Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 4

Bài 4 - TRÙM SINH VIÊN TRANH ĐẤU HUỲNH TẤN MẪM QUẢ CHANH BỊ VẮT CHO HẾT NƯỚC

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH
 

 

Phong trào sinh viên tranh đấu do Thành Đoàn Cộng sản lãnh đạo tại Miền Nam (phân biệt với phong trào sinh viên tranh đấu ngoài Huế và Đà Nẵng được chỉ đạo do một tổ chức khác của Cộng sản) bùng lên khá sôi nổi từ khoảng 1966 tới 1972.

Có thể nói, trong số những sinh viên Việt Cộng hoạt động tranh đấu công khai thời đó, Huỳnh Tấn Mẫm là khuôn mặt nổi bật nhất. 

Mẫm là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng khôn khéo núp dưới nhãn hiệu một sinh viên Y khoa thuần tuý để hoạt động. Có lúc Mẫm nắm tới 3 chức vụ hàng đầu trong các tổ chức sinh viên. Chẳng những Mẫm trở thành lãnh tụ phong trào sinh viên tranh đấu nổi đình đám trong nước mà còn được cả một số phong trào sinh viên phản chiến bên Âu, Mĩ đề cao. 

I. KẾT NẠP ĐẢNG 

Mẫm học Trung học Petrus Ký; sau khi đậu Tú tài, thi vào Đại học Y khoa Sài Gòn. Mẫm học khá cho nên được Bộ Y tế cấp học bổng. Mẫm được Miền Nam tự do cho học hành ở những ngôi trường tốt nhất và hoàn toàn miễn phí; để đáp lại, y đã đem hết sức mình tranh đấu để tiêu diệt chế độ tự do ấy. 

Năm 1958, lên 15 tuổi, đang học lớp đệ Ngũ (lớp 8) Trường Pétrus Ký, Mẫm được kết nạp vào tổ chức bí mật và được giao công tác rải truyền đơn. Năm 1960, được kết nạp vào Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn - Gia Định. 

Vì đã được kết nạp vào tổ chức của Cộng sản nên thời kì xáo trộn 1963, Mẫm luôn luôn có mặt và hành động táo bạo trong hầu hết các cuộc biểu tình chống chính quyền và đã từng bị bắt. Do quá trình tranh đấu, năm 1965, Mẫm được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng. 

Ngày 19-6-1965, Nội các Chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ ra mắt. Nội các này không được sự ủng hộ của phe Phật giáo Ấn Quang do Thượng toạ Thích Trí Quang lãnh đạo. Đó là nguyên do chính làm nổ ra cuộc “Biến Động Miền Trung” bắt đầu từ khoảng tháng 2-1966. Cuộc “Biến Động Miền Trung” cũng được một số thành phần tiếp tay hưởng ứng ngay tại Thủ đô Sài Gòn. Cho tới giai đoạn này, Thành Đoàn CS chưa nắm được các tổ chức công khai tại các Phân khoa Đại học và Tổng hội SVSG, nhưng nhân có cuộc đấu tranh của Phật giáo do phe Ấn Quang lãnh đạo, Thành Đoàn CS mau chóng chớp thời cơ. Họ chỉ thị cho các sinh viên, học sinh thuộc tổ chức của họ phải tìm cách len lỏi trà trộn vào mọi hoạt động chống chính quyền, quậy phá làm cho tình hình nát bấy ra bao nhiêu hay bấy nhiêu. Một trong những cuộc biểu tình phát xuất từ trường Đại học Y khoa (lúc ấy còn ở số 28 Trần Quý Cáp, nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, đường Võ Văn Tần, Quận 3). Trên đường tuần hành, Mẫm và Nguyễn Tấn Á hành động hung hãn nổi bật. Phía công Huỳnh Tấn Mẫm lực chấm định hai đương sự là đối tượng hàng đầu cho nên đã bắt Mẫm và Á cùng với một số đối tượng đi tiên phong khác như Hồng Khắc Kim Mai, Tôn Nữ Quỳnh Trân, Phạm Đình Vy… (Nguyễn Tấn Á là học sinh cầm đầu nhóm tranh đấu bạo động thuộc trường Trung học kĩ thuật Cao Thắng. Tiếp nối vị trí của Á sau này là Lê Văn Nuôi). 

Trong giai đoạn này, chính quyền chưa nắm đủ yếu tố buộc tội bọn này, cho nên chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả đều được thả ra. 

Do những thành tích tranh đấu, ngày 03-02-1966, Mẫm được kết nạp làm đảng viên dự bị Đảng Nhân dân Cách mạng VN. (1) 

Sau khi được kết nạp Đảng, Mẫm càng hoạt động tích cực hơn. Trong cuộc bầu cử ngày 20- 12-1968, liên danh Nguyễn Đình Mai (chủ tịch) và Huỳnh Tấn Mẫm (phó ngoại vụ) đắc cử Ban Đại diện Sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn. 

Thành Đoàn CS đánh giá cao khả năng của Mẫm cho nên đã tuyển chọn Mẫm làm Bí thư chi bộ Đảng Đoàn Tổng hội SVSG, mang bí số L.71 với nhiệm vụ: bằng mọi cách phải nắm được những vị trí hợp pháp công khai trong tập thể sinh viên để dấy lên mạnh mẽ phong trào sinh viên tranh đấu tại Thủ đô Sài Gòn (2). Mẫm được kết nạp làm đảng viên chính thức năm 1971. 

II. THỜI HOẠT ĐỘNG SÔI NỔI 

Sau đây là những hoạt động tiêu biểu mà Huỳnh Tấn Mẫm tham dự hoặc đóng vai chủ chốt. Những hoạt động tranh đấu xẩy ra cùng thời gian này mà không có sự tham dự của Mẫm (vì lí do anh ta bị giam giữ chẳng hạn), sẽ không được đề cập trong bài này. 

1. Nắm những chức vụ sinh viên hợp pháp 

Do xẩy ra cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 của Cộng quân, cuộc bầu cử Ban Chấp hành Tổng hội SVSG niên khoá 1968- 69 bị trì hoãn 6 tháng, mãi tới ngày 02-8-1969 mới tổ chức được. Trong cuộc bầu cử này, liên danh Nguyễn Văn Quỳ (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Nông Lâm Súc) đắc cử, đánh bại liên danh Đoàn Kỉnh (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Khoa học). Liên đanh đắc cử gồm có 7 thành viên thì 4 là cán bộ Thành Đoàn CS. Đó là: Chủ tịch Nguyễn Văn Quỳ (Chủ tịch Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp, còn gọi là Nông Lâm Súc), Phó Nội vụ Huỳnh Tấn Mẫm (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa), Phó Tổng Thư kí Nguyễn Hoàng Trúc (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Cao đẳng Thú y và Chăn nuôi thuộc Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp), Thủ quỹ Nguyễn Thị Yến (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa). Ba thành viên khác là Phó Chủ tịch Ngoại vụ Đoàn Văn Toại (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Dược khoa), Tổng Thư kí Nguyễn Văn Thắng (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Sư phạm), Phó Chủ tịch Kế hoạch Nguyễn Khắc Dõ (Chủ tịch Ban Đại diện sinh viên Cao đẳng Công chánh/Trung tâm Kĩ thuật Phú Thọ). Tổng hội SVSG còn có 7 uỷ viên thì Thành Đoàn CS nắm được uỷ viên văn nghệ (Nguyễn Văn Sanh), uỷ viên báo chí - phát thanh (Tô Thị Thuỷ) và uỷ viên liên lạc (Nguyễn Tuấn Kiệt). 

Hai tháng sau, Chủ tịch Nguyễn Văn Quỳ tốt nghiệp và ra trường nên Huỳnh Tấn Mẫm lên làm quyền Chủ tịch Tổng hội SVSG. 

Cùng thời gian ấy, Mẫm còn được bầu vào chức chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Đại học xá Minh Mạng (nay là Ký túc xá Ngô Gia Tự). Với chức Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Đại học xá, Mẫm tìm cách đưa về đây những sinh viên đã là đảng viên, đoàn viên, những sinh viên thân Cộng, khuynh tả hoặc là những sinh viên nghèo, gia đình ở xa để dễ dụ dỗ hoạt động chống Chính phủ. 

Từ đây, Mẫm nắm được những chức vụ hợp pháp công khai và qua trung gian của Dương Văn Đầy (Bảy Không, đảng viên từ tháng 9-1966) và Trần Thị Ngọc Hảo (Tư Tín), Mẫm nhận chỉ thị của Thành Đoàn CS phải dấn thân tích cực để lèo lái tập thể sinh viên Sài Gòn tham gia vào nhiều hình thức đấu tranh chống chính quyền, phá rối hậu phương. 

2. Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe 

Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe được thành lập vào năm 1965. Sinh viên Y khoa Trương Thìn làm trưởng đoàn đầu tiên; từ 1969 là Tôn Thất Lập; từ 1973 là Trần Xuân Tiến. Năm 1969, khi Huỳnh Tấn Mẫm làm quyền Chủ tịch Tổng hội SVSG, Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe được phát động mạnh mẽ với chủ lực là Đoàn Văn nghệ SVHS Sài Gòn do Tôn Thất Lập làm trưởng đoàn. 

Sang năm 1970, Đoàn Văn nghệ Sinh viên Đại học Vạn Hạnh ra đời do Kim Hạnh (nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ) làm trưởng đoàn, tăng cường lực lượng cho Phong trào này. 

Nhóm chuyên sáng tác của Phong trào gồm có: Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, La Hữu Vang, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Trần Xuân Tiến, Trương Thìn… Nhóm này đã sáng tác những bài ca đấu tranh như: Hát Cho Dân Tôi Nghe, Hát Trong Tù (Tôn Thất Lập), Dậy Mà Đi (Nguyễn Xuân Tân cũng chính là Tôn Thất Lập), Tự Nguyện (Trương Quốc Khánh) Hát Từ Đồng Hoang (Miên Đức Thắng), Non Nước Tôi (Nguyễn Văn Sanh)... 

Đêm văn nghệ Hát cho đồng bào tôi nghe tổ chức tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (Nông Lâm Súc) ngày 27-12-1969 dẫn tới quá khích, có nguy cơ bùng nổ bạo loạn, cho nên Cảnh sát quận I phải can thiệp, bắt một số những phần tử chủ chốt, trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, Trần Thị Lan... Nhưng tất cả chỉ bị tạm giam một thời gian ngắn rồi lại thả ra. 

3. Vụ Mồng 10 Tháng 3 

Khoảng thời gian này, phía công lực đã bắt giữ một số sinh viên là cán bộ Thành Đoàn CS, khai thác được nhiều tang chứng, như Dương Văn Đầy (3), Đỗ Hữu Bút, Nguyễn Ngọc Phương và người yêu của Phương là Cao Thị Quế Hương... Rồi đến lượt Mẫm bị bắt tại Đại học xá Minh Mạng sáng ngày 10-3-1970. 

Lập tức nhóm các sinh viên, học sinh thuộc phe tranh đấu đã cùng với một số ít dân biểu, giáo sư, trí thức và báo chí đối lập, thiên tả hoặc thân Cộng phát động một đợt biểu tình, tuyệt thực, đòi thả sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm và các sinh viên bị bắt. Các thành phần tranh đấu mệnh danh đợt bắt giữ này là Vụ mồng 10 tháng 3.

 Phía sinh viên: Ngày 29-3-1970, Hội đồng Đại diện SVSG lập ra Uỷ ban tranh đấu chống đàn áp SVHS do sinh viên Đoàn Kỉnh (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Khoa học) làm chủ tịch và 4 uỷ viên là Nguyễn Văn Lang (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa), Đoàn Văn Tân (Luật), Đoàn Văn Toại (Phó Chủ tịch ngoại vụ Tổng hội SVSG), Hạ Đình Nguyên (sinh viên Văn Khoa) và Nguyễn Đình Mai (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa) làm phát ngôn viên của Uỷ ban. 

Ngoài ra, Uỷ ban Giáo chức và Phụ huynh chống đàn áp SVHS cũng được thành lập do Gs. Lý Chánh Trung làm chủ tịch, bao gồm một số tu sĩ, trí thức, giáo chức và dân biểu đối lập hoặc thân Cộng. 

Những nhóm tranh đấu kể trên được sự hỗ trợ tích cực của các tờ báo thiên tả Tin Sáng, Tia Sáng, Điện Tín, Đuốc Nhà Nam với những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Ngọc Cứ, Nguyễn Văn Binh, Kiều Mộng Thu... Tất cả đã làm cho Vụ mồng 10 tháng 3 năm 1970 trở nên có tiếng vang tại Sài Gòn và được giới phản chiến ngoài nước làm ồn ào lên. 

Ngày 20-4-1970, Toà Quân sự Mặt trận xử 21 sinh viên tranh đấu. Ngày 24-4-1970, Toà phóng thích 10 đối tượng: Cao Thị Quế Hương, Đỗ Hữu Bút, Võ Ba, Trương Hồng Liên, Võ Thị Tố Nga, Trương Thị Kim Liên, Hồ Nghĩa, Đoàn Chiến Thắng, Lưu Hoàng Thao, và Lê Anh. 

Phiên toà ngày 13-6-1970 lại thả ra 6 đối tượng, gồm có: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Thành Yến, Đỗ Hữu Ứng, Phùng Hữu Trân, Dương Văn Đầy và Trầm Khiêm (Hai Lâm). Đầy và Khiêm là Đoàn uỷ sinh viên thuộc Thành Đoàn CS. Toà còn giữ lại 5 đối tượng là: Nguyễn Ngọc Phương (Bí thư Đoàn uỷ Sinh viên), Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Thanh Công, Lê Văn Hoa và Nguyễn Văn Sơn. 

Được thả về, Mẫm học năm thứ năm Y khoa và tiếp tục tranh đấu. 

4. Chống Chương trình quân sự học đường 

Ngày 01-7-1970, một “Đại hội SVHS miền Nam” được triệu tập tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp, mục đích là chống Chương trình quân sự học đường, chống sưu cao thuế nặng, đòi trả tự do cho các SVHS bị bắt. Đoàn chủ tịch, ngoài Mẫm ra, còn có Đoàn Văn Toại, Nguyễn Hoàng Trúc (Tổng hội SVSG), Phạm Văn Xinh (Tổng hội Sinh viên Cần Thơ), Trần Hoài (Hội đồng Đại diện Sinh viên Huế), Đại đức Thích Quảng Trí (Uỷ ban Sinh viên Tranh đấu chống quân sự học đường Đại học Vạn Hạnh), Lê Văn Nuôi (Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn). Sau hội thảo, tất cả kéo nhau tới Nha quân sự học đường, nhưng bị Cảnh sát ngăn chặn kịp thời. 

5. “Đại hội Sinh viên Thế giới kì I” ngày 11-7-1970 tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp 

Thời điểm này, phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Hoa Kì và một số nước khác bùng lên khá sôi nổi. Sinh viên phản chiến người Mĩ tên là Charles Palmer cùng vài sinh viên phản chiến Âu châu và Úc châu hẹn nhau “du lịch” tới Sài Gòn. Mẫm đi gặp các sinh viên ngoại quốc này và bàn tính với họ về việc tổ chức “Đại hội Sinh viên Thế giới kì I”, dự định diễn ra tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (Nông Lâm Súc). Tối hôm trước, tất cả tụ họp tại chùa Ấn Quang để chuẩn bị cho “Đại hội” khai diễn vào sáng hôm sau, ngày 11-7-1970. Đến ngày “Đại hội”, trên bàn chủ toạ có Nguyễn Văn Quỳ (cựu Chủ tịch Tổng Hội SVSG), Huỳnh Tấn Mẫm (quyền Chủ tịch Tổng hội SVSG), Lê Văn Nuôi (Chủ tịch Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn), Nguyễn Thị Yến (Thủ quỹ Tổng hội SVSG), Phạm Văn Xinh (Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Cần Thơ). Mẫm đọc diễn văn khai mạc chống leo thang chiến tranh, đòi Mĩ rút quân, đòi Tổng thống Nixon thôi ủng hộ Tổng thống Thiệu, đòi hoà hợp hoà giải dân tộc. Sau đó, hô khẩu hiệu “Đả đảo Nixon”, “Đả đảo chiến tranh xâm lược Mĩ”, “Hoà bình cho Việt Nam”. Bên ngoài, 6 toán biểu tình đã sẵn sàng cuộc tuần hành cầm đầu bởi Nguyễn Hoàng Trúc, Hạ Đình Nguyên (Văn khoa, trưởng Ban hành động Tổng hội SVSG), Trương Tấn Nghiệp, Nguyễn Văn Thắng (Sư phạm), Lâm Thành Quý và Nguyễn Xuân Hàm. Mẫm và Charles Palmer đi đầu, cùng giơ cao con chim bồ câu trắng. Theo sau là 2 sinh viên nước ngoài khiêng một cỗ quan tài đỏ ghi 2 câu thơ của Tố Hữu: “Căm hờn lại giục căm hờn, Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”. Đoàn người mang các biểu ngữ “Stop war”, “Peace now” và hát bài Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân) và những bài ca đấu tranh (4). Đoàn tuần hành chia 2 ngả tiến về Toà Đại sứ Mĩ để trao cho Đại sứ Bunker bản tuyên bố của “Đại hội”. Nhưng các cánh biểu tình nhanh chóng bị nhân viên công lực dẹp tan ngay trên đường Thống Nhất ngang hông Trường Dược (nay là Lê Duẩn) và trên đường Hồng Thập Tự gần Ty CSQG quận I (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Huỳnh Tấn Mẫm trốn thoát. Các sinh viên ngoại quốc bị tống xuất ngay ra khỏi nước. 

6. Tiếp tục chống Chương trình quân sự học đường 

Ngày 30-8-1970, bọn Mẫm lại tổ chức chống Quân sự học đường tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp. Cảnh sát quận I ập tới giải toả cuộc tụ họp và bắt đi một số. Sau khi lập xong hồ sơ, tất cả được thả, chỉ giữ lại 3 đối tượng Huỳnh Tấn Mẫm, Trần Hoài (Đại học Huế) và Lê Văn Nuôi (học sinh Cao Thắng). Ngày 30-9-1970, Gs. Lý Chánh Trung cầm đầu cuộc tuyệt thực chống “Đàn áp SVHS” tại Viện Đại học Sài Gòn, gồm một số giáo chức và phụ huynh, một ít sư cô thuộc tịnh xá Ngọc Phương của Ni sư Huỳnh Liên, bà Thơm (má của Huỳnh Tấn Mẫm), một số sinh viên học sinh, Ls. Nguyễn Long (Chủ tịch Phong trào Dân tộc Tự quyết), Ls. Trần Ngọc Liễng (Chủ tịch Lực lượng Quốc gia Tiến bộ), Nguyễn Văn Cước (Chủ tịch Nghiệp đoàn Hoả xa), Thượng toạ Thích Mãn Giác, Thượng toạ Nhật Thường... Cuối cùng, khi ra toà, cả ba đối tượng Mẫm, Hoài và Nuôi đều được thả tự do! 

7. Đắc cử chủ tịch Tổng hội SVSG niên khoá 1969-70 

Ngày 15-10- 1970, liên danh Huỳnh Tấn Mẫm thắng liên danh Phạm Hào Quang (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Khoa học) trong kì bầu cử Ban Chấp hành Tổng hội SVSG niên khoá 1969-1970. Liên danh thắng cử Huỳnh Tấn Mẫm còn có Phó Chủ tịch Nội vụ Phạm Trọng Hàm (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Nha khoa), Phó Ngoại vụ Trần Văn Dương (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Sư phạm), Phó Kế hoạch Lưu Văn Tánh (Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Cao đẳng Điện học), Tổng Thư kí Nguyễn Hoàng Trúc (Chủ tịch Cao đẳng Thú y), Phó Tổng Thư kí Nguyễn Văn Thắng (Tổng Thư kí Ban Đại diện Sinh viên Khoa học), Thủ quỹ Nguyễn Thị Yến (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa). 

8. Chiến dịch đốt xe Mĩ 

Viện cớ để trả đũa vụ học sinh Nguyễn Văn Minh bị lính Mĩ bắn chết ở Quy Nhơn, ngày 07- 12-1970, Uỷ ban đòi quyền sống đồng bào thuộc Tổng hội SVSG xách động chiến dịch đốt xe Mĩ tại Sài Gòn – Gia Định. Cầm đầu chiến dịch đốt xe Mĩ là Nguyễn Xuân Thượng, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Đại học xá Minh Mạng, niên khoá 1970-1971 (sau 30-4-1975, Thượng làm Phó Giám đốc Công ty ăn uống quận Bình Thạnh). Kế nhiệm Nguyễn Xuân Thượng là Võ Thị Bạch Tuyết (sau 30-4-1975, Tuyết làm Giám đốc nông trường Đỗ Hoà ở Duyên Hải, rồi Giám đốc Sở Thương binh Xã hội Tp. HCM, về hưu năm 2005). Chiến dịch còn có những tay chủ chốt như Lâm Thành Quí (Phó Chủ nhiệm hành động), Ngô Thanh Thuỷ (Tư Thanh, Thủ quỹ), Phan Nguyệt Quờn (Ba Liễu, uỷ viên tổ chức). 

9. Sát hại sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật và tổ chức “ma” Tổng hội Sinh viên Việt Nam 


 Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật cầm đầu liên danh khuynh hướng Quốc gia đánh bại liên danh Trịnh Đình Ban (Bảy Điểm) do Thanh Đoàn Cộng sản lãnh đạo trong cuộc tranh cử Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa niên khoá 1970-1971. Sau khi đắc cử Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa, Lê Khắc Sinh Nhật lại tham gia liên danh Lý Bửu Lâm với chức vụ Phó Chủ tịch Nội vụ trong cuộc bầu cử Tổng hội SVSG. 

Ngày 20-6-1971, liên danh Lý Bửu Lâm (Trưởng tràng Sinh viên Kiến trúc) thắng cuộc bầu cử Ban Chấp hành Tổng hội SVSG niên khoá 1970-1971, tổ chức tại Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (Nông Lâm Súc), giành lại Tổng hội SVSG từ tay các sinh viên Việt Cộng. Giới sinh viên Sài Gòn và những người quan tâm còn nhớ Tổng hội SVSG đã bị cán bộ của Thành Đoàn CS khống chế qua 4 nhiệm kì (Hồ Hữu Nhựt 1967, Nguyễn Đăng Trừng 1967-1968, Nguyễn Văn Quỳ 1968-1969 và Huỳnh Tấn Mẫm 1969-1970). 

Bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng hội SVSG, Thành Đoàn CS hết sức cay cú. Họ đưa ra hai quyết định. 

Một là ra lệnh sát hại sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật ngay tại Đại học Luật khoa Sài Gòn ngày 28-6-1971, vừa để trả đũa sự thất bại vừa để răn đe các sinh viên Quốc gia muốn dấn thân hoạt động trong môi trường Đại học. Quyết định hạ sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật là một quyết định tán ác, đê tiện của Thành Đoàn CS. Vì thế, sau 30-4-1975, mặc dù họ tung ra nhiều tài liệu và sách báo khoe khoang thành tích đấu tranh của các tổ chức Thành Đoàn CS, nhưng đặc biệt, họ không hề dám công khai nhắc tới “thành tích” ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật. (5) 

Hai là Thành Đoàn CS chỉ thị Huỳnh Tấn Mẫm tập họp một số sinh viên tại trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật Tử số 294 đường Công Lý vào ngày 28-7-1971 để bầu ra một tổ chức chưa bao giờ có. Đó là “Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam”, gồm có Chủ tịch Huỳnh Tấn Mẫm, Tổng Thư kí Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch Ngoại vụ Lê Văn Thuyên (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế), Phó Chủ tịch Nội vụ Phạm Văn Xinh (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Cần Thơ). Tổng hội Sinh viên Việt Nam là một tổ chức “ma”. Chỉ có những kẻ nặn ra nó công nhận nó. Trên thực tế, tổ chức này không đại diện cho ai vì lúc đó Huỳnh Tấn Mẫm không còn tư cách pháp nhân để đại diện cho tập thể sinh viên Sài Gòn. Sinh viên Lý Bửu Lâm mới là Chủ tịch Tổng hội SVSG từ cuộc bầu cử ngày 20-6-1971. 

Đánh giá có sự rạn nứt và tranh chấp quyền lực trầm trọng giữa ông Thiệu và ông Kỳ, đầu Tháng 9-1971, Thành Đoàn CS chỉ đạo Mẫm phải tìm cách “tranh thủ” ông Kỳ. Với sự môi giới của dân biểu thân Cộng Hồ Ngọc Nhuận, ông Kỳ chịu tiếp kiến phái đoàn Huỳnh Tấn Mẫm. Hai bên đều muốn lợi dụng nhau. Ông Kỳ muốn dùng lực lượng của bọn Mẫm để phá ông Thiệu, cho nên đã hứa cho bọn họ mượn Dinh Quốc Khách của Phó Tổng thống để làm trụ sở vì trụ sở Tổng hội SVSG tại số 207 Hồng Bàng đã bị phong toả. Sau cuộc yết kiến đó 2 ngày, để phô trương lực lượng với ông Kỳ, bọn sinh viên, học sinh tranh đấu đã tổ chức một cuộc xuống đường đôi co với Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật Cảnh sát dã chiến ngay trên đường Cường Để. Ngày hôm sau, ông Kỳ ra lệnh giao một phần Dinh Quốc Khách số 4 Tú Xương với đầy đủ văn phòng phẩm, xe cộ và cả lựu đạn MK3 cho bọn Huỳnh Tấn Mẫm để chúng phá cuộc bầu cử tổng thống (6). Từ khi có trụ sở an toàn với đầy đủ phương tiện và vũ khí, bọn Mẫm đã tổ chức được một số cuộc biểu tình chống phá cuộc bầu cử tổng thống, làm rối loạn đường phố ở một số khu vực. Việc làm tắc trách của ông Kỳ và bộ hạ khoét sâu thêm hố chia rẽ giữa các cấp lãnh đạo Quốc gia và tiếp tay cho bọn SVHS Việt Cộng phá rối trị an. 

Một trong những cuộc biểu tình phá rối trị an đã diễn ra ngày 19-9-1971 tại Đại học Vạn Hạnh. Đây cũng là lần đầu tiên bọn Mẫm dùng lựu đạn MK3. Hôm ấy, bọn Mẫm kết hợp với Tổng hội Sinh viên Đại học Vạn Hạnh và Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn tổ chức cuộc biểu tình bạo động chống bầu cử. Cuộc biểu tình phát xuất từ khuôn viên Đại học Vạn Hạnh rồi lan ra đường Trương Minh Giảng, khiến cả một khúc đường trước cổng trường bị tắc nghẽn. Đang khi đó, các phần tử xung kích liệng lựu đạn MK3 phá các phòng phiếu, bôi xoá và sửa chữa các bích chương tranh cử bằng những lời lẽ xếch mé. Cảnh sát được điều tới để vãn hồi trật tự, an ninh. 

Cơ quan trách nhiệm nhận thấy không thể để cho Mẫm tiếp tục cầm đầu phá rối trị an thêm nữa. Đã đến lúc phải vô hiệu hoá vai trò của Mẫm. Vì thế, cuối tháng 9 năm đó, khi từ khách sạn Caravelle trở về trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294 đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Mẫm bị Cảnh lực bao vây. Thấy nguy, đồng bọn đã nhờ Hồ Ngọc Nhuận kêu cứu với Phó TT. Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ phái người tới giải thoát cho Mẫm. Sau đó, Mẫm lại được Tướng Dương Văn Minh cho sĩ quan tuỳ viên tới đón về ẩn náu 6 tháng trời tại tư dinh của ông, tức Dinh Hoa Lan. (7) 

Đến đầu Tháng 01-1972, Mẫm mới rời Dinh Hoa Lan của Tướng Minh để ra chuẩn bị cho cuộc bầu cử Ban Đại diện Sinh viên Y khoa niên khoá 1971-1972. 

Ngày 05-01-1972, sau một cuộc họp ở Đại học Y khoa, Mẫm được Nguyễn Văn Lang (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa) chở về Đại học xá Minh Mạng, tới ngang cổng Bệnh viện Hồng Bàng (nay là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) thì bị bắt. Tới đây, coi như chấm dứt một thời hoạt động sôi nổi của sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm. 

III. MẪM TIẾP TỤC LÀ TÙ NHÂN CỦA CHÍNH ĐỒNG CHÍ MÌNH 

Theo luật pháp VNCH, không thể giữ một nghi can lâu quá thời hạn cho phép, nếu không có bằng chứng, cho nên bọn sinh viên Việt Cộng bảo nhau bất cứ giá nào cũng không nhận tội, không khai điều gì có liên quan tới Cộng sản thì chắc chắn sẽ được xét thả ra. (8) 

Một sinh viên Việt Cộng dù kiên quyết áp dụng công thức “Nhất lí, nhì lì, tam suy, tứ tử” (cố mà cãi lí hoặc phản cung, cãi lí không xong thì dở chiêu lì đòn, lì không được thì giả đò bệnh hoặc tự làm cho ra bệnh để được đi bệnh viện, cuối cùng, giả làm như chết đến nơi, cũng là để được đi bệnh viện, đi bệnh viện mới có nhiều cơ hội đào thoát), nhưng do đồng bọn khai báo về y thì chính quyền vẫn có bằng chứng để giam giữ đối tượng Việt Cộng ấy và Uỷ ban An ninh Đô thành (gồm đại diện ông Đô trưởng, đại diện ông Chưởng lí và đại diện Tổng Giám đốc Cảnh sát Đô thành) không thể thả y ra như lúc trước được nữa. 

Huỳnh Tấn Mẫm bị giam giữ lần sau cùng này nằm trong trường hợp ấy. 

Theo tiến trình thi hành Hiệp định Paris (27-01-1973), ngày 20-02-1974, Mẫm được đưa lên Lộc Ninh trao trả cho phía Việt Cộng. Vì còn muốn lợi dụng Mẫm ở thế hợp pháp cho nên phía Việt Cộng ra lệnh cho Mẫm phải nêu lí do Mẫm là sinh viên, không phải là tù binh và yêu cầu được trả về gia đình theo Điều 8c Hiệp định Paris 1973 và Điều 21 Hiệp định Genève 1954. Mặc dù không muốn, nhưng không dám cưỡng lệnh cấp trên, Mẫm đành phải tuân theo. Sự việc này chứng tỏ Mẫm như một quả chanh mà cấp chỉ huy muốn vắt cho hết nước. Mẫm căy đắng phải chấp nhận tiếp tục ngồi tù do chính các đồng chí của mình. Trong cuốn Huỳnh Tấn Mẫm Một Đời Sôi Nổi của Diệu Ân, Mục Đồng Đội Nói Về Anh, trang 247, Ngô Đa đã viết: “Anh Mẫm có tâm sự với tôi: Năm 1974, thực hiện Hiệp Định Paris về trao trả tù binh, thật lòng mình muốn trao trả về Lộc Ninh, về “phe ta” cho sớm để được thoát cảnh địa ngục trần gian, thoát những trận đòn tra khảo tàn khốc không thể tưởng tượng nổi… Nhưng do yêu cầu của tổ chức lúc bấy giờ, với tư cách là lãnh tụ phong trào sinh viên học sinh đấu tranh công khai, tôi phải đòi địch trả tự do cho tôi về với gia đình tại Sài Gòn”. (9) 

Phái đoàn VNCH chấp nhận đưa Mẫm trở về, nhưng biết chắc nếu thả Mẫm ra, y sẽ lại cầm đầu phá rối trị an, cho nên giới hữu trách đã giam giữ y vào Khám Chí Hoà, rồi Tổng nha Cảnh sát. Hai tháng sau, ngày 21- 4-1974, Mẫm được chuyển ra Trại Chiêu Hồi tại eo biển Lagi, Hàm Tân. 

Tới cuối Tháng 4-1975, tình hình biến chuyển mạnh. Quân Đội VNCH “di tản chiến thuật”. Viên sĩ quan phụ trách Mẫm dùng ghe đưa y vào Nam, nhưng không tìm được bót Cảnh sát nào chịu nhận. Cuối cùng, viên sĩ quan áp tải đưa Mẫm tới một bót Cảnh sát gần Thảo Cầm Viên để ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, ngày 29- 4-1975, “Thủ tướng hai ngày” Vũ Văn Mẫu tuyên bố người tù chính trị đầu tiên được thả là Huỳnh Tấn Mẫm. Khoảng 10 giờ sáng, Chuẩn tướng Cảnh sát Bùi Văn Nhu đích thân chở Mẫm tới Dinh Hoa Lan giao cho Thiếu tá Trịnh Bá Lộc (tuỳ viên của ông Dương Văn Minh). Tại đây, Mẫm yêu cầu Lý Quí Chung (tân Bộ trưởng Bộ Thông tin trong chính phủ Vũ Văn Mẫu) sắp xếp cho y được lên tiếng trên Đài truyền hình Sài Gòn vào tối 29-4-1975. Mẫm ngỏ lời cám ơn những người đã ủng hộ y và yêu cầu thả hết tù chính trị, yêu cầu đồng bào đừng nghe lời “kẻ xấu” mà di tản ra nước ngoài. Trong buổi phát hình sáng 30-4-1975, Mẫm lặp lại như tối hôm trước và thêm vào lời kêu gọi sinh viên, học sinh, các nhân sĩ, trí thức và các “ba má” phong trào tham dự buổi họp mặt lúc 9 giờ sáng 01-5-1975 tại trụ sở cũ của Tổng hội Sinh viên số 4 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch). Khoảng 10 giờ 45 sáng ngày 30-4-1975, Huỳnh Tấn Mẫm đeo băng đỏ và cùng với Nguyễn Hữu Thái, có mặt tại Đài phát thanh Sài Gòn vào giờ phút lịch sử, khi Dương Văn Minh đọc văn kiện đầu hàng. 

IV. SAU 30-4-1975, MẪM KHÔNG NGÓC ĐẦU LÊN ĐƯỢC 

Trong cuốn tự truyện Lạc Đường (Chương 10. Trí thức nằm vùng), tác giả Đào Hiếu, một cựu sinh viên Việt Cộng hoạt động trong phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975, đã nhận xét: “Trong những ngày đầu giải phóng, người ta chia cách mạng ra thành nhiều loại: Cán bộ A là người ở Miền Bắc vô, cán bộ B là người ở rừng về và cán bộ tại chỗ là những người hoạt động nội thành”

Theo đó, sau khi Cộng sản chiếm được Miền Nam, Huỳnh Tấn Mẫm chỉ thuộc loại cán bộ xếp hạng C, nhưng có thể là để tiếp tục lợi dụng tên tuổi Mẫm với ý đồ đánh lừa dư luận trong và ngoài nước trong buổi giao thời, cho nên Cộng sản đã cho Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Văn Nuôi được làm đại biểu Quốc hội Cộng sản khoá VI. Thực ra, chính cái Quốc hội của Cộng sản đã là tổ chức hữu danh vô thực, là một phường tuồng thì một đại biểu thành viên của cái Quốc hội ấy cũng chỉ là một tay diễn tuồng không hơn không kém. 

Ngoài ra, Mẫm còn được giao cho vài hư vị khác nữa. 

Năm 1976, Mẫm là uỷ viên Ban Chấp hành Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP. HCM., Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP. HCM. 

Thành Đoàn CS và Trung ương Đoàn cũng cử Mẫm đi thăm một số nước. Chính trong những cuộc đi thăm các nước đã giúp cho Mẫm có tầm nhìn rộng hơn, những nhận xét cụ thể chính xác hơn về giấc mơ xã hội xã hội chủ nghĩa và giấc mơ thiên đàng Cộng sản của mình. Mẫm đã bị những nhận xét ấy đánh gục. Anh ta đã tâm sự cùng bạn bè, đã dàn trải những u uẩn trên những trang báo, để rồi bị “xếp vào sổ đen” đến nỗi không ngóc đầu lên được. (10) 

Năm 1977, từ Thành Đoàn, Mẫm được điều về công tác ở Trung ương Đoàn. 

Niên khoá 1976-77, Mẫm trở lại trường học năm chót Y khoa, nhưng Trung ương Đoàn cử Mẫm đi tham dự Festival Thanh niên Thế giới tại Cuba năm 1976. Khi trở lại trường, Hiệu trưởng Trương Công Trung lấy cớ Mẫm ham làm chính trị nên đã không cho Mẫm thi tốt nghiệp. 

Thực ra, lúc này Mẫm bắt đầu bị trù ếm, lại xẩy ra vụ vợ của Mẫm bê bối tiền bạc càng làm cho anh ta mất uy tín. Mãi sau, nhờ sự can thiệp của một số viên chức cao cấp trong Bộ Y tế, Mẫm mới được thi tốt nghiệp. 

Năm 1978-1980, Mẫm được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội. 

Năm 1980, lại được gửi đi làm nghiên cứu sinh 4 năm tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tại Liên Xô. Năm 1984, Mẫm tốt nghiệp với bằng Phó Tiến sĩ Triết học. 

Sau đó, Mẫm về nước công tác tại Trung ương Đoàn với chức vụ Trưởng ban Mặt trận Thanh niên và Phó Tổng Thư kí Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VN. Trong thời gian này, Mẫm cùng Lê Quang Vịnh (Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VN) xin phép ra tờ Thanh Niên. Mãi năm 1986 mới xong thủ tục. Mẫm là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo. 

Đến 1990, Mẫm mất chức tổng biên tập. Mẫm cũng vừa xin được phép ra tờ Thanh Niên Chủ Nhật thì phải chuyển về làm uỷ viên Ban Chấp hành Hội Chữ Thập Đỏ (Hội Hồng Thập Tự), phụ trách Lực lượng thanh thiếu niên xung kích Chữ Thập Đỏ. 

Từ 1994, nhất là sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, Mẫm tham gia một số công tác từ thiện và mở phòng mạch riêng, chuyên “săn sóc da, điều trị mụn nam nữ”. (11).

 V. VÀI NHẬN XÉT 

Trên đây là cái nhìn tổng quát về sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm. Sở dĩ chúng tôi viết khá chi tiết về Huỳnh Tấn Mẫm vì anh ta là sinh viên tranh đấu nổi đình đám nhất, đồng thời là tiêu biểu cho thành phần sinh viên một thời trót nghe theo Đảng, tranh đấu sôi nổi và một thời bị Đảng trù ếm, bỏ rơi. 

Trước hết, nhà văn Đào Hiếu, người bạn sinh viên tranh đấu năm xưa của Huỳnh Tấn Mẫm, đã nhận xét về Mẫm như sau: “Tội nghiệp cho anh Mẫm. Anh là người hiền lành, học giỏi, nhiệt tình… nhưng sau giải phóng vì đố kỵ, ganh ghét sự nổi tiếng của anh mà có người đã dìm anh khiến anh không ngóc đầu lên nổi. Tiếp theo là những rủi ro tiền bạc do bà vợ gây ra khiến anh tuột dốc. Hồi còn sinh viên tôi và anh ở chung phòng 4/6 Đại Học Xá Minh Mạng. Lúc ấy anh học phụ khoa (gynécologie) năm thứ tư, vào Đảng năm 1968. Năm 1970 anh nổi tiếng khắp thế giới nhờ vụ bắt bớ quy mô lớn mà tôi vừa thuật lại ở trên. Vai trò của anh lúc bấy giờ là vai trò công khai. Anh hoạt động cách mạng ở góc độ công khai có nghĩa là với bất cứ danh nghĩa nào: Phật Giáo, Công giáo hay Lực lượng thứ Ba tuỳ theo sự chuyển biến của tình hình, tuỳ theo nhiệm vụ chính trị của từng lúc. Nhưng không hiểu sao có tin đồn là anh lừng khừng, không dứt khoát tư tưởng và người ta để anh ngồi chơi xơi nước. Cuối cùng anh bị đẩy đi Liên Xô học ba cái thứ vớ vẩn gì đó. Rồi anh về nước giữ chức Phó Chủ Tịch Hội Chữ Thập Đỏ TPHCM. 

Còn bây giờ anh là bác sĩ khoa thẩm mỹ hình như có phòng mạch ở đâu đó trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Có lẽ anh nghèo và trong sạch” (Đào Hiếu. Lạc Đường. Chương 5: Vụ Huỳnh Tấn Mẫm). 

Người đồng chí năm xưa của Mẫm nói Mẫm “không ngóc đầu lên nổi” là vì bị ganh ghét về sự nổi tiếng của anh và vì vụ bê bối tiền bạc của bà vợ. Không sai, nhưng thiển nghĩ đó không phải là nguyên nhân chính, bởi vì ai cũng biết hầu như tất cả các đảng viên làm quan to quan nhỏ đều có “thành tích” bẩn thỉu hơn nhiều! Còn sự nổi tiếng của Mẫm chỉ là hào quang bên ngoài, kì thực trong tổ chức, trước và sau 30-4-1975, Mẫm đóng vai một thành viên hoạt động nổi, vị trí là cấp thừa hành. Cấp chỉ huy có thực quyền chỉ đạo mọi hoạt động của Mẫm trước 30-4-1975 vẫn nằm trong bí mật; sau khi chiếm xong Miền Nam, họ xuất hiện và nắm giữ những vị trí then chốt đầy quyền lực. Nhân việc Mẫm và đồng bọn bị bắt trong “Vụ Mồng 10 Tháng 3”, các lực lượng nội Thành của Cộng sản nhận được lệnh phải thổi bùng lên một làn sóng đấu tranh sôi sục. Đợt đấu tranh này đã làm cho Mẫm nổi tiếng trong và ngoài nước. Tất cả đều nằm trong kế sách của cấp lãnh đạo Thành Đoàn CS dưới quyền điều động của Trung ương Cục Miền Nam, nhằm kích động phong trào phản chiến, gây sức ép đòi Mĩ rút quân và chấm dứt can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Mẫm nổi tiếng là một thành công của kế sách chiến tranh tâm lí chính trị ấy thì không lẽ lại vì thế mà họ “đố kỵ, ganh ghét” anh ta. 

Thực ra, đối với Cộng sản, lí do quan trọng nhất vẫn là vì tư tưởng. Đúng là tư tưởng của Mẫm có vấn đề. Một khi đã bị ghi nhận là “lừng khừng, không dứt khoát tư tưởng” thì làm sao còn được tin tưởng cất nhắc lên những vị trí có thực quyền.

Tại Sở Cảnh sát đặc biệt F5 thuộc Tổng nha Cảnh sát Đô thành (F5 do Thiếu tá Dương Văn Chân phụ trách), lúc đầu, Mẫm chỉ khai anh ta là sinh viên tranh đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc, cơm no áo ấm cho đồng bào. Vì thế, nếu không có lời khai của đồng bọn về Mẫm thì Mẫm đã có thể bảo vệ được bản thân, bảo toàn được an ninh tài liệu, an ninh cơ sở và an ninh nhân sự của Thành Đoàn CS. Điều đó chứng tỏ Mẫm là một đảng viên trung kiên, có lí tưởng và sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng. 

Tiếc thay, Mẫm là chiến sĩ chiến đấu cho một lí tưởng không có thật. 

Trong cuộc chiến Việt Nam, nhiều người trẻ, vì những hoàn cảnh riêng, đã đi theo Cộng sản một cách rất tự nhiên, bởi vì tuổi trẻ chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để hiểu nổi chủ nghĩa Cộng sản và bộ mặt thật của Đảng Cộng sản. Khi Cộng sản thắng lợi rồi, bộ mặt thật của họ mới hiện nguyên hình. Đến khi đó, một số người trẻ đầy nhiệt huyết năm xưa đã chiến đấu miệt mài mới vỡ lẽ ra rằng, lí tưởng tốt đẹp vì dân vì nước vì cách mạng xã hội với những khẩu hiệu, những mĩ từ, nay đã sụp đổ, đã bị phản bội. Tất cả những cái xấu xa, những tội ác mình hi sinh đấu tranh để loại bỏ, nay chẳng cái nào bị loại bỏ, trái lại còn bị chính quyền Cộng sản vi phạm tất cả gấp trăm, gấp ngàn lần hơn. 

Lúc này mới lộ diện ai là người có lí tưởng thật sự, ai là kẻ cách mạng nửa mùa, ai là kẻ phản bội cách mạng. Khi đã đánh đổ hệ thống chính quyền cũ mà thấy rõ chính quyền mới không đem lại được điều gì tốt đẹp cho đất nước thì những người làm cách mạng thiệt sự phải tiếp tục làm cách mạng, tiếp tục chiến đấu. Trên thực tế, đa số những tên sinh viên học sinh tranh đấu năm xưa, hiện nay đã chọn làm những con “giòi”, những “con ma vú dài”, những “ông quan cách mạng”, những tên “tư bản đỏ”, mặc kệ dân, mặc kệ nước (những từ trong ngoặc kép là những từ nhà văn Đào Hiếu xử dụng trong cuốn Lạc Đường của ông để chỉ những tên sinh viên học sinh “đồng chí” cũ của ông trong phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975). 

Lí ra, kẻ phá đổ một công trình cũ mà không xây dựng được một công trình mới tốt đẹp hơn thì chỉ là kẻ phá hoại. 

Có thể khẳng định Huỳnh Tấn Mẫm không thuộc loại thứ hai. Nhưng anh có thuộc loại thứ nhất, tức là anh có chọn lựa tiếp tục làm cách mạng không (cứ giả định là trước năm 1975 anh ta đi làm cách mạng)? Có tiếp tục chiến đấu chống bọn cầm quyền bất xứng không. Có tiếp tục tranh đấu cho độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào không? Bởi vì hiện nay, những mục tiêu ấy còn trở thành khẩn thiết hơn hồi trước 1975 bội phần. Đâu là sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc? Đâu là đạo đức, danh dự, văn minh, văn hoá dân Việt? Đâu là cơm no áo ấm cho đồng bào? Đâu là quyền được nói lên tiếng nói xây dựng chân chính? Rồi quốc nạn tham nhũng và sự băng hoại của nền giáo dục, v.v…. 

Thiển nghĩ, sau 1975, nhiều SVHS tranh đấu trước 1975 dư sức nhận ra bộ mặt thật của Cộng sản, nhưng Mẫm là một trong rất ít trường hợp hiếm hoi đã dám có phản ứng, dù mới ở mức độ nhẹ nhàng nhất. Dưới “triều đại” độc tài đảng trị, bất cứ cá nhân nào, dù có công trạng, dám có phản ứng, dám không “nhất trí”, đương nhiên có nghĩa là dám từ chối “ngồi cùng bàn”, dám chấp nhận từ bỏ công danh sự nghiệp cùng tiền tài, bổng lộc. 

Bạn bè của Mẫm nói “có tin đồn Mẫm lừng khừng” và “không dứt khoát tư tưởng” là rất có “cơ sở” vì ít ra đã ghi nhận được một số sự việc như sau: 

Thứ nhất là anh ta không được giao cho một vị trí nào có thực quyền, cuối cùng đã trở về ngành Y và tham gia công tác từ thiện. 

Thứ hai, như đã có đề cập tới trên đây, ngay sau thắng lợi 30-4-1975, Mẫm được cử đi tham dự Festival ở vài nước Cộng sản như Cuba, Bắc Hàn. Khi trở về, “Anh đã viết một bài báo nói về bóng tối, sự lạnh lẽo thiếu vắng nụ cười trên môi người dân Bắc Hàn. Huỳnh Tấn Mẫm đã tâm sự nhiều với bạn bè trước khi anh bị cách chức Tổng Biên Tập báo Thanh Niên và sự nghiệp của anh đã xếp vào sổ đen” (Phong Thu. Xin xem chú thích số 10). Nghĩa là Mẫm đã hiểu ra, đã “vỡ mộng” về cái gọi là thiên đường Cộng sản, nhưng ngoài việc “viết một bài báo” ra, anh chỉ biết “tâm sự” với bạn bè trong chỗ riêng tư về những nhận xét và cảm nghĩ của mình. 

Hơn thế nữa, theo tác giả Nguyễn Văn Lục trong bài viết Nhật Ký Của Im Lặng thì “... Huỳnh Tấn Mẫm bị quản chế cùng với những người như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, vì cái tội đã tiếp xúc với báo chí ngoại quốc, hay phê bình và đòi hỏi cải tổ nhanh guồng máy kinh tế và chính trị. Những vụ quản chế này không được loan báo công khai và nơi quản chế cũng vậy...” (DCVOnline.net). 

Ngoài ra, Mẫm còn là một trong số những trí thức Miền Nam ủng hộ chủ trương đổi mới “cả hai chân” của ông Trần Xuân Bách, tức đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị (ông Trần Xuân Bách là uỷ viên Bộ Chính Trị từ 1986 tới 1990 thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). 

Tư tưởng của Mẫm như thế là “có vấn đề”, hậu quả là Mẫm bị làm khó dễ khi trở lại Trường Y, bị cho đi “học ba cái vớ vẩn gì đó”, bị để “ngồi chơi xơi nước”, bị mất chức tổng biên tập tờ Thanh Niên (1990). Vợ của Mẫm bị bắt vì bị quy kết “úp hụi” trị giá hàng trăm cây vàng (?). Cuối cùng, Mẫm bị đá bật ra khỏi mọi cơ hội tham chính. Mẫm đã chỉ có thể cùng chiến đấu chứ không thể ngồi cùng bàn với bọn Cộng sản cầm quyền độc tài và bất xứng khi đã thắng lợi. 

Mặc dù ghi nhận như thế, Huỳnh Tấn Mẫm vẫn chưa bao giờ nhận là mình “Lạc Đường” như nhà văn Đào Hiếu (Sđd) hay nói lên lời hối hận như cha con ông Vũ Đình Huỳnh (12) hoặc nhận là đã chọn lầm đường như ông Nguyễn Hộ (13)... vì đã góp công khuyển mã giúp cho bọn buôn dân bán nước nắm trọn quyền hành để rồi chúng biến đất nước trở thành hèn yếu như ngày nay. 

Dư luận có thể giải thích trường hợp của Mẫm như sau: Một phần vì anh ta đã trót được đưa lên quá cao, đã trót cỡi lưng cọp, không dễ gì leo xuống mà không bị cọp ăn thịt. Cái gương Bs. Dương Quỳnh Hoa, Gs. Nguyễn Ngọc Lan, Lm. Chân Tín còn rành rành ra đó... (14). Hơn nữa, đã qua rồi cái thời sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, say mê lí tưởng cách mạng, nay mới vỡ lẽ ra lí tưởng Cộng sản chỉ là hão huyền, chính trị theo kiểu Cộng sản là thủ đoạn, là tàn độc, là bẩn thỉu. Càng hiểu thêm Cộng sản, Mẫm càng ý thức rằng, muốn sống còn trong chế độ Cộng sản, dù là cấp cao như cựu Chủ tịch Tôn Đức Thắng (15) hay cao ngạo như nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải biết sợ (16), cũng phải biết ăn “Bánh Vẽ” như nhà thơ Chế Lan Viên (17) hay là phải trở thành “Một Thằng Hèn” như nhạc sĩ Tô Hải... (18)

 Cuối cùng, sau ngày 30-4-1975, khi điểm mặt những tên sinh viên học sinh tranh đấu trước 1975 đã gây ảnh hưởng khá lớn đến sự mất còn của Miền Nam tự do, người ta thấy đa số những tên này dần dần biến thành những con “giòi”, những “ông quan cách mạng”, những tên “tư bản đỏ”. Đang khi đó, ngoài những động thái chuyển biến chính trị như đã thấy trên đây, nếu thật sự Huỳnh Tấn Mẫm “vẫn nghèo và trong sạch” (hiểu theo nghĩa đồng tiền Mẫm làm ra không phải là đồng tiền bẩn thỉu, không phải là đồng tiền do bóp cổ dân mà có) và tận tâm làm việc phước thiện thì mặc dù tính đến nay, Mẫm chưa làm được gì đáng kể để đền bù lại những thiệt hại to lớn đã gây nên cho Miền Nam tự do trước đây, song cũng chưa thấy Mẫm tiếp tục gây nên những tội lỗi mới. Vì thế, công luận có thể đánh giá anh ta là một trong số rất ít những sinh viên tranh đấu ngày xưa, nay còn giữ được chút tư cách và tác phong của một người có ăn có học. 

Xin cảm ơn các bạn sau đây, đã vui lòng xác nhận một số chi tiết trong bài viết: 

- Lý Bửu Lâm, Chủ tịch Tổng hội SVSG niên khoá 1970-71, Trưởng tràng Sinh viên Kiến trúc Đại học Sài Gòn từ 1969-1972 

- Bửu Uy, Chủ tịch Tổng hội SVSG niên khoá 1972-73, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa Đại học Sài Gòn niên khoá 1972-73, Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Công giáo Đại học Sài Gòn niên khoá 1971-72 

- Phạm Minh Cảnh, Chủ tịch Tổng hội SVSG từ 1973-4/1975, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Khoa học Đại học Sài Gòn niên khoá 1973-74 

- Nguyễn Thế Viên, Chủ tịch Liên Đoàn Sinh viên Công giáo Đại học Sài Gòn niên khoá 1971- 72 

- Trương Văn Banh, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa Đại học Sài Gòn niên khoá 1971-72 

- Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa Đại học Sài Gòn niên khoá 1973-74 

Tháng 05-2009, nhuận sắc 12-2013 

<0><0><0>

Chú thích: 

1. *Bài “Gặp lại thủ lĩnh Sinh viên Sài Gòn trước 1975 Huỳnh Tấn Mẫm. baogialai.com.vn. *Diệu Ân. Huỳnh Tấn Mẫm Một Đời Sôi Nổi. NXB Lao Động, Hà Nội, 2008. Trang 38, 39. 

2. Từ trụ sở đặt tại Dinh Quốc Khách do Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cho tạm xử dụng, Huỳnh Tấn Mẫm lén viết thư báo cáo cho Trần Bạch Đằng ngoài mật khu: “Xin đoàn thể yên tâm, quyết làm tròn nhiệm vụ” và Mẫm kí là L.71 (Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. Trang 19). 

3. Sau 30-4-1975, Dương Văn Đầy làm Chủ tịch UBND quận 1, rồi Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn, và “có cái chết bất ngờ đầy nghi vấn”. Tác giả Trần Thị Hồng Sương, trong bài Không Thể Nói Trịnh Công Sơn Không Có Nhầm Lẫn, viết như sau: “Những người bạn như Huỳnh Tấn Mẫm hay là người bạn khá thân của tôi (cùng học chung từ lớp nhì trường Huyện đến hết trung học ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ) là Dương văn Đầy còn dám dấn thân dù... sai. Sau này cũng đành im tiếng chứ không đến đỗi nắm cơ hội thản nhiên leo cao như một vài trí thức cách mạng 30! Dương Văn Đầy có cái chết bất ngờ đầy nghi vấn sau khi bị kiểm điểm nặng lúc sang Mỹ đàm phán du lịch và tự ý có các cuộc gặp thân nhân riêng và anh luôn muốn làm ăn lương kiểu khoán doanh số chứ không chịu làm chuyện... tham ô như hiện nay! Người cầm đèn đi trước ô tô nên bị cán chết chăng?” (Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn/coinguon.us). 

4. Lời bài hát Dậy Mà Đi của Nguyễn Xuân Tân (tức Tôn Thất Lập): “Dậy mà đi. Ai chiến thắng, không hề chiến bại. Ai nên khôn, không khốn một lần. Dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi. Bao nhiêu năm qua, dân ta sống không nhà. Bao nhiêu năm qua, dân ta chết xa nhà. Dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!” 

5. Ban Ám sát thuộc Thành Đoàn CS cử 2 tên tới Đại học Luật Khoa số 4, Duy Tân, nhận là người nhà của Lê Khắc Sinh Nhật và muốn gặp anh có việc cần. Lúc đó sắp tới mùa thi cuối niên học, Nhật đang hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất về cách thi cử tại một giảng đường. Nghe báo có người nhà tìm, Nhật đi ra. Vừa tới hành lang trước phòng Ban Đại diện Sinh Viên, tên ám sát nhận diện đúng là Lê Khắc Sinh Nhật, hắn mau lẹ móc súng từ trong áo jacket ra bắn liền 3 phát trúng ngực Lê Khắc Sinh Nhật. Sau đó, tên sát nhân vội vàng phóng ra ngoài và nhảy lên xe do một tên khác lái, đang nổ máy chờ sẵn. Viên cảnh sát đứng gác bên ngoài bắn mấy phát chỉ thiên. Vừa nghe tin Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát, nhạc sĩ Vũ Thành An đã sáng tác ngay một bài hát tưởng niệm, mở đầu như sau: “Anh sinh ngày sinh của Chúa, Chúa gọi anh về giữa tuổi đôi mươi. Anh sinh ngày sinh của Trời…” 

6. Lê Văn Nuôi. Dùng vũ khí Nguyễn Cao Kỳ phá bầu cử tổng thống. Theo Nhịp Khúc Lên Đàng. NXB Trẻ. Trang 433. 

7. *Xin đọc thêm Diệu Ân. Sđd. Trang 117, 128. *Trong cuốn hồi kí Đời, chưa xuất bản, trang 142, cựu dân biểu thân Cộng Hồ Ngọc Nhuận cũng viết về chuyện Nguyễn Cao Kỳ “xớt” Huỳnh Tấn Mẫm (Nguyễn Văn Lục. Mặt Trận Văn Hoá và Những Thủ Tiêu Trí Thức Miền Nam. Motgoctroi.com). 

8. Bài này viết Tháng 5-2009 có đề cập tới Ban A 17 ở đây, nhưng khi nhuận sắc vào Tháng 12-2013 đã cắt bớt khúc này để chuyển sang một bài riêng về Ban A 17.

 9. Ngô Đa học Triết Đông tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, Tổng Thư kí Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa, Chủ nhiệm chiến dịch Nói Với Đồng Bào. 

10. “... Huỳnh Tấn Mẫm đã bị đánh gục sau khi đến Bình Nhưỡng dự“Festival” của nước Cộng sản sắt thép nầy tổ chức. Anh đã viết một bài báo nói về bóng tối, sự lạnh lẻo thiếu vắng nụ cười trên môi người dân Bắc Hàn. Huỳnh Tấn Mẫm đã tâm sự nhiều với bạn bè trước khi anh bị cách chức Tổng Biên tập báo Thanh Niên và sự nghiệp của anh đã xếp vào sổ đen. Người kế tiếp giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Thanh Niên là Nguyễn Công Khế, một người khôn ngoan và biết giữ kẽ... Sau nầy, người theo gót chân Huỳnh Tấn Mẫm là Võ Kim Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, người phụ nữ đầu tiên trong làng báo CHXHCNVN đã khởi xướng đánh Đường Sơn Quán, nơi mà các người con “ưu tú, hoàn thiện” của Đảng đến du hí để mở ra Vườn Địa Đàng trên hạ giới. Khiến cho một số cán bộ phải bị lột chức và con gái của một tên công an cỡ “cá mập" đã nhục nhã nhảy lầu tự sát”. (Phong Thu. Kỷ Niệm Về Một Bài Hát. Khanhly.net/phoxua). 

11. Thượng Tùng. Bài phỏng vấn Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm nhan đề Tôi May Mắn Được Nhiều Người Yêu Thương trên Doanh Nhân Cuối Tuần. QuanPHP.net ngày 30-8-2008. 

12. Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. NXB Văn Nghệ, California, 1997. Trang12: “... tôi không đơn thuần là nạn nhân. Về mặt nào đó, trong chừng mực nào đó, tôi còn là thủ phạm... Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của cha tôi nay đã không còn. Nó được thực hiện theo lời trăn trối của người”. Và trang 306: “... cha tôi buồn rầu nói Bố nhớ làng xóm lắm. Nhưng bố xấu hổ. Sau này con về, nhớ nói bố xin lỗi bà con”. 

13. Nguyễn Hộ, 56 tuổi Đảng, có vợ là Trần Thị Thiệt và anh là Đại tá Nguyễn Văn Bảo đều là “liệt sĩ”, cuối cùng đã thốt lên: “Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai Lý tưởng: Cộng sản chủ nghĩa, bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng Cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hi sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nưóc vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục”. (Quan điểm và cuộc sống của anh Năm Hộ. Nguyễn Văn Trấn. Viết Cho Mẹ Và Cho Quốc hội. TP. HCM, 1995. Trang 483). 

14. Năm 1975, Bs. Dương Quỳnh Hoa, khi gặp Phạm Văn Đồng, đã xin trả thẻ đảng. Phạm Văn Đồng bảo phải bàn bạc lại với ban lãnh đạo. Mãi tới 1979, họ mới chấp thuận cho bà ra khỏi đảng với điều kiện phải giữ kín chuyện này trong 10 năm. Còn Gs. Nguyễn Ngọc Lan vì 3 tập hồi kí và Lm. Chân Tín vì 3 bài giảng sám hối (4-1990) mà kẻ bị quản thúc tại gia, người bị phát vãng ra Cửa Cần Giờ và tới Tháng 5 năm 1998 thì cả hai bị mưu sát (chết hụt, riêng Gs. Nguyễn Ngọc Lan bị thương nặng) bằng xe Honda trên đường đi dự tang lễ nhà cựu kháng chiến phản kháng Nguyễn Văn Trấn. 

15. Đảng viên kì cựu Nguyễn Văn Trấn kể trong cuốn Viết Cho Mẹ Và Cho Quốc Hội: “Nè nghe má. Có lần anh chị em Nam Bộ biểu tôi đến gặp ông già Tôn mà hỏi, tại sao ổng để cho cải cách ruộng đất giết người như vậy? Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, vừa đi vừa nói. - Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, mầy biểu tao còn dám nói cái gì?” (Nguyễn Văn Trấn. Viết Cho Mẹ Và Cho Quốc hội. Tp. HCM, 1995. Trang 303). 

16. Khi bác (tức Nguyễn Tuân) ra người thiên cổ, Nguyễn Minh Châu kể, một hôm râu tóc run rẩy, nước mắt tràn ra trên má trên môi, bác vừa khóc vừa nói “... mình tồn tại được cho tới nay là bởi biết sợ!” (Nam Dao. Bác Nguyễn. www.x-cafevn.org)

17. Bài Bánh Vẽ của Chế Lan Viên làm vào cuối đời ông: 

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ 

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn 

Cầm lên nhấm nháp 

Chả là nếu anh từ chối 

Chúng sẽ bảo anh phá rối 

Đêm vui Bảo anh không còn có khả năng nhai 

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc… 

Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt? 

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn 

Như không có gì xầy ra hết 

Và những người khác thấy anh ngồi 

Họ cũng ngồi thôi Nhai nhồm nhoàm 

(Prométhée 86, Văn học và Dư luận, 8-1991) 

Cảm tác trong đêm Đà Lạt (Đọc di cảo thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên) Phamxuannguyen.vnwebloGS.com 

18. Tô Hải. Hồi Ký Của Một Thằng Hèn. Tiếng Quê Hương, Virginia. 




BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài liên quan:

- Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Lời Giới Thiệu


Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 3



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025