Ngôn ngữ Việt cộng: "Chôn rau cắt rốn"

Ngôn ngữ Việt cộng: "Chôn rau cắt rốn"
Đoàn Xuân Kiên
Bài viết này được gợi ý từ một bài báo trên VietnamNet: "Chôn rau cắt rốn" hay "chôn nhau cắt rốn" ? (VietnamNet, ngày 03/11/2017).
Sự thể bắt nguồn từ một trang sách giáo khoa Tiếng Việt Lớp 5 mà trang báo có chụp lại nguyên văn.
Theo bài báo vừa kể thì trang sách nọ đã từng được một giáo viên tại Tp. HCM góp ý là không chỉnh. Nay đến lượt một phụ huynh học sinh tại Hà Nội lên tiếng cho rằng sách giáo khoa đã viết sai thành ngữ "chôn nhau cắt rốn".
Thông thường thì khi có ý kiến trái chiều dấy lên tất có chuyện gì đó chưa ổn đáng, và cần được nói lại cho rõ. Có vẻ là trang báo VietnamNet cũng đã cố gắng tìm giải đáp trong các giới chuyên môn.
"Sợ rằng, trong Nam và trước đây quen dùng "nhau" thay cho "rau", tôi lại thử tra tiếp thì thấy "chôn rau cắt rốn" cũng xuất hiện cả trong cuốn "Việt Nam tự điển" của Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, xuất bản ở Sài Gòn lần đầu năm 1970."


Nhà báo dường như có ý bảo rằng quyển từ điển Lê Văn Đức là cơ sở vững chắc để khẳng định rằng trong Nam trước kia cũng dùng "chôn rau cắt rốn"! Đây là một khẳng định rất bấp bênh, vì thực tế ngôn ngữ đàng trong không hề xác nhận một khẳng định như thế.
Hơn nữa, bộ từ điển Lê Văn Đức chưa hề được học giới tin cậy vì nhiều lẽ, mà chủ yếu là ở phương pháp biên soạn từ điển của nhóm soạn giả này.
Khẳng định chắc nịch


Sau đó là ông Phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục, ông Nguyễn Văn Tùng, lên tiếng. Ông khẳng định chắc nịch là trong tiếng Việt, rau hoặc nhau là hai cách phát âm (hai biến thể ngữ âm) của cùng một từ chỉ bộ phận nối thai nhi với thành tử cung của mẹ qua dây rốn để cung cấp dinh dưỡng, bài tiết chất thải và trao đổi khí qua máu cho thai nhi.
Ông Nguyễn Văn Tùng đưa dẫn chứng: Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 2005) có cả hai mục từ rau và nhau, nhưng cho rằng rau là cách phát âm của phương ngữ (tr, 706, 822).


Ở cương vị một phó giám đốc, chắc trình độ của ông phải đủ vững để cho công chúng biết hai biến thể của một từ hẳn phải phát xuất từ một từ gốc nào đó. Vậy trong trường hợp hai từ này, hai biến thể kia đi từ gốc nào của tiếng Việt phổ thông? Ông không nói.
Vậy thì những điều gọi là lý giải của ông chưa đủ "khoa học", chưa thuyết phục. Có lẽ vì vậy, ông Nguyễn Văn Tùng phải viện dẫn thêm ba chứng lý nữa, một từ cuốn sách y khoa, một từ quyển Thành ngữ học tiếng Việt của Hoàng Văn Hành, một từ câu thơ của Tố Hữu để đi đến kết luận là sách giáo khoa đã viết đúng.
Tưởng thế là mọi lý giải đã ổn thoả, nhưng ông phó tổng biên tập lại đưa ra một phát biểu làm lung lay những khẳng định chắc nịch trên đây, khiến nó không còn chắc nịch chút nào:
"Ở những địa phương quen gọi rau là nhau, các thầy, cô giáo có thể giải thích cho học sinh hiểu và học sinh cũng có thể sử dụng cách gọi nào quen thuộc hơn với mình" (VietnamNet, ngày 3/11/2017).
Thế 'nà' thế 'lào'?


Cuối cùng bài báo đưa ra ý kiến của một nhà ngôn ngữ cấp hàn lâm, ông PGS. TS. Phạm Văn Tình, tổng thư kí hội ngôn ngữ học Việt Nam, rằng "Chôn nhau cắt rốn" và "Chôn rau cắt rốn" là hai biến thể, mỗi nơi dùng một kiểu, và cả hai đều có thể dùng được!
Một bài báo phổ thông thì khó đòi hỏi nhà báo giải quyết rốt ráo vấn đề. Vả chăng, vấn đề bàn ở đây đòi hỏi một trình độ chuyên ngành chứ phát biểu kiểu cả vú lấp miệng em như ông Phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục, hay kiểu nước đôi như ông hàn lâm Tình thì một người đường phố cũng làm được và vẫn thường làm đấy.
Sự thật thế nào?


Sự thật thì ông Nguyễn Văn Tùng và ông Phạm Văn Tình không cho công chúng thấy biến thể trong ngôn ngữ phải là biến thể từ một thể gốc. Không có ngoại lệ. Ở trường hợp chữ nhau đang bàn ở đây, bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, đã cho biết từ rau là biến thể trong phương ngữ tiếng Việt; vì vậy các soạn giả bộ từ điển đã bảo người đọc tìm về từ nhau, và có giải nghĩa tường tận.
Người bình thường khi xem đến thế thì đã hiểu rằng từ rau là biến thể của từ nhau. Những người soạn sách giáo khoa đã lười biếng để chỉ dựa theo kiến thức cục bộ địa phương của mình; nhưng những người biên tập ở đâu mà không làm việc chỉnh đốn lại?


Đến ông phó tổng biên tập nhà xuất bản cũng lại lười biếng và chỉ dùng lối nói trịch thượng để bao biện cho thuộc hạ của mình. Về mặt giáo dục, nhà xuất bản Giáo Dục đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của sách giáo khoa là cung cấp cho học sinh phổ thông những kiến thức xác thực, nền tảng.
Khi thầy cô giáo phải diễn giảng theo địa phương mình thì tính nhất quán, tính xác thực ổn định của sách giáo khoa phổ thông không còn nữa. Giáo dục nước ta cho phép tuỳ tiện được sao?
Cách giải quyết vấn đề từ nhà báo Kiều Hải đến ông Nguyễn Văn Tùng và ông Phạm Văn Tình đều thiếu thuyết phục vì những ý kiến nêu ra nhằm biện hộ cho cái sai hiển nhiên của sách giáo khoa đều có tính cách nói suông, chẳng có chứng lý gì chống đỡ cho những phát biểu của quý vị.
Đem ba pho từ điển ra chỉ để nói vo mà không cho biết gì nội dung của chúng thì đem chúng ra chẳng thêm chút sức nặng nào cho những điều gọi là lý giải của quý vị. Dựa vào một câu thơ của một cá nhân, hoặc một chứng từ công trình sưu tập cũng không thể làm tăng giá trị lời phát biểu của quý vị.


Các vị có trong tay hơn một quyển từ điển, trong đó có hẳn một bộ biên soạn đứng đắn, có phương pháp nghiêm túc.
Tuy vậy, chỉ lật qua lại trang nào có từ theo ý chủ quan của mình thì chưa thể gọi là tra cứu, cùng lắm thì chỉ là tra thôi chứ chưa có cứu tí nào cả. Đòi hỏi nhà báo phải tra cứu cẩn thận thì cũng quá đáng, nhưng hai ông Tùng và Tình thì phải tra cứu từ điển nghiêm túc hơn chứ!
Sao không nói được?
Ở đây cần nói ngay một sai lầm nghiêm trọng của hai ông Nguyễn Văn Tùng và Phạm Văn Tình là các ông khá hời hợt trong việc tra cứu.
Chỉ riêng bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học đáng ra đã đủ cho ông Tùng phủ định giá trị của trang sách giáo khoa kia rồi, và ông Tình đã từng ở cơ quan biên soạn ra bộ từ điển này, sao không nói được cho công chúng những gì cần phải nói?
Nếu đi chuyên sâu thêm trong việc tra cứu thì ông Phạm Văn Tình còn có thể nhìn ra nhiều điều hay hơn, giá trị hơn lời phát biểu hời hợt không hơn một người ngoài đường phố.


Là một người nghiên cứu ngôn ngữ, hẳn ông Tình phải hiểu rằng kiến thức chúng ta có hôm nay là một công phu kế thừa và phát triển trong dọc dài tích luỹ tri thức chuyên ngành.
Đối với những thành ngữ như chúng ta đang bàn đây, một dúm từ điển ra đời khá mới về sau này, trong điều kiện học tập lệch lạc, khó có thể giúp người học hỏi tìm ra giềng mối để định đúng sai.
Trong số các từ điển mới, chúng ta đã biết là bộ Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học công nhiên xem từ rau chỉ là biến thể thuộc phương ngữ của từ nhau. Bộ từ điển này giảng nghĩa từ nhau rõ và đủ như sau: "nhau, d.: Bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và thai. Cuống nhau. (Nơi) chôn nhau cắt rốn." (tr. 706).
Định nghĩa này hoàn toàn ăn khớp với bộ Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về trình độ tiếng Việt, về phương pháp soạn từ điển.


Những ai quan tâm đến quá trình biên soạn pho từ điển của Hội Khai Tiến Đức đều thấy Ban Văn Học của Hội đã thu thập các mục từ một cách sâu rộng và sắp đặt có phương pháp chặt chẽ đúng quy cách một bộ từ điển tiêu chuẩn. Từ điển KTTĐ ghi mục từ nhau như sau: "Nhau. Đoạn ruột nối tử cung mẹ với cái thai khi ở trong bụng: Cắt nhau, chôn nhau." (tr. 404).
Trước đó nữa, bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895-96) cũng có mục từ nhau như sau: "Nhau: n. Cái bọc con ở trong lòng mẹ. Nhau rún. Chỗ mình sinh sản, gốc gác. Nhau bọc. Cái bao gói cả đứa con ở trong bụng mẹ nó. Rước nhau. Rước cái nhau còn ở trong bụng mẹ con nít. Ngơi nhau. Cái nhau còn nín trong bụng mẹ." (T. 2, tr. 126).


Ngoài ra, xin mách thêm một bộ từ điển Dictionnaire Annamite-Francais của J.F.M. Génibrel (1898) cũng có từ nhau, giải nghĩa là Cordon ombilical (cuống rốn), và có hai ví dụ: Người nhau rún, Chỗ nhau rún. Cần lưu ý là ở hai bộ từ điển trên đây, mục từ Rau là một từ khác hẳn, không lẫn lộn với từ nhau bàn ở đây.
Cha ông không lẫn lộn
Đến đây chúng ta có thể nhận thấy từ nhau là một từ phổ thông trong tiếng Việt đã lâu đời. Cha ông chúng ta không lẫn lộn từ địa phương và từ chuẩn. Các bộ từ điển đứng đắn ở cả nước từ xưa đến giờ đều thống nhất lề lối thu thập các mục từ là từ kho từ vựng phổ thông, từ vựng tiêu chuẩn.
Tại sao đến thời này tiếng Việt trở nên rối loạn như thế? Một từ địa phương bị đem ra thay một từ phổ thông mà một người có học vị tiến sĩ và chức danh giảng dạy Phó Giáo sư như ông Phạm Văn Tình không thấy xốn xang hay sao?
Đến đây có thể nói thêm gì về hiện tượng rau & nhau khiến cho một ông phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục và một ông hàn lâm (có hàm, vị phó giáo sư, tiến sĩ) cũng lúng túng rồi phát biểu như một người ngoài đường phố?


Sở dĩ có hiện tượng nói rau (ở vùng Nam Định, Ninh Bình rõ nhất) để chỉ cái nhau là vì người mình ở một số địa phương xa xôi có lối chuyển âm đầu tại các vùng từ Quảng Bình Quảng Trị ra tới Nam Định: nh & d & r. Vài thí dụ: người Quảng Bình nói: "đi về dà" (nhà), người ở vùng Nam Định - Ninh Bình hay nói: Nhà ta năm nay rư rả (dư dả)...
Những biến thể như vậy có rất nhiều, nhưng đối với nhà ngữ học thì chúng chỉ là biến thể.
Điều cần thiết là phải biết những biến thể ấy là của những từ nào trong tiếng Việt phổ thông. Nhà ngữ học có làm tròn phần việc của mình thì nhà giáo dục mới có cơ sỡ vững chắc cho việc giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa.
Hiện nay có tình hình đáng buồn là sách giáo khoa vẫn độc quyền trong tay một nhóm giáo chức thư lại mà hiểu biết chuyên ngành rất đáng ngờ. Công luận liên tục vạch ra những bất cập của hệ thống sách giáo khoa các cấp.
Những phát biểu vô trách nhiệm của một phó tổng biên tập nhà xuất bản Giáo Dục cộng thêm với phát biểu hời hợt của một vị phó giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học phản ảnh tình trạng đáng báo động về thói thư lại lười biếng trong xã hội hiện nay.
Đoàn Xuân Kiên
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025