Tiếng Kêu Tết Mậu Thân

Tiếng Kêu Tết Mậu Thân
Nhã Ca

Hình như mỗi người đều có cuốn lịch riêng của mình, trong nhà hoặc trong đầu. Tôi biết mỗi tờ lịch có câu chuyện của nó, cả chuyện hôm qua, hôm nay, lẫn ngày mai. Câu chuyện của từng tờ lịch trong cuốn lịch chung được gọi là lịch sử. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất của lịch sử Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.

Cuộc chiến ấy có cái bóng dài hơn là chính nó. Đó là cái bóng của trận tổng tấn công Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968, do phía cộng sản thực hiện. Với những hầm chôn người và hàng ngàn thường dân Huế bị tàn sát, cái bóng oan khiên ấy ngày càng được nối dài. Dài hơn một trận đánh. Dài hơn cả cuộc chiến. Chưa biết đến bao giờ mới ngừng.
Là người sống sót từ trận chiến Tết Mậu Thân, tôi viết "Giải Khăn Sô cho Huế". Đây không phải tiểu thuyết hư cấu. Cũng chẳng phải văn chương thơ phú. Chỉ là chuyện thật, chuyện chạy bom chạy đạn. Chuyện mình, chuyện người. Mắt thấy tai nghe. Có sao viết vậy. Chỉ là những mảnh vỡ của một thành phố tan tác trong cảnh hỗn mang giữa máu lửa, chết chóc. Giáo sư Olga Dror gọi chúng là những "hình ảnh tức thì" của cuộc sống bị hủy hoại và vỡ nát. Bà "nghe" thấy tiếng nói từ loại hình ảnh này.
Tôi ra đời cùng lúc với cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Huế thời đó còn là kinh đô của các ông vua triều Nguyễn, nhưng cả nước đã trở thành thuộc địa của Pháp. Năm 1937, quân Nhật tiến chiếm nước Trung Hoa rồi tràn vào Việt Nam kéo theo bom đạn của thế chiến.

Từ thủa còn bé thơ, hai ba tuổi, tôi đã biết nếm mùi chiến tranh, bom đạn, nhà cửa bị đốt cháy, cả nhà phải chạy loạn, đi tản cư trên những chiếc ghe, người lớn chèo trối chết, thuận hoặc ngược dòng sông để lánh nạn.

Năm 5, 6 tuổi, có lần theo lũ trẻ chơi đùa trên sân đình làng quê, thấy một bãi máu nhuộm đỏ từ gốc cây sung, bọn trẻ chạy theo, lên thềm đình. Xác một người đàn ông bị cưa ra làm 3 khúc. Đầu treo trên cây, thân nằm giữa sân và tay chân sắp trên thềm đình. Người bị giết là một thợ rèn, hiền lành. Việt Minh giết.

Năm tôi 9 tuổi. Tại Huế, Việt Minh cướp chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị, con đường Nam Giao của Huế, nơi có nhiều vườn chùa êm ả bỗng dấy lên nhiều cảnh kinh hoàng. Lúc đó, tôi học ở một trường tiểu học tên là trường Nam Giao. Sáng sớm, mấy bạn trong xóm rủ nhau đi học, bọn con nít chúng tôi thường kinh hoàng la hét, khi thấy một cái đầu bị cắt đứt lìa từ cổ để trong một cái rổ tre với một miểng giấy ghi của Việt Minh lên án Việt gian. Có khi đầu lâu hay thân người, hay cánh tay, đùi chân đặt trên cái rá, cái thúng. Có người tứ chi bị cắt rời, thân bỏ vào bao bố, đầu để ra ngoài, hai con mắt mở trừng trừng, miệng còn dính máu đông, rất hãi hùng.

Nhưng rồi... có một lần, bạn tôi không la, không hét, không xô đẩy. Mà cũng như thấy xung quanh không hề có ai. Cũng không nhấc tay, dợm chân. Bạn đứng sững. Tuy còn là một đứa nhỏ, nhưng tôi biết "đứng như trời trồng" là lúc bạn đứng đó. Hai cái đầu được bày trên hai cái nón lá chính là ba và mẹ của bạn. Bạn ra sao lúc đó? Bạn cứ đứng vậy. Hai mắt bạn cũng trắng dã, trợn trừng như bốn con mắt không thể nhắm lại của ba mẹ bạn... Tôi cũng đứng như vậy. Không nhấc nổi tay chân. Không mở miệng. Sau đó, người ta xua đuổi bọn con nít đi. Tôi lạc mất bạn...

Và rồi, Tết Mậu Thân 1968, chuyện tàn sát tập thể bằng cách chôn sống đã diễn ra tại Huế. Hàng ngàn dân Huế bị chôn ở Thành Nội, ở Gia Hội, ở Bãi Dâu, ở Phú Thứ, ở khe Đá Mài... Không chỉ trong núi trong rừng, nơi họ bị chôn còn là đất chùa, đất nhà thờ, đất trường học, và ngay tại vườn nhà.

Trong số những người bị chôn có chị Tâm Tuý, cô bạn trường Đồng Khánh của tôi. Khi xác được đào lên, thấy tóc mọc dài hơn, móng tay mọc dài hơn. Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống, như nhiều nạn nhân khác.

Trong cuộc hưu chiến đêm giao thừa mùng một tháng Giêng Tết Mậu Thân, nhằm ngày 29 tháng Giêng 1968, các đơn vị cộng quân - gồm cả quân chính qui Bắc Việt và dân quân địa phương - lặng lẽ tiến vào Huế, kiểm soát được khu Gia Hội trong 20 ngày. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi này, có tới 473 người Huế bị chôn sống.

Tiếng kêu Tết Mậu Thân từ "Giải Khăn Sô cho Huế" mới chỉ là những ghi nhận đầu tiên. Còn hàng ngàn tiếng kêu khác bao năm qua vẫn liên tục cất lên, ngay trên đất Hoa Kỳ. Xin kể một trường hợp mà chính tôi biết rõ: Ông Võ Trang, 56 tuổi, cư dân San Diego, một kỹ sư điện đang làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại đây, hồi tưởng việc bố của ông được mời đi "họp" chỉ 2 ngày trước khi quân đội quốc gia tái chiếm thành phố Huế. Ngày ấy, ông còn là một thiếu niên 15 tuổi. Sau đây là đoạn trích do ông Võ Trang viết:
"Trong khi tôi đang ngồi cạo chiếc ghế xích đu cũ để sơn lại thì bỗng có người vỗ vai tôi và hỏi nhẹ "Em ơi! Có ba ở nhà không?" Tôi bàng hoàng quay lại. Hai người, một dân quân áo bà ba quần cụt, một chính quy với dép râu và quân phục, nón cối màu vàng. Tôi hỏi lại họ muốn kiếm ai thì họ nói tên ba tôi rõ ràng. Chị giúp việc mà gia đình tôi vừa thuê vài tháng trước đã mở cửa sau cho họ. Tôi vào kêu ba tôi trong hầm dã chiến. Hết đường chạy rồi! Phòng chỉ có một cửa ra vào thì họ đã đứng chận. Ba tôi mặt tái xanh và không nói gì nữa. Trong hầm còn có một người em trai của mẹ tôi, là một cảnh sát viên, đã khuyên ba tôi nên đi ra để họ khỏi xông vào bắt thêm những người họ không dự định. Me tôi đưa thêm chiếc áo len cho cho ba tôi mặc vào. Người anh thứ hai của tôi chạy theo xin đi thế nhưng họ không cho. Hôm đó là ngày 19 âm lịch tháng Giêng năm Mậu Thân..."
Khoảng hơn một tuần sau, các hầm chôn người tập thể nằm phía sân sau của trường Tiểu học Gia Hội được phát hiện. Xác người khi được khai quật, tuy chưa bị rữa nhưng đã sưng phồng lên và bốc mùi.
"Cái thây người được kéo lên để nằm ngửa người trên một u đất, miệng há hốc, mặt đen xám và dính đầy đất, hình ảnh mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên. Đó là ba của tôi. Những chứng cớ không thể chối cãi. Chiếc áo có vẽ 4 cái đầu của ban nhạc "The Beatles" bên ngực trái, là chiếc áo độc nhất vô nhị của anh tôi mà ba tôi rất thích. Hai chiếc tất (vớ) thêu lủng lỗ mà anh em chúng tôi đều biết được chia đều vào 2 túi quần. Rõ ràng là dấu hiệu ba tôi để lại cho gia đình nhận diện. Tôi không biết ba tôi đã vật vã như thế nào vào giờ phút đó nhưng mẹ tôi và các anh em tôi thì vẫn đau đớn cho đến bây giờ...".

Võ Trang cho biết trong số người bị chôn có cả cô gái 19 tuổi ở cách nhà ông 2 căn. Người anh là một cảnh sát viên vắng mặt nhưng có tên trong danh sách được mời, cô em thay thế anh "đi họp"!

Và kể thêm: "Thảm sát tập thể như thế này cũng đã xảy ra ở Sịa, vùng quê gần Huế, vào năm 1947. Trước khi rút lui vì nghe tin quân Pháp sắp trở lại, cộng sản kêu gọi dân chúng đi đào hầm chống Pháp. Những hầm này thật ra chính là những hầm chôn tập thể chỉ trong vài ngày sau đó. Theo lời chú tôi kể lại họ đi bắt người cả ban ngày và ban đêm. Ông cố nội của tôi, đã 70 tuổi cũng đã bị bắt đi vào ngày 17 tháng 2 nhằm ngày 20 Tết Âm Lịch. Lúc đầu người ta phát giác xác anh TH., một nhân vật có võ được biết trong làng, chết bên vệ đường với nhiều vết chém, đứt cả bàn tay. Rồi lần theo vết máu người ta tìm đến những hầm chôn người tập thể trong đó có cả Ông cố nội của tôi và em của Ông. Những vết cắt cho thấy họ bị chặt đầu bằng mã tấu!

...Và Đêm Huế 1970. Hai năm sau trận chiến Mậu Thân, họp mặt ra mắt sách "Giải Khăn Sô cho Huế" lần đầu tại Sài Gòn, với sự hiện diện của HT Thích Trí Thủ, vị đại sư huynh của các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam. Sau đó toàn bộ số thu từ cuốn sách được mang về trao tặng Trường trung học Đồng Khánh và Đại học Y Khoa Huế. Chuyến đi Huế lần này có sự tham dự của Linh mục Cao văn Luận, viện trưởng sáng lập Đại học Huế, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, các nhạc sĩ Phạm Duy, Cung Tiến...

Tại Huế vào thời điểm này, dân chúng ngày ngày đang lùng kiếm đào bới các hầm chôn người do cộng quân để lại, thành phố đổ nát đầy tang tóc. Đêm Huế 1970 cho tôi những hình ảnh nhớ đời... Một buổi chiều, với chiếc xe Volkswagen, chúng tôi sang Thành Nội. Đây là chiếc xe của ông bà bác sĩ Horst Gunther Krainick để lại trong chung cư y khoa sau khi bị cộng quân bắt đi. Ông bà cùng hai vị bác sĩ người Đức khác là Raimund Discher và Bác Sĩ Altekoester là bốn bác sĩ người Đức sang giúp trường Y khoa Huế từ 1960. Cả bốn vị đều đã bị cộng quân xử bắn.

Tại Thành Nội, chúng tôi có buổi ăn tối với các bạn ở Trường Âm nhạc Huế. Đây là nơi trú đóng của cộng quân trong cuộc giao chiến. Trong khu vườn nhà trường, có con mương dẫn nước chạy qua. Lúc đứng ở sân, người vợ của anh bạn giám đốc trường nhạc chỉ tay vào cái mương, nói là sau khi Việt Cộng đã rút chạy, anh chị trở lại đây, thấy xác binh sĩ Việt Cộng nằm chết xếp lớp dày đặc trong con mương. Người chết không còn oán thù, có một mâm cơm, một bát nhang bày ở đó.

Trên đường lái xe về, trong đêm Huế thê lương đâu đâu cũng thấy bầy bàn thờ nhang khói, chúng tôi có ngừng lại thăm một ngôi nhà có người cha người anh đã bị cộng sản chôn sống tại Gia Hội. Con em trong nhà mang áo xô gai, thay nhau cầm bó đuốc chạy quanh gốc cây trước nhà. Theo niềm tin của dân gian, những hồn chết oan không biết đường về nhà. Phải đốt đuốc hướng dẫn cho linh hồn lưu lạc biết đường mà trở về... Có biết bao hồn oan trong trận chiến Huế Mậu Thân đang chờ ánh đuốc, cả hồn oan của những chiến binh miền Bắc bỏ xác trong mương nước thành nội.

Năm Ất Dậu, 1885, Pháp đã đưa quân vào Huế uy hiếp triều đình. Đêm 23 tháng 5 âm lịch, 30.000 quân Nam tấn công căn cứ Pháp tại Mang Cá nhưng bị đánh bại. Kinh thành thất thủ, đại thần Tôn Thất Thuyết phải mang Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị mở phong trào Cần Vương. Trong trận chiến này, hơn 1.500 quân dân Huế bị tàn sát. Ngay từ năm Mậu Tuất tiếp theo, Huế lập Đàn Tưởng Niệm, xây thêm miếu Âm Hồn trong Thành Nội, hàng năm, đúng ngày giỗ, cả thành phố đều đốt nhang, làm lễ.

Thực dân Pháp không cấm việc dân Huế tưởng niệm người chết. Cộng sản thì khác... Huế Mậu Thân, số nạn nhân bị tàn sát nhiều gấp 5 lần, nhưng từ sau 1975, mọi đài tưởng niệm đều bị phá bỏ, dân chúng thì bị công an đến từng nhà truyền lệnh cấm tụ tập làm giỗ. Hình ảnh bập bùng của những ngọn đuốc đêm Huế ấy bao năm vẫn chập chờn trong đầu tôi.






Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209