CsVN xử vụ "Chuyến Bay Giải Cứu" nhằm mục đích tuyên truyền hơn là hiệu quả lâu dài

CsVN xử vụ "Chuyến Bay Giải Cứu"
nhằm mục đích tuyên truyền hơn là hiệu quả lâu dài

Mộng Tuyền

Tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng trong bộ máy nhà nước csVN, chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng đã được kích hoạt từ nhiều năm, tuy “lò” của ông hoạt động với tất cả công suất có được, nhưng vẫn không thể nào “đốt hết” các quan chức tham nhũng trong đảng.
Theo RFA, Tòa án csVN tại Hà Nội hôm 11/7/2023 đã bắt đầu phiên xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” thời kỳ đại dịch COVID-19, dự kiến kéo dài 30 ngày với số lượng 54 bị cáo trong đó có đến 21 người là cựu quan chức nhà nước bị cáo buộc tội nhận hối lộ. Số tiền hối lộ được cho biết lên đến hơn 165 tỷ đồng.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến tháng 12 năm 2021, nhà nước csVN đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, gọi là những chuyến bay giải cứu hay chuyến bay hồi hương, để đưa gần 200 ngàn công dân Việt Nam từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu trở về nước.
Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, người đề nghị tổ chức chuyến bay giải cứu theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tổ công tác các chuyến bay giải cứu gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.
Ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao cùng với 19 quan chức khác là những bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, với các tội danh như “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “nhận hối lộ’, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.


• Những nhân vật đáng chú ý trong vụ án là các cựu quan chức cấp cao của nhà nước csVN:
- Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần nhận, tổng cộng 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng.
- Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng là quan chức cấp cao nhất, cơ quan điều tra xác định ông đã 37 lần nhận hối lộ của 12 doanh nghiệp với số tiền là 21,5 tỷ đồng để cấp giấy phép các chuyến bay giải cứu với giá vé “cắt cổ” cho các hành khách người Việt bị kẹt lại ở nước ngoài trong đại dịch COVID-19.
- Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, bị cáo buộc 32 lần nhận hối lộ của tám đại diện các doanh nghiệp, tổng số tiền 25 tỷ đồng, nhiều thứ ba trong số các bị cáo nhận hối lộ.
• Có thể đòi lại khoản phí phi lý mà người quay về trên các chuyến bay “giải cứu” buộc phải trả?
Theo VOA, Luật Sư của ông Tô Anh Dũng thông báo là Ông “đã nhận sai” và đã nộp lại số tiền để khắc phục hậu quả là 16,2 tỉ đồng.
Trong khi giá vé chính thức được công bố lúc đó chưa đến 40 triệu đồng. Thế nhưng hành khách mua vé máy bay để trở về nước phải trả từ 150- 250 triệu đồng, khoảng chừng từ 4.000 – 5.000 đôla. Thông qua việc đưa, nhận hối lộ, các cơ quan chức năng nhà nước csVN đã “phù phép” cho giá vé cao lên gấp năm bảy lần so với giá quy định ban đầu, họ huởng số tiền chênh lệch “khủng” đó trên sự đau khổ của người dân tha hương, khi buộc phải trở về nước vì không còn nguồn sống hoặc vì những lý do bức thiết khác trong thời gian đại dịch COVID-19 toàn cầu.
Về mặt pháp lý, trong quá trình tố tụng những nạn nhân trong vụ án có quyền yêu cầu bồi hoàn số tiền mà họ bị thiệt hại. Nhà cầm quyền csVN đưa những quan tham ra xét xử, nhưng liệu có tính đến việc bồi hoàn thiệt hại cho những nạn nhân hay không, hay tiền thu hồi được từ vụ xét xử này sẽ chạy vào túi của những kẻ quyền lực hơn trong băng đảng csVN.


• Chống tham nhũng chỉ là giải quyết ở phần ngọn:
Việc nhà cầm quyền csVN tổ chức những “chuyến bay giải cứu” là hành động nhân đạo, nhưng do quan chức tham nhũng nó đã trở thành việc làm vô nhân đạo. Ông Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” nhằm mục đích làm trong sạch đảng, nhưng một thực tế cho thấy là đảng càng muốn làm sạch vết bẩn tham nhũng, thì nó lại càng lan ra sâu rộng hơn. Từ khi lò ông Trọng được khởi động, có hàng trăm tờ báo đảng hàng ngày đăng tin vô số những tham quan lớn bé bị đưa vào lò, số lượng đảng viên tham nhũng bị “đốt” là rất nhiều, nhưng so với tổng số thành viên của băng đảng csVN thì con số này là rất ít.
Thay vì nghiên cứu cách làm cho nạn tham nhũng không thể xảy ra, thì ông Trọng lại chỉ lo tập trung diệt tham nhũng. Đây là một lỗi hệ thống “chí mạng” của chế độ độc đảng, bởi vì hệ thống chính trị của nhà nước csVN là nguồn gốc sinh ra vấn nạn tham nhũng, do vậy chống tham nhũng kiểu của ông Trọng chỉ là giải quyết ở phần ngọn, mà không thể giải quyết ở phần gốc.
Muốn không có tham nhũng, thì quốc gia phải có sự cạnh tranh cầm quyền giữa các đảng phái, có hệ thống tam quyền phân lập, nhà nước có nền pháp trị nghiêm minh khiến không ai có thể đứng trên pháp luật, quốc gia phải có sự minh bạch, có một nền báo chí độc lập, nhất là nền báo chí điều tra. Nhân Viên và Giới Chức nhà nước phải có mức lương xứng đáng.
Do đó, để việc phòng chống tham nhũng đạt được hiệu quả, thì thiết kế hệ thống chính trị của quốc gia không được thiếu đi một trong những điều cơ bản nêu trên. Nhưng thật đáng tiếc, hệ thống chính trị của nhà cầm quyền csVN đã không có được cho dù chỉ là một trong tất cả những điều không thể thiếu đó. Vì thế, ngày nào đảng csVN chưa từ bỏ hệ thống chính trị độc tài hủ bại, thì ngày ấy việc chống tham nhũng chỉ là trò phô diễn của việc “đuổi hình bắt bóng”.
Võ Mộng Tuyền
Germany
13/7/2023

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180