza đã gia tăng nhanh chóng. Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng trùng hợp với ý định của Israel nhằm di dời người Palestine ra khỏi lãnh thổ của mình.
7. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ý định thành lập một cơ quan quốc tế thông qua Liên Hiệp Quốc. Với sự lãnh đạo và giám sát điều hành của Thổ Nhĩ Kỳ, một tổ chức sẽ được thành lập, chủ yếu bao gồm các quốc gia Hồi Giáo, nhưng cũng có sự tham gia của Liên minh Âu Châu (EU), vốn sẽ thực hiện “các sáng kiến hòa bình” mang tính chất nhiều cấp độ nhằm thành lập một “lộ trình” giải quyết vấn đề Palestine.
Trong khuôn khổ này, cùng với các sáng kiến khác, Dải Gaza sẽ được đưa vào cơ chế quản lý và an ninh quốc tế dưới sự lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và với sự tham gia của các quốc gia Hồi Giáo khác về các nhiệm vụ an ninh và trị an. Về cơ bản, quá trình này sẽ “tống tiền” cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, và đặc biệt là EU, để tài trợ cho chương trình tái định cư người tị nạn Palestine ở Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là từng bước đưa một số lượng lớn người tị nạn định cư tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Cộng hòa Cyprus. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị và quốc tế, đồng thời làm thay đổi mọi thực trạng của vấn đề Cyprus.
8. Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố nhận thức của mình rằng Israel, thông qua mối liên hệ chặt chẽ với Cyprus, mong muốn đạt được chiều sâu chiến lược đầy đủ, điều mà họ thiếu vì những lý do rõ ràng.
Việc tái định cư đủ số lượng người tị nạn Palestine ở Bắc Cyprus bị chiếm đóng hiện là kế hoạch tuyệt mật của Thổ Nhĩ Kỳ. Đang có cuộc thảo luận về việc từng bước chuyển hơn 100,000 người Palestine đến các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Cyprus trong thời hạn năm năm, tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của vùng đất này, với quy chế tị nạn chính trị và cứu tế nhân danh nhà nước giả hiệu Cyprus-Thổ Nhĩ Kỳ, trong khuôn khổ thể chế “Không quốc gia,” vốn sẽ là điều gây ra những tác động nghiêm trọng cho Cộng hòa Cyprus và EU.
Đồng thời, điều này mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một vai trò và vị trí dẫn dắt trong số các quốc gia Hồi Giáo với tất cả những gì điều này ngụ ý trên trường quốc tế, cũng như vị thế của nhà nước giả hiệu TRNC ở Bắc Cyprus bị chiếm đóng.
9. Bắc Cyprus bị chiếm đóng đã là nơi sinh sống của nhiều nhóm Hồi giáo thân với Hamas, Hezbollah, và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Những tổ chức này chủ yếu sử dụng các tổ chức tài chính bất hợp pháp và các phương tiện của nhà nước giả hiệu cho các mục đích bất hợp pháp cũng như cho việc trợ giúp và quản lý tài chính của họ.
10. Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bao gồm đề nghị thiết lập một “hành lang nhân đạo” từ các cảng của vùng lãnh thổ bị chiếm đóng từ bắc Cyprus đến Dải Gaza, trái ngược với — và mâu thuẫn với — đề nghị của chính phủ Cộng hòa Cyprus với cộng đồng quốc tế. Đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu gắn liền với các quốc gia Hồi Giáo, mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mô tả sự tham gia của những nước này như một sự công nhận ngầm về tình trạng của nhà nước giả hiệu Bắc Cyprus.
Ảnh chụp từ trên không cho thấy các tòa nhà bị san bằng do các cuộc tấn công của Israel ở quận Zahra, ngoại ô phía nam thành phố Gaza hôm 27/11/2023. (Ảnh: Yahya Hassouna/AFP qua Getty Images)
Bắc Cyprus do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng hiện không nhận được viện trợ chính thức từ bất kỳ tổ chức quốc tế nào. Tuy nhiên, các ngân hàng từ Iran và từ các quốc gia khác hoạt động ở đó một cách thận trọng hoặc bí mật, bao gồm các ngân hàng từ các quốc gia như Bắc Hàn và các quốc gia thù địch với phương Tây khác. Ngoài ra còn có các ngân hàng không được công nhận của nhà nước Bắc Cyprus. Các tổ chức này, cùng với nhiều sòng bạc trong khu vực bị chiếm đóng, giúp người Hồi Giáo rửa những khoản tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp hoặc để ngụy trang rằng những khoản tiền này là khoản tiền viện trợ từ các quốc gia Hồi Giáo.
Các mạng lưới khủng bố và băng đảng Hồi Giáo này cũng có các cơ sở tài chính và địa điểm huấn luyện ở Bắc Cyprus bị chiếm đóng.
Một số trường đại học Hồi Giáo từ Iran và các quốc gia Hồi Giáo khác cũng có trụ sở tại Bắc Cyprus bị chiếm đóng. Số lượng “sinh viên” Iran ở Bắc Cyprus bị chiếm đóng lên tới hơn 10,000 người. Tất cả những điều này đều được các cơ quan tình báo phương Tây biết đến, nhưng không ai nói công khai về chủ đề này. Trong khuôn khổ này, vô luận là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có mối thù địch lịch sử, nhưng hoạt động buôn lậu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thường đạt tới 80 tỷ USD mỗi năm, theo các phương tiện truyền thông đưa tin.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ về Khủng bố và Tình báo Tài chính Brian Nelson đã nói tại Istanbul hồi cuối tháng Mười Một rằng Hoa Kỳ lo ngại về khả năng của Hamas trong việc nhận viện trợ tài chính từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Nelson lưu ý việc Hamas gây quỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể vi phạm luật pháp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số tổ chức và cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế nguồn tài trợ cho Hamas sau khi nhóm này tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhắm vào các mục tiêu dân sự của Israel hôm 07/10.
Ông Nelson cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng lõa với những nỗ lực trước đó của Hamas nhằm quyên tiền từ các nhà tài trợ, tổ chức từ thiện, và tổ chức bất vụ lợi. Ông lưu ý rằng ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ xem Hamas là một tổ chức hợp pháp, thì tổ chức này vẫn có thể vi phạm luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng để giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng các cơ quan chấp pháp của chính họ, bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.”
Ông Nelson cũng nói rằng Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với các tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi ngờ giúp Nga buôn bán hàng hóa trong danh sách trừng phạt.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Thanh Nguyên biên dịch

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025