Ba Son Saigon đã rơi vào tay người Trung Quốc? Đất nước này là của ai?

Ba Son Saigon đã rơi vào tay người Trung Quốc?
Đất nước này là của ai?


Fb Nguyễn Thị Oanh
Một ngày... xấu trời, tôi nhận được tin nhắn mời mua căn hộ siêu sang tại vị trí vàng Ba Son. Như mọi lần, nhắn lại ngay cái tin đã được set up sẵn: “Tôi không bao giờ mua nhà của Vin nhé! Hãy delete tôi ra khỏi danh bạ dùm”. Vài phút sau nhận lại được câu trả lời rất lịch sự: “Dạ em xin lỗi đã làm phiền ạ, nhưng dự án này của tập đoàn Alpha King nước ngoài có tiếng trên thế giới chứ không phải của Vin ạ. Em cảm ơn ạ!”. Tiếp theo đó là một loạt hình ảnh giới thiệu về dự án và chủ đầu tư được gửi tới để minh hoạ...

Cách nay chưa lâu, tôi đã thấy chị Mai Lan Truong - một bạn FB quý mến, có đăng một stt (status) hỏi mọi người về vụ Alpha King. Nay nhận được những thông tin chính thức chào bán nhà của dự án, mới thấy chị Lan thật tinh tường!

Và cũng là để thấy rõ thêm, ở đất nước này, không gì là không thể xảy ra .

Lần giở lại xem đã có những bài viết gì về vụ Ba Son. Lạ một điều là thông tin trên cả báo chí lề phải cũng như lề trái đều rất ít ỏi và không hề được cập nhật!

Ai cũng biết Ba Son là xưởng đóng tàu lâu đời nhất và là công trường thủ công lớn nhất của Sài Gòn xưa. Tiền thân của Ba Son là thủy xưởng được lập ra từ năm 1790, dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Ba Son đã được xem là một trong những di sản của Sài Gòn 300 năm với Xưởng cơ khí được xếp hạng Di tích quốc gia và ụ tàu 131 năm tuổi, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến trước khi khu cảng bị xoá sổ.

Từ năm 2015 đã nghe tin về việc Ba Son sẽ được giao cho hai tập đoàn Hàn Quốc để xây dựng dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son trị giá 5 tỷ USD. Dân Sài Gòn đành tự an ủi thôi thì khi di dời cái cảng lịch sử, dù chẳng còn mong có được một công viên ven sông thơ mộng để thêm mảng xanh mà hít thở, nhưng với quy hoạch 20% nhà ở trên tổng diện tích 24ha, hy vọng Ba Son ít nhất cũng trở thành một khu giống như Clarke Quay của Singapore vậy...

Tuy nhiên, tin tức về các nhà đầu tư Hàn Quốc cùng bản quy hoạch dự kiến sau đó nhanh chóng mất hút và một sáng mở mắt dậy, đi ngang góc đường Tôn Đức Thắng quen thuộc, ngỡ ngàng thấy các bảng biển đủ màu quảng cáo bán nhà dự án Vinhome Golden River. Đúng như tên gọi của nó, sông Sài Gòn ngang qua khúc này đã trở thành “dòng sông vàng” khi mà các căn biệt thự mặt tiền sông ở đây được bán với giá từ hàng trăm tới vài trăm tỷ đồng mỗi căn!

Nhưng chưa hết! Một thời gian sau qua đây, dân Sài Gòn thấy khu đất vàng này lại tiếp tục được thay áo mới. Bây giờ nó là dự án căn hộ cao cấp Centennial Ba Son với chủ đầu tư được giới thiệu là Alpha King - một công ty 100% vốn nước ngoài (Hongkong).

(Muốn biết rõ thêm về Alpha King, có thể tham khảo bài viết này trên https://viettimes.vn/ong-chu-thuc-su-cua-alpha-king-la-ai...).

Sẽ không có gì đáng nói nếu như một công trình quốc phòng ở vị trí vàng như cảng Ba Son được xử lý chuyển từ công hữu sang tư hữu theo một quy trình đấu giá công khai, minh bạch và đúng với tinh thần: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta đã rất “tinh vi” khi nhân danh vì Ba Son là đất quốc phòng phải giữ bí mật về việc sử dụng, nên tự có quyền “bảo mật” luôn toàn bộ quy trình và nội dung chuyển nhượng cho tư nhân một tài sản công ở vị trí đắc địa nhất nhì ở trung tâm TPHCM. Không ai biết rốt cục, cảng Ba Son đã được bán với giá bao nhiêu? Cũng bởi vậy, không ai biết quy hoạch cuối cùng của dự án này được duyệt căn cứ trên cơ sở nào! Vì sao phương án quy hoạch khu phức hợp Ba Son không được công bố công khai, rộng rãi cho người dân TPHCM đóng góp ý kiến? Đó không chỉ là để góp phần bảo vệ di sản mà còn thể hiện quyền được giám sát của nhân dân khi thực hiện “làm chủ tập thể” (dù vẫn biết cái quyền này hồi nào giờ chỉ có ở trên giấy!).

Và cũng sẽ không có gì đáng chú ý nếu như trên thực tế, VinGroup vẫn đang là chủ đầu tư dự án vàng này! Chẳng biết những thông tin về Alpha King - chủ đầu tư mới của Ba Son như trang Viettimes.vn đã dẫn ở trên có xác thực hay không? Nhưng nếu quả đúng vậy thì hóa ra Ba Son đã rơi vào tay người Trung Quốc?!

Từ lâu, mỗi lần có việc đi ngang qua Ba Son, tôi lại cảm thấy ngực thắt lại vì một nỗi buồn không thể nói nên lời... Hai câu quảng cáo “Kế thừa di sản - Hướng tới tương lai” viết trên những tấm bạt hiflex bao quanh khu đất đã từng là di sản của Sài Gòn 300 năm, trông như trêu ngươi, như mỉa mai, bôi bác... 

Đã 44 năm trôi qua kể từ ngày “được giải phóng”. Sài Gòn ngày càng đông đúc hơn. Nhà cao tầng nhiều hơn. Nhưng nước cũng ngập nhiều hơn. Kẹt xe nhiều hơn. Ô nhiễm không khí nhiều hơn. Chỉ có công viên và cây xanh là cứ ngày một ít đi. May nhờ chế độ cũ đã để lại một bến Bạch Đằng, như cái cửa sổ nhỏ xíu cho chục triệu con người còn có thể ngó thấy sông... Vậy mà nghe đồn giờ đây, toàn bộ dải bờ sông Sài Gòn từ Tân Cảng (Bình Thạnh) qua Ba Son (quận 1) đến cảng Sài Gòn (quận 4) và kết thúc ở Mũi Đèn Đỏ (quận 7) đều đã thuộc về VinGroup và Vạn Thịnh Phát. Nếu những đồn đãi đó chính xác thì kể như người dân TPHCM đã bị tước đoạt mất toàn bộ quyền lợi sử dụng bờ sông Sài Gòn. Và điều gì sẽ xảy ra nếu các dự án ở đó lại được đem chuyển nhượng cho các công ty nước ngoài? (Cũng lưu ý: Hiện nay, xét về yếu tố vốn đầu tư nước ngoài vào địa ốc, chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp Trung Quốc mới mặn mà với thị trường bất động sản ở VN!).

Tình trạng đất công ở các vị trí vàng bị âm thầm chuyển sang cho tư nhân không chỉ diễn ra ở riêng TPHCM như trường hợp Ba Son mà còn rất phổ biến ở các tỉnh thành khác trên cả nước. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ bờ biển quốc gia đã và đang bị xẻ nát cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Nếu đi dọc theo các con đường ven biển từ Bắc vào Nam thì sẽ thấy rất rõ thực trạng này! Bờ biển miền Trung tuyệt đẹp không những là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch mà còn là khu vực duy trì nguồn lợi hải sản chủ yếu cho cả nước. Thế nhưng giờ đây đã có nơi ngư dân không còn đường ra biển vì bị dự án chiếm ngữ hết đoạn bờ biển địa phương . Cam Ranh - một địa chỉ vốn vẫn luôn im ắng vì được xem là vùng quân sự, nay cũng rần rần chào bán biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng của các dự án đang thi nhau mọc lên. Nha Trang, Đà Nẵng thì coi như đã hết bờ biển vì các thể loại khách sạn, resort và dự án bất động sản ken dày từ lâu... Quy Nhơn như cô gái đẹp còn nguyên nét hoang sơ hồi tôi đến cách đây 7 năm, giờ cũng đã “lên đời” thành cô ả diêm dúa của những biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng. Lạ một điều: Hình như có sự phân chia ngấm ngầm nào đó mà mỗi địa phương thường gắn bó với việc phát triển dự án của một đại gia địa ốc. Ví dụ như VinGroup thì in dấu đậm đà tại Hà Nội, Sài Gòn và Bắc đảo ở Phú Quốc; SunGroup hùng cứ tại Đà Nẵng và Nam đảo Phú Quốc; Bình Định và Thanh Hoá lại là đất của FLC v.v...

Dĩ nhiên, phát triển kinh tế là một ưu tiên quan trọng, nhưng phát triển bằng việc đánh đổi mọi giá trị và để cho các nhóm lợi ích lợi dụng nhu cầu phát triển mà làm giàu trên sự thâu tóm tài sản công, chà đạp lợi ích của nhân dân là điều không thể chấp nhận! Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó chúng ta chợt giật mình nhận thấy toàn bộ núi, rừng, sông, biển quê hương không còn là của chung nữa mà đã thuộc về một nhóm người hoặc một vài công ty tư nhân? Và nguy hiểm hơn, vấn đề an ninh quốc gia cũng sẽ như thế nào nếu các dự án bất động sản được chuyển nhượng cho người nước ngoài dưới nhiều hình thức, đặc biệt là khi rơi vào tay “ông bạn vàng” ở phương Bắc - kẻ luôn mang dã tâm chiếm đoạt chủ quyền của VN cả trên biển cũng như trên đất liền? Điều mỉa mai là Luật Đất đai với quan điểm bất biến “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã không giúp cho việc quản lý sử dụng đất đạt được mục tiêu như Luật đề ra, mà dường như nó chỉ được vận dụng để trở thành công cụ hợp pháp hỗ trợ đắc lực cho chính quyền các cấp, các ngành cấu kết với những doanh nghiệp địa ốc bẩn nhằm tước đoạt đất đai của dân và rút ruột đất đai của công.

Tôi đang ở Canada. Mấy hôm nay đi xem lễ hội hoa tulip ở thủ đô Ottawa. Rồi lại được đi xem hoa anh đào nở ở High Park - công viên lớn nhất của Toronto. Như bao lần đi nước ngoài khác, giờ bị mang cái “bệnh” tới đâu cũng thèm thuồng nhìn sông, núi, biển, hồ... của người ta. Cùng là sông - núi - biển - hồ đó, trong tay một thể chế lãnh đạo có tầm và biết lo cho dân thì dân được hưởng. Trong tay một thể chế thiếu tầm và vô trách nhiệm thì mọi thứ chỉ kiệt quệ, không còn gì cho dân. Xin đừng tiếp tục cái luận điệu chán ngấy rằng nước ta đang trong thời kỳ quá độ và còn nhiều khó khăn vì phải chịu hậu quả của chiến tranh. Cũng xin đừng lấy tiêu chí “đủ ăn đủ mặc” ra để hài lòng khi so sánh cuộc sống ngày nay với cái thời cả nước đói khổ trong chế độ phân phối mông muội ngày trước! Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Không cần nhìn đâu xa mà chỉ cần nhìn các nước trong khu vực cũng có thể thấy chất lượng cuộc sống của dân họ hơn hẳn! Đời sống dù có thể còn chưa cao, nền kinh tế có thể còn chậm phát triển, nhưng mang lại cho dân thêm một khu công viên, giữ gìn và tôn tạo một bờ sông hoặc bờ biển để dân được hưởng thụ... hẳn không phải là những việc khó khăn cần tư duy quá mức với một chính quyền tử tế! Thật trớ trêu khi chế độ XHCN ưu việt của chúng ta sẽ đi tới một ngày mà người dân nghèo hoặc ít tiền sẽ không còn chỗ để tắm biển vì tất cả bờ biển của đất nước đã trở thành bãi tắm riêng cho những người có tiền. Hoặc dân chúng của cả một thành phố lớn như Sài Gòn, giờ muốn được hóng gió sông thì chỉ có cách phải kiếm đủ tiền để mua căn hộ hoặc biệt thự của các dự án như Vinhome Golden River và Centennial, với mức giá mà đến đời con cháu họ có lẽ cũng không dám mơ với tới!
Tôi tự hỏi trong gần 800 cơ quan báo chí các thể loại trên đất nước này, có đơn vị nào từng nghĩ tới việc đi điều tra xem bao nhiêu đất đai vốn là công sản đã lặng lẽ rơi vào tay tư nhân theo kiểu của Ba Son? Hỏi để cho có thôi, chứ cũng nghe đồn các đại gia bất động sản hàng đầu ở VN đều biết làm truyền thông rất khéo, thế nên báo chí đều đồng lòng rất êm .

Vừa rồi đọc tin mấy ông tướng tá quân đội liên tiếp bị sờ gáy vì những bê bối trong việc xà xẻo đất công, trong đó có cả ông dính tới vụ bán cảng Quy Nhơn. Khấp khởi chờ, nhưng không biết vụ bán cảng Ba Son này liệu có được ai quan tâm soi xét? Người ta bảo cái lò của ông tổng bí thư mới chỉ đốt được tí củi ở hai lĩnh vực Dầu khí và Viễn thông, còn trong lĩnh vực Địa ốc - nơi “hot” nhất và có thể lượm nhiều củi gộc nhất thì cái lò xem ra vẫn mới chỉ đốt được vài cành chứ chưa bén đến cây củi nào. Bao nhiêu quan chức đã giàu lên nhờ tàn phá tài nguyên và chia chác công sản? Nếu ông Trọng có thể đốt được một phần đám củi gộc tại TPHCM thôi, tôi cũng cầu mong ông đủ sức khoẻ để tiếp tục nhóm lò!
 
Nhìn dân Toronto thơ thới đi xem anh đào nở trong một ngày cuối tuần tràn ngập nắng xuân ấm áp ở High Park, lại nghĩ thương dân Sài Gòn mình! Toronto chỉ có gần 3 triệu dân nhưng có tới hơn 1.500 công viên và High Park là công viên lớn nhất, rộng tới 161 ha. Trong khi đó, hơn chục triệu con người ở TPHCM phải chen chúc trong một đô thị đang ngày càng bị bê tông hóa thay thế cho các mảng xanh và không có nổi một cái công viên cho ra hồn! À mà đừng nói là Canada đất rộng người thưa nên mới có nhiều chỗ để làm công viên nhé! Đảo quốc Singapore bé xíu ở gần nước ta đây, dù diện tích chỉ nhỉnh hơn Phú Quốc một chút (721,5 km2), nhưng cũng có tới hơn 350 công viên, 4 khu bảo tồn quốc gia và có hẳn một cơ quan gọi là National Parks để chuyên chăm sóc, bảo vệ các công viên.

Tôi nhớ đến những mảng rừng bị phá nham nhở để làm nhà ga cáp treo ở giữa Phanxipan xanh biếc. Nhớ con đường cho dân lên núi Bà Nà ở Đà Nẵng công khai bị chặn như cõi riêng của ai. Nhớ những quả đồi bị xén trọc nham nhở để nhường chỗ cho các biệt phủ hoành tráng. Nhớ những hình ảnh dân Đồng Tâm và Thủ Thiêm uất nghẹn vì đất. Nhớ sân bay Tân Sơn Nhất chìm trong biển nước, không còn chỗ cho máy bay hạ cánh vì phải nhường đất cho sân gôn. Nhớ những bờ sông, bờ biển quốc gia bị băm nát vì dự án. Nhớ cả đến trụ sở làm việc khang trang và xinh đẹp của Sở GD & ĐT TP.HCM - một cụm kiến trúc xứng đáng dành cho cơ quan quản lý giáo dục vốn có từ thời Pháp thuộc, nay cũng chỉ còn trong hoài niệm bởi đã bị phá sạch để thành trung tâm mua sắm v.v... Cứ thế, như một cuốn phim quay chậm, tôi nhớ lại tất cả những gì đã biết, đã nghe và đã chứng kiến. Để rồi thấy đau quay quắt với những câu hỏi: Vì sao sự ngu dốt và lòng tham cứ mãi tàn phá mảnh đất chữ S còm cõi này? Đất nước này là của ai và tài nguyên đất đang bị ai xẻ thịt tan nát?

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025