Vì Sao Bông Mai Được Tôn Vinh Ở Miền Nam?

Vì Sao Bông Mai Được Tôn Vinh Ở Miền Nam?

Nguyễn Gia Việt
Tết về, Xuân sang, đi đâu ở Miền Nam cũng thấy bông mai khoe sắc vàng rực. Những lần mai vàng bung nụ đón Tết đều là những lần đặt dấu ấn cho lịch sử Miền Nam.

Tết Miền Nam với nồi thịt kho nước dừa hột vịt,nồi canh khổ qua dồn cá thát lát, đòn bánh tét, hủ củ kiệu, bánh mứt, bông mai, bông vạn thọ, dưa hấu đỏ, áo quần mới, những ánh mắt trẻ thơ trong lành náo nức với vài phong pháo đỏ.

Cổ nhơn xưa liệt kê bốn bông hoa thuộc tứ quân tử: Mai, Lan, Trúc, Cúc.

Mai của Tàu là mai chịu lạnh, mai nở vào mùa đông và xuân, chịu đựng lạnh lẽo, có ý chí thách đố thiên nhiên. Mùa xuân là khởi đầu cho vạn vật sanh sôi, thành ra mai được sắp đầu tiên. Mai vàng và mai trắng của Miền Nam là mai xứ nóng, chịu đựng gió và nắng. Hễ nắng càng vàng, càng nóng, gió càng lớn thì mai càng bung nụ khoe sắc vàng ươm , màu vàng quý phái và sang trọng.

Bông mai bung thẳng ra, không chúm chím e ấp như đào kiểu đàn bà. Mai nở ở tư thế "uy vũ bất năng khuất" của đại trượng phu:
    "Thấy hoa mai nở biết xuân về đây
    Mười hai tháng qua mơ một mùa này
    Bạn bè bôn ba khắp hướng
    Thấy xuân về trên miền quê hương
    Ta được phút tương phùng yêu thương"

Có bạn hỏi vấn đề nầy đã lâu, hỏi rằng từ bao giờ mà Đàng Trong và Miền Nam xài bông mai làm quốc hoa chưng tết để khác với hoa đào của Đàng Ngoài Miền Bắc?
Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, 1570 được trấn cả Quảng Nam và được toàn quyền quyết định mọi việc hai trấn Thuận – Quảng.

Sau khi Nguyễn Hoàng mất (1613), con là Nguyễn Phước Nguyên nối ngôi gọi là chúa Sãi. Thời kỳ này có Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ là người thông minh đã giúp chúa Sãi đối đầu với chúa Trịnh bằng Lũy Thầy, thi cử và xây dựng võ trang.

Đến 1744, chúa Nguyễn Phước Khoát xưng vương, thành lập triều đình Đàng Trong. Đến năm 1757 thì cả vùng Nam Kỳ hoàn toàn thuộc quyền hành chúa Nguyễn.

Tui có đọc được một tài liệu mà giờ không nhớ là cuốn nào, nói rằng chính Đào Duy Từ là người đầu tiên có ý muốn làm khác biệt với ngoài Bắc.

Mùa xuân Tết năm đó ông nhìn những triền đồi ở Miền Trung đầy mai vàng, ông nảy ra ý định lấy bông mai làm quốc hoa chưng ngày Tết ở Đàng Trong để khẳng định một ý chí độc lập. Mai vàng khác với đào hồng của Đàng Ngoài.

Từ đó thành lệ, ở đất Đàng Trong Miền Nam cứ Tết về là chưng bông mai vàng. Mai vàng từ mọc hoang ven rừng về đất vườn, mọc chung quanh xóm làng trước nhà. Mai lên bàn thờ tổ tiên, trong chậu sứ quí.

Bông mai bạc và vàng là lon cấp bậc trên ve áo của cấp Uý, cấp Tá sĩ quan quân lực VNCH. Thời xưa, ông bà Nam Kỳ mình thuộc giới quyền quí, trí thức đương thời rất chuộng bông mai trắng. Tại Sài Gòn xưa có nhóm thơ ca nổi tiếng mang tên "Bạch Mai Thi Xã" của ông Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa.

Ngày nay tại quận 11 có khu Cây Mai mà xưa là gò Cây Mai, chùa Cây Mai.

Sau Pháp chiếm làm đồn Cây Mai. Phủ ba Tôn Thọ Tường có làm bài thơ ca thán sau:
    "Đau đớn cho mai cách dưới đèo
    Mười phần trong sạch phận cheo leo
    Sương in tuyết đóng nhành thưa thớt
    Xuân đến thu về lá quạnh hiu
    Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế
    Tò le kèn lạ mặt trời chiều
    Những tay rượu thánh thơ thần cũ
    Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu"

Trong “Gác Nhỏ Đêm Xuân" nhạc sĩ Minh Kỳ ca ngợi mai trắng:
    “Nghe pháo nổ vang
    Dáng anh mừng xích lại gần tôi nói rằng:
    Chào xuân vừa sang chúc xuân đẹp cây bạc lá vàng
    Bao năm sống ngang tàng chưa hề đón xuân sang
    Xuân nay hái hoa ngàn một cành đầy mai trắng”.
Nguồn: Fb Nguyễn Gia Việt

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180