Em bé ở Việt Nam ! Nay nơi đâu?

Em bé ở Việt Nam ! Nay nơi đâu?

Một trong hàng triệu trẻ nghèo ở Việt Nam (UNICEF)
 

Phan Nhật Nam

Dẫn Nhập:

Sau kết thúc Quốc Dân Đại Hội tại Đình Làng Tân Trào, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang ngày 16/8/1945, để chuẩn bị cho lần “cướp chính quyền” tại Hà Nội, 19 Tháng 8; ông Hồ bế lên một em bé (hình còn lưu giữ, được quảng bá rộng rãi) và có lời trang trọng: “Đời tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng như em bé nầy có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị (?), các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo từ các địa phương trong cả nước (?) và Việt Kiều ở Thái Lan, Lào (sic!) về dự đại hội họp ai cũng “cảm động”, có người bật khóc vì lời nói chí nhân.

Bảy-mươi bảy năm sau, 31 Tháng 12, 2022, cũng 48 năm sau ngày “giải phóng Miền Nam” 30 tháng 4, 1975 xẩy ra sự việc dưới đây với cháu Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, thảm tử ở Đồng Tháp, Nhưng không chỉ có thế, từ năm 1945, 1946 xa xôi kia; trước, sau 1954 nơi Hà Nội ở đất Bắc; sau 1975 khắp cả nước những chuyện thương tâm/bình thường luôn xẩy ra hằng ngày với con trẻ. Chỉ với con trẻ, thanh thiếu niên nam nữ thôi, nếu nói, viết lên dẫu chỉ được phần nhỏ cũng quá đỗi nặng lòng.

Một.

Cướp chính quyền thành công, 2 Tháng 9, 1945 thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội; chưa kịp thực hiện những chương trình (lớn) để xứng danh nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á thì chủ tịch Hồ đã phát động chiến tranh chống Pháp, 19/12/1946, dầm cả nước vào biển máu lửa dài 9 năm khốc liệt (1946-1954) – đúng sách lược của Bắc Kinh, Trung Cộng; lúc ấy Liên Xô quá xa chưa đủ sức vươn tới vùng Đông Á.

Sau đó, tuy trong tình thế chiến tranh loạn lạc, nhưng từ lòng thương yêu, luôn “ân cần dạy bảo” thiếu nhi, “bác Hồ” rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước, nên đã có thư gửi học sinh với lời thống thiết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Nhưng trước khi dạy các cháu những điều tốt đẹp để xây dựng Việt Nam vinh quang, “bác” gởi đến báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận trung ương đảng) những bài viết ký “bí danh CB” (có nghĩa “Của Bác”, hoặc “Cán Bộ”, theo cách “khiêm nhường” luôn giấu tên mà ai cũng biết rõ là của bác, chính bác) nức mùi máu có nhan đề “Địa chủ ác ghê” với nội dung:

“Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ: Mụ địa chủ Cát-Hanh-Long!”

Từ bài báo tiếp theo là hành vi, bút phê, chữ ký của của chủ tịch nước HCM (việc nầy thì bác chính thức, công khai) quyết định giết bà Nguyễn Thị Năm (Cát-Hanh-Long). Bà Năm là người chủ gia đình đã đón bản thân bác và đám cán bộ trung ương Việt Minh cộng sản về trú ngụ tại nhà bà ở Hà Nội trong những ngày tháng 8, tháng 9, 1945.

Sợ rằng viết như thế chưa diễn đạt đủ khả năng/quyền giết người của mình, “cụ Hồ” đã bịt râu đến dự buổi đấu tố, chôn sống bà Năm (Trần Đĩnh, Đèn Cù, 2014, trang 84). Cha mẹ mắc tội địa chủ bị chôn sống, con trẻ “được” tha tội chết, nhưng lâm cảnh nghiệt khốn cùng.

“Em bé lên sáu tuổi. Lủi thủi tìm miếng ăn. Bố: cường hào nợ máu. Đã trả trước nông dân” (Hoàng Cầm – Thơ Em bé lên sáu tuổi, 1953).

20/7/1954, ký kết chia đôi đất nước, 10 Tháng 10, bộ đội cộng sản tiến về Hà Nội vinh quang, thấy ra cảnh tượng con trẻ nơi thủ đô anh hùng. “Tôi đã thấy. Những trẻ em còm cõi. Lên năm, lên sáu tuổi đầu. Cơm thòm them độn cám và rau. Mới Tháng Ba đã ngóng mong đến Tết. Để được ăn cơm no có thịt! (Trần Dần – Thơ Tôi đã thấy, 1956, Hà Nội).

Có một điều gì “tương phản không thật” giữa hình ảnh con trẻ và chân dung kẻ lãnh đạo được tôn xưng lên hàng thần thánh: “Bác Hồ rồi lại bác Tôn. Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng. Nước da hai bác màu hồng. Nước da các cháu nhi đồng màu xanh. Giữa hai cái mặt bành bành. Những khăn quàng đỏ bay quanh cổ cò” (Thơ Nguyễn Chí Thiện, 1954-1970, Hà Nội).

Tại sao? Từ đâu? Từ trẻ thơ trở thành thanh thiếu niên có điều gì khác nữa chăng? Nguyễn Chí Thiện qua 27 năm tù có được kinh nghiệm nên thấy ra: “Đảng dìu dắt thiếu nhi thành trộm cướp. Giải phóng đàn bà thành đĩ, thành trâu”.

Và thành phần thiếu nhi được nuôi dưỡng nơi những “trường vừa học vừa làm” ắt trở nên những “điển hình tiên tiến xã hội chủ nghĩa” theo một quá trình:

“Những thiếu nhi điển hình chế độ. Thuở mới đi tù trông thật ngộ. Lon xon không phải mặc quần. Chiếc áo tù dài phủ kín chân. Giờ thấm thoát mười xuân đã lớn. Mặt mũi vêu vao, tính tình hung tợn. Mở miệng là chửi bới chẳng từ ai. Có thể giết người vì củ sắn củ khoai!”

Nếu không phát triển theo diễn tiến vừa kể thì (lại) rơi vào tình thế: “Anh gặp em trong bốn bức rào dầy. Má gầy, mắt trũng. Phổi em lao, chân em phù thủng. Gió lạnh từng cơn rú qua thung lũng. Em ngồi run, ôm ngực còm nhom… Những tiếng ho. Những cục đờm màu. Mớ tóc rối đầu em rũ xuống. Mình em, teo nhỏ, loã lồ… Em là đau khổ hiện thân! (Thơ Nguyễn Chí Thiện, Hoa Địa Ngục, nơi những lao ngục Miền Bắc, 1956-1972).

Để giải thích tình trạng “chưa tốt” vừa kể ra, đảng và nhà “nước ta” nêu lên phản biện: Do chiến tranh xâm lược Mỹ, miền Bắc phải tập trung sức người, sức của, xây dựng, bảo vệ, an ninh hậu phương xã hội chủ nghĩa để yểm trợ, thực hiện sự nghiệp “giải phóng Miền Nam” – Nếu có (thật) hiện tượng xã hội “tiêu cực” đấy là do chiến tranh đế quốc Mỹ gây nên! Hòa bình sẽ xây dựng giàu đẹp gấp mười lần xưa – Lại lời “bác” dạy chứ không của ai khác!

Hai.

30 Tháng 4, 1975, bốn quân đoàn Cộng Sản Bắc Việt gồm 16 sư đoàn bộ đội chính quy tập trung đánh vào Sài Gòn, gồm thâu đất nước thành một mối – một mối hận thù. Một mối đau thương (thơ Nguyễn Chí Thiện).

Từ đấy hình thành chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, sạch bóng quân xâm lược Mỹ, đánh tan tập đoàn Ngụy Quân-Ngụy Quyền. Toàn miền Nam, điển hình ở Sài Gòn thành phần thắng trận, lực lượng quân sự đến từ Hà Nội hiện thực “quyền cướp của/quyền giết người” nhằm xây dựng sự nghiệp “Vì độc lập. Vì tự do. Vì hạnh phúc đời đời con cháu mai sau!”.

Và một bên, tập thể những người trần trụi tuyệt vọng, Dân-Lính của một đất nước thất trận không cơ may khoan thứ, không phương tiện chống giữ, không hy vọng thoát thân. Đau thương hơn họ không chịu thảm họa riêng của mình mà cùng lần những thân thích ruột thịt – Những con trẻ phần đông chưa tới 10 tuổi – Con nhỏ của thế hệ đứa bé mà ông Hồ bế nơi đình Tân Trào, 16 tháng 8, 1945 với lời nhân hậu.

Do hạn chế chủ đề, bài viết bỏ qua cuộc đọa đày vô hạn khốn cùng đối với mỗi đơn vị con người gọi là Thương Phế Binh VNCH, và thành phần người lớn trong các gia đình (Ngụy Quân/Ngụy Quyền/Tư sản bóc lột) để chỉ tập trung đến Con Trẻ – Những trẻ nhỏ hoàn toàn vô tội và vô hại cho dù xét xử dưới bất cứ chế độ chính trị, xã hội nào.

Nầy đây, hãy nghe câu chuyện về hai con nhỏ của tử sĩ Nguyễn Văn Thuận, đơn vị Sư Đoàn Nhảy Dù, quê Long An.

Thằng Nô, 12 tuổi, Phát 14 tuổi cùng mẹ đi vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười, nhưng đời sống quá cực nhọc, và không đủ ăn, người mẹ dẫn hai đứa con về Sài Gòn sống lang thang. Nô và Phát thường khoe rằng, cha chúng đi lính, mặc áo hoa rừng chết vào mùa hè 1972. Gần đến ngày giỗ cha, chúng cố “làm ăn” để có nhiều tiền để về Long An thăm mẹ. Thường khi các bạn đồng lứa bắt đủ cá (dưới hệ thống đường cống lớn của Sài Gòn) trở lên mặt đường ngủ thì chúng nó tiếp tục lặn dưới các ống cống thành phố để kiếm thêm cá. Có nhiều buổi sáng, hai anh em rét run, người tím nhợt đi vì ngâm dưới cống nước quá lâu.

Vào một đêm nọ, hai anh em thằng Nô, Phát lặng lẽ mở nắp cống chui xuống, khoảng vài ba giờ sau sấm chớp rầm rầm, một trận mưa như vũ bão đổ ào xuống, kéo dài cho đến sớm. Bình thường, hai anh em thằng Phát vẫn ở lâu hơn bạn bè dưới cống, nhưng sao giờ nầy chúng nó vẫn chưa lên? Thôi rồi, đám bắt cá báo động, hỏi thăm những đứa trẻ đang ngủ cạnh những đống rác “giữ chỗ” cho công việc sáng hôm sau (để moi, nhặt rác).

Chẳng đứa nào thấy anh em thằng Nô. Cho đến, ba mươi ba ngày sau, một đứa khác đang lội bì bõm ở ống cống gần chợ Cầu Ông Lãnh tìm cá, bất ngờ đụng phải một cái gì giống như “trái dừa”; soi dưới ánh đèn, nó hét lớn và bỏ chạy. Nó vừa lượm một cái đầu lâu! Đội dân quân gác chợ mở cống tìm xác hai đứa nhỏ, cuối cùng chỉ nhặt được một khúc đùi đã thối rữa, và nửa thân người còn lại. Bọn trẻ nhận ra cái quần đùi màu đỏ của thằng Phát, bên trong còn ít tiền gài kim băng cẩn thận. Tiền thằng Phát để dành về quê giúp mẹ làm đám giỗ cha.

Cùng thảm trạng chung như trên, tuy nhiên mỗi đứa nhỏ có một tình cảnh thống khổ riêng trong vạn triệu thân phận gia đình Miền Nam sau “giải phóng”. Chồng chị Liên là anh Hơn, phế binh Sư Đoàn 25 Bộ Binh, cụt một chân và lao phổi nặng. Một hôm đi bán nhang chẳng may băng qua đường bị trượt té, một chiếc xe hàng chạy qua thắng không kịp, đầu anh bị cán nát, lòi cả óc ra ngoài. Chồng chết, chị Liên đã lây bệnh ho khậm khẹt và không hiểu sao chị sợ màu đỏ quá. Nó giống máu hoà trong nước miếng của chồng chị nhổ ra sau mỗi cơn ho, nó cũng giống màu cờ đỏ búa liềm treo khắp thành phố.

Liên cùng chị Mạc, vợ một phế binh khác, và chị Nguyệt lên Long Khánh buôn củi lậu. Cả ba đi tàu chui và khi gần đến ga Bình Triệu thì tuôn củi xuống, Liên có đứa con trai lớn tên Đức, nhanh nhẹn giúp đỡ mẹ rất đắc lực; nhưng chị Mạc với bé Hoa mới 5 tuổi thì thật là khó khăn, nguy hiểm khi nhảy tàu, vừa bế con, vừa tuôn củi.

Liên khuyến khích bạn: “Chị đừng lo, thằng Đức con tôi sẽ cõng con Hoa nhảy dùm cho…”. Nhưng khi bị công an kinh tế, an ninh xe lửa bố ráp, chặn bắt trên các toa thì tình cảnh trở nên rất lộn xộn. Khi chung quanh nhốn nháo tranh nhau tuôn củi xuống, con bé Hoa bị củi quăng trúng chân khóc ré lên. Chị Mạc vừa sợ mất củi, vừa sợ mất con, không dám nhảy theo bó củi với đứa con trong tay! Để cứu lấy món hàng, Đức và những đứa nhỏ leo lên trần xe và chuyền những bó củi qua cửa sổ. Một đứa tuột tay bị cuốn vào bánh xe lửa, thân thể bị nghiền nát vụn dọc theo đường tàu.

Về đến ga Thủ Đức, chị Liên không thấy thằng Đức đâu, hỏi thăm lũ nhỏ, có đứa bảo thấy thằng Đức leo mui xe lửa trốn bảo vệ. Đến ngày hôm sau, Liên mới biết khi xe qua cầu Biên Hòa, thằng Đức con chị đã bị đà ngang đánh vỡ đầu, rơi xuống đường ray, thây xác không biết tan nát nơi đâu…

Ba.

Những trẻ nhỏ có tên Nô, Phát, Đức… từ những câu chuyện trên (Phan Minh Hiển-Nguyễn Văn Huy Những Mảnh Đời Rách Nát-1999) kể đến nay, qua thế Kỷ 21 nếu còn sống đang ở độ tuổi 50, 60;  chung thế hệ hoặc lớn so với anh Thái Văn Tấn Tài, cha của cháu Thái Lý Hạo Nam, chết trong lòng ống cống nơi công trường Cầu Rọc Sen, Xã Phú Lợi, Đồng Tháp.

Hóa ra câu chuyện ở Việt Nam/Nơi Miền Nam về những trẻ nhỏ thảm tử gần nửa thế kỷ đi qua không hề cũ, 48 năm sau ngày “giải phóng Miền Nam”.

Cần nói một điều chi tiết. Tộc Thái, Lý… là những tộc người Minh đến Đại Việt sau khi nhà Mãn Thanh chiếm Trung Quốc (1636), họ xây dựng nên những Cộng Đồng Minh Hương (ở Hội An, Quảng Nam, Thừa Thiên, Cù Lao Phố, Biên Hòa…) sống hòa đồng với người Việt suốt hơn bốn thế kỷ hầu như không hề có hiện tượng, tính chất phân liệt.

Chẳng mấy ai đặt nên vấn đề Minh Hương/Thuần Việt. Cố Trung tướng Thái Quang Hoàng, niên trưởng tướng lãnh quân đội miền Nam sau 1954, chỉ sau cố Thống tướng Lê Văn Tỵ, thuộc nhánh Minh Hương làng Sịa (Quảng Điền) Thừa Thiên. Tộc Lý chuyên về tài chánh, kinh tế; Nghiệp Chủ Lý Long Tinh chuyên đại bài gạo Khu Gia Hội, China Town đầu tiên ở Huế; Lý Long Thân một tài phiệt lớn, tầm cỡ siêu quốc gia của Chợ Lớn trước 1975.

Thế nên, qua cách đặt tên con, Thái Lý Hạo Nam có cha Thái Văn Tấn Tài chắc chắn không thể thuộc về “gia đình cách mạng” có những tên “bình dân” như Tòng Thị Phóng, Lê Thị Riêng, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Văn Đậu… Những chi tiết nầy cần nêu lên để bàn thêm một khía cạnh khác: Gia đình người Minh Hương nầy bị “buộc” về vùng nông thôn Đồng Tháp sau khi nhà, đất sở hữu sau nhiều đời đã bị “quy hoạch” thành đất của “nhà nước xã hội chủ nghĩa” – cách cướp nhà/đất đã, đang hiện thực từ sau “đổi mới” 1986, được hợp pháp hóa nên thành một chủ trương lớn của đảng thực hiện từ Bắc xuống Nam, nơi Họ Đạo Thái Hà, Dương Nội, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Nam, Thủ Thiêm, Chùa Liên Trì, vườn rau Lộc Hưng v.v… Căn nhà xiêu vẹo hiện nay của gia đình anh Thái Văn Tấn Tài, cha của Hạo Nam, đã cho chúng ta nhận định, suy diễn nầy không sợ sai lầm.

Thứ đến, Cháu Hạo Nam không đến nơi công trường xây dựng cầu kênh Rọc Sen để vui chơi (?!) trong ngày cuối năm, Thứ Bảy 31/12 – thời điểm toàn thế giới đồng nghỉ Tết Dương Lịch. Vậy chỉ có thể kết luận: Cháu đến để tìm nhặt một loại phế phẩm tương tự như đã một lần được (giáo dục) huy động trong chương trình “Kế Hoạch Nhỏ” – Kế hoạch được nhà nước miền Bắc nâng lên hàng “quốc sách” từ 1958 do Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký lệnh áp dụng.

Sau năm 1975, phong trào được thực hiện khắp miền Nam, buộc con trẻ về nhà làm những việc vô ích, tầm phào, vô nghĩa. Thu hồi giấy, gom phế liệu, tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm, thực hiện mục tiêu: “Trồng một cây, nuôi một con”. Kết quả sách, vở của gia đình bị xé ruột lấy giấy đi nộp; phòng buiding, nhà cao ốc bị chiếm dụng, tịch thu sau 30/4/75 biến thành chuồng nuôi heo, nuôi gà, vịt… Tình trạng khôi hài thảm hại tương tự của nước Tàu dưới thời Mao Trạch Đông thực hiện Đại Nhảy Vọt (1958-1962) – nhà nhà làm gang thép – đưa đến thảm họa từ 30-45 triệu người chết đói do không còn nồi nấu cơm – mà cũng không có gì để nấu!

Kết Luận

Cháu Thái Lý Hạo Nam chết trong lòng ống cống Cầu Rọc Sen hóa ra là thế hệ Thứ Ba Con Trẻ Việt Nam đã chứng nhận: Lịch Sử/Lịch Sử viết và thực hiện bởi người và chế độ cộng sản là một điều bất biến của Tính Ác – Tính Ác hôm nay nơi Xã Phú Lợi, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp có xuất xứ từ Cây Đa Làng Tân Trào, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang với mục tiêu mà “bác Hồ” đã trang trọng tuyên hứa: “Đời tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc…” – Mục tiêu chưa hề được thực hiện nếu không nói là tệ hại hơn, bởi thân xác cháu Hạo Nam đến giờ cũng không biết đã lấy lên được hay chưa?

Phan Nhật Nam


8 Tháng 1, 2023, Rằm Âm Lịch cuối cùng năm Nhân Dần

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178