Cam Ranh - Một Địa Danh Trong Lịch Sử

Cam Ranh - Một Địa Danh Trong Lịch Sử
BĐQ Đỗ Như Quyên
Vào năm 1653, sau khi chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) ở Đàng Trong đánh bại quân Chiêm Thành tại Phú Yên, vua Po Nraop (-?) tức Bà Tấm của Chiêm Thành đầu hàng và chịu cắt đất từ Phú Yên đến sông Phan Lang (Bắc - Phan Rang ngày nay). Chúa Nguyễn Phúc Tần cho đặt tên vùng đất mới này là dinh Thái Khương (Ninh Hòa ngày nay) rồi đổi là dinh Thái Khang, sau lại đổi dinh Thái Khang thành phủ Diên Khánh (tức Khánh Hòa bây giờ).. Dinh Thái Khang thuở đầu có hai phủ, năm huyện, Cam Ranh là phần đất nằm trong huyện Vĩnh Xương (huyện này có các tổng: Thịnh Xương; Thuỷ Triều; Cam Linh và sáu tổng ở miền núi).
Hai chữ Cam Ranh lần đầu thấy xuất hiện là ở trong cuốn: "Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư". Đây là một cuốn sách vẽ đường sá, bản đồ nước Việt Nam do ông Đỗ Bá tự Công Đạo, có tên khác là Đỗ Công Luận ( -?) biên soạn vào giữa cuối thế kỷ thứ 17. Trong phần vẽ về vùng Ba Ngòi (sông Tam Độc), thấy ghi Cam Ranh Môn (Cửa Cam Ranh).
Tới gần cuối thế kỷ thứ 18, ông Đoan Quận Công - Bùi Thế Đạt (1704 - 1778) cũng có soạn một cuốn sách bản đồ: "Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ", nhưng nói tới Cam Ranh với một tên khác là Cam Linh Môn với ghi chú: "Cam Linh Môn thâm đại" ( "Cửa Cam Linh rất sâu").
Thời Nhà Tây Sơn (1788 1802), Hoàng Đế Quang Trung (1753 - 1792) từng giao cho tướng Trần Quang Diệu (1760 - 1802) trấn giữ thành Diên Khánh. Vị tướng này cũng nhắc đến Cam Ranh trong một bài thơ như sau: "Diên Khánh sông núi đẹp. Cam Ranh thế biển sâu. Thái bình nên gắng sức. Giữ nước thề cùng nhau".
Có nhiều bài viết cho rằng nghĩa của hai chữ Cam Ranh là "Suối Nước Ngọt", nhưng cũng có những bài viết khác thì lại nói Cam Ranh là chữ phiên âm từ tiếng của đồng bào Chàm và Ê Đê là Kăm Mran, nghĩa là "Bến Thuyền". Về ý nghĩa của hai chữ Cam Ranh, chúng ta nên cho qua vì đây không phải là trọng tâm của bài viết này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ qua về địa lý của Cam Ranh, cùng lần theo những tháng, năm đã qua và tìm lại những sự kiện nổi bật nhất đã làm điạ danh Cam Ranh đi vào lịch sử.
Người ta cho rằng Cam Ranh của Việt Nam là một trong ba hải cảng thiên nhiên có vị trí tốt nhất trên thế giới về quân sự, hai nơi khác là San Francisco ở Mỹ và Rio de Janéro của Ba Tây (Brazil).
Cam Ranh nằm ở phần phía Nam miền Trung nước Việt, vị trí bản đồ là 11 độ 54' 31.68 vĩ độ Bắc (vĩ tuyến) và 109 độ 08' 52. 45 kinh độ Đông (kinh tuyến). Cam Ranh cách Nha Trang ở hướng Bắc khoảng hơn 35km, cách Phan Rang ở hướng Nam chừng 42km, cách Hà Nội khoảng 1340km và cách Sài Gòn 400km, cách quần đảo Trường Sa chừng 600km.
Về mặt địa chất, vịnh Cam Ranh được tạo nên từ một nhánh cuả dãy núi Đồng Bò (có tên khác là Hoàng Ngưu Sơn), cao khoảng 927m, chạy từ Mũi Cù Hin từ Bắc xuống Nam tới Mũi Điện, kéo dài hơn 30km qua những đồi cát, núi nhỏ như Cù Hin; núi Ké; núi Thạnh Đức (có tên khác là Phụng Hoàng Sơn) v.v và tạo thành một bán đảo lớn hướng chính Đông ở Mũi Chà Dà, tức bán đảo Cam Ranh. Một nhánh khác cuả núi Chúa, cao khoảng 1.040m, chạy từ hướng Nam lên Bắc tới Mũi Đá Há Miệng thì thành một bán đảo nhỏ (Mũi Sộp) ở phía Nam. Ngay trước cửa vịnh là đảo Bình Ba, đảo này có hai núi nhỏ là núi Dự và núi Gò, cao từ 100 đến 200 m. Từ đảo Bình Ba đi vào vịnh ở hướng Bắc thì qua Cửa Nhỏ, rộng khoảng 250m. Đi vào vịnh từ hướng Nam có Cửa Lớn rộng tới 3.500m. Vịnh Cam Ranh có chiều dài hơn 20km, chiều ngang rộng trung bình khoảng 8km, nơi rộng nhất chừng 20km và hẹp nhất khoảng 6km. Diện tích mặt nước cho tàu đậu rộng khoảng 60km2, mực nước trong vịnh sâu từ 12 tới 25m, nơi sâu nhất chừng 30m nằm ở Mũi Hời, đáy hồ rất bằng phẳng và được phủ toàn cát pha bùn.
"Ngó Hòn Nồm chồm chồm chỗ đó
Qua Hòn Nồm mới tỏ Cam Ranh
Vũng Găng đá vách như thành
Vũng Găng đá dựng xung quanh như buồm
"...
(vè của người đi biển thời xưa nói về Cam Ranh)
Tháng 6. 1887, một tàu của Nga có tên "Hiệp Sĩ" dưới quyền thuyền trưởng là Đại Tá Hải Quân S.O. Makarov. Ông được lệnh thực hiện một chuyến đi để quan sát, ghi chép những chi tiết về các hải cảng ở vùng Thái Bình Dương, tới lúc đó hải quân Nga còn biết rất ít về vùng biển này. Chiếc tàu "Hiệp Sĩ" đã đi vòng quanh thế giới trong 6 tháng, ghé vào thăm khoảng 30 hải cảng. Trong tháng 12. 1887, tàu này ghé Bến Nghé, Sài Gòn và Vịnh Cam Ranh. Năm 1901, có một người Pháp là Hầu Tước De Barthelemy ( - ?) đến Cam Ranh lập nghiệp. Ông ta được thực dân ở Đông Pháp chấp thuận cho thuê vài ngàn mẫu đất ở bán đảo Cam Ranh. Ông bắt đầu mộ người đến mở mang nghề làm ruộng muối, phát triển nghề đánh cá, cho lập ra những xóm, làng nhỏ để người làm có nơi ở cố định. Nhiều năm sau, công việc của Hầu Tước Barthelemy trở nên phát đạt, ông cho in những hình ảnh và bản đồ vịnh Cam Ranh, vừa bán vừa tặng gởi đi khắp nơi. Lúc đó, thực dân Tây ở vùng Đông Pháp rất lo lắng trước một thế lực đang lên ở Đông Á là Đế Quốc Nhật, Pháp không muốn những hình ảnh về Cam Ranh sẽ giúp cho Nhật Bản có được bản đồ ở vùng này, vậy là viên toàn quyền ra lệnh thu hồi đất, ông hầu tước đành phải chịu mất nghề từ đó.
Ngày 14. 4. 1905, Đệ Nhị Hải Đoàn Thái Bình Dương (Second Pacific Squadron - tên cũ là Hạm Đội Bantíc, Baltic Fleet) của Đế Quốc Nga, dưới quyền Đô Đốc Zinovy Petrovich Rozhestvensky (1848 - 1909) đã đến vịnh Cam Ranh.
Cuối tháng 4.1905, ba chí sĩ đất Quảng Nam là các ông Phan Châu Trinh (1872 - 1926); Trần Quý Cáp (1870 - 1908); Huỳnh Thúc Kháng ( 1876 - 1947) trên đường "Du Nam" đi ngang qua Cam Ranh thì biết tin có một đoàn tàu Nga La Tư (Russia) đang bỏ neo ở đây. Ba vị tò mò muốn biết văn minh cơ giới của Nga như thế nào nên giả làm thương nhân, đi trên thuyền buôn bán trong vịnh rồi ghé tàu Nga xin phép được lên coi và các vị được toại nguyện.
(Sơ lược về trận hải chiến ở Đối Mã (Tsushima) năm 1905)
Hải trình đường vòng dài 18.000 hải lý (khoảng 33.000km) cuả Hạm Đội Bantíc qua Đại Tây Dương; Ấn Độ Dương; Thái Bình Dương
Ngày 5.2.1904, Đô Đốc Heihachiro Togo (1848 - 1934) của Đế Quốc Nhật ra lệnh tấn công hải cảng Lữ Thuận (Arthur) của Nga (hải cảng này nằm phía Đông Nam - Mãn Châu, đối diện bán đảo Liêu Đông, vào lúc đó do Nga chiếm giữ). Cuộc tấn công mở đầu không được khả quan lắm về phía Nhật, nhưng họ vẫn không bỏ cuộc. Nhiều chiến thuyền được tăng cường, quân Nhật tiếp tục bao vây và tấn công dồn dập vào hải đội bảo vệ hải cảng này. Phía Nga cũng chiến đấu thật dũng mãnh, nhiều lần cố thoát vòng vây để chạy về hải cảng Vladivostok nhưng vẫn không thoát ra được.
Các loại chiến hạm của Nhật Bản bao vây và tấn công quân cảng Lữ Thuận (Arthur) của Nga.
Nga Hoàng Nicolas II (1868 - 1918) liền ra một lệnh táo bạo là đưa Hạm Đội Bantíc ở Bắc - Đại Tây Dương đến giải vây cho cảng Lữ Thuận ở Bắc - Thái Bình Dương. Đúng vào tháng đó biển Bắc Băng Dương gần Bắc Cực nhiều nơi vẫn còn bị đóng băng dày đặc, hạm đội Nga buộc phải đi một đường vòng thật xa mới đến được chiến trường.
Ngày 15. 10. 1904, Đô Đốc Zinovy Petrovich Rozhestvensky (1872 - 1909) dẫn Hạm Đội Bantíc rời nước Nga, hạm đội này từ đây có tên mới là Đệ Nhị Hải Đoàn Thái Bình Dương (Second Pacific Squadron). Ông dự tính sẽ băng ngang kênh đào Suez để rút ngắn hải trình, nhưng vì lo ngại tàu Nhật có thể sẽ phục kích ở đây nên ông đưa hạm đội vòng xuống cực Nam Châu Phi. Khi tới đảo Madagascar phía Đông Nam Châu Phi ngày 2.2 1905, đô đốc Zinovy nhận được tin hải cảng Lữ Thuận đã thất thủ, hải đội ở đó đã bị xóa tên.
Ngày 8. 4. 1905, hạm đội Nga xuất hiện ngoài khơi Tân Gia Ba (Singapore). Sau bốn ngày bỏ neo tại đây, Đệ Nhị Hải Đoàn Thái Bình Dương đến vịnh Cam Ranh, Việt Nam ngày 14. 4. 1905. Lúc biết tin có một đội tàu chiến của Nga xuất hiện trong vịnh Cam Ranh, các quan thuộc địa người Pháp ở địa phương không được yên tâm lắm. Họ lúng túng xua đuổi một cách lấy lệ, chỉ yêu cầu đoàn chiến thuyền Nga mau chóng rời khỏi vịnh Cam Ranh và vùng biển Khánh Hòa. Hạm Đội của Nga cứ chạy lòng vòng trong vùng vịnh để tránh gặp tàu Pháp (không được nhiều).Họ nấn ná ở lại gần nửa tháng để sửa tàu, trữ thêm nước ngọt, lương thực và chờ một hải đội tăng cường đang trên đường đến Cam Ranh.
Ngày 8. 5. 1905, Đệ Tam Hải Đoàn Thái Bình Dương do Phó Đô Đốc Nebogatov chỉ huy đến trình diện đô đốc Zinovy tại vịnh Cam Ranh. Đoàn tàu này chỉ có 1 tuần dương hạm, 1 khu trục hạm bọc sắt và 3 tàu tuần duyên. Sau khi cả hai hải đoàn sáp nhập lại, Đệ Nhị Hải Đoàn Thái Bình Dương có tất cả 45 chiến hạm lớn nhỏ đủ loại, kể cả 10 tàu chở than đá, lương thực và quân dụng (Hạm Đội Thái Bình Dương của Đế Quốc Nga đặt Bộ Tư Lệnh ở quân cảng Vladivostok).
Đêm 19 rạng ngày 20. 5. 1905, hạm đội Nga lặng lẻ rời Cam Ranh. Đoàn tàu vượt qua vùng biển giữa Đài Loan (Taiwan) Phi Luật Tân (Philippines) và tiến về hướng Bắc. Đô đốc Zinovy dự định cho hạm đội đi vòng ngoài xa hướng Đông nước Nhật, ghé cảng Vladivostok để lấy thêm than đá, đạn dược v.v trước khi quay xuống hướng Nam phản công quân Nhật ở hải cảng Lữ Thuận. Nhưng hải trình này sẽ lâu hơn, phải mất cả tháng mới đưa chiến thuyền tới Lữ Thuận mà điều đó thì Nga Hoàng Nicolas II không muốn. Hải trình ngắn nhất để tới cảng Vladivostok buộc phải đi qua eo biển Đối Mã (Tsushima) nhiều nguy hiểm, nằm phía cực Nam của hướng Đông bán đảo Đại Hàn, đối diện với lãnh thổ Nhật Bản hướng Tây Nam. Eo biển này rộng khoảng 200km (120 dặm Anh, mile), sâu từ 90 tới 100m (300 bộ, feet) và có những đảo nhỏ nằm rải rác, tàu khó tránh né nếu gặp lúc sương mù. Hai bên eo biển đều có nhiều núi, đồi nhỏ lô nhô sát bờ, thường xuyên có sóng lớn, gió mạnh và sương mù. Tuy biết có thể gặp bất trắc nhưng Đô Đốc Zinovy buộc phải chọn hải trình ngắn hơn, ông chấp nhận cho hạm đội đi qua eo biển Đối Mã. Đô đốc Togo của Nhật cũng tiên liệu được chuyện này, ông huy động lực lượng hải quân của mình chuẩn bị phục kích hạm đội Nga ở eo biển định mệnh đó.
Eo biển Đối Mã, nơi xảy ra trận hải chiến giữa hai đế quốc Nhật và Nga vào cuối tháng 5 năm 1905.
Nửa đêm 26. 5. 1905, đoàn chiến thuyền Nga tiến vào vùng biển Đối Mã, đô đốc Zinovy hy vọng sáng hôm sau ông ta sẽ đưa hạm đội vượt qua được eo biến nhiều hiểm nguy này.
Sáng ngày 27.5 1905, do gió mạnh, sương mù dày đặc và sóng lớn, đoàn tàu Nga vẫn chưa ra khỏi eo biển Đối Mã. Khoảng 1 giờ 40 chiều, những chiến thuyền của Nhật bất ngờ xuất hiện và bắt đầu tấn công vào đội hình tàu Nga. Lúc đó phía Nga có 6 tuần dương hạm, 5 khu trục hạm, 10 khinh tốc đỉnh phóng ngư lôi, 8 hộ tống hạm, 5 thiết giáp hạm và khoảng 10 tàu vận tải có trang bị hỏa lực. Phía Nhật có 18 thiết giáp hạm, 5 khu trục hạm, 20 hộ tống hạm, 45 chiếc khinh tốc đỉnh phóng ngư lôi. Hạm đội hai bên dàn đội hình hàng ngang đối diện nhau bắn trả dữ dội. Đến khoảng 4 giờ chiều, phía hạm đội Nga bắt đầu tan rã khi đô đốc Togo của Nhật tung ra lực lượng trừ bị là những chiếc khinh tốc đỉnh phóng ngư lôi, loại tàu cảm tử này tuy nhỏ nhưng chạy rất nhanh và có hỏa lực rất mạnh. Tới 6 giờ chiều thì hạm đội Nga kể như không còn, chiếc nào thoát thân được thì cứ chạy. Trận hải chiến ở eo biển Đối Mã kéo dài tới sáng ngày 28.5.1905 mới thực sự kết thúc. Phía Nga tổn thất: 21 chiến hạm bị bắn chìm tại chỗ, 7 chiếc bị hư hại hoàn toàn (không chìm), 7 chiếc bị truy đuổi và bắn chìm ở nơi khác, 6 chiếc bị bắt giữ còn nguyên vẹn, chỉ có 3 chiếc chạy thoát về cảng Vladivostok, Nga tử trận 4.380 người, bị bắt 5.917 người. Phía Nhật: 3 khinh tốc đỉnh bị chìm, 16 chiến hạm bị hư hỏng nặng, 117 người tử trận, 583 người bị thương). Riêng Đô Đốc Zinovy bị thương ở đầu lúc soái hạm bị trúng đạn, thủy thủ đưa ông qua tàu khác chạy ra khỏi eo biển nhưng bị chặn bắt lại. Phó Đô Đốc Nebogatov cũng bị bắt sống. Có vài chiếc tàu của Nga chạy thoát về Cam Ranh và mang theo rất nhiều người bị thương. Số thương binh này được Pháp cho phép đưa về Sài Gòn (bằng tàu Nga), sau đó những người Nga bị chết ở bệnh viện được chôn tại một khu dành cho người Pháp (nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi sau này).
 
 
Tàu chiến của Nga bị thiệt hại nặng trong trận hải chiến ở eo biển Đối Mã trong hai ngày 27 và 28 tháng 5 năm 1905.
 
Chiến hạm Mikasa của Nhật Bản.và một chiến hạm khác của Nhật Bản
Trở lại với Cam Ranh.....
Năm 1911, sau khi chiếm nước Đại Nam, thực dân Pháp cho xây một đồn hải quân nhỏ ở đảo Bình Ba, một đồn ở Mũi Hời, người chỉ huy là Đại Úy Fillommeus (-?).
3. 6. 1939, Pháp khởi sự cho xây một hải cảng hạng trung ở Cam Ranh.
Ngày 8.6. 1939, vua Bảo Đại (1913 - 1997) đã ấn ký chỉ dụ số 17, cùng lúc toàn quyền thực dân ở Đông Pháp là ông Georges Catroux (1877 - 1969) ký một nghị định thư, trong đó quyết định tách một phần đất phía Bắc tỉnh Ninh Thuận để nhập với huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa. Sau đó lập ra một đơn vị hành chánh biệt lập tương đương cấp huyện gọi là Nha Địa Lý Hành Chánh Ba Ngòi, trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 9. 6. 1939, hai chiếc tàu ngầm của Pháp là Phoenix và Hope đến vịnh Cam Ranh (hai chiếc tàu ngầm nêu trên rời cảng Toulon phía Nam nước Pháp ngày 4. 1. 1938 để đi Đông Nam Á, hai chiếc cập cảng Sài Gòn ngày 16. 12. 1938, sau đó đến Cam Ranh ngày 9. 6. 1939 để huấn luyện theo định kỳ). Ở đây hai chiếc sẽ tập lặn nhanh, nổi lên tấn công bất ngờ, phóng ngư lôi vào mục tiêu giả định và bắn đạn thật v.v. Ngày 15. 6. 1939, hai chiếc tàu ngầm bắt đầu tập lặn theo như chương trình huấn luyện, khoảng 15 phút sau, chiếc Hope thì nổi lên đúng giờ nhưng chiếc Phoenix thì không thấy tăm hơi đâu cả, hệ thống vô tuyến (morse) cũng im bặt. Lính Pháp phải xử dụng mọi phương tiện để tìm chiếc tàu ngầm bị chìm lỉm dưới mặt nước. Sau cùng họ cũng tìm ra vị trí cuả chiếc Phoenix bất hạnh, nó nằm bất động trên một bãi cát ngay ngoài cửa vịnh sâu khoảng 90m. Thợ lặn không nghe được một tín hiệu nào phát ra từ bên trong, mọi nỗ lực để mở nắp cửa cứu thủy thủ đoàn cũng không làm được. Tất cả 71 người của chiếc tàu ngầm Phoenix đều chết không lấy được xác, trừ hai người còn sống sót nhờ hôm đó lên bờ làm việc khác. Từ lúc đó cho tới khi cuốn cờ khỏi Việt Nam năm 1954, người Pháp vẫn không biết được nguyên nhân nào đã làm chiếc tàu ngầm Phoenix bị chìm. Hai chiếc tàu ngầm nói trên mỗi chiếc nặng 1.500 tấn, thuộc lớp Pascal của Pháp, mang số Q 157 và Q 158, hạ thủy ngày 21. 10. 1932.
Ngày 10. 12. 1939, Nhật Bản cử Thiếu Tướng Tsuchi Hashi Yuisu (1891 - 1975), Trưởng Phòng 2/ Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Thiên Hoàng của Đế Quốc Nhật đến Hà Nội yêu cầu Pháp ngưng chở hàng hóa lên phía Nam Trung Hoa, kể cả không cho tàu của Trung Hoa Dân Quốc ghé cảng Hải Phòng, Đà Nẵng và Cam Ranh.
Ngày 15. 9. 1940, Nhật lại gởi "tối hậu thư" yêu cầu Pháp phải để họ được quyền kiểm soát các hải cảng ở Việt Nam, trong đó có Cam Ranh.
Ngày 25. 9. 1940, Hải quân Nhật Bản cho đổ quân gồm bộ binh, thiết giáp, pháo binh vv lên bãi biển Đồ Sơn, cảng Hải Phòng và Cam Ranh.
Ngày 27. 9. 1941, một trung đoàn bộ binh của Nhật Bản đổ bộ lên Cam Ranh cùng với chiến xa và pháo binh.
Trong năm 1942, quân đội Nhật hoàn toàn kiểm soát vịnh Cam Ranh. Họ cho xây dựng một phi đạo dài 800m bằng vĩ sắt, chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Mã Lai Á (Malaysia) và Nam Dương (Indonesia).
Ngày 25. 1. 1944, lần đầu không quân Mỹ thả bom vịnh Cam Ranh qua Chiến Dịch Matterhorn. Một phi đội B- 29 đã thả hơn 600 quả mìn thủy lôi để phong tỏa vịnh này.
Ngày 12. 1. 1945, một phi đội khu trục của Mỹ không kích ở vịnh Cam Ranh, phá hủy 20 chiếc thủy phi cơ của Nhật.
Tháng 3. 1947, Nha Địa Lý Hành Chánh Ba Ngòi được chính phủ Quốc Gia Việt Nam đổi thành huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa.
Tháng 7. 1951, chính phủ Quốc Gia Việt Nam cho đổi huyện Cam Lâm thành Nha Bang Tá Cam Lâm, đặt trực thuộc vào Toà Tỉnh Trưởng Khánh Hoà.
Tháng 12. 1954, Nha Bang Tá Cam Lâm được đổi tên thành Nha Đại Diện Hành Chánh Cam Lâm.
Ngày 17. 5. 1958, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ban hành nghị định số 216/ BNV/ NĐ, cho giải tán Nha Đại Diện Hành Chánh Cam Lâm và chính thức đặt tên mới là quận Cam Lâm. Quận này bao gồm toàn vùng bán đảo và vịnh Cam Ranh, tính từ ranh giới dọc theo đọan đường xe lửa phía Tây ra đến đảo Ba Bình ở hướng Đông.
Ngày 6. 4. 1960, lại có sắc lệnh số 84/ BNV/ SL, tách các xã Cam Ly; Cam Thọ, hai thôn Sông Cạn; Ma Dú (xã Cam Lục), thôn Trại Láng (xã Cam Lương), một phần đất thôn Hòa Diêm (xã Cam Lộc)...và tất cả nhập vào quận Du Long tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 2. 5. 1963, một đơn vị đặc nhiệm của Liên Đoàn 35 Công Binh Kiến Tạo - Lục Quân Mỹ (U.S. 35th Army Engineer Construction Group) đến Cam Ranh để phác hoạ một sơ đồ kiến thiết tổng quát cho toàn khu vực quanh vịnh Cam Ranh.
Ngày 19. 7. 1964, tàu USS Epping Forest của Mỹ đến Cam Ranh để khởi sự thăm dò điạ chất, đo đạc mực nước, thủy triều v.v nhằm chuẩn bị cho một căn cứ quân sự hỗn hợp rất quy mô ở cấp chiến lược sẽ được thiết lập trong tương lai.
Ngày 9. 6. 1965, hơn 2.500 quân nhân của Liên Đoàn 35 Công Binh Kiến Tạo do Trung Tá Thomas C. Haskins ( -?) chỉ huy đã đặt chân lên những bải cát của Cam Ranh. Liên đoàn này có các đơn vị cơ hữu như: Tiểu Đoàn 84 Công Binh (84th Engineer Battaion); Tiểu Đoàn 864 Công Binh (864th Engineer Battalion); Đại Đội 513 Công Binh (513rd Engineer Company, xe ben, xe xúc, xe ủi v.v); Đại Đội 584 Công Binh (584th Engineer Company, cơ khí nhẹ); Đại đội 178 Công Binh (178th Engineer Company, bảo trì); Đại Đội 53 Công Binh (53rd Engineer Company, hành chánh - tiếp liệu).
Liên Đoàn 35 Công Binh Kiến Tạo được không vận khỏi hậu cứ ở Fort Polk, tiểu bang Louisiana sáng ngày 12. 5. 1965 đến Bắc tiểu bang California, rời quân cảng San Francisco trên Dương Vận Hạm USNS Eltinge chiều ngày 13. 5. 1965. Đơn vị dự tính sẽ tới Việt Nam ngày 30. 5 nhưng con tàu bị chết máy giữa biển, phải nhờ tàu khác kéo đến nơi gần nhất là đảo Midway cách con tàu 500 hải lý. Sau đó toàn đơn vị phải chuyển qua tàu khác là Dương Vận Hạm USNS Barrett mới đến được vịnh Cam Ranh ngày 9. 6. 1965. (Đây là đơn vị công binh thứ nhất của quân đội Liên Bang Mỹ đến Cam Ranh nên chúng tôi phải chép vào đây. Sau đơn vị nêu trên vẫn còn những đơn vị công binh khác của không quân, hải quân (Ong Biển), bộ binh v.v tiếp tục đến Cam Ranh cho tới năm 1968.
Hình từ không ảnh Vịnh Cam Ranh tháng 12. 1965.
Xe ban đất bắt đầu công việc tại Cam Ranh trong tháng 5. 1965 và.doanh trại dã chiến tạm thời được dựng lên cuối năm 1965.
Ngay sau lúc công binh Mỹ đến Cam Ranh thì các nhà thầu dân sự của Mỹ cũng kéo đến. Theo một nghiên cứu riêng của chúng tôi thì, đây là sự kiện mới lạ lần đầu xảy ra trong lịch sử "chiến chinh quốc tế" của quân đội thuộc Liên Bang Mỹ. Trước đó, lính "yankee" (yankee troops) đã tham dự nhiều cuộc chiến ở ngoài lãnh thổ cuả mình, dân Mỹ chớ được phép đến những nơi ấy. Nhưng chỉ có cuộc chiến ở Việt Nam giữa tư bản quốc tế và cộng sản quốc tế mới có hiện tượng hàng chục công ty, hãng thầu tư nhân công khai ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng trong nhiều lãnh vực. Rồi họ lũ lượt kéo tới thiết lập cơ sở làm ăn cách những chiến trường khốc liệt chẳng xa lắm. Lúc đó có ba nơi mà họ kéo tới đông nhất là Đà Nẵng; Cam Ranh và Long Bình. Ở đây chúng tôi chỉ nói tới Cam Ranh vì sự hình thành nên căn cứ quân sự hỗn hợp này, ngoài công binh của quân đội, thì còn có một siêu công ty, siêu nhà thầu góp tay vào là hãng RMK - BRJ (Raymond international and Morrison - Knudsen -- Brown and Root J.A. Jones) Siêu công ty này với hợp đồng ban đầu ở khu vực Cam Ranh chỉ có 300 triệu Mỹ kim, sau khi căn cứ này hoàn tất mọi mặt vào năm 1968 thì tổng số tiền mà RMK -- BRJ ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Mỹ lên tới 2. 2 tỹ đô la, chỉ riêng ở Cam Ranh mà thôi).
Hải quân Mỹ bắt đầu tới Cam Ranh tháng 2. 1966
Phi trường Cam Ranh được thiết lập
Các bến để tàu cập được lần lượt xây dựng
Dự án thiết lập cân cứ quân sự hỗn hợp (không quân- hải quân- bộ binh và …dân sự) ở Cam Ranh quan trọng đến mức được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Đô Đốc Harry D. Felt (1902 - 1992), Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ - Thái Bình Dương (Commander in Chief of U.S. Pacific Forces). Bắt đầu từ tháng 7 năm 1965, công binh Mỹ và hãng thầu RMK - BRJ gấp rút làm việc. Trước nhất họ phải san bằng những mô, gò, đồi cát nhấp nhô khắp bán đảo, con số chung được ước tính rằng 4 triệu thước vuông cát (thước Anh - yard) sẽ được ủi dọn san bằng để làm hai đường băng cho máy bay, các vị trí yểm trợ, phòng thủ, giao thông v.v ở quanh khu vực phi trường (Trung Tâm Huấn Luyện ở Động Bà Thìn của Lực Lượng Đặc Biệt/ QLVNCH ở bờ Tây Nam bên trong vịnh cũng được làm một sân bay dã chiến cho các loại máy bay như L- 19 (quan sát), C- 123, vận tải). Sau cùng, những nơi được san bằng ở khu vực vịnh Cam Ranh có diện tích rộng khoảng 1 triệu 400.000 bộ vuông (square feet).
Phi trường chính của Cam Ranh ở ngoài bán đảo, nằm theo trục Đông Bắc - Tây Nam với hai phi đạo (đường băng), một được đúc bằng xi măng đặc và lưới thép, một được lót vĩ nhôm nhưng máy bay hạng nặng vẫn có thể đáp được, chiều dài mỗi đường khoảng 3.645m (khoảng 10.000feet), bề ngang rộng 45m, các ô đất vuông trống trải quanh hai phi đạo rộng 75m mỗi cạnh. Những nơi như 36 khu nhà kho khổng lồ chứa lương thực khô, thực phẩm đông lạnh, 30 nhà kho của quân nhu rộng 800.000 bộ vuông, 380 khu vực chứa bom, đạn dược, nhiên liệu (vừa trên mặt đất vừa chìm dưới đất), 8 bến cảng lớn, nhỏ (ban đầu), 15 khu vực doanh trại cho quân nhân, mỗi nơi tiếp nhận khoảng 1.000 người, 5 trung tâm phát điện, 4 trạm khai thác, lọc và phân phối nước ngọt v.v đã chiếm hết 1. 2 triệu bộ vuông (square feet)… Riêng những khu vực tồn trữ nhiên liệu rộng đến mức có thể để 775.000 thùng phuy. Một nhà máy khổng lồ để giặt áo quần, máy sấy v.v rộng tới 70.000 bộ vuông. Một khu nhà máy điện hoạt động suốt ngày đêm phát tỏa dưỡng khí (oxygen và acetylene) khắp vịnh Cam Ranh để làm giảm hơi nóng từ nắng và cát. Một bệnh viện đa khoa có 2.000 giường. Một hệ thống điện lực do hãng Vinnell Corporation thiết trí gồm: 5 trạm phát điện cho hải quân, công suất mỗi trạm là 25.000kilowatts, 8 trạm phát điện cho không quân và bộ binh, mỗi nơi có công suất 1.100kilowatts. Các bến cầu xi măng để tàu đậu có tổng chiều dài khoảng 1.5km, hàng trăm chiếc cầu nhỏ, cống ngầm khắp căn cứ này có chiều dài gộp chung là 4.600m (4.6km), đường sá chằng chịt giăng tỏa khắp chốn có tổng cộng chiều dài 260km, riêng vách và mái nhà (ván ép, kim loại như nhôm, kẽm, nhựa) dùng cho các cơ ngơi trong căn cứ tính chung rộng tới 20 triệu bộ vuông, một nhà máy làm kem, sữa của hãng Meadow - Gold - Dairies v.v và v.v. Nhân viên và công nhân của Việt Nam lẫn Mỹ làm việc thường xuyên ở Cam Ranh là 20.000 người, trong căn cứ cũng có mặt 10.000 quân nhân Mỹ và đồng minh làm việc tại các đơn vị. Lính Mỹ đặt cho căn cứ Cam Ranh một biệt danh là "Cái Thùng Cát" (The Sand Box).
Ngày 29. 7. 1965, hơn 4.000 quân nhân Mỹ của Lữ Đoàn 1/ Sư Đoàn 101 Nhảy Dù tới Cam Ranh.
Ngày 5. 10. 1965, Trung Đoàn 30/ Sư Đoàn Bạch Mã của Cộng Hoà Nam Hàn đến Cam Ranh.
Ngày 25. 10. 1965, qua sắc lệnh số 206/BNV/SL, chính phủ VNCH ấn định ngày 25. 1. 1966 thành lập thị xã Cam Ranh trực thuộc trung ương. Tất cả những phần đất trước kia của quận Cam Lâm bị nhập với quận Du Long tỉnh Ninh Thuận, nay lấy lại để lập ra thị xã Cam Ranh. Điạ lý hành chánh của thị xã Cam Ranh tân lập cũng được thêm vào các xã: Suối Hải; Suối Vĩnh; Suối Hòa; Cam Lộc; Cam Bình; Cam Phúc. Công sở của quận Cam Lâm thì dời đến Suối Dầu.
Ngày 6. 7. 1966, các xã của thị xã Cam Ranh được đổi thành các Khu Phố theo nghị định số 620/BNV/NC/NĐ.
Ngày 26. 10. 1966, Tổng Thống Liên Bang Mỹ, Lyndon Baines Johnson (1908 - 1973) đến thăm Cam Ranh lần thứ nhất. Tổng Thống Mỹ được đón tiếp bởi ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, ông Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.
Tổng Thống Lyndon B. Johnson đến thăm Cam Ranh lần thứ hai, 23/ 12/ 1967.
Ngày 5. 3. 1967, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ký một thỏa ước chấp thuận cho Liên Bang Mỹ được thuê và xử dụng vịnh Cam Ranh dài hạn.
Ngày 20. 2. 1968, theo sắc lệnh số 17/SL/NV thì những xã Cam Sơn, một phần xã Cam Phú; Cam Thượng quận Cam Lâm được tách ra nhập với thị xã Cam Ranh.
Ngày 7. 11. 1970, thị xã Cam Ranh được chia thành Quận Bắc; Quận Nam theo chỉ thị của nghị định số 1048/NĐ/NV. Quận Bắc có các Khu Phố: Suối Hòa; Suối Hải; Suối Vĩnh; Suối Cam, Quận Nam có: Cam Bình; Cam Ranh; Cam Lộc; Cam Phúc; Cam Thịnh; Cam Sơn.
Ngày 1. 1. 1972, đơn vị Mỹ cuối cùng đồn trú ở Cam Ranh là Không Đoàn 483 Không Vận Chiến Thuật bắt đầu cắt giảm các hoạt động, tới ngày 31. 3 thì chính thức ngưng tất cả.
Ngày 15. 5. 1972, căn cứ Cam Ranh được Mỹ bàn giao cho Việt Nam.
Ngày 2. 8. 1972, Đại Tá Trần Công Liễu, Chỉ huy Trưởng BĐQ được chỉ định làm Tư Lệnh Đặc Khu Cam Ranh.
Ngày 14. 3. 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (1923 - 2001) chủ trì một cuộc họp ở Cam Ranh với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm (1925 - ); Đại Tướng Cao Văn Viên (1921 - 2008) TổngTham Mưu Trưởng QLVNCH; Trung Tướng Đặng Văn Quang (1929 - 2011) Phụ Tá An Ninh/ Quân Sự Phủ Tổng Thống; Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (1929 - 1975) Tư Lệnh Quân Đoàn II/ Quân Khu II. Trong cuộc họp này, TT Nguyễn Văn Thiệu đã có các quyết định quan trọng, dẫn tới những chuyển biến bất lợi và đưa nước Việt Nam Cộng Hoà vào tay cộng sản vào ngày 30. 4. 1975.
***
"Nhìn ra nội, ngoại sóng xao
Vát mũi chạy vào Bãi Dài, Con Nghê
Chụt đèn ngó xuống chỉnh ghê
Ngó về Hòn Tý dựa kề Cam Linh
Mò O, Dỏ Tó rất xinh
Lại thêm Đá Vách cận kề Vũng Găng
Vũng Găng, Đá Vách tựa thành
Hai bên núi tấn vây quanh như buồm
"
(vè nói về Cam Ranh thuở xưa).
Sau khi chiếm miền Nam Việt Nam, cộng sản đổi Cam Ranh thành quận với thị trấn là Ba Ngòi, thuộc tỉnh Phú Khánh (tới năm 2.000, cộng sản lại đổi thành thị xã Cam Ranh, thị trấn vẫn là Ba Ngòi).
Ngày 2. 5. 1979, Cộng sản Việt Nam (Cộng Việt) ký một hiệp ước với Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết Nga (Russian Soviet Federated Socialist Republic), qua đó Cộng Việt cho Nga Sô thuê, xử dụng quân cảng và phi trường Cam Ranh trong 25 năm (tiếng Nga ghi Cam Ranh là Kam Pahn).
Ngày 6. 4. 1980, một toán đặc nhiệm 50 người cuả hải quân, không quân Nga Sô đến Cam Ranh. Đây là toán mở đường cho các đơn vị không quân, hải quân, thủy quân lục chiến v.v của Nga Sô sẽ đến trong thời gian sau đó. Phía Nga cũng cho sửa lại những nơi hư hại trong thời chiến, cho thiết trí những cơ cấu cần thiết để thích hợp với kỹ thuật quân sự của Nga Sô. Kế hoạch tái thiết này được một cơ quan hỗn hợp giữa quân sự và dân sự đảm trách có tên Zagrantehs Troi, giám đốc là ông Evgeny Stepanovich Bobrenev ( -?).
Tàu chiến của Nga Sô tại Cam Ranh năm 1981.
Linh Không Quân Nga Sô tại Cam Ranh
Máy bay phản lực của Nga ở Cam Ranh
Các chiến hạm của hải quân Nga Sô, kể cả tàu ngầm nguyên tử, trú đóng tại Cam Ranh có quân số khoảng 1.500 người, 500 lính Thủy Quân Lục Chiến, tất cả thuộc Hải Đoàn 17 Lưu Động trực thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương. Lực lượng không quân thì hỗn hợp của nhiều đơn vị với các loại máy bay vận tải như AN - 24 (20 chiếc): TU -95 (4); TU - 142 (4); TU - 16 (20); AN -24 (15); trực thăng MI - 8 (10) và phản lực Mig - 25 (15 chiếc) v.v. Cấp số của không quân Nga có mặt ở Cam Ranh tương đương một không đoàn chiến thuật, quân số khoảng hơn 3.000 người.
Đêm 12 rạng 13. 2. 1985, một máy bay vận tải loại TU -95 do Thiếu Tá Krivenko chỉ huy cất cánh từ Cam Ranh, sau đó đã bị rơi một cách bí ẩn tại một vùng biển hướng Đông Bắc Cam Ranh khoảng 1.000km. Phi hành đoàn 9 người đều bị mất tích. Đến nay vẫn chưa tìm được vị trí chính xác của chiếc máy bay này.
Ngày 8. 7. 1989, một máy bay vận tải bốn động cơ cánh quạt loại AN -12 đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Lúc chạm đường băng thì một bên càng bánh đáp bị gãy, phi công vội cất cánh lên cao rồi bay về hướng Cam Ranh. Tại phi trường này, nhân viên cấp cứu cho xịt bột xốp dọc theo phi đạo nhưng máy bay lại đáp xuống gần cuối đường băng nên lủi ra ngoài hàng rào và phát nổ. Tai nạn vừa kể làm tử thương 16 lính Nga, 7 lính Việt Nam, 9 phụ nữ và trẻ em là vợ con của cả hai bên Nga và Việt trên chuyến bay đó. Trong số sĩ quan Nga tử nạn có Đô Đốc V. V. Devyataykin, là cố vấn cao cấp cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân của Cộng Việt, ông M. N. Nokchev, Tổng Giám Đốc Trung Tâm Nhiệt Đới Việt - Nga, hai đại tá thuộc Bộ TTM của Cộng Việt.
Ngày 19. 1. 1990, báo Pravda của Nga đưa tin: "...Trong khuôn khổ cắt giảm các hoạt động quân sự tại phía Đông nước Nga, căn cứ theo hiệp ước đã ký với phía Việt Nam, một phần các đơn vị quân sự của Nga đã rút khỏi Việt Nam...."
Ngày 12. 12. 1995, một phi đội 5 chiếc phản lực tiêm kích loại SU - 27 chuyên bay biểu diễn có tên "Những Hiệp Sĩ Nga" bị tai nạn thảm khốc ở vịnh Cam Ranh. Sau khi bay biểu diễn ở Hội Chợ Hàng Không Quốc Tế tại Mã Lai Á, trên đường bay về căn cứ Hạm Đội Thái Bình Dương ở Vladivostok, họ cần đáp xuống Cam Ranh để tiếp nhiên liệu. Hôm đó bầu trời vùng Cam Ranh có mưa và mây mù phủ kín. Đài kiểm soát không lưu gọi lên khuyến cáo không nên đáp vì rất nguy hiểm, các phi công bất chấp lời khuyên đó và quyết định hạ cánh với hợp đoàn 5 chiếc một lúc. Hậu quả có 3 chiếc đâm vào núi nổ tan tành, 2 chiếc còn lại kịp bay tránh trên sườn núi. Những phi công Nga tử nạn là: Đại Tá B. M.. Grigoryev; ba Thiếu Tá: A. N. Syrovoy; N. A. Grechanov; N. B.. Kordyukov.
Theo hiệp ưóc ký kết giữa Nga và Cộng Việt từ ngày 2. 5. 1979 thì Nga được xử dụng vịnh Cam Ranh trong 25 năm. Nhưng tới năm 2.002 thì Nga tuyên bố sẽ chấm dứt việc thuê và ngưng các hoạt động ở Cam Ranh, vì Cộng Việt đòi Nga phải trả thêm mỗi năm 300 triệu đô la !
*******
Người viết bài này cũng có kỷ niệm về Cam Ranh. Lần thứ nhất vào tháng 12. 1974, lúc bốn Đại Đội Thám Kích Biệt Động là 11/ 12/ 14/ 15 cuả bốn Liên Đoàn Biệt Động Quân ở Quân Khu I do Đại Úy Trần Văn Quy chỉ huy được Hải Vận Hạm HQ 505 chở từ Đà Nẵng vào Cam Ranh. Quân nhân của bốn đại đội được tắm biển thoải mái, được mua rẻ và ăn đồ biển no nê trong khi chờ xe quân vận chở về Lò Luyện Thép của BĐQ ở Huấn Khu Dục Mỹ, quận Ninh Hòa. Đầu tháng 2. 1975, lại từ Dục Mỹ xuống Cam Ranh chờ tàu, cũng tắm biến ăn uống thoải mái (lính tác chiến quanh năm nay được như vậy là tốt số lắm rồi). Lần này thì được lên tàu Dương Vận Hạm 801, nhưng không về Đà Nẵng mà được chở thẳng vô Sài Gòn tăng phái cho Liên Đoàn 8/ BĐQ và Biệt Khu Thủ Đô. Tết năm đó ăn tết trong mật khu Lý Văn Mạnh tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Nam thủ đô Sài Gòn. Đầu tháng 3 năm 1975, bốn Đại Đội Thám Kích Biệt Động được trả về cho Quân Khu I. Chúng tôi lại xuống tàu Hải Vận Hạm HQ 505 ở Tân Cảng rồi ra khơi. Tàu ghé Cam Ranh một ngày rồi trực chỉ Đà Nẵng. Không ngờ đó là cái Tết sau cùng của chúng tôi cũng như của người dân Việt Nam Cộng Hòa nói chung, dưới một chính thể Tự Do - Dân Chủ - Nhân Ái - Công Bằng của miền Nam mến yêu.
Sau ngày 30/ 4/ 1975, chúng ta mất tất cả, quê hương rơi vào tay ngụy quyền cộng sản Hà Nội, một băng đảng "hèn với giặc ác với dân" đang bán đất nước cho ngoại bang phương Bắc. Tuy nhiên, dù chúng ta đã mất tất cả nhưng sẽ không bao giờ đánh mất niềm tin vào chính nghĩa của quốc gia và dân tộc. Chúng ta vẫn đang kiên cường đối đầu với bọn cướp nước và bán nước, Rồi cũng đến lúc ngụy quyền cộng sản Hà Nội sẽ sụp đổ, sẽ bị xét xử trước tòa án của dân tộc Việt Nam.
Nguồn tham khảo:

"Cam Ranh Bay": Encyclopaedia Britannica Article.
"Cam Ranh Bay Military History", by Joel Rosenbaunn, www.C - 47A Caribou. com.
"Chapter 3: Initial Engagement of Engineers" (The Early Days In Cam Ranh). U.S. Army Center Of Military History,www. history.army.mil/index.html.
"Lịch sử thế giới", Nguyễn Hiến Lê.
"Official Military Records", Duncan Milne, 1967.
"Phủ Biên Tạp Lục", Lê Quý Đôn.
"Russo - Japanese War: Battle of Tsushima", Military History, www. about. com.
"Soviet Union Pacific Overtures", Jill Smolowe, Time Magazine, 17. 11. 1986.
"The Vietnam Experience, cuốn A Collision of Cultures".
"Việt Nam Sử Lược", Trần Trọng Kim.
"Việt Sử Toàn Thư", Phạm Văn Sơn.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm