1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 đô hộ giặc Tây: Thực chất và huyền thoại (Phần 2)
Nguyễn Văn Lục
(Tiếp Theo Phần 1)
Người Quốc gia phải hợp tác với Tây là chuyện nhất thời vì thấy rằng còn có một thứ kẻ thù nguy hiểm, độc ác, tàn bạo, gian manh gấp bội phần chế độ thực dân Pháp.
Và chắc chắn cuộc sống ở nơi đây không phải là bị đầy đọa như đi kinh tế mới thời cộng sản.
Triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng được bao nhiêu cơ sở hạ tầng như đường xá, giao thông trên sông ngòi, bao nhiêu cầu cống, xây dựng được bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu trường học, bao nhiêu cơ sở y tế, bao nhiêu cơ sở xã hội, bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu cơ sở kỹ nghệ, bao nhiêu công ty, bao nhiêu đồn điền, bao nhiêu chương trình dẫn thủy nhập điền?
Các con kênh được người Pháp cho đào dài đến hàng ngàn cây số, dẫn nước vào ruộng vườn.
Chưa kể lần đầu tiên tại lục tỉnh mọc lên các nhà máy xay lúa, nhà máy cưa, nhà máy nước đá, nhà máy đường. Ngoai Bắc thì có các kỹ nghệ nặng hơn như nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy dệt Nam Định.
Triều đình Huế đã làm được gì?
Nội điện Thái Hòa, 1907. Nguồn Delcamp.net |
Sau 1954, chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa tiếp tục các chương trình ấy, nhưng so với người Pháp thì không bằng.
Tác giả Steve Déry viết:
“En 1954, on estimait à un million d’hectares la superficie des rizières qui avaient été abandonnés; et en 1956, deux ans après les accords de Genève consacrant la fin de l’empire colonial d’Indochine, seulement 40% d’entre elles avaient pu être remises en culture.”(8)
“Vào năm 1954, người ta ước lượng có đến một triệu mẫu ruộng diện tích canh tác bị bỏ hoang, và vào năm 1956, hai năm sau khi Hiêp định Genève đã chấm dứt chế độ thuộc địa ở Đông Dương, lúc đó chỉ còn 40% các mẫu ruộng trước đây có thể được canh tác lại.”
Phần vua chúa nhà Nguyễn, các công trình nổi bật nhất còn để lại là xây dựng lăng miếu, cung điện nhà vua. Tổ chức được các kỳ thi cử nhân, tiến sĩ, kén chọn hiền tài thuộc lầu kinh sử xem ra rất là nghiêm nhặt và chỉ chấm dứt kỳ thi Hương vào năm 1905?
Việc thứ hai thấy rõ là dẹp giặc giã nổi lên khắp nơi. Sắp xếp cai đội, huấn luyện binh sĩ, lập đồn lũy, đóng thuyền bè, lập kho trạm để thu thuế ruộng khắp nơi.
Đọc Đại Nam Thực Lục của nhà Nguyễn là cứ hoa cả mắt lên vì sắp xếp chức tước cho các quan lại, binh đội các nơi, mộ quân, mộ linh. Ai mộ được 10 người lính thì cho làm đội trưởng.
Việc quân binh, giữ gìn an ninh bờ cõi xem ra chiếm hết thời giờ cũng như tâm tư của vua quan nhà Nguyễn!
Việc kinh tế duy nhất là sai các bọn thổ mục địa phương khai thác các mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng, mỏ kẽm, mỏ chì ở vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa(9). Rồi cứ thế, mỗi năm định lệ thu thuế.
Tuy nhiên, vua quan nhà Nguyễn thiếu cái nhìn về cải tiến xã hội, cải tiến dân sinh, phát triển đất nước. Việc kén dụng nhân tài đều chưa có tầm nhìn xa, trông rộng… chỉ trông vào kết quả thi cử để tuyển chọn.
Kỳ thi tuyển chỉ cần biết làm dăm ba câu thơ, thuộc dăm ba kinh sách có thể đã được coi là hiền tài, hữu dụng. Vua chúa, quan quyền trăm sự đều học và bắt chước theo Tầu. Bắt chước từng chi tiết, từng cái tên gọi, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ lễ nghi đến cách ăn cách ở, từ tổ chức hành chánh, lệ thuế khóa, ngạch trật thăng thưởng, tổ chức binh đội nhất nhất đều rập theo Tâu.
Nhất là chính sách cai trị, đường lối giao tiếp với các nước Tây Phương, sự đố kỵ quan ngại đối với họ, với đạo Thiên Chúa đều lấy nước Tầu ra làm kim chỉ Nam.
Sự thiếu sáng suốt, sự bất lực trước một tình thế nan giải trong cách hành xử của vua quan nhà Nguyễn là điều không chối cãi được!
Những đại thần như Phan Thanh Giản, Trần Tiến Thành mỗi lần đi thương thuyết bất thành về bị vua giáng ba bốn cấp đọc mà không khỏi buồn cười. Bao nhiêu bản tấu của Trần Tiến Thành, Phạm Phú Thứ đều bị vứt vào thùng rác. Giữa Nguyễn Trường Tộ, Trần Tiến Thành, Phạm Phú Thứ thì nên nghe họ hay nghe theo Nguyễn Văn Tường? Chỉ mình Nguyễn Trường Tộ, cái hiểu biết thức thời của ông bằng 10 Nguyễn văn Tường!
Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức ủy thác cùng với Giám mục Gauthier đi Pháp thuê thầy và mua sắm dụng cụ mở trường kỹ thuật, khi về do sự can ngăn của sĩ phu sợ ảnh hưởng Tây Phương, sợ ảnh hưởng công giáo, vua chùn lại và công việc đành bỏ dở.(10)
Đây là mấy tài liệu mua từ Pháp về, có khoảng vài chục tên sách. Sách nói về quặng sắt, về mỏ than, quặng đồng, thiên văn, quang học, địa chất, hàng hải, bách nghệ và vô số dụng cụ, các mẫu đất đá.(11)
Chưa kể cộng thêm tình trạng không đém xỉa gì đến những bản tấu chương của ông.
Trong bấy nhiêu ông vua nhà Nguyễn, trừ Gia Long làm nên sự nghiệp, những người kế tiếp đã làm được gì? Hay tình trạng mỗi ngày một xấu đi, tồi tệ thêm?
Hoàn cảnh này của triều đình Huế cho thấy chẳng khác gì trường hợp Viên Thế Khải bên Tầu, cậy thế triều đình nhà Thanh, tạo vây cánh ức hiếp nhà vua trẻ Phổ Nghi mới hai tuổi.
Sau đây, xin trích Hồi ký của vị vua hai tuổi:
“le 2 décembre 1908, à l’âge de deux ans et dix mois, Je fus hisse sur le trône du Dragon sous le nom officiel de Siuan Tong. Ce fur une ceremonie solennelle – bien que mes hurlements, qui n’avaient rien d’imperial, lui avaient enleve une bonne partie de sa dignite.”(12)
“Ngày 2 thàng 12 năm 1908, ở vào hai tuổi, 10 tháng, tôi được đưa lên làm vua với tên hiệu chính thức là Xuantong [宣統帝, Tuyên Thống Đế]. Đây là một buổi lễ long trọng – nếu không có tiềng la hét của tôi – xem ra chả có gì là hoàng gia cả, thì tôi là người đã được tôn vinh theo đúng chức tước của tôi.”
Sụ bất lực ấy của các vị vua trẻ – như Dục Đức (làm vua ba ngày), Hiệp Hòa (làm vua 5 tháng), Kiến Phúc (8 tháng), Hàm Nghi (một năm), tạo ra tình trạng chuyên quyền, phế lập tùy tiện, đem một đứa trẻ con hỉ mũi chưa sạch lên làm vua, rồi nhân danh lòng yêu nước, ý thức chống ngoại xâm để bào chữa, chống chế cho việc làm của mình.
Tất cả đều là giải pháp vá víu, báo hiệu một nguy cơ sụp đổ, mất nước.
Rồi thử xem các hàng hậu duệ, các hàng công chúa, hoàng tử trong bấy nhiêu đời, có được một hai người đủ tài đức ra gánh vác việc nước?
Người viết bài này có một bài viết liên quan đến các công chúa triều Nguyễn cho thấy độ tuổi trung bình sống của các công chúa là 12 tuổi.
Nhiều lý do để cắt nghĩa có sinh mà không có dưỡng. Vua cha mê sắc dục quá độ – cả vài chục vợ đến cả trăm, làm sao bảo đảm một dòng con mạnh khỏe được? Chế độ dinh dưỡng yếu kém. Không vận động thể dục, cành vàng lá ngọc, 14-15 tuổi đầu đã lo dựng vợ gả chồng, cơ thể chưa phát triển, sinh con sài đẹn, yểu tử là chuyện không tránh được. Nhiều công chúa sinh ra chưa kịp đặt tên thì đã chết.
Còn chính bản thân một vua cha, chỉ cần có vài bà vợ cũng đủ bất lực chuyện triều chính. Đến 50, 100 thì phỏng làm được gì?
Xin mượn lời kết luận của tác giả Nguyễn Duy Chính trong tập “Sự đóng góp của Giám Mục Pigneau de Béhaine vào công cuộc cải cách ở Gia Định”, trang 25:
“Phải nói rằng đầu thế kỷ 19, đất nước chúng ta có một cơ hội rất tốt để canh tân và đất Gia Định là một thí điểm tốt nêu được tiếp tục tiến hành những cải cách mà giám mục Pigneau de Béhaine đưa ra. Tuy nhiên, sau khi lên ngôi, vua Gia Long không còn quan tâm đến việc đưa đất nước tiến lên mà ngược lại ông lại sợ người dân không còn phục tòng ông nữa.
Tất cả tài nguyên sức lực của đất nước nay trở thành một phương tiện để ông củng cố quyền hành và vị thế của Vương triều Nguyễn. Trong suốt hai mươi năm tại vị, vua Gia Long chỉ tập trung vào một việc: xây dựng kinh thành Huế thành một pháo đài vĩ đại theo dạng thức Strasburg của Đức với 24 tháp súng, mỗi nơi đặt 36 khẩu thần công. Số nhân công thường trực là mười vạn người và có bốn vạn quân trú đóng.
Thế nhưng công việc canh tân chỉ đến thế, các vua kế tiếp sau Gia Long lại theo đuổi một chính sách bài Tây phương và ngả theo Trung Hoa, hầu như loại trừ mọi tiến bộ mà họ có được trong thời gian phục quốc để quay về mô hình nhà Thanh, một mô hình quân chủ lỗi thời và hủ bại.
Dẫu thế, cái ước mơ của vua Gia Long, của con ông chỉ là ảo ảnh vì ở ngai vàng chưa hết được câu đầu trong bài Đế Hệ Thi thì vương triều Nguyễn đã cáo chung.”
100 năm đô hộ giặc Tây!
Gần 100 năm người Pháp hiện diện ở nước ta. Điều chắc chắn là họ đã làm thay đổi diện mạo một đất nước lạc hậu và chậm tiến.
Nếu vua quan sáng suốt biết nương theo cái đà ấy thì dân trí được mở mang, đất nước được tiến bộ.
Người Pháp để lại cả một di sản mà nay cần được nhắc lại. Dư luận xấu thì không thiếu, dư luận tốt thì tương đối hiếm.
Những điều tốt như hệ thống cầu đường, đường xe lửa xuyên Việt Hà Nội-Sài Gòn cho đến nay vẫn còn phải xử dụng – đường sắt do Pháp để lại đã trăm năm! Xe điện Bờ Hồ-Hà Đông, rất lạc hậu, vậy mà 14 năm sau ‘ngày giải phóng’ vẫn nhếch nhác bẩn thỉu chậm rãi bò từng thước một với tiếng chuông điện leng keng thuở nào?
Tôi nhìn lại Hà Nội những năm xưa để thấy Hà Nội với dấu vết thuộc địa thuở nào!
Ở đây, xin mở một dấu ngoặc là Sài Gòn vốn là đất thuộc địa của Pháp với đội quân viễn chinh đông đảo cộng với giới chức hành chánh đủ loại. Nhưng Saigon lại không có những nét đặc trưng cho văn hóa Pháp xuyên qua những nhân vật điển hình như chị bếp, thằng ở, anh kéo xe tay, anh loong toong, me tây, Bồi săm, v.v. Rồi những cơ quan quen thuộc như: sở Mật thám, nhà dây thép, nhà săm, Sở Cẩm, Nhà Hát Tây, v.v.
Với những nhà văn hiện thực xã hội như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, v.v., tôi đọc Nguyễn Công Hoan để nhớ lại cái cảnh tượng bắt dân các xã phải đi coi đá banh mà buồn cười. Bây giờ môn bóng đá trở thành môn thể thao như một thứ tín ngưỡng của nhiều nước trên thế giới. Rồi các cuộc tranh tài đua xe đạp từ Nam ra Bắc với tay đua Lê Thành Các. Nhớ đến Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng với cây vợt ten nít Xuân Tóc Đỏ.
Vào đến trong Nam, tất cả cái nếp sống văn hóa ấy như biến mất.
Về cơ sở, chỉ trong một thời gian không lâu, Người Pháp đã dựng nên các dinh thự nhà cửa, trường học, các viện bảo tàng, nhà hát lớn, các nhà thương, các bệnh xá đều là di sản thời Pháp để lại.
Thảo cầm viên ở Sài Gòn. Nguồn: Delcamp.net |
Đặc biệt sở thú Sài Gòn được xây dựng vào năm 1863, trên một mảnh đất rộng 20 mẫu tây. Ngày nay nhìn lại, tôi không nghĩ rằng có một người Việt Nam nào đủ thông minh để nghĩ tới một điều như vậy. Nghĩa là một năm sau khi ký hòa ước!
Cũng vậy, việc khám phá ra Đà Lạt và từ đó nghĩ ra một khu du lịch nghỉ mát cách Sài gon 300 km ở độ cao 1500 mét cũng kỳ diệu lắm.
Các hệ thống đường ống cống như ở Saigon do người Pháp xây dựng nay đã quá hạn, gây ra ngập lụt mỗi khi có mưa lớn đành bất lực tìm những giải pháp vá víu như trang bị máy bơm nước!
Trong khi các đường cống rãnh ở các khu phố cổ Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Than đều là đường cống nổi dọc theo lề đường rất mất vệ sinh và hôi thối.
Saigon so với Hà Nội thật khác xa về mức sống và nếp sống văn minh.
Đường phố Sai Gòn phân lô chỉnh trang của một nếp sống đô thị, có vỉa hè rộng cho người đi bộ, có đèn hiệu tại các ngã tư.
Xe cộ đi lại tấp nập và hằng ngày có nhiều chuyến Tầu thủy chạy khắp các tỉnh thành phía Nam. Chợ Lớn được coi là ngã tư thương mại trong việc buôn bán lúa gạo, nằm trong tay người Tầu.
Điều đó cho thấy người Pháp quan tâm nhiều đến sự chỉnh trang thành phố Sài Gòn.
Đó cũng là điều tôi ghi nhận được khi lần đầu tiên đến bến cảng Saigon trên một chiếc Tầu chở hàng – tầu tên là Phong Châu – từ Đà Nẵng vào Saigon. Và cũng là dịp tôi nhận ra Saigon hơn hẳn Hà Nội. Nhộn nhịp hơn, năng động hơn. Tiếng còi xe hơi, tiêng nổ phành phạch của xe xích lô ba bánh, tiếng rao hàng, tiếng ca vọng cổ từ một radio của một ai đó.
Kể từ giây phút này, tôi biết tôi sẽ chọn nơi này làm quê hương.
Còn một điều phải nói ra đây ngay sợ quên mất. Dĩ nhiên, chẳng ai để ý tới, chẳng ai hay.
Đó là người Pháp qua những chiến dịch chủng ngừa các bệnh như dịch tả, bệnh thời khí đã cứu sống không biết bao nhiêu sinh mạng. Sơ sinh vẫn tăng đều, nhưng số trẻ tử vong giảm đi nhiều.
Xin trích dẫn đoạn sau đây với một niềm vui về một thành quả quá khứ đã cứu sống hàng vạn đứa trẻ sơ sinh,
Nguồn: vi.wikipedia.org/Diane Selwyn |
“The production of vaccines and serums started with foundation, in 1891 of the Pasteur Institute in Saigon by Dr. Albert Calmette, and another in Nhatrang in 1895 by Dr. Alexandre Yersin 1863-1943. The latter, a brilliant, a typical scientist, had isolated the Plague bacillus in Hong Kong the previous year and discovered the vaccin with which to fight it. The spread of vaccination and the establishment of a fundamental medical ỉnfrastructure contributed to stopping pandemics and permitted the undertaking of the struggle against malaria. This infrastructure comprised the Ha noi School of medecine, opened in 1902, about ten thousand free hospital beds and several hundred rural clinics, in place in 1930, 367 physicians working in 1939, with 151 doctors of medecine, and 216 Indochinese physicians, along with 3,623 male nurses and midwives and 760 rural midwives, with 9.100 childbirths to their credit.”(13)
“Việc sản xuất ra thuốc chích ngừa và huyết thanh khởi đầu với việc bác sĩ Calmette thành lập Viện Pasteur vào năm 1891 tại Sài gòn, và bác sĩ Yersin, 1863-1943, thành lập một viện Pasteur nữa ở ngoài Nha Trang vào năm 1895. Bác sĩ Yersin là một nhà khoa học điển hình, ông đã có thể cách ly vi khuẩn bacillus ở Hồng Kồng vào năm ngoái và ông cũng là người khám phá ra được thuốc chủng ngừa. Sự phân phối rộng rãi khắp nơi thuốc chủng ngừa và sự xây dựng được hệ thống hạ tầng cơ sở đã góp phần làm ngưng hẳn các dịch bệnh và đồng thời cũng giúp cho việc phòng chống bệnh sốt rét. Cơ cấu hạ tầng này gồm trường Đại Học Y Khoa Hà Nội, thành lập năm 1902 với 10 ngàn giường bệnh miễn phí và hàng ngàn bệnh xá ở nông thôn vào năm 1930. Đã có 367 bác sĩ hành nghề vào năm 1939, với 151 bác sĩ y khoa, và 216 y sĩ ngườiĐông Dương, cùng với 3623 nam y tá và bà đỡ và 760 cô mụ ở nông thôn đã giúp 9100 trẻ sơ sinh chào đời.”
Xin nhắc lại ở đây vài con số. Cho đến năm 1929 thì các đồn điền cao su đã thu dụng 81,188 thợ và 86, 624 công nhân làm trong các hãng kỹ nghệ hay cơ sở thương mại. Cộng chung số thợ là 221. 052 người.
Nhưng cho đến năm 1940-1941, số thợ mỏ đã gia tăng lên đáng kể là 88,724 người. Số thợ làm trong ngành tiểu công nghệ là 219.234 và cộng chung lại là 307, 958.(14)
Tuy nhiên, lợi nhuận đem về cho người Pháp nhiều nhất vẫn chính là cao su.
Trong một bài viết mới đây, số đặc biệt “L’Indochine”, tôi đọc trên tập san Géo Histoire giúp tôi hiểu rõ chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp hơn(15), họ có nói đến việc khai thác cao su như là phong trào đổ xô đi tìm vàng vậy. Sở dĩ như vậy, vì kỹ nghệ ô tô đang phát triển rộ lên, v.v. Hãng Michelin cũng như các hãng Goodyear, Dunlop đổ xô đi tìm cao su trên thế giới.
Bác sĩ Yersin – một ân nhân của Việt Nam – cũng là người đầu tiên đem cây cao su vào Việt Nam năm 1897. Người ta gọi đùa cây cao su là cây gỗ biết khó c (Bois qui pleure). Cho đến năm 1913, Việt Nam xuất cảng sang Pháp 9627 tấn cao su với khoảng 80.000 công nhân làm việc.
Kỹ nghệ cây cao su, theo Pierre Brocheux là thành công lớn nhất của chế độ thuộc địa ở Việt Nam(16).
Ích lợi kinh tế cho Pháp qua việc khai thác cao su ở Đông Dương. Nguồn: http://belleindochine.free.fr/ |
“Rubber trees played the biggest role in the expansion of the Indochinese plantation economy and stood out as ít greatest success.”
(Cây cao su giữ vai trò quan trọng nhất trong sự khai thác đồn điền về mặt kinh tế và được coi là sự thành công nổi bật nhất.)
Đến đây thì chúng ta cần có sự công bằng với chế độ thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Tác giả Pierre Brocheux (17 và Daniel Hémery, trong “Indochina, An Ambiguous Colonization, 1858-1954” đã dành khoảng 60 trang để nói về việc đầu tư vốn của Pháp vào Việt Nam.
Mà những số tiền đầu tư lớn lao nhất là xây cầu Paul Doumer (Long Biên)- cầu dài 1680 thước và khánh thành năm 1902 – gọi là Doumer Program – dự án dự định từ 1891 đến 1898 theo dự án kiểu mẫu Frecinet năm 1878-86 ở bên Pháp. Dự án với việc xây dựng đường sắt Bắc Nam – với nhiều cây cầu – đường sắt dài 1700 cây số.
Bản vẽ đồ án cầu Long Biên, do nhà thiết kế và hãng thầu thi công Daydé & Pillé đóng dâu và ký tên ngày 6 novembre 1897, hiện lưu tại Trung tâm LTQG I. Nguồn: Flickr.com |
Đây là một công trình xây dựng táo bạo với kế hoạch 15 năm vào tháng năm, 1902. (Tốn khoảng 200.000 francs/km). Đường sắt này sẽ được nối sang Vân Nam trong tương lai. Khâm sứ Maurice đã hãnh diện tuyên bố vào năm 1921 như sau:
“Our Indochina will soon be the first among the industrial countries of Asia.” (18)
(Xứ Đông Dương của chúng ta chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành một trong những xứ đầu tiên về kỹ nghệ của Á Châu.)
Và để kết luận một cách công bằng cho thấy công của người Pháp giúp Đông Dương phát triển quả là không nhỏ:
“The considerable figures give us a partial indication of the value of the net transfers of capital from Indochina to France, but they demonstrate the truth of the following judgment on the part of the Dépêche coloniale in 1934: Indochina ís an essential part of France’s equilibrium.” (19)
(Những con số đáng kể ở trên giúp cho chúng ta một phần chỉ dấu về giá trị chuyển giao tư bản thực từ Đông Dương về Pháp, Nhưng chúng còn cho thấy sự thật đã được tờ Dépêche coloniale viết vào năm 1934: Đông Dương là phần cốt yếu cho sự quân bình ngân sách của Pháp.)
Vài dòng kết luận
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng sự đóng góp bất ngờ nhất và ra ngoài cả dự tính của người Pháp cũng như người Việt là việc sáng chế ra chữ Quốc Ngữ do một số linh mục dòng Tên gốc Bồ Đào Nha nghĩ ra.
Cho đến nay, vẫn có ít ỏi những kẻ cố chấp cho rằng đó là công việc của mấy cố đạo mà mà mục đích là để truyền giáo!
Nhưng thực sự không phải là một công việc dễ dàng! Nước Nhật văn minh và tiến bộ như thế mà vẫn cam chịu duy trị mẫu tự kiểu chữ Hán!
Không lạ gì, người Pháp ra đi khỏi Việt Nam về lại mẫu quốc vẫn để lại dư vị nơi họ một hoài niệm khó quên. Những bữa ăn hợp khẩu vị, linh đình chỉ dành cho bậc vua chúa (repas pantagruéliques) có rượu ngon có nhiều bồi bếp ăn mặc lịch sự phục vụ, có những cô gái bản xứ xinh đẹp sẵn sàng hiến dâng, những thứ mà ở ngay tại xứ sở họ cũng chưa chắc được hưởng.
Phải chăng đó là những phần thưởng mà họ đinh ninh rằng họ xứng đáng được hưởng?
Tôi từng được coi hình một người dân bản địa nhỏ bé, gầy còm so với vóc dáng kềnh càng của một người Tây to béo. Người dân bản địa tội nghiệp đả phải cõng thằng Tây to béo qua một con suối.
Cảnh ấy quả là quá chướng – không thể chấp nhận được – sẽ mở đường cho các cuộc nổi dậy sau này.
Bên cạnh đó, đa số người bản xứ thấp hèn, nghèo túng chờ một cơ hội để lật ngược lại thế cờ! Ta gọi đó là cuộc cách mạng..
Tôi là người có cơ hội sống một thời gian ngắn trên 10 năm dưới chế độ thuộc địa của Pháp và 4 năm dưới chế độ cộng sản Hà Nội sau 1975.
Sự chọn lựa của tôi và nhiều người khác, hãy khoan nói đến lý tưởng này nọ, mà trước hết là một chọn lựa sống còn. Không có chọn lựa nào khác – chọn lựa của một triệu người di cư vào miền Nam cùng với chính phủ Quốc Gia trong đó có quân đội Pháp. Quân đội Quốc Gia đã cùng với quân đội Pháp đã chiến đấu chống lại quân cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Thời thực dân Pháp đã qua rồi. Vĩnh viễn không còn nữa và không có lý do chính đáng nào để than vãn 100 năm đô hộ giặc Tây.
Cho nên thật mâu thuẫn nếu chúng ta vẫn tiếp tục ca cẩm 100 năm đô hộ giặc Tây.
Người Quốc gia phải hợp tác với Tây là chuyện nhất thời vì thấy rằng còn có một thứ kẻ thù nguy hiểm, độc ác, tàn bạo, gian manh gấp bội phần chế độ thực dân Pháp.
Có một số điều chắc chắn mà tôi thấy chỉ xẩy trong chế độ cộng sản mà thôi:
Báo chí Việt Nam thời thuộc địa. |
- Đốt toàn bộ sách vở miền Nam mà ngay thời Pháp thuộc cũng không hề làm.
- Về mặt kiểm duyệt, báo chí của Việt Nam thời thuộc địa hơn hẳn 600 báo đài của đảng và nhà nước CSVN hiện nay.
- Tịch thu, cướp bóc nhà cửa, đồ đạc, tiền của bằng chính sách đổi tiền, bằng đi kinh tế mới mà thực dân Pháp cũng không hề bao giờ dám làm.
- Bắt đi tù tất cả quân dân cán chính miền Nam từ một vài năm đến 5-10 năm trong đó có nhiều người đã phải chết trong tù.
- Xua đuổi người dân miền Nam ra biển để thu vàng bạc mà nhiều người kém may mắn đã bỏ mình ngoài biển khơi. Hàng triệu người đã liều mạng ra đi như thế. Cái cảnh tượng hãi hùng ấy có khác gì những người dân Syria vô tội đã và đang liều mình trốn khỏi nước họ hiện nay?
- Đất nước hiện nay vẫn là một đất nước độc tài đảng trị do 3 triệu rưởi đảng viên bắt người dân cúi đầu như một bọn nô lệ.
- Người Pháp sang cai trị nước ta mục đích chính là khai thác tài nguyên như Cao su, trà cà phê, than đá và quặng mỏ.
- Nhưng người cộng sản độc hại và bất nhân hơn, nó nhằm triệt hạ con người. Nó cướp cả xác lẫn hồn, kiểm soát toàn diện con người- cả đến vợ con, bạn bè và tương lai một người.
- Từ nay, thay vì ta thán 100 năm nô lệ giặc Tây, phải đổi ra gần 100 năm nô lệ cộng sản!
Để kết luận bài này thì tôi có thể tuyên bố là có thể chẳng có lý do gì để thích người Pháp cả, nhưng tôi có nhiều lý do để phải chọn người Pháp thay vì người cộng sản. Và tôi đã không ngần ngại chọn người Pháp làm bạn.
—————————–
Nhận xét
Đăng nhận xét