'Mổ heo lấy thịt': Phanh phui cơ sở lừa đảo Trung Quốc trên đảo nhỏ ở châu Âu
'Mổ heo lấy thịt':
Phanh phui cơ sở lừa đảo Trung Quốc trên đảo nhỏ ở châu Âu
Một khách sạn bên bờ biển và các trụ sở ngân hàng cũ trên đảo Man (Isle of Man) là nơi ẩn náu của những kẻ lừa đảo hàng triệu đô la nhằm vào nạn nhân tại Trung Quốc, theo điều tra của BBC World Service.
Chúng tôi được cho biết, tại nhà hàng và sảnh chính khách sạn Seaview ở Douglas luôn có hàng chục nhân viên Trung Quốc chen chúc, cùng những máy tính được kết nối băng thông rộng. Một dàn bếp chuyên dụng đã được chuyển đến nhà bếp của khách sạn.
Hoạt động lừa đảo, diễn ra trong khoảng từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2023, sử dụng một chiêu thức được gọi là "mổ heo lấy thịt", theo hồ sơ của tòa án Trung Quốc.
Sở dĩ gọi như vậy là bởi vì công đoạn then chốt nhất để một phi vụ lừa đảo trót lọt là "vỗ béo heo" - tức lấy lòng tin của nạn nhân.
BBC đã mất gần một năm để điều tra toàn diện về cách thức triển khai hoạt động lừa đảo đầu tư trên hòn đảo Man thuộc lãnh địa vương quyền Hoàng gia Anh và có một chính quyền độc lập.
Chúng tôi cũng phát hiện những chi tiết khác, chẳng hạn việc những ông trùm có tham vọng xây một khu phức hợp văn phòng hiện đại bậc nhất nhìn ra biển Ireland.
Ngoài chuyện thu thập hồ sơ vụ án, chúng tôi cũng đã tiếp cận các tài liệu bị rò rỉ và nói chuyện với những người bên trong công ty.
Chụp lại hình ảnh,Khách sạn Seaview ở thủ phủ Douglas của đảo Man, nơi những kẻ lừa đảo người Trung Quốc thành lập căn cứ đầu tiên
Cựu nhân viên Jordan [không phải tên thật] nói với chúng tôi rằng ông đã không hề biết về thế giới đen tối mà bản thân sắp sa chân vào khi đến đảo Man.
Ông cho biết đã cảm thấy nhẹ nhõm khi tìm được thứ mà ông gọi là một công việc hành chính ổn định.
Tuy nhiên, Jordan lại phát hiện ra rằng người chủ mới của mình dường như khá bí ẩn, ví dụ như ông và các đồng nghiệp bị cấm chụp ảnh trong sự kiện xã hội của công ty.
Có một điều mà Jordan nói là ông đã không nhận ra, đó là nhiều đồng nghiệp Trung Quốc của ông thật sự là những tay lừa đảo điêu luyện.
Vào cuối năm 2021, gần 100 người đã được đưa đến đảo Man để làm việc cho một công ty, mà trong hồ sơ của tòa án Trung Quốc được đề cập với cái tên là "MIC".
Những người này đến từ Philippines, nơi họ từng làm việc cho một công ty lừa đảo khác. BBC phát hiện MIC là tên viết tắt của Manx Internet Commerce.
Trên đảo Man, MIC thuộc một nhóm các công ty có móc nối với nhau, tất cả đều có chung một chủ.
Một sòng bài trực tuyến do công ty King Game điều hành là nổi trội nhất trong số đó. Ở Trung Quốc đại lục, đánh bạc là bất hợp pháp.
Việc lập một công ty cách nửa vòng Trái Đất đồng nghĩa những người sáng lập không những có thể nhắm đến khách hàng Trung Quốc, mà còn tận dụng được mức thuế thấp trong lĩnh vực sòng bài.
Những kẻ lừa đảo Trung Quốc sau đó chuyển sang trụ sở khác, những văn phòng ngân hàng cũ
Vài tháng sau khi đóng đô tại khách sạn Seaview ở Douglas, các nhân viên của MIC được chuyển sang nơi khác, là các văn phòng ngân hàng cũ ở phía đông thị trấn.
Và đây là nơi mà Jordan cho biết thỉnh thoảng ông nghe những tiếng hò reo ăn mừng của các đồng nghiệp mới, những người làm việc theo nhóm gồm bốn người.
Ông cho rằng những người đó đang ăn mừng khi lừa đảo thành công thêm một nạn nhân nữa, từ nơi cách xa chừng hơn 8.000 km.
Lúc trở về quê nhà ở Trung Quốc, sáu người làm việc cho MIC ở thủ phủ Douglas của đảo Man đã bị kết tội tiến hành lừa đảo nhằm vào công dân Trung Quốc.
Các vụ án, được đưa ra xét xử hồi cuối năm 2023, đã phơi bày chi tiết về dòng tiền bất hợp pháp.
Các nạn nhân đã bị các bị cáo và những kẻ đồng lõa làm việc ở các trụ sở trên đảo Man và Philippines dụ dỗ, theo hồ sơ từ tòa án Trung Quốc.
Theo tòa án Trung Quốc, các bị cáo làm theo nhóm để lôi kéo những nhà đầu tư Trung Quốc vào các nhóm chat trên QQ, một dịch vụ nhắn tin của Trung Quốc tương tự như WhatsApp.
Một kẻ lừa đảo sẽ đóng vai một "giáo viên" đầu tư còn người khác giả dạng là các nhà đầu tư chung.
BBC đã xem bằng chứng, bao gồm hồ sơ vụ án, cho thấy nhiều người trong số này đến từ Philippines đến Douglas đã tham gia vào hoạt động lừa đảo. Tất cả sử dụng chung máy tính, phụ thuộc vào ứng dụng chat QQ để làm việc, tất cả có chức vụ như nhau, trừ một vài quản lý.
Chụp lại hình ảnh,Người thụ hưởng duy nhất của công ty là ông Bill Morgan, còn được biết tới với tên Liang Lingfei (Lương Lăng Phi). Hộ chiếu Cộng hòa Dominica của Lương Lăng Phi cho thấy cái tên khác của ông ta là Bill Morgan.
Các nhà đầu tư giả mạo luôn tập trung tạo ra một không khí phấn khích và hào hứng xung quanh các kỹ năng kiếm tiền của "giáo viên", sau đó kêu gọi nạn nhân bỏ tiền vào một nền tảng đầu tư cụ thể, theo tòa án tại Trung Quốc.
Mờ mắt trước những lời có cánh, nạn nhân dần bị những kẻ lừa đảo moi tiền. Những kẻ này kiểm soát các nền tảng đó và có thể thao túng đằng sau hậu trường.
Tòa án Trung Quốc nói rất khó để xác minh tổng thiệt hại của các nạn nhân, 12 nạn nhân đã bị lừa khoảng 38,87 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 132 tỷ đồng).
Dựa theo bằng chứng bao gồm những lời thú tội của các bị cáo, cũng như thông tin đi lại và tài chính, lịch sử trò chuyện trên các ứng dụng, tòa đã kết luận sáu bị cáo có tội.
Đây không chỉ là chiêu trò lừa đảo sinh lời mà còn rất tinh vi, theo hồ sơ tòa án, đội lừa đảo ở tuyến đầu sử dụng chiêu trò "mổ heo lấy thịt" với khả năng thuyết phục cao và các kỹ năng điêu luyện khác.
BBC phát hiện danh tính của người thụ hưởng duy nhất của các công ty đó. Tên của người này đã bị giấu bên dưới các đống giấy tờ hành chính.
MIC và các công ty liên quan đều thuộc một quỹ tín thác được một cá nhân mang tên "Bill Morgan" thành lập, các tài liệu cho thấy người đàn ông này có tên là Liang Lingfei (Lương Lăng Phi). Các nhân viên gọi ông ta là "Sếp Lương", Jordan cho biết.
Hồ sơ tòa án đề cập đến một người đàn ông có tên là Lương Lăng Phi, đồng sáng lập của công ty MIC trên đảo Man, được mô tả là "một tổ chức tội phạm tương đối vững chắc, được thành lập để tiến hành các hoạt động lừa đảo". Ông Lương không phải là một trong những người bị truy tố hoặc phải trình diện tại tòa.
Tòa án nói ông Lương là người đồng sáng lập của tổ chức lừa đảo ở Philippines. BBC đã xem bằng chứng về việc nhiều nhân viên của MIC làm việc ở đó trước khi được chuyển sang đảo Man.
Cuộc điều tra của chúng tôi cũng phát hiện ông Lương đã được cấp thị thực đầu tư đảo Man và tham dự nhiều sự kiện của công ty trên hòn đảo này. Vợ ông ta cũng có một ngôi nhà tại thị trấn Ballasalla, gần sân bay của hòn đảo.
Nhóm các công ty trên đảo Man rất tham vọng, đã ký một thỏa thuận hồi cuối năm ngoái để làm một trụ sở với "khuôn viên có công viên" hoành tráng ở địa điểm từng là một căn cứ huấn luyện hải quân.
Người phát ngôn của các công ty phát triển bất động sản này mô tả đây là "khoản đầu tư tư nhân lớn nhất trên đảo Man".
Bản phối cảnh của các kiến trúc sư cho thấy các tòa nhà văn phòng trên một con đồi nhìn hướng ra biển ở Douglas. Bên trong là các căn hộ sang trọng, một trung tâm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, một số quán bar và một sảnh karaoke.
Khuôn viên này được dành cho các nhân viên của MIC và những người làm việc cho các công ty "liên kết" của MIC, bao gồm những người tham gia đánh bạc trực tuyến, tài liệu quy hoạch cho thấy.
Một địa điểm từng được lên kế hoạch trở thành trụ sở hoành tráng của nhóm lừa đảo giờ đây đã bị bỏ hoang
Theo các ước tính khiêm tốn, doanh thu thường niên trên toàn cầu của ngành "mổ heo lấy thịt" đạt hơn 60 tỷ USD.
"Đây là vụ đầu tiên mà chúng tôi thấy một trong những cơ sở lừa đảo được thiết lập ở một quốc gia phương Tây," ông Masood Karimipour, chuyên gia của Liên Hợp Quốc về tội phạm có tổ chức, người thường tập trung tới vấn đề ở Đông Nam Á, cho biết.
Việc tìm cách ngăn chặn nạn lừa đảo này giống trò "đập chuột chũi", ông nói, và đây là một cuộc chiến mà "tội phạm có tổ chức đang thắng thế" khi những kẻ tội phạm tìm cách trục lợi ở những nơi chúng nhận thấy có lỗ hổng pháp lý và ít sự giám sát.
Bất kỳ tham vọng nào mà nhóm các công ty này đề ra ở đảo Man - hợp pháp hoặc phi pháp - dường như đã đến hồi kết.
Hồi tháng Tư, cảnh sát đã tiến hành truy quét các văn phòng ngân hàng cũ. Họ cũng nhắm đến một địa chỉ gần tòa nhà Tòa án Công lý của đảo Man, bằng cách sử dụng thang để đột nhập thông qua cửa sổ ở tầng một vào sáng sớm.
Trong một thông cáo được công bố không lâu sau đó, cảnh sát nói các cuộc truy quét có liên quan đến một cuộc điều tra rửa tiền và gian lận quy mô rộng hơn có liên quan đến công ty King Gaming Ltd IOM. Bảy người đã bị bắt giữ và được bảo lãnh tại ngoại, cảnh sát cho biết thêm.
Kể từ đó, thêm ba người nữa đã bị bắt giữ.
Hồi đầu tháng 8, các quản tài viên đã được bổ nhiệm cho các công ty trong nhóm - bao gồm MIC và King Gaming Ltd IOM - theo yêu cầu của tổng chưởng lý đảo Man.
Cơ quan quản lý sòng bài đảo Man đã tước giấy phép các công ty sòng bài có liên quan tới MIC.
Địa điểm khu quy hoạch khuôn viên đã được chặt cây và bảng chỉ dẫn đã được dựng lên - nhưng việc triển khai đang bị hoãn vô thời hạn.
BBC liên tục liên lạc qua một số phương tiện để gặp các công ty liên quan, cũng như ông Bill Morgan/Lương Lăng Phi và các giám đốc công ty, nhưng không nhận được phản hồi.
Chúng tôi cũng cố gắng liên lạc với khách sạn Seaview nhưng không nhận được sự hồi đáp, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ ai biết về những hoạt động phi pháp đang diễn ra tại các tòa nhà đó.
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét