Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 5




 Bài 5 - PHÓ TỔNG THỐNG NGUYỄN CAO KỲ, ĐẠI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH VÀ SINH VIÊN VIỆT CỘNG HUỲNH TẤN MẪM 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

I. PHÓ TT. NGUYỄN CAO KỲ ĐÃ CỨU SINH VIÊN VIỆT CỘNG HUỲNH TẤN MẪM NHƯ THẾ NÀO 

1. Bối cảnh lịch sử 

a. Trường hợp hai Tướng Thiệu, Kỳ lên nắm chính quyền 

Chính phủ Phan Huy Quát chấp chính ngày 18-02-1965. 

Cuối tháng 5, đầu Tháng 6, có sự bất đồng lớn giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát. Cuối cùng, ông Phan Huy Quát tuyên bố từ chức, giải tán chính phủ và giao quyền lãnh đạo đất nước vào tay giới quân nhân một lần nữa. 

Ngày 12-6-1965, các tướng lãnh cử Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia (coi như Quốc trưởng) và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương (coi như Thủ tướng). 

Ngày 19-6-1965, Tướng Nguyễn Cao Kỳ ra mắt Nội các Chiến tranh. Cuối tháng 2-1966, nổ ra “Cuộc Biến Động Miền Trung”. Nguyên do là sự bất hoà giữa Tướng Nguyễn Chánh Thi và các tướng lãnh khác trong Hội đồng Quân nhân, cùng với sự chống đối của Phật giáo miền Trung do Thượng toạ Thích Trí Quang cầm đầu. Họ phát động đấu tranh bạo loạn tại Huế và Đà Nẵng, kéo theo cả một số quân nhân vô kỉ luật, quyết lật đổ chính quyền của hai Tướng Thiệu - Kỳ. 

Để đối phó với tình hình đã trở nên quá tồi tệ, chính phủ trung ương phải đưa quân ra miền Trung. 

Mãi đến cuối tháng 5-1966, trật tự an ninh mới được vãn hồi tại Đà Nẵng. Hết Tháng 6-1966, tình hình tại Huế trở lại yên tĩnh. 

VNCH đang dần dần đi vào ổn định. 

Cuối Tháng 2-1967, quốc hội lập hiến soạn thảo xong và biểu quyết chấp thuận bản dự thảo hiến pháp mới, còn gọi là Hiến pháp Đệ Nhị Cộng Hoà. 

Ngày 10-3-1967, Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia duyệt bản dự thảo Hiến pháp lần chót và chấp thuận. Hiến pháp mới tôn trọng nguyên tắc phân quyền. 

Tuân thủ hiến pháp, cuộc bầu cử quốc hội lập pháp và tổng thống bắt đầu được tiến hành. 

b. Liên danh Thiệu - Kỳ 

Cuộc vận động bầu cử tổng thống bắt đầu vào tháng 7-1967. Dư luận bên ngoài đã biết ông Thiệu và ông Kỳ đều nhất quyết sẽ ra tranh chức vị tổng thống. 

Xét về hi vọng đắc cử thì ông Kỳ có ưu thế vì ông là Thủ tướng đương nhiệm, cho nên ông nắm được guồng máy chính quyền từ trung ương xuống tới xã ấp toàn quốc, đồng thời được nhóm tướng tá trẻ đang nắm giữ những vị trí quyền lực then chốt ủng hộ. Đang khi đó, ông Thiệu với cá tính chín chắn, thâm trầm, nên được nhiều người cho là đáng tín cẩn hơn. Vả lại, dân miền Nam dễ thiên về ông Thiệu hơn vì ông là người Phan Rang, ở giáp ranh với “Lục Tỉnh Nam Kì”; còn ông Kỳ là dân “Bắc Kì di cư”. 

Dư luận lúc đó biết rõ phía dân sự sẽ có nhiều liên danh ra ứng cử tổng thống, chẳng hạn như liên danh Trần Văn Hương, liên danh Trương Đình Du... Vậy nếu phía quân nhân, hai ông Thiệu và Kỳ đều ra ứng cử tổng thống thì có thể bị một liên danh nào đó bên phía dân sự đánh bại. Để có thể thắng, các tướng lãnh phải tìm cách để chỉ có một liên danh quân nhân. Giữa lúc dư luận đồn đoán về ưu thế của Tướng Kỳ thì trong cuộc họp tướng lãnh vào ngày 30-6-1967, chỉ một ngày trước khi hết hạn nộp đơn ứng cử, bất ngờ ông Kỳ tuyên bố nhường cho ông Thiệu ra ứng cử chức vị tổng thống. Thế là liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ ra đời. Chẳng những ông Thiệu không rút lui mà ông Kỳ còn chịu đứng phó trong liên danh của ông Thiệu. 

Theo tác giả Võ Long Triều trong hồi kí Cái Mốc Lịch Sử kể lại thì chính ông Nguyễn Cao Kỳ đã xác nhận với ông trong một bữa cơm tại nhà ông Kỳ ở Hacienda, Los Angeles, về biến cố này như sau: “Moa cho triệu tập tất cả tướng lãnh về Tổng tham mưu họp để bàn về việc của moa và ông Thiệu cùng tranh cử chức vị tổng thống. Mọi việc được sắp xếp trước hết rồi. Chiều hôm trước anh em thoả thuận để cho ông Thiệu ra ứng cử với tư cách tư nhân và dân sự. Có nghĩa là phải giải ngũ để ra ứng cử tổng thống. Ðiều này chắc chắn đã lọt vào tai ông ta rồi. Ngày hôm sau các tướng lãnh họp tại Tổng tham mưu, moa ngồi ngoài không tham dự để cho anh em thảo luận không phải ngại ngùng vì sự có mặt của moa. Mục đích phiên họp là giao quyền lãnh đạo Quốc gia lại cho Cao Văn Viên xử lý thường vụ. Có biên bản đường hoàng. Vì biết trước kết quả rồi nên Nguyễn Văn Thiệu chần chừ không đến, đợi phải có người mời đến ghi nhận kết quả thì “luỷ” mới chịu đến (tiếng Pháp: “Luỷ” nghĩa là nó, ông ta). Trước mặt moa ông ta nói mà rơm rớm nước mắt, anh em quyết định sao thì ông ta chịu vậy. Ông ta xin anh em cho phép ở lại với quân đội”. Cao Văn Viên sắp đọc biên bản, Kỳ ngang nhiên khoát tay bảo: “Không cần, tôi nhường cho anh Thiệu ứng cử lần này, kỳ sau sẽ đến lượt tôi. Nhưng tôi yêu cầu anh Thiệu phải duy trì Hội đồng Quân nhân. Mọi quyết định quan trọng yêu cầu anh phải tham khảo ý kiến của các tướng lãnh”

Có nằm mơ, ông Thiệu cũng không thể ngờ rằng ông Kỳ nhường vị trí ứng cử tổng thống cho ông dễ dàng đến thế, vì vậy bây giờ ông Kỳ đưa ra bất cứ điều kiện gì thì ông Thiệu cũng chấp nhận ngay. Thật ra, các tướng ủng hộ ông Kỳ còn đưa ra 2 điều kiện nữa là chức vị thủ tướng sẽ do ông Kỳ chọn lựa (đó là Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc sau này) và nếu muốn bổ nhiệm một vị tư lệnh quân đoàn, ông Thiệu phải bàn thảo với ông Kỳ. Khi kể lại chuyện này, ông Kỳ không dấu diếm: “Điều moa hối hận nhứt trong đời là nhường quyền ứng cử và chịu đứng phó cho Nguyễn Văn Thiệu” (Võ Long Triều. Sđd. Tập II, Kì 3). 

Ông Kỳ nói ông “hối hận nhất trong đời” là phải, bởi vì ông đã đem tình cảm vào để giải quyết chuyện chính trị hệ trọng tầm cỡ quốc gia đại sự. Khi ông “quân tử Tầu” chịu đứng phó cho ông Thiệu, ông đâu có ngờ những điều kiện ông đưa ra để “thủ thế” sẽ không có cái nào thực hiện được hầu bảo vệ ông. Bởi vì từ khi đắc cử tổng thống, ông Thiệu đã dựa vào Hiến pháp mà làm việc. Trong “mọi quyết định quan trọng”, ông Thiệu không cần bàn thảo trước với ông Kỳ, cũng không cần phải hỏi ý “Hội đồng Quân nhân” nào cả, và rồi ra sẽ thấy ông Kỳ không đương nhiên được “đến lượt” ra ứng cử lần sau. Nếu ông Kỳ muốn ứng cử thì cứ chiếu theo luật pháp mà ứng cử. Còn vị thủ tướng do ông Kỳ tuyển chọn là Ls. Nguyễn Văn Lộc thì không có thành tích, không đủ tài cán, cho nên vị thủ tướng này chỉ tồn tại được trong một thời gian rất ngắn. 

Ngày 3-9-1967, là ngày bầu cử. Trong số 6 triệu cử tri thì 5 triệu đi bỏ phiếu, đạt tỉ lệ 80%. Hai ngày sau, tổng kết số phiếu: Liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với 35% tổng số phiếu, về nhì là liên danh Trương Đình Du được 17% số phiếu. 

c. Rạn nứt lớn 

Quyền hạn của một tổng thống do Hiến pháp quy định đã cho phép ông Thiệu dần dần củng cố đuợc quyền lực, loại bỏ tay chân của ông Kỳ và khi ở thế mạnh, ông ta không ngần ngại chèn ép ông Kỳ. Cả Miền Nam lúc đó biết rõ ràng có sự rạn nứt trầm trọng trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất. 

Sự rạn nứt ấy làm suy yếu nội lực quốc gia. Theo Ks. Võ Long Triều, nhân vật từng có mối giao hảo đặc biệt với ông Kỳ, thì đã 2 lần Tướng Kỳ muốn đảo chánh lật đổ ông Thiệu: Một lần sau Tết Mậu Thân 1968, lần thứ là hai sau khi Tướng Kỳ tham dự Hoà đàm Paris trở về (Võ Long Triều Sđd. Tập I, Kì 5 và 6). Dĩ nhiên, ông Kỳ đã không làm được điều ông muốn. Những toan tính loại này chỉ biểu lộ cá tính hay “bốc” của ông. Muốn lật ông Thiệu phải coi xem ông có bản lãnh hơn ông Thiệu không và phe ông có còn mạnh hơn phe ông Thiệu như trước nữa không. Vả lại, còn một yếu tố hết sức quan trọng, đó là người Mĩ muốn cái gì và chọn ai để có thể thực hiện kế hoạch của họ. (1) 

Tóm lược bối cảnh lịch sử trên đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ nguyên do câu chuyện đau lòng có liên quan tới phong trào sinh viên tranh đấu xẩy ra vào năm 1971. Đó là chuyện ông Kỳ, vì thù ghét ông Thiệu cho nên muốn lợi dụng bọn sinh viên Việt Cộng để “chơi” ông Thiệu. Ông Kỳ đã ra tay giải thoát cán bộ Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm và cho bọn Mẫm dùng một phần Dinh Quốc Khách của Phó tổng thống để làm trụ sở hoạt động chống phá bầu cử. 

2. Phó TT. Nguyễn Cao Kỳ đã cứu sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm như thế nào 

Ngày 20-6-1971, liên danh Lý Bửu Lâm (khuynh hướng Quốc gia) đắc cử trong cuộc bầu cử Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, đánh bại liên danh của nhóm sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm, chấm dứt một thời gian dài Tổng hội Sinh viên Sài Gòn bị Thành Đoàn Cộng sản khống chế. 

Bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng hội SVSG, ngày 28 tháng 7 năm 1971 tại trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294 đường Công Lý, Thành Đoàn Cộng sản chỉ đạo lập ra cái gọi là Ban Chấp hành Lâm thời Tổng hội Sinh viên Miền Nam Việt Nam (xưa nay chưa từng có tổ chức này), gồm có Huỳnh Tấn Mẫm làm Chủ tịch, Tổng Thư kí là Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch Ngoại vụ là Lê Văn Thuyên (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế), Phó Chủ tịch Nội vụ là Phạm Văn Xinh (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Cần Thơ). Lễ ra mắt tổ chức tại Huế, kết thúc bằng một cuộc biểu tình tuần hành phá phách, chống chương trình quân sự học đường, chống bầu cử độc diễn, đòi Mĩ rút hết quân về nước, đòi hoà bình tức khắc cho Việt Nam. 

Trong phần trình bầy sơ lược bối cảnh lịch sử trên đây, chúng ta đã thấy sự rạn nứt trầm trọng giữa hai ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, đến nỗi ông Kỳ có lúc đã muốn lật đổ ông Thiệu. 

Lẽ tất nhiên Thành Đoàn Cộng sản biết rất rõ sự rạn nứt này. Nhất là với sự hiện diện của dân biểu thân Cộng Hồ Ngọc Nhuận trong buổi họp bàn chuyện đảo chánh của ông Kỳ tại Trại Phi Long (Hồi kí Cái Mốc Lịch Sử của Võ Long Triều. Tập I, kỳ 6) thì chắc chắn qua ông dân biểu này, họ càng biết rõ ông Kỳ thâm thù ông Thiệu đến đâu, hơn nữa, họ còn biết cả những gì ông Kỳ đang âm mưu. Vì thế, Thành Đoàn Cộng sản đã chỉ thị cho bọn Huỳnh Tấn Mẫm phải “tranh thủ” ông Kỳ. Họ không gặp khó khăn gì vì cũng chính dân biểu thân Cộng Hồ Ngọc Nhuận đã giúp cho họ được ông Kỳ tiếp kiến tại tư dinh trong trại Phi Long. (2) 

Cuộc tiếp kiến diễn ra vào khoảng đầu tháng 9-1971. Phái đoàn sinh viên học sinh Việt Cộng do Huỳnh Tấn Mẫm cầm đầu còn có Nguyễn Thị Yến (Văn khoa), Hạ Đình Nguyên (Văn khoa), Võ Như Lanh (sinh viên Vạn Hạnh), Lê Văn Nuôi (học sinh Cao Thắng), Phạm Văn Xinh (sinh viên Cần Thơ) và Trần Hoài. (3) 

Chắc chắn ông Kỳ đã từng được báo cáo về các hoạt động phá rối của bọn Huỳnh Tấn Mẫm, cho nên mở đầu ông hỏi ngay: “Các anh chị có phải là Việt Cộng không?”. Mẫm thấy khó trả lời cho nên y đặt ngược một câu hỏi thăm dò: “Thưa Phó Tổng thống, theo Phó Tổng thống thì chúng tôi có phải là Việt Cộng không?”. Ông Kỳ hỏi chỉ là để hỏi, ông không cần câu trả lời. Lúc này đối với ông, bọn Huỳnh Tấn Mẫm là ai không quan trọng cho bằng bọn chúng có khả năng quậy phá đối thủ của ông là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. 

Thấy ông Kỳ vui vẻ và không theo đuổi câu hỏi, Huỳnh Tấn Mẫm chớp thời cơ nêu kiến nghị bãi bỏ chương trình quân sự học đường, viện cớ nay chiến sự đã lùi xa khỏi Thủ đô và sinh viên cần thời giờ học thi. Chương trình quân sự học đường do ông Kỳ thành lập cho nên ông không chấp nhận bãi bỏ, nhưng để lấy lòng bọn Huỳnh Thấn Mẫm, ông hứa sẽ cho hoãn chương trình này trong mùa Hè là mùa thi cử để sinh viên có thời giờ ôn luyện bài vở. 

Mặc dù liên danh Lý Bửu Lâm đã đắc cử Ban Chấp hành Tổng hội SVSG mãi từ ngày 20-6- 1971, nhưng ông Kỳ vẫn rút ra tờ truyền đơn tranh cử của liên danh Lý Bửu Lâm - Lê Khắc Sinh Nhật và nói ông không ủng hộ liên danh này vì là liên danh thân Nguyễn Văn Thiệu và không có thực lực bằng bọn Huỳnh Tấn Mẫm cho nên ông vẫn tiếp tục ủng hộ nhóm Huỳnh Tấn Mẫm. 

Biết được thâm ý muốn lợi dụng của ông Kỳ, Mẫm đưa yêu sách xin ông cấp cho bọn họ một trụ sở, bởi vì trụ sở Tổng hội SVSG số 207 đường Hồng Bàng, Chợ Lớn đã bị Cảnh sát quận 5 phong toả. Ông Kỳ bảo ông không có nhà để cấp cho bọn Mẫm, nhưng ông có thể cho họ mượn một phần trong Dinh Quốc Khách toạ lạc tại số 4 đường Tú Xương thuộc quyền xử dụng của Phó Tổng thống (ngày nay là Nhà Văn Hoá Thiếu Nhi Thành Phố) để họ xử dụng làm trụ sở. 

Thành Đoàn Cộng sản đánh giá họ đã đạt được thắng lợi trong cuộc gặp gỡ với ông Kỳ. Để chứng tỏ họ có sức mạnh, 2 ngày sau cuộc hội kiến, Thành Đoàn chỉ thị cho bọn Huỳnh Tấn Mẫm tổ chức một cuộc xuống đường và đã xẩy ra xô xát mạnh với Cảnh sát dã chiến trên đường Cường Để. Ngay ngày hôm sau, ông Kỳ giao một phần Dinh Quốc Khách cho bọn Mẫm, lại còn cung cấp máy đánh chữ và giấy in truyền đơn. Một điều hết sức nguy hiểm là, theo yêu cầu của họ, nhóm tham mưu của ông Kỳ còn cấp cho họ cả lựu đạn MK3 để phá các thùng phiếu (lựu đạn MK3 thường được dùng để huấn luyện, gây tiếng nổ lớn, nhưng không gây sát thương). 

Ngày 19-9-1971, bọn Mẫm phối hợp với Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh và Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn tổ chức cuộc biểu tình xuất phát từ trong khuôn viên Đại học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng. Toán xung kích ném lựu đạn MK3 vào địa điểm bầu phiếu, dùng bút lông sửa các bích chương liên danh “1” của hai Ông Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương thành liên danh “lì”, “dân chủ” thành “dân chửi” và “Thiệu” thành “Thẹo”. Bọn chúng còn đốt vỏ xe, dựng lên những bàn chông, cắm bảng vẽ hình đầu lâu và lựu đạn với hàng chữ cảnh cáo “nguy hiểm chết người không vượt qua”, làm cho giao thông bị tắc nghẽn. 

Để vãn hồi trật tự, Cảnh sát Đô thành được điều tới để dẹp cuộc biểu tình. Tuy biết những trò chơi nguy hiểm của ông Kỳ, nhưng vì gần tới ngày bầu cử, phía chính quyền không muốn gây thêm chuyện với ông. Cảnh sát chỉ muốn bắt giữ tên đầu xỏ Huỳnh Tấn Mẫm. 

Cuối tháng 9-1971, Huỳnh Tấn Mẫm tới khách sạn Caravelle trên đường Tự Do để trả lời phóng vấn Đài BBC. Sau đó, Mẫm trở về trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294, đường Công Lí (nay là Nam Kì Khởi Nghĩa). Vì biết đang bị theo dõi, cho nên vừa về tới trụ sở Tổng vụ, Mẫm vội vàng chạy lên tầng cao nhất, nhưng Cảnh sát đã kịp thời bao vây chung quanh trụ sở Tổng vụ. Mẫm đang lúng túng tìm cách thoát thân thì Ngô Thế Lý, đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt, tới đưa Mẫm vào một căn phòng, rồi khoá kín cửa lại. 

Thấy nguy cho Mẫm, tên sinh viên Việt Cộng Nguyễn Thị Yến vội gọi điện thoại cầu cứu Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và Dân biểu Kiều Mộng Thu. Hồ Ngọc Nhuận gọi ngay cho Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ xin giúp giải vây cho Mẫm. Ông Kỳ liền phái 2 sĩ quan lái 2 xe “jeep” tức tốc tới trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử. Dân biểu Nhuận cũng đi xe LaDalat tới. 

Cảnh sát không dám ngăn cản xe quân đội của hai viên sĩ quan và xe của một vị dân biểu, cho nên cả ba đã vào được bên trong trụ sở của Tổng vụ. 

Hai sĩ quan lên lầu tìm Mẫm. Ngô Thế Lý mở khoá phòng, nơi Mẫm đang trốn. Một sĩ quan khoác vội cho Mẫm một cái áo nhà binh rồi đưa y và một số sinh viên lên chiếc xe “jeep”. Xe của Dân biểu Nhuận che kín làm kế nghi binh để nhử Cảnh sát đuổi theo, kì thực trên xe không có sinh viên nào. Cả ba chiếc xe vội vã ra đi. Xe ông Nhuận ra trước, kế là chiếc “jeep” chở Mẫm, cuối cùng là chiếc “jeep” thứ hai. Họ chạy về hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Xe Cảnh sát hụ còi bám sát. Tới ngã tư Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu, rồi Đỗ Tấn Phong), chỉ mình xe Dân biểu Nhuận tiếp tục chạy về hướng Lăng Cha Cả, còn 2 xe “jeep” rẽ trái về hướng Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), rồi chạy thẳng về trung tâm thành phố. Đoàn xe Cảnh sát cũng chia hai đuổi theo. 

Trời sắp tối, chiếc “jeep” đi sau cố ý lạng qua lạng lại để cản, không cho xe Cảnh sát vượt lên. Chiếc “jeep” đi trước, trên có chở Mẫm, vọt lẹ, bỏ xa chiếc xe sau. Tới khu chợ Bến Thành đông người, viên sĩ quan thả Mẫm xuống. Mẫm mau chóng len lỏi giữa chợ và tìm tới nấp vào trong quầy bán trái cây của “Má” Tám Ảnh ở khu phía Bắc chợ Bến Thành (xin coi chú thích 2 và 4). 

“Má” Tám liền phái người đi báo cho “Má” Văn Hoa là chủ tiệm may Văn Hoa số 100, đường Lê Thánh Tôn để chuẩn bị cho Mẫm được tá túc qua đêm ở đấy. 

II. ĐẠI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH ĐÃ CƯU MANG HUỲNH TẤN MẪM 6 THÁNG TRỜI 


1. Diễn tiến 

Tại tiệm may Văn Hoa, Mẫm gọi điện thoại kêu sinh viên Việt Cộng Nguyễn Thị Yến nhờ Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận tìm chỗ trú ẩn cho y. Ông Nhuận vội vàng gọi văn phòng Tướng Dương Văn Minh. Đến trưa hôm sau, Tướng Minh phái tuỳ viên của mình tới đón Mẫm tại điểm hẹn ở ngã tư Nguyễn Trung Trực – Lê Thánh Tôn, cách nhà may Văn Hoa độ 100 mét và đưa Mẫm về Dinh Hoa Lan của Tướng Minh số 3, Trần Quý Cáp. Tướng Minh cho Mẫm ở trong một căn phòng tương đối đầy đủ tiện nghi, có cả điện thoại và nhà vệ sinh. Để bảo mật, Mẫm không tiếp xúc với bất cứ ai trong dinh, ngoại trừ Thiếu tá Trịnh Bá Lộc là người “cung cấp thực phẩm” cho y. Trong bài Huỳnh Tấn Mẫm và Cái Gọi Là “Saigon et Moi”, Thiếu tá Trịnh Bá Lộc xác nhận: “Về sinh viên Huỳnh Tấn Mẩm: Tôi được biết anh Mẫm vào thời gian ở Việt Nam đang chuẩn bị vận động bầu cử Tổng thống VNCH nhiệm kỳ II, năm 1971. Lúc đó anh là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Anh hoạt động chống chánh quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Anh bi truy nã. Một nhân vật trong Bộ Tham mưu chánh trị của ĐT. Dương Văn Minh giới thiệu anh và xin cho anh được lánh nạn trong căn nhà dùng làm văn phòng trong thời gian hoạt động tranh cử của ĐT. Dương Văn Minh. Đề nghị được chấp thuận với điều kiện anh không được đi ra ngoài và không được liên lạc với bên ngoài khu vực số 3 Trần Quý Cáp Sài Gòn. Vì nhà tôi cũng ở trong khu vực này nên tôi được yêu cầu của cấp trên cung cấp thực phẩm cho anh. Do đó, chúng tôi có dịp tiếp xúc hằng ngày trong các bữa cơm gia đình”. (5) 

Nhờ có điện thoại riêng, Mẫm dùng nguỵ danh là Hoàng để tiếp xúc với đồng bọn bên ngoài. Tướng Minh chứa chấp Huỳnh Tấn Mẫm gần 6 tháng. Mẫm chỉ bí mật rời Dinh Hoa Lan vào đầu tháng 01-1972 để ra ngoài chuẩn bị cho cuộc bầu cử Ban Đại diện Sinh viên Y khoa niên khoá 1971-1972. 

Ngày 05-01-1972, sau phiên họp tại Y khoa, Nguyễn Văn Lang (Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa) chở Mẫm về Đại học xá Minh Mạng. Vừa tới ngang cổng bệnh viện Hồng Bàng (nay là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch), Mẫm bị nhân viên công lực chận bắt được. 

Mẫm bị giam giữ cho tới khi có Hiệp định Paris 1973 thì được đưa lên Lộc Ninh để trao trả cùng với Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Long, Cao Thị Quế Hương, Trần Thị Lan, Trần Thị Huệ, Nguyễn Thành Công. Nhưng do Việt Cộng còn muốn lợi dụng Mẫm hoạt động với tư thế hợp pháp công khai, cho nên họ không nhận Mẫm, lấy lí do Mẫm không thuộc thành phần quân sự, không là tù binh. Riêng Mẫm phải miễn cưỡng chấp hành mệnh lệnh, cho nên y đã nại ra lí do chỉ là sinh viên thuần tuý và kiên quyết đòi được thả về với gia đình. Phái đoàn VNCH bằng lòng để Mẫm ở lại, nhưng không muốn y tiếp tục hoạt động gây rối, cho nên vẫn gam giữ y. Mẫm chỉ thật sự được tự do vào sáng ngày 29-4-1975 khi chính Tướng Cảnh sát Bùi Văn Nhu đích thân lái xe đưa Mẫm tới tư dinh Tướng Dương Văn Minh. 

2. Động lực nào khiến Ông Dương Văn Minh chứa chấp Huỳnh Tấn Mẫm? 

Lí do Tướng Kỳ cứu Huỳnh Tấn Mẫm là vì thù ghét và muốn “phá đám” ông Nguyễn Văn Thiệu. Lí do khiến Tướng Minh cưu mang Huỳnh Tấn Mẫm chẳng những vì muốn chống ông Nguyễn Văn Thiệu, mà còn vì ông Minh ngả sang tả, tin vào giải pháp hoà giải dân tộc lừa đảo của Cộng sản và sẵn sàng bắt tay với họ.

Ngày 01-11-1963, Hội đồng Quân nhân Cách mạng do Trung tướng Dương Văn Minh cầm đầu đảo chánh giết chết TT. Ngô Đình Diệm (02-11-1963). 

Ngày 30-01-1964, khi Tướng Nguyễn Khánh từ Vùng II về làm cuộc “chỉnh lí” thành công thì “Tam đầu chế” xuất hiện ở cấp lãnh đạo Miền Nam, gồm có Tướng Nguyễn Khánh, Tướng Trần Thiện Khiêm và Tướng Dương Văn Minh. 

Vì tham vọng nắm trọn quyền lực cho nên ngày 01-10-1964, Tướng Khánh tìm cách ép buộc Tướng Khiêm phải đi làm đại sứ tại Hoa Kì. Ngày 12-11-1964, đến lượt Tướng Minh phải rời Sài Gòn để đi “công cán ngoại quốc”, thực ra là đi lưu vong tại Thái Lan. 

Trong cuốn Hồi Ký Không Tên, tác giả Lý Quí Chung kể lại, nhân chuyến đi Bangkok (Thái Lan) để dự Hội nghị APU (Hiệp hội Dân biểu Nghị sĩ Á châu), ông đã gặp Tướng Dương Văn Minh để chuyển lời của cụ Trần Văn Hương yêu cầu Tướng Minh lên tiếng ủng hộ liên danh ứng cử Tổng thống Trần Văn Hương – Mai Thọ Truyền (Lý Quí Chung là đại diện báo chí cho liên danh Trần Văn Hương trong kì bầu cử này). 

Có lẽ vì ơn nghĩa đó cho nên năm 1969, Phó TT. Trần Văn Hương mới can thiệp để Tướng Dương Văn Minh được hồi hương. Tướng Minh cư ngụ tại tư dinh có biệt hiệu là Dinh Hoa Lan. Về đây, ông Minh tiếp tục mê 3 thứ: hoa lan, cá kiểng và chơi quần vợt. 

Từ 1970, nơi đây trở thành trung tâm quy tụ những nhân vật mang lập trường phản chiến, chủ hoà không tưởng, mĩ danh là “Hoà hợp hoà giải dân tộc”. Nhóm này đề nghị Tướng Minh ra tranh cử tổng thống vào năm 1971 và ông đã chấp nhận.

Nhóm ông Minh công khai đối lập với TT. Nguyễn Văn Thiệu, chống sự can thiệp của Mĩ ở Việt Nam, chủ trương hoà hợp hoà giải dân tộc, đòi thi hành Hiệp định Paris. 

Nhóm này gồm có những nhân vật chính yếu như sau: Ls. Trần Ngọc Liễng, Gs. Vũ Văn Mẫu, Tướng Mai Hữu Xuân, Gs. Lý Chánh Trung (6), Bs. Hồ Văn Minh, Lm. Nguyễn Ngọc Lan (7), Dân biểu Lý Quí Chung, Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, Dân biểu Dương Văn Ba, Nguyễn Văn Cước, sinh viên Nguyễn Hữu Thái... (8) 

Về chủ trương và gốc gác thành phần của nhóm được Lý Quí Chung thuật lại như sau: “Xét về ‘gốc tích’ thành phần của nhóm ông Minh... lộ ra sau 1975, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự chuyển dịch lập trường của nhóm ông Minh từ ‘ở giữa’ chuyển sang tả, rồi hướng đến sự sẵn sàng thoả hiệp, liên kết với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN) và Hà Nội. Gần phân nửa thành viên trong nhóm có quan hệ với MTDTGPM như ông Cước, anh Nhuận, giáo sư Trung, linh mục Lan, luật sư Liễng... khi Hiệp định Paris được ký kết, nhóm ông Minh ủng hộ triệt để sự thi hành Hiệp định. Bản thân tôi cũng tham gia Lực lượng Hoà giải Dân tộc (HGDT) do luật sư Vũ Văn Mẫu đứng đầu; lực lượng này được Phật giáo Ấn Quang hậu thuẫn và có chủ trương đòi tổng thống Thiệu tôn trọng và thi hành Hiệp định. Lực lượng HGDT tổ chức nhiều cuộc hội thảo và thuyết trình về Hiệp định Paris tại chùa Ấn Quang và tại nhiều địa điểm khác tại miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... Luật sư Liễng thì thành lập Tổ chức đòi thi hành Hiệp định Paris với sự tham gia của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, nhà văn Thế Nguyên (báo Trình Bày), nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Văn Cước v.v....” (Lý Quí Chung. Hồi Kí Không Tên. Trang 270). 

Với lập trường chính trị chủ hoà thiên tả và thân Cộng, đương nhiên ông Minh phải cưu mang sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm, một “người anh em”, một “đồng chí” của ông. Thực ra, lúc đó ông Minh không chỉ chứa chấp Huỳnh Tấn Mẫm, ông còn cho 2 cựu dân biểu thân Cộng Dương Văn Ba và Phan Xuân Huy, kí giả Kỳ Sơn (Nguyễn Đình Nam) đang bị truy nã và cán bộ Cộng sản hoạt động công đoàn Nguyễn Văn Cước ẩn náu tại tư dinh của ông. 

III. NHẬN XÉT 

Nói chung, cả hai ông Kỳ và Minh đều là những nhân vật chức cao quyền trọng một thời, thuộc hàng lãnh đạo quốc gia. Tư tưởng và hành động của hai ông có ảnh hưởng tới nhiều người, có thể là nhiều thế hệ. Vấn đề là cả hai ông này dường như không có lập trường chính trị vững chắc, giai đoạn sau trái ngược hẳn giai đoạn trước. 

Hai câu chuyện về ông Nguyễn Cao Kỳ và ông Dương Văn Minh vừa kể trên, phần nào phản ánh tính khí, bản chất và tinh thần trách nhiệm ra sao của hai ông đối với quân dân Miền Nam tự do. 

1. Về ông Nguyễn Cao Kỳ 

Việc ông Kỳ giải cứu và cho bọn sinh viên Việt Cộng xử dụng Dinh Quốc Khách làm trụ sở hoạt động quậy phá tuy là chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó không nhỏ, bởi vì đó là hành động hết sức tắc trách của một đương kim phó tổng thống và cũng là người đã từng giữ chức thủ tướng VNCH; đồng thời, câu chuyện cũng cho thấy tính khí “bốc đồng” và đôi khi hành động “bạt mạng” của ông Kỳ. 

Sau khi TT. Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Miền Nam lâm vào tình trạng hỗn loạn, tạo cơ hội cho một số “anh hùng” xuất hiện. Trong số đó có ông Nguyễn Cao Kỳ. Chỉ trong vòng 3 năm, từ một viên trung tá lái máy bay vận tải, ông Kỳ leo lên tới cấp thiếu tướng nắm chức tư lệnh Không quân. Nhờ vị thế này, cộng với tác phong “dám nói, dám làm” và thời cơ, đã đưa đẩy ông tiến cao hơn nữa tới chức Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương (thủ tướng), rồi Phó Tổng thống VNCH. 

Trong cuốn hồi kí Cái Mốc Lịch Sử (motgoctroi.com), tác giả là ông Võ Long Triều, người từng sát cánh với ông Nguyễn Cao Kỳ, đã nhận xét một cách tổng quát về ông Kỳ như sau: “Những gì tôi biết, hình như có hai Nguyễn Cao Kỳ, một Nguyễn Cao Kỳ phản bội đồng đội, phản bội chính mình... Và một Nguyễn Cao Kỳ, từ 1966 đến 1975, có lòng với đất nước, muốn đội đá vá trời nhưng không thành, vì thiếu hiểu biết việc quốc gia đại sự, biến chuyển quốc tế, thế chiến lược toàn cầu, vai trò của Việt Nam trong hoàn cảnh đó và nhứt là vì những đàn em dựa hơi phá bĩnh hay nhóm “Lương Sơn Bạc” cùng ăn thề uống máu với ông ỷ thế làm hư việc” (Võ Long Triều. Sđd. Tập II, 44). (9) 

Ông Võ Long Triều nói “hình như có hai Nguyễn Cao Kỳ” là ông muốn nói đến mặt tích cực và mặt tiêu cực của ông Kỳ. 

Về mặt tích cực, ông Võ Long Triều đã nhận xét chính xác về “một Nguyễn Cao Kỳ, từ 1966 đến 1975, có lòng với đất nước”. 

Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ chỉ nắm thực quyền như một vị thủ tướng trong hơn 2 năm ngắn ngủi, từ 1965 tới 1967. Trong hơn hai năm đó, đã xẩy ra 2 biến cố lớn: “Cuộc biến động Miền Trung” và việc thành lập Hiến pháp Đệ Nhị Cộng Hoà. Việc dẹp loạn miền Trung năm 1966 đã giúp vãn hồi trật tự cho miền địa đầu đất nước. Sự ra đời của bản Hiến pháp VNCH 1967, dựa trên tam quyền phân lập, tạo dựng căn bản cho một nền pháp trị khá tốt đẹp ở Miền Nam tự do. Có thể người Mĩ đã nhúng tay vào cả 2 biến cố ấy, song không thể phủ nhận nỗ lực lớn lao có tính quyết định của quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hoà trong giai đoạn này. 

Riêng những chuyện lớn lao như ông Kỳ “muốn đội đá vá trời” hoặc là ông Kỳ “thiếu hiểu biết việc quốc gia đại sự, chuyển biến quốc tế, thế chiến lược toàn cầu...”, trộm nghĩ, chẳng riêng gì ông Nguyễn Cao Kỳ mà ngay cả những chính khách khác, cỡ như ông Võ Long Triều, cũng chưa có khả năng vươn tới tầm vóc đó. 

Cũng nên ghi nhận thêm điều này, trên thực tế, từ khi ông Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống, ông Nguyễn Cao Kỳ dần dần bị loại ra khỏi chính trường. Vì thế, ông Kỳ không chịu trách nhiệm gì về những ngày tháng bi thảm cuối cùng của Miền Nam tự do. 

Về mặt tiêu cực, đa số người Việt Quốc gia cho rằng ông Kỳ không có lập trường chính trị vững chắc, đúng như nhận xét của ông Võ Long Triều về “một Nguyễn Cao Kỳ phản bội đồng đội, phản bội chính mình...”. Thật vậy, những năm gần đây, người ta thấy ông Nguyễn Cao Kỳ đột nhiên thay đổi hoàn toàn chính kiến. Tuy ông vẫn xác nhận việc chống Cộng sản trước 1975 là đúng đắn, song ông lại cho rằng, ngày nay tình thế đã thay đổi, người Việt nên xoá bỏ hận thù để cùng nhau chống Tầu Cộng xâm lược và xây dựng tương lai đất nước. Người ta đặt nghi vấn không biết có thế lực nào thúc đẩy hay là do chính ông muốn chứng tỏ thiện chí hoà giải? Nếu như do thiện chí hoà giải thì thực tế chứng minh thiện chí của ông Kỳ không hề có chút tác động nào đối với bức tường sắt là chế độ Cộng sản độc tài, độc đảng và toàn trị ở Việt Nam. Trên sách vở, báo chí, người Việt hải ngoại đã chỉ ra cái sai lầm của ông Kỳ. Chứng minh rõ ràng nhất về cái sai lầm của ông Kỳ chính là thực tiễn Cộng sản Hà Nội vẫn tiếp tục “hèn với giặc, ác với dân”, chưa thấy một dấu hiệu biến chuyển khả quan nào từ phía Hà Nội. Điều đáng thất vọng là một chính khách VNCH đã từng nắm trọng trách như ông Nguyễn Cao Kỳ mà đến cuối đời vẫn không hiểu bản chất của người Cộng sản, lại tin là có thể hoà giải được với họ. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu: "Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của CS là không có trái tim". 

Ngoài lập trường chính trị chao đảo ra, tác phong của ông Kỳ cũng không tương xứng với một nhà lãnh đạo ở cấp cao. Người dân Miền Nam trước đây chẳng lạ gì cá tính của ông Kỳ. Ở những vị trí rất cao, thế mà ông vẫn hay “bốc”, hay phát biểu bạt mạng, hay doạ “bắn bỏ” người này người kia, dù đó là linh mục hay thượng toạ, thậm chí còn vô kỉ luật đến nỗi dùng cả phi cơ quân sự để đi tán gái. 

Với tính khí và tác phong ấy, câu chuyện ông Kỳ dung dưỡng bọn sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm trên đây không làm ai cảm thấy quá ngạc nhiên mà chỉ làm cho dư luận có thêm một bằng chứng, có thêm một sự thất vọng khác nữa về về con người ông Kỳ mà thôi. 

Tóm lại, ông Kỳ có thể là người hùng của một giai đoạn ngắn, ông không phải là một nhà chính trị, một nhà lãnh đạo quốc gia có bản lãnh, có lập trường và có tác phong nghiêm cẩn. 

2. Về ông Dương Văn Minh 

H. Kissinger đã từng phê bình ông Minh “là con người yếu mềm nhất trong các bộ mặt chính trị”; TT. Thích Trí Quang thì lại bảo “Ông Minh không phải là một người làm chính trị sắc bén. Nhưng ông là người cần thiết lúc này, trao cho ông ngọn cờ tập hợp cũng được” (Lý Quí Chung. Sđd. Trang 305). 

Còn người dân Miền Nam tự do thấy mỗi lần ông Dương Văn Minh xuất hiện là một lần Quốc gia nghiêng ngửa. Năm 1963, khi người Mĩ muốn thay ngựa giữa dòng, ông Minh là người đứng ra cầm đầu các tướng lãnh phản loạn lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hoà, xé bỏ Hiến pháp, triệt hạ Quốc sách ấp chiến lược và làm đao phủ cho Mĩ giết chết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm một cách tàn ác và mờ ám. Thế là thế và lực của Miền Nam tự do suy sụp thê thảm một cách mau chóng. Tiếp theo là 4 năm chính trường hỗn loạn. Cuộc đảo chính 01-11-1963 là món quà cực kì to lớn và bất ngờ đối với Cộng sản Bắc Việt. Biến cố ấy đã củng cố và kích thích dã tâm nhuộm đỏ Miền Nam của chúng. Tình thế Miền Nam trở nên nguy nan, khiến Mĩ phải đổ hàng chục vạn quân vào cứu nguy. Thế là Cộng sản có lí do để hô hoán khẩu hiệu “Chống Mĩ Cứu Nước”. Từ đó, với sự tiếp tay của bọn phản chiến, Cộng sản cướp mất chính nghĩa chiến đấu tự vệ của quân dân Miền Nam. 

Lần thứ hai Ông Minh xuất đầu lộ diện là thời kì sau Hiệp định Paris 1973, khi người Mĩ bắt đầu kế hoạch bỏ rơi Miền Nam và tháo chạy. Cộng sản Hà Nội, Toà Đại sứ Pháp và bộ tham mưu của ông Minh gồm những chính khách hoạt đầu, những tay thân Cộng và cả những “cơ sở” Cộng sản nằm vùng, đã làm cho ông ta tin là chỉ có ông mới có thể nói chuyện được với “phía bên kia”. Vì vậy, trong tình thế tuyệt vọng của VNCH, khi hàng chục sư đoàn bộ đội Cộng sản Bắc Việt áp sát Sài Gòn, Ông Minh lại ra nhận chức tổng thống. 

Tính toán có thể nói chuyện với “phía bên kia” của ông Minh chỉ là một ảo tưởng. Cộng sản không bao giờ thương lượng chính trị với kẻ yếu thế về quân sự. Tất cả những yêu sách chính trị của Cộng sản (Một: Trần Văn Hương, bù nhìn của Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Hai: Mĩ phải rút khỏi VN. Ba: Không chấp nhận các cơ cấu của VNCH hiện tại) chỉ là những chiêu thức nằm trong sách lược loại bỏ hết những trở lực cuối cùng mà thôi. 

Đúng vậy, cho đến ngày 29-4-1975, chính phủ của ông Minh chưa hề tiếp xúc được với “phía bên kia”. Ông Minh vừa nhận chức buổi chiều ngày 28-4-1975 thì tối hôm đó, ông gửi các sứ giả Ls. Trần Ngọc Liễng, Lm. Chân Tín và Gs. Châu Tâm Luân vào Trại Davis (Tân Sơn Nhất) để thông báo cho Cộng sản là ông không chống cự và xin Cộng sản đừng pháo kích vào Sài Gòn. Ba vị sứ giả này đã bị Võ Đông Giang, phó trưởng đoàn Việt Cộng, dằn mặt: “Giờ tấn công đã sẵn sàng, nên Dương Văn Minh chỉ có 2 điều kiện: Đầu hàng hay không đầu hàng" và cả ba sứ giả bị giữ làm con tin. 

Cuối cùng, ngày 30-4-1975, dưới họng súng của bộ đội Cộng sản Bắc Việt, Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện. 

Thiển nghĩ, trong tình thế khốn cùng, không trách Ông Minh đầu hàng quân Cộng sản là loại giặc sẵn sàng phạm bất cứ tội ác nào để đạt chiến thắng. Làm thế, ông Minh tránh được tổn thất nhân mạng một cách vô ích và tránh cho Sài Gòn khỏi bị tàn phá. 

Thế nhưng, người ta đánh giá ông Minh không xứng tầm cỡ lãnh đạo Quốc gia mà đã hai lần đứng ra “nhận lãnh trách nhiệm lịch sử” làm con cờ thí cho người Mĩ và cho Cộng sản Bắc Việt. Lần thứ nhất, Mĩ bật đèn xanh cho ông đứng lên lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hoà, mang tội với lịch sử; lần thứ hai, ảo tưởng là chỉ ông mới có thể nói chuyện với “phía bên kia”. Kết quả, ông bị chúng bắt phải đầu hàng vô điều kiện, rước lấy cái nhục vào thân. 

Quân dân Miền Nam có bằng chứng để trách cứ ông Minh là một tướng lãnh vai vế trong Quân lực VNCH mà phản bội lại phía Quốc gia. Ông dung dưỡng đám cận thần cơ hội, thiên tả, thân Cộng và cả cán bộ Cộng sản nữa, trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm. Vì thiếu bản lãnh chính trị và thiếu hiểu biết về người Cộng sản cho nên ông đã tin vào kế sách “hoà hợp hoà giải” và sẵn sàng giao Miền Nam tự do cho Cộng sản. 

Ls. Trần Ngọc Liễng trong bộ tham mưu của Ông Minh đã thuật lại: “Tôi nhớ thời gian trước khi ông Dương Văn Minh làm Tổng thống kì chót, một hôm, có anh Hạnh, anh Lý Quý Chung, anh Nguyễn Hữu Chung, khi nói chuyện về ông Kỳ muốn đảo chánh, ông Minh nói: ‘Thà giao chính quyền cho cho Cộng sản còn hơn là giao cho Nguyễn Cao Kỳ’”. (10) 

Một người như vậy mà hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước đã mấy phen đưa ông lên làm kẻ phất cờ, kẻ cầm lái, mặc dù ông không biết phất cờ, cũng không biết bến bờ con thuyền quốc gia phải tới! Thậm chí, ngay cả khi ông không còn quyền lực, ông vẫn hưởng “đặc miễn” là kẻ bất khả xâm phạm, bất chấp luật pháp quốc gia. Đúng như Lý Quí Chung, kẻ thân tín của ông, đã viết: “Dù biết rất rõ Dinh Hoa Lan đã trở thành trung tâm hoạt động nhằm lật đổ mình, nhưng Ông Thiệu và tay chân vẫn không làm gì để vô hiệu hoá trung tâm này. Ông Thiệu có thể tố cáo Dinh Hoa Lan chứa chấp nhiều phần tử đang bị chính quyền truy nã và có thể xin lệnh toà án lục soát Dinh Hoa Lan để làm ‘bể mặt’ ông Minh. Nhưng ông chẳng làm gì hết. Tại sao? Sự im lặng của Ông Thiệu có thể được giải thích: Ông Minh là tướng lãnh đàn anh của Ông Thiệu dù gì ông vẫn phải nhân nhượng; mặt khác ‘tấn công’ vào Dinh Hoa Lan là một xì căng đan chính trị hoàn toàn bất lợi cho ông. Ông Thiệu biết rằng “đụng’’ vào Dinh Hoa Lan sẽ không được toà đại sứ Mỹ tán đồng và làm bùng nổ sự chống đối ông mạnh mẽ hơn” (Lý Quí Chung. Sđd. Trang 306).

Miền Nam tự do mất đã lâu, nhưng mỗi khi có dịp nhắc lại những chuyện khó tin nhưng có thật này, bản thân “thất phu” chỉ còn biết thốt lên lời tuyệt vọng, bi phẫn:

Ôi! Phận nước sao điêu linh, khốn khổ, đến nỗi vận mạng toàn dân, toàn quân Miền Nam lại bị rơi vào tay những cấp lãnh đạo như thế này! 

Tháng 2-2010, bổ túc Tháng 12-2013

 

Chú thích: 

1. Theo cựu dân biểu đối lập Lý Quí Chung, đến “giờ thứ 25” của Miền Nam, ông Kỳ còn tính đảo chánh ông Thiệu một lần nữa (Lý Quí Chung. Hồi Ký Không tên. NXB Trẻ. Trang 341.) 

2. * Xem Diệu Ân. Huỳnh Tấn Mẫm Một Đời Sôi Nổi. NXB Lao Động, Hà Nội, 2008. Trang 116-130. Tham gia biên soạn cuốn sách này còn có 24 tên tuổi quen thuộc khác như: Gs. Lý Chánh Trung, dân biểu thân Cộng Hồ Ngọc Nhuận, Ni Sư Ngoạt Liên, nhạc sĩ Miên Đức Thắng và các cán bộ Thành Đoàn Cộng sản Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Thị Yến, Cao Thị Quế Hương, Phạm Nguyệt Quờn, Ngô Đa, Nguyễn Kim Ngân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Xuân Lập, Nguyễn Hoàng Trúc, Đỗ Hữu Bút, Lâm Thàng Quý…. * Lê Văn Nuôi. Dùng Vũ Khí Nguyễn Cao Kỳ phá bầu cử Tổng Thống. Theo Nhịp Khúc Lên Đàng. NXB Trẻ. Trang 433. 

3. Năm 1970 tròn 18 tuổi, Nuôi được Thành Đoàn đưa ra chiến khu ở Mĩ Tho để kết nạp vào Đảng CS. Sau 30-4-1975, Nuôi được bầu làm đại biểu Quốc hội CSVN Khoá VI, đồng khoá với Huỳnh Tấn Mẫm, rồi bí thư Thành Đoàn CS. 

4. “Má” là danh xưng sinh viên học sinh tranh đấu dùng để gọi các phụ nữ lớn tuổi trong tổ chức, hoặc là các cảm tình viên, đã cung cấp thực phẩm cho họ trong thời gian tranh đấu hoặc trong thời gian bị giam giữ. Các “má” còn có thể là những phụ nữ làm công tác giao liên, tàng trữ vũ khí, tài liệu, truyền tin hoặc cùng tham gia biểu tình, tuyệt thực, v.v… Các “má” tiêu biểu như: “Má” Ni Sư Huỳnh Liên, “Má” Tư Điền (mẹ của 2 sinh viên Việt Cộng Trần Thị Lan và Trần Thị Huệ), “Má” Ngọc Điền, “Má” Tám Anh, “Má” Mười (tức “Má Mười 36 Chợ”), “Má” Năm Đình, “Má” Thái Hoà, “Má” Phùng Đinh, “Má” Văn Hoa, “Má” Ngọc Hoa, “Má” Tư Nguyễn Trãi, “Má” Văn Vân (chủ tiệm ảnh Văn Vân Đường Bùi Thị Xuân), “Má” Nguyễn Thị Chúc, “Má” Chín Bình, “Má” Nguyễn Long (vợ LS. Nguyễn Long), “Má” Liên (vợ nhà văn VC Vũ Hạnh), “Má” Hai Bàn Cờ… Ngoài ra, còn có các “ba”, các “ngoại” nữa. 

5. * Thiếu tá Trịnh Bá Lộc là tuỳ viên của Tướng Dương Văn Minh từ 1958-1964 và từ 1968 tới chiều 29 tháng 4 năm 1975. Chiều 29-4-1975, ông Lộc di tản sang Mĩ. Năm 2005, ông Lộc đã về VN liên lạc lại với Huỳnh Tấn Mẫm. Trong một bài viết, ông Lộc làm như không biết Mẫm là một Việt Cộng thuộc Thành Đoàn Cộng sản, có nhiệm vụ hoạt động nội thành trong môi trường đại học. Thật là xót xa, đang khi quân dân Miền Nam hi sinh xương máu bảo vệ Miền Nam thì Thiếu tá Lộc ăn cơm Quốc gia lại hằng ngày cơm bưng nước rót cho tên sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm! (Xin đọc bài Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm và Cái Gọi Là ‘Saigon et Moi’ của Trịnh Bá Lộc trên Calitoday.com). * Diệu Ân. Sđd. Trang 128, 129. * Trong bài Mặt Trận Văn Hoá Và Những Thủ Tiêu Ám Sát Trí Thức Miền Nam (motgoctroi.com), tác giả Nguyễn Văn Lục cho biết trong bản thảo hồi kí Đời của cựu dân biểu thân Cộng Hồ Ngọc Nhuận (chưa được phép xuất bản, trang 142) cũng kể chuyện “Nguyễn Cao Kỳ ‘xớt’ Huỳnh Tấn Mẫm”, rồi ông Nhuận quy kết: “Tiếp tay cho Cộng sản, như vậy, không chỉ có mình tôi. Và lần này vai chánh không là tôi, mà là tướng Nguyễn Cao Kỳ”. Viết như vậy, có lẽ ông Nhuận muốn lôi kéo Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ nhập bọn, theo chiến thuật “cào bằng”, để “xuê xoa” cái tội đã tiếp tay cho Cộng sản ngày xưa của quý ông ấy. 

6. Trong loạt bài 20 Năm Giới Trẻ MNVN, tác giả Nguyễn Văn Lục cho biết, trong một lần gặp gỡ vào năm 2005, chính Lý Chánh Trung tiết lộ hồi 1968 ông Trung đã được bí mật đưa vào mật khu để gặp Huỳnh Tấn Phát và từ đó ông Trung tích cực hoạt động mặt nổi cho Mặt Trận DTGPMNVN. 

7. Nguyễn Ngọc Lan (cựu linh mục) vào khu năm 1968 để gặp Trần Bạch Đằng cùng đợt với Gs. Châu Tâm Luân, Cao Hoài Hà, nhà văn Thiếu Sơn, Gs. Nguyễn Văn Chì, Lê văn Chí… (Trần Bạch Đằng. Cuộc Đời Và Ký Ức. NXB Trẻ. Trang 186). Khi ông Lan chết, Trần Bạch Đằng viết điếu văn tuyên dương công trạng như sau: “Từ năm 1968 cho đến 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Ngọc Lan trước sau vẫn có mặt trong đội ngũ xung kích của những người yêu nước tại thành phố”. 

8. Trong bài “30/4/1975, Ông Dương Văn Minh Và Tôi”, tác giả Nguyễn Hữu Thái xác nhận mình là người Mặt Trận Giải Phóng đưa ra tranh cử dân biểu Quảng Nam, nhưng thất cử. 

9. Trong nhận xét về Tướng Kỳ trên đây, khi ông Võ Long Triều dùng những cụm từ “những đàn em dựa hơi phá bĩnh” và “nhóm Lương Sơn Bạc” là ông muốn nhắm tới Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan. Nếu ai đã đọc cuốn hồi kí Cái Mốc Lịch Sử của ông Võ Long Triều, sẽ thấy tác giả rất đố kị Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Song, trái với quan cảm của ông Võ Long Triều, nhiều người Miền Nam tự do cho rằng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan là một vị tướng có công đích thân dẹp loạn miền Trung năm 1966 và chiến đấu anh dũng quét sạch Cộng quân ra khỏi Đô thành hồi Tết Mậu Thân 1968. Vì thế, công luận đòi hỏi ông Võ Long Triều nên phê phán công bằng hơn đối với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan. Đàng khác, khi kết án Tướng Loan, ông Võ Long Triều cũng cần nhìn lại mình, “Chân mình thì lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Bởi vì, chính cuốn hồi kí Cái Mốc Lịch Sử của Võ Long Triều cho thấy ông đã quy tụ và giúp đỡ một nhóm thanh niên trẻ người Miền Nam, như Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba…để họ làm báo thiên tả và đắc cử vào Quốc hội VNCH. Từ hai diễn đàn quan trọng này, nhóm trẻ đó đã quậy nát chính trường Miền Nam và tiếp tay đắc lực cho Cộng sản Bắc Việt. 

10. Ls. Trần Ngọc Liễng phát biểu trong cuộc họp ngày 31-10-2006 do Võ Văn Kiệt mời, để lấy tài liệu thực hiện cuốn Lịch Sử Nam Bộ Kháng Chiến. Những người được mời dự cuộc họp này là: Nguyễn Hữu Hạnh, cựu chuẩn tướng VNCH, quyền tổng tham mưu trưởng cuối cùng, Ls. Trần Ngọc Liễng, Chủ tịch Lực lượng Quốc Gia Tiến Bộ, Đinh Văn Đệ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng Hạ viện VNCH, Triệu Quốc Mạnh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát cuối cùng, Dương Văn Ba, cựu dân biểu VNCH, Huỳnh Tấn Mẫm, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn... (nguoicaotuoi.org.vn

BẠCH DIỆN THƯ SINH


Bài liên quan:

- Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Lời Giới Thiệu
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 1
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 2
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 3
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 4


Nhận xét

Bài được quan tâm