Thoàn Nghĩa Là Gì Trong Văn Hóa Miền Nam ...?

Thoàn Nghĩa Là Gì Trong Văn Hóa Miền Nam ...?
Nguyễn Gia Việt

Hôm kia thấy một trang văn hóa Miền Nam giải thích chữ "thoàn" trong văn hóa Miền Nam bắt ghét, đọc không ưa bụng miếng nào. Bữa nay xin nói chữ nghĩa tiếp cho nó ấm bụng, để trong lòng khó chịu, lâu mắc công sình bụng chết bà.
Người Nam Kỳ nói kiểu Nam Kỳ là hay nói có nhiều chữ gọi là nói trại, nói trớ, nuốt âm do bị kỵ húy và thói quen. Kỵ húy là xuất phát của hoàng gia nhà Nguyễn, ví như hoa thành bông, phúc thành phước, miên thành mên, đảm thành đởm. Kỵ húy xóm làng cũng có luôn, cái này do dân làng tôn trọng ai đó mà không đọc tên người đó. Thí dụ ông Minh đọc trại thành ông Miêng, ông Bang đọc trại thành ông Bương.

Và cái thứ ba là đọc trại âm do đặc điểm của người Nam Kỳ. Như chúng ta biết dân Nam Kỳ ngày xưa chủ yếu là dân Ngũ Quảng đi di cư khai hoang vô, người Ngũ Quảng đã nói cái âm “răng tê rứa” rồi vô Nam thích nghi với phong thổ Nam Kỳ và không còn răng mô tê rứa, tuy nhiên vẫn còn phảng phất chút đỉnh cái ngữ âm Trung Kỳ.
Dân gốc Ngũ Quảng hiệp cùng người Minh Hương nói tiếng Việt kiểu “Thôi tui dề à" và "Chời lất ui”, thành ra có nhiều từ rất “Nam Kỳ” mà giải thích kỵ húy là không đúng, chẳng kỵ húy ai hết. Thí dụ như câu sau:
        “Ngó ra ngoài biển minh mông
        Thấy chiếc thuyền rồng cất mái chèo đua“

Minh mông là cách Nam Kỳ, Bắc viết là mênh mông. Nam Kỳ cứ “minh mông”, rồi ”thinh thang”, ”linh đinh” mà quứt tới.
        “Phận bèo bao quản nước sa
        Linh đinh đâu nữa cũng là linh đinh”

Câu này thấy rất rõ
        "Rạch Nhà Ngang khúc cong khúc lượn
        Sông Gò Quao sông lớn sông dài
        Linh đinh như chiếc giã ra vời
        Như thuyền ra cửa, biết mấy đời gặp nhau"

Linh đinh là phận nổi trôi sông nước không biết ngày cắm sào, chuyện của người thương hồ gạo chợ nước sông. Minh là cách phát âm Nam Kỳ của chữ mênh, minh mông là rộng xa, không biết đâu là bờ bến, cái khoảnh rộng của đất trời, mù mịt khoảnh không.
- Chữ Minh thành chữ Miêng. Thí dụ minh bạch đọc thành miêng bạch, minh bạch tiếng Hán là trong sáng .
        “Canh tư cất bút thề nguyền
        Khứ lai miêng bạch cho tuyền thủy chung
        Canh năm cờ phất trống rung
        Anh gá tiếng cùng bậu chớ nghe ai“

- Đọc "duyên" thành "dươn", dân Nam Kỳ đọc "lương dươn" chính là "lương duyên".

Duyên là một thuật ngữ của Phật. 緣分 duyên phận là cuộc đời đã có những ràng buộc được định trước. Mối ràng buộc vợ chồng được định sẵn.
        “Nghinh hôn giá thú bất khả luận tài
        Trăm năm chẳng hiệp dươn hài
        Anh nằm lăn xuống bệ, anh lạy dài ông Tơ”

Chữ "dươn hài" ở đây là duyên hài trong câu thành ngữ "Duyên hài can lệ", nghĩa là hạp vợ chồng, phải đạo vợ chồng. 緣諧 duyên hài là sự hòa hợp giữa vợ chồng.

- Quờn là quyền, quờn phép là quyền phép.
        “Chẳng qua là gió đưa dươn
        Nào ai cướp lộc dành quờn chi ai"
- Dân Nam Kỳ hay nói dèm, dèm xiểm, dèm siểm, dèm xiểm là đặt chuyện nói xấu làm cho người ta ghét nhau.
        “Bát kia trong sóng rung rinh
        Dầu ai dèm xiểm chúng mình, mặc ai”

- Hường là hồng. Dân Nam Kỳ nói hường nhan là hồng nhan, chỉ vẻ lịch sự, gương mặt đẹp đẽ của đờn bà. Hồng thành Hường là kỵ húy tên vua Tự Đức, ông tên Nguyễn Phước Hồng Bảo.
        “Anh thấy em nho nhỏ, lại có hường nhan
        Chân mày em loan, con mắt em phụng
        Anh đi nội lục tỉnh này mà ưng bụng chỉ có mình em”

Còn hườn sanh là hoàn sinh, là sống lại, chữ hườn này là chữ hoàn.
        “Phải chi cải tử hườn sanh
        Mổ gan trao lại mới đành dạ qua”

- Vãng là gì?
Người Nam kỳ hay xài từ vãng, chữ vãng trong câu ca dao sau có nghĩa là qua lại, vãng lai là qua lại, lui tới thăm viếng, trao tình.
        “Ngọc còn ẩn bóng cây tùng
        Náu nương chờ đợi anh hùng vãng lai”

Nhớ tới Vãng Luông hay Dãn Luông là đọc trại của tỉnh Vĩnh Long, đất Vãng, xứ Vãng, chợ Vãng.

"Vãng sanh Cực Lạc" có nghĩa là khi hết nghiệp trần (chết) được sanh về thế giới Tây Phương.

- Người Nam Kỳ hay nói nghĩa thành ngãi hoặc ngỡi. Thí dụ: nhơn ngãi, kết ngỡi
        “Tới đây cụm liễu giao nhành
        Hỏi em kết ngỡi có thành hay không”

Chữ nghĩa thành ngãi là kỵ húy chúa Nghĩa. Tình xưa ngỡi cựu là tình xưa nghĩa cũ, tình mặn ngỡi nồng ý nói nghĩa tình mặn nồng, sâu nặng. Vậy nhơn ngãi, nhơn nghĩa ở đây là nhân nghĩa.

Kể ra những địa danh chữ ngãi ở Nam Kỳ không hiếm. Thí dụ Gò Công xưa là đất của hai làng cổ Thuận Tắc, Thuận Ngãi mà hiệp thành.

Ngày nay Bà Rịa có Ngãi Giao và An Ngãi, Trà Vinh có Ngãi Hùng, Ngãi Nhì, Tập Ngãi và Ngãi Xuyên, Vĩnh Long có Ngãi Tứ, Bến Tre có Ngãi Đăng. Ngoài ra còn có Ngãi Thuận, Ngãi Lợi, Ngãi Hội, Đại Ngãi, Tập Ngãi, Mỹ Ngãi, Ngãi Hưng... Tại quận Châu Thành tỉnh Long An có xã Phú Ngãi Trị. Châu thành Vĩnh Long có làng Tân Ngãi.

- Thỉ chung
        “Tay bưng đĩa muối tay bợ tràng rau
        Thỉ chung như nhứt sang giầu mặc ai”

Thỉ chung tức là thủy chung, nghĩa là bắt đầu và kết thúc, ám chỉ vợ chồng sống với nhau trọn đời.
Bây giờ trở lại đề tài chánh mà cần phải nói nè, nói chữ "thoàn" trong lịch sử Miền Nam. Trang kia giải thích chữ "thoàn" là dòng nước là trật chìa rồi, dòng nước là "xuyên".
Người Nam Kỳ nói chữ “thoàn” trong những trường hợp nào? Ông Huỳnh Tịnh Của có bài thơ dài, có 4 câu vầy:
        "Chim quyên xuống đất ăn trùn
        Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than
         Nhìn nhau lụy ứa hai hàng
        Cựu bang em ở lại, đông thoàn anh lui"

Chữ thoàn là đọc trại của từ thuyền. Danh hài Phi Thoàn tức là Phi Thuyền. Câu ca dao dưới đây làm bạn sẽ dễ hiểu hơn:
        "Gặp mặt em đây dưới thủy trên thoàn
        Hỏi thăm phụ mẫu, song toàn hay chăng"

Vũng Tàu còn có tên là "Tam Thoàn" do người Phú Yên lập ra. Vũng Tàu từng có tên là Tam Thoàn, tức Tam Thuyền. Nhắc lại sự kiện năm 1882 thời vua Minh Mạng, vâng mệnh vua có ba ông đội người Phú Yên là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền thuộc ba đội binh đi trên ba chiếc ghe (Tam Thoàn) đổ bộ lên đất Vũng Tàu đã thành lập ba làng đầu tiên: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam.
Vũng Tàu trong thư tịch nhà Nguyễn mang tên Hán tự là 船隩 Thuyền Úc. Thuyền Úc là cái vũng kín gió đậu thuyền bè. Pháp đặt tên cho xứ này là Cap Saint Jacques, Vũng Tàu là âm thuần Việt của Thuyền Úc.

Thoàn còn có nghĩa là "thiền" tức là con ve. Thư tịch Miền Nam xưa hay có câu "Kim thoàn thoát xác" (con ve lột vỏ).

Nguyễn Gia Việt
Nguồn FB


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180