Suốt ngàn năm độc lập, người Việt không bao giờ chọn tên nước là "an nam"!

Suốt ngàn năm độc lập, người Việt
không bao giờ chọn tên nước là "an nam"!


Matthew NChuong
1. "An Nam" (安南) là cách gọi của Tàu, áp xuống nước Việt:
Đời nay, nảy nòi một số kẻ gọi "An Nam là danh xưng đáng trân trọng" (!), Không lẽ họ mù tịt về lịch sử, họ được học hành kiểu gì mà tệ hại đến vậy? Hay là họ không mù tịt mà có dụng ý khi "đội lên đầu" hai chữ An Nam!
Tên gọi "An Nam" (安南) nảy nòi vào lúc nào? Vào năm 679 khi nhà Đường đặt ách đô hộ lên người Việt, và ngoại bang áp cái tên gọi này xuống đầu dân ta.
"Nam", trong cách gọi của Tàu, là "Nam man" (南蠻) để nói xứ ta là man di, thành thử cần phải "an" cái xứ Nam man di (=> "An Nam")!
Thành thử, sau khi giành độc lập, mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài, bắt đầu từ Nhà Ngô (Ngô Quyền năm 938), qua nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, rồi nhà Nguyễn (chấm dứt năm 1945), các triều đại quân chủ của người Việt KHÔNG BAO GIỜ NGU DẠI ĐI VÁC CÁI TÊN "AN NAM" ĐỂ ĐẶT TÊN NƯỚC.
Mà xưng quốc danh (tên nước), là ĐẠI CỒ VIỆT, là ĐẠI VIỆT, là VIỆT NAM, là ĐẠI NAM!
Trong khi đó, Tàu bất chấp những tên nước DO CHÍNH NGƯỜI VIỆT đặt ra, cứ gọi bằng hai chữ "An Nam" nhiễm di chứng trầm kha của thói đô hộ từ thời Đường.
Cũng cần biết về thủ tục bang giao giữa Tàu với các lân bang nhỏ hơn như nước Việt, nước Cao Ly... Suốt thời kỳ dài đều theo lệ "phong vương", "phong quốc danh".
Chính sách giữ nước khôn khéo, trong bang giao thời xưa, là nhận phong vương (nhưng theo kế sách "nội Đế ngoại Vương", nhận tước "vương" từ Tàu trong khi vẫn xưng Đế rỡ ràng trong nước);
Kể cả nhận "phong quốc danh" (Tàu đặt "An Nam", người Việt dùng cái chữ này trong văn thơ bang giao theo thủ tục, chỉ vậy thôi. Trong nước chúng ta đàng hoàng xưng danh - chẳng hạn, là ĐẠI VIỆT, là ĐẠI NAM..., không nhắc tới An Nam làm chi cho má nó khi!).
Thủ tục "nhận phong vương, nhận phong quốc danh" - chú ý - KHÔNG làm mất tính tự chủ của nước Việt, hễ Tàu kéo quân tràn vào là lập tức đánh đuổi!

2. Vạch trần cách thức dẫn dắt dư luận trong xảo thuật chữ nghĩa của "Wikipedia":
Vì cớ gì, trong nước VN hiện giờ, xuất hiện những kẻ vỗ tay cho hai chữ "An Nam" sặc mùi nhược tiểu chịu thống trị ?
Cách dẫn dắt dư luận, chẳng hạn từ Wikipedia (có không ít người dùng "từ điển mờ" này để tra cứu) rất đáng lưu ý! Họ ghi:

- "An Nam (安南) là một quốc danh cũ của Việt Nam, thông dụng trong giai đoạn 679 - 1945” (Wikipedia)

=> Người Việt thể loại nào mà tự nhận đây là quốc danh cũ? Phải ghi rõ rành, đúng lịch sử, là: "An Nam là tên gọi do Trung Hoa đặt ra, còn nước Việt có các quốc danh cũ do người Việt đặr ra là Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam...".
- "Trong khoảng một ngàn năm tự chủ, mặc dù đa số triều đại đều chọn Đại Việt làm quốc danh chính thức, nhưng lối gọi này không được phần đông hưởng ứng (...)" (Wikipedia)

=> Lối gọi Đại Việt "không được phần đông hưởng ứng"? "Phần đông" nào ở đây, tự phịa ra một cách trâng tráo! Ồ, "phần đông" này chỉ có thể là đám thờ Tàu chớ còn ai vô đây!
- "Ngay cuốn sách in đầu tiên của một người Việt lưu vong ở Trung Hoa bằng chữ Hán năm 1335 cũng có nhan đề là "An Nam chí lược" (安南志略), do Lê Tắc (黎崱) viết” (Wikipedia)
=> Ý đồ của Wikipedia là ngay người Việt soạn sử cũng ghi là "An Nam".
Nực cười cho cái sự xảo ngôn này! Lê Tắc là ai? Ông ta đầu hàng quân Nguyên Mông, và khi quân Nguyên thua trận thì ông chạy theo mà trốn sang Trung Hoa. Một người thỏa hiệp với quân phương Bắc thì ông ta phải ghi "An Nam" theo đúng khẩu vị của quan thầy phương Bắc chớ còn gì nữa! (đời nào ông ta dám ghi "Đại Việt chí lược"?). người nước Việt đều ghi "Đại Việt sử ký", "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Nam nhất thống chí"..., không ai ghi "An Nam" làm chi cho má nó khi!

3. "Giải ảo" về việc sách vở Âu Tây dùng cách gọi "Annam":
Trong lịch sử bang giao, giao thương Đông - Tây, hầu hết giới nghiên cứu Âu Tây đều tiếp cận với sử Tàu. Mà Tàu chỉ gọi đất nước chúng ta là "An Nam", thành thử sách vở Âu Tây cũng theo đó mà gọi.

Khi Pháp xâm chiếm nước ta, sau Hiệp ước 1884, dải đất Trung Kỳ được giao cho triều đình người Việt tự trị. Người Pháp gọi "Annam" cũng vì dựa theo thói quen định danh của Trung Hoa.
[Chú ý: Tây, Tàu gọi "Annam", nhưng triều đình người Việt vẫn gọi tên nước là: ĐẠI NAM - tên gọi này đã có từ thời vua Minh Mạng, trước khi người Pháp xâm chiếm].



Vậy, giới sử học của VN đời nay, phản ứng ra sao?

- Hoặc có một số ít cố gắng can thiệp với giới viết sử người Âu Tây để hiệu đính cách gọi "Annam" là KHÔNG ĐÚNG dữ kiện lịch sử độc lập của nước Việt, giải thích đó là cách gọi áp đặt từ Trung Hoa.
Nhưng, lực mỏng tiền ít, đâu đủ đánh bạt cỗ máy "thao túng ký ức" từ phía Bắc Kinh.
- Hoặc... hè nhau ngốn lấy sách vở ghi "Annam", nuốt trộng hai chữ "Annam", và im thin thít!
Thay Lời Kết

Ở đây, nói giữa người Việt với nhau, trong nước lẫn hải ngoại:
Mỗi khi dịch thuật sách vở ghi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp... gặp hai chữ "Annam", xin dặn nhau nhớ mở ngoặc chú thích: "Cách gọi Annam là KHÔNG ĐÚNG dữ kiện lịch sử độc lập của nước Việt, đó là cách gọi áp đặt từ Trung Hoa.".
Để chi? Để giúp đồng bào người Việt chúng ta hiểu đúng sử Việt, không bị cái sai chất chồng./.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179