Kít, Tàu: khen và chê

Kít, Tàu: khen và chê

Tập Cận Bình và Kissinger gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 20 tháng 7. (AFP/Getty Images)
 

Châu Quang

Các lời lẽ “có cánh”

Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc thương tiếc cái chết của Henry Kissinger, người mà vào nửa thế kỷ trước đã chiếm vị trí trung tâm của mối quan hệ hữu nghị của Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Kissinger, cựu ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia cho hai tổng thống Nixon và Ford, báo chí miền Nam trước 75 gọi là Kít-xanh-dơ, đã thực hiện chuyến đi Bắc Kinh vào năm 1971, đặt nền móng cho chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon vào năm sau. Kể từ đó, ông đã đến Trung Quốc thêm 100 lần nữa, gần đây nhất là vào tháng 7, coi như lãnh đạo nào của Trung Quốc từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cho đến Tập Cận Bình cũng đều tiếp đón ông, khiến ông có biệt danh là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”.

Những lời ca tụng và chia buồn dành cho Kissinger là một cảnh trái ngược với mối quan hệ hai nước đang ở mức xấu.

Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi lời chia buồn tới Tổng thống Biden; lời chia buồn sau đó đã được đọc trên chương trình tin tức giờ vàng của truyền hình nhà nước; Tập gọi Kissinger là “một chiến lược gia nổi tiếng thế giới, và một lão bằng hữu tốt của nhân dân Trung Quốc.”

Nửa thế kỷ trước, ông ấy đã có một đóng góp lịch sử cho việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ, có tầm nhìn chiến lược tuyệt vời, mang lại lợi ích cho cả hai nước và làm thay đổi thế giới”, ông Tập nói.

Lời lẽ của ông Tập đã được lặp lại trên khắp các phương tiện truyền thông nhà nước. Đài Truyền hình Trung ương gọi Kissinger là “nhà ngoại giao huyền thoại”’

China News Service cho biết: “Hôm nay, người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc, người có tầm nhìn sắc bén và hiểu biết thấu đáo về các vấn đề thế giới, đã hoàn thành cuộc đời huyền thoại của mình.”

Tin tức về cái chết nhanh chóng trở thành một chủ đề bàn tán trên MXH Weibo, chỉ với một câu thông báo ngắn đã đạt 56 triệu lượt xem trong vòng một giờ sau khi đăng.

Tạ Phong, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã đăng trên X rằng cái chết của Kissinger là “một mất mát to lớn cho cả hai nước chúng ta và thế giới.” “Lịch sử sẽ ghi nhớ những gì cụ ông trăm tuổi này đã đóng góp cho quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và cụ ấy sẽ luôn sống mãi trong trái tim của người dân Trung Quốc như một người bạn cũ đáng quý nhất”.

Ngưu Tân Khâm, một blogger hay viết về các vấn đề đối ngoại, cảnh báo: “Trong giới chính trị Mỹ ngày nay, nhiều người không lắng nghe những cảnh báo từ Kissinger, một số chính trị gia thậm chí còn đi xa đến mức thách thức các lằn ranh đỏ của Trung Quốc“, blogger này viết tiếp: “Sẽ không còn một Kissinger nữa sau khi ông ấy qua đời. Tất nhiên, có vẻ như Hoa Kỳ không còn cần Kissinger nữa.”

Dương Thịnh, một phóng viên của Thời báo Hoàn cầu, cũng đã viết trên trang Weibo của mình rằng “cảm tình đặc biệt của Trung Quốc đối với Kissinger vượt quá tầm đối với nhiều nhân vật chính trị hiện tại, phản ánh sự công nhận của Trung Quốc về một cách suy nghĩ từng tồn tại ở phương Tây.”

Thẩm Định Lệ, một học giả quan hệ quốc tế ở Thượng Hải, nói rằng Kissinger là một bậc thầy thực hiện địa chiến lược thay mặt cho Hoa Kỳ. “Phải có một lan can/ba-ri-e bảo vệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và Kissinger là người đầu tiên trên thế giới xây dựng lan can này”.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói: “Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đòi hỏi sự khôn ngoan ngoại giao của Kissinger và sự can đảm chính trị của Nixon”.

Dịp này, Kissinger trả lời, theo truyền thông của Trung Quốc, rằng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc nên loại bỏ những hiểu lầm. “Lịch sử và thực tiễn đã nhiều lần chứng minh rằng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không kham nổi nếu đối xử với nhau như đối thủ”, và còn nói “nếu hai nước xảy ra chiến tranh, nó sẽ không mang lại một kết quả có ý nghĩa nào cho người dân hai nước”.

Ngược dòng thời gian

Kissinger dính líu với Trung Quốc bắt đầu vào năm 1971 khi, trên chuyến bay cất cánh từ Pakistan, ông giả vờ bị bệnh để bỏ rơi đoàn nhà báo đi theo và bí mật bay đến Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Chu Ân Lai.

Vấn đề đối thoại chính của hai ông là Đài Loan, lúc bấy giờ Hoa Kỳ công nhận chính quyền do Quốc Dân Đảng lãnh đạo là chính phủ duy nhất của Trung Quốc.

Chuyến đi này, mà người Trung Quốc vẫn gọi là “cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương”, đã dọn đường cho chuyến đi của Tổng thống Nixon vào năm sau, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949.

Kế tiếp là “Thông cáo chung Thượng Hải”, trong đó cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý hướng tới bình thường hóa đầy đủ quan hệ. Hoa Kỳ thừa nhận rằng “Đài Loan là một phần của Trung Quốc” và tiếp theo, người ta thấy chính phủ Đài Bắc phải nhường chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc cho Bắc Kinh.

Tình hình đã thay đổi đáng kể vào đầu những năm 1970. Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô trở nên căng thẳng và gay gắt. Nước Mỹ sa vào một cuộc chiến không được lòng dân và không có lợi tại Việt Nam. Nixon và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông đã nhìn thấy một cơ hội duy nhất trong hoàn cảnh này. Thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc có thể làm chia rẽ hai cường quốc cộng sản hơn nữa, và khiến Liên Xô mềm mỏng hơn về một số vấn đề, bao gồm sự hỗ trợ của họ cho Bắc Việt. Và có thể hình dung Trung Quốc cũng sẽ gây áp lực buộc đồng minh Bắc Việt đồng ý một giải pháp hòa bình ở Việt Nam có lợi hơn cho Hoa Kỳ. Coi như “đại thắng mùa Xuân” năm 75 đã được định đoạt vào dịp có thông cáo Thượng Hải.

Phải mất thêm 7 năm nữa – và thêm hai tổng thống Mỹ – hai nước mới chính thức công nhận nhau vào năm 1979, dưới triều đại của Tổng thống Carter.

Từ đó đến nay, Trung Quốc đã dựa vào Mỹ để từ một công xưởng của thế giới biến biến thành nước lớn thứ nhì của thế giới, hàng hóa “Made in China” tràn ngập các chợ Mỹ. Ngược lại, phía Mỹ cũng hưởng lợi nhờ bước vào thị trường hàng tỷ người tiêu thụ của Trung Quốc.

Ngặt một nỗi, Hoa Kỳ lập luận rằng nếu giúp Trung Quốc giàu, cuộc sống người dân của họ khá lên thì nhà nước sẽ nới lỏng tự do dân chủ, nhưng thực tế chuyện đó vẫn chưa xảy ra, thâm chí còn ngược lại.

Năm 2001, Kissinger xuất bản cuốn “Về Trung Quốc”, trong đó ông giải thích chính sách ngoại giao của Trung Quốc cho người Mỹ biết và  sách cũng duyệt lại lịch sử quan hệ Mỹ-Trung. Tân Hoa Xã năm ngoái nói rằng sự hiểu biết sâu sắc của Kissinger về Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho nhiều người Trung Quốc, và “Về Trung Quốc” là cuốn sách bắt buộc phải đọc đối với “hầu hết tất cả các học giả và sinh viên quan hệ quốc tế ở Trung Quốc”.

Các ý kiến trái chiều

Hầu hết các sự kiện nêu trên đều trích từ bài tường trình của tờ Washington Post như đã dẫn. Có hơn 300 nhận xét cho bài tường trình này, trong đó có nhiều nhận xét “tiêu cực” của độc giả về mối quan hệ Mỹ-Trung, như được trích sau đây.

Ảnh – Kissinger và Chu Ân Lai cạn ly vào cuối bữa tiệc cấp nhà nước tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh vào ngày 10 tháng 11 năm 1973 (HWG/AP) – đã được một độc giả com: “Kissinger và Chu đang uống máu của người dân hai miền Nam Bắc Việt Nam”.

Độc giả Truththetruth: Kissinger đã bán đất nước chúng ta cho Trung Quốc để vỗ béo ví tiền của những kẻ lừa đảo ở Phố Wall với cái giá phải trả là phá hủy cơ sở công nghiệp của chúng ta. Vụ bán này đã giúp tạo ra Trung Quốc tham lam đói khát quyền lực như chúng ta thấy ngày nay. Lịch sử nên nhớ ông ta như vậy.

Độc giả Paper200: Ông ta là một tội phạm chiến tranh giống như (Phó Tổng thống) Cheney và (Bộ trưởng Quốc phòng) Rumsfeld và quan thầy của họ. Bán tầng lớp trung lưu Mỹ để kiếm được $$ từ việc lập ra công ty tư vấn (cho các doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn tại Trung Quốc).

Độc giả DenisDiderot: Được quảng cáo là thành tích hàng đầu của Kissinger, việc nối lại quan hệ với Trung Quốc, chúng ta có thể thấy bây giờ, là một sai lầm nghiêm trọng: sẽ tốt hơn nếu để Trung Quốc lạc hậu. Ảo tưởng là tự do kinh tế sẽ dẫn Trung Quốc đến tự do chính trị; thay vào đó, chúng ta chỉ cung cấp phương tiện để Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh kinh tế và kẻ thù chính trị dữ dằn.

Độc giả Vermon1636: Kissinger là lão bằng hữu của tầng lớp quý tộc trong ĐCSTQ. Nếu đừng bao giờ bao giờ có công ty tư vấn Kissinger Associates, tiếng tăm của Kissinger có lẽ đã còn lại đôi chút le lói. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra.

Độc giả Balrog_retired: Tôi đã xuất ngũ khi các cuộc đàm phán hòa bình Paris diễn ra để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Tôi không chắc chắn về ngày tháng, nhưng tôi nhớ rằng có một sự bất đồng về hình dạng của chiếc bàn đàm phán. Chuyện này phải mất nhiều ngày để giải quyết.

Trong lúc đàm phán, giao tranh vẫn tiếp diễn với hai người bạn của tôi vẫn còn ở bên đó.

Cuối cùng họ đã ngồi quanh một chiếc bàn tròn để không bên nào được ngồi đầu bàn.

Đối với tôi, đây là thành tích nổi bật của Kissinger. Về cơ bản, quân đội chúng ta rời khỏi Việt Nam là một cuộc bỏ chạy tán loạn; nhưng Kissinger có được chiếc bàn tròn như ý muốn.

Xin lỗi, nhưng không có gì khác nổi bật đối với tôi trong sự nghiệp của Kissinger.

Độc giả PierreDelecto: Kissinger đã giúp mở cánh cửa cho Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang khai thác thị trường của chúng ta, đánh cắp sở hữu trí tuệ của chúng ta, đe dọa chúng ta về quân sự và kinh tế, do thám tất cả các nền dân chủ phương Tây, xen vào các cuộc bầu cử của chúng ta và bóc lột công dân của họ để lấy đi nhiều công ăn việc làm của chúng ta.

Châu Quang

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209