Thương nhớ người xưa nghe lợi bản "Chiều qua phà Hậu Giang"

Thương nhớ người xưa nghe lợi bản
"Chiều qua phà Hậu Giang"
Nguyễn Gia Việt

Sáng nay gió lạnh tràn về Phương Nam thấy lòng lạ lắm, nửa vui nửa buồn.
Nói tới mùa lạnh Nam Kỳ thường người ta sẽ nhớ tới bài hát “Sương lạnh chiều Đông vương tiếng thở” và “Chiều nay gió Đông về, dừng chân trên bến xưa...”
Nhưng nhìn gió đông phảng phất lại nghe "Chiều qua phà Hậu Giang":
"Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay
Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa
Chân nạng gỗ thấp cao kéo lê đời theo dòng nhạc đưa
Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi"
Trời ơi! Bao nhiêu năm rồi ta? Người viết bài hát này cũng đã mất, người chiến binh VNCH hát dạo cũng không còn,mà người hát là cô ca sĩ Phi Nhung cũng đã hóa ra người thiên cổ.
Nhiều lúc giựt mình. Lịch sử Miền Nam của chúng ta cứ mất từ từ sao ta?
Thế hệ chúng ta, những người đã ở tuổi cô chú đã bước qua cái bắc Hậu Giang, bắc Mỹ Thuận, bắc Vàm Cống, bắc Rạch Miễu, bắc Tắc Cậu và từng gặp từng nghe những tiền bối,chú bác là lính Quốc Gia hát dạo kiếm sống sanh nhai nên nghe "Chiều qua phà Hậu Giang" tự thấy lòng buồn buồn khôn xiết.
Nhật Ngân từng kể,chính ông nghe người lính đó ôm đờn hát bài "Xuân này con không về" ở bến bắc
"Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà"
Trong bảy ngàn đêm cuộc chiến Nam Bắc, đôi vai của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã gánh gồng trách nhiệm Quốc Gia nặng nề.
Trai hùng thời loạn.
Trong binh pháp các bạn hiểu, khi bạn chủ động tấn công chiếm đất và bình định cai trị đối phương sẽ dễ dàng hơn khi bạn phải đứng một chổ và phòng thủ đối phương tràn xuống bằng biển người.
Wall Street Journal ngày 2/5/1975 có bài "Truy điệu Nam Việt Nam" như sau:
"...Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm, và họ đã không phải luôn luôn được người Mỹ giúp. Tôi nghĩ ít có xã hội nào bền bỉ chịu đựng được một cuộc chiến đấu lâu dài như vậỵ
Quân lực VNCH đã chiến đấu can đảm và vững mạnh trong một số trận đánh mà chúng ta còn nhớ, thí dụ như trận An Lộc.
Quân đội ấy đã chiến đấu giỏi và can đảm ở nhiều trận đánh khác mà chúng ta không còn nhớ địa danh. Quân lực ấy đã can đảm và chiến đấu trong hàng ngàn trận đánh nhỏ, và giữ vững hàng ngàn tiền đồn hẻo lánh ở những nơi mà cái tên nghe rất xa lạ với người Mỹ.
Hàng trăm ngàn người của quân lực ấy đã tử trận. Hơn nửa triệu người của quân lực ấy đã bị thương.
Và trong những tuần lễ chót, khi mà người Mỹ nào cũng biết là cuộc chiến đấu đã thua rồi thì vẫn còn những đơn vị của quân lực ấy tiếp tục chiến đấu, thí dụ tại Xuân Lộc.
Nhờ có những sự chiến đấu ấy mà người Mỹ và một số người Việt lựa chọn mới an toàn thoát đi được. Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của người ta.
Phía mạnh hơn chưa chắc đã là phía tốt hơn". (Hết trích)
Sau 1975 người thương binh VNCH ra đường hát rong và ăn xin
"Người quê còn nhớ người chăng
Vì ai vào chốn tử sinh
Chiến trường quên, quên mình
Người về có nhớ thương binh
Chiều về thương nhớ đầy vơi
Người xa gửi đến quà xa
Ngồi đây tưởng đến lệ rơi
Hỡi người xa, xa vời
Ðẹp lòng tôi lắm ai ơi !"
"Nhớ người thương binh" của Phạm Duy hát vang trong những năm Miền Nam trước 1975
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng những năm sau có bài "Cám ơn anh" có những lời lẽ rất xúc động,ông tả được cái hồn của người lính Miền Nam,trong có có người thương binh
"Cám ơn nôi và tiếng hát đầu đời
Cám ơn mưa và nắng gió quê tôi
Cám ơn cha đã cho con hạt bụi
vo tròn trong bụng mẹ cút côi
Để ngày thương đau chưa nghe ai nhắc đến tên
Nghìn lời hát vang vang
Nghìn lời trong tôi
Cám ơn anh!
Cám ơn anh!
Người chiến sĩ vô danh"
Nhật Ngân thì trễ hơn, "Chiều qua phà Hậu Giang" đậm đà hơi hám Miền Tây kể về một lần qua bến bắc gặp một tiếng hát não nuột buồn đời của người thương binh "chế độ cũ" đang đờn ca ăn xin ở góc đường
"Hò ơi …!
Trời mưa cứ rơi
Ướt cả người ca lẫn cây đàn
Tất tả ngược xuôi khách thưa dần
Mà còn ngồi nghêu ngao"
Thế hệ sanh sau 1975 tới những năm 1985 sẽ còn nhớ như in hình ảnh những người cụt tay cụt chân, mù lòa tay ôm cây đờn độ nhựt ăn xin nơi góc chợ, góc đường, bến phà, bến xe đò Lục Tỉnh.
Đó là người thương binh VNCH ,những người con chiến bại của đất Miền Nam.
"Hò ... ơi!
Nào ai biết chăng
Những kẻ ngày xưa đã âm thầm
Hiến dâng cả đời trai giữa sa trường
Giờ còn lại chi đây ...?"
Những năm gần đây không còn hình ảnh đó nữa,hình ảnh lùi vào quá khứ, có lẽ tuổi tác những người đó nếu còn sống đã rất cao, đời lê la đầu đường xó chợ nên sương gió bào mòn sức khỏe,ăn uống thiếu thốn, họ đã chết gần hết.
Mà nói gì xa. Nhật Ngân cũng không còn, Phi Nhung cũng không còn. Thế hệ chúng ta rồi cũng không còn
"Bảy ngàn đêm giấc ngủ chưa tròn.
Giấc ngủ hao mòn
Cơn mơ thành bại, mắt còn đỏ hoe"
Người lính Miền Nam anh dũng, rất thuần thục, gan dạ , nhưng có lẽ Ông Trời không thương.
Những người lính xưa nay cũng đã trên 70 tuổi tóc đã bạc hơn nửa mái đầu, tay run, chưn mệt mắt mờ.
Những thương phế binh "chế độ cũ" chết từ từ. Đã gần 50 năm rồi, xương con còn mục đừng nói xương cha.
Nhưng vẫn còn nhớ. Chúng ta vẫn nhắc nhớ. Những tình cảm, ký ức xót xa, nghẹn ngào, thương nhớ, kỷ niệm đó nó không hề phai. Người đã từng đổ xương máu, đó là tiền nhân.

Lịch sử Miền Nam mà. Không thể quên đặng.

Nguyễn Gia Việt
Nguồn FB






Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180