Lữ Đoàn Dù Nga bị đánh bại ở Kreminna - Cựu TT Nga Medvedev sợ quá hóa điên?
Lữ Đoàn Dù Nga bị đánh bại ở Kreminna -
Cựu TT Nga Medvedev sợ quá hóa điên?
Cựu TT Nga Medvedev sợ quá hóa điên?
1. Lữ Đoàn Dù của Nga bị đánh bại ở Kreminna, thương vong nặng nề
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 15 tháng Giêng, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết ở hướng Kreminna, khu vực Luhansk, quân đội Nga đang thực hiện những nỗ lực vô ích để phản công Lực lượng Vũ trang Ukraine.
“Người Nga đang cố gắng phản công về hướng Kreminna nhưng không thành công. Lực lượng Vũ trang Ukraine đang tiến về phía trước”. Ông nói thêm rằng các khu định cư Stelmakhivka, Makiivka và Chervonopopivka đang bị kẻ thù tấn công.
“Chính từ những hướng này, quân đội Nga đang cố gắng phản công Lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng lực lượng phòng thủ của chúng ta đã đẩy lùi mọi cuộc tấn công.”
Sau khi rút lui khỏi Kherson, hai Tiểu Đoàn Dù của Lữ Đoàn Dù 108 được điều động đến Kreminna vào trung tuần tháng 11. Họ rút về vùng Kherson sau khi bị tổn thất quá nặng. Đầu năm nay, các tiểu đoàn của Lữ Đoàn Dù 108 lại được tái triển khai tới khu vực Kreminna. Hôm 9 Tháng Giêng, họ đã bị tổn thất nặng trong cuộc giao tranh với quân Ukraine tại Bilohorivka. Họ bỏ chạy về hướng Rubizhne bỏ lại hàng trăm xác đồng đội, 4 hệ thống pháo, và 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.
Theo Thống Đốc Serhiy Haidai, từ ngày 14 tháng Giêng, sau khi được bổ sung quân từ các tân binh mới bị gọi nhập ngũ, họ lại giao tranh với quân Ukraine tại 3 khu định cư Stelmakhivka, Makiivka và Chervonopopivka. Tuy nhiên, tình hình của Lữ Đoàn Dù Nga này xem ra còn bi thảm hơn trước. Các tân binh mới bị gọi nhập ngũ không có kinh nghiệm chiến đấu, không được huấn luyện đầy đủ. Chính các lính Dù của Lữ Đoàn này cũng nhát đảm sau nhiều lần thất bại tại Kreminna.
Ông Serhiy Haidai nhận định rằng Lữ Đoàn Dù Nga này sẽ lại thất bại.
2. Tuyên bố của phủ Thủ tướng Anh về việc đồng ý gửi xe tăng tới Ukraine
Sau cuộc gọi giữa thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, phát ngôn nhân của phủ Thủ tướng cho biết như sau:
“Thủ tướng đã nói chuyện với tổng thống Ukraine Zelenskiy hôm nay. Các nhà lãnh đạo đã phản ánh về tình trạng hiện tại của cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, với những chiến thắng liên tiếp của Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga và làm trầm trọng thêm các vấn đề quân sự và tinh thần của họ.”
“Họ nhất trí về sự cần thiết phải nắm bắt thời điểm này với việc tăng cường hỗ trợ ngoại giao và quân sự toàn cầu cho Ukraine.”
“Thủ tướng đã cho biết một quyết định của Vương quốc Anh nhằm tăng cường sự hỗ trợ đối với Ukraine, bao gồm thông qua việc cung cấp xe tăng Challenger 2 và các hệ thống pháo bổ sung.”
“Thủ tướng và tổng thống Zelenskiy hoan nghênh các cam kết quốc tế khác theo hướng này, bao gồm cả đề nghị của Ba Lan cung cấp một đại đội xe tăng Leopard”.
“Thủ tướng nhấn mạnh rằng ông và toàn bộ chính phủ Vương quốc Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để nhanh chóng cung cấp hình thức hỗ trợ cho phép Ukraine tận dụng lợi thế của mình, giành chiến thắng trong cuộc chiến này và bảo đảm một nền hòa bình lâu dài.”
3. Nhật Bản tin rằng cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev sợ quá đã hóa điên
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Bảy đã cáo buộc thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phục tùng Hoa Kỳ và gợi ý một cách kỳ lạ rằng ông nên tự mổ bụng theo nghi thức truyền thống của Nhật Bản.
Đây là tuyên bố mới nhất trong một chuỗi dài các tuyên bố gây sốc và khiêu khích của Medvedev, người từng được coi là một nhà cải cách ôn hòa nghiêng về phương Tây nhưng đã bất ngờ trở thành một tay diều hâu kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine năm ngoái.
Tại Nhật Bản, không có giới chức nào ngay lập tức có mặt để bình luận về những nhận xét này vì ngoài giờ làm việc bình thường, Reuters đưa tin. Tuy nhiên, báo chí tại Nhật Bản gợi ý rằng Medvedev có lẽ sợ quá nên đã hóa điên.
Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.
Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.
4. Tình báo Ukraine cho biết: Nga chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ
Theo quan sát của tình báo quân sự Ukraine, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài quy mô lớn.
“Các biện pháp của Putin nhằm tổ chức lại nền kinh tế và tổ hợp công nghiệp-quân sự của Liên bang Nga là minh chứng cho việc chuẩn bị chuyển Nga sang chế độ thiết quân luật. Chúng nhằm mục đích củng cố tiềm năng của Lực lượng Vũ trang Nga và tạo điều kiện để tiến hành các hoạt động đã được lên kế hoạch ngay từ đầu cuộc chiến, nhưng đã bị lực lượng xâm lược của Nga thực hiện không thành công,” Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, Tổng cục trưỏng Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết như trên.
Ông lưu ý rằng “những nỗ lực của Liên bang Nga nhằm thu hút tất cả các nguồn lực quân sự để tiếp tục chiến tranh ở Ukraine và việc bổ nhiệm gần đây Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Gerasimov làm Tổng Tư Lệnh các lực lượng xâm lược không chỉ chứng minh cho những thất bại quân sự của Nga mà còn cho thấy sự chuẩn bị của Liên bang Nga cho việc tiếp tục một cuộc chiến tranh kéo dài quy mô lớn”.
Như đã đưa tin, Liên bang Nga đã cấm công dân đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự rời khỏi đất nước. FSB Nga đã gửi một lệnh tương ứng tới tất cả các bộ phận bảo vệ biên giới của đất nước. Tưởng cũng nên biết thêm: tại Liên bang Nga, bộ đội biên phòng là một phần của FSB.
5. Zelenskiy nói “khủng bố Nga” chỉ có thể bị đánh bại trên chiến trường
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết chỉ có thể ngăn chặn “khủng bố Nga” trên chiến trường trong bài phát biểu hàng đêm gởi quốc dân đồng bào.
“Khủng bố Nga có thể được ngăn chặn hay không? Có thể.” Zelenskiy nói. “Có thể làm điều đó bằng cách nào đó khác với trên chiến trường ở Ukraine không? Tiếc là không có. Điều này có thể và phải được thực hiện trên đất của chúng ta, trên bầu trời của chúng ta, trên biển của chúng ta,” ông nhấn mạnh.
Để đạt được những mục tiêu này, Zelenskiy cho biết ông tin rằng Ukraine cần “vũ khí nằm trong kho của các đối tác của chúng ta và quân đội của chúng ta đang rất chờ đợi”.
Ông Zelenskiy nói thêm: “Không có sự thuyết phục nào, cũng chẳng có sự trì hoãn nào có thể ngăn chặn được những kẻ khủng bố đang giết hại người dân của chúng ta một cách có phương pháp bằng hỏa tiễn, máy bay không người lái mua ở Iran, pháo, xe tăng và súng cối của chính chúng”.
Cập nhật về vụ bắn phá hôm thứ Bẩy 14 Tháng Giêng, Tổng thống Ukraine cho biết “tình hình khó khăn nhất là ở khu vực Kharkiv và khu vực Kyiv” sau cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga.
“Thật không may, các cơ sở hạ tầng năng lượng cũng bị ảnh hưởng,” Zelenskiy nói. “Các đội sửa chữa đang cố gắng hết sức để khôi phục việc phát điện và cung cấp điện càng sớm càng tốt, và công việc sẽ tiếp tục suốt ngày đêm.”
Zelenskiy cũng nói rằng các lực lượng Ukraine đã bắn hạ hơn 20 hỏa tiễn của Nga vào thứ Bảy, trong số hơn 30 quả được bắn vào Ukraine. “Đây là hàng trăm sinh mạng đã được cứu,” anh nói.
Trước đó vào hôm thứ Bảy, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết Nga đã “thực hiện khoảng 28 vụ phóng hỏa tiễn hành trình các loại và 5 vụ phóng hỏa tiễn dẫn đường từ máy bay”.
Ông Zaluzhnyi cho biết thêm Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy 18 hỏa tiễn hành trình và 3 hỏa tiễn dẫn đường từ máy bay.
Zelenskiy cũng bình luận về cuộc tấn công bằng hỏa tiễn chết người của Nga nhằm vào một tòa nhà chung cư ở thành phố Dnipro trước đó vào thứ Bảy.
Tổng thống Ukraine cho biết: “Tất cả các tầng của tòa nhà này – từ tầng 2 đến tầng 9 – đã bị phá hủy trong vụ nổ hỏa tiễn của Nga. “Có thể cứu được hàng chục người – những người bị thương đang được điều trị. Trong số đó có cả trẻ em, một bé gái mới ba tuổi”.
Theo Zelenskiy “việc dọn dẹp các mảnh vỡ vẫn đang diễn ra và sẽ tiếp tục suốt đêm.”
“Vẫn chưa biết có bao nhiêu người đang ở dưới đống đổ nát,” ông nói thêm. “Thật không may, số người chết đang tăng lên hàng giờ.”
6. Không quân Ukraine cho biết hỏa tiễn Nga bắn vào Dnipro cùng loại với hỏa tiễn đã tấn công một trung tâm mua sắm vào mùa hè năm ngoái
Lực lượng Không quân Ukraine cho biết hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một khu chung cư ở Dnipro hôm thứ Bảy, khiến 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, là Kh-22 - một loại hỏa tiễn hành trình cũ và kém chính xác hơn so với hầu hết các hỏa tiễn hiện đại.
Yurii Ihnat, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine, cho biết Kh-22 “được bắn từ máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, được phóng từ khu vực gần Kursk và Biển Azov”.
“Có tổng cộng 5 lần phóng các hỏa tiễn này,” Ihnat nói.
CNN đã báo cáo vào tháng 6 năm ngoái rằng hỏa tiễn Kh-22 đã tấn công một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk ở miền trung Ukraine.
Ban đầu được thiết kế như một hỏa tiễn chống hạm, Kh-22 mang đầu đạn nặng gần một tấn. Nhưng các nhà phân tích phương Tây nói rằng nó chỉ chính xác trong bán kính khoảng 500 mét.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục tiêu hồi tháng 6 là một cơ sở sửa chữa phương tiện quân sự, cách trung tâm mua sắm vài trăm mét. Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công đó.
Nói về cuộc tấn công hôm thứ Bảy, Ihnat cho biết: “Họ đã tấn công bằng một hỏa tiễn như vậy vào một thành phố đông dân cư với người dân, phụ nữ và trẻ em. Không có lời giải thích và biện minh nào cho hành động khủng bố này”.
Nga đã sử dụng Kh-22 trong suốt chiến dịch của mình ở Ukraine, dựa trên kho dự trữ ước tính lên tới hàng nghìn chiếc.
7. Nga phóng hỏa tiễn từ phía bắc theo quỹ đạo đạn đạo
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật 15 tháng Giêng, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết trong cuộc tấn công hôm thứ Bẩy, Nga đã phóng hỏa tiễn từ hướng bắc theo quỹ đạo đạn đạo.
“Nhiều khả năng đây là những hỏa tiễn bay theo quỹ đạo đạn đạo. Rõ ràng là có hậu quả. Loại hỏa tiễn chính xác vẫn đang được sử dụng... Chúng bay từ hướng bắc. Tôi muốn lưu ý rằng chúng ta không có khả năng phòng thủ hiệu quả trước hỏa tiễn đạn đạo,” Ignat nói.
Theo ông, báo động không kích sáng nay ở Kyiv được ban bố muộn hơn do thiếu dữ liệu radar và thông tin từ các nguồn khác.
Một số vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thành phố Kyiv vào sáng ngày 14 tháng Giêng. Sau đó, cảnh báo không kích đã được ban bố ở Kyiv và khu vực.
8. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định thông báo Soledar của Nga nêu bật xung đột nội bộ với Wagner
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Soledar Announcement Highlights Internal Wagner Conflict: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định thông báo Soledar của Nga nêu bật xung đột nội bộ với Wagner.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cách Nga thông báo rằng họ đã chiếm được Soledar cho thấy mâu thuẫn giữa Nhóm lính đánh thuê Wagner chiến đấu trong thị trấn Donetsk và Bộ Quốc phòng Nga.
Cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ cho biết đã có “phản ứng dữ dội” trong không gian thông tin ủng hộ Điện Cẩm Linh về việc Bộ Quốc phòng Nga ban đầu không công nhận vai trò của Wagner trong vụ chiếm thị trấn nhỏ ở vùng Donetsk mà cho đến nay Ukraine vẫn bác bỏ.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó thừa nhận rằng các tình nguyện viên Wagner và quân chính quy Nga đã tham gia trận chiến và rằng một “nhóm quân không đồng nhất” đã thực hiện một “kế hoạch chung” theo hướng Soledar.
Wagner được lãnh đạo bởi doanh nhân Yevgeny Prigozhin, một đồng minh của Vladimir Putin nhưng là nhà phê bình lực lượng quân sự Nga, người đã công khai vai trò của quân đội ông trong trận chiến giành Soledar.
ISW cho biết hôm thứ Sáu rằng các blogger quân sự nổi tiếng đã mô tả “một cuộc xung đột đang diễn ra giữa Bộ Quốc phòng Nga và Prigozhin đằng sau những cánh cửa đóng kín”.
Một số nhà bình luận quân sự tin rằng Prigozhin đã “chế ngự được luận điệu mơ hồ có chủ ý của Bộ Quốc phòng Nga”, và điều này đã buộc Điện Cẩm Linh phải chấm dứt chính sách lâu đời là không công khai công nhận Wagner và các nỗ lực chiến tranh của họ.
ISW lưu ý cách một blogger có liên hệ với Điện Cẩm Linh đã nói rằng Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga đang cố gắng “làm suy yếu lẫn nhau” với việc bản thân Prigozhin không công nhận lực lượng vũ trang Nga “là một lực lượng tham gia trên chiến trường”.
ISW cũng nói rằng việc Bộ Quốc phòng Nga đề cập đến lực lượng Wagner là một “chiến thắng quan trọng” đối với Prigozhin, người có khả năng sử dụng chiến dịch Soledar “như một công cụ thương lượng để nâng cao quyền lực của mình ở Nga.”
Bất chấp những tuyên bố của Nga về Soledar, tình hình ở thị trấn khai thác muối mà Mạc Tư Khoa nói có thể được sử dụng làm bàn đạp cho một cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut cách đó khoảng 9 dặm về phía nam vẫn chưa được xác minh độc lập.
Phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, cho biết hôm thứ Sáu rằng các lực lượng của họ đang cầm cự, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm rằng trận chiến ở đó vẫn tiếp tục.
Trong khi đó, Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự khu vực Donetsk, nói với truyền hình Ukraine rằng Soledar “do chính quyền Ukraine kiểm soát và quân đội của chúng ta kiểm soát thành phố này”.
“Tuy nhiên, có cả những trận đánh trong đô thị và những trận chiến bên ngoài thành phố, bởi vì kẻ thù đang cố gắng tiến công theo nhiều hướng,” ông nói thêm.
Lữ Đoàn Dù số 46 của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đang bảo vệ Soledar, xác nhận rằng giao tranh vẫn tiếp diễn ở ngoại ô thành phố và tính đến thứ Bảy, khoảng 550 người vẫn ở trong thành phố, cổng thông tin Lviv News của Ukraine đưa tin.
Phát ngôn nhân chính quyền quân sự Odesa Serhii Bratchuk đã công bố một đoạn video mà ông nói rằng cho thấy ít nhất phần phía tây của thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để xin bình luận.
Nguồn VietCatholic.Net
Nhận xét
Đăng nhận xét