Đâu là Chỗ Đứng Của Văn Hóa Việt Nam


Đâu là Chỗ Đứng Của Văn Hóa Việt Nam

WC công cộng ở Việt Nam. Nguồn farm1.static.flickr.com

Nguyễn Văn Lục

Văn hoá vẽ trên hang động

Con người thời tiền sử homo erectus cho đến con người thời đại hôm nay có những bước đi dài, trải qua nhiều thời kỳ biến động và tiến hóa không ngừng. Sự tiến hóa đó chỉ con người mới có được bởi vì con vật thì dừng lại ở giai đoạn hái lượm và dẫm chân tại đó.

Nếu dựa trên tiêu chí đồ dùng thì con người đã trải qua các thời kỳ đồ đá, tiến xa hơn nữa là thời kỳ đồ Đồng. Đồ Đồng là cột mốc đánh dấu con người bứt ra khỏi giai đoạn tiền sử, để bước vào giai đoạn khởi đầu của văn minh nhân loại. Ở Việt Nam, người ta nói đến Văn hoá Đông Sơn.

Nhưng mới đây, có “ông” tác giả Vô Danh kết luận “khơi khơi” là Việt Nam đã từ thời kỳ đồ đá, rồi đồ đồng và nay bước sang thời kỳ đồ… đểu. Sách vở, tài liệu không thấy nói có thời kỳ văn minh đồ đểu này bao giờ?

Có thể “ông” tác giả Vô Danh nhầm chăng? Việt Nam nước tôi đang suy thoái, lạm phát nhiều mặt, nhất là mặt giáo dục và đạo đức. Có thể nói rằng Việt Nam từ thời kỳ đồ đồng chuyển sang thời kỳ … đồ nát. Cái gì cũng nát bét, nát như tương… Như nát nhà, nát cửa, nát đất, nát người, nát đạo lý, nát tôn giáo, nát kinh tế.

Có giai thoại kể lại rằng ông Bùi Giáng có thói quen sau 1975 cứ vác một tảng đá trên lưng. Có lần có người thắc mắc: Thưa thầy, tại sao thầy cứ vac đá làm chi cho cực? Bùi Giáng trả lời “rất Bùi Giáng”: Tau không đeo đá thì tau đã bay khỏi đây rồi.

Dưới con mắt Bùi Giáng, con người miền Nam đang ở thời kỳ đồ đá, con người miền Nam đang chịu sức đè nặng của chủ nghĩa cộng sản chưa biết kéo dài đến bao giờ?

Nếu xét về mặt tinh thần, mặt văn hóa thì văn minh nhân loại bắt đầu từ thứ văn hóa vẽ trên hang động. Thật vậy, ngày nay, người ta còn tìm thấy nhiều bức vẽ thời tiền sử trong các hang động. Hoặc vẽ đàn bà có chửa mà trần truồng, hoặc loài thú bị găm một cái tên vào bụng.Và người ta tìm cách lý giải (interprétation) các bức vẽ, các huyền thoại ấy. Thật vậy, chỉ một vài nét vẽ nghuệch ngoạc, người sơ khai đã ghi được những ước muốn, những giấc mơ của họ. Phải chăng đó là những giấc mơ thần thoại được tìm thấy ở thời kỳ nguyên thủy? Chữ nghĩa cộng sản gọi thời kỳ nguyên thủy này là thời kỳ “chiếm hữu nô lệ”. Họ cứ “sáng tác” ngôn ngữ một cách vô tội vạ. Y thức nông nô và ý thức đấu tranh giai cấp nô lệ làm sao có thể xuất hiện từ thời kỳ nguyên thủy được?

Nhưng điều chắc chắn là con người biết vẽ trước khi biết viết. Ngôn ngữ tượng hình có trước ngôn ngữ viết trừu tượng. Chứng minh cho thấy trẻ con ngay từ nhỏ, độ 2, 3 tuổi đã biết vẽ nguệch ngoạc, đôi khi “vẽ bậy’ không cần ai chỉ dạy. Trẻ vẽ theo cái cái năng tính của nó với nhiều ý tưởng, hình thù, hình ảnh rất quái lạ.

Có thể nói vẽ là thế giới của trẻ con. Từ đó có thể suy đoán là giữa trẻ con và người sơ khai có điểm giống nhau: tính hồn nhiên sơ khai.

Theo giáo sư Trần Ngọc Ninh, trong sách Cơ cấu Việt Ngữ, trẻ con trước khi tập nói, biết nói thì đã nói bằng cách “phun mưa”, một thứ tiền ngôn ngữ. Nhưng “phun mưa” có ý nghĩa gì thì thực tình chưa ai biết chắc chắn được.

Trẻ con thường phải trải qua thời kỳ “nói ngọng” nữa. Nói ú a, ú ớ, nói không ai hiểu được. Chẳng biết tại sao, các “quan chức” nhà nước cộng sản khi phải tuyên bố điều gì khó giải thích, khó nói thì họ đều “nói ngọng”, nói ú a ú ớ như con nít vậy.

Tranh vẽ trong hang động đời sống người ở Bhimbetka phía Nam Bhopal (India). Nguồn bdabhopal.nic.in

Những bức vẽ trên các hang động này như nói ở trên thường vẽ hình đàn bà khỏa thân, khá mập mạp, khỏe mạnh – thường không có hình đàn ông – nét vẽ đàn bà với đầy đủ sinh thực khí, bao giờ bụng cũng có chửa, đít to, hông bạnh ra, vú to, hai cặp đùi như hai cái cột nhà hay như đùi voi. Ngay những bức vẽ phụ nữ thời Trung cổ ở Âu Châu cũng vẽ những người đàn bà thật mập mạp, phốp pháp.

Không có hình ảnh đàn bà nhỏ con hoặc gầy yếu như bây giờ. Phải chăng cái quan niệm về cái đẹp của phụ nữ thời tiền sử, thời Trung cổ đã theo đổi theo thời gian? Những hình vẽ có thể nói lên hai điều: đàn bà phải khoẻ mạnh, mập mạp là con vật “để giao hợp” với vú to, đít to nhưng đồng thời “để đẻ” với bụng chửa. Hai hình ảnh đó phải đi đôi và gắn liền vào nhau. Mặc dầu vẽ đầy đủ chi tiết của sinh thực khí, nhưng nó không có ý dâm tính, không có ý “chọc” mắt thiên hạ. Như đã nói ở trên, người hoang dã có tính hồn nhiên sơ khai, một thứ trân quý nhất trên đời này vì nó thường biến mất sau khi con người trở thành người văn minh.

Nói cho rõ hơn nữa, hình vẽ của người sơ khai là một thứ tín ngưỡng sơ khai, tín ngưỡng phồn thực, xiển dương việc sinh đẻ là lẽ sống của đời sống (culte de fécondité). Sự chết là thường trực, cuộc sống là mong manh trước muôn vàn thử thách và đe doạ của thiên nhiên. Chỉ còn một lối thoát cho con người là sinh đẻ thật nhiều. Trọng trách đó được trao cho người đàn bà và chỉ đàn bà có thể làm được. Tất cả nhân loại nói chung đều trông chờ, gửi gắm vào cái sinh thực khí của người phụ nữ. Nhiệm vụ thật cao đẹp. Vì thế, theo thần thoại, ước vọng người đàn bà là mong được “giao hợp” nhiều để nhờ đó “đẻ” nhiều. Mà “giao hợp” chỉ là để đẻ. Do đó, đẻ đem lại phúc lộc cho xã hội, thêm đông người (Culte de fécondité). Cho nên “ giao hợp” mà không đẻ là mất nết.

Ở ngoài Bắc ngày nay, người ta cũng tìm thấy tục thờ sinh thực khí. Như ở Yên Báy, có tục thờ 4 khối tượng nam nữ, tạc hình chồng lên nhau, ôm lấy nhau mà dương vật to quá cỡ. Nhưng chỉ là một giao phối nhằm ước vọng “sòn sòn năm một”. Người ta cũng thấy ở chùa Bà Banh, có tượng nữ thần lõa lồ mà ai đến lễ bái đều lấy cái gậy chọc vào âm vật (xem Đỗ Lai Thúy, Tín ngưỡng phồn thực nhìn từ góc độ văn hóa). Chọc vào là để mong muốn có con. Nhưng chọc khơi khơi để nghịch ngợm là thứ “mất dậy”. Nhất là ngày nay một số hình ảnh Porno được dàn dựng, phổ biến trên mạng là phi văn hóa, phản lại tín ngưỡng phồn thực.

Mặc dầu, Văn hóa vẽ trên hang động thường rất “hoang dã”, có thể rất tục mà không dâm, rất cụ thể, nhưng lại là linh thiêng. Cũng vậy, văn hóa tín ngưỡng tôn giáo về ông A dong và E và, thủy tổ loài người bao giờ cũng vẽ hai người khỏa thân. Sau này, con người không hiểu ý nghĩa linh thiêng đã vẽ thêm bà E và có tóc thật dài che kín bộ phận sinh dục. Còn ông A dong vì không có tóc dài nên đành chịu nấp sau một bụi cây. Thật tội cho ông và ép ông quá. Tệ hơn nữa, vẽ thêm hai cái lá, ông cầm một lá, bà cầm một lá che kín bộ phận sinh dục. Vẽ như thế là phản bội lại sự thực, phản bội lại tiền nhân, một hình thức nhạo báng ý nghĩa tín ngưỡng cuả việc giao hợp. Đã vẽ như thế thì tại sao không “lố bịch” thêm một bực nữa là lá của ông thì che cho bà và lá của bà thì che cho ông? Để ở truồng mới là tự nhiên, là “đạo đức”. Con người đời sau khi che chắn là đã có ý thức tội lỗi, là có tà nẩy mầm trong đầu.

Sự suy vi của tín ngưỡng phồn thực bây giờ, chính là phim sex. Phim sex cũng phô bày sinh thực khí, đôi khi còn “ xâm thêm” hoa lá cành chung quanh là “mất tự nhiên”. Cái gì không tự nhiên là mất đạo đức. Nhất là phụ nữ cởi truồng mà bụng không chửa là “ vô đạo đức”.

Một cuộc cách mạng văn hóa đạo đức về tính dục ngày nay, không phải là phát sinh ra cái mới, mà là quay trở về cái cũ, cái nguyên thủy. Trong đó có sự tôn trọng phẩm giá vai trò người phụ nữ trong mối quan hệ âm-dương.

        Có âm dương, có vợ chồng
        Dẫu từ thiên địa, cũng vòng phu thê.

        (Cung oán ngâm khúc)

Đàn bà được bán sang Đài Loan không phải vì mục đích làm vợ, làm mẹ chính là việc làm bất nhân, vô đạo đức của chính quyền Cộng Sản. Xã hội Việt Nam bây giờ là một xã hội liệt nhân tính, thua xa xã hội thời tiền sử. Những hình vẽ đàn bà có chửa trên hang động xét cho cùng có một giá trị tinh thần, giá trị đạo đức hơn xã hội cộng sản bây giờ.

Chỗ nào của nền văn hóa Việt Nam bây giờ khi người phụ nữ trở thành món hàng để xuất khẩu, thua cả xã hội nông nô thời hoang dã?

Văn hoá truyền khẩu

Một bước tiến nữa của nhân loại là dùng tiếng nói để trao đổi. Con vật chỉ có thứ ngôn ngữ độc thanh là kêu. Văn hóa nói chính là văn hóa truyền khẩu. Nó cao hơn văn hóa vẽ một bực, vì nó đa dụng biểu đạt được nhiều điều hơn.. Văn hóa truyền khẩu được truyền đạt qua các câu truyện cổ tích, nhất là các câu truyện huyền thoại hay thần thoại dân gian như các Thần Núi, Thần Gió, Thần Lửa, Thần Nước.

Theo giáo sư Trần Ngọc Ninh, huyền thoại, thần thoại là thứ di ngôn của Tiên tổ để lại. Nó gửi một sứ điệp “ gần như không lời”. Ý nghĩa của nó thì chỉ nên nhận “nguyên con” mà chẳng nên phẩm bình như Huyền thoại Hùng Vương, Âu Cơ hay Phù đổng thiên vương, sự tích bánh dầy, bánh chưng v.v… để lại. Khi nào đưa ra những phẩm bình Mao Tôn Cương về huyền thoại là “hiếp dâm” huyền thoại do bệnh vĩ cuồng hay bệnh đa ngôn lý luận hẹp hòi.

Huyền thoại có tính cách biểu tượng mà không thiếu tưởng tượng. Cho nên, đòi hỏi, căn vặn về nguồn gốc, về sự thật của huyền thoại là không cần thiết. Chẳng hạn, ai lại mất công đòi hỏi nguồn gốc câu chuyện thánh Gióng? Cái thực và cái phi thực chộn vào nhau mà không có gì là nghịch lý cả.

Einstein mặc dầu là một nhà bác học có viết: “Giữa kiến thức (knowledge) và trí tưởng (Imagination) thì tưởng tượng quan trọng và tốt hơn nhiều”

Các huyền thoại ấy rất quen thuộc, đến trở thành lẽ sống còn của người xưa. Bên ta thường là những thần quen truyện gươm dao như thần Kim Quy, Thánh Gióng. Thánh Gióng là hiện thân của thần Lạc Long, một huyền thoại có từ đời Hồng Bàng. Trong nước có nạn binh đao. Dân chúng vô cùng cực khổ kêu gọi thần Lạc Long xuống cứu: “Bố ơi, Bố ở đâu mà để giặc giết chúng con” . Thần Lạc Long hiện ra trong lúc mưa bão bảo rằng: “ Đó là vì dân Việt đã chia rẽ và ươn hèn, nhưng ba năm nữa thì sẽ có thần tướng xuống cứu.”

Phải chăng, đây cũng là lời cảnh báo bây giờ đối với bọn thực dân mới? Quả ba năm sau, ở làng Phù Đổng, thuộc Bắc Ninh ngày nay, có hai vợ chồng, tuổi 60 mà chưa có con.. Người vợ ra đồng, thấy một vết chân người rất to lớn bèn ướm thử chân mình vào, từ đó thụ thai, rồi sinh một bé trai.

Việc thụ thai do chỉ so chân là dấu hiệu của một sự an bài sắp xếp định mệnh rất thần linh. Việc so chân, ướm thử như cái cớ cho sự thụ thai rất biểu tượng. Đó là một hình thức thụ thai vô nhiễm hay là một thứ thác sinh, mượn tay con người để làm việc thần thánh? Chẳng biết có nên so sánh với việc bà Maria trong đạo Thiên Chúa thụ thai mà còn đồng trinh không?

Sau đó cậu bé làng Phủ Đổng lớn lên như thổi, cỡi ngựa phun ra lửa, chém giết quân giặc đến gãy gươm, phải nhổ tre bên đường làm vũ khí giết giặc. Sau đó vị thần cưỡi ngựa đi thẳng lên núi Vệ-Linh, tục gọi Núi Sóc, cởi áo vua ban như nhà văn Vũ Ngọc Phan mô tả: “Giết xong quân giặc, viên tướng cởi giáp bỏ nón bên đường, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay thẳng lên trời”.

Phải chi Việt Nam bây giờ kiếm ra được một ông Thánh Gióng để đương đầu với cộng sản Tầu thì hay biết mấy. Chuyện xưa tích cũ mà ứng nghiệm cho ngày hôm nay.

Sau đây, xin dẫn chứng một mẩu về các thần của Việt Nam như Thần Gió:

“Chẳng hạn Thần Gió thường hình dạng kỳ quặc. Thần không có đầu. Bảo bối của thần là một cái quạt mầu nhiệm. Thần sẽ làm gió nhỏ hay bão lớn lâu hay mau tùy theo lệnh của Ngọc Hoàng. Những lúc Thần gió phối hợp với Thần Mưa có khi cả Thần Sét nữa cùng hoạt động là những lúc đáng sợ nhất. Thỉnh thoảng Thần xuống hạ giới đi chơi vào những buổi tối trời. Đó là những lúc giữa đồng bằng tự nhiên nổi lên trận gió xoáy, dân gian thường gọi là thần cụt đầu.”

(Trích lược khảo thần thoại Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi).

Ở đây xin lạm bàn Mao Tôn Cương của người trần mắt tục về các ông thần này Chúng ta để ý là Thần Gió không có đầu. Có vẻ ham chơi. Thần cũng thích đi chơi, nhất là chọn đi chơi buổi tối. Nhưng nếu đi ban ngày thì Thần gió chỉ nghịch ngợm, trêu chọc thôi. Chẳng hạn đến gần phụ nữ bất đồ dở nón ra coi mặt, tốc váy lên coi bên trong có gì lạ. Kể ra thì không được rồi.

Nhưng Thần Gió dù sao có vẻ trẻ con, thích nghịch ngợm, quấy phá. Nhưng lúc Thần đóng vai người lớn thì Thần Gió trở thành kẻ đa tình, đa dục. Thần Gió lén lút, vụng trộm, sờ bậy đến nỗi thiếu phụ phải trách nhẹ nhàng “Chồng ai xa vắng, gió vào chi đây”. Thần Gió lúc này chẳng khác gì cán bộ cộng sản, “mất dậy” quá. Nhưng trách như thế có quá trễ chăng? Vả lại có ai lại đi trách việc làm của thần bao giờ? Trách thì trách, mọi việc đã trễ, mọi truyện có thể đã xong rồi.

Đọc lại các câu truyện truyền khẩu, các câu truyện thần thoại trong kho tàng văn hóa nói để lại. (Thật ra , câu truyện cổ tích, câu truyện huyền thoại thời xưa được truyền lại là do được kể lại, chứ không phải để đọc. Cái hay là được nghe kể lại. Đọc tự nó mất vui đi nhiều). Tôi nhận ra một điều ở trên Trời, các Thần không thiếu thức gì. Từ tiền bạc đến phú quý cao sang đều có đủ. Chưa kể thần thánh được miễn dịch bệnh tật lẫn chết chóc. Họ bất tử. Họ được miễn trừ 4 thứ khắc nghiệt trên đời này là: sinh, lão, bệnh, tử. Vậy mà họ vẫn thiếu một thứ gì đó. Kiếm mỏi mắt trên Trời không có. Đó là gái đẹp. Thật ra cũng có các thiên thần, cũng có các nàng tiên nữa với xiêm y lộng lẫy, nhưng hình như các cô gái đẹp đó không có khả năng sinh lý. Chỉ như búp bê, để ngắm thôi.

Có lẽ vì thế, Thần nào cũng lợi dụng có dịp để xuống ở dương gian này. Xuống là có chuyện, đi lục lạo đủ nơi chỉ vì đàn bà đẹp. Trong truyện thần thoại: Tiếng Hát Hà Ô Lôi. Ông Thần mê gái đẹp phải giả dạng làm chồng người ta, bắt chước từ hình dạng, tiếng nói, cử chỉ, tính nết để tối đến đánh lừa người phụ nữ có chồng đi xa. Thât công phu quá.

Cho nên, câu chuyện huyền thoại có thể chỉ là mượn tay thần thánh để thỏa mãn truyện dân gian, chuyện con người, truyện thế tục. Nhưng đã là con người thiếu vắng đủ thứ thì huyền thoại và thần thoại vẫn là những giấc mơ cần thiết như liều thuốc ngủ an thần, tại sao hà cớ gì mà xóa bỏ? Huyền thoại là thế giới đẹp, thế giới mơ ước của loài người, nhất là trẻ con.

Phải chăng mất đi những câu truyện cổ tích, mất đi cái ý thức về huyền thoại, mất đi cái thơ ngây, mất đi những giấc mơ thần thoại. Con người chỉ còn lại một cuộc sống vô vị chua chát và chán nản.

Ngày nay, hình ảnh các ông thần này mỗi ngày mỗi nhạt đi. Chẳng ai muốn nhắc tới nữa. Nhắc tới đôi khi chỉ là làm bậy.

Chẳng hạn, huyền thoại về truyện trầu cau hay truyện bánh dầy, bánh trưng cũng năm trong cái lý lẽ âm dương dựa trên những thực tế như gạo nếp, lá chuối, lạt buộc đồng thời dựa trên vũ trụ quan của người Tàu như Trời tròn, Đất vuông.

Việc hôn nhân tự nhiên nay được biểu tượng bằng lễ nghi, phép tắc, cưới xin, biếu xén của xã hội làng xã..Việc giao cấu không còn có ý nghĩa bừa bãi, loạn luân mà có phép tắc, được nhìn nhận bởi xã hội.

Tục ấy tốt đẹp, có giá trị đạo đức và xã hội. Nhưng khi mà Việt Nam bây giờ, mới đây tổ chức lễ hội đền Hùng thì nó biến thành một trò lố bịch, phạm thượng. Với đà tiến bộ, ngày nay xu hướng đa thần rút lại thành xu hướng độc thần, chỉ còn lại độc nhất một vị thần được tôn kính: Đó là thần Tiền. Thần tiền ở Việt Nam bây giờ là thứ thần vạn năng hơn nhiều. Làm mưa làm gió. Muốn hại ai thì hại, muốn bỏ tù ai thì bỏ tù. Muốn cho sống thì được sống, muốn cho chết thì phải chết. Nhất là muốn chơi gái thì chơi, khỏi phải đóng giả vờ làm chồng người ta như trong truyện Hà Ô Lôi nữa.

Nếu thần thoại là thế giới phi thực của văn hóa truyền khẩu mà các nhà nhân chủng học gọi chung là “Tư tưởng hoang dã”. Những tư tưởng hoang dã (pensées sauvages) đã được un đúc, kết tinh, truyền thừa nơi người sơ khai thành một chuỗi hệ thống tư tưởng mà họ đã tuân thủ, sống và tin tưởng vào đó. Họ sống chết với nó. Nó có bậc thang giá trị của nó bất khả tranh cãi, bất khả lý luận. Không ai có thể nói đúng hoặc sai, vì nó không nằm trong phạm trù đúng hoặc sai. Nó không thể so sánh, vì thế, nó không thua cũng không kém, cũng không hơn tư tưởng của xã hội được gọi là văn minh. Nó chỉ khác mà thôi. Nhất là Khác thứ văn hóa chửi.

Văn hóa chửi là mặt trái của thần thoại, mặt trái của con người. Thần thoại thăng hoa, tưởng tượng bao nhiêu điều tốt đẹp. Chửi ngược lại là hạ giá, lột trần sự thực đến bôi bẩn. Những người ưa chửi, thích chửi đều là những Từ Thức sau khi trở về thế giới người, bất mãn, chán nản. Họ biết quá nhiều ngay cả những điều không cần biết.

Nói cho cùng cái thực tiễn nhất của văn hóa nói, văn hóa truyền khẩu biến dạng là Văn Hóa Chửi. Không chửi thì thôi mà đã chửi thường mang cái sinh thực khí như cái Linga và cái Yoni của mình ra như vũ khí tối hậu.

Huyền thoại và thần thoại sống trong tương quan xã hội tình, xã hội đẹp. Nó nâng cấp giá trị đời sống lên. Có ý nghĩa hơn, đẹp hơn. Đời đáng sống hơn, chìm đắm trong huyền thoại, sống với huyền thoại, chính là bản chất tính người của các con người thời hoang dã.

Cái khác nơi xã hội hoang là họ “ không biết chửi’, cùng lắm chỉ biết trả thù khi ai đó đã không tuân thủ các tư tưởng hoang dã của họ.

Các tư tưởng hoang dã nay chỉ còn sót lại nơi các dân tộc thiểu số.

Cho nên văn hóa chửi chỉ xuất hiện nơi xã hội người văn minh mà thôi. Văn minh thì biết chửi, văn minh thì biết hạ nhục thay vì dùng bạo lực sức mạnh. Họ dùng bạo lực ngôn ngữ.

Trong khi đó văn hóa chửi hạ thấp con người xuống, bẻ gẫy phá xập tương quan người-người. Chửi bơi ra cái xấu nhất có thể tưởng tượng ra được. Và đây là một ví dụ để hình dung ra muôn một:

“Nếu mày có trót dại bắt con gà của bà, nghe bà chửi mà không khôn hồn thả nó ra, mà cả nhà, cả ổ mày cứ húc đầu vào ăn cho đầy miệng, thì bà cứ cho chúng mày ăn cái máu l… rớt l.. của bà đây này… bà thì cứ.. dứt cái lông l… thứ 8, bà chẻ tạm làm tư, bà trói cổ cái ông tổ năm đời mười đời nhà mày lại, bà vẫn thừa cái nút hậu…”

Xã hội CS từ những năm sau 1954 là một thứ văn hoá trù dập, văn hoá chửi đúng nghĩa. Theo ông Bùi Tín, chửi như đánh hôi, đánh hội đồng, đánh a dua, đánh theo gậy chỉ huy, đánh theo com măng. Ví dụ như đánh 60 nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm, đánh liền tù tì trong ba năm liền từ 1956-1960. Nạn nhân của Văn hóa chửi là Tạ Đình Đề, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang. Ông Bùi Tín hạ một đoạn như sau:

“Đó là cảnh đánh hôi, đánh hội đồng, sôi nổi nhất trong làng văn theo gây chỉ huy đảng. Có người sau này không thấy mặt nhau nữa… Tình bạn chấm dứt. Cay đắng. Ngậm ngùi…” Ông viết tiếp “cái cơ chế này nó là một bộ máy không hồn, không thần kinh, không tim gan và trí tuệ. Nó lặng lẽ không thương tiếc, nghiền nát hết mọi trở ngại trên đường đi của nó. Khi ra tù, họ có cách khóa mồm các vị, và họ giữ chìa khóa. Tài nghệ, họ siêu đến vậy đó.” (Trích Mặt Thật, Hồi ký chính trị của Bùi Tín, từ các trang 144-147)

Không ai hiểu người cộng sản cho bằng người cộng sản. Ông Bùi Tín có đủ tư cách để phê phán chế độ ấy từ bên trong, hiểu thấu rõ bản chất chế độ ấy mà những người ngoài cuộc như tôi chỉ ngồi mà thu nhận, lắng tai nghe.

Mọi việc giống như một con dao hai lưõi. Vì thế, mỗi người dân Việt Nam bây giờ đều là những người mất gà cả. Cho nên văn chương truyền khẩu ở Việt Nam bây giờ rất thịnh hành. Không làm gì được thì người dân chửi. Chửi bóng chửi gió, chửi bằng vè, bằng thơ. Nếu các nhà văn hóa sau này cố công sưu tập lại thì có thể viết thành sách được.

Văn hoá ẩm thực và văn hoá cầu tiêu

Bài này, người viết đã tự ý bỏ phần văn hóa chữ viết, một sản phẩm đặc thù của các xã hội văn minh để chỉ nói đến vấn đề ẩm thực và hệ quả của nó. Theo nhà nhân chủng học Claude Lévy-Strauss, khi nghiên cứu về những sắc dân Nambikwara (ở vùng rừng nhiệt đới Brazil – DCV), ông nhận ra cơ thể con người các sắc dân ấy có ba nhu cầu thể lý là: Ăn, sự bảo tồn, và sự tái sinh sản.

Cảnh một gia đình sắc dân Nambikwara nằm ngủ (Brazil). Nguồn Claude Lévi-Strauss

Chẳng cần biết có phải là người Indiens hay không. Trên cõi đời này, ăn vẫn là lẽ sống còn của con người. Primum vivere. Sống trước đã. Người viết có gặp một thuyền nhân trên một chuyến vượt biển đến Indonesia. Nghe kể lại những nỗi kinh hoàng của hơn 70 thuyền nhân trên chiếc tàu nhỏ. Không còn một giọt nước. Số người trên chiếc tầu nhỏ cứ chết dần. Người vừa mới chết được thuyền nhân khác dùng dao để rạch xem có hút được tý máu nào từ người vừa mới chết không? Không, nguời mới chết đã chết khô nên không còn có giọt máu nào nữa. Một quả chanh lúc ban đầu được trả giá bằng những viên kim cương. Rồi tham lam tranh dành nhau quá, quả chanh đã rơi tõm xuống biển. Chỉ còn hơn 30 người đã sống sót để đến được bờ biển Nam Dương.

Đói thì bất kể ăn gì cũng được. Miễn là để sống còn.

Trận đói năm Ất Dậu, người ta đã gặp gì ăn nấy. Thịt chuột cống, lá, vỏ cây, ngay cả thịt người.

Theo Tảo Hoài trong bài “nạn dân đói” báo Thanh Nghị số 104: Không còn gà, vịt, lợn chó nữa. Tất cả đều bị chủ ăn thịt hết. Một sự im lặng rùng rợn bao phủ làng xóm.

Theo tạp chí Trung Bắc, số chủ nhật, 169.

Vào đầu năm 1945, những hàng rào dâm bụt trụi hết lá, củ chuối ở miền châu thổ bị đào bới hết nên đã có người buôn củ chuối từ miền Trung du mang về bán với giá 150 đồng một tạ.

Phần Phủ Thống sứ Tây đã phải ra thông cáo như sau: “cấm chuyên chở hoặc bán chuột sống hay chuột chết, chuột chưa nấu chín hoặc đã nấu thành món ăn.” Hết thịt chuột thì đến thịt người. Theo sở cảnh sát Hải phòng cho biết rằng có một lần cảnh binh bắt được hai tên đương giết một đứa trẻ trong nghĩa trang An-Dương ở ngoại ô Hải phòng. Vì sợ làm hoang mang dân chúng nên chính quyền không dám đem vụ đó ra xử công khai.

Nói chi đến cái đói của người tù cải tạo sau 1975.

Hiện nay, không có dân tộc nào trên thế giới ăn như dân Việt Nam. Họ ăn đủ thứ, ăn bất cứ cái gì, ăn bất cứ ở đâu, bất kể ngày đêm. Ăn tất cả những con vật nào biết đi, biết bò, biết bơi, biết bay. Ăn tất cứ con vật nào có lông hay không lông, có da hay không da, có vẩy hay không có vẩy, bốn chân hay hai chân cũng ăn tuốt. Ăn bất kể con vật nào là giống cái hay giống đực, đi bằng bốn chân hay hai chân.

Trên trời không còn chim bay. Dưới nước cá không còn lội. Trong rừng không còn dê, nai, gấu, sư tử, voi, không còn rắn độc hay không độc.

Con người Việt Nam ăn cả gỗ đá, cả đất, ăn khoáng sản, ăn ciment, ăn dầu khí.

Con mèo, con chó trong nhà mạng sống như chỉ mành treo chuông. Các loài động vật hai chân, có vú bị đem bán, đem thuê, làm đĩ.

Nghĩ tới mà khủng khiếp. Đó là thời kỳ mạt cho giống người. Khốn thay phải làm người mà là người Việt Nam, cái mà Hà Sĩ Phu gọi văn vẻ là khủng hoảng nhân cách.

Mặc dầu vậy, xã hội con người nào cũng biến việc ăn uống thành một thứ văn hóa ẩm thực trong cách nấu nướng, trong cách sinh hoạt, trong cách ăn cách uống. Có dân tộc ăn bốc, ăn đũa, ăn có thìa muỗng. Rồi không thiếu những hội hè, đình đám, giỗ tết, lễ hội linh đình. Đôi khi, người ta biến ăn uống thành thứ “đạo ăn”.

Có rất nhiều lễ Hội. Và có Lễ Hội là có ăn uống, nhất là ở miền bắc như các Lễ hội Lim, Hội Phù Giày, lễ hội chùa Bút Tháp, lễ Hội chùa Thầy, lễ hội chùa Keo, Thái Bình, lễ hội chùa Tây Phương, lễ hội Phủ Giày, lễ hội Đền Độ, Bắc Ninh. Nơi đây là quê hương của Nam Cao bố đẻ ra Thị Nở, Chí Phèo. Chắc mai đây, người ta sẽ tìm ra chỗ dấu vết “cái đêm hôm ấy” đêm gì, cái đêm, cái nơi mà Thị Nở vô tình đã nằm ngủ tênh hênh ra đấy để cho Chí Phèo của Nam Cao… (không phải Chí Phèo Bolsa).

Mỗi địa phương lại có những đặc sản của mình như Cốm Nguyên Ninh, bánh đậu xanh Hải Dương, Cốm Vòng, nhãn Hưng Yên, nhãn Cót, chả nướng Ghềnh, món Rươi Hà Nội, chả cá Lã Vọng… Ở Huế người ta không nghĩ ra món gì đành nói tới cơm Hến, cơm Âm phủ.

Cá bống kho tiêu (Pepper-Oil Simmered Sandy Goby). Nguồn kikirice.blogspot.com

Trong Nam, ông Trần Trọng Trí viết “6 độc chiêu, đặc sản Nam Bộ” (Tắc kè xào lăn, Chuột xào xả ớt, Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất, Dơi quạ hấp chao, Ba khía ngâm muối, Cá bống kho tiêu – DCV).

Sơn Nam viết:

Thực chất biến dạng của các món ăn Nam Bộ và kết luận bằng câu nói của Lâm Ngữ Đường: “ Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi”.

Phần vua chúa thì dĩ nhiên việc ăn uống cầu kỳ và phức tạp lắm. Nồi niêu, đũa bát, tăm xỉa răng phải vót riêng. Cái tăm có đầu to như cái đũa, một đầu vót nhọn. Nguyễn Đắc Xuân, có họ hàng bà con hầu hạ trong cung nên được nghe kể lại cách ăn uống trong nội. Khó tin gì vào anh này, vì thành tích là vua khoác lác và nói phịa.

Chẳng hạn, các vua triều Nguyễn dùng khoảng 35 món mỗi bữa. Món ăn đựng trong các vịm, bọc giấy, có đề tên món ăn dán bên ngoài. Vua ăn được gọi là “ngự thiện”. Thường vua xơi một mình. Người hầu cho vua ăn được gọi là “chầu thiện” Nhiều món cũng thường, rất địa phương như dưa món, ruốc sả, rau muống chấm nước tương. Ăn không hết thì vua ban thưởng cho các quan, các cung tần vua đặc biệt sủng ái. Món ăn cho vào quả sơn và cho lính rước đến nhà quan lại được nhận.

Địa phương nào có món ăn đặc sản cũng dân cúng vào trong triều. Chẳng hạn muốn ăn cá Anh Vũ ở Việt Trì. dân làng mang cá về, phải tách mang cá ra, rồi nhét bông tẩm rượu vào mang cá, sau đó lấy bèo sắp nước lên mình cá để cá vẫn được tươi. Sau đó cá được bỏ vào bẹ chuối túm lại. Phần cá, “ nhấm nháp” rượu đến say lừ nằm yên không quẫy, không cựa quậy nằm trên lưng ngựa chạy thấu tới Kinh đô. Vào tới Kinh, cá được dâng lên vẫn còn tươi.

Quả là công phu và cầu kỳ.

Nói về ăn, tôi vẫn thích thú khi đọc nhà văn Phạm Duy Tốn viết trong truyện “Sống chết mặc bay” để thấy cái mặt trái của bọn chức việc ăn trên đầu trên cổ dân nghèo, tàn bạo đến dã man, ty tiện tranh dành đến thô bỉ mà quên rằng miếng ăn là miếng nhục.

Ăn thì phải bài tiết ra. Ăn nhiều thì ỉa nhiều. Có thể đây là phần kết thức để nói về cái mà người viết gọi là có một nền “Văn hóa cầu tiêu”.

Văn hóa cầu tiêu

Những kỷ niệm đến trở thành nỗi kinh hoàng, nỗi ghê tởm sau này mỗi khi nhớ lại là những cầu xí đổ thùng ở Hà nội. Nghĩ đến mà ghê tởm biến thành những cơn ác mộng ban đêm. Mùi hôi thối nghẹt mũi. Nhưng cũng cố mà quen được. Nhưng có cái không thể nào quen được. Một đàn nhặng sà xuống, bay lên, lượn tứ tung, tiếng bay vù vù. Quấy rầy không ít. Phải mau mau ra khỏi chốn này. Hầm cầu tiêu được làm quay ra mặt đường phố để tiện cho phu đổ thùng mỗi sáng. Ngồi trong cầu tiêu hôi hám, nhìn xuống là hố phân lúc nhúc những con bọ. Hằng trăm, hằng nghìn con, lổn ngổn bò lên như một đoàn quân xông tới, leo lên bệ cầu tiêu. Đó là nỗi khiếp sợ ám ảnh suốt đời một đứa bé. Sợ quá. Hãi quá.

Vậy mà có một lần, một lần duy nhất trong đời, nhìn thấy một người, một linh mục gốc người Gia Nã Đại đã có lần một trong đám trẻ ấy đánh rơi một cái bút máy xuống hố phân. Nó khóc. Ông đã chẳng mắng, từ tốn cởi áo chùng, chỉ còn chiếc quần đùi. Mình đầy lông lá như loài vượn. Ông rạp mình với cánh tay dài, mò trong thùng phân để kiếm ra được chiếc bút. Ông kiếm ra được. Điểm một nụ cười ngây ngô khờ khạo. Những người như ông kiếm ra được một cũng không phải dễ. Các Hiền triết Hy Lạp thời xưa, đốt đuốc đi tìm người.

Phải chăng thay vì rước đuốc Thế vận. Hãy đốt cho thật nhiều đuốc lên để tìm cho ra một cán bộ Cộng Sản là người tử tế? Chỉ cần vài người trong bọn chóp bu là người tử tế đủ cứu nước Việt Nam ra khỏi vũng lầy mất nhân cách làm người hiện nay.

Sự việc ông linh mục Canada mò thùng phân ấy để tùy mỗi người suy nghĩ.

Thưở bé, ở Hà Nội, tôi nhìn thấy từng đoàn người, sáng sớm tinh mơ, khi mặt hồ còn mù sương, chút giá lạnh sương đêm. Họ xêp hàng một, như một đội binh, lũ lượt những người gánh phân phần lớn là đàn bà, nhịp nhàng, kĩu kịt, im lặng gánh những gánh phân ra ngoài thành phố. Trên mặt gánh đề những tàu lá dong để phân đừng sóng ra ngoài… Hay những xe bò chở phân lóc cóc ra khỏi thành phố cất đi những xú uế. Hình ảnh tương phản là những gánh phân đó ra khỏi thành phố đến các khu trồng rau trở thành phân bón theo một chu trình sinh hóa khép kín: ăn, ỉa, ăn lại. Thiên nhiên không có gì mất đi. Cũng không có gì là thừa. Trở ra là xú uế. Trở vào là cái hương hoa, cái tinh khiết, cái tươi mát của rau trái hoa quả tươi cung cấp cho thành phố.

Cái văn hóa cầu tiêu đó là một ám ảnh không vui của một xã hội nghèo đói, chậm tiến và nhẫn nhục.

Sau này, đọc Tô Hoài, hình như trong Cát bụi chân ai. Ông đi “thực tế” ở thôn quê. Sáng sáng “tranh thủ dậy sớm” để đi gắp phân cho đúng kế hoạch. Phải dậy sớm, dạy đúng tầm kẻo người khác gắp hết phân. Sớm quá không được vì chưa có người ra đồng, trễ quá cũng không xong vì người khác gấp trước… Những người buôn bán phân còn lấy tay quệt vào thúng phân đưa lên mũi ngửi để phân biệt phân tốt hay phân xấu. Phân xấu là phân của nhà nghèo thường chỉ có bã, ít mùi. Phân nhà giầu thì “ phẩm chất tốt”, mùi nhiều, sền sệt.

Khủng khiếp thay. Và khốn nạn thay kiếp con người.

Và cho đến nay, tôi bảo đảm là nhiều nơi ở miền bắc cũng chưa ra khỏi nền văn hóa cầu tiêu ấy.

Cuộc di cư khỏi miền Bắc là một giải thoát. Ít ra là đối với người viết bài này. Kể từ đó, hết cảnh ngồi cầu xí đổ thùng. Hết ruồi nhặng. Hết hôi thối gớm ghiếc. Nhất là hết phải nhìn những đàn dòi lúc nhúc. Hết rồi. hết thật rồi.

Nhà cầu ở miền Nam, ngay từ những năm 1954, đã có nước dội sạch sẽ. Dù sống ở một hẻm con phố nghèo, chật chội đường Bùi Viện.

Ôi hạnh phúc thay vì đã thoát ra khỏi cái nền văn hóa cầu tiêu. Hôi thối và nhục nhằn, dơ bẩn và tối tăm.

Ra Huế nhiều lần. Người viết có đi thăm các lăng tẩm trống rỗng. Chỉ có xác nhà vô hồn, vô nghĩa của các vua triều Nguyễn bởi vì người ta ăn cắp sạch sành sanh. Không thấy dấu vết một cái nhà xí, một chỗ để phóng uế. Hóa ra, ngay trong chỗ sang trọng nhất của vua quan nhà Nguyễn. Vua cũng không có một cái nhà cầu, một chỗ để tắm.

Hóa ra người ta chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc. Ăn cho ngon, mặc cho đẹp nhưng ỉa vào đâu?

Sau này, có lần đọc truyện ngắn của ông Vương Văn Quang. Truyện Chuyện Xóm Tôi. Ông ném tôi vào một thế giới nhơ nhớp, khốn nạn của giống người. Tôi giận ông lắm. Ông viết nhơ nhớp chịu không nổi. Chỉ có cứt là cứt. Như một thứ Nguyễn Huy Thiệp. Ông lại làm cho tôi khó chịu một lần nữa. Những khu chung cư ở Hà Nội. Đông đúc. Chật chội. Dòm ngó. Dơ bẩn. Nhỏ nhen. Ì xèo chửi bới. Bần tiện. Trộm vặt. Thù vặt. Xỏ lá. Chửi đổng. Đểu cáng. Ích kỷ. Địa ngục. Kiếp người. Khốn nạn. Lưu đầy.

Nhân vật truyện của Vương Văn Quang, ông Tư Râu, ỉa bậy, tối tối gói vào giấy, quẳng vào khoảng sân chính, công viên giữa chung cư. Có người bắt gặp. Tư Râu thù vặt lần sau, lấy cứt chét vào lỗ chìa khóa nhà người đàn bà ấy. Hãy nghe ông thì thào:

Tớ lấy phân tớ, nhét vào lỗ khóa cửa nhà hai đứa chúng nó. Thể nào tra chìa mở cửa xong, đút chìa khóa vào đâu đó, rồi cứ thấy mùi cứt thoang thoảng trong nhà mà không biết ở đâu… Ha… ha… ha… Ông Tư Râu cười rung rinh chòm râu và mái tóc đã ngả muối tiêu.

(Ngưng trích).

Làm sao con người có thể sống trong một xã hội phi văn hóa đến như thế?

Nay thì các cầu tiêu dùng cho khách du lịch đã sang trọng hơn nhiều. Nhưng hãy nghe một khách du lịch viết lại một chuyến đi:

“ Nhà vệ sinh phải sắp hàng, nhìn ra phía trước có vẻ lộn xộn thì ra khách phải bỏ lại giầy dép ở bậc tam cấp và chỉ dùng dép riêng ở nhà vệ sinh. Một anh Tây ba lô lẹ tay buộc giầy trên quai chiếc ba lô trước khi mang dép vào nhà vệ sinh… Tôi cũng hơi lo ngại nhưng không kịp phản ứng vừa sợ mất giầy, vừa sợ phải mang đôi dép ướt nhèm nhẹp của nhà vệ sinh.

Hết trích.

Thật là quái gở.

Nhưng còn quái gở hơn thế nữa. Các lễ hội vừa kể trên, chỉ có tính cách trang trí tuyên truyền, trống rỗng nội dung. Có lễ hội như lễ hội đền Độ, có khoảng 40 chục ngàn người lũ lượt về tham dự. Nhưng chỉ có dăm nhà vệ sinh cho con số 40 ngàn người.

Tôi có đi thăm văn miếu để sống lại và mường tượng ra các tiến sĩ, nhân tài của đất nước với các bia đặt trên lưng các con rùa. Khi về, đi ngang qua một bức tường bao quanh văn miếu. Tôi vội đi thật nhanh, vì mùi xú uế, khai nồng nặc giữa nắng sau buổi trưa.

Tôi thấy thất vọng quá, ngao ngán không biết phải nói làm sao.

Cứ thử tưởng tượng xem sự dơ dáy thối tha như thế nào?

Hà Nội tôi thế đấy. Đất nước tôi như thế đấy.

Tôi đang sống ở ngoại quốc. Xa Việt Nam lắm. Tôi không ngửi thấy mùi gì cả. Một phi trường ở Mỹ có khi có một triệu lượt hành khách lên xuống trong một năm. Một triệu lần đi cầu xí… Xin cho biết phải cần bao nhiêu cầu tiêu? Tôi chỉ biết, chưa ở đâu phải xếp hàng để vào Restroom. Quý vị có khi phải chờ xếp hàng để mua một miếng bánh mì. Nhưng xếp hàng đi Restroom thì không.

Tôi đến một nhà hàng Ý ở trung tâm một thành phố thấy có hai ngã restroom., một cho bên đàn ông và một bên đàn bà. Nhưng đặc biệt có một cửa ở giữa có hình vẽ cả đàn ông đàn bà. Tôi hỏi một người bồi trong nhà hàng. Anh ta hỏi ngược lại tôi. Mày có phải Gay không?

Ở một lối đi trong một Mall rộng lớn, tôi nhìn thấy bảng chỉ dẫn đến cầu tiêu công cộng như sau: Kualampur, Malaysia 9081 miles bên cạnh hướng chỉ vào Restroom. Không ghi miles. Bảng chỉ dẫn hướng khác ghi: Hồng Kông, China 7539 miles. Tokyo 5783 miles. Moscow, Russia 6173, Los Angeles, Ca 356 miles. Quý vị thử đoán xem, tôi đang đứng ở đâu trên nước Mỹ?

Chỉ có một điều, Restroom ở Mỹ sạch sẽ thơm tho hơn Văn Miếu và các nhà hàng ở Hà Nội? Bao giờ thì Hà Nội vượt ra khỏi nền Văn hoá cầu tiêu?

Nguyễn Văn Lục

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179