Ngày Khởi Đầu Thảm Họa Tại Việt Nam ...!

Ngày Khởi Đầu Thảm Họa Tại Việt Nam ...!

Hoàng Độ

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, một hội nghị được gọi là “Hội Nghị Geneve” chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, chia đôi nước Việt Nam thành hai lãnh thổ: Bắc và Nam.
Hiệp Định Geneve ngày 20-7-1954 có hai mục tiêu chính:
– Chấm dứt chiến tranh Đông Dương trong đó có Việt Nam
Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam và các nước Miên, Lào.

Thật sự có cần ngày 20-7-1954 để đạt những mục tiêu đó hay không?

Chúng ta hãy xét tóm lược dưới đây:
I- Chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam ?

Sau thế chiến thứ 2, Đức bại trận, Nhật đầu hàng, thế giới đồng ý kiến tạo một trật tự mới: Hòa bình, hợp tác, tái thiết, xây dựng, ngăn ngừa chiến tranh, thành lập Liên Hiệp Quốc.

Thế giới ngưng chiến tranh tàn phá, tạo cơ hội mới cho nhân loại. Nhưng do tham vọng bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản do Liên Bang Sô Viết (Liên Sô) dẫn đầu – sau này có thêm Trung Cộng (Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa) – đã gây ra chiến tranh lạnh, tạo căng thẳng trên khắp thế giới, nhưng cuối cùng vẫn phải sụp đổ vì đi ngược đạo lý của loài người. Tiếc thay, Việt Nam cũng đã có những con người lầm lạc chạy theo chủ nghĩa vô nhân hoang tưởng này và hiện nay vẫn còn tiếp tục.

II- Độc lập cho dân tộc Việt Nam ?

Sau thế chiến 2, xu hướng toàn cầu là giải trừ chế độ thực dân. Nhiều quốc gia đã được độc lập trong hòa bình mà không cần phải gây chiến tranh đổ máu: Nhật từ bỏ đô hộ Triều Tiên (1945); Mỹ trả độc lập cho Phi Luật Tân (1946); Anh trả độc lập cho Ấn Độ (1947), cho Palestine (1948), cho Ai cập (1956), Phi Châu (1960’s); Bồ Đào Nha từ bỏ thuộc địa tại châu Phi; Hòa Lan trả độc lập cho Indonesia…

Tại Việt Nam, nếu không có đảng cộng sản Việt Nam dưới chiêu bài Việt Minh và các tổ chức ngoại vi, Đất Nước cũng đã đươc độc lập trong nhiều cơ hội:

1- Ngày 9 tháng 3, 1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, chấp nhận để Việt Nam được độc lập và thành lập Đế Quốc Việt Nam (xem #6). Ngày 11-3-1945, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố chính thức hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884. Ngày 17-4-1945, thành lập chính phủ Trần Trọng Kim với các bộ trưởng tài giỏi và đạo đức tạo nền móng vững chắc cho dất nước mặc dù chỉ tồn tại trong 4 tháng do cộng sản Việt Minh cướp chính quyền ngày 19-8-1945.

2- Ngày 5 tháng 6, 1948: Pháp ký “Hiệp Ước Vịnh Hạ Long” (xem #7 tr. 86-87) Pháp “nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam. Từ rày về sau, việc tự do thực hiện nền thống nhất quốc gia tùy nơi nước Việt Nam…”, đồng ý cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng của chính phủ Quốc Gia Việt Nam, thừa nhận Việt Nam là quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp. (*) Ngày 8 tháng 3, 1949 Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký “Thỏa Ước Elysee” với Quốc Trưởng Bảo Đại xác nhận “Việt Nam là một nước độc lập, dân chúng có quyền tự do quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình” theo hiệp ước Vịnh Hạ Long. Quốc Gia Việt Nam đã được Hoa Kỳ và Anh công nhận ngày 7 tháng 2, 1950 và TT Mỹ Truman công bố chương trình viện trợ quân sự ngày 27-6-1950. Ngày 22-8-1951, Mỹ mời chính phủ Quốc Gia Việt Nam tham dự Hội Nghị Quốc Tế Hòa Bình tại San Francisco. Hiệp ước Mỹ Nhật ký ngày 8-9-51 tại San Francisco có đại diện của chính phủ Quốc Gia Việt Nam (xem hình **). Ngày 1 tháng 7 năm 1952, Hoa Kỳ nâng tòa Lãnh sự ở Saigon thành Đại Sứ quán với chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Ngược lại, chính phủ QGVN thành lập tòa Đại Sứ tại Hoa Thịnh Đốn.

Trong khi đó: Ngày 1/10/1949, Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tạo ra một cuộc diện mới ở Đông Dương và thế giới. Ngày 18-1-1950: Nga và Trung Cộng thừa nhận chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh với khẩu hiệu “Việt Trung Sô hữu nghị”. Ngày 10-2-51, Hồ Chí Minh bí mật gặp Stalin để xin viện trợ sau khi thăm Bắc Kinh. Nếu không có viện trợ của Nga và Trung Cộng, chắc chắn HCM và cộng sản Việt Minh không thể nào thành công trong chiến tranh phá hoại.

Như vậy, Việt Nam đã có hai cơ hội độc lập khỏi thực dân Pháp mà không cần đổ xương máu nếu không có Liên Sô và Trung Cộng can thiệp hỗ trợ cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

III- Việc chia đôi đất nước

Sau thế chiến thứ 2, do tham vọng của Liên Sô, Trung Cộng và đàn em tay sai là đảng CSVN, chiến tranh đã bùng nổ tại Đông Dương, đưa đến hiệp định Geneve chia đôi đất nước.

* Miền Bắc: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chủ nghĩa Cộng Sản, dưới chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản, ngày càng kiệt quệ, nghèo đói, người dân sống cơ cực lầm than.

* Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa theo thể chế dân chủ, đa đảng được các nước dân chủ Tây Phương công nhận, kinh tế phát triển, người dân sống trong thịnh vượng mặc dù có sự phá hoại của du kích cộng sản và sau này của bộ đội chính quy Bắc Việt.

Như vậy, việc chia đôi đất nước không cần thiết và chỉ là một thảm họa.

IV- Thống nhất Việt Nam

Cộng Sản Việt Nam phát động chiến tranh bành trướng chủ nghĩa Cộng sản đến miền Nam, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản cho dân tộc cả hai miền, cuối cùng đã thống nhất bằng bạo lực. Sau gần nửa thế kỷ, đất nước vẫn còn ở dưới ách độc tài toàn trị, xã hội khủng hoảng về mọi phương diện.

V- Kết luận:

1. Ngày 20-7-1954 là ngày đại họa cho dân tộc Việt Nam

2. Không cần phải có ngày 20-7-1954 Việt Nam vẫn có độc lập, thống nhất và hòa bình

3. Sự thống nhất bằng võ lực ngày 30-4-1975 đã gây thảm họa cho dân tộc.

4- Đảng cộng sản Việt Nam phải từ bỏ độc quyền cai trị để người dân có quyền quyết định vận mệnh của chính mình.

5- Người dân Việt Nam phải được quyền tự do lựa chọn thể chế, đưa đất nước đến thịnh vượng, thanh bình và hạnh phúc cho dân.

Hoàng Độ
Ghi chú:
(*) Ngày 7/6/1948, Hồ Chí Minh lên tiếng tại Thái Nguyên “phản đối” hiệp ước mà ông ta cho là “bọn bù nhìn” ký kết hòa ước với bất cứ nước ngoài nào (#7 trang 88).

(**) Hiệp ước hòa bình Nhật – Mỹ ký tại San Francisco có sự tham dự của đại diện Quốc Gia Việt Nam. Chữ ký và tên của phái đoàn chính phủ QGVN trong hiệp ước hòa bình Mỹ – Nhật. Xem link:

Tài liệu tham khảo :
1. China & The Vietnam War 1950-1975 (Qiang Zhai) – The University of North Carolina Press – 2000
2. The Struggle for Indochina 1940-1955 – Ellen J. Hammer – Stanford University Press – 1954,1955 (1966)
3. Tài liệu về cuộc chiến 1946-1954 “Ghi chép thực về đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” – Truyền thông số 32-33, 2009.
4. Công và Tội những sự thật lịch sử– Nguyễn Trân – Xuân Thu – 1992
5. Gọng Kìm Lịch Sử – Bùi Diễm – Cơ Sở Phạm Quang Khai – 2000
6. Đế quốc Việt Nam – GS Phạm Cao Dương – Truyền Thống Việt – 2017
7. Việt Nam niên biểu, tập B: 1947-1954 – Chính Đạo – Văn Hóa 1997
8. Những Biến Cố Lớn Trong 30 năm chiến tranh Việt Nam – GS Nguyễn Đình Tuyến – 1995.
9. Hồi ký: Trần Trọng Kim – Nguyễn Xuân Chữ – Nguyễn Hiến Lê – Nguyễn Tường Bách – Võ Nguyên Giáp (Điện Biên Phủ) – Bảo Đại – Pierre Darcourt – Trần Đức Thảo (những lời trăn trối)…

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209