Mỹ bị Trung Quốc nắm thóp trong vấn đề khí hậu

Mỹ bị Trung Quốc nắm thóp trong vấn đề khí hậu
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry (trái) nói chuyện bên cạnh đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa (phải) trong một phiên họp tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 24/05/2022. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

Tác giả: Anders Corr
Biên dich: Bảo Nguyên 
Bắc Kinh đang đánh hơi thấy cơ hội và cố gắng lợi dụng vấn đề khí hậu để ép buộc Mỹ phải nhượng bộ về những vấn đề hoàn toàn không liên quan, chẳng hạn như Đài Loan, Tân Cương và thuế quan.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry, đang trên đường đến Trung Quốc. Danh tiếng vốn đã tệ hại của ông một lần nữa lại gặp rủi ro nghiêm trọng. Lần này, vấn đề không chỉ là ngã xe. Ông Kerry phải chứng minh cho các cử tri đảng Dân chủ, những người có thể thấy trước một thảm họa toàn cầu do biến đổi khí hậu, rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận tại COP28, hội nghị khí hậu quốc tế sắp tới ở Dubai.
Một thỏa thuận lớn tại hội nghị, thứ sẽ đưa ông Kerry lên trang nhất của tờ Washington Post như một anh hùng, chỉ có thể xảy ra với sự hợp tác của Bắc Kinh, vì Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Nếu ông Kerry không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh trong chuyến đi từ ngày 16 đến 19 tháng 7, ông có thể bị dư luận đảng Dân chủ chê bai như là một trưởng đoàn đàm phán đã lỗi thời.
Điều đó khiến ông ấy, cũng như cử tri đảng Dân chủ, hết sức khao khát đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, nó lại khiến ông ấy trở thành một nhà đàm phán tệ hại.
Bắc Kinh biết họ nắm được thóp của ông Kerry, bởi vì không giống như ông chủ của ông Kerry, Tổng thống Joe Biden, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không cần phải trả lời trước bất cứ cử tri nào. Thỏa thuận hay không thỏa thuận, ông Tập vẫn sẽ nắm quyền sau năm 2024. Nhưng nếu không đạt được thỏa thuận, cử tri của ông Biden có thể quay lưng lại với ông và những người phải ra đi sẽ là ông Biden, ông Kerry và phần còn lại của chính quyền Dân chủ, cũng giống như bà Janet Yellen và ông Antony Blinken, những người đã đặt rất nhiều niềm tin khi tìm tới Bắc Kinh.


Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 07/07/2023. (Ảnh: Mark Schiefelbein/Pool/AFP qua Getty Images)
Chức danh chính thức của ông Kerry là Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu. Bây giờ ở tuổi 79, ông đã đàm phán với những đối thủ của Mỹ ít nhất là từ năm 1970, khi ông được cho là đã đến Paris và nói chuyện với Bộ trưởng ngoại giao của Bắc Việt Nam về việc thả tù nhân chiến tranh. Khi đó ông ấy là sĩ quan Dự bị Hải quân Hoa Kỳ hoạt động với tư cách cá nhân. Ông đã gặp một quan chức Bắc Việt Nam lần thứ hai vào năm 1971.
Sự nghiệp chính trị của ông Kerry thăng hoa và ông hiện là trưởng đoàn đàm phán về khí hậu của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đánh hơi thấy cơ hội và đang cố gắng lợi dụng vấn đề khí hậu để ép buộc Mỹ phải nhượng bộ về những vấn đề hoàn toàn không liên quan, chẳng hạn như Đài Loan, Tân Cương và thuế quan.
Hành vi tống tiền của Trung Quốc
Theo South China Morning Post, một tờ báo của Hong Kong do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát, Washington đang ở thế yếu trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh khi họ “cố gắng tạo nền tảng cho mối quan hệ”.
Tờ Morning Post dẫn lời một “chuyên gia khí hậu [Trung Quốc] đại lục” ẩn danh khi đề cập đến chuyến thăm của Dân biểu Nancy Pelosi (Dân chủ - California) tới Đài Loan và nói rằng “Đơn giản là không có cách nào để biến đổi khí hậu tách biệt khỏi các mối quan hệ chính trị tổng thể, như ông Kerry và phía Mỹ đã liên tục yêu cầu”.
Kể từ chuyến thăm của bà Pelosi gần một năm trước, Bắc Kinh đã đình chỉ việc hợp tác trong các cuộc đàm phán về khí hậu với Mỹ.
Nói cách khác, ĐCSTQ sẽ khiến cả thế giới "nóng lên" trừ khi Mỹ giao nộp Đài Loan. Đó là hành vi tống tiền, rõ ràng và đơn giản, và nó phù hợp với bộ dạng xã hội đen của ĐCSTQ.
Đài Loan không phải là nhượng bộ duy nhất mà Bắc Kinh tìm kiếm như một điều kiện để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.
Trong một bài báo về chuyến đi sắp tới của ông Kerry, China Daily đã chỉ ra các mức thuế và lệnh trừng phạt, bao gồm cả đối với các khu vực ở Tân Cương, nơi đang diễn ra nạn diệt chủng, như là những trở ngại cho một thỏa thuận.
Bài báo trích dẫn một báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Các biện pháp liên quan của Mỹ không chỉ cản trở hoạt động thương mại thông thường đối với các sản phẩm PV [quang điện] và phá vỡ chuỗi cung ứng thông thường, mà còn làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong việc chống lại biến đổi khí hậu”. Theo bài báo, chỉ bằng cách “sửa chữa” những “hành vi sai trái” này, Mỹ mới có thể “tạo ra một môi trường thuận lợi cho hợp tác về khí hậu với Trung Quốc”.
Tờ báo lá cải theo chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ, Global Times, đã đưa ra các vấn đề bổ sung trong bài báo về chuyến thăm của ông Kerry, bao gồm “việc đàn áp các công ty Trung Quốc” và việc đối xử “công bằng” với các khoản đầu tư hai chiều.
Ai mới nên chiếm thế thượng phong?
Việc Bắc Kinh sẽ cố gắng gắn các vấn đề này với các cuộc đàm phán về khí hậu có thể cho thấy rằng Bắc Kinh đang ở vị thế thương lượng tốt hơn về khí hậu và do đó có thể lợi dụng nó để thúc đẩy các vấn đề khác. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Theo Ngân hàng Thế giới, rủi ro khí hậu của Trung Quốc cao hơn của Mỹ do nhiệt độ của Trung Quốc được dự báo tăng cao hơn mức trung bình dự kiến và “mức độ phơi nhiễm rất cao với lũ lụt…bao gồm, ven sông, lũ quét và ven biển, và mức độ phơi nhiễm rất cao với các cơn bão nhiệt đới và các mối nguy hiểm liên quan của chúng”. Nguy cơ hạn hán và “tổn thương xã hội” làm tăng thêm rủi ro của Trung Quốc từ biến đổi khí hậu.
Rủi ro khí hậu cao hơn có nghĩa là Trung Quốc rất có thể sẽ mất mát nhiều hơn Mỹ, và vì vậy nước này nên hào hứng hơn đối với một thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Lẽ ra, ông Kerry phải chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán, nhưng ông ấy đang thể hiện điều ngược lại. Một chuyến đi khác của chính quyền Biden tới Bắc Kinh khiến Mỹ trông có vẻ là bên cầu xin hơn là người thiết lập chương trình chính sách.
Tác giả: Anders Corr
Biên dich: Bảo Nguyên 
Theo The Epoch Times
(Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.)
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025