Trung - Nga : Vết rạn nứt trong thành trì của Putin, cơn ác mộng cho Bắc Kinh

Trung - Nga : Vết rạn nứt trong thành trì của Putin,
cơn ác mộng cho Bắc Kinh
Thùy Dương
Âm mưu nổi dậy của Yevgeni Prigozhin, chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner, đã bộc lộ những rạn nứt rõ ràng hiển nhiên trong nội bộ bộ máy quyền lực của tổng thống Nga Vladimir Putin. Đối với nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Pierre-Antoine Donnet, đó là một cơn ác mộng đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, bởi nếu chế độ Putin sụp đổ, có nghĩa là Bắc Kinh mất đi đồng minh lớn duy nhất trên trường quốc tế trước một phương Tây đang đoàn kết chống Trung Quốc.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình trong bữa dạ tiệc tại Cung điện Facets, Kremlin, Matxcơva, ngày 21/03/2023. AP - Pavel Byrkin
RFI giới thiệu bài viết của Donnet đăng trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 01/07/2023.
Về mặt chính thức, chính phủ Trung Quốc hạn chế bày tỏ sự ủng hộ đối với Vladimir Putin khi binh lính Wagner tiến về Matxcơva hôm 24/06/2023 và thận trọng nói thêm rằng không có chuyện Bắc Kinh can dự vào « công việc nội bộ » của Nga. Chỉ đến khi vụ binh biến của Wagner sắp kết thúc, bộ Ngoại Giao Trung Quốc mới tuyên bố : « Là một nước láng giềng hữu nghị và một đối tác chiến lược, Trung Quốc hỗ trợ Nga trong nỗ lực bảo vệ sự ổn định của đất nước, phát triển và đạt được sự thịnh vượng ». Tiếp theo đó, sau cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa thứ trưởng Ngoại Giao Nga Andrei Rudenko và ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông cáo khẳng định « Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Liên bang Nga nhằm ổn định tình hình trong nước liên quan đến sự kiện ngày 24/06 »
Tuy nhiên, cho dù vụ binh biến của Prigozhin tại Nga chỉ là thoáng qua, thì chắc chắn các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đã trải qua một ngày lo sợ, ngạc nhiên và mất tinh thần, bởi vì họ hiểu rằng vụ binh biến dù bị ngưng lại nhưng cũng đã cho thấy một thực tế ngày càng bộc lộ rõ : kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraina hôm 24/02/2022, chế độ của Vladimir Putin mỗi ngày đều gặp nhiều thất bại hơn
Chắc chắn là tất cả những nhà lãnh đạo này đều nghĩ đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 09/11/1989, sau đó là sự tan rã của Liên Xô ngày 25/12/1991. Vào năm 2013, khi gặp Joe Biden, lúc đó là phó tổng thống Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình, sau 1 năm nắm quyền ở Trung Quốc, nói rằng tội phạm lớn nhất của Nga không phải là Stalin mà là Mikhail Gorbachev, người làm Liên Xô sụp đổ. Cũng chính Gorbachev trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 15/05/1989 đã tận mắt chứng kiến hàng chục ngàn thanh niên Trung Quốc biểu tình, tập trung từ nhiều tuần trước đó tại quảng trường Thiên An Môn, để đòi hỏi có nhiều tự do hơn, cho đến ngày 04/06 nghiệt ngã, khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho quân đội nổ súng vào người biểu tình để đàn áp phong trào, sát hại hàng ngàn người.
Từ đó, đảng Cộng Sản Trung Quốc không ngừng rút ra các bài học về sự tan rã của Liên Xô cũng như vụ thảm sát Thiên An Môn. Vào tháng 07/2012, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phân phát cho các đảng viên « Cửu hào văn kiện - Tài liệu số 9 », tức danh sách « 7 mối nguy » hoặc « 7 chủ đề chúng ta không thảo luận » mà theo đảng Cộng Sản Trung Quốc là đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chỉ được phổ biến một cách hạn chế trong nội bộ đảng, nhưng đến tháng 04/2013 danh sách này đã được nhà báo bất đồng chính kiến Cao Du (Gao Yu) phát tán. Nhà báo này đó đã bị bắt, bị xét xử vì tội « tiết lộ bí mật Nhà nước » và bị kết án 7 năm tù vào năm 2015. Theo nhà báo Cao Du, chính Tập Cận Bình đã phê duyệt văn bản này và cũng là một trong các tác giả chính. « Bảy hiểm họa » được nói đến là các giá trị phổ quát, tự do báo chí, xã hội dân sự, quyền công dân, « những sai lầm lịch sử » của đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản thân hữu trong chính quyền và cuối cùng là sự độc lập của tư pháp.
Nỗi sợ hiệu ứng domino
Thường thì các phương tiện truyền thông chính thống đều bị kiểm duyệt chặt chẽ và phải phản ánh trung thành đường lối của Đảng. Nhưng vào ngày 24/06, như để minh chứng cho sự lo sợ trong giới cầm quyền, trên mạng Twitter, Hồ Tích Tiến, tổng biên tập có thâm niên của Global Times, báo Anh ngữ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lại tuyên bố rằng theo những gì đang xảy ra, thì « Nga sẽ không bao giờ có thể trở lại như trước đây nữa ». Theo nhà bình luận nổi tiếng về tư tưởng dân tộc ở Bắc Kinh, « cuộc nổi loạn vũ trang (của Yevgueni Prigozhin) đã đẩy Nga đến bên bờ vực. Dù kết quả ra sao, Nga cũng sẽ không bao giờ có thể trở lại là đất nước như trước khi xảy ra cuộc nổi loạn này ».
Vài giờ sau, tweet này đã bị xóa. Ngày hôm sau, sau khi chủ nhân Wagner tuyên bố kết thúc cuộc nổi dậy và sang Belarus, chính Hồ Tích Tiến đã đăng tải một tweet mới : « Prigozhin đã mau chóng chấm dứt cuộc nổi dậy mà không gây máu đổ, điều này dĩ nhiên đã giảm tác động đối với chính quyền Putin, nhưng không phải là không hề gây tác động ».
Trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 25/06, cũng được kiểm duyệt nghiêm ngặt, âm mưu binh biến ở Nga là dịp để người ta ngợi ca Vladimir Putin và « uy lực mạnh mẽ của ông ». Thế nhưng, nhiều người khác thì thừa nhận họ lo ngại về hậu quả của những sự kiện này đối với Trung Quốc. Wen-Ti Sung, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Úc về Trung Quốc, thuộc Đại học quốc gia Úc, cho biết : « Đa phần bình luận của người Trung Quốc trên mạng Weibo bày tỏ mối lo ngại về hiệu ứng domino : nếu Nga sụp đổ, tiếp theo có thể sẽ đến lượt Trung Quốc ». Nỗ lực nổi dậy của thủ lĩnh Wagner « đi ngược lại với câu chuyện (tuyên truyền của Trung Quốc) theo đó Putin được giới thiệu như một nhà lãnh đạo uy quyền, nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ nhân dân và là đối tác được lựa chọn của Trung Quốc. Nếu Putin không duy trì được ổn định, thì việc ủng hộ ông ta trở thành điều tệ hại ».
Trước khi cơ quan kiểm duyệt thực hiện công việc của họ, Weibo đã giúp hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc nhận thức được sự mong manh của chế độ Nga. Hình ảnh về đoàn xe quân sự của Wagner trên đường hướng tới Matxcơva đã thu hút 2,37 tỷ lượt xem trong vòng 24 giờ ngày 25/06, theo mạng thông tin trực tuyến Insider của Hoa Kỳ. Những hình ảnh đó đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi về hậu quả có thể xảy ra đối với Trung Quốc. Một cư dân mạng bình luận « Môi hở, răng lạnh », ngụ ý nói rằng sự bất ổn có thể lan sang Trung Quốc. Một người khác viết : « Nếu nước Nga bị tan rã bởi các cường quốc phương Tây hoặc nếu xảy ra tình trạng hỗn loạn trong nội bộ nước Nga, thì đó sẽ không phải là điều tốt cho Trung Quốc. Nếu (lực lượng của Wagner) thực sự tiến về Matxcơva, thì có thể chiến tranh sẽ xảy ra ngay gần biên giới của nước ta. Khi đó, sẽ rất khó có chuyện Trung Quốc không bị ảnh hưởng ».
Cũng trong ngày hôm đó, có một dấu hiệu khác cho thấy có sự lo lắng, đó là việc đề cập đến các sự kiện Wagner đã không được đưa vào báo cáo chính thức về các cuộc đàm phán giữa thứ trưởng Ngoại Giao Nga Andrei Roudenko và ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang). Chuyến thăm Bắc Kinh của thứ trưởng Nga chưa từng được công bố.
Các kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc cũng không chiếu bất kỳ hình ảnh nào về đoàn xe quân sự của Wagner trên đường hướng tới Matxcơva hôm 24/06 dù những hình ảnh này đã lan truyền khắp thế giới. Trái lại, truyền hình Nhà nước Trung Quốc đã phát sóng, mà không giải thích lý do, đoạn trích từ bài phát biểu của Vladimir Putin sáng 25/06 thông báo có hình thức trừng phạt đích đáng nhắm vào « những kẻ phản bội » tổ quốc.
Ngày hôm sau, Tân Hoa Xã đề cập đến Nga, nhưng là về Festival Nước thường niên ở Saint Petersburg, kèm theo một video quay cảnh bắn pháo hoa nhân dịp này, với một bình luận có ẩn ý : « Mặc dù những người tham gia lo ngại về tình hình, nhưng họ vẫn bày tỏ niềm tin vào chính phủ ». Tân Hoa Xã cũng giải thích rằng « sự cố » đó không gây rối loạn lớn cho xã hội Nga, cuộc sống của người dân ở Matxcơva và các nơi khác « hầu như không bị ảnh hưởng ».
Ngày 27/06, Suart Lau, thông tín viên của tạp chí Mỹ Politico tại Bruxelles nhận định : « Không cần phải có bằng tiến sĩ về Trung Quốc học thì mới tưởng tượng được sự choáng váng ở Bắc Kinh hồi cuối tuần trước ». Còn Shen Yi, giáo sư tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, được Politico trích dẫn, nhấn mạnh : « Tất nhiên, vụ việc này cho thấy sự phức tạp và không chắc chắn trong nội bộ nước Nga ». Yu Sui, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Đương đại Trung Quốc, cho biết : « Chắc chắn đó là hồi chuông cảnh báo đối với Nga. [Vụ Wagner] gợi nhắc lại câu ngạn ngữ Trung Quốc rằng cho hổ ăn là rước họa ». Chong Ja Ian, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, được CNN trích dẫn hôm 25/06, thì nói : « Rất có thể là đã có một vài cuộc họp khẩn ở Bắc Kinh để xem tất cả những điều đó có ý nghĩa gì đối với Putin, đặc biệt nếu nó dẫn đến một nước Nga bị rạn nứt hoặc một Putin bị suy yếu đi rất nhiều ».
Trên mạng Weibo, Jin Canrong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, viết : « Mặc dù cơn ác mộng của Nga đã tạm kết thúc (hôm 25/06), nhưng vụ việc này chắc chắn đã làm tổn hại hình ảnh của nước Nga và Putin ». Cũng chính vị giáo sư này, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nổi tiếng với quan điểm bài Mỹ rõ rệt, đã mô tả các sự kiện ngày 24/06 tại Nga là « siêu thực » : « Rất nguy hiểm khi một quốc gia dung túng và duy trì một tập đoàn quân sự phi Nhà nước quy mô lớn đến như vậy. Đó là một vết thương có thể bung ra bất cứ lúc nào. »
Quan hệ mãi mãi là « không giới hạn » ?
Trung Quốc dùy trì các mối liên hệ rất chặt chẽ với Nga. Bắc Kinh chưa bao giờ lên án vụ Nga xâm lược Ukraina và các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc suốt cả ngày chỉ phát đi các tuyên truyền của Nga về cuộc xung đột này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đề xuất đóng vai trò trung gian để sớm chấm dứt xung đột. Cho đến nay, Bắc Kinh cũng kiềm chế cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Nga, vì biết rằng đó là lằn ranh đỏ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington. Nếu vượt quá lằn ranh đó, Trung Quốc sẽ hứng chịu các biện pháp trừng phạt tương tự như các đòn trừng phạt đã nhắm vào Nga.
Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã gặp nhau 40 lần kể từ năm 2012. Họ coi nhau là như « những người bạn tốt nhất ». Mối quan hệ Trung-Nga càng được thắt chặt trong những tháng gần đây, cả hai nước đều coi mình là nạn nhân của thế bá quyền của Mỹ. Hồi tháng 02/2022, chưa đầy 3 tuần trước khi cuộc chiến ở Ukraina nổ ra, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung đã tuyên bố tại Bắc Kinh rằng mối liên hệ giữa hai nước giờ đây là « vô hạn ».
James Palmer viết trên tạp chí Mỹ Foreign Policy : « Sự yếu kém của Nga mà nhà lãnh đạo Wagner, Yevgueni Prigozhin, vạch trần có thể sẽ gây phiền phức cho một số nhân vật chóp bu của đảng Cộng Sản Trung Quốc và cuối cùng, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ biện minh rằng họ đàn áp là để duy trì sự ổn định quốc gia. Trong một thời gian dài, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lấy Liên Xô làm ví dụ cho những việc cần phải làm. Trung Quốc từng coi Putin là một hình mẫu không chỉ về việc đưa đất nước trụ vững trở lại mà còn nhằm chống lại phương Tây. Thế nhưng, những sự kiện hỗn loạn vừa qua sẽ khiến một nhóm nhỏ trí thức (ở Trung Quốc) có lý do để nói rằng Bắc Kinh có thể đã sai khi đặt cược quá nhiều vào Matxcơva ». Và kết quả là, theo James Palmer, cuộc nổi dậy ngắn ngủi ở Nga « cuối cùng có thể khiến Bắc Kinh thận trọng hơn », bởi vì « xét cho cùng, một quốc gia mà người ta không thể biết chắc đến ngày mai ai sẽ nắm quyền thì không phải là một đối tác đáng tin cậy » đối cho chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Trên Moscow Times, nhật báo độc lập bằng tiếng Anh chuyên chỉ trích chế độ Nga, Jake Cordell hôm 26/06 viết rằng hành vi nổi loạn của Wagner « sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Trung Quốc và gây trở ngại cho quan hệ đối tác « không giới hạn » giữa Putin và Tập Cận Bình ». Rana Mitter, giáo sư lịch sử về Trung Quốc đương đại tại Đại học Oxford, được Moscow Times trích dẫn, thì nhận định : « Trung Quốc chắc chắn sẽ quan sát, với sự lo ngại, các sự kiện gần đây ở Nga. Đặc biệt, họ (các nhà lãnh đạo Trung Quốc) rất có thể sẽ ngờ vực tinh thần đoàn kết của các lực lượng Nga cũng như khả năng của Putin trong việc kiểm soát chế độ ».
Đó cũng là ý kiến của Sari Arho Havren, nhà nghiên cứu hợp tác với Royal United Services Institute (RUSI), chuyên về các vấn đề Trung Quốc : « Ông Tập có thể sẽ đánh giá bối cảnh diễn ra vụ binh biến của Wagner như một ví dụ minh họa cho sự thiếu kém năng lực nghiêm trọng. Cuộc nổi loạn này rõ ràng làm xói mòn uy tín của Putin và hệ quả chính là ai cũng trông thấy rõ sự yếu kém trong cấu trúc bộ máy quyền lực của Nga. Mà nỗi sợ hãi về sự hỗn loạn lại là một đặc tính của đảng Cộng Sản Trung Quốc. »
Về phần Livia Paggi, giám đốc công ty tư vấn J.S. Held của Mỹ, cho biết những gì xảy ra hôm 24/06 « củng cố vị thế của Nga với tư cách là một đối tác dưới » bậc Trung Quốc : « Không còn gì để phải nghi ngờ, Nga đã trở nên hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc, chẳng hạn về bán dầu lửa và khí đốt, đúng như tình hình hiện nay ».
Andrew Small, một nhà nghiên cứu tại Chương trình Ấn Độ - Thái Bình Dương của Quỹ Marshall (tác giả cuốn sách « Không giới hạn : lịch sử cuộc chiến mà Trung Quốc đang tiến hành chống lại phương Tây », NXB Melleville, 2022), được Nikkei Asia trích dẫn, cho biết cuộc binh biến của Wagner « rõ ràng khiến Trung Quốc thấy căng thẳng. Những rối ren trong nội bộ nước ở Nga sẽ là một trong những kịch bản tồi tệ nhất đối với Bắc Kinh, với nỗi lo về việc liệu (các nhà lãnh đạo Trung Quốc) có thể đánh giá đúng đắn sự năng động của chính quyền Matxcơva hay không ».
Shen Dingli, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị ở Bắc Kinh, cũng có quan điểm tương tự. Trên nhật báo Hoa ngữ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao) của Singapore, ông viết rằng Trung Quốc « giờ đây sẽ thận trọng hơn trong các phát ngôn và hành động đối với Nga. Tôi tin rằng (các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ nay sẽ suy nghĩ nhiều hơn một chút về các kịch bản chính trị, điều mà trước đây họ không làm. Với sự phát triển của tình hình hiện tại và chiều hướng của cuộc chiến, (Trung Quốc) có thể sẽ điều chỉnh lập trường về Nga và Ukraina, làm rõ quan điểm của họ hơn và đứng về phe chiến thắng trong lịch sử. »
Có thể có những sự kiện gây rối loạn khác
Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga Á - Âu, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Berlin, đánh giá rằng giờ vẫn là quá sớm để dự báo về « hồi kết sắp đến của Putin ». Tuy nhiên, sự kiện 24/06 sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh thúc đẩy tình trạng chư hầu của Nga trước Trung Quốc.
Các nhà phân tích khác thì vẫn thận trọng. Giáo sư Leif-Eric Easley, đại học Ewha ở Seoul, được Asia Nikkei trích dẫn ngày 26/06, nhận định : « Sự nổi loạn của Wagner sẽ không làm thay đổi cách mà các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đặt lợi ích quốc gia của họ gắn liền với Nga và cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ». Về phần mình, Geoffrey Cain, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn của Mỹ, Foundation for American Innovation, lưu ý : « Nếu Nga phải đối mặt với một cuộc đảo chính, các nước chuyên quyền ở châu Á sẽ gặp rắc rối. Họ từng là những nước ủng hộ nhiệt thành Putin. Trung Quốc muốn Nga nằm dưới sự kiểm soát của họ. Nhưng nếu thiếu Putin, tương lai sẽ bất định bởi vì tại điện Kremlin có đầy những phe phái thân hay thù địch Trung Quốc ».
Cũng vào ngày 26/06, South China Morning Post, mặc dù ủng hộ chế độ Bắc Kinh, nhưng cũng đã đăng tải ý kiến của các nhà phân tích Trung Quốc, theo đó Trung Quốc sẽ rút ra được bài học từ vụ Wagner ở Nga. Đối với Feng Yujun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Nga và Trung Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, « một sự cố đơn lẻ không thể có tác động trực tiếp đến quan hệ Trung - Nga hoặc đến chính Trung Quốc. Nhưng tình hình quốc tế tổng quát, trong đó có đường hướng cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, những điều không chắc chắn về sự phát triển của Nga … sẽ có một tác động lịch sử sâu sắc đối với Trung Quốc ». Ông giải thích rằng tình hình ở Nga có thể đã lắng dịu nhưng vẫn còn những sự chia rẽ chính trị trong nội bộ nước Nga : « Điều quan trọng là phải công nhận rằng sự kiện đó mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và có thể sẽ xảy ra nhiều sự kiện khác hỗn loạn hơn ».
Một chuyên gia khác xin ẩn danh, được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, chỉ ra rằng cuộc nổi dậy bất thành ở Nga sẽ khiến những người trong chính quyền Bắc Kinh ủng hộ việc can thiệp cũ trang vào Đài Loan phải suy nghĩ lại : « Một thất bại ở mặt trận trong trường hợp có hành động quân sự quân lớn như thống nhất Đài Loan với hoa lục có thể góp phần vào sự ra đời của các nhóm chiến binh không chính thức, một nguy cơ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Nga đã luôn là tấm gương cho Trung Quốc trong việc chuẩn bị cho các nguy cơ về an ninh quốc gia. »
Một số chuyên gia quốc tế của Trung Quốc và Nga cho rằng một nguy cơ xung đột trong nội bộ chế độ Matxcơva cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định dọc theo 4.300 km biên giới giữa hai nước, nơi từng xảy ra các vụ đụng độ chết người hồi năm 1969 khi sự cạnh tranh ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, họ nhất trí cho rằng Vladimir Putin đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi quyết định tấn công Ukraina, một ví dụ mà giới lãnh đạo Trung Quốc không nên mắc phải. Ngoài ra, họ nhấn mạnh là sự sụp đổ của chế độ Nga có thể sẽ gây hậu quả ngay lập tức là tước đi của Bắc Kinh một đồng minh chiến lược có trọng lượng, bởi vì Nga là chế độ độc tài - đồng minh lớn duy nhất của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh ngày càng phải đối mặt với một liên minh trên thực tế giữa nhiều nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, vốn xem chế độ Trung Quốc là một mối đe dọa ngày càng lớn.
Đâu là kịch bản xấu nhất ? Sự tan rã của chế độ Nga sẽ kéo theo sự thành lập một chế độ thân phương Tây ở Matxcơva, và chế độ này sau đó sẽ đặt cộng sản Trung Quốc vào thế bị cô lập chưa từng thấy kể từ khi đảng Cộng sản lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949.
Hồi tháng 03 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Matxcơva, trước khi chào tạm biệt chủ nhân Điện Kremlin, Tập Cận Bình đã nói với Vladimir Putin : « Hiện nay, có những thay đổi mà về bản chất chúng ta chưa từng thấy từ 100 năm trở lại đây - và cùng nhau, chúng ta là các tác nhân ». Nhưng kể từ đó, rõ ràng là tình hình đã thay đổi theo hướng bất lợi cho Matxcơva và Bắc Kinh. Như vậy là rất có thể do vụ Wagner ngày 24-25/06, hơn bao giờ hết chế độ Trung Quốc sẽ thể hiện tư tưởng thực dụng bằng cách tránh đặt cược hoàn toàn vào đồng minh Nga và tránh cấp vũ khí cho Matxcơva.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025