Hoàng Phủ Ngọc Tường đao phủ thảm sát Mậu Thân 1968

Hoàng Phủ Ngọc Tường
đao phủ thảm sát Mậu Thân 1968
Tác giả: Liên Thành

Thư của cựu Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị xã Huế, Thiếu Tá Liên Thành gởi:
- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Cán bộ trí vận thuộc Khu ủy Khu 5 (Miền Trung).
- Tổng thư ký Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình
- Chủ tịch Tòa Án Nhân Dân tại trường trung học Gia Hội, Bãi Dâu, Quận II Thị xã Huế năm Mậu Thân 1968.
- Tội phạm chiến tranh, tội phạm diệt chủng Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Bằng vào một số chứng cớ rõ ràng minh bạch, qua trên một trăm (100) nhân chứng, tôi xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường là người chủ tọa phiên Tòa Án Nhân Dân của Chính Quyền Cách Mạng Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế, được thiết lập tại trường trung học Gia Hội, Bãi Dâu thuộc Quận II (Tả Ngạn) Thị xã Huế vào Tết Mậu Thân 1968. Y cũng chính là người ra lệnh tử hình 204 người. Đa số là thường dân vô tội.
Sau Mậu Thân, tức sau ngày 26 tháng 2 năm 1968, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Huế hoàn toàn. Cộng quân đã tháo chạy. Tình hình an ninh ổn định dần dần. Tôi cho lệnh các toán tình báo, các đơn vị CSĐB tiếp xúc với số thân nhân nạn nhân đã bị Việt Cộng sát hại. Trong đó chúng tôi có mở cuộc điều tra chi tiết vùng trường học Gia Hội. Mục đích là cập nhật thêm tin tức, bằng chứng, xác nhận danh tánh những tên Việt Cộng đã nhúng tay vào các vụ thảm sát đồng bào, để truy bắt và vô hiệu hóa bọn chúng. Những tin tức chúng tôi thu thập được gồm có:
1- Hơn một trăm lời khai từ thân nhân của nạn nhân tại trường trung học Gia Hội đều nói rõ: Khi thân nhân họ bị bắt dẫn đến trường Gia Hội, họ đã đi theo và họ hiện diện trong phiên tòa của Tòa Án Nhân Dân tại đó.
2- Một số nhân chứng xác nhận: Người ngồi xử tội thân nhân họ là ông Giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, người mà họ đã biết mặt trong thời gian Phật Giáo Ấn Quang tranh đấu tại Huế vào mùa hè năm 1966.
3- Một số khác tả nhân dạng người ngồi ghế xử tội thân nhân họ có nốt ruồi đen khá lớn ở phía cằm bên phải, nghe đâu ông ta tên Tường là thầy dạy học ở trường Quốc Học trước đây.
4- Đặc biệt là lời khai của một quả phụ, vợ của một Chuẩn úy thuộc Sư đoàn I Bộ Binh:
Khi chồng bà bị toán thanh niên của Nguyễn Đắc Xuân xông vào lục soát và bắt chồng bà ta tại nhà, bà đi theo và đem thức ăn quần áo cho chồng. Tại trường Gia Hội, người chồng nói với bà:
“Em đừng lo, người ngồi xử trên đó là Thầy dạy cũ của anh, Thầy Tường, dạy anh ở trường Quốc Học.”
5- Trưởng Ban Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Quận II Thị xã Huế, Thiếu Úy Trọng, trong bản báo cáo về Bộ Chỉ Huy Tỉnh sau Tết Mậu Thân cũng đã phúc trình Hoàng Phủ Ngọc Tường là người chủ trì Tòa Án Nhân Dân tại trường Gia Hội trong Tết Mậu Thân 1968 và đã xử tử hình 204 đồng bào.
6- Cuối cùng là lời khai của Thành Ủy Viên Thành Ủy Huế, Trung Tá Điệp Viên Cộng Sản Hoàng Kim Loan, kẻ chỉ huy cuộc tổng nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968 tại Huế. Hoàng Kim Loan bị chúng tôi bắt vào tháng 5/1972. Y đã khai như sau:
“Chính tôi (Hoàng Kim Loan), và hai thành ủy viên khác là Phan Nam, Hoàng Lanh đề cử Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế Chủ Tịch Tòa Án Nhân Dân tại trường Gia Hội, và chúng tôi đều có mặt trong phiên xử đó.”
Tôi thấy cũng đã quá đủ những lý lẽ, dữ kiện để có thể kết luận:
1- Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt tại Huế trong suốt thời gian Mậu Thân 1968.
2- Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là Viên Chánh Án Tòa Án Nhân Dân tại trường Gia Hội, vùng Bãi Dâu thuộc Quận II Thị xã Huế trong Tết Mậu Thân 1968.
3- Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là kẻ đã buộc tội và ra lệnh tử hình 204 người, đa số là thường dân vô tội, bằng cách chôn sống họ ngay tại trường Gia Hội vùng Bãi Dâu thuộc Quận II Thị xã Huế trong Tết Mậu Thân 1968.
Vụ tàn sát kinh rợn đồng bào Huế trong Tết Mậu Thân 1968 của đảng Cộng sản Việt Nam và nhóm tay sai trong lực lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình (gồm có: Lê Văn Hảo, Thích Đôn Hậu, Đào Thị Xuân Yến, Thích Thiện Siêu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đóa, Tôn Thất Dương Tiềm, Nguyễn Thiết, Nguyễn Hữu Vấn và quá nhiều đám tay chân của Thích Trí Quang trong vụ phản loạn năm 1966 tham dự vụ tàn sát này) đã được thế giới biết đến. Sau năm 1975 thì các hãng truyền hình quốc tế đã cố gắng liên lạc để phỏng vấn những tên sát thủ đã bỏ chạy sang bờ Bắc vĩ tuyến 17, trong đó có Hoàng Phủ Ngọc Tường. Năm 1982 hãng truyền hình London đã phỏng vấn y về Mậu Thân. Y trả lời nguyên văn như sau:
Câu hỏi mà các phóng viên quốc tế hỏi Hoàng Phủ Ngọc Tường về cuộc tàn sát Mậu Thân, tại sao có những cuộc tàn sát đó thì Hoàng Phủ Ngọc Tường thản nhiên trả lời: “Phải giết bọn chúng như là giết những con rắn độc”.
Chính miệng hắn năm 1982 trong cuộc phỏng vấn, còn ghi lại đầy đủ hình ảnh âm thanh trên Internet, đã xác nhận rằng hắn có mặt tại trận đánh Mậu Thân, lội trong máu gần ở phố Đông Ba. Thế mà mấy năm gần đây, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại đổi trắng thay đen chối phắt rằng: Y không nhúng tay vào các vụ tàn sát tại Huế, vì suốt thời gian trận đánh xảy ra y đang nấp dưới hầm tại vùng Khe Trái. Trong khi ở Khe Trái, theo ghi nhận của các cơ quan điều tra VNCH, là hoàn toàn không có một bóng cộng quân nào ở vùng Khe Trái này khi trận đánh Mậu Thân diễn ra. Đây chỉ là điểm chúng tập kết quân trước trận đánh mà thôi.
Tôi đã trích một đoạn trong cuốn hồi ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở phần trên để chứng minh rõ ràng rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có mặt tại Huế trong suốt 26 ngày cộng quân tấn công và chiếm Huế, và Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng đồng bọn là những tên đao phủ giết quá nhiều đồng bào Huế trong Tết Mậu Thân 1968.
Dù hắn có chối bay chối biến chăng nữa, thì sự thực vẫn là sự thực. Sự che dấu tội lỗi gần đây của chúng đã quá muộn vì chính chúng chứ không ai khác khi “cách mạng” mới thành công đã vênh vang tự đắc nhận công trạng giết người như giết rắn độc của mình. Bây giờ khi thực tế chứng minh Chủ Nghĩa Cộng Sản là một thảm họa cho Việt Nam, bị ngay cả chính nhiều đảng viên Cộng sản phỉ nhổ, thì chúng lo sợ bị lịch sử phanh phui, bị đưa ra tòa án quốc tế nên chối bay chối biến. Viết cuốn sách Huế Thảm Sát Mậu Thân 68 này chúng tôi chỉ trưng ra những bằng cớ để quý độc giả nhận định mà thôi. Việc xét đoán đã có đấng thiêng liêng quyết định và những oan hồn của dân lành vô tội chắc chắn sẽ không để hắn yên.
Giờ đây với bệnh tật phải ngồi xe lăn, và cõi chết đã gần kề, Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể chối tội với lương tâm của mình, cũng không thể quên được những ngày bi thảm của cuộc tàn sát ghê rợn, đẫm máu do chính y gây ra cho đồng bào Huế trong Tết Mậu Thân 1968.
Tên sát nhân Hoàng Phủ Ngọc Tường:
        “Nợ người một khối u sầu
        Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi…”

Trong phần đời ngắn ngủi còn lại, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống những chuỗi ngày sợ hãi, sợ hồn ma bóng quế, sợ oan hồn ẩn hiện của những kẻ đã bị Hoàng Phủ Ngọc Tường thảm sát 42 năm về trước, bởi thế cho nên hắn đã viết như sau:
    “Những chiều Bến Ngự dâng mưa
    Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
    Tôi ra mở cửa đón người
    Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang”.

Hoặc là:
    “Nợ người một khối u sầu
    Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi…”
    (Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Không có người sống để ông “ra mở cửa đón người” mà chỉ là những người chết, là oan hồn của những dân lành vô tội đã bị ông sát hại gõ cửa linh hồn ông. Kiếp luân hồi tôi nghĩ cũng không thể có đối với ông được vì nghiệp chướng mà ông gây ra đã quá nặng. Ông phải bị đày cả ngàn năm hơn dưới 18 tầng âm ti địa ngục, đừng hy vọng gì để: “Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi.”

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025