Bầu Cua Cá Cọp
Bầu Cua Cá Cọp
Song Thao
Trong một lần cùng bạn bè du xuân trên tàu Sapphire Princess, chúng tôi có dịp chơi bầu cua cá cọp. Một ông chắc thuộc loại tồn cổ đã âm thầm mang theo một bộ bầu cua cá cọp mới toanh, chạy vào khu ăn buffet mượn đỡ một cái đĩa, một cái bát. Vậy là gầy sòng ngay tại khu ăn uống.
Chọn một góc vắng vẻ, chúng tôi sát phạt nhau. Gọi là sát phạt cho máu lửa chứ thực ra chỉ vui xuân vì mức đặt tiền được ấn định chỉ 25 xu! Cuộc chơi ngày càng vui khiến mấy anh tây chị đầm đi ngang qua đều ghé lại coi mấy ông bà da vàng này làm cái chi. Coi một lúc, hiểu cách chơi, họ đòi chơi…
Trong sáu ô của trò bầu cua cá cọp không hề có con cọp. Chỉ có: bầu, cua, cá, gà, tôm và nai. Vậy là mượn oai hùm chăng? Có nhiều giả thuyết cho sự mượn oai hùm này. Thứ nhất: đọc là bầu cua cá cọp nghe cho xuôi tai. Tôi thấy giả thuyết này dở ẹc. Đọc là “bầu cua cá tôm”, “bầu cua cá nai” hay “bầu cua cá gà” cũng xuôi tai vậy. Cớ chi phải mời bóng hình anh cọp về cho rắc rối? Giả thuyết thứ hai: Chữ “cọp” đây là đọc trại chữ “cọc” có nghĩa là con nai. Giả thuyết thứ ba: Trong phiên bản bầu cua cá cọp của Thái Lan có con cọp thay cho con nai của phiên bản Việt Nam. Vì vậy nên người ta nghĩ là có sự nhầm lẫn khi nhìn vào bàn cờ Thái để đọc vào bàn cờ Việt như vậy.
Trong sáu ô thì chỉ có bầu không phải là sinh vật như năm ô kia. Sao lại có sự đi lạc của bầu vào đây? Bầu đây là bầu rượu, vậy phải chăng người tạo ra bàn chơi này là một dân nhậu? Dám lắm, vì cua, cá, tôm, gà và nai đều có thể lên bàn nhậu được! Tôi viết khơi khơi như vậy vì đây là một bài phiếm, nói chuyện tào lao, nhưng khi gặp bài “Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc” của nhà văn Nguyễn Xuân Quang mới giật mình. Ông này là bác sĩ, nhà nghiên cứu về Việt tộc, và cũng là một nhà văn. Bài ông viết đặt vấn đề “bầu cua cá cọc” một cách rất nghiêm chỉnh khiến những anh tơ lơ mơ như tôi toát mồ hôi hột!
“Bầu Cua Cá Cọc dưới con mắt tứ đổ tường thường được coi là một thứ cờ bạc. Thật ra đây là một thứ Việt Dịch được thể hiện thành một thứ trò chơi nhằm mục đích truyền bá truyền thuyết, huyền sử Việt, truyền bá cái “Cốt Lõi của nền văn hóa Việt”. Đây là Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc. Chúng ta thường gọi là Bầu Cua Cá Cọp nhưng trong thứ trò chơi này chỉ có Bầu, Cua, Cá, Hươu, Tôm và Gà, không có con Cọp. Như thế tại sao lại gọi là Bầu Cua Cá Cọp? Tại sao lại không thấy con Cọp, tại sao con Cọp lại bị khai tử trên các bàn Bầu Cua hiện nay? Thật sự ra, nguyên thủy, tổ tiên ta gọi là Bầu Cua Cá Cọc, ngày nay nói sai thành Bầu Cua Cá Cọp”.
Tác giả Nguyễn Xuân Quang giải thích về chữ “cọc” như sau:
“Tiếng cổ Việt “cọc” có nghĩa chung là “nọc”, đực, dương, vật nhọn. Những con thú biểu tượng cho nọc, đực, dương, mặt trời gọi chung là con Cọc hay có tên biến âm của Cọc hay có nghĩa là nọc, cọc, que, vọt, đực. Cọc mang trọn nghĩa của chữ Nọc trong chữ nòng nọc. Ở đây, ở cõi đất thế gian, con Hươu đực, Hươu Nọc tức con Hươu có Sừng, loài thú bốn chân đi trên mặt đất là con Hươu Cọc, Con Cọc. Sừng là vật nhọn là một thứ Cọc nhọn, một thứ Nọc nhọn mang dương tính. Nhìn vào bàn Bầu Cua ta thấy con Cọc chính là con Hươu ở góc trên bên trái. Con Cọc là con hươu cọc, hươu nọc, hươu đực biểu tượng cho Núi Cọc, Núi Trụ Chống Trời, Núi Trụ Thế gian, cho phần Đất dương, dương trần của Cõi Giữa Thế Gian và Cọc cũng mang hình ảnh của Cọc Thế Gian tức Trục Thế Giới”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Quang rõ ràng có cái nhìn khác chúng ta. Theo ông thì sáu hình trên bàn cờ gồm hai nhóm. Nhóm “tôm gà” và nhóm “bầu cua cá cọc”. Bàn về nhóm tôm gà, ông viết:
“Con tôm là “con nước”, con nang, con nường, con nòng nên Tôm biểu tượng cho Nòng, âm, thái âm, cho cực âm, dòng âm, Khôn, nước, phái nữ, bộ phận sinh dục nữ. Do đó dân gian Việt Nam mới ví con tôm he (tôm đỏ) với bộ phận sinh dục nữ (he là đỏ. He biến âm với hoe là đỏ như tóc hoe, mắt đỏ hoe, he biến âm với hè là mùa đỏ lửa). Con Tôm trên bàn Bầu Cua thuộc dòng mặt trời thái dương”.
Gà có nghĩa biểu tượng trái ngược với tôm. “Gà trống tức con qué (gà qué), con que, con cọc, con cock, con coq (Pháp ngữ) mang dòng máu cọc, vật nhọn, dương, mặt trời thuộc ngành Nọc. Anh ngữ cock là con gà trống và cũng chỉ cây cọc, cái nõ của phái nam. Cock chính là Việt ngữ cọc. Cọc biến âm với cược, c…c (Tiếng Việt Huyền Diệu). Nọc, cọc là đực, dương. Dương cũng có một nghĩa là mặt trời. Như thế gà là một loài chim mang dương tính biểu tượng cho Nọc (cọc, đực, mặt trời, dương, cực dương, dòng dương, phái nam…).
Con Gà là một loài chim (Anh ngữ gọi gà là bird) biểu tượng cho cõi trời, cõi trên, mặt trời ngành nọc nhưng sống nhiều trên mặt đất nên là chim biểu của Cõi Trời nọc, Mặt Trời Thế Gian, cõi nhân sinh. Nói gọn lại, con Gà là con qué, con que, con cọc, con cock, con nõ, con Nọc và con Tôm là con nôm, con nước, con prawn , con baw-, con bao, con bọc, con túi, con nang, con nường, con Nòng. Tổng quát Tôm và Gà biểu tượng cho Nòng Nọc, âm dương, Lưỡng Nghi ở cõi thế gian”.
Nhóm thứ hai gồm “bầu cua cá cọc” được ông Nguyễn Xuân Quang bàn như sau:
“Trước hết, nhìn dưới lăng kính tạo sinh, ở cõi nhân sinh, Nòng tôm he (nường, âm vật), Nọc gà qué (nõ, dương vật) hôn phối, giao hợp với nhau thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Xin thưa, kết quả xẩy ra là có BẦU (dĩ nhiên người cổ Việt không có dùng phương pháp ngừa thai!). Nọc Gà, chim phái nam hôn phối nòng Tôm he phái nữ sinh ra cái Bầu. Ở Cõi Trời, Tạo Hóa, Nòng Nọc âm dương vũ và trụ hôn phối, giao hòa sinh ra Bầu Trời, Bầu Vũ Trụ. Do đó trên bàn Bầu Cua, Tôm Gà hôn phối sinh ra Quả Bầu.
Quả Bầu trên bàn Bầu Cua nhìn theo diện cõi Tiểu Vũ Trụ là Bầu Trời, Bầu sinh tạo thế gian, nhìn theo diện nhân gian là bầu thai nhân sinh và nhìn theo diện cõi tạo hóa là Bầu Vũ Trụ, Bầu Tạo Hóa. Bầu là bầu vũ trụ, bầu trời, bầu sinh tạo, bầu thai, bầu sinh đẻ. Bầu mang nghĩa sinh tạo thế gian, đội lốt Tạo Hóa. Vì thế mà trong sáu hình biểu tượng trên bàn Bầu Cua, quả bầu là một thứ thực vật duy nhất khác với năm con vật còn lại là Tôm, Gà, Hươu, Cá và Cua. Quả Bầu là loài thực vật trông “cọc cạch” và cách biệt, không cùng loại với các loài động vật còn lại. Đây là một chủ ý dùng quả Bầu để hàm ý sinh tạo, Tạo Hóa.
Quả Bầu thế gian ở cõi nhân sinh biểu tượng bầu sinh tạo của Tiểu Vũ Trụ của cõi Người. Tiểu Vũ Trụ cõi nhân sinh gồm có Tam Thế: theo duy âm, Cõi Trời, Cõi Trên (vòm trời, Khí Gió) được biểu tượng bằng Con Cua (đúng nghĩa là con Còng Gió) trên bàn Bầu Cua (con cua có mai hình vòm biểu tượng cho vòm trời, bầu trời); Cõi Nước được biểu tượng bằng Con Cá (Chép) trên bàn Bầu Cua và Cõi Đất được biểu tượng bằng Con Cọc (Hươu) trên bàn Bầu Cua”.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang thật mệt. Ông còn dẫn “bầu cua cá cọc” vào văn hóa và lịch sử của tộc Việt. Đành xin phép ông cho phép được… quẹo!
Ông Nguyễn Xuân Quang có giận thì tôi vẫn tồn cổ, gọi theo dân gian từ bao đời là “bầu cua cá cọp”. Tôi vẫn tưởng trò chơi này là trò chơi của dân Việt nhưng đây lại là một trò chơi quốc tế. Trung Quốc gọi là hoo hey how, nghĩa là: cá, tôm, cua. Bầu cua cá cọp đi xa hơn và có tại Âu châu. Đó là trò chơi Crown and Anchor rất phổ biến trong giới hàng hải Anh, lan qua Bỉ, Hòa Lan và Pháp.
Đúng như tên gọi, trò chơi này có hai ô triều thiên (crown) và mỏ neo (anchor). Bốn ô khác rất… truyền thống: cơ, rô, chuồn, bích. Người Nga coi bộ giản dị hơn, đánh số từ một đến sáu cho bàn dân thiên hạ dễ đếm. Không biết có phải vì bầu cua cá cọp na ná với crown and anchor không mà các anh tây chị đầm học rất nhanh.
Tôi coi nhiều video quay dân Việt ta tại San Jose ăn Tết ở khu Century, thấy họ dành nguyên một khu để tập trung đốt pháo. Có người mang nguyên cả chục cối pháo to đùng tới đốt đinh tai nhức óc khiến có nạn kẹt… pháo. Nhiều người ôm pháo chờ tới lượt đốt. Ai không thích coi đốt pháo có thể đốt… tiền. Đó là khu cờ bịch. Rất nhiều bàn bầu cua cá cọp lấn át một số nhỏ bàn tài xỉu. Có lẽ tây rành bầu cua cá cọp hơn tài xỉu. Tôi thấy nhiều anh tây say mê đặt tiền với nét mặt căng thẳng.
Bài thơ… ngang này của tác giả Đỗ Ngu, nhìn cuộc chơi bầu cua cá cọp theo một con mắt khác, rất riêng. Bầu cua cá cọp là trò chơi rất dễ bày cuộc. Trong nhà ngoài ngõ đều có thể bày tụ được. Cứ có tờ giấy vẽ xanh đỏ, ba con xúc xắc và cái đĩa cái chén là có thể tụ năm tụ ba vui xuân. Tháng giêng là tháng ăn chơi / Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè. Các cụ đã dậy, cứ thế mà thi hành.
Cờ bạc trong dịp Tết là cờ bạc của tiếng cười, khác xa với cờ bạc quanh năm với những khuôn mặt hăm hở ăn thua đủ. Tết là dịp gia đình hội tụ đông vui. Cờ bạc trong gia đình là cờ bạc có tình. Ăn thua là chuyện phụ, cay cú là chuyện không hề xảy ra, chỉ có cười toe. Thua hay được nhẹ tựa lông hồng, chẳng ai care. Trong nhiều gia đình, sau cuộc chơi, còn trả lại tiền người thua. Gia đình người Việt tại hải ngoại ngày nay thường na ná như tổ chức Liên Hiệp Quốc. Trắng, đen, vàng, tái trộn lẫn với nhau. Vậy nên bàn bầu cua tại nhà cũng… quốc tế.
Trong bài “Mỹ Xóc Bầu Cua”, tác giả Thanh Mai, mô tả sòng bầu cua trong một gia đình Việt-Mỹ nhân ngày Tết Nguyên đán:
“Có được cô vợ Việt Nam xinh đẹp chịu thương chịu khó lại giỏi nấu ăn, Mark thường mời anh em bạn bè đến nhà ăn uống để khoe các món ăn Việt Nam. Và để giải trí sau khi ăn, Hồng là vợ Mark bày mọi người chơi trò “Xóc Bầu Cua” mà người Việt chúng ta thường chơi vào dịp Tết. Nào ngờ món này được phe Mỹ khoái mê tơi, còn nhờ mua một bộ bầu cua để đem về nhà chơi với nhau. Tết Nguyên Đán năm nào Mark và Hồng đều tổ chức buổi tiệc lớn mời hai gia đình sui gia Mỹ Việt gặp nhau ăn Tết.
Nhóm Mỹ lúc nào cũng yêu cầu chơi xóc bầu cua thú vị này. Tôi in mỗi tờ giấy khổ lớn một cái hình bầu, cua, gà, nai, tôm, cá. Ép plastic rồi dán dính sáu tấm hình với nhau nên bàn bầu cua rất rộng có thể trải ra trên một cái bàn dài, nhiều người có thể xúm quanh mà chơi. Già trẻ lớn bé Mỹ, Việt đều tham gia. Ăn tiền thẳng cẳng nhưng quy định chỉ được đặt tối đa $5. Bên Việt Nam lịch sự để phe Mỹ làm cái dù biết là làm cái xác xuất thắng rất cao. Anh chồng của Hồng là Dan cùng con trai hùn chung vốn làm cái.
Bố xóc, con thu và chung tiền. Dan rất tiếu lâm, làm đủ trò cứ như phù phép ếm bùa trước khi xóc và chỉ xóc một cái rồi để xuống bàn chờ “con” (tức là những người đặt tiền) đặt xong hết rồi mới mở chén ra để xem bên trong ra những hình gì. Khi mở chén Dan còn hò la như xem những pha đấu thể thao thật là vui. Không khí trò chơi càng ngày càng náo nhiệt, tưng bừng. Ông mục sư quen với gia đình Mark thì tuyên bố: “Chỉ đặt seafood Tôm, Cua, Cá” – Chắc ông ta mê ăn seafood lắm? Mark theo đạo Tin lành nên ngày cưới ông mục sư này đứng ra làm chủ hôn lễ cho hai người.
Ông rất vui vẻ dễ thương, làm lễ xong là thay quần short, xăn tay áo lăn xả vào bếp nấu nướng, thân tình như người trong gia đình chứ không như một số nhà tu hành của mình cứ làm như ông trời con chờ người hầu hạ. Chẳng phải chỉ có anh em nhà Mark mê chơi Bầu Cua mà cả bạn bè hàng xóm người Mỹ cũng thích mê trò chơi này. Chắc nhờ trò chơi đơn giản dễ học lớn nhỏ đều có thể chơi chung và những cái hình ngồ ngộ màu sắc bắt mắt, lại không giới hạn số người tham gia. Trò chơi cũng sôi nổi hào hứng và hồi hộp gay cấn đủ cảm giác chứ không đơn điệu”.
Thứ trò chơi dân dã đầy đường trong những ngày Tết tưởng là thứ nhà quê, ai ngờ, theo ông Nguyễn Xuân Quang, lại là thứ có nhân sinh quan bác học. Thiệt hết biết. Mấy cái hình xanh đỏ tưởng chỉ dành cho trẻ nhỏ mừng lại là thứ Tây Tầu cũng mê say. Đúng là con cua con tôm, con cá con nai con gà và… cái bầu đã tạo nên một thế giới đại đồng!
Nhận xét
Đăng nhận xét