Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu

Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu



Ở hải-ngoại, từ giữa thập niên 1980, từ sau cuốn hồi-ký của ông Đỗ Mậu, các hồi-ký về cái chết của Việt-Nam Cộng-Hòa, về cái chết của Đệ nhất cộng hòa và anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, về cuộc chiến chấm dứt ngày 30-4-1975 ở miền Nam, ... đua nhau xuất-bản, tái-bản. Sử liệu thì cũng có dù giả-chân đầy ra đó, nhưng không thiếu những lời tự biện hộ hoặc tự đề cao cá nhân và phe nhóm; toàn là lời chót lưỡi của những con người khi có quyền lực đã không làm gì hoặc đã nhúng tay vô chàm hay đồng lõa, nay đánh bóng lại cái sai lầm, cái đồng lõa một thời, và nếu có thủ phạm thì toàn là người đã chết không còn tự biện hộ hoặc phản pháo lại “đồng đội” được nữa! Và mỗi năm đến ngày 2 tháng 11, người ta lại tổ chức tưởng niệm người đã chết, chạy theo khí tiết người bị giết, đăng đàn diễn thuyết, ra sách, viết báo về những chuyện tưởng chưa bao giờ nghe nhưng thực ra đã nghe đâu đó rồi! Năm nay là đã 50 năm sau ngày đảo chánh 1-11-1963, công tội đã rõ, nhưng người ta vẫn chưa thỏa mãn, đặc-biệt người ta mong đợi cuốn Hồi-ký của Bà Ngô Đình Nhu từ nhiều năm qua – mong đợi có thể vì tò mò và sẵn sàng “phản pháo, đính chính, chụp mũ” hơn là vì muốn biết Bà Ngô Đình Nhu nghĩ gì về những biến cố bi thảm đã xảy ra cho đất nước và cho riêng gia-đình bà và chồng bà.

Và cuối cùng, sau gần 47 năm im hơi lặng tiếng, bà viết xong tập hồi-ký ngày 22-8-2010 tại nhà riêng (Tịnh-Quang-Lâu) ở ngoại ô Rome nước Ý, do sự thôi thúc của cô gái út Lệ Quyên và con rể Olindo Borsoi (mà bà xem là do Chúa sắp đặt vì bà đã muốn giữ im lặng, tr. 190), và 6 tháng sau, ngày 24-4-2011, bà qua đời tại bệnh viện ở La-Mã, tên thánh Maria (bà trở lại đạo Công-giáo sau khi lập gia-đình), thọ 87 tuổi, sau 48 năm sống lưu vong. Hôm 2-11-2013 vừa qua tại nhà thờ giáo xứ Việt-Nam ở Paris, nhân lễ tưởng niệm 50 năm ngày qua đời của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, thứ nam của ông bà Ngô Đình Nhu là ông Ngô Đình Quỳnh đã cho ra mắt quyển sách tiếng Pháp La République du Việt Nam et les Ngô-Đình ( Nền Cộng Hòa Việt Nam và Gia Đình Ngô-Đình) mà hơn một nửa là di-cảo hồi ký của mẹ ông. Ông đã cho biết lý do ra đời của quyển sách này như sau: “Cuốn sách được xuất bản hôm nay có một phần hồi ức của Mẹ tôi được ghi chép từ năm 1963. Đồng thời chúng tôi có ý muốn soi sáng một phần của lịch sử hãy còn mù mờ. Một số sai lầm về hình ảnh của hai anh em họ Ngô mà cả bên Tây Phương lẫn đảng Cộng sản Việt Nam đã lưu truyền. Từ quyển sách này chúng tôi muốn đem lại cái nhìn đúng đắn hơn, đồng thời có phần đóng góp của Mẹ tôi với nhãn quan có phần huyền bí của Bà. Thế thôi!». Chúng tôi được một tín hữu cùng giáo xứ với bà Nhu ở Paris gởi cho một bản; trong bài này chúng tôi chỉ ghi lại những điểm đặc-biệt hoặc ít được biết, hoặc theo cách nhìn và cắt nghĩa của bà Nhu, còn phần thần học tâm linh, sẽ để một dịp khác hoặc người khác trong ngành bàn đến.

Tập sách 246 trang nhưng phần hồi-ký do Bà Ngô Đình Nhu viết với tựa đề “Le Caillou blanc” (Viên Sỏi Trắng) được hơn 130 trang (tr. 109-241) kể cả phụ lục 3 bức thư viết tay chưa từng công bố của ông Ngô Đình Nhu viết gởi cho đồng môn Ecole des Chartes ở Paris (20-4-1956, Tết 1963 và 2-9-1963) nay vẫn được giữ ở Văn khố nhà trường này. Phần đầu do hai người con Ngô Đình Quỳnh, Ngô Đình Lệ-Quyên (tử nạn giao thông, 16-4-2012) và bà Jacqueline Willemetz dẫn nhập với tài liệu gia-đình về lịch-sử Việt-Nam từ sau ngày thành lập nền đệ nhất cộng hòa, ngày 26-10-1956, đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 và sau đó.

Bà Ngô-Đình Nhu nhủ danh Trần Lệ Xuân, sinh năm 1924 tại Hà-Nội, thân phụ là Trần Văn Chương, con Tổng đốc Nam Định, mẹ là Thân Thị Nam-Trân - với bên ngoại, bà Nhu là cháu ngoại vua Đồng Khánh và là cháu họ vua Bảo Đại. Bà Nhu gọi ông Bùi Quang Chiêu là “ông bác” (anh cả của bà nội) bị Hồ Chí Minh ra lệnh giết một cách tàn ác giết hết cả nhà kể cả 6 người con mà đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi; cả Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cũng là anh em họ với thân phụ bà. Bà học Albert Sarrault, thi đậu tú tài Pháp. Năm 19 tuổi, bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu ở Hà-Nội ngày 30-4-1943, sau đó ông bà về sống ở Huế.

Không biết khi đặt tựa Viên Sỏi Trắng/Le Caillou blanc cho cuốn hồi-ký, bà muốn nói thân phận bà bị lịch-sử đối xử như vậy mà vẫn trắng trong, nhỏ bé, hay muốn tả nỗi lòng trơ như đá, bất nhẫn trước thời cuộc? Thật vậy, trong hơn nửa tập hồi-ký, bà nói đến chuyện tâm linh, những chuyện cao xa hơn chuyện thế tục thường tình, về sự hiện hữu của Thượng Đế và của con người. Mở đầu hồi-ký, bà Nhu ghi lại lời sách Khải Huyền “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ ban cho man-na đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Apocalyse 2, 17). Và thêm lời Thánh Thư Luca : “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Luc 9, 48).

Bà bắt đầu hồi-ký ở chương 1, “Lý lẽ của định mệnh” như sau: “Vào cuối cuộc đời tôi, sau nửa thế kỷ im lặng, và vì ý nghĩa đơn thuần của nhiệm vụ, tôi ghi lại những gì cần phải được biết. Đó là sự giải thoát cho tất cả. Không phải để thỏa mãn tò mò nào đó, nhưng để trả lại những gì mà định mệnh đã đòi hỏi “kẻ nhỏ nhất” của Thiên Chúa, vào thời điểm của kẻ đó. Tôi bắt đầu cuốn ký ức này, nếu tôi có thể viết xong được, cốt để làm cho người khác hiểu được những đòi hỏi của một chuỗi dài đời-sống đã được định sẵn trước, nhận ra rằng cuộc sống không bao giờ có hành động trái với ý muốn của mình, mà trái lại, luôn luôn như là phải như vậy” (tr. 112).

Như vậy, bà xem thân phận bà như viên sỏi trắng “nhỏ bé” mà định mệnh đã đặt vào thời đó, nơi đó. Từ suy nghĩ về cuộc đời mình, bà khám phá ra được Thiên Chúa một cách bất chợt và khủng khiếp. Cái gì thuộc về Tạo Hóa sẽ trả lại cho Tạo Hóa để thực hiện đầy đủ và tột cùng chương trình của con người. Định mệnh, đó là cắt nghĩa đơn giản của bà lúc này là lúc bà đã bắt đầu cảm nhận sống những ngày tháng cuối đời, và trước nay bà sống một cuộc sống mà bà không bao giờ nghi ngờ gì.

Bà ra đời do một bác sĩ người Pháp đỡ đẻ thay vì là một cô mụ người Việt, ông ta nắm 2 chân trẻ sơ sinh và đánh vào mông thật mạnh cho đến khi đừa bé khóc ré lên phản đối. Đó là khung cách bạo lực mà bà đến với cuộc đời này, đã vậy mẹ bà lại thất vọng vì bà là cô con gái thứ hai. Sau bà là một em trai sẽ khiến mẹ bà càng hất hủi bà - khi cha mẹ bà vào Sài-Gòn, đã để một mình bà lại cho bà nội nhưng sinh hoạt chung với người làm, khiến bà bị bệnh nặng. Được về sống lại với gia-đình, bà lớn lên trong tự tin một cách tự nhiên, dễ chấp nhận nhưng cũng sẵn sàng đối đầu với thực tại, ở trường cũng như trong gia-đình, nhưng bà không được yêu thương như chị và em trai, trở thành đứa trẻ không thể động đến (Intouchable). Khiến về sau bà biết lúc cần xuất hiện và lánh mặt khi không còn cần thiết, cho đến khi bà phải đối đầu với Tây phương, thực-dân và đế quốc, bà vốn dè dặt một cách đặc-biệt. Đối đầu đòi hỏi sự tôn trọng tha nhân, nhưng ở đời không phải lúc nào cũng vậy, bà thường rút lui, không muốn tấn công ra mặt, cuối cùng bà chịu sự bất cảm thông hoặc ác ý của kẻ kia.

Năm 17 tuổi, bà gặp ông quản thủ thư viện Ngô Đình Nhu, lần đầu khi đến thăm gia-đình bà vốn là chỗ thân giao từ kinh thành Huế. Hai người mến nhau từ việc ông Nhu đến mà cô Trần Lệ Xuân chưa chưng xong hoa vừa đi mua về theo lệnh mẹ; cô gái đẩy ông Nhu vào phòng đợi nhỏ và dặn chỉ được đi ra khi cô xong chậu hoa. Sau đó thì chàng tặng sách, nàng hồi thư – được chàng tặng cho danh hiệu “Bà De Sévigné” vì thư nào cũng dài hơi và linh hoạt. Chính ông Ngô Đình Diệm quyền huynh thế phụ (đã mất) đến xin hỏi cưới cô Xuân cho em mình. Sau ngày cưới, cô Xuân hài lòng thoát gia-đình, đưa theo bà vú, về nhà chồng ở Huế. Vai trò bà đã thay đổi, hết bị rẻ rúng như ở với cha mẹ, nhất là từ khi anh cả Ngô Đình Khôi và con trai nối dòng bị Việt-minh giết, con cái bà sẽ nối dõi tông đường. Bà vú xin thôi việc sau đó vì cảm thấy không thiết yếu trong khung cảnh sống mới, điều mà bà Nhu sau này tiếc nuối, nhất là thời gian bị Việt-minh bắt lên rừng và sống ở Đà-Lạt.

Bà cảm nhận rằng rừng núi Nam-Giao, một nơi thiêng liêng độc nhất ở Việt-Nam, tượng trưng cho sự đợi chờ Thần Thánh Vạn Năng không tên, của cả một dân-tộc, trãi qua nhiều tôn giáo. Bà đã du lịch nhiều nơi nhưng chỉ có Nam Giao là đã cho bà ấn tượng mãnh liệt rằng thần linh đã chúc phúc cho dân-tộc Việt. Bà không thể lường trước cuộc sống đầy bất trắc với chồng và gia-đình chồng, nhiều lúc bà trách chồng “dối” bà (không tiết lộ gì) khi làm chính-trị, bí mật. Ban đầu ông Nhu thường sang nhà các người anh để trò chuyện, đến bữa ăn ông bà sang nhà từ đường phía bên kia kinh An Cựu để dùng bữa. Một năm làm quen với Huế và đại gia-đình nhà chồng, thì bất hạnh xảy đến cho người anh cả Ngô Đình Khôi và con trai ngày 22-8-1944. Sau đó chồng bà biến mất, sợ rơi vào tình huống của ông anh cả và ông Ngô Đình Diệm, người anh thứ ba, cũng đã bị Việt-minh bắt trên xe lửa từ Sài-Gòn về Huế và đưa ra nhốt ở miền thượng-du Bắc Việt từ tháng 9-1945 đến 12-1946. Ông Diệm được thả ở Hà-Nội nhờ chồng bà đã gặp ông Hồ, vả lại họ Hồ bí không trả lời ông Diệm được tại sao lại giết anh cả và cháu của ông. Ông Nhu đã ra Hà-Nội lúc đó, ở nhà cha mẹ bà và không ai biết ông làm gì lúc đó (bà Nhu không hay biết gì, mà ông Nhu cũng không hề kể). 20 tuổi, một mình ở Huế dù có người làm, bà dần dà thấy chồng bà không những không bảo vệ bà mà còn là một mối nguy cơ đe dọa bà và tiểu gia-đình bà (tr. 135) – may mà bà còn có an ủi: ngày 27-8-1945, bà hạ sinh cô con gái đầu Lệ-Thủy.

Ông bà Trần Văn Chương cuối cùng bỏ Hà-Nội (villa bị tịch thu) vào ở Huế, ông Nhu cũng trở về Huế, nhưng cán bộ cộng-sản đến nhà tìm, bà Nhu đã khéo léo lần lữa bắt tên này chờ đến phải bỏ về và hẹn trở lại, nhưng đêm đó ông Nhu phải bỏ trốn, và bà Nhu không có tin tức chồng trong một thời-gian dài sau đó. Sau ngày 19-12-1946, chiến-tranh lại bùng nổ, bộ đội Việt-minh cưỡng bách gia-đình bà Nhu phải bỏ nhà cửa sơ tán khỏi thành phố Huế theo vào vùng họ kiểm soát, trãi qua suốt mùa Đông lạnh lẽo. Cuối cùng mẹ con bà được một linh-mục Dòng Chúa Cứu Thế đem thuyền đến giúp trốn về Nhà Dòng, ở nhà kho nơi ông Cẩn đang tạm trú, nhưng hôm sau bà ôm con 3 tuối theo xe vào Đà Nẵng và mua vé máy bay quân sự vào Sài-Gòn. Tạm trú ở nhà người chị, bà Nhu vô cùng ngạc nhiên gặp lại chồng bí mật ở nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Sau đó ông bà lên sống ở Đà Lạt, ở nhà người chị của bà, theo bà là "thời gian hạnh phúc nhất", bà sinh thêm hai người con trai, Ngô Đình Trác 1947 và Ngô Đình Quỳnh 1952, và cuộc sống của gia-đình bà tại Đà Lạt tuy giản dị, trong khung cảnh hoang dã nhưng an ninh, lúc đầu xa rời chính trị. Nhưng rồi bà thừa nhận bà đã cô độc khi ở đây và viết: "Chồng tôi thường biến mất mà chẳng nhắn lại gì" (tr. 152).

Từ khi ông Ngô Đình Diệm, anh chồng bà, được cử làm Thủ tướng từ Pháp về nhận chức (7-7-1954), ông bà Nhu xuống Sài-Gòn để phụ tá. Ông bà Nhu và 3 con sống tạm nhiều nơi trước khi về ở trong Dinh Độc Lập. Ông Nhu làm báo Xã-Hộitòa soạn ngay trong căn nhà nhỏ hẹp. Trong lúc thủ đô Sài-Gòn tình hình chưa ổn định, phe Bình Xuyên và tay chân của Pháp liên tục quấy phá, bà Nhu đã thành công một việc ngoài sức tưởng tượng: nhân dịp tướng Nguyễn Văn Xuân mời ông bà Nhu ăn ở một nhà hàng trong Chợ Lớn, bà Nhu đã hỏi thẳng ông Xuân tại sao không cách chức tướng Nguyễn Văn Hinh tổng tư lệnh quân đội, ông Xuân đã thách thức bà Nhu tìm cho được 5 chữ ký thì ông sẽ thuận theo yêu cầu đó. Bà Nhu tình cờ gặp những người từ Bắc mới di cư vào, cùng họ vận động những người di cư kín đáo tụ tập rồi giơ cao biểu ngữ trước nhà thờ Chánh tòa Sài-Gòn ngày 21-9-1954. Dù cảnh sát Bình Xuyên được mật báo nên đã có mặt ở trại di cư trước với 2 xe tăng, bà lái chiếc xe hiệu Panhard đến và tra hỏi tại sao cảnh sát lại cấm cản người dân đi chợ. Đám cảnh sát bỏ đi, xong trở lại, bà lên xe rồ máy bỏ chạy đến trước nhà thờ nơi mà những người di cư đang chờ, và họ đã giương cao biểu ngữ ủng hộ kiến nghị của bà Nhu (đòi hỏi tướng Hinh phải từ chức). Hình ảnh và thông tin được gởi cho tờ báo tiếng Pháp duy nhất ở Sài-Gòn.

Ông Trần Chánh Thành bộ trưởng Thông tin đã kiểm duyệt không cho báo-chí VN đăng tin đó, nhưng báo tiếng Pháp đã đăng tải phổ biến thông tin và hình ảnh vụ biểu dương mà không được phép của chính phủ. Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Xuân đã phải từ chức 3 ngày sau đó, trở thành “nạn nhân” đầu tiên của bà Nhu (tr. 165). Nội các Ngô Đình Diệm phải cải tổ, bà Nhu bị người Pháp với sự giúp đỡ của người Mỹ, ép đưa đi ra ngoại quốc 3 tháng để Nội các cải tổ được ổn định, và để bà Nhu không thể ra ứng cử dân biểu Quốc hội lập hiến và lập pháp sau đó. Nhưng vô ích, vì dù ở xa, bà sẽ vẫn đắc cử, với sự ủng hộ của tập thể người di cư. Bà sang Hoa-Thịnh-Đốn nơi ông thân bà làm đại sứ ở Hoa-Kỳ, ông đưa bà đến ăn sáng do thượng nghị sĩ J.F. Kennedy (về sau đắc cử Tổng thống) mời, sau đó bà ở lâu hơn ở tu viện nữ người Ý ở Hương-Cảng. Bà tận dụng thời-gian ở đó để học thêm tiếng Anh.

Bà Nhu trở về miền Nam và vào ở trong Dinh Độc Lập. Sau Trưng cầu dân ý 23-10-1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống, mở đầu cho nền Đệ nhất Cộng-hòa, và cử ông Ngô Đình Nhu chính thức làm Cố vấn chính-trị – với chức này, ông Nhu đề ra thuyết Nhân Vị đề cao tính siêu việt của con người, tức sự tái sinh bởi khả năng con người hành xử Đức độ như Thiên Chúa đã dạy (Mt. 19, 28). Theo bà Nhu, thực dân Pháp chưa buông tha, rút người về Cam Bốt, từ nơi đó tổ chức gây rối ở miền Nam.

Vụ tiếp theo là vụ ám sát Tổng thống Diệm ở Ban-Mê-Thuột, có liên quan đến Lê Văn Kim người của Pháp đào tạo và từng là tùy viên của Thierry d'Argenlieu, đang là chỉ huy Trường Võ bị Đà-Lạt. Rồi đến vụ đảo chánh 11-11-1960 và vai trò của tướng Nguyễn Khánh từng là tùy viên của thủ tướng Nguyễn Văn Xuân và từng tổ chức những buổi pique-nique ở Đà Lạt có bà Nhu và Bảo Đại, Nguyễn Khánh xưng là đại diện cho nhóm đảo chánh. Bà Nhu tin là do Pháp giật dây. Bà Nhu đã can thiệp khi thấy tướng Khánh dùng thủ đoạn đánh điểm yếu của Tổng thống Diệm là thương người và sợ đổ máu. Bà Nhu hối chồng hất cẳng tướng Khánh và kêu gọi quân lính trung thành về chiếm lại đài phát thanh. Tướng Khánh do đó bị đám đảo chánh kết tội phản bội, nhưng đã thua nên phần lớn bỏ trốn sang Nam Vang. Đại diện CIA gặp anh em Tổng thống Diệm cam đoan là Hoa-Kỳ đã đứng ngoài vụ đảo chánh, bà Nhu có mặt ở đó đã trách móc người Mỹ “Tôi không mong chờ các ông đồng minh, tức là bạn, giữ trung lập trong vụ này!”.

Thái độ của bà Nhu gây chú ý của Hoa-Thịnh-Đốn. Vụ tiếp theo là chuyến viếng thăm Việt-Nam của Phó tổng thống Lyndon B. Jonhson ngày 12-5-1961. PTT Mỹ xuống máy bay, bất chấp nghi thức ngoại giao, thay vì đến chào PTT Nguyễn Ngọc Thơ trước, ông đã đến thẳng bà Nhu, khiến ông Thơ phải chạy theo sau lưng ông PTT Mỹ. Trong buổi điểm tâm sau đó do PTT Thơ mời, có cả ngoại giao đoàn và các dân biểu, ông PTT Johnson thêm một lần gây bối rối khi mời bà Nhu sang thăm trang trại của ông ở Texas mà bà Nhu lại từ chối với lý là chưa có dự tính đó. Vô tình bà Nhu nói dí dỏm sẽ sang thăm nếu ông PTT trở thành Tổng thống. Không ngờ lời nói đó khích động PTT Mỹ, ông kéo bà Nhu ra bao lơn nhưng vô tình sức mạnh kéo tay bà Nhu lại kéo luôn phu nhân Chủ tịch Quốc hội, ông nhìn thấy hớ hênh bèn chữa thẹn rằng muốn bà Nhu giới thiệu thắng cảnh Sài-Gòn từ bao-lơn. Không ngờ lời nói cho qua chuyện lại thành sự thật hơn 2 năm sau đó. Năm 1964, ông Ngô Đình Cẩn - thành viên cuối cùng của dòng họ Ngô Đình còn ở Việt-Nam, bị xử tử sau khi đã xin tị nạn chính-trị với lãnh sự Hoa-Kỳ ở Huế lại bị giao cho nhóm đảo chánh dựng tòa án kêu án tử hình. Bà Nhu đã viết thư yêu cầu TT Johnson can thiệp, nhưng ông đã tỏ ra “hèn hạ” (tr. 177)

- Bà Nhu từng khen ông Cẩn phụ trách cả miền Trung khiến nơi đó yên bình mà không tốn kém gì cho chính quyền Sài-Gòn (tr. 182). Trước đó, vào mùa Thu 1963 khi sang Hoa-Kỳ “giải độc”, bà Nhu đã nhận lời mời đến thăm trang trại của hàng xóm của Johnson, Johnson đã không có hành động gì và trong 1 lá thư duy nhất trả lời thư bà Nhu hỏi tại sao ông ta có vẻ sợ bà, ông viết ”Làm sao tôi có thể sợ một phụ nữ tuyệt vời như bà?”. Lá thư này về sau bà gởi lại một người bạn đồng môn của ông Nhu ở Paris nhờ giữ khi bà Nhu dọn về Rome, đã bị một người đánh tiếng với con trai trưởng của bà Nhu là sắp chết nên muốn nhìn thấy nó trước khi chết, nhưng lá thư không bao giờ trở lại - về sau bà Nhu mới biết người này làm cho tình báo Pháp.

Đắc cử dân-biểu, đến năm 1958, bà đề nghị Luật Gia-Đình có mục-đích giải phóng phụ nữ về mặt pháp lý (một vợ một chồng, nam nữ bình quyền cả trong quản trị, sử-dụng và phân chia gia sản, thừa kế di sản, v.v.), đã bị đa số vẫn còn tinh thần gia trưởng, gia tộc hoặc đa thê, phản đối; dù Hiến pháp 26-10-1956 đã nêu cao nam nữ bình quyền nhưng trong thực tế, người phụ nữ vẫn phải phục-tùng chồng là người vẫn được xã-hội xem là giám-hộ. Bà tổ chức Phong trào Phụ nữ Liên đới (với hình biểu tượng Ngọn đèn dầu của những cô trinh nữ trong Thánh Kinh) kêu gọi và giúp đỡ người phụ nữ ra đời làm việc xã-hội, thiện nguyện. Bà Nhu kêu gọi tinh thần tái dựng lòng yêu nước. Cùng lúc, bà tổ chức lực lượng Phụ nữ bán quân sự (10-1961) tự nguyện, được huấn luyện tự vệ, sử-dụng vũ khí và y tế thường thức. Trưởng nữ Lệ Thủy cũng gia nhập lực lượng này từ khi 16 tuổi.

Sáng sớm ngày 27-2-1962, thêm một vụ chính biến do 2 phi công bắn phá Dinh Tổng thống. Con cái bà bị thương và bà phải vào bệnh viện vì muốn cứu con với bà vú của cô út Lệ Quyên. Biến cố khiến bà thêm ghê tởm bọn thực dân (tr. 180) - bà ghi rõ vụ bắn phá Dinh Tổng thống là do thực dân (“colon”), sau đó là căn nhà từ đường bằng gỗ của gia-đình Ngô Đình ở Huế cũng bị phá hủy, do “la rage francaise contre le Việt-Nam que nous représentions...”(tr. 181).

Xảy ra vụ Phật giáo, bà Nhu muốn có đại diện các đảng phái và các nhóm xã-hội trong Ủy Ban Liên Phái, nhưng Tổng thống Diệm không thuận vì không muốn có bà. Nhưng khi xong Thông cáo chung và bên Phật giáo đã ký, ông Nhu lại hỏi ý kiến bà trước khi cố vấn Tổng thống ký. Bà thấy lạ vì các đòi hỏi của Phật giáo đều là những thứ chưa bao giờ cấm, bà đề nghị ký nhưng ghi tay thêm mấy chữ là những đòi hỏi trong đây chưa bao giờ cấm. Ông Cố vấn đem Thông cáo chung đến buổi họp sau đó và nói lại ý vừa kể, ngoại trưởng Phật giáo Vũ Văn Mẫu yên lặng không nói gì, nhưng Phó Tổng thống Thơ phát biểu: ”Họ uống trà sâm còn mình uống trà thường khiến mình thành người ngu”. Vì câu nói này mà ông Mẫu cạo đầu từ chức. Theo bà Nhu cũng ông VV Mẫu này đến cận ngày 30-4-1975 nghe lời thực dânủng hộ và theo tướng Big Minh (lực lượng thứ 3), nhưng đế quốc mạnh hơn muốn chấm chấm dứt chiến-tranh (tr. 188)!

Trước ngày đảo chánh, từ ngày 12-9-1963, bà Nhu và cô trưởng nữ Ngô-Đình Lệ-Thủy lên đường đi “giải độc” ở Âu châu và Hoa-Kỳ; trước khi xảy ra vụ ám sát anh em Tổng thống, bà và con gái được đông đảo cảnh sát bảo vệ, nhưng sau đó thì bị bỏ rơi, may có một gia-đình người Mỹ do 1 linh-mục giới thiệu, đã giúp đỡ mẹ con bà cho đến khi rời nước Mỹ đi Rome. Phần ông Cô vấn Ngô Đình Nhu, vài ngày trước đảo chánh đã gọi cậu Ngô Đình Trác đưa 2 em lên Đà-Lạt và dặn dò khi có biến hoặc ông Nhu chết, thì phải đưa 2 em trốn vào rừng. Khi xảy ra tiếng súng đảo chánh, các cô cậu đã chạy trốn vào rừng phía sau nhà, trãi qua một đêm trong mưa lạnh. Cả ngày hôm sau đi xuyên qua sông rạch để tránh để lại dấu vết, và cuối cùng đến một nơi trực thăng có thể đáp và chờ đợi. Chỉ trong vòng ba ngày, mấy đứa trẻ đã thoát khỏi sự nguy hại và tới được Rome trước khi mẹ và chị cũng đến đó.

Ngày 15-11-1963, bà và con gái rời Los Angeles để đi Roma sinh sống. Bị đế quốc bỏ rơi, nhưng ở phi trường đầy phóng viên báo-chí và truyền hình. Rồi lúc ghé Paris, bà cũng được đông đảo báo-chí phóng viên đón như vậy, ông đại sứ Mỹ ở Paris bí không biết phải trả lời báo-chí ra sao bèn nói “Chúng tôi có làm gì thì cũng vẫn bị nguyền rủa!”. Nhưng ít có nhà báo nào dám nói lên hết sự thật, bà Nhu được ông nhà báo Georged Mazoyer dám bênh phía bà, nhưng ông ta vừa được thăng chức giám đốc một nhật báo ở Paris ra ban chiều thì liền bị xe đụng chết khi đi bộ. Bà Nhu thấy những ai đứng về phía bà đều bị biến mất (tr. 189-190): kế đó là bà Suzanne Labin và Marguerite Higgins (3-1-1966) – được Tổng thống Kennedy gửi sang Việt-Nam điều tra riêng, bà là tác-giả cuốn Our Việt-Nam Nightmare (1965), trong đó bà cho rằng biến cố Phật giáo chỉ là một trò đánh lừa (leurre), mục-đích không vì Phật giáo mà vì muốn lấy đầu ông Diệm và thay vì bỏ lên mâm bạc như Thánh Jean-Baptiste tử đạo, thì nay phải quấn cờ Mỹ; và bà nhận xét các sư sãi rất rành tên các phóng viên ngoại quốc, gọi họ bằng tên/prénom!

Vào tháng 6 năm 1964, hiệp hội báo chí Hoa-Kỳ tổ chức mời bà Nhu và con gái Lệ Thủy sang Mỹ làm một vòng để các cơ quan thông tin báo-chí tìm hiểu sự thật (Truth Rally) về thực trạng Việt-Nam vì các cơ quan này không tin giải thích của Hoa-Thịnh-Đốn (tr. 71). Lúc đó nước Mỹ chuẩn bị bầu cử Tổng thống thay thế T.T. Kennedy, chính phủ Mỹ đã từ chối cấp visa cho 2 mẹ con bà Nhu lấy “lý do an ninh quốc-gia“. Ngày 9-5-1975, khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình, bà Nhu đã tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là "nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ Hoa Kỳ". Bà cũng bình luận cảnh đại sứ Mỹ Martin chờ trực thăng tới đón trên nóc nhà, cờ Mỹ cuộn dưới nách: “Cường quốc Mỹ dùng để làm gì, nếu không phải là để phải trốn chạy theo họ?”.

Năm 1985 khi báo-chí Hoa-Kỳ làm kiểm điểm 10 năm Hà-Nội chiếm miền Nam, bà Nhu đã nhận trả lời phỏng vấn cho Newsweek, nhưng các cơ quan thông tin này đồng lõa với nhau để không ai liên lạc được với bà (tr. 71). Bà sống lúc tại vùng Riviera nước Pháp, lúc ở nhà bên Roma, bà trả lời phỏng vấn một lần khác để lấy tiền và vé máy bay khứ hồi cho con gái út qua thăm ông bà ngoại ở Mỹ. Bà Monique Brinson Demery phỏng vấn bà Nhu năm 2005 đánh dấu lần đầu tiên bà trả lời báo chí phương Tây sau một thời-gian khá lâu, phỏng vấn để thực hiện cuốn sách về bà Nhu, Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu (New York : Public Affairs, 2013), nội-dung cuốn sách cho thấy bà Nhu đã nói chuyện với bà Demery với nội-dung cuốn hồi-ký.

Suốt tập hồi-ký, bà Nhu cho người đọc thấy và hiểu rằng bà căm ghét thực dân Phápvà đế quốc Hoa-Kỳ(bà gọi chung là “Occident criminel”). Bà có thắc mắc là ngoài Thánh lễ khai mạc Cộng đồng Vatican II ngày 2-12-1963 có nhắc ý lễ cầu cho anh em Tổng thống Diệm, Tòa thánh Vatican đã không lên tiếng và không làm gì về cái chết của anh em chồng bà (và người mà Tòa thánh giới thiệu giúp làm giấy tờ cho căn nhà mà Đức Cha Thục mua cho mẹ con bà ở Roma lại lừa dối cướp hết tiền gia-đình bà). Bà kể có thể đã góp phần (qua một phỏng vấn ngay trước đó) trong việc khiến cho Hà-Nội đã phải để cho Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, cháu của ông Nhu, ra ngoại quốc chữa bệnh và thoát cộng-sản; và hơi trách móc Ngài đã không làm gì cho những cái chết của chồng và các anh em chồng bà.

Bà cho rằng sau ngày 2-11-1963 anh em Tổng thống bị giết, nước Việt-Nam rơi vào địa ngục là do các đế quốc thực dân và cộng-sản (tr. 201). Bà thêm, cái chết của Lệ Thủy con gái bà vẫn chưa được điều tra đến cùng! Về phần người Pháp, bà gọi là “tên thực dân” (colon) và so sánh với quỷ Satan khi dùng lời Chúa Jesus cảnh báo Thánh Phê-Rô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của con người” (Mt 16, 23) – vì thực dân đã lợi dụng danh nghĩa của Giáo Hội để làm chuyện Ác đã khá lâu rồi ở Việt-Nam. Bà Nhu cho người đọc hiểu rằng bao nhiêu biến cố, đảo chánh, ám sát, v.v. thời Việt-Nam Cộng-Hòa đều là do bàn tay của thực dân và đế quốc chủ động hết, do đó bà không nói nhiều đến những tay sai người Việt của chúng. Bà cho rằng với những gì bà viết ra, chỉ có đám thực dân là phải tự vấn lương tâm (tr. 190)!

Cuối cùng là những suy niệm tâm linh cuối đời của bà; bà tạ ơn Chúa đã đoái nhìn con chiên Việt-Nam qua việc đức Hồng Y tân cử của Hoa-Kỳ đã đến La-Vang ngày 21-8-2009 dâng lời cầu nguyện “Đức Mẹ La-Vang cũng là Đức Mẹ của quốc-gia Hoa-Kỳ và của Giáo Hội Công-giáo“. Và bà cảm ơn và hiểu Chúa đã trao phó cho bà trọng trách làm mẹ và bà đã làm hết mình cho đến cuối đời!

*

Trong Phần Phụ lục, trong lá thư đề ngày 2-9-1963, 2 tháng trước ngày bị giết, ông Ngô Đình Nhu trình bày lập trường Việt-Nam chính-thực của chính phủ của Tổng thống anh ông (Việt-Nam của người Việt Nam!) trước âm mưu của Hoa-Kỳ đi chung với Liên Xô cộng-sản, âm mưu đưa đến phương-tiện thôi miên, tuyên truyền, huyền-hoặc các sư sãi rồi đẩy những kẻ này vào lửa thiêu sau khi báo cho thông tín viên quốc tế biết để đến quay phim, chụp hình (và cản cứu người “tự thiêu”!) (1). Từ ngày ra thiết quân luật 20-8-1963 thì hết còn tự thiêu, nhưng 2 thế lực kia lại xúi sinh viên học sinh xuống đường như đã làm ở Đại Hàn và Thổ-nhĩ-kỳ, nhưng ông Nhu cho là thất bại vì chính quyền bắt đi học quân sự và tẩy não chúng. Ông Nhu biết 2 thế lực đó chưa ngừng tay vì phải biện minh với cấp trên về việc chi 20 triệu đô Mỹ (2) cho âm mưu này!

Chú thích:

1- Sau ngày đảo chánh 1-11-1963, còn có 6 vụ tự thiêu Phật tử khác, nhưng không báo chí Tây phương nào để ý đến nữa! Và sau ngày 30-4-1975, đã có biết bao nhiêu kỳ thị, kiểm soát, khủng bố tôn giáo và toàn dân, tù đày, cướp của dân,... nhưng thượng tọa Trí Quang không có hành động nào, trở thành câm, lặng, đồng lõa với cộng-sản Hà-Nội! Còn vụ Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến VN điều tra về vụ gọi là «đàn áp Phật giáo», Báo cáo được dịch ra Việt ngữ - Vi Phạm Nhân Quyền Tại Miền Nam Việt-Nam, do Võ Đình Cường dịch, 1 nhóm Phật giáo xuất-bản năm 1966, từ tay Thích Trí Quang người đề tựa, nhưng đã bỏ đi phần kết luận (1 thứ lừa dư luận từ cái thật, lộng giả thành như ... thật!). Đây là Báo cáo 234 trang trình ngày 7-12-1963 của Phái đoàn với kết luận không có đàn áp lẫn kỳ thị tôn giáo, và những đụng độ với chính quyền chỉ là do 1 nhóm nhỏ, và có tính cách chính-trị, không phải tôn giáo. Bản báo cáo bị giấu kín, đến tháng 2-1964, văn bản này đã được Thượng Viện Hoa-Kỳ xuất-bản.

2- Ông Nhu tiên đoán đúng, tiếp đó là chi tiền mua chuộc mấy ông tướng Việt-Nam làm đảo chánh và giết anh em ông ngày 2-11-1963 và sau đó là ông Cẩn, người em khác! Lou Conein đưa 3 triệu đồng tương đương 42 ngàn đô la Mỹ cho nhóm tướng lãnh đảo chánh để chia chác cho nhau, thật ra chỉ là những đồng bạc lẽ từ 20 triệu đô!

23/11/2023

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025