Chiếc Áo Dài Việt Nam

Chiếc Áo Dài Việt Nam

 

Tranh "Đàn hát" với hai phụ nữ mặc áo dài của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001)

Tác giả: Phan Mỹ Dung


Không cần phải đưa ra một lời bình phẩm đúng với xu hướng của thời cuộc (politically correct), nếu bảo rằng chiếc Áo Dài Việt Nam đẹp hơn chiếc Áo Xường Xám của Trung Hoa thì đây vẫn là một nhận định chính xác.

 

Hiện chưa có cuộc thăm dò chính thức nào cho biết giữa chiếc Áo Xường Xám của Trung Hoa và chiếc Áo Dài Việt Nam thì chiếc áo nào đẹp hơn, nhưng cứ theo cảm quan thông thường thì đa số người được hỏi ý kiến vẫn cho rằng chiếc Áo Dài Việt Nam đẹp hơn, chỉ vì một lý do đơn giản là chiếc Áo Dài Việt Nam kín đáo hơn nhưng vẫn đủ khả năng phô trương nhiều đường nét hấp dẫn - và có khi còn khêu gợi nữa - của chị em phụ nữ, nhất là những phụ nữ “trời cho đẹp.”


Hậu duệ VNCH trong trang phục áo dài


Chiếc áo dài Việt Nam luôn mời gọi trí tưởng tượng của con người. 



 

Chiếc áo dài Việt Nam

Áo Dài là loại trang phục truyền thống của Việt Nam, dành cho cả nam lẫn nữ. Nhưng khi nói đến Chiếc Áo Dài Việt Nam, người ta muốn nói tới chiếc áo của phụ nữ Việt Nam, có lẽ vì chiếc áo này được mọi người mặc nhiên công nhận là đẹp hơn khi nó gắn liền với cái đẹp ngày càng gợi cảm hơn của người con gái Việt Nam.


Nữ sinh trường Đồng Khánh năm 1929. Ảnh: National Geographic

 

Chiếc Áo Dài Việt Nam che thân người từ cổ đến đầu gối hoặc đến quá đầu gồi. Áo Dài thường được mặc vào các dịp lễ hội, nhưng cũng là chiếc áo thông thường mà phụ nữ có thể mặc khi giao tiếp với xã hội cũng như khi đi làm, và đặc biệt là dành cho các cô học trò, bởi vì hồi trước năm 1975 Áo Dài từng là đồng phục chính thức của nữ sinh các trường trung học tại Việt Nam Cộng Hòa.


Tranh Áo Tứ Thân

Có thể nói rằng tiền thân của Chiếc Áo Dài, như người ta được biết tới ngày nay, là chiếc “áo tứ thân” của phụ nữ miền Bắc. Năm 1924, với sự ra đời của Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương tại Hà Nội (École Supérieure des Beaux-Arts de L'Indochine) do người Pháp lập ra, ý niệm về cái đẹp trong cách ăn mặc của đàn ông cũng như đàn bà Việt Nam bắt đầu lan rộng. Một loạt những đề nghị cải cách dành cho chiếc áo dài truyền thống Việt Nam đã được một số nghệ sĩ có tâm huyết đưa ra. Các màu nâu và đen thường thấy trên chiếc áo dài được thay bằng các màu sắc tươi sáng hơn, hoa hòe hơn, khiến gây sôi nổi trong dư luận quần chúng thời ấy vốn còn rụt rè với những cải cách và đổi mới. 

  

Áo dài Le Mur

Năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã cực lực cổ vũ cho phong trào cải cách chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam. Người nghệ sĩ này nói: “Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu...”


Áo Dài Le Mur Cát Tường và cải tiến sau này
 

Trong thập niên 1930, Cát Tường đưa ra trình diện chiếc “Áo Dài Le Mur” - từ ngữ này là chữ dịch từ tên Tường của họa sĩ ra tiếng Pháp - do sự cải biến mạnh dạn chiếc áo tứ thân của phụ nữ miền Bắc gồm bốn miếng để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau thôi. Kiểu Áo Dài Le Mur được vẽ theo kiểu áo đầm Tây phương với vai nối và tay phồng, cổ lá sen, cài khuy trên vai... để cho phụ nữ mặc với quần trắng, đeo bóp và che dù. Vạt trước của chiếc áo dài được nối dài gần chấm đất để làm tăng thêm nét uyển chuyển trong bước đi, đồng thời thân trên của áo được may bó sát theo những vùng cong trên cơ thể người phụ nữ, tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm. Hàng nút phía trước được chuyển dịch sang một chỗ mở áo dọc theo vai, rồi di chuyển xuống dọc theo sườn, rồi dừng lại một cách bất ngờ đầy hứng thú để tách rời thân áo thành hai tà áo trước và sau, tạo nên nét đẹp nửa kín, nửa hở càng nhìn, càng thích 

 

Nữ sinh Gia Long trong đồng phục áo dài - năm 1969

Áo dài Lê Phổ

Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến thêm chiếc Áo Dài Le Mur, và mẫu áo này được nhiệt liệt hoan nghênh tại Hội Chợ Nữ Công Ðà Nẵng năm 1934. Với sự cải tiến mới này, chiếc Áo Dài của người phụ nữ Việt Nam hồi đó rất gần gũi với chiếc Áo Dài ngày nay: vai nối và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân áo ôm sát người, hai tà áo vẫn tiếp tục thướt tha bay lượn như thuở nào. Chiếc Áo Dài Lê Phổ đầu tiên, được may bằng vải màu mặc với quần trắng, đã tồn tại trong nhiều thập niên với một số biến cải tinh vi hơn trên cổ áo, gấu áo và eo áo, khiến cho cổ áo thì lúc cao, lúc thấp, lúc rộng, lúc hẹp, và gấu áo thì lúc vén cao, lúc hạ thấp, rồi eo áo thì lúc thắt lại muốn đứng tim, lúc buông lơi cho trí tượng tượng chập chờn. Những cải tiến trên chiếc Áo Dài này được nhịp nhàng phụ họa bằng những thay đổi âm thầm hơn trên chiếc quần phụ nữ mặc, từ màu trắng sang các màu đen hoặc sậm, đáy xéo sang đáy giữa, từ lưng quần giải rút tới dây thun, tới cài nút bóp và sau cùng là fermeture theo kiểu Pháp và zip theo kiểu Mỹ, và ống quần thì lúc rộng, lúc hẹp tùy theo thị hiếu hoặc thẩm mỹ của từng thời. 

 

 

Áo Dài Lê Phổ

Áo dài raglan

Nhà may Dung ở Dakao, Sài Gòn, hồi thập niên 1960, giới thiệu kiểu may áo dài với cách ráp tay raglan (giác lăng). Cách ráp tay áo này giải quyết được vấn đề khó khăn nhất khi máy áo dài là làm mất đi các lớp nhăn hai bên nách áo mà với lối ráp tay kiểu cũ không thể nào tránh khỏi được. Với cách ráp tay áo mới, hàng nút cài được bố trí chạy từ dưới cổ xéo xuống nách, rồi từ đó chạy thẳng một mạch dọc theo bên hông, cho tới khi nao dừng lại thì dừng, tùy chiều dài của tấm thân người đẹp. Lối ráp tay raglan này làm cho làn vải được bo sít sao theo thân hình người phụ nữ từ dưới nách cho tới lườn eo, khiến cho chiếc áo dài lần này ôm khít lấy từng đường cong, nét lượn trên thân hình mềm mại của người phụ nữ, mang đến sức quyến rũ thật khó mà cưỡng chống được cho chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam, khiến ai nhìn vào cũng thấy ít nhiều bâng khuâng. 

 

Áo dài Raglan thập niên 1960
 

Áo dài miniraglan

Kiểu Áo Dài miniraglan là kiểu áo được ưa chuộng trong giới nữ sinh Miền Nam Việt Nam hồi các thập niên 1960 và 1970. Theo kiểu dáng này, Áo Dài tay raglan chỉ có tà áo dài tới gối thôi, nhưng hai ống quần được cắt rộng để có thể lòa xòa phủ kín đôi chân mềm của các cô học trò. Hai đặc điểm này tạo thêm chất hồn nhiên và nét vô tư vào chiếc Áo Dài, khiến cho các nữ sinh nom càng dễ thương hơn. Khác với áo kimono của Nhật Bản hay áo hanbok của Ðại Hàn, chiếc Áo Dài Việt Nam vừa mang tính truyền thống vừa phô diễn nét hiện đại, vừa quý phái mà cũng lại vừa bình dân tùy ở hoàn cảnh. Ngày nay, với các cộng đồng người Việt Nam rải rác trên khắp năm châu, bốn bể, và với các nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi tài danh, chiếc Áo Dài Việt Nam như đang được chắp cánh bay cao trên khung trời mỹ thuật qua các cuộc lễ hội, chọn người mẫu, và thi Hoa Hậu hay Hoa Hậu Áo Dài tưởng chừng như quanh năm, suốt tháng tại hải ngoại cũng như bên trong đất nước Việt Nam:

 

“Hôm nay sao áo bay nhiều thế!

Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe màu...”

                     (Hoàng Thi Thơ - Tà Áo Cưới)


Hậu duệ VNCH trong trang phục áo dài

Phan Mỹ Dung

(Viết theo Wikipedia và VietXGen)

Nguồn: www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118612&z=23


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025