Diễn Đàn Trái Chiều - Bài 349: Kinh Tế Xã Nghĩa Kameleonomics
Diễn Đàn Trái Chiều
Bài 349: Kinh Tế Xã Nghĩa Kameleonomics
Thành quả lớn nhất và rõ nét nhất của Biden là... lạm phát, khi giá cả tăng vọt, nhanh nhất từ thời TT Carter cách đây khoảng 40 năm. Đây cũng là thời kỳ bà Kamala làm phó.
Thế nhưng qua sách lược vận động tranh cử của bà Kamala, người ta có cảm tưởng gần bốn năm qua, bà Kamala sống ở Congo hay đâu đó, không dính dáng gì tới chính quyền hay bất cứ chính sách nào của Biden, đặc biệt là chính sánh kinh tế Bidenomics. Trong suốt cả tháng đi vận động vừa qua, không ai nghe bà Kamala nói tới Bidenomics một lần nào, trái lại, bà đi đâu cũng nhìn nhận giá cả hiện nay quá cao khiến dân tình đang khốn khổ, và bà tung ra khẩu hiệu mới cho chính sách kinh tế 'mới' của bà 'Lowering Cost', giảm giá.
Câu hỏi là trong gần bốn năm qua, khi Biden tung ra chính sách Bidenomics cực tai hại thì bà Kamala đã làm gì? Đồng ý chấp nhận hết? Hay không đồng ý nhưng im re? Hay không có ý kiến vì không dính dáng gì, mắc ngủ gật? Sao không 'lowering cost' trong gần bốn năm qua?
Thật ra, trong kinh tế cấp tiến của đảng DC, vật giá gia tăng hay lạm phát không bao giờ là mối quan tâm lớn của đảng. Các kinh tế gia cấp tiến luôn chấp nhận lạm phát, công nợ tăng, thâm thủng ngân sách, sưu cao thuế nặng,... coi tất cả những vấn nạn đó như cái giá phải trả cho mục tiêu lớn hơn là tạo công bằng xã hội, cho dù đó là ... công bằng trước chén bo bo. Vật giá có gia tăng thì ta bù đắp bằng trợ cấp cho khối nhà nghèo nạn nhân, bằng tiền lấy từ nhà giàu qua chính sách tăng thuế, có gì khó đâu? Có gì phải lo đâu? Càng trợ cấp nhiều thì đám dân đó càng bị lệ thuộc, phải bầu cho đảng DC, có gì hại?
Mà nếu chưa hay không tăng thuế nhà giàu được để có thể tăng trợ cấp thì ta noi gương kinh tế xã nghĩa: kiểm soát giá cả, bằng cách bắt bỏ tù những tay 'gian thương' không chấp hành giá do các công chức cạo giấy đặt ra. Như bà Kamala mới phác họa sơ kế hoạch chặn đứng lạm phát của bà: bà sẽ tung ra kế hoạch kiểm soát giá cả bán lẻ của các cơ sở kinh doanh, sẽ trừng phạt nặng nề những kinh doanh nào phạm tội đầu cơ, tăng giá kiếm lợi bất chính mà bà gọi là price gauging.
Bị áp lực quá nặng cả tháng qua phải cho biết có chính sách gì, liên danh hài Kamala-Walz mới công bố một phần -mới phần đầu thôi, còn lại gấp quá, chưa viết xong- chính sách kinh tế của họ. Đây là loại kinh tế 'mới' của bà tắc kè -chameleon- Kamala mà kẻ này phải gọi là chính sách kinh tế Kameleonomics cho chính xác, dựa trên cái chính sách kinh tế trước đây gọi là Bidenomics. Trước khi công bố chính sánh mới này, bà Kamala đã nhìn nhận vật giá trong thời gian gần đây đã tăng quá cao, người dân không chịu nổi, nên việc đầu tiên bà làm sau khi đắc cử sẽ là đánh lạm phát. Thế đấy, nhưng trong chính sách kinh tế 3 điểm của bà Kamala mới tung ra, thì đã có 2 điểm sẽ khiến giá cả tăng thêm. Trên căn bản, chính sách kinh tế mới của bà Kamala dựa trên 3 biện pháp chính (cho đến nay):
- Tăng tín dụng thuế -tax credit- cho mỗi đứa trẻ từ 2.000 đô lên tới 6.000 đô.
- Nhà Nước trả 25.000 đô đầu tiên vào tiền nợ mua nhà cho những người mua nhà lần đầu, báo Mỹ viết là "downpayment assistance".
- Kế hoạch chống lạm phát của bà Kamala sẽ là 'kiểm soát giá, trừng phạt những cơ sở kinh doanh tăng giá bất chính'.
Ta nhìn sơ qua các biện pháp trên:
Tăng tín dụng thuế -tax credit- cho mỗi đứa trẻ từ 2.000 đô lên tới 6.000 đô trong năm đứa trẻ ra đời: đây hiển nhiên là biện pháp mỵ dân, muốn lấy phiếu của dân da đen và dân da nâu, nổi tiếng là nhiều con. Vung tiền thiên hạ ra mua phiếu luôn luôn là sách lược sở trường của đảng DC.
Cái bí mật lớn nhất là bà Kamala cố tình giấu nhẹm không cho ai biết là các chương trình trên sẽ tốn bao nhiêu tiền. Chưa có chuyên gia nào ngồi chiết tính hết. Để có một khái niệm, ta nhìn lại việc gia tăng tín dụng trẻ con dưới thời COVID. Khi COVID tấn công Mỹ mạnh, tín dụng trẻ con -tax credit- được tạm thời gia tăng từ 2.000 đô lên tới 3.600 đô, hay 1.600 đô cho một đứa: các chuyên gia ước tính nếu kế hoạch này được áp dụng đúng, thì sẽ tốn khoảng 1.000 tỷ đô trong một năm (https://taxfoundation.org/blog/expanded-child-tax-credit-permanent/). Bây giờ bà Kamala hứa hẹn sẽ gia tăng từ 2.000 lên tới 6.000, tức là thêm 4.000 đô, tức là tăng hai lần rưỡi, nghĩa là tính đổ đồng, chỉ một chương trình này không sẽ tốn cỡ 2.500 tỷ đô một năm. Chưa kể chương trình tài trợ tiền mua nhà. Xin nhắc lại: đừng hỏi bà Kamala tất cả sẽ tốn bao nhiêu tiền và lấy tiền từ đâu ra. Cũng xin đừng hỏi tung thêm tiền tươi vào thị trường thì giá cả mọi thứ sẽ tăng hay giảm. Chuyện này, ít nhất phải học qua lớp kinh tế nhập môn mới biết, là chuyện bà Kamala không rảnh theo học.
Nhà Nước trả 25.000 đô đầu tiên vào tiền nợ mua nhà cho những người mua nhà lần đầu, báo Mỹ viết là "downpayment assistance". Thông thường, ngân hàng đòi 'trả tiền mặt trước' -'downpayment' là 20%, bà Kamala sẽ tặng 25.000 đô trong số tiền downpayment đó. CNN tung hô đó là biện pháp giúp nhà nghèo có thể mua nhà, nhưng những người hiểu biết về kinh tế nhập môn đều hiểu ngay trợ cấp này sẽ đẩy mạnh giá nhà lên ngay, trong khi giá nhà bây giờ đã quá cao, ngoài tầm tay phần lớn dân chúng rồi.
Chính sách nay, theo tất cả những người đã học qua lớp kinh tế nhập môn, hay đã từng bán rau tại chợ Bà Chiểu, nghĩa là đã có một ý niệm sơ đảng nhất về luật cung cầu trên giá cả, đều thấy ngay hậu quả đầu tiên sẽ là gia tăng giá nhà, hiện nay đã quá cao. Nhiều chuyên gia, tiên đoán thế hệ con chúng ta sẽ là thế hệ cuối cùng thực hiện được giấc mộng sở hữu nhà vì với những thế hệ sau đó, giá nhà sẽ qua khỏi tầm tay của chúng.
Kế hoạch chống lạm phát của bà Kamala sẽ là 'kiểm soát giá, trừng phạt những cơ sở kinh doanh tăng giá bất chính'.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên án ngay: đó chính là chính sách kinh tế chỉ huy theo mô thức xã nghĩa của Cuba, Venezuela, Liên Xô,..., sẽ đẻ ra nạn tích trữ, buôn lậu, khan hiếm hàng ngay. Nôm na ra, theo chính sách của bà xã nghĩa Kamala, giá cả sẽ không còn được định đoạt bằng cân bằng cung cầu thị trường nữa, mà sẽ do các công chức sáng vác ô đi, chiều sách cặp về ấn định trong phòng lạnh, cho cả nước. Chuyện lạ lùng là sách lược này đã được chứng minh thất bại hoàn toàn, chỉ đưa đến những giá cả giả tạo, không đáp ứng luật cung cầu của kinh tế thị trường, rồi đẻ ra nạn khan hiếm hàng hóa thôi. Vậy mà liên danh xã nghĩa Kamala-Walz lại tung ra được.
Công bằng mà nói, trong một vài tiểu bang, biện pháp kiểm soát giá thỉnh thoảng được áp dụng, mang tính cách cứu nguy nhất thời, chẳng hạn như sau một cơn bão hurricane tàn phá cả một phần lớn của một thành phố hay một tiểu bang. Không bao giờ có thể thi hành như một chính sách trường kỳ lâu dài được.
Muốn hiểu rõ vấn đề, xin xem lại thí dụ cụ thể dưới đây.
Giả dụ như một chủ tiệm chạp phô Việt tại Los về Phú Quốc mua một chai nước mắm. Phải trả 5 đô một chai, cũng phải trả 1 đô tiền chở về Mỹ, 2 đô chi phí cho cửa tiệm, cho nhân viên bán hàng, ngoài ra cũng phải thêm 2 đô tiền lời cho chính mình sống, vị chi bán lại chai nước mắm với giá 10 đô. Nhà nước Kamala cho là giá cắt cổ, gây nên lạm phát, cần bảo vệ người tiêu thụ, bắt phải giảm giá còn có 9 đô. Chủ tiệm sợ bị bắt bỏ tù, dĩ nhiên sẽ tuân thủ, bán 9 đô. Người mua vui vẻ mua được giá rẻ. Nhà Nước Kamala đấm ngực khoe công giảm giá. Nhưng rồi ông chủ tiệm chạp phô nghĩ lại, bán với lời quá ít, không đủ sống hay ít nhất, không có lợi, không bõ công, quyết định không bán nước mắm nữa, kết quả cụ thể, thị trường thiếu nước mắm. Đó chính là những gì thực tế đã xẩy ra trong các chế độ kinh tế chỉ huy xã nghĩa, mà lại là chính sách bà Kamala hứa hẹn với dân Mỹ.
Về điểm kiểm soát giá cả này, cũng là điểm quan trọng nhất, báo loa phường Washington Post đã nhận định biện pháp này chỉ xác nhận liên danh Kamala-Walz chính là theo chủ nghĩa cộng sản, sẽ tăng giá thêm nữa chứ không giảm gì hết, không hơn không kém. Xin nhắc lại: đây là quan điểm của Washington Post đấy, chứ không phải là đám cuồng Trump chụp mũ đâu, các con vẹt tị nạn ơi.
Ngoài ra, trong một bài nhận định khác của chính Ban Chủ Biên, WaPo đã thẳng thừng cho kế hoạch chống lạm phát của bà Kamala chỉ là loại "mánh mung tiểu xảo mỵ dân", "populist gimmicks".
Trong khi đó, tạp chí loa phường Newsweek nhận định "kế hoạch chặn tăng giá của bà Kamala đầy vấn nạn", "riddled with problems".
CNN thì công khai phán kế hoạch kiểm soát giá cả của bà Kamala sẽ "không bao giờ thực hiện hữu hiệu được": "not workable". Chẳng những vậy mà còn tăng giá cao lên nữa.
Chưa hết, CNN còn viết:
https://www.foxnews.com/media/harris-price-control-plan-cause-bread-lines-recreate-the-walking-dead-economy-cnn-commentator
Khi các cơ quan loa phường lớn nhất như WaPo, Newsweek, CNN, chê kế hoạch chống lạm phát của bà Kamala thì phải hiểu kế hoạch đó tệ tới mức nào.
Cụ vẹt nào tài giỏi, xin vui lòng phản bác WaPo, Newsweek và CNN đi! Bỏ qua những cái lăng nhăng Trump nói láo, trốn lính, trốn thuế, dâm đảng đi Tám ơi, diễm xưa quá rồi!
Trong khi đó, các chính khách của đảng DC nghĩ gì và nói gì?
Dĩ nhiên, trong tinh thần phe đảng bình thường, đám DC nức nở tung hô chương trình kinh tế của bà Kamala. Đám vẹt tị nạn tự động nhai lại tu mù tịt chẳng hiểu gì về kinh tế hay luật cung cầu. Nhưng nếu quý độc giả theo dõi kỹ, sẽ thấy đám này chỉ tung hô kiểu chung chung theo đúng tinh thần phe đảng, chứ về chi tiết cụ thể, đã gần như không có một tiếng nói nào ca tụng chính sách kiểm soát giá theo mô thức Liên Xô, chỉ vì nó đi ngược lại hoàn toàn tinh thần kinh tế thị trường là mô thức kinh tế nền tảng của xứ Mỹ này, nơi mà giá cả được ấn định bởi luật cung cầu, chứ không phải được ấn định bởi một nhúm công chức ăn hại.
Thượng nghị sĩ DC của Delaware, tiểu bang nhà của Biden, ông Chris Coons đã nhận định "Tôi không nghĩ có gì mang màu sắc cộng sản trong chính sách mang giá nhà và giá thuốc xuống mức có thể mua nổi" (I don’t think there’s anything communist about wanting to make housing more affordable and prescription drugs more affordable). Quý độc giả tinh mắt sẽ thấy ngay ông Coons im re, không dám đả động gì tới chính sách kiểm soát giá cả, bất bỏ tù doanh gia vi phạm bán quá giá Nhà Nước ấn định của bà Kamala, chỉ nói chuyện giá nhà, giá thuốc.
Dân biểu Hakeem Jeffries, lãnh tụ khối thiểu số DC trong hạ viện tuyên bố "Khối DC trong hạ viện sẽ hợp tác với bà Kamala để tìm cách giảm giá thành". Ông không nói gì cụ thể hơn về chính sách kiểm soát giá của bà Kamala.
https://www.politico.com/news/2024/08/18/harris-economic-policy-price-gouging-00174518
Gia tăng vật giá hay lạm phát chỉ là một khía cạnh của kinh tế. Nếu bà Kamala chủ trương giải quyết lạm phát bằng biện pháp kiểm soát giá cả theo mô thức Liên Xô, hay tân thời hơn, theo mô thức Venezuela, thì có nghĩa là cả chính sách kinh tế sẽ theo mô thức của cộng sản Liên Xô - Venezuela, không hơn không kém.
Ở đây, phải nói thêm, không phải tự nhiên bà Kamala có chính sách kinh tế thiên tả. Bà chỉ là chịu ảnh hưởng trực tiếp của bố bà, giáo sư kinh tế Donald Harris của Đại Học Stanford. Ông Harris nổi tiếng là giáo sư có khuynh hướng Mác-xít. Ông dạy về đề tài 'Tân Keynesian áp dụng cho các xứ chậm tiến'.
John Maynard Keynes là kinh tế gia Anh có đại công lớn là phục hồi kinh tế Âu Châu sau sự tàn phá của đệ nhị thế chiến. Khi đó, toàn bộ kinh tế, tức là tất cả các cơ sở kinh doanh tư nhân của cả Âu Châu bị tàn phá không còn manh giáp, không có cơ sở nào ngóc dạy được. Ông Keynes chủ trương Nhà Nước sẽ đóng vai chính, làm đầu tầu phục hồi kinh tế cho tất cả mọi quốc gia, tức là Nhà Nước sẽ tung tiền ra làm đủ loại dự án, mở đủ loại công ty, để giúp tạo công ăn việc làm cũng như tái thiết kinh tế. Tất cả chi phí được đài thọ bằng thâm thủng ngân sách, bằng công nợ chồng chất, mà ông Keynes cho rằng chỉ là những tai họa ngắn hạn. Khi nào kinh tế phục hồi lại được thì thuế thu vào sẽ bù đắp lại thâm thủng ngân sách, giúp Nhà Nước trả nợ. Lý thuyết đó được ông Keynes áp dụng cho Anh Quốc, sau đó lan ra cả Tây Âu, và đã thành công ngoài tưởng tượng, khiến Tây Âu trở nên hùng mạnh rất nhanh trong khi Đông Âu theo mô thức cộng sản, vẫn trong tình trạng thảm hại nhất, cả mấy chục năm sau khi thế chiến chấm dứt. TT Obama trước đây, cũng có lúc muốn thí nghiệm lý thuyết tân Keynesian vào kinh tế Mỹ, tung ra luật gọi là 'HIRE' - Hiring Incentives to Restore Employment Act- tốn gần 18 tỷ đô nhắm vào việc tân trang hệ thống xa lộ và hạ tầng cơ sở khác, nhưng thất bại hoàn toàn, đến độ Obama đã phải nhìn nhận "We're not shovel-ready", nghĩa là nước Mỹ chưa sẵn sàng để có những dự án lên tới cả 18 tỷ đô.
Ông bố bà Kamala dạy thuyết của Keynes áp dụng vào các xứ chậm tiến không có một khu vực kinh doanh tư nhân đủ lớn và mạnh để xây dựng quốc gia, nên Nhà Nước phải đóng vai chủ động đầu tầu. Trên nguyên tắc, nghe hợp lý, nhưng trên thực tế, lại thất bại hoàn toàn khắp nơi, khắp các nước chậm tiến áp dụng thuyết đó, gọi là 'tân Keynesian'.
Thất bại vì lý do chính: mô thức Nhà Nước nắm quyền quyết định hết đưa đến tình trạng một nhúm công chức phe đảng nắm quyền, vừa bất tài vừa tham nhũng. Cứ nhìn 'kinh tế thị trường với cái đuôi xã nghĩa' ở VNCS thì biết. Tóm gọn lại, thuyết kinh tế Keynesian hay thuyết con rơi Tân Keynesian chỉ là mô thức kinh tế Nhà Nước chỉ đạo toàn diện, một bước thấp hơn kinh tế cộng sản, chỉ khác kinh tế cộng sản ở điểm chưa quốc hữu hóa tất cả phương tiện sản xuất, tức là chưa lột hết tài sản của dân thôi.
Bài học thất bại toàn diện của kinh tế chỉ đạo trên khắp thế giới, bà Kamala chưa bao giờ học được, vì quá trình của bà công tố chuyên đi bắt trộm cướp Kamala chưa bao giờ biết gì về kinh tế nhập môn; trong khi ông phó Walz thì ngớ ngẩn muốn thấy mô thức kinh tế Tầu cộng "tất cả đều ngang nhau" trước chén bo bo được áp dụng ở Mỹ.
Các lý thuyết gia kinh tế như bố bà Kamala vẫn tin như đinh đóng cột vào những lý thuyết của mình, và luôn đổ thừa những thất bại thực tế lên đầu những người áp dụng, thi hành sai, đi quá xa hay chưa đi tới nơi. Đám lý thuyết gia xã nghĩa không bao giờ chịu nhìn nhận lý thuyết của mình sai bét, hay hoang tưởng, không thực tế.
Khi bà Kamala hé lộ ra chính sách kinh tế của bà: Nhà Nước cho tiền đầu này, giúp tiền đầu kia, kiểm soát giá cả, thì hiển nhiên bà Kamala đã chịu ảnh hưởng của ông bố, luôn luôn đặt Nhà Nước lên trên hết, tất cả đều cần Nhà Nước và Nhà Nước luôn luôn giúp dân. Đó chính là nên tảng kinh tế xã nghĩa, ngược với quan điểm kinh tế thị trường trong đó Nhà Nước đứng qua lề đường để luật cung cầu điều hành kinh tế.
Chắc chắn sẽ không thiếu cụ vẹt muốn bắt bẻ thế Trump sẽ làm gì để chặn lạm phát? Phải nói ngay cho rõ: về phía CH, khỏi nói thì ai cũng biết Trump là một nhà đại tư bản, dĩ nhiên chủ trương áp dụng kinh tế thị trường cạnh tranh tối đa trong nước, nhưng lại bác bỏ hết những liên minh mậu dịch quốc tế chỉ có mục đích vắt sữa con bò vàng Mỹ.
Riêng về kế hoạch trong chống lạm phát của ông Trump, chắc chắn sẽ không có chuyện kiểm soát giá, bắt chủ kinh doanh bỏ tù, theo như mô thức Liên Xô, phá nát nền tảng của kinh tế thị trường chịu sự chi phối của luật cung cầu. Kế hoạch chống lạm phát của ông Trump gồm 4 điểm chính như dưới đây, một cách tóm gọn nhất:
- Hạ giá dầu xăng, là sản phẩm hay yếu tố cấu thành giá thành quan trọng nhất, bằng cách mở rộng việc khai thác dầu Mỹ, vừa gia tăng cung, vừa bớt lệ thuộc vào dầu nhập cảng.
- Cắt bỏ bớt luật lệ kinh doanh, vừa quá rườm rà phiền toái, vừa đóng góp cho việc tăng giá thành của tất cả mọi sản phẩm.
- Giảm thuế lợi tức, nhất là thuế trên lợi nhuận công ty, vừa giúp giảm giá thành của sản phẩm, vừa giúp các công ty có thêm tiền đầu tư, mở hãng xưởng, gia tăng sản xuất, cung cấp thêm hàng hóa cũng như công ăn việc làm cho dân.
- Gia tăng thuế quan đánh trên hàng nhập để giúp phát triển kinh tế Mỹ, vừa giảm sai lệch cán cân mậu dịch, vừa giúp gia tăng sản xuất và giảm giá hàng nội địa Mỹ.
Quý độc giả có thể so sánh và cân nhắc chính sách trên của ông Trump, so với chính sách của bà Kamala, dùng nhà tù để kẹp cổ doanh gia phải tôn trọng giá cả do một nhúm công chức ấn định một cách tùy tiện gần như vô căn cứ. Nếu quý vị còn biết cân nhắc những cái tốt, cái xấu của các chính sách, tất nhiên sẽ biết phải bỏ phiếu cho ai. Nếu quý vị bất cần biết chuyện chính sách, chỉ bỏ phiếu theo ngoại hình, cười hô hố hay không, đeo cà vạt ngắn hay dài,... thì tất nhiên quý vị cũng biết sẽ phải bầu cho ai, miễn bàn thêm.
Nhận xét
Đăng nhận xét